Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Bồi thường thiệt hại TH vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những chế định luật được hình thành và phát triển sớm nhất trong các chế định luật dân sự. Những quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ngày càng có vai trò quan trọng đối với việc duy trì trật tự xã hội cũng như để đảm bảo lẽ công bằng mà các hệ thống pháp luật đều hướng tới.Việc xây dựng quy định nhằm xác định trường hợp làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là hoàn toàn cần thiết. Trong phạm vi bài tiểu luận này, em xin được phân tích, nêu quan điểm cá nhân về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi trái pháp luật của con người gây ra, cụ thể là hai trường hợp trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng và vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.

Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy Việt Nam chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Phân tích và cho ví dụ minh họa về bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết. Nêu quan điểm cá nhân bình luận và so sánh hai trường hợp này”.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Giáo trình Luật dân sự Việt Nam II (Nhà xuất bản công an nhân dân)
  • Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015
  • Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam- PGS.TS Nguyễn Văn Cừ & PGS.TS Trần Thị Huệ đồng chủ biên (Nhà xuất bản công an nhân dân)
  • Bình luận khoa học bộ luật Dân sự 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (TS Nguyễn Minh Tuấn)
  • Bình luận khoa học hững điểm mới của Bộ luật Dân sự 2015 (TS Nguyễn Minh Tuấn)

Phân tích và cho ví dụ minh họa về bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”.

Như vậy, phòng vệ chính đáng được coi là hành vi hợp pháp nên theo quy định của pháp luật , người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng khi đáp ứng các yêu cầu sau:

Thứ nhất, có hành vi trái pháp luật xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác hoặc xâm phạm tới lợi ích của chính bản thân người phòng vệ chính đáng

Thứ hai, hành vi xâm phạm đến lợi ích của các chủ thể trong xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ sẽ xảy ra ngay tức khắc, đe dọa trực tiếp đến các đối tượng được pháp luật bảo vệ. Người thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng nhằm ngăn chặn thiệt hại đang xảy ra hoặc có nguy cơ sẽ xảy ra. Nếu thiệt hại đã xảy ra hoàn toàn mà một người mới có hành vi chống trả và gây thiệt hại ngược trở lại thì không thể coi là phòng vệ chính đáng.

Thứ ba, hành vi phòng vệ chính đáng là hành vi đáp trả lại hành vi trái pháp luật và gây ra thiệt hại đối với chính người có hành vi trái pháp luật đó. Bởi vì, chính hành vi trái pháp luật đang gây ra thiệt hại hoặc đe dọa sẽ gây ra thiệt hại ngay lập tức nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Thứ tư, hành vi gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng phải là cần thiết và tương xứng với hành vi xâm hại. Hành vi phòng vệ chính đáng được coi là cần thiết khi người thực hiện hành vi này không có sự lựa chọn nào khác trong hoàn cảnh lợi ích của mình hoặc của các chủ thể khác đang bị xâm phạm, nếu không ngăn chặn sẽ để lại hậu quả lớn. Còn hành vi phòng vệ được coi là tương xứng khi hành vi này được thực hiện đúng với mức độ và tính chất của hành vi trái pháp luật.

Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Nếu hành vi phòng vệ không cần thiết hoặc không tương xứng thì người gây thiệt hại vẫn phải bồi thường. Đây chính là trường hợp người phòng vệ đã có hành vi vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng. Tại khoản 2 Điều 22 BLHS 2015 quy định: “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại”.

Vấn đề về trách nhiệm bồi thường đã được quy định trong Điều 594 Bộ luật dân sự 2015:

“Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại

Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại.”

Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại . Bởi vì, hành vi phòng vệ chính đáng không bị coi là hành vi trái pháp luật và người thực hiện hành vi không bị coi là có lỗi, nên dù hành vi đó gây ra hậu quả thì người thực hiện hành vi cũng không phải gánh chịu hậu quả đó.

Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Bởi vì, lúc đó, hành vi vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng bị coi là hành vi trái pháp luật và người thực hiện hành vi đó bị coi là có lỗi. Trong Điều luật này, mức bồi thường thiệt hại mà người thực hiện hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường không được quy định một cách cụ thể. Do đó, thực tiễn đã xảy ra hai luồng ý kiến về mức bồi thường đối với trường hợp này:

Ý kiến thứ nhất cho rằng, người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng chỉ phải bồi thường phần thiệt hại vượt quá giới hạn. Bởi vì ở trong giới hạn, hành vi của họ không bị coi là trái pháp luật, hơn nữa, đây là trường hợp bồi thường thiệt hại khi người bị thiệt hại cũng có một phần lỗi;

Ý kiến thứ hai cho rằng, người gây ra thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra. Bởi vì việc xác định hành vi nằm trong giới hạn hay vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng phải dựa vào tính chất, mức độ của hành vi, và chỉ có một hành vi được thực hiện nên không thể phân đoạn hành vi để xem đoạn nào trong giới hạn, đoạn nào vượt quá giới hạn. Hơn nữa, bồi thường thiệt hại khi người bị thiệt hại khi người thiệt hại cũng có lỗi là trường hợp người bị thiệt hại cũng có lỗi để cho thiệt hại xảy ra với chính mình. Tuy nhiên đối với trường hợp này, người bị thiệt hại có lỗi tấn công người khác chứ không phải có lỗi để thiệt hại xảy ra với mình, chỉ có người thực hiện hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mới bị coi là có lỗi đối với thiệt hại xảy ra.

Theo em, việc xác định mức bồi thường theo ý kiến thứ hai là hợp lý hơn, không gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ việc, Khi mà, thậm chí có những trường hợp chúng ta không thể nào xác định mức thiệt hại trong giới hạn và vượt ra ngoài giới hạn của phòng vệ chính đáng là bao nhiêu. Hơn nữa, rõ ràng trong trường hợp này người gây ra thiệt hại là có lỗi và theo nguyên tắc họ phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại mà bản thân gây ra. Có như vậy quy định của pháp luật mới có tính thống nhất chặt chẽ, khả thi, dễ thực hiện, đảm bảo công bằng xã hội.

Tuy nhiên, nó đòi các cơ quan chức năng phải có sự chuẩn xác, minh bạch trong việc xác định một hành vi gây thiệt hại khi nào là vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng. Bởi chỉ khi xác định đúng tính chất, phạm vi của hành vi gây thiệt hại thì mới đảm bảo việc xác định trách nhiệm bồi thường, mức bồi thường là hợp lí, hợp pháp.

Ví dụ: Qua hệ thống giám sát camera, A là bảo vệ kho nông sản của một nhà máy chế biến phát hiện có một đối tượng B lẻn trèo cổng vào kho, đang trộm cắp tài sản. Khi chạy đến ngăn chặn hành vi của B thì anh A bị B dùng thanh sắt cạnh đó tấn công chống trả. A liền dùng dùi cui gỗ đỡ lại đồng thời vụt 2 phát vào tay B khiến thanh sắt trên tay B rơi xuống đất. B vừa đau vừa sợ nên đã bỏ chạy thoát thân. Thế Nhưng A vẫn đuổi theo ra đến tận cổng, đuổi kịp, A tiếp tục dùng dùi cui gỗ vụt mạnh liên tiếp vào đầu và cổ khiến cho B chấn thương sọ não, tử vong tại chỗ.

Trong trường hợp này, hành vi của A là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và A phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Dù cho B đang trực tiếp xâm hại đến lợi ích, tài sản của nhà máy mà A đang giữ vai trò bảo vệ nhưng hành vi phòng vệ và gây thiệt hại trở lại của A là quá mức cần thiết và không tương xứng. Bởi, khi B bị A chống trả và bị thương, đối tượng đã sợ hãi rồi vùng bỏ chạy thoát thân, không mang theo bất cứ tài sản gì lấy trộm được cùng tẩu thoát, trên tay cũng không còn vũ khí gì để tiếp tục tấn công A. Tuy nhiên, khi đuổi theo ra đến cổng, A đã không do dự liên tục tấn công khiến B tử vong ngay sau đó. Như vậy là hoàn toàn không cần thiết. Với hệ thống camera lắp đặt khắp nơi, A có thể lựa chọn để đói tượng tẩu thoát rồi cung cấp thông tin từ camera cho công an phường xử lý hoặc chỉ cần dùng vũ lực vừa đủ bắt giữ B lại dẫn lên phường… A có nhiều sự lựa chọn để giải quyết vụ việc nhưng lại hành xử nóng vội, vượt quá giới hạn của phòng vệ, gây ra hậu quả chết người.

A ngoài chịu trách nhiệm Hình sự còn phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra, đó là các khoản tiền như chí phí hợp lý cho việc mai táng B, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng (nếu có) và các thiệt hại khác do luật định …


Phân tích và cho ví dụ minh họa về bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết

Theo khoản 1 Điều 171 Bộ luật Dân sự 2015 có nêu rõ: “Tình thế cấp thiết là tình thế một người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn”.

