Thành lập di chúc và hiệu lực pháp lý của việc thành lập di chúc

Bài viết dưới đây của Luật Quang Huy sẽ phân tích tình huống để thấy rõ được vấn đề “Thành lập di chúc và hiệu lực pháp lý của việc thành lập di chúc”:

Ông Hà Trọng P có tài sản là một ngôi nhà với diện tích 100m2 trên địa bàn quận Thanh Xuân thành phố Hà Nội, 1 mảnh vườn 200m2 trên địa bàn quận Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh. Ông P lập di chúc để lại tài sản cho hai con của mình, theo đó tài sản của ông P được chia đều cho hai con. Hỏi:

  1. Nếu ông P công chứng di chúc thì phải công chứng tại Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh? Tại sao?
  2. Nếu ông P không công chứng thì có thể thực hiện chứng thực di chúc được hay không? Việc chứng thực sẽ được thực hiện như thế nào?
  3. Khi ông P qua đời, 2 con phát hiện ra còn mảnh đất tại thành phố Hồ Chí Minh chưa được ông P định đoạt trong di chúc nên đã thỏa thuận phân phia mảnh đất này. Văn bản thỏa thuận được đề nghị công chứng tại một văn phòng công chứng ở Hà Nội, hỏi:
    • Tổ chức hành nghề công chứng ở Hà Nội có thể công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản của 2 con ông P hay không? Tại sao?
    • Thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản được pháp luật hiện hành quy định như thế nào?

Nếu ông P công chứng di chúc thì phải công chứng tại Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh? Tại sao?

Trong trường hợp này ông P hoàn toàn có thể công chứng di chúc tại Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh vì:

Thứ nhất, về điều kiện của người yêu cầu công chứng, căn cứ theo Điều 56 Luật công chứng năm 2014, pháp luật chỉ đặt ra yêu cầu về người yêu cầu công chứng di chúc mà không yêu cầu về tổ chức hành nghề công chứng.

Theo đó người yêu cầu công chứng di chúc phải là người lập di chúc, người lập di chúc này không được ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc mà mình lập ra. Yêu cầu này được đặt ra là để đảm bảo di chúc được lập ra theo đúng ý chí tự nguyện của người lập di chúc. Như vậy người lập du chúc nếu lập trên cơ sở tự nguyện, theo đúng ý chí của mình thì cũng đã đảm bảo tính hợp pháp cho các tài sản đề cập trong di chúc.

Thành lập di chúc và hiệu lực pháp lý của việc thành lập di chúc

Mặt khác, theo Điều 42 Luật công chứng 2014 quy định về phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản:

Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ những trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.

Như vậy công chứng di chúc thì không yêu cầu nhất thiết phải công chứng ở tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có bất động sản được đề cập trong di chúc.

Trường hợp của ông P, ông mong muốn công chứng di chúc để lại tài sản cho hai người con của ông chứ không phải là ông muốn công chứng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, ông P có thể công chứng di chúc tại Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh.

Nếu ông P không công chứng thì có thể thực hiện chứng thực di chúc được hay không? Việc chứng thực sẽ được thực hiện như thế nào?

Ông P có thể thực hiện chứng thực di chúc được, căn cứ vào Điều 635 BLDS 2015, điểm c khoản 3 Điều 167 Luật Đất Đai 2013 và cơ quan có thẩm quyền chứng thực di chúc đó là ủy ban nhân dân xã, căn cứ vào điểm d khoản 3 Điều 167 Luật Đất Đai 2013, điểm e khoản 2 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

Để thực hiện việc chứng thực di chúc, ông P cần thực hiện như sau:

  • Ông P nộp trực tiếp một bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực tại ủy ban nhân dân xã. Bộ hồ sơ gồm:
  • Dự thảo di chúc;
  • Bản sao giấy tờ tùy thân còn giá trị hiệu lực;
  • Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng tài sản.

Thành lập di chúc

Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 167 Luật Đất Đai 2013, khoản 5 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì việc chứng thực sẽ không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực, như vậy ông P có thể nộp hồ sơ yêu cầu chứng thực di chúc tại bất kỳ ủy ban nhân dân xã nào trên địa bàn cả nước.

  • Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực, nếu đầy đủ, tại thời điểm ông P lập di chúc tự nguyện, minh mẫn và nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì thực hiện chứng thực.
  • Ông P phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực.
  • Trong trường hợp ông P không ký được thì phải điểm chỉ, nếu không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có hai người làm chứng. người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự, không có quyền và nghĩa vụ liên quan đến di chúc.

Người thực hiện chứng thực ghi lời chứng theo mẫu quy định; ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực. Đối với di chúc từ hai trang trở lên thì phải đánh số thứ tự, có chữ ký của ông P và người thực hiện chứng thực; sô lượng trang và lời chứng được ghi lại tại trang cuối của di chúc và phải đóng dấu giáp lai.

Khi ông P qua đời, hai con phát hiện ra còn một mảnh đất tại thành phố Hồ Chí Minh chưa được ông P định đoạt trong di chúc nên đã thỏa thuận phân chia mảnh đất này. Văn bản thỏa thuận được đề nghị công chứng tại một văn phòng công chứng ở Hà Nội.

Tổ chức hành nghề công chứng ở Hà Nội có thể công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản của hai con ông P không? Tại sao?

Tổ chức hành nghề công chứng ở Hà Nội không thể công chứng văn bản thảo thuận phân chia di sản của hai con ông P.

Theo như quy định tại Điều 42 Luật Công Chứng 2014 đa số các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động động sản thì đều phải công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở thuộc phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có bất động sản, chỉ trừ ba trường hợp, đó là: công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản mà tài sản liên quan đến bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền liên quan đến bất động sản.

Như vậy pháp luật đặt ra yêu cầu phải công chứng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với những hợp đồng giao dịch liên quan đến chuyển dịch quyền sở hữu; còn những hợp đồng, giao dịch không liên quan đến chuyển dịch quyền sở hữu thì không nhất thiết phải thực hiện công chứng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trong trường hợp này, khi văn bản thỏa thuận này có hiệu lực sẽ phát sinh quyền sở hữu giữa các bên tham gia và sau đó hai bên sẽ tiến hành thủ tục chuyển quyền sở hữu phần tài sản như đã thỏa thuận.

Thành lập di chúc và hiệu lực pháp lý của việc thành lập di chúc
Thành lập di chúc và hiệu lực pháp lý của việc thành lập di chúc

Thủ tục công chứng văn bản phân chia di sản được pháp luật hiện hành quy định như thế nào?

Thứ nhất, người thừa kế theo pháp luật (hai người con ông P) có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình chưa được định đoạt hoặc định đoạt chưa rõ ràng cho ai thì những người thưa kế có quyền thỏa thuận phân chia theo thỏa thuận của họ, đây là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ chuyển quyền sử dụng cho từng người như theo văn bản thỏa thuận.

Thứ hai, trường hợp di sản là quyền sử dụng đất thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó. Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản (ông P) và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế (hai người con).

Quy định này nhằm đảm bảo tính hợp pháp của những di sản để lại cũng như mối quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản, tránh trường hợp di sản để lại cho người không có quyền hưởng.

Thứ ba, công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản (ông P) đúng là người có quyền sử dụng đất và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc không có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không hợp pháp thì từ chối yêu cầu công chứng.

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng. Quy định này đặt ra để đảm bảo công chứng viên kiểm tra hồ sơ yêu cầu công chứng cẩn thận, tránh sai sót.

Thứ tư, văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.

Như vậy thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản gồm:

  • Phiếu yêu cầu công chứng;
  • Dự thảo văn bản thỏa thuận phân chia di sản;
  • Bản sao giấy tờ tùy thân; bản sao giấy tờ liên quan đến việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản;
  • Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất
  • Giấy tờ chứng minh hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản.

Tình huống trên đã giúp chúng ta có cái nhìn khái quát hơn về vấn đề công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, thủ tục yêu cầu công chứng những loại giấy tờ này cũng như tổ chức hành nghề công chứng nào được quyền công chứng trong những trường hợp cụ thể.


Trên đây là toàn bộ vấn đề giải đáp thắc mắc của mình về vấn đề: Thành lập di chúc và hiệu lực pháp lý của việc thành lập di chúc. Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật trực tuyến của Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588 để được hỗ trợ chi tiết.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top