Phân tích nội dung và đánh giá thực tiễn thực hiện nguyên tắc Cấm sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế

Từ thời kì cổ đại cho tới những năm đầu của thế kỉ XXI hiện nay, thế giới liên tục phải trai qua các cuộc chiến tranh lớn nhỏ từ nội chiến trong nước, giữa các quốc gia với nhau hoặc xung đột của các phe đồng minh,… mà tiêu biểu nhất là 2 cuộc Chiến tranh thế giới ở nửa đầu thế kỉ XX. Với mục tiêu cao cả là “phòng ngừa cho thế hệ mai sau khỏi thảm họa chiến tranh”, LHQ đã quy định “Nguyên tắc Cấm sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế” trong Hiến chương của LHQ.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, em xin lựa chọn đề bài số 4: “Phân tích nội dung và đánh giá thực tiễn thực hiện nguyên tắc Cấm sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế” để làm chủ đề cho bài tập học kì của mình.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Quốc tế, nxb Công an Nhân dân.
  • Luận văn Thạc sĩ Luật học, Phạm Thị Thanh Tuyền, “Các biện pháp trừng phạt bằng vũ lực của Liên hợp quốc”.
  • “Nguyên tắc cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”, Trần H.D. Minh

Nguyên tắc Cấm sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế

Nội dung nguyên tắc

Nội dung của nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế được ghi nhận cụ thể trong Khoản 4 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc: “Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hợp quốc”.

Việc tuyên bố rõ nguyên tắc này trong Hiến chương Liên hợp quốc, một điều ước quốc tế cơ bản có giá trị làm nền tảng cho luật pháp quốc tế hiện đại đã chứng tỏ mong muốn của cộng đồng quốc tế: việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực cần phải bị nghiêm cấm và loại bỏ trong quan hệ quốc tế.

Theo quy định nêu trên thì việc một chủ thể dùng các loại sức mạnh nhằm khống chế, đe dọa tấn công, tấn công hoặc cưỡng bức trái pháp luật quốc tế đối với một chủ thể khác trong quan hệ quốc tế là hành vi vi phạm luật quốc tế.

Nội dung chính của nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực là cấm chiến tranh xâm lược hay xâm lược vũ trang nói chung. Bởi vì xâm lược vũ trang là hành động nguy hiểm nhất trực tiếp đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Cho nên luật quốc tế hiện đại mới quy định rằng: “xâm lược vũ trang là tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất chống lại nhân loại và do vậy những kẻ gây ra nó cũng phải chịu trách nhiệm nặng nề nhất trước nhân loại”.

Phân tích nội dung và đánh giá thực tiễn thực hiện nguyên tắc Cấm sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế

Khái niệm “vũ lực” được sử dụng trong Hiến chương được hiểu thông thường là vũ lực quân sự, vũ lực do vũ khí, khí tài. Tuy nhiên, Định ước Henxiki năm 1975 quy định, các quốc gia tham gia sẽ: khước từ sử dụng mọi biện pháp mang tính cưỡng bức đối với quốc gia, thành viên khác, khước từ tiến hành hành vi cưỡng bức về kinh tế”.

Như vậy, khái niệm “vũ lực” theo luật quốc tế hiện đại không chỉ bó hẹp là sử dụng và đe dọa sử dụng lực lượng vũ trang để chống lại chủ quyền, độc lập của quốc gia khác mà còn mở rộng việc nghiêm cấm việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng sức mạnh phi vũ trang khác, bao gồm cả vũ lực chính trị và kinh tế (ví dụ như sử dụng cấm vận kinh tế, sức ép chính trị, tập trận gần biên giới quốc gia láng giềng, gửi tối hậu thư đe dọa quốc gia khác,…).

Nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực được khái quát hóa trong Tuyên bố 1970 ở những nội dung sau:

Cấm xâm chiếm lãnh thổ quốc gia hoặc sử dụng lực lượng vũ trang vượt qua biên giới tiến vào lãnh thổ quốc gia khác;

Cấm cho quân vượt qua biên giới quốc tế, trong đó có giới tuyến hòa giải;• Cấm các hành vi đe dọa trấn áp bằng vũ lực;

Không cho phép quốc gia khác sử dụng lãnh thổ của mình để tiến hành xâm lược chống nước thứ ba;

Không tổ chức, khuyến khích, xúi giục, giúp đỡ hay tham gia vào nội chiến hay các hành vi khủng bố tại quốc gia khác;

Không tổ chức, giúp đỡ các băng đảng vũ trang, nhóm vũ trang, lính đánh thuê đột nhập phá hoại lãnh thổ quốc gia khác;

Cấm tuyên truyền chiến tranh xâm lược.

Trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc

Do việc sử dụng vũ lực đã bị nghiêm cấm, mọi thành viên của Liên hợp quốc trong quan hệ đối ngoại của mình, đều không được phép sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. Tuy nhiên cùng với xu thế phát triển của thời đại, các quan hệ quốc tế ngày càng phức tạp. Nhằm đối phó với tình hình, bảo vệ nền hòa bình và an ninh quốc tế, bên cạnh nguyên tắc “cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực”, tại khoản 4 Điều 2, Hiến chương Liên hợp quốc còn đưa ra hai trường hợp ngoại lệ đối với việc sử dụng vũ lực:

Một là, Quyền tự vệ chính đáng. Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc quy định rằng: “Không có một điều khoản nào trong Hiến chương này làm tổn hại đến quyền tự vệ cá nhân hay tập thể chính đáng trong trường hợp thành viên Liên hợp quốc bị tấn công vũ trang cho đến khi Hội đồng bảo an chưa áp dụng được những biện pháp cần thiết để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.

Những biện pháp mà các thành viên Liên hợp quốc áp dụng trong việc bảo vệ quyền tự vệ chính đáng ấy phải được báo ngay cho Hội đồng bảo an và không được gây ảnh hưởng gì đến quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng bảo an, chiểu theo Hiến chương này, đối với việc Hội đồng bảo an áp dụng bất kỳ lúc nào những hành động mà Hội đồng thấy cần thiết để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế.”.

LHQ khi đề cập đến quyền tự vệ của quốc gia đã nhấn mạnh rằng quyền này chỉ có được trong trường hợp quốc gia bị tấn công vũ trang, nghĩa là chỉ khi nào bị tấn công bằng lực lượng vũ trang, quốc gia bị tấn công mới có quyền dùng vũ lực để đánh trả sự tấn công đó. Điều này nghĩa là Hiến chương cấm một quốc gia sử dụng lực lượng vũ trang chống lại quốc gia khác khi quốc gia này chỉ sử dụng các biện pháp kinh tế hoặc chính trị (hành vi tự vệ phải tương ứng với mức độ tấn công).

Theo tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc, quyền tự vệ chính đáng của quốc gia chỉ được tự do trong một thời gian tạm thời. Một khi HĐBA dã quyết định hành động thì vụ việc đó sẽ được đặt dưới quyền quyết định của cơ quan này. Các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc cũng có quyền dùng bạo lực cách mạng đê giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho mình.

Đó là quyền tự vệ chính đáng của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc, phù hợp với nguyên tắc dân tộc tự quyết và không trái với nguyên tắc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Hai là, Sử dụng vũ lực theo quyết định của Hội đồng Bảo an. Điều 39 Hiến chương quy định: “Hội đồng bảo an xác định thực tại mọi sự đe dọa hoà bình, phá hoại hoà bình hoặc hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp nào nên áp dụng phù hợp với các điều 41 và 42 để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế”.

Hiến chương cho phép lực lượng liên quân đội của LHQ được sử dụng vũ lực theo quyết định của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ để thủ tiêu mối đe dọa hòa bình và an ninh thế giới

Tại Điều 42 Hiến chương quy định, tùy từng trường hợp nếu biện pháp được khuyến nghị không đủ để giải quyết tranh chấp thì HĐBA có quyền tiến hành các biện pháp cần thiết như sử dụng không quân, hải quân hoặc lục quân để duy trì và lập lại hòa bình và an ninh quốc tế. “Những hành động này có thể là những cuộc biểu dương lực lượng, phong tỏa và những cuộc hành quân khác, do các lực lượng hải, lục, không quân của các quốc gia thành viên LHQ thực hiện”.

Tuy nhiên, HĐBA sẽ không áp dụng các biện pháp trừng phạt bằng việc sử dụng lực lượng vũ trang, nếu như hành vi của bên vi phạm chưa đến mức đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế.


Thực trạng nguyên tắc “Cấm sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế”

Dưới đây là một vụ việc thực tế trong việc xác định có hay không việc vi phạm nguyên tắc “Cấm sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế”:

Ngày 04 tháng 04 năm 2017 Mỹ cáo buộc chính phủ Syria đã thực hiện một cuộc tấn công hóa học, giết chết hàng chục người tại tỉnh Idlib, tây nam thành phố Aleppo. “Nhà Trắng” gọi cuộc tấn công này là “tàn ác” và nhấn mạnh “cuộc tấn công hóa học hôm nay ở Syria chống lại dân thường bao gồm cả phụ nữ và trẻ em là đáng trách và không thể phớt lờ bởi thế giới văn mình.”

Phía Mỹ cho rằng Chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad đứng sau cuộc tấn công này. Ngày 06 tháng 04 năm 2017, Tổng thống Trump ra lệnh tấn công vào các cơ sở sân bây của quân đội Syria. Đã có 59 tên lửa hành trình Tomahawk đã được phóng, trong đó 58 quả đánh trúng các mục tiêu dự kiến.

Tổng thống Trump có hai lý do dẫn đến quyết định tấn công tên lửa và Syria. Lý do dài hạn là nhằm chống khủng bố, chống chính quyền của Tổng thống Assad và ngăn chặn khủng hoảng di cư. Lý do trực tiếp là nhằm bảo vệ “lợi ích an ninh quốc gia sống còn” của Mỹ nhằm ngăn chặn và loại trừ vũ khí hóa học, và trừng phạt chính phủ Assad khi cho rằng chính phủ này đã tiến hành cuộc tấn công hóa học ngày 04/04/2017.

