Những đặc trưng cơ bản của hành vi cấu thành tội phạm

Luật hình sự là hệ thống các quy phạm pháp luật xác định những hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm và quy định hình phạt có thể áp dụng cho người đã thực hiện tội phạm đó. Xã hội ta ngày này đã phát triển hơn rất nhiều, tuy nhiên tình hình tội phạm cũng diễn biến hết sức phức tạp, trong đó có cả những tội về xâm phạm đến tính mạng của con người.

Qua bài viết này chúng tôi Luật Quang Huy sẽ đi sâu phân tích và tìm hiểu vấn đề: những đặc trưng cơ bản của hành vi cấu thành tội phạm. Tình huống đặt ra như sau:

Thắng (22 tuổi, trú huyện Khoái Châu, Hưng Yên) là tài xế xe tải, có xích mích với phụ lái là Toán (37 tuổi, cùng quê). Ngày 26/10/2011, khi xe đến địa phận Thanh Hóa thì Thắng và Toán cãi nhau gay gắt. Thắng đuổi Toán xuống xe, Toán đuổi theo và bám vào cửa xe (phía bên Thắng đang cầm lái). Thắng xô mạnh cửa xe làm Toán ngã xuống đường, Toán bị xe cán qua người.

Chạy thêm chừng 300 m, Thắng bỏ xe, chạy trốn. Toán bị dập nát hai chân và chết. Tội phạm mà Thắng đã thực hiện được quy định tại khoản 2 Điều 93 BLHS.

Câu hỏi:

  1. CTTP được quy định tại khoản 2 Điều 93 BLHS là CTTP cơ bản, tăng nặng hay giảm nhẹ của tội giết người? Tại sao?
  2. Lỗi của Thắng trong trường hợp này là gì? Tại sao?
  3. Phát biểu sau đây về vụ án đúng hay sai? Hãy giải thích: Nếu Thắng không bỏ trốn mà đến ngay cơ quan công an gần nhất để khai báo thì sẽ được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
  4. Giả sử Thắng đã phạm tội cố ý gây thương tích, bị phạt 2 năm tù cho hưởng án treo và thời gian thử thách là 4 năm. Sau khi chấp hành được 3 năm thử thách, Thắng phạm tội giết người nêu trên và bị phạt 10 năm tù thì hình phạt tổng hợp đối với Thắng là bao nhiêu năm tù?

Danh mục tài liệu tham khảo

  • Giáo trình luật hình sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. CAND, Hà Nội, 2014.
  • Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
  • Chỉ dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự Việt Nam: đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Hà Nội: Lao động, 2013.
  • Từ điển Luật học.
  • Luận văn thạc sỹ luật học Tội giết người trong luật hình sự Việt Nam/ Đỗ Đức Hồng Hà.
  • Mô hình luật hình sự Việt Nam.

Hành vi cấu thành tội phạm được quy định tại khoản 2 Điều 93 BLHS là cấu thành tội phạm cơ bản, tăng nặng hay giảm nhẹ của tội giết người?

Cấu thành tội phạm là tổng hợp những dấu hiệu chung có tính đặc trưng cho loại tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự.

Cấu thành tội phạm được coi là khái niệm pháp lí của loại tội phạm cụ thể, là sự mô tả khái quát loại tội phạm nhất định trong luật hình sự. Quan hệ giữa tội phạm với hành vi cấu thành tội phạm là quan hệ giữa hiện tượng và khái niệm. Tội phạm là hiện tượng xã hội cụ thể còn, tồn tại khách quan còn cấu thành tội phạm là khái niệm pháp lí của hiện tượng đó.

Có hai cách phân loại hành vi cấu thành tội phạm: phân loại theo đặc điểm cấu trúc của cấu thành tội phạm và phân loại theo mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội được cấu thành tội phạm phản ánh.

Phân loại theo đặc điểm cấu trúc của cấu thành tội phạm, cấu thành tội phạm được chia thành cấu thành tội phạm vật chất và cấu thành tội phạm hình thức.

cấu thành tội phạm vật chất là cấu thành tội phạm có các dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.

cấu thành tội phạm hình thức là cấu thành tội phạm có một dấu hiêụ của mặt khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Dựa vào mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội có thể chia cấu thành tội phạm ra thành ba loại:

Cấu thành tội phạm cơ bản là cấu thành tội phạm chỉ có dấu hiệu định tội – dấu hiệu mô tả tội phạm và cho phép phân biệt tội này với tội khác.

