Các tội phạm về chức vụ là những hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân do người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình thực hiện trong khi thi hành công vụ.
Trong đó, tham nhũng là một tội phạm về chức vụ đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Tính nguy hiểm tội phạm này ở chỗ nó là đất nước trở nên nghèo nàn, cạn kiệt tài nguyên quốc gia, kìm hãm sự phát triển bền vững của 1 quốc gia; suy yếu bộ máy nhà nước, đổ vỡ niềm tin của nhân dân vào pháp luật vào nhà nước, ảnh hưởng đến sự tồn vong của một chế độ trong thể chế chính trị; gây hiểm họa phá hoại kinh tế quốc gia, khu vực và biên giới,…
Ngoài ra nó còn làm giảm niềm tin của các đối tác nước ngoài, uy tín của Việt Nam trong quan hệ Quốc tế, cản trở hoạt động đối ngoại. Mặc dù Bộ luật Hình sự (Bộ Luật Hình Sự) năm 1999 đã có riêng 1 chương quy định về tội phạm về chức vụ với 7 điều luật quy định về các tội phạm tham nhũng. Tuy nhiên trong quá trình áp dụng thực tiễn đã bộc lộ nhiều hạn chế chưa phù hợp với thực trạng đấu tranh phòng và chống tội phạm tham nhũng.
Nhận thức được điều đó, nhà làm luật đã rà soát, đánh giá các quy định của Bộ Luật Hình Sự 1999, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Việt Nam ký kết vào năm 2003, phê chuẩn vào ngày 30/6/2009 và trở thành thành viên chính thức kể từ ngày 18/9/2009) cùng những bất cập trong xử lý tội phạm tham nhũng hiện nay để sửa đổi trong Bộ Luật Hình Sự 2015. Để làm rõ điều đó, em xin chọn đề bài: “Hãy nêu điểm mới của Bộ Luật Hình Sự năm 2015 so với Bộ Luật Hình Sự 1999 quy định về tội phạm tham nhũng”.
Danh mục tài liệu tham khảo
- Bộ luật Hình sự năm 1999.
- Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong quá trình áp dụng Bộ Luật Hình Sự 1999 để xử lý các tội phạm về phòng chống tham nhũng cho thấy các quy định còn rất nhiều hạn chế, từ ngữ chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, điều kiện tình hình phát triển mới của đất nước.
Hơn nữa, năm 2003 nước ta đã ký kết Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và sau đó trở thành thành viên chính thức kể từ ngày 18/9/2009. Sau đó ta đã thấy rằng luật Hình sự của Việt Nam chưa tương thích với các điểm cơ bản của Công ước.
Do vậy, nhằm khắc phục những điểm trên đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi các chế định phòng chống tham nhũng của Bộ Luật Hình Sự 1999. Bộ Luật Hình Sự 2015 đã sửa đổi, bổ sung cả về nội dung, hình thức đối với các tội phạm tham nhũng về:
- Mở rộng nội hàm khái niệm tội phạm về chức vụ để có thể xử lý được một số hành vi phạm tội về chức vụ xảy ra trong khu vực tư nhân như tham ô tài sản, nhận hối lộ; Mở rộng nội hàm “của hối lộ” cho phù hợp yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; Sửa đổi bổ sung một số cấu thành tội phạm; Bổ sung cấu thành tăng nặng định khung hình phạt đối với một số tội, khung hình phạt; bổ sung một số chính sách mới liên quan đến việc xử lý tội phạm tham nhũng.
Về cơ cấu, bố cục các quy định về các tội phạm về chức vụ
Mọi người cũng xem:
Các tội phạm tham nhũng nằm ở mục I trong chương các tội phạm về chức vụ tại chương XXI của Bộ Luật Hình Sự 1999 và chương XXIII của Bộ Luật Hình Sự 2015, bao gồm 7 điều. Ngoài ra, Bộ Luật Hình Sự năm 2015 có một số quy định khác liên quan đến một số chính sách xử lý đặc thù đối với tội phạm tham nhũng tại phần các quy định chung của Bộ luật.
Mục đích, yêu cầu sửa đổi, bổ sung nhóm các tội phạm về chức vụ của dự thảo Bộ Luật Hình Sự 2015
Góp phần vào việc thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hình Sự năm 2015 là xây dựng Bộ Luật Hình Sự phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước sau HIến pháp năm 2013, phát huy với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo môi trường sống lành mạnh.
Thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương, đường lối của Đảng thể hiện trong các văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020, đặc biệt là chủ trương:” Quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội.
Người có chức vụ ngày càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác” và “Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm”.
Bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, tạo ra chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội.
Nội luật hóa các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Công ước chống tham nhũng.
- Hãy nêu điểm mới của Bộ Luật Hình Sự năm 2015 so với Bộ Luật Hình Sự 1999 quy định về tội phạm tham nhũng
Những điểm mới của Bộ Luật Hình Sự năm 2015 so với Bộ Luật Hình Sự 1999 quy định về tội phạm tham nhũng
Mở rộng phạm vi các tội phạm tham nhũng trong khu vực tư nhân (ngoài Nhà nước):
Việc tư nhân hóa mạnh mẽ các hoạt động trước đây vốn thuộc chức năng công như giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội nên việc tham nhũng ở lĩnh vực tư ngày càng gây hậu quả nghiêm trọng, mức ảnh hưởng lớn. Công ước chống tham nhũng (UNCAC) khuyến nghị tại các quốc gia thành viên cần thiết phải tăng cường các biện pháp đấu tranh chống tham nhũng không chỉ trong lĩnh vực công mà còn cả trong lĩnh vực tư nhân.
Điểu 21 của UNCAC thì các quốc gia cần áp dung các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác để hình sựu hóa hối lộ trong lĩnh vực tư, gồm cả nhận hối lộ và đưa hối lộ. UNCAC cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên xem xét hình sự hóa hành vi của người điều hành hay làm việc, ở bất kì cương vị nào, cho tổ chức thuộc khu vực biển thủ tài sản, quỹ tư hoặc chứng khoán hoặc bất kỳ thứ khác có giá trị mà người này được giao quản lý do vị trí của mình, nếu hành vi biển thủ đó được thực hiện một cách cố ý trong quá trình hoạt động kinh tế, tài chính, hoặc thương mại (Điều 22).
Thực tiễn đấu tranh phòng chóng tội phạm ở nước ta cũng cho thấy, các hành vi tham nhũng có xu hướng không chỉ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn mà có sự tham gia của cá nhân, tổ chức ở khu vực ngoài nhà nước dưới nhiều hình thức như:
- Biển thủ tiền, tài sản của doanh nghiệp do mình trực tiếp quản lý; thu lợi bất chính thông qua các hợp đồng thỏa thuận nâng giá nguyên liệu, sản phẩm, dịch vụ đầu vào với đối tác kinh doanh; thu lợi nhuận bất chính thông qua các hợp đồng, thỏa thuận cung cấp dịch vụ, hàng hóa hoặc khi doanh nghiệp trong nước thông đồng trong hoạt động đấu thầu… Những hành vi này có xu hướng gắn kết chặt chẽ với hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước khi doanh nghiệp trong nước trở thành đối tác địa phương của các doanh nghiệp nước ngoài nhằm xúc tiến triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam một cách bất chính.
Các quy định của Bộ Luật Hình Sự năm 1999 mới chỉ dừng lại đối với các hành vi tham nhũng trong khu vực công (do cán bộ, công chức nhà nước thực hiện) mà chưa ghi nhận về tội phạm tham nhũng trong khu vực tư là vì vậy, chưa có các quy định pháp luật tương ứng, kèm theo các biện pháp xử lý hình sự đối với loại tội phạm này, mặc dù, một số hành vi tương tự xảy ra trong khu vực tư, theo quy định của Bộ Luật Hình Sự vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự,
- Ví dụ: Hành vi chiếm đoạt tài sản của người điều hành hay làm việc ở bất kỳ cương vị nào cho tổ chức thuộc khu vực tư mà biển thủ tài sản, quỹ tư được giao quản lý thì tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 140 Bộ Luật Hình Sự – Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc theo Điều 139 Bộ Luật Hình Sự – Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, có thể thấy sự bất cập trong chính sách xử lý đối với các hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi do có sự phân biệt giữa khu vực tư nhân thì không thể xử lý được.
Mặt khác, xuất phát từ thực tiễn về việc xử lý hành vi tham nhũng đối với tài sản của doanh nghiệp có phần góp vốn của Nhà nước, trong đó có sự đan xen về sở hữu mà trong nhiều trường hợp không thể tách biệt giữa tài sản, phần vốn góp của Nhà nước với tài sản, phần góp vốn của tư nhân, việc xử lý trách nhiệm của cá nhân là người có chức vụ, quyền hạn trong loại hình doanh nghiệp này rất khó khăn.
