Phân tích hành vi cấu thành tội phạm hủy hoại tài sản của người khác

Do mâu thuẫn trong kinh doanh, A đã thuê B ( 17 tuổi) buộc cửa đốt nhà K vào ban đêm để trả thù. Do được hàng xóm nhà K phát hiện, phá tường kịp thời mà cả gia đình K (hai vợ chồng K và con trai 10 tuổi) may mắn thoát chết, thương tích không đáng kể nhưng ngôi nhà và toàn bộ tài sản của gia đình K trị giá 3 tỷ đồng bị thiêu hủy.

Câu hỏi:

  1. Xác định tội danh và khung hình phạt đối với hành vi của A, B.
  2. Hình phạt nặng nhất mà B có thể phải chịu là bao nhiêu năm tù?
  3. Giả sử A vừa chấp hành xong bản án 3 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ( khoản 2 Điều 174 BLHS ) lại thực hiện hành vi phạm tội nêu trên thì trường hợp phạm tội của A là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm? Tại sao?

Danh mục tài liệu tham khảo

  • Giáo trình Luật hình sự phần 2 – Trường đại học Luật Hà Nội
    NXB Công an Nhân dân.
  • Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Pháp luật hình sự là một trong những công cụ sắc bén, hữu hiệu để đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần tích cực bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức; góp phần tích cực loại bỏ những yếu tố gây cản trở cho tiến trình đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn mình. Trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, việc nghiên cứu về lý luận cũng như thực tiễn xét xử các tội danh cụ thể được quy định trong phần Các tội phạm của Bộ luật Hình sự là rất cần thiết. Chính vì lẽ đó, trong phạm vi bài làm của mình, em xin đi sâu tìm hiểu tình huống số 2 về hành vi xâm phạm quan hệ sở hữu của con người nhằm có một cái nhìn sâu hơn về các quy định của Luật hình sự đối với chế định này.

Câu 1: Xác định tội danh và khung hình phạt đối với hành vi của A, B.

Thứ nhất: xác định tội danh

Căn cứ vào tình huống của đề bài, ta có thể xác định tội danh của A và B trong trường hợp này là tội hủy hoại tài sản của người khác, tội này được quy định tại điều 178 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

  • Khách thể: Hành vi của A và B đã xâm phạm đến quan hệ tài sản – một quan hệ được pháp luật hình sự bảo vệ. Cụ thể là căn nhà thuộc sở hữu của K bị A và B đốt làm mất hoàn toàn giá trị sử dụng.
  • Mặt khách quan: Trong tình huống này, A và B đã thực hiện hành động biểu hiện ra bên ngoài. B có hành vi mang xăng đến đốt nhà K. Đây là hành vi được thực hiện có ý chí của A và B, A thuê B đốt nhà, B tiếp nhận ý chí của A và thực hiện hành vi đốt nhà, đó là hành vi vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng và là hành vi trái pháp luật hình sự.

CTTP của tội này được quy định là CTTP vật chất. Theo đó có 3 dấu hiệu về mặt khách quan:

Hành vi khách quan được quy định là hành vi hủy hoại tài sản hoặc hành vi làm hư hỏng tài sản. Trong đó, hành vi hủy hoại được hiểu là hành vi làm mất giá trị sử dụng của tài sản. hành vi này có thể là hành động (như đập phá, đốt,…) hoặc không hành động (như không tắt máy khi có sự cố dẫn đến máy bị phá hỏng hoàn toàn). Trong hành vi của A và B, A đã thuê B đốt nhà của K trong đêm, gia đình K không chết nhưng toàn bộ tài sản đã bị hủy hoại hoàn toàn. Đêm khuya là một khoảng thời gian đặc biệt vì trong thời gian này khó có ai để ý nên B đã thực hiện một cách dễ dàng, cũng do vậy nên toàn bộ tài sản của gia đình K bị thiêu hủy, giá trọ lên tới 3 tỷ đồng.