Luật pháp quốc tế quy định nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực. Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực có hai ngoại lệ được chấp nhận rộng rãi: tự vệ theo Điều 51 và sử dụng vũ lực theo sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc theo Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc.

Tự vệ?

Tự vệ theo Điều 51 Hiến chương yêu cầu phải có tấn công vũ trang. Trong trường hợp này, không có bất kỳ bằng chứng hay sự kiện nào cho thấy nước Mỹ bị tấn công vũ trang. Kể cả nếu viện dẫn đến tự vệ phủ đầu hay tự vệ phòng ngừa thì có vẻ cũng không đủ cơ sở để cho rằng có bất kỳ mối đe dọa trực tiếp gần kề nào từ phía Syria chống lại nước Mỹ.

Điều 51 Hiến chương quy định khi một quốc gia có hành động tự vệ cần ngay lập tức thông báo cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc biết. Sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ ngày 06/7/2017 Mỹ không có vẻ đã thông báo cho Hội đồng Bảo an. Đây có thể là một bằng chứng cho thấy chính nước Mỹ cũng không cho rằng mình đang thực thi quyền tự vệ theo Điều 51.

Sử dụng vũ lực để cưỡng chế thi hành luật pháp quốc tế hoặc để trừng phạt hành vi vi phạm luật pháp quốc tế?

Trong trường hợp cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào Syria ngày 06/7/2017, Mỹ không thể tự nhận vai trò cưỡng chế hay trừng phạt Syria cho các cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế bằng vũ lực. Luật quốc tế không trao cho bất kỳ quốc gia nào, kể cả các siêu cường, một vai trò pháp lý trong việc cưỡng chế hay trừng phạt.

Mỹ có thể tiến hành các biện pháp chính trị-ngoại giao, kinh tế như cắt đứt quan hệ ngoại giao, kinh tế với Syria, nhưng việc sử dụng vũ lực sẽ vi phạm vào nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực và nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của quốc gia. Luật pháp quốc tế không vận hành theo cách thức trao cho một hay một vài quốc gia quyền được cưỡng chế thi hành hay trừng phạt vi phạm.

– Can thiệp nhân đạo?

Can thiệp nhân đạo là một học thuyết gây nhiều tranh cãi, và chưa được chấp nhận là một ngoại lệ hợp pháp để sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế. Thông thường, có ba điều kiện liên quan sau đây:

  • (1) Có bằng chứng thuyết phục, được toàn thể công đồng quốc tế công nhận rộng rãi về sự tồn tại của thảm họa nhân đạo nghiêm trọng cần thiết phải có hành động loại trừ ngay;
  • (2) Hoàn cảnh của vụ việc rõ ràng và khách quan là không có bất kỳ biện pháp thay thế nào ngoài sử dụng vũ lực – sử dụng vũ lực là biện pháp cuối cùng khả thi;
  • (3) Việc sử dụng vũ lực ở mức cần thiết tối thiểu và tương xứng để loại trừ thảm họa nhân đạo đó.

Điều kiện (1) và (3) có thể chưa bàn tới Tuy nhiên điều kiện (2) khó có thể được thỏa mãn do việc sử dụng vũ lực không thể được xem là giải pháp cuối cùng khả thi. Thứ nhất, chưa có bằng chứng xác thực về việc ai đứng sau việc tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 04/04/2017 và tiếp theo đó, giải pháp cho vấn đề ở Syria cần được tiến hành trên bàn đàm phán và việc chấm dứt cuộc nội chiến mới là giải pháp hiệu quả nhất để chấm dứt các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học trong tương lai.

Tóm lại, mặc dù có thể có ý kiến cho rằng hành động của Mỹ sẽ có tác dụng mạnh mẽ ngăn chặn mọi cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học trong tương lai, qua đó ngăn chặn thảm họa nhân đạo xảy ra, nhưng về mặt pháp lý, rất khó cho Mỹ để dựa trên căn cứ can thiệp nhân đạo để biện minh cho hành động tấn công bằng tên lửa ngày 06/04/2017.

Nhìn chung, qua các phân tích sơ bộ nêu trên, rất khó để tìm ra biện minh hợp lý cho hành động tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào Syria ngày 06/04/2017 sau khi có cáo buộc chính quyền al-Assad tiến hành tấn công bằng vũ khí hóa học hai ngày trước đó. Điều đó đồng nghĩa phải xem xét nghiêm túc rằng có hay không việc Mỹ vi phạm nguyên tắc “Cấm sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.

Do bất cứ lĩnh vực nào trong quan hệ giữa các quốc gia hiện nay đều có thể bị đe dọa bởi việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nên việc tuân thủ nguyên tắc không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế là điều hết sức cần thiết cho sự ổn định, phát triển trong hòa bình an ninh của thế giới ngày nay.

Trên đây là bài viết của em về nội dung và bình luận thực tiễn nguyên tắc “Cấm sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Bài viết của em còn hạn chế về mặt kiến thức, kính mong nhận được sự góp ý bổ sung để bài làm được hoàn thiện hơn!


Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Phân tích nội dung và đánh giá thực tiễn thực hiện nguyên tắc Cấm sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

Trân trọng ./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top