Phân tích quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp đặt cọc

Quan hệ pháp luật dân sự vốn được xác lập dựa trên cơ sở của sự thỏa thuận giữa các bên, và việc thực hiện những giao dịch trong quan hệ dân sự phụ thuộc nhiều vào sự tận tâm, thiện chí của các bên tham gia quan hệ. Tuy nhiên, khi các giao dịch dân sự không ngừng gia tăng về quy mô, số lượng thì cơ sở lòng tin vào sự tự giác thực hiện các nghĩa vụ của các chủ thể phát sinh từ các nghĩa vụ dân sự là chưa đủ. Mà thay vào đó, cần có những biện pháp khác nhau để bảo đảm rằng, dù một bên không muốn nhưng khi đã tham gia xác lập quan hệ dân sự, họ vẫn phải thực hiện những thỏa thuận đã có, nếu không sẽ phải chịu những chế tài nhất định. Vì vậy, các biện pháp bảo đảm được áp dụng vô cùng phổ biến, có ý nghĩa to lớn với việc xác lập và thực hiện các nghĩa vụ dân sự phát sinh từ các giao dịch dân sự.

Đặt cọc là một biện pháp bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự đã xuất hiện từ xa xưa trong lịch sử các giao lưu dân sự của nhân dân ta. Để hiểu rõ hơn về những quy định này, em xin lựa chọn đề bài số 5 “Phân tích quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp đặt cọc” để nghiên cứu và tìm hiểu.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự, Nxb Công an nhân dân;
  • TS Nguyễn Văn Cừ – PGS.Ts Trần Thị Huệ (chủ biên); Bình luận Khoa học Bộ luật Dân sự 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Công an nhân dân;
  • Dương Thị Hiện, Đặt cọc – một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận văn thạc sĩ luật học, Hà Nội – 2016;
  • Bộ luật dân sự năm 2015;
  • Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.

Khái niệm, đặc điểm của biện pháp đặt cọc

Khái niệm

Theo quy định tại khoản 1 Điều 328 BLDS năm 2015, “Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.”

Như vậy, đặt cọc là sự thỏa thuận của các bên, theo đó một bên giao cho bên kia một tài sản trong một thời hạn nhất định nhằm xác nhận các bên đã thống nhất sẽ giao kết một hợp đồng hoặc đã giao kết một hợp đồng và buộc các bên phải thực hiện đúng nội dung đã cam kết.

Đặc điểm

Từ khái niệm trên, chúng ta có thể suy ra biện pháp đặt cọc có những đặc điểm pháp lý sau:

Thứ nhất, đối tượng của đặt cọc là những vật có giá trị hoặc các vật có tính thanh toán cao. Đối tượng của đặt cọc là tiền thì vừa mang chức năng bảo đảm, vừa mang chức năng thanh toán. Vì vậy, việc đặt cọc phải được lập thành văn bản, trong đó phải xác định rõ số tiền đặt cọc, số tài sản đặt cọc,…

Thứ hai, trong biện pháp đặt cọc, tùy theo thỏa thuận mà bên này hoặc bên kia là người đặt cọc. Bên đặt cọc là bên dùng tiền hoặc vật có giá trị khác của mình giao cho bên kia giữ để bảo đảm việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. bên nhận tiền hoặc tài sản là bên nhận đặt cọc.

Thứ ba, mục đích của của biện pháp đặt cọc có thể là bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng; cũng có thể nhằm bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng; hoặc nhằm cả hai mục đích trên. Đây là điểm tạo ra sự khác biệt giữa biện pháp đặt cọc và các biện pháp bảo đảm khác. Thông thường các biện pháp bảo đảm khác chủ yếu bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng nhưng biện pháp đặt cọc được giao kế trước hợp đồng chính thức lại nhằm mục đích bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng, tránh sự bội tín trong giao kết hợp đồng.