Những đặc trưng cơ bản của hành vi cấu thành tội phạm
Những đặc trưng cơ bản của hành vi cấu thành tội phạm

Cấu thành tội phạm tăng nặng là cấu thành tội phạm mà ngoài dấu hiệu định tội còn có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ nguy hiểm cho xã hội tăng lên một cách đáng kể (so với trường hợp bình thường).

Cấu thành tội phạm giảm nhẹ là cấu thành tội phạm mà ngoài dấu hiệu định tội còn có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ nguy hiểm cho xã hội giảm xuống một cách đáng kể.

những đặc trưng cơ bản của hành vi cấu thành tội phạm

Khoản 2 Điều 93 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “ Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.”

Khoản 1 Điều 93 BLHS quy định Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

  • Giết nhiều người; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết trẻ em; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; Thuê giết người hoặc giết người thuê; Có tính chất côn đồ; Có tổ chức; Tái phạm nguy hiểm; Vì động cơ đê hèn.

Có thể thấy, cấu thành tội phạm được quy định tại khoản 1 của Điều 93 BLHS đều phản ánh tội phạm có mức độ tính nguy hiểm cho xã hội tăng lên một cách đáng kể. So với một trường hợp giết người bình thường thì giết nhiều người; giết phụ nữ có thai; giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng… có mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn rất nhiều.

Còn cấu thành tội phạm được quy định tại khoản 2 Điều 93 BLHS quy định:

  • “Phạm tội không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này” tức là chỉ cần người nào có hành vi giết người, không cần thiết phải thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 93 BLHS đều sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người. Như vậy, cấu thành tội phạm được mô tả tại khoản 2 Điều 93 BLHS là cấu thành tội phạm cơ bản, nó chỉ có dấu hiệu định tội (tội giết người) và cho phép phân biệt tội giết người với các tội khác.

Lỗi của Thắng trong trường hợp này là gì? Tại sao?

Lỗi là thái độ tâm lí của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.

Người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội bị coi là có lỗi nếu hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn của họ trong khi có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để thực lựa chọn và thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.

Lỗi được chia ra thành lỗi cố ý và lỗi vô ý. Lỗi cố ý gồm lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp, lỗi vô ý gồm lỗi vô ý vì quá tự tin và lỗi vô ý do cẩu thả.

Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của người khi đang thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, “nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra” (khoản 1 Điều 9 BLHS). Từ đây, có thể thấy những dấu hiệu của lỗi cố ý trực tiếp:

Về lí trí: người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và thấy trước hậu quả của hành vi đó.

Về ý chí: người phạm tội mong muốn hậu quả phát sinh.

Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội “nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.” lỗi cố ý gián tiếp có những dấu hiệu sau:

Về lý trí: người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hành vi đó có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Những đặc trưng cơ bản của hành vi cấu thành tội phạm

Về ý chí: người phạm tội không mong muốn hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra nhưng có ý thức để mặc đối với hậu quả nguy hiểm.

Lỗi vô ý vì quá tự tin là lỗi trong trường hợp “Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được” (Khoản 1 Điều 10 BLHS). Từ đây, có thể thấy dấu hiệu của lỗi vô ý vì quá tự tin:

Về lí trí: người phạm tội nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước khả năng hậu quả nguy hại cho xã hội mà hành vi có thể gây ra.

Về ý chí: người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng đã loại trừ khả năng hậu quả xảy ra.

Lỗi vô ý do cẩu thả là lỗi trong trường hợp người phạm tội đã gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, “không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.” Lỗi vô ý do cẩu thả có những dấu hiệu sau:

Người phạm tội không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của mình gây ra.

Người phạm tội phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Trong tình huống trên, lỗi của Thắng là lỗi cố ý gián tiếp. Bởi về mặt lí trí, Thắng hoàn toàn có thể nhận thức được hành vì xô mạnh cửa xe của mình là nguy hiểm, bởi nếu Toán không chết thì cũng có thể bị thương tích. Tuy nhiên, do Thắng và Toán vừa cãi nhau gay gắt nên Thắng bực tức và cứ xô cửa xe, mặc cho hậu quả xảy ra.

