Bình luận về quyền miễn trừ quốc gia trong tư pháp quốc tế, cho ví dụ minh họa

Quyền miễn trừ của quốc gia trong tư pháp quốc tế đã được thừa nhận tại hầu hết các quốc gia trên thế giới và được ghi nhận trong nhiều điều ước quan trọng. Quyền lợi đặc biệt này xuất phát từ đặc điểm khi tham gia vào các quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài nói riêng, quốc gia vẫn giữ nguyên thuộc tính chủ quyền quốc gia và có toàn quyền quyết định toàn bộ các vấn đề đối nội hay đối ngoại liên quan đến hoạt động của quốc gia.

Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Bình luận về quyền miễn trừ quốc gia trong tư pháp quốc tế, cho ví dụ minh họa” 


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Bộ luật dân sự 2015.
  • Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
  • Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Tư pháp quốc tế, nxb Tư pháp, Hà Nội- 2017.
  • Quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia trong tư pháp quốc tế : luận văn thạc sĩ luật học / Nguyễn Thu Thủy ; TS. Vũ Đức Long hướng dẫn . – Hà Nội, 2012.

Quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia trong tư pháp quốc tế.

Quốc gia – chủ thể đặc biệt trong tư pháp quốc tế

Với sự phát triển mạnh mẽ của giao lưu dân sự quốc tế, các chủ thể tham gia vào các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế không chỉ có cá nhân và pháp nhân mà còn có cả quốc gia.

Xuất phát từ đặc điểm khi tham gia vào các quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài nói riêng quốc gia vẫn giữ nguyên thuộc tính chủ quyền quốc gia và có toàn quyền quyết định các vấn đề đối nội và đối ngoại của mình. Mặt khác, các quốc gia luôn bình đẳng với nhau về chủ quyền và nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia lại là nền tảng quan trọng trong tư pháp quốc tế.

Do đó, khi tham gia vào các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trong một số trường hợp quốc gia sẽ được hưởng quyền miễn trừ tư pháp và quyền miễn trừ về tài sản (quyền miễn trừ tư pháp).

Khái niệm quyền miễn trừ tư pháp trong tư pháp quốc tế

Miễn trừ tư pháp của quốc gia được hiểu là quốc gia không bị mang ra xét xử tại tòa án; không bị áp dụng các biện pháp bảo đảm sơ bộ: không bịu áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án; tài sản của quốc gia là bất khả xâm phạm nếu như không có sự đồng ý của quốc gia đó.

Quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia trong tư pháp quốc tế

Quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia theo quy định của Công ước Liên hợp quốc

Công ước Liên hợp quốc là một bước tiến của pháp luật quốc tế, tạo ra một khung pháp lý quốc tế mang tính thống nhất về quyền miễn trừ quốc gia.

Quyền miễn trừ quốc gia không chỉ dành cho bản thân quốc gia và các cơ quan của chính phủ, các bang của một nhà nước liên bang mà còn mở rộng tới các đơn vị hành chính của quốc gia và cơ quan hoặc công ty của quốc gia là đối tượng được hưởng quyền miễn trừ.

Tuy nhiên, quốc gia không mặc nhiên được hưởng quyền miễn trừ tài phán trong mọi trường hợp. Công ước có quy định cụ thể những trường hợp quốc gia không thể viện dẫn quyền miễn trừ, bao gồm những trường hợp như khi quốc gia từ bỏ quyền miễn trừ, khi tham gia vào các giao dịch thương mại, khi vụ kiện liên quan đến hợp đồng lao động, bồi thường thiệt hại về người và tài sản do hành vi thiếu trách nhiệm của quốc gia, hoặc vụ kiện liên quan đến việc xác định quyền sở hữu, chiếm hữu và sử dụng tài sản, những ngoại lệ liên quan đến việc xác định quyền sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp, đến việc tham gia vào một công ty của quốc gia, đến việc sở hữu và vận hành một con tàu của quốc gia hay khi có một thỏa thuận trọng tài loại trừ quyền miễn trừ đó.

Quyền miễn trừ xét xử và miễn trừ tài sản (Miễn trừ tài phán tại bất cứ Tòa án quốc gia nào).