Hậu quả của tội phạm:B đã làm hư hỏng toàn bộ tài sản và như vậy hậu quả đã xảy ra, tội phạm lúc này được coi là hoàn thành. Hành vi của B là cố ý gây thiệt hại gây nguy hiểm cho xã hội và để xảy ra hậu quả thiệt hại là 3 tỷ đồng

Quan hệ nhân quả: Vì A thuê B nên B đã đốt nhà K. B đã đốt nhà K nên toàn bộ nhà và tài sản của K đã bị thiêu rụi, thiệt hại 3 tỷ đồng. Đây là một thiệt hại không hề nhỏ đối với K. Lúc này, tội hủy hoại tài sản đã hoàn thành, A và B đã đạt được mục đích của mình đề ra. Do vậy, A và B phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hậu quả mà họ đã gây ra.

  • Hủy hoại tài sản là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng, không thể khôi phục lại được, và như vậy toàn bộ giá trị tài sản đã không còn. B đốt nhà dẫn đến ngôi nhà bị thiêu rụi và không còn khả năng khôi phục. Theo quy định tại điều 178 và đối chiếu vào hành vi của A và B đã làm thiệt hại 3 tỷ đồng thì đã có hậu quả xảy ra, tội phạm đã hoàn thành.
  • Chủ thể: A và B là người hoàn toàn bình thường ( B đồng ý nhận lời đốt nhà vì tiền là hành vi có ý thức của người bình thường), có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
  • Mặt chủ quan: Lỗi của người phạm tội trong trường hợp này là lỗi cố ý trực tiếp. A và B biết hành vi của mình sẽ gây thiệt hại về tài sản cho K nhưng vì mục đích trả thù K nên đã để cho thiệt hại xảy ra nhằm đạt được mục đích của mình. Đối với B, khi B được A thuê đốt nhà, B hoàn toàn ý thức được hành vi của mình là rất nguy hiểm, biết được có thể sẽ xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng nhưng vẫn nhận lời vì mục đích của B là vì tiền ( tiền A thuê B đốt nhà ).

Theo tình huống nêu trên, mục đích ban đầu khi A thuê B giết K là vì mâu thuẫn trong kinh doanh, nhưng gia đình K may mắn thoát chết. Như vậy, A và B còn phạm tội giết người chưa đạt. Theo điều 15 BLHS 2015 quy định về phạm tội chưa đạt: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.”.

Phân tích hành vi cấu thành tội phạm hủy hoại tài sản của người khác
Phân tích hành vi cấu thành tội phạm hủy hoại tài sản của người khác

Hủy hoại tài sản của người khác

Trong tình huống nêu trên, có thể thấy hành vi đốt nhà trong đêm tối của A và B là hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội giết người. Tuy nhiên, hành vi đó chưa gây ra hậu quả là K chết, do đó hành vi của A và B chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu thuộc mặt khách quan trong cấu thành tội phạm tội giết người. Đêm tối là một khoảng thời gian đặc biệt vì khi đó mọi hoạt động của người dân hầu như đều ngưng lại, do vậy nếu mọi người xung quanh không phát hiện và cứu giúp thì gia đình K sẽ chết. Mục đích của A và B là trả thù nhưng lại lựa chọn cách làm và khoảng thời gian thực hiện khá đặc biệt nên trong trường hợp đó A và B phải biết gia đình K có thể chết. A và B là người đang trong trạng thái bình thường không mắc bất kì bệnh gì về thần kinh, thấy trước được hậu quả xảy ra là có thể gây chết người, nhưng vì mục đích trả thù ban đầu mà vẫn thực hiện hành vi của mình, lỗi ở đây là lỗi cố ý trực tiếp. Trong lúc đốt nhà, dù nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, nhận thức được hậu quả xảy ra, nhưng không có căn cứ nào cho rằng A và B biết chắc chắn được là vào thời điểm đốt nhà, A và B có biết gia đình anh K chắc chắn ở nhà hay không? Do vậy, hậu quả mà A và B nhận thức được chỉ là “có thể” sẽ xảy ra chứ không phải là tất yếu sẽ xảy ra. Do vậy, A và B còn phạm tội giết người chưa đạt.

Thứ hai: xác định khung hình phạt

Trong tình huống nêu trên, hai người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý là A và B. Trong đó A là người tổ chức, chủ mưu, trực tiếp điều khiển hoạt động thực hiện tội phạm và B là người trực tiếp thực hiện tội phạm theo quy định tại khoản 3 điều 17 BLHS 2015 về tội phạm:

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tại điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho người thực hiện tội phạm.