Thắng không hề muốn giết Toán nhưng nếu Toán có chết thì Thắng cũng chấp nhận. Như vậy về mặt ý chí, Thắng không mong muốn hậu quả nguy hiểm xảy ra (không mong Toán chết) nhưng có ý thức để mặc hậu quả mà mình đã thấy trước.

Phát biểu sau đây về vụ án đúng hay sai? Hãy giải thích: Nếu Thắng không bỏ trốn mà đến ngay cơ quan công an gần nhất để khai báo thì sẽ được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Theo Điều 19 BLHS, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.

Theo luật hình sự Việt Nam, để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì phải thỏa mãn những dấu hiệu sau:

  • Thứ nhất, việc chấm dứt không thực hiện tội phạm phải xảy ra khi tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị hoặc giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành.
  • Thứ hai, việc chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm phải tự nguyện và dứt khoát.

Như vậy, Thắng chỉ được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội khi thỏa mãn hai điều kiện trên, tức là phải tự nguyện chấm dứt việc phạm tội khi tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị hoặc phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, theo luật hình sự Việt Nam thì vấn đề các giai đoạn thực hiện tội phạm chỉ đặt ra với tội cố ý tực tiếp.

Còn với tội cố ý gián tiếp và vô ý, người phạm tội không mong muốn có hậu quả xảy ra nên không thể quy định có việc “chuẩn bị” hay “chưa đạt” để buộc họ phải chịu TNHS về điều chưa xảy ra và họ cũng không muốn nó xảy ra, những tội này chỉ có thể có trường hợp có tội hoặc không có tội.

Trường hợp trên Thắng không được coi là tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội dù cho có không bỏ chạy và đến cơ quan công an để trình báo. Bởi Thắng phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp nên không có việc chia giai đoạn thực hiện phạm tội, và nghiễm nhiên không thể có giai đoạn “chuẩn bị” hay “phạm tội chưa đạt”, như vậy Thắng đã không thỏa mãn dấu hiệu thứ nhất là việc chấm dứt không thực hiện tội phạm phải xảy ra khi tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị hoặc giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành.

Hơn nữa, trong tình huống trên, hậu quả là Toán chết đã xảy ra nên dù Thắng có phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp cũng không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Việc Thắng đến cơ quan công an gần nhất để trình báo chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Điều 46 BLHS.

Những đặc trưng cơ bản của hành vi cấu thành tội phạm
Những đặc trưng cơ bản của hành vi cấu thành tội phạm

Giả sử Thắng đã phạm tội cố ý gây thương tích, bị phạt 2 năm tù cho hưởng án treo và thời gian thử thách là 4 năm. Sau khi chấp hành được 3 năm thử thách, Thắng phạm tội giết người nêu trên và bị phạt 10 năm tù thì hình phạt tổng hợp đối với Thắng là bao nhiêu năm tù?

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. khoản 1 Điều 60 BLHS quy định: “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.”

Án treo thể hiện tính nhân đạo của luật hình sự Việt Nam, có tác dụng khuyến khích người bị kết án tự tu dưỡng và lao động tại cộng đồng với sự giúp đỡ của gia đình và xã hội, đồng thời cho họ thời gian thử thách, nếu trong thời gian này mà họ phạm tội mới thì buộc phải chấp hành hình phạt tù đã tuyên.

Theo khoản 5 Điều 60: “Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này”. Theo khoản 2 Điều 51: “Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 50 của Bộ luật này.”

Theo quy định của Điều 50, nếu các hình phạt đã tuyên cùng là tù có thời hạn thì các hình phạt đó là hình phạt chung, hình phạt chung không được vượt quá ba mươi năm đối với tù có thời hạn.

Trong tình huống trên, Thắng đã phạm một tội mới (tội giết người) trong thời gian thử thách của án treo đối với tội cố ý gây thương tích. Tội giết người của Thắng bị tuyên 10 năm tù, và thêm 2 năm tù giam với tội cố ý gây thương tích, như vậy Thắng sẽ phải chịu mức hình phạt là 12 năm tù giam.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: những đặc trưng cơ bản của hành vi cấu thành tội phạm. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top