Nội dung quyền này thể hiện nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì không có một tòa án nước ngoài nào có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ kiện mà quốc gia là bị đơn đơn (trong lĩnh vực dân sự).

Theo Điều 5 Công ước Liên hợp quốc năm 2004 quy định: “Quốc gia được hưởng quyền miễn trừ tài phán trước một tòa án nước ngoài theo những quy định của Công ước”. Các quốc gia có nghĩa vụ đảm bảo quyền miễn trừ tài phán và quyền miễn trừ tài sản của quốc gia khác, cục thể là không thực thi quyền tài phán chống lại quốc gia khác trong một vụ kiện tại tòa án nước mình.

Các tranh chấp liên quan đến quốc gia phải được giải quyết bằng con đường ngoại giao, trừ khi quốc gia từ bỏ quyền này. Tóm lại, về nguyên tắc, các chủ thể có quyền nộp đơn kiện có quyền thu lý giải quyết vụ kiện hay không lại phụ thuộc vào ý chí của quốc gia bị kiện.

Quy định này thể hiện nguyên tắc tôn trọng về chủ quyền và bình đẳng giữa các quốc gia. Bởi các quốc gia trên thế giới đều có quyền bình đẳng, do đó không quốc gia nào có quyền xét xử, đưa ra một phán quyết với một quốc gia khác. Mà tòa án của các quốc gia khi xét xử đều nhân danh quốc gia, vì vậy, nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì không một tòa án nước ngoài nào có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ kiện mà quốc gia là bị đơn.

Quyền miễn trừ đối với việc áp dụng các biện pháp bảo đảm sơ bộ cho vụ kiện.

Miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo đơn kiện, nếu quốc gia đồng ý cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kiện mình, tức là đồng ý cho Tòa án nước ngoài xét xử vụ kiện mà quốc gia là bị đơn.

Trong trường hợp nếu một quốc gia đồng ý để tòa án nước ngoài thụ lý, giải quyết một vụ tranh chấp mà quốc gia là một bên tham gia thì tòa án nước ngoài đó được quyền xét xử, nhưng tòa án không được áp dụng bất cứ một biện pháp cưỡng chế nào như bắt giữ, tịch thu tài sản của quốc gia để phục vụ cho việc xét xử.

Tòa án chỉ được áp dụng các biện pháp này nếu được quốc gia cho phép. Theo Điều 18 Công ước Liên hợp quốc quy định: “Không có biện pháp cưỡng chế tiền tố tụng nào như tịch thu, chiếm giữ tài sản trái pháp luật của quốc gia được áp dụng trong một vụ kiện trước một tòa án nước ngoài…”. Trong trường hợp mà quốc gia đồng ý cho Tòa án một nước thụ lý đơn kiện chống lại quốc gia đó thì quốc gia vẫn tiếp tục hưởng quy chế pháp lý đặc biệt trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án quốc gia đó.

Như đã nói, do các quốc gia bình đẳng với nhau về chủ quyền, mặt khác, tài sản của quốc gia cũng là bất khả xâm phạm. Do đó, nếu quốc gia đồng ý tham gia vụ án với tư cách là bị đơn thì tòa án cũng không được quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiền tố tụng nào được áp dụng với quốc gia.

Quyền miệc trừ về thi hành án.

Miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo thi hành quyết định của Tòa án trong trường hợp quốc gia đồng ý cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài khởi kiện cũng như đồng ý cho Tòa án xét xử vụ kiện đó. Khi mà quốc gia đồng ý cho một tòa án nước ngoài giải quyết một tranh chấp mà quốc gia là bên tham gia và nếu quốc gia là bên thua kiện thì bản án của Tòa án nước ngoài đó cũng phải được quốc gia tự nguyện thi hành.

Nếu như quốc gia không tự nguyện thi hành bản án và không có sự đồng ý của quốc gia thì không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế như bắt giữ, tịch thu tài sản của quốc gia nhằm cưỡng chế thi hành bản án đó. Kể cả khi mà quốc gia từ bỏ quyền miễn trừ xét sử thì quyền miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế bảo đảm thi hành phán quyết của