Trong trường hợp phạm tội này, A và B là đồng phạm. Theo khoản 1 điều 17 BLHS 2015: “ Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. A là người đã thuê B đốt nhà, là người vạch sẵn kế hoạch, là người xác định thời gian, địa điểm để B thực hiện tội phạm, B chỉ làm theo yêu cầu và chỉ dẫn của A, như vậy A đóng vai trò là người tổ chức thực hiện tội phạm. Về lý trí, A nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, nhận thức được hậu quả xảy ra và mong muốn B thực hiện tội phạm. Về ý chí, A mong muốn hậu quả xảy ra vì động cơ trả thù của mình. Hành vi của A là lỗi cố ý trực tiếp, bởi vậy, A cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản theo điều 178 BLHS.

Trong tình huống nêu trên, cả A và B đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản được quy định tại điều 178 BLHS. Thiệt hại gây ra cho K đó là làm hủy hoại toàn bộ gái trị căn nhà, thiệt hại 3 tỷ đồng, do vậy khung hình phạt của A và B thuộc vào khoản 4 điều 178 BLHS: “ Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”. Như vậy, theo như quy định của điều luật thì A phải chịu mức phạt tù từ 10 năm đến 20 năm vì đã gây ra thiệt hại về tài sản lên đến 3 tỷ đồng cho K và B phải chịu mức phạt tù từ 7 năm 6 tháng đến 15 năm vì B chưa đủ 18 tuổi.

Về tội giết người chưa đạt, theo khoản 3 điều 57 BLHS: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.” Do đó, khung hình phạt của A trong tội này là từ 9 năm đến 20 năm, B là người dưới 18 tuổi nên khung hình phạt là từ 4 năm 6 tháng đến 9 năm theo khoản 3 điều 102 BLHS 2015: “Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần hai mức hình phạt quy định tại các điều 99, 100 và 101 của Bộ luật này”.

Như vậy, tổng hợp hình phạt của A là từ 19 năm đến 30 năm và của B là từ 12 năm đến 18 năm vì B được xét theo trường hợp dưới 18 tuổi theo quy định tại điều 103 BLHS.


Câu 2: Hình phạt nặng nhất mà B có thể phải chịu là bao nhiêu năm tù?

Trong trường hợp trên, B phải chịu hình phạt về tội hủy hoại tài sản của người khác theo điều 178 và tội giết người chưa đạt. Tuy nhiên, trường hợp phạm tội của B là đối với người dưới 18 tuổi nên chúng ta sẽ xét trường hợp của B theo quy định riêng.

Thứ nhất, đối với tội hủy hoại tài sản quy định tại khoản 4 điều 178: “Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”. Theo như quy định này thì khung hình phạt của B là từ 10 năm đến 20 năm, nhưng xét đến B mới 17 tuổi nên ta cần chú ý đến quy định tại khoản 1 điều 101: “Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”. Trường hợp của B là tù có thời hạn, do đó áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định ta sẽ tính ra khung hình phạt của B đối với tội này là 7 năm 6 tháng đến 15 năm.

Thứ hai, đối với tội giết người chưa đạt. Theo quy định tại điều 15 BLHS về phạm tội chưa đạt: “Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”, vậy nên B phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người chưa đạt. Theo quy định tại điều 123 BLHS thì khung hình phạt của tội giết người là từ 12 năm đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình.Xét thấy trường hợp của B là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nên theo điều 101 BLHS: “Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”, như vậy khung hình phạt của B lúc này thay đổi là từ 9 năm đến 18 năm.

Tiếp nữa, B vừa là người dưới 18 tuổi áp dụng khung hình phạt theo điều 101, vừa phạm tội chưa đạt theo quy định tại điều 102: “Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần hai mức hình phạt quy định tại các điều 99, 100 và 101 của Bộ luật này”, cho nên khung hình phạt của B đối với tội giết người chưa đạt là từ 4 năm 6 tháng đến 9 năm.

Từ những phân tích trên, tổng hợp hình phạt dành cho B là 12 năm đến 18 năm tù. Do vậy, mức hình phạt nặng nhất mà B có thể phải chịu là 18 năm tù.


Câu 3: Giả sử A vừa chấp hành xong bản án 3 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ( khoản 2 Điều 174 BLHS ) lại thực hiện hành vi phạm tội nêu trên thì trường hợp phạm tội của A là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm? Tại sao?