Trong bối cảnh ngành kinh tế tư nhân đang ngày càng phát triển và giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, để giải quyết được những bất cập nêu trên, cũng như nhằm đáp ứng những đòi hỏi nội tại của Việt Nam hiện nay trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, bảo đảm sự tương thích với UNCAC thì việc quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực tư là hết sức cần thiết,
Theo đó người có chức vụ, quyền hạn thuộc các thành phần ngoài nhà nước mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi phạm tội vì vụ lợi (ví dụ hành vi nhận tiền hối lộ của người có thẩm quyền trong lĩnh vực tư nhân) phải được xác định là hành vi tham nhũng để có chính sách xử lý thống nhất và phù hợp. Do đó, Bộ Luật Hình Sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng:
Mở rộng nội hàm khái niệm tội phạm chức vụ để có thể bao gồm cả tội phạm về chức vụ trong khu vực tư nhân, cụ thể là mở rộng chủ thể thực hiện tội phạm không chỉ là người có chức vụ trong khi thực hiện “công vụ” (đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống các cơ quan nhà nước), mà còn là người có chức vụ trong khi thực hiện “nhiệm vụ” (tại các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước):
“Điều 352. Khái niệm tội phạm về chức vụ. Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiên công vụ, nhiệm vụ”.
Bộ Luật Hình Sự 2015 đã giới hạn phạm vi các tội phạm về chức vụ trong khu vực ngoài Nhà nước đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối hộ trong nhóm tội về tham nhũng. Cụ thể:
Khoản 6 Điều 353 Bộ Luật Hình Sự 2015, Tội tham ô tài sản quy định: “Người có chức vụ quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy đinh tại Điều này”.
Khoản 6 Điều 354, Tội nhận hối lộ quy định Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”.

Mở rộng nội hàm “của hối lộ” tại các điều khoản liên quan:
Theo quy định của Bộ Luật Hình Sự năm 1999, khái niệm “của hối lộ” trong các cấu thành tội phạm về tham nhũng, bao gồm tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá được bằng tiền. Tuy nhiên, trong lịch sử phòng chống tham nhũng đã nhận thấy “của hối lộ” ở đây còn có thể là những lợi ích về mặt tinh thần như: vị trí công việc, tình dục,…
Đây cũng là yêu cầu của UNCAC, theo đó, các quốc gia thành viên phải quy định nội hàm “của hối lộ” hoặc nhũng thiệt hại do tham nhũng gây ra là những lợi ích bất chính, tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào, vô hình hoặc hữu hình, vật chất hay tinh thần, tiền tệ hoặc phi tiền tệ.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như bảo đảm thực thi UNCAC, Bộ Luật Hình Sự năm 2015 đã bổ sung “lợi ích phi vật chất” và cấu thành tội phạm của tội nhận hối lộ, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Sửa đổi, bổ sung cấu thành cơ bản của các tội phạm về tham nhũng:
Khoản 2 Điều 15 UNCAC quy định yếu tố khách quan bắt buộc trong cấu thành tội nhận hối lộ là lợi ích không chính đáng mà người thực hiện công vụ, nhiệm vụ nhận được có thể dành cho chính bản thân công chức hoặc cho người khác, ví dụ, họ hàng người thân của công chức đó, hoặc có thể dành cho một thực thể khác. Để đáp ứng yêu cầu của Công ước, khoản 1 Điều 354 (tội nhận hối lộ) sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ yêu cầu này, cụ thể:
“Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ…”
Tăng mức định lượng về giá tri tiền, tài sản tham ô, chiếm đoạt, của hối lộ:
Trong Bộ Luật Hình Sự năm 199 thì giá trị tiền, tài sản, lợi ích khác là một trong số những tình tiết trong cấu thành tội phạm trong các tội phạm về tham nhũng. Truy nhiên, trong Bộ Luật Hình Sự năm 1999 chưa có sự phân hóa phù hợp về giá trị tài sản giữa các khoản với nhau trong cùng một tội. Hơn thế nữa, mức tiền ấy với sự phát triển kinh tế như hiện nay là hoàn toàn không phù hợp.