Một người gây thiệt hại trong phạm vi yêu cầu của tình thế cấp thiết không phải bồi thường thiệt hại, bởi vậy, việc xác định đúng tình thế cấp thiết có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại. Một tình thế xảy ra trên thực tế được coi là tình thế cấp thiết khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau:

Tồn tại một nguy cơ thực tế đe dọa đến lợi ích hợp pháp của chính người gây ra thiệt hại hoặc chủ thể khác. Tình thế cấp thiết chỉ tồn tại dưới dạng khả năng mà chưa xảy ra hậu quả trên thực tế nhưng phải là nguy cơ có thực. Nếu nguy cơ không có thực hoặc đã xảy ra thì không thể tồn tại tình thế cấp thiết. Nguy cơ gây ra thiệt hại của tình thế cấp thiết có thể xuất phát từ hành vi con người hoặc do tác động của thiên nhiên hay động vật…

Biện pháp để ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra do tình thế cấp thiết là biện pháp tối ưu, hữu hiệu nhất. Điều này có nghĩa là, người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết phải tính toán, cân nhắc các biện pháp ngăn chặn thiệt hại xảy ra trong tình thế cấp thiết một cách nhanh chóng, linh hoạt. Sau đó người gây thiệt hại phải lựa chọn biện pháp tốt nhất trong những biện pháp có thể sử dụng.

Thiệt hại xảy ra trong tình thế cấp thiết phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Mục đích của việc áp dụng các biện pháp trong tình thế cấp thiết là nhằm ngăn ngừa không cho thiệt hại xảy ra hoặc hạn chế phần nào thiệt hại xảy ra. Bởi vậy, nếu người gây thiệt hại trong tình thiết gây ra một thiệt hại lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa thì không bảo đảm được mục đích của hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết. Hơn nữa, việc gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa để tránh sự lạm dụng tình thế cấp thiết mà gây ra một thiệt hại lớn cho các chủ thể khác.

Trường hợp người gây ra thiệt hại trong tình thế cấp thiết gây ra một thiệt hại lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa thì được coi là gây ra thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết và phải bồi thường phần thiệt hại do vượt quá đó cho người bị thiệt hại.

Trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này được quy định tại Điều 595 Bộ luật dân sự 2015 :

“1. Trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại.

Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.”

Cũng giống như trường hợp thiệt hại xảy ra do thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng, người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong phạm vi yêu cầu của tình thế cấp thiết không phải bồi thường thiệt hại. Bởi vì, hành vi gây thiệt hại trong phạm vi yêu cầu của tình thế cấp thiết không phải là hành vi trái pháp luật, người thực hiện hành vi không bị coi là có lỗi. Trong trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại mới phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Trường hợp một người gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì người đó phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Bởi vì, người gây ra tình thế cấp thiết không trực tiếp gây ra những tổn thất cho người bị thiệt hại nhưng là người đã tạo ra nguy cơ đe dọa gây thiệt hại cho các lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác nên phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Ví dụ: A đang lái xe tải chở vật liệu xây dựng đến công trình, qua một khúc cua gấp và khá khuất tầm nhìn, lúc vừa vào cua thì phát hiện có 1 con bò đang nằm giữa đường. Do đi với tốc độ khá nhanh và bị bất ngờ nên A đánh lái sang phải đâm vào nhà người dân gần đó khiến cửa nhà bị hư hại và một người đang đứng ở sân tưới cây phải đi cấp cứu.

Như vậy, có thể thấy trong trường hợp này, thiệt hại mà A gây ra (tài sản và sức khỏe con người) lớn hơn thiệt hại mà anh cần ngăn chặn. Tình thế cấp thiết đặt ra là anh phải làm sao tránh gây thiệt hại về tài sản là con bò cho chủ sở hữu chúng, tìm biện pháp tối ưu để ngăn chặn thiệt hại xảy ra nhưng A lại gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn là xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Pháp luật không cho phép gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe người khác để khắc phục tình trạng nguy hiểm trong tình thế cấp thiết. Rõ ràng, A đã vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết khi bản thân có nhiều sự lựa chọn để giải quyết tình thế nhưng lại lúng túng khiến cho thiệt hại đáng tiếc hơn xảy ra. A sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường phần thiệt hại vượt quá do hành vi của mình gây nên.


