Phân tích quy định và thực trạng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Phân tích quy định và thực trạng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Đất là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá có vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển của mỗi quốc gia. Với sự phát triển kinh tế xã hội, biến đổi khí hậu nhanh chóng hiện nay làm một bộ phận đất đai không nhỏ bị biến mất, suy thoái, dần trở nên khan hiếm. Dưới áp lực này, đòi hỏi Nhà nước CHXHCN Việt Nam phải có sự tính toán, phân bổ hợp lý để sử dụng nguồn lực tối đa từ đất đai phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, tránh lãng phí quỹ đất nhưng cũng đồng thời phải bảo vệ được nguồn tài nguyên quý giá này. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, tuy vấn đề về đất đai đã được chú trọng, quá trình triển khai lập và tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập chưa được triệt để giải quyết. Để đi sâu tìm hiểu và nghiên cứu về vấn đề này, em chọn đề tài về những tồn tại, bất cập lớn nhất trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay và những điểm mới trong Luật đất đai 2013 nhằm khắc phục những tình trạng nêu trên.

Khái quát chung về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Khái niệm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Theo Điều 3, Luật đất đai 2013, giải thích về thuật ngữ trong luật đất đai, ta hiểu quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất như sau:

“…

  1. Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế- xã hội và các đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.
  2. Kế hoạch sử dụng đất là việc phân chia quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất.”

Vai trò của công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ trước mắt mà còn cả lâu dài. Thứ nhất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai là một trong những công cụ để quản lý đất đai được thống nhất, thông qua đó, Nhà nước sử dụng quyền định đoạt đối với đất đai. Thứ hai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cơ sở để sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm, tránh tình trạng chồng chéo, gây lãng phí đất đai. Thứ ba, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giúp tránh tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất tùy tiện, mà giúp cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với nhu cầu của thị trường, nâng cao giá trị bất động sản, thúc đẩy nền kinh tế quốc dân phát triển. Thứ tư, việc có sự quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng góp phần nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng. Thứ năm, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một công cụ hữu hiệu thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Đánh giá chung về những tồn tại, bất cập lớn nhất của công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay.

Những tồn tại, bất cập lớn nhất của công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thứ nhất, chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn thấp, thiếu tình đồng bộ, tính khả thi chưa cao. Tính đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng không hợp lí. Có nhiều địa phương việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội dẫn đến nhiều quy hoạch, kế hoạch được đặt ra mà không thể thực hiện do thiếu tính khả thi.

Thứ hai, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ; thực hiện quy hoạch, kế hoạch tùy tiện, kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, nợ đọng. Nhiều dự án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu tính khả thi không thể thực hiện được trong thực tế. Bên cạnh đó, mặc dù luật đã quy định các trường hợp được phép điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch tương đối cụ thể nhưng tình trạng tùy tiện thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch vẫn xảy ra nhiều. Điều này dẫn đến tình trạng lập quy hoạch, kế hoạch tán loạn khiến người đang sử dụng đất chịu nhiều thiệt thòi.

Thứ ba, công tác quy hoạch đô thị thì chú trọng trong khi công tác quy hoạch, kế hoạch xây dựng nông thôn còn nhiều vấn đề lại không được chú trọng giải quyết. Có thể thấy sự tương phản rõ rệt trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở đô thị nông thôn, trong khi quá trình đô thị hóa thì diễn ra với tốc độ chóng mặt trong khi các vùng nông thôn gần như không thay đổi qua nhiều năm. Việc thiếu sự kiểm soát trong việc lập và thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã khiến ở nông thôn nhiều khu đô thị, khu công nghiệp tự phát mọc lên làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đẩy lùi sự tiến bộ của nông thôn.

Thứ tư, tình trạng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không phù hợp dẫn đến lãng phí đất, trong khi nhu cầu người dân và nhu cầu của nền kinh tế – xã hội lại chưa được đáp ứng. Tình trạng ô nhiễm môi trường do quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không hợp lí vẫn tồn tại ở nhiều địa phương, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Thứ năm, tình trạng quy hoạch treo vẫn còn phổ biến ở nước ta. Cả nước hiện nay còn có đến hàng ngàn dự án trong tình trạng này. Hậu quả của nó ảnh hưởng trực tiếp mạnh mẽ đến đại bộ phận người dân đặc biệt là những người đang sống trong khu vực có các dự án quy hoạch treo. Nhà nước thì phải chịu những thiệt hại, lãng phí mà các dự án quy hoạch mãi không hoàn thành này gây ra.

Thứ sáu, chưa phát huy được tính công khai, dân chủ trong quá trình quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Người dân chưa được tiếp cận, nêu ý kiến cũng như phản biện về các vấn đề liên quan đến quá trình lập và thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thứ bảy, các cán bộ có thẩm quyền trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chưa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình để dẫn đến nhiều sai phạm trong quá trình quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Nguyên nhân của những tồn tại, bất cập trên.

Nguyên nhân gây ra những tồn tại, bất cập trên bắt nguồn từ cả phía Nhà nước và cả phía người dân. 

Thứ nhất, nhận thức về Luật đất đai và về vai trò, tầm quan trọng của các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của người dân còn hạn chế.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ làm công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp vừa bị sự hạn chế về chuyên môn, vừa chưa đủ khả năng để nắm bắt sát nhu cầu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Thứ ba, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đòi hỏi nhiều chi phí cho công tác nghiên cứu, tính toán và công tác thực địa nhưng các cấp, ngành lại chỉ bố trí kinh phí cho những công tác này ở mức thấp và thực hiện chậm trễ.

Thứ tư, sự chỉ đạo từ Chính phủ còn thiếu kiên quyết, sự phối hợp giữa các Bộ với địa phương còn chưa chặt chẽ, dẫn tới việc xử lý những phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện còn chưa tốt.