Do đó, để phù hợp với trình độ phát triển thực tiễn, phân hóa được mức độ của tội phạm nhằm xử lý hình sự đúng đắn với từng trường hợp, Bộ Luật Hình Sự năm 2015 đã có sự thay đổi, bổ sung rất rõ ràng.
Cụ thể:
Khoản 1 Điều 278, tội tham ô tài sản có quy định mức tiền bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm là “có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau…” thì đến Bộ Luật Hình Sự năm 2015 đã có sự sửa đổi là “ trị giá từ hai triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây…”
Tương tự, mức tiền căn cứ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 279 Bộ Luật Hình Sự năm 1999 của Tội nhận hối lộ là “có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây” đến Bộ Luật Hình Sự năm 2015 trị giá của hối lộ đã tăng lên “trị giá từ hai triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng”.
Tại khoản hai của Điều 353 và Điều 354 đều nâng mức tiền chiếm đoạt tài sản và “của hối lộ” với giá trị tài sản gây thiệt hại là từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng.
Bổ sung cấu thành tăng nặng định khung hình phạt và các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự với các tội phạm về tham nhũng:
Cũng giống như hầu hết các quy định của Bộ Luật Hình Sự năm 1999 về các nhóm tội phạm cụ thể khác, các quy định về tội phạm chức vụ còn nhiều hạn chế, dấu hiệu định tội, định khung của nhiều tội chưa rõ ràng cụ thể, nhiều tình tiết có tính chất “định tính”, gây khó khăn cho việc áp dụng để xử lý tội phạm.
Hơn nữa, một số quy định về tội phạm chức vụ còn quá đơn giản, chưa dự liệu được hết các trường hợp phạm tội có tính nghiêm trọng hơn, do đó, chỉ thiết kế một hoặc hai khung hình phạt.
Để đảm bảo tính minh bạch của các quy định, bảo đảm cá thể hóa trách nhiệm hình sự cũng như tọ điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng, Bộ Luật Hình Sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung theo hướng:
- Cụ thể hóa các tình tiết định tính “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rát nghiêm trọng”, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, bổ sung nhiều tình tiết tăng nặng cho định khung hình phạt đối với hầu hết các tội phạm về chức vụ và bổ sung.
Ví dụ Điều 353 Tội tham ô tài sản:
- Bỏ điểm a) khoản 1 gây hậu quả nghiêm trọng trong Bộ Luật Hình Sự năm 1999.
- Bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại khoản 2: “đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu dãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn”; ; “e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng”; “g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức”.
- Bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại khoản 3: “b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng”; “c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội”; “d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.”
Bổ sung một số chính sách mới liên quan đến việc xử lý tộ phạm tham nhũng
Mọi người cũng xem:
Một là, để tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, thể hiện thái độ kiên quyết của Nhà nước trong việc xử lý đến cùng tội phạm tham nhũng, Điều 28 Bộ Luật Hình Sự năm 2015 bổ sung trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tham ô tài sản đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353, tội nhận hối lộ đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354. Đối với các trường hợp này, bất kể thời điểm này, bất kể thời điểm nào phát hiện được tội phạm là có thể xử lý.
Hai là, nhằm hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình trên thực tế, góp phần thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị là giảm hình phạt tử hình, đồng thời khuyến khích người phạm tội tham nhũng khắc phục hậu quả, nộp lại tiền cho Nhà nước và hợp tác với cơ quan có thẩm quyền phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm để hưởng chính sách khoan hồng.
Điều 40 Bộ Luật Hình Sự năm 2015 quy định “người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” thì sẽ không thi hành án tử hình đối với người bị kết án và truyền hình thành tù chung thân.
Góp phần giải quyết hạn chế mà Bộ Luật Hình Sự năm 1999, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng và bảo đảm thực thi Công ước chống tham nhũng mà nước ta là thành viên, các nhà làm luật đã sửa đổi bổ sung các chế định của các tội phạm về tham nhũng. Việc sửa đổi, bổ sung đó sẽ góp phần cho việc giải quyết được các vụ án liên quan đến tội phạm về tham nhũng, xác định chính xác cá nhân phạm tội và hình thức xử lý đúng đắn cho từng tội phạm.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Hãy nêu điểm mới của Bộ Luật Hình Sự năm 2015 so với Bộ Luật Hình Sự 1999 quy định về tội phạm tham nhũng. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.
Trân trọng ./.