Nêu quan điểm cá nhân bình luận và so sánh hai trường hợp

Nêu quan điểm cá nhân bình luận

Xã hội phát triển mạnh mẽ kéo theo những tranh chấp về quyền và lợi ích nói chung, tranh chấp liên quan đến bồi thường ngoài hợp đồng do hành vi trái pháp luật của con người nói riêng xảy ra ngày càng nhiều, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp. Vì vậy, những quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng và vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết taị các Điều 594, 595 BLDS 2015 là hoàn toàn cần thiết, quan trọng, là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường, đảm bảo công bằng xã hội, quyền và lợi ích của các chủ thể trong xã hội được bảo vệ. Nó cũng phù hợp với nguyên tắc, quy luật ai gây ra thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người khác (trừ trường hợp pháp luật ngoại trừ cho phép).

Luật cũng đã quy định rõ trong từng trường hợp, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm bồi thường: người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, người vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết hay người gây ra tình thiết cấp thiết. Tuy nhiên luật vẫn chưa nêu rõ mức, khoản bồi thường trong trường hợp gây thiệt hại do vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng. Người gây thiệt hại sẽ phải bồi thường toàn bộ hay chỉ bồi thường phần thiệt hại vượt quá? Điều này dẫn đến việc áp dụng pháp luật không được thống nhất, mang tính chủ quan của các thẩm phán trong thực tế khi có những vụ án dân sự được xử người gây ra thiệt hại phải bồi thường toàn bộ nhưng lại có vụ tòa xử người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần vượt quá, và rõ ràng việc xác định phần thiệt hại vượt quá là không thể có độ chính xác, minh bạch cao.

Bên cạnh đó, trong điều 595 cũng chưa quy định trường hợp nếu nguy cơ gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải do hành vi của con người mà là do do thiên nhiên gây ra ( lũ lụt, bão, cháy, động đất…) thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong tình thế cấp thiết đặt ra như thế nào? Trong trường hợp này liệu có phải không đặt ra trách nhiệm bồi thường cho bất cứ ai, người bị thiệt hại phải chấp nhận rủi ro? Hay có các biện pháp bồi thường, khắc phục, hỗ trợ nào khác? Bởi trên thực tế, việc thiên nhiên bất ngờ thay đổi, tác động tạo ra tình thế cấp thiết khiến con người phải lựa chọn gây ra thiệt hại để ngăn chặn thiệt hại lớn hơn là hoàn toàn có thể xảy ra.

Bồi thường thiệt hại TH vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

So sánh

Giống nhau

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong cả 2 trường hợp này đều là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành trái pháp luật của con người gây ra.

Cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng là từ hành vi vượt quá giới hạn gây thiệt mà luật cho phép trong trường hợp đặc biệt.

Khác nhau

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cũng có những điểm khác biệt so với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với những thiệt hại xảy ra trong giới hạn của phòng vệ chính đáng, người bị thiệt hại có thể sẽ không được bồi thường. Song đối với những thiệt hại xảy ra trong phạm vi yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người bị thiệt hại vẫn được bồi thường. Tuy nhiên người chịu trách nhiệm bồi thường không phải là người gây ra thiệt hại mà là người gây ra tình thế cấp thiết

Thứ hai, người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có thể phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra. Người gây thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết chỉ phải bồi thường phần thiệt hại vượt quá yêu cầu.

Thứ ba,trong tình thế cấp thiết, việc xác định thiệt hại vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là hậu quả của hành vi, tức là thiệt hại xảy ra lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Nhưng trong phòng vệ chính đáng, việc xác định vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thường dựa vào tính chất, mức độ của hành vi gây thiệt hại.

Như vậy có thể thấy luật Dân sự Việt Nam quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết là rất cần thiết, quan trọng. Bởi trong thực tế không ít các trường hợp gây thiệt hại như trên đã xảy ra, cần giải quyết, khắc phục hậu quả một cách nhanh chóng, kịp thời. Tuy vẫn tồn tại một số vấn đề trong quy định của luật chưa được chặt chẽ, cụ thể nhưng đây vẫn là cơ sở đầu tiên để xác định trách nhiệm và mức bồi thường thiệt hại đối với người gây ra thiệt hại do hành vi vượt quá của mình


Trên đây là toàn bộ vấn đề giải đáp thắc mắc của mình về vấn đề: Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật trực tuyến của Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588 để được hỗ trợ chi tiết.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top