Phân tích quy định và thực trạng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Phân tích quy định và thực trạng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Những điểm mới trong Luật đất đai 2013 về triển khai công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

STT

Điểm mới

Ý nghĩa của điểm mới

1

Bổ sung những quy định quan trọng trong nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cụ thể như sau:

“Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia phải đảm bảo tính đặc thù, liên kết của các vùng kinh tế – xã hội; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã” (Khoản 2, Điều 35);

“Bảo đảm ưu tiên quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường” (Khoản 7 Điều 35);

“Quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt” (Khoản 8, Điều 35).

Nhằm nâng cao vai trò, vị trí của kế hoạch, kế hoạch sử dụng đất là phâ bố đất đai cho các ngành, lĩnh vực sử dụng hợp lý, hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo; khắc phục những khó khắn, bất cập trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất; đồng thời làm căn cứ để văn bản dưới Luật quy định chi tiết trách nhiệm của UBND các cấp trong việc rà soát quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2

“Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm” (Khoản 2, Điều 37)

Việc đổi mới này đi đôi với việc đổi mới về căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là “kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện” nhằm khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đich sử dụng đất tràn lan, tránh tình trạng bỏ hoang hóa, gây lãng phí tài nguyên đất.

3

Quy định cụ thể “Nội dung kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện” tại Khoản 4 Điều 40, trong đó quy định: “Xác định vị trí, diện tích đất phải thu hồi để thực hiện công trình, dự án sử dụng đất vào mục đích quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này trong năm kế hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp xã. Đối với dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn thì phải đồng thời xác định vị trí, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh” (Điểm c, Khoản 4, Điều 40). Đồng thời Luật cũng quy định “Lập bản đồ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện” (Điểm Đ Khoản 4 Điều 40) để thể hiện được công trình, dự án này.

Quy trình lồng nội dung quy hoạch sử dụng đất của các vùng kinh tế – xã hội trong quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất chi tiết của cấp xã trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện nhằm tăng tính liên kết giữa các tỉnh, các vùng; đồng thời rút ngắn thời gian hành thành việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đổi mới trong việc quy định nội dung lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện làm cơ sở thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất gắn với nhu cầu sử dụng đất trong năm của các ngành, lĩnh vực phù hợp với khả năng đầu tư và huy động nguồn lực, khắp phục tình trạng lãng phí trong việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.

4

Về việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử định đất (Điều 43).

Đề cao hơn nữa vai trò của nhân dân trong việc lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

5

Về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bổ sung quy định: “UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất tại quy định tại Khoản 3 Điều 62 của Luật này trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện” (Khoản 3 Điều 45).

Nhằm nâng cao trách nhiệm trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đảm bảo quản lú chặt ché và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.

6

Bổ sung một điều về “Tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” (Điều 47).

Nhằm chấn chỉnh và chuyên môn hóa các tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

7

Bổ sung điểm mới quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể: “Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật” (Khoản 2 Điều 49).

Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

8

Khoản 4 Điều 49 quy định: “Khi kết thúc kỳ quy hoạch sử dụng đất mà các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất chưa thực hiện hết thì vẫn được tiếp tục thực hiện đến khi quy hoạch sử dụng đất kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt”.

Để khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại thời điểm kết thúc kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch sử dụng đất kỳ mới chưa được phê duyệt, tạo điều kiện cho việc thực hiện các dự án đầu tư không bị đình trệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Nhận xét: 

– Hầu hết các đổi mới trong Luật đất đai 2013 giúp giải quyết tốt hơn những tồn tại, bất cập trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

– Tuy nhiên, mặc dù những đổi mới này khắc phục được những bất cập trước đó, nhưng cũng dẫn đến những bất cập khác. 

+ Khi kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chuyển từ 5 năm sang hàng năm, tình trạng giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tràn lan thường vào những năm đầu của kỳ 5 năm chưa được khắc phục triệt để mà chuyển thành đầu nhiệm kỳ hàng năm như hiện nay.

+ Lấy ý kiến của người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên lý thuyết là rất thiết thực, nhắm trực tiếp vào lợi ích của người sử dụng đất, nhưng khi thực hiện trên thực tế lại chỉ mang tính hình thức, thực hiện theo ý chỉ chủ quan của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Sau khi lấy ý kiến của người dân, những ý kiến này không được đánh giá, cân nhắc, xét duyệt để đưa vào áp dụng thực tiễn.

– Ngoài việc sửa đổi những quy định của pháp luật, để khắc phục những bất cập trên còn cần nhiều biện pháp khác thiết thực hơn không chỉ trên lý thuyết mà còn cả trên thực tế. Chẳng hạn như: nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về quy định của pháp luật về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; sử dụng các biện pháp tiên tiến, quan tâm đến sự hài hòa về sử dụng đất với các vấn đề kinh tế, xã hội,…; đẩy mạnh xử lý sai phạm trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;…

Kết luận

Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có tầm quan trong không nhỏ trong công cuộc phát triển nền kinh tế – xã hội một cách bền vững. Do vậy, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần được để ý, chú trọng, tránh tình trạng sử dụng đất bừa bãi, lãng phí, khiến cho nguồn tài nguyên quý giá như đất đai ngày càng giảm sút về số lượng cũng như chất lượng, gây kém hiệu quả về mặt kinh tế. Luật đất đai 2013 ra đời mặc dù chưa triệt để sửa đổi những hạn chế trước đó, nhưng những thay đổi không nhỏ và thiết thực này đã phần nào khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Luật đất đai 2003 trước đó.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Những tồn tại, bất cập lớn nhất trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay và những điểm mới trong Luật đất đai 2013 nhằm khắc phục những tình trạng nêu trên. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top