Tái phạm, tái phạm nguy hiểm được quy định tại điều 53 BLHS 2015:

1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

Để xem xét một người phạm tội có coi là tái phạm hay không phải dựa trên những căn cứ sau:

Trước khi thực hiện hành vi phạm tội người đó đã bị kết án hay chưa: Theo quy định tại BLHS người thực hiện hành vi phạm tội đã bị kết án trước đó về bất kể tội nào không phụ thuộc vào loại tội hay dấu hiệu lỗi. Tội mà người đó đã bị kết án trước đó có thể là tội rất nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng; lỗi của người phạm tội ở đây có thể là lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý.

Phân tích hành vi cấu thành tội phạm hủy hoại tài sản của người khác
Phân tích hành vi cấu thành tội phạm hủy hoại tài sản của người khác

Người phạm tội đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích: Người được xóa án tích sẽ được coi như người chưa bị kết án. Việc xóa án tích đối với người phạm tội được thực hiện theo chương X của BLHS, theo đó việc xóa án tích được xem xét dựa trên việc họ đã chấp hành xong nội dung bản án liên quan tới họ hay chưa bao gồm: hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác như án phí, bồi thường thiệt hại… Trường hợp người nào phạm tội mà chưa được xóa án tích về tội cũ nay lại vi phạm tội mới là căn cứ để xem xét đây có phải là hành vi tái phạm hay không.

Trường hợp người phạm tội thực hiện tội mới là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng thì được xác định là hành vi tái phạm khi tội mới này người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý, còn nếu thực hiện với lỗi vô ý thì hành vi phạm tội này không coi là tái phạm. Trường hợp tội mới mà người phạm tội thực hiện là tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng thì không phân biệt người phạm tội mới do lỗi cố ý hay vô ý, người thực hiện hành vi phạm tội này đều được xác định là hành vi tái phạm.

Tái phạm nguy hiểm được coi là dạng đặc biệt của hành vi tái phạm, do đó hành vi tái phạm nếu thuộc một trong các trường hợp sau sẽ được xác định là tái phạm nguy hiểm:

Người nào đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trước đó mà do lỗi cố ý nhưng chưa được xóa án tích nay lại phạm tội mới cũng là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với lỗi cố ý thì hành vi phạm tội mới của người này được coi là tái phạm nguy hiểm.

Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý: Theo đó người nào đã bị kết án 2 lần về tội phạm độc lập do BLHS quy định, trong lần kết án thứ 2 trước đó người này đã bị áp dụng tình tiết tái phạm mà hành vi phạm tội này chưa được xóa án tích nay lại phạm tội mới do lỗi cố ý khi đó không phân biệt tội mới mà người này thực hiện là loại tội nào, hành vi phạm tội mới của họ sẽ được xác định là tái phạm nguy hiểm

Từ những phân tích trên, ta có thể thấy trường hợp của A vừa chấp hành xong bản án 3 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ( khoản 2 Điều 174 BLHS ) lại thực hiện hành vi phạm tội nêu trên thì trường hợp phạm tội của A là tái phạm.

Đầu tiên, với mức 3 năm mà Tòa án đã tuyên cho A về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ta thấy rằng A phạm tội vào khoản 2 điều 174 BLHS. Căn cứ vào khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tại khoản 2 điều 174 ta thấy, hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của A thuộc loại tội phạm nghiêm trọng do cố ý, do đó trường hợp của A không thuộc vào tái phạm nguy hiểm. Thứ hai, căn cứ vào khung hình phạt đối với hành vi phạm tội của A với tội hủy hoại tài sản tại khoản 4 điều 178 và tội giết người chưa đạt, ta xác định được đây là tội đặc biệt nghiêm trọng.

Qua những nhận xét trên, ta xác định trường hợp của A là tái phạm.

Tình huống trên cho thấy khi xác định tội danh của người phạm tội cần xem xét các dấu hiệu của hành vi khách quan đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm đó không, và đặc biệt lưu ý một số tình tiết trong hành vi có thể gây nhầm lẫn với tội phạm khác. Ngoài ra, đối với những trường hợp có từ hai người phạm tội trở lên cần chú ý xem người đó có đồng phạm với nhau trong việc thực hiện tội phạm hay không và cấu thành tội phạm để xác định trách nhiệm hình sự của người phạm tội.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Phân tích hành vi cấu thành tội hủy hoại tài sản của người khác. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top