Phân tích quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp đặt cọc
Phân tích quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp đặt cọc

Những quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp đặt cọc

Chủ thể của đặt cọc

Đặt cọc được hình thành trên cơ sở thỏa thuận của các bên khi tham gia vào việc xác lập một hợp đồng hoặc khi các bên hướng đến việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng đã được xác lập. Theo đó, một bên sẽ giao tài sản cho bên kia, cụ thể là giao tiền, kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác để đảm bảo cho việc giao kết hoặc đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng, một bên sẽ nhận tài sản do bên kia giao. Quan hệ đặt cọc gồm hai bên chủ thể:

  • Bên đặt cọc: là bên đã giao cho bên kia một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác để đảm bảo cho việc giao kết hoặc thực hiện hơp đồng.
  • Bên nhận đặt cọc: là bên nhận tài sản do bên đặt cọc giao để đảm bảo việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự.

Không phải bất cứ chủ thể nào cũng có thể trở thành chủ thể của các giao dịch dân sự nói chung và của đặt cọc nói riêng mà phải đáp ứng được những điều kiện nhất định do pháp luật quy định:

Thứ nhất là các bên khi tham gia quan hệ phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với quan hệ đặt cọc . Điều này sẽ đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch đặt cọc, để đảm bảo cho chủ thể đáp ứng được yêu cầu trong năng lực nhận thức và làm chủ hành vi của mình, từ đó có năng lực để chịu trách nhiệm với những hậu quả pháp lý mà việc thiết lập giao dịch có thể tạo ra.

Thứ hai, các bên tham gia quan hệ đặt cọc phải tự nguyện. Việc các bên xác lập quan hệ đặt cọc phải xuất phát từ ý chí chủ quan của mình, không bị lừa dối, cưỡng ép, đe dọa.

Đối tượng của đặt cọc

Tài sản đặt cọc không chỉ là tiền mà còn có thể là những tài sản có giá trị khác, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu như ô tô, mô tô, tàu bay, tàu biển… và đây cũng là những tài sản có giá trị lớn nên khi dùng để đặt cọc cần thiết phải bằng văn bản có công chứng, chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc phải được đăng ký giao dịch bảo đảm nếu các đối tượng bảo đảm bắt buộc phải được đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 163/2006/NĐ-CP: “Tài sản bảo đảm do các bên thoả thuận và thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ hoặc thuộc sở hữu của người thứ ba mà người này cam kết dùng tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ đối với bên có quyền. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có, tài sản hình thành trong tương lai và được phép giao dịch.”

Theo đó, có thể hiểu rằng tài sản được mang ra đặt cọc không nhất thiết phải thuộc sở hữu của bên đặt cọc, mà có thể là tài sản thuộc quyền định đoạt của bên đặt cọc thông qua thoả thuận giữa các bên; có thể là tài sản hiện có hoặc là tài sản hình thành trong tương lai.

Quy định trên đã bao quát tài sản đặt cọc nói riêng và tài sản bảo đảm nói chung không chỉ thuộc sở hữu của bên bảo đảm mà có thể thuộc quyền định đoạt của bên bảo đảm thông qua thoả thuận với chủ sở hữu và thể hiện nguyên tắc hiến định công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Đồng thời thể hiện nguyên tắc tự do, tự nguyện, cam kết thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái với đạo đức xã hội.

Mục đích của đặt cọc

Nếu như các biện pháp bảo đảm khác chỉ có mục đích là bảo đảm thực hiện hợp đồng thì đặt cọc còn có thêm mục đích là bảo đảm cho việc xác lập hợp đồng, tùy vào sự thỏa thuận của các bên mà giao dịch đặt cọc có thể mang một hoặc cả hai mục đích đó.

Nếu các bên không thỏa thuận về mục đích của đặt cọc hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì có thể căn cứ vào thời điểm phát sinh thỏa thuận đặt cọc để xác định mục đích của đặt cọc.

Trường hợp thỏa thuận đặt cọc được lập trước khi các bên thiết lập hợp đồng mà các bên không thỏa thuận về mục đích của đặt cọc thì biện pháp đặt cọc đó sẽ nhằm mục đích bảo đảm giao kết hợp đồng. Thỏa thuận này sẽ buộc các bên trong quan hệ phải giao kết hợp đồng, nếu không sẽ phải chịu những chế tài do luật quy định. Khi hợp đồng đã được giao kết, các bên có thể thỏa thuận với nhau lựa chọn áp dụng các biện pháp bảo đảm khác hoặc áp dụng biện pháp đặt cọc với mục đích bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng.

Trường hợp thỏa thuận đặt cọc phát sinh sau khi hợp đồng đã được giao kết thì mục đích của việc đặt cọc là nhằm thực hiện hợp đồng. Khi một trong các bên không thực hiện hợp đồng sẽ phải chịu những chế tài nhất định.

Hình thức của đặt cọc

Về hình thức đặt cọc, hiện nay Bộ luật dân sự không có quy định cụ thể về vấn đề này. Theo đó, ta có thể hiểu việc đặt cọc là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, chỉ cần đảm bảo đúng mục đích, ngoài ra không đòi hỏi đáp ứng về điều kiện hình thức xác lập.

Đây là một quy định mang tính chất mở cho các bên, bởi theo Bộ luật dân sự năm 2005, việc đặt cọc phải được lập thành văn bản, việc thỏa thuận bằng miệng sẽ không có giá trị pháp lý. Còn tại thời điểm Bộ luật dân sự năm 2015 điều chỉnh thì thỏa thuận đặt cọc có thể xác lập bằng bất cứ hình thức nào, đây cũng là điểm mới mang tính chất tích cực đối với pháp luật Việt Nam. Giao dịch dân sự được hình thành dựa trên sự thỏa thuận, thiện chí, tin tưởng lẫn nhau nên pháp luật ngày càng hướng tới sự tự do trong các cơ chế thỏa thuận, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Tuy nhiên để đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi của mình khi không may xảy ra tranh chấp, các bên vẫn nên có những hình thức xác lập thỏa thuận để pháp luật dễ nhận biết và xử lý cũng như dễ dàng cho các bên chứng minh. Bởi đặt cọc không chỉ dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà còn có chức năng bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng, nếu bên nào vi phạm cam kết về việc bảo đảm giao kết hợp đồng sẽ chịu chế tài rất nghiêm khắc. Nếu giao kết bằng lời nói (bằng miệng) như những giao dịch đơn giản khác sẽ rất khó khăn trong việc chứng minh có giao dịch đó và có vi phạm. Do đó, cần có một chứng cứ pháp lý chắc chắn để giải quyết tranh chấp thì hình thức của giao dịch bằng văn bẳn là hữu hiệu. Đặt cọc còn có chức năng bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng, trong khi đó từ khi đặt cọc cho đến khi giao kết đến thực hiện hợp đồng là một khoảng thời gian dài. Cho nên, có thể vì một lý do nào đó bên nhận đặt cọc không thực hiện hành vi giao kết hợp đồng hoặc có hành vi vi phạm hợp đồng thì việc chứng minh có việc đặt cọc bằng lời nói lại càng khó khăn và phức tạp. Vì vậy, nếu bên nhận đặt cọc có vi phạm thì bên đặt cọc có nguy cơ mất tài sản đặt cọc là rất cao.

Phân tích quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp đặt cọc
Phân tích quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp đặt cọc

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong đặt cọc.

Quyền và nghĩa vụ của các bên không được quy định đầy đủ trong bộ luật dân sự, mà được quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP nghị định về giao dịch bảo đảm.

  • Đối với bên đặt cọc:

Điều 30 Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định nghĩa vụ của bên đặt cọc, bên ký cược:

“1. Thanh toán cho bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược chi phí hợp lý để bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc, tài sản ký cược, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản đặt cọc, tài sản ký cược cho bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu trong trường hợp tài sản đó được chuyển quyền sở hữu cho bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược theo quy định của pháp luật hoặc theo thoả thuận.”

Dùng để đặt cọc không chỉ là tiền, mà còn có thể là vàng bạc, kim khí quý, xe máy, ô tô,… do đó khi bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc thì bên nhận đặt cọc cũng có nghĩa vụ bảo quản những tài sản đó và việc này có thể sẽ phát sinh chi phí nên bên đặt cọc cần phải thanh toán cho bên nhận đặt cọc chi phí đó. Tuy nhiên, nếu hai bên có thỏa thuận khác thì pháp luật vẫn sẽ tôn trọng thỏa thuận này.

Trong trường hợp tài sản đặt cọc là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu và được chuyển sang cho bên nhận đặt cọc (ví dụ như trường hợp bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng) thì bên đặt cọc có nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký quyền sỏe hữu tài sản đặt cọc cho bên nhận đặt cọc đối với tài sản đó.

Điều 31 Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định về quyền của bên đặt cọc, bên ký cược: “Bên đặt cọc, bên ký cược có quyền yêu cầu bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược ngừng việc sử dụng tài sản đặt cọc, tài sản ký cược, nếu do sử dụng mà tài sản có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.”

Trên thực tế, dù tài sản đặt cọc đã được giao cho bên nhận đặt cọc nhưng đó vẫn là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên đặt cọc. Vì vậy, nếu nhận thấy tài sản có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị do việc sử dụng của bên nhận đặt cọc gây ra.

  • Đối với bên nhận đặt cọc:

Điều 32 Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định về nghĩa vụ của bên nhận đặt cọc, bên ký cược:

“1. Bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc, tài sản ký cược; không được khai thác, sử dụng tài sản đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Không được xác lập giao dịch đối với tài sản đặt cọc, tài sản ký cược, trừ trường hợp bên đặt cọc, bên ký cược đồng ý.”

Điều 33 Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định về quyền của bên nhận đặt cọc:

“Bên nhận đặt cọc có quyền sở hữu tài sản đặt cọc, nếu bên đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”

Như đã nói ở trên, đối tượng trong biện pháp đặt cọc không chỉ là tiền mà có thể là vật có giá trị, là nguyên liệu, hàng hóa…mà bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc nắm giữ. Kể từ khi nhận tài sản đặt cọc bên nhận phải bảo quản tài sản đó. Mặt khác, để phát huy chức năng, công dụng của tài sản, pháp luật cho phép bên nhận đặt cọc được phép khai thác, sử dụng và xác lập những giao dịch đối với tài tài sản đặt cọc nếu được sự đồng ý của bên đặt cọc.

Đồng thời, trong trường hợp bên đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì bên nhận đặt cọc có quyền sở hữu tài sản đặt cọc. Đây là sự cụ thể hóa mục đích bảo đảm cho việc xác lập, thực hiện hợp đồng dân sự của biện pháp đặt cọc.

Xử lý tài sản đặt cọc

Khoản 2 Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau: “trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Theo đó, tài sản đặt cọc được xử lý theo những hướng sau:

Thứ nhất, trong trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Đặt cọc dùng để bảo đảm cho việc giao kết, thực hiện hợp đồng, do đó khi hợp đồng được giao kết, thực hiện thì việc đặt cọc chấm dứt và tài sản bảo đảm có thể được xử lý bằng cách trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền.

Thứ hai, nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc. Ngược lại, nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, trong trường hợp đặt cọc bảo đảm cho giao kết và thực hiện hợp đồng. Nếu một bên làm trái thỏa thuận thì sẽ áp dụng chế tài đặt cọc do luật quy định hoặc do các bên thỏa thuận. Nếu hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc có thể được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được bù trừ cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên đặt cọc.

Đặt cọc là một biện pháp bảo đảm cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng dân sự được pháp luật dân sự Việt Nam ghi nhận cùng với hệ thống các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự khác. Đặt cóc có ưu điểm so với các biện pháp bảo đảm khác đó là được sử dụng để đảm bảo cho việc giao kết một giao dịch nào đó. Vì vậy, pháp luật dân sự cần hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật về biện pháp này để có thể tạo ra hành lang pháp lý vững chắc nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của các bên khi tham gia quan hệ.


Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Phân tích quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp đặt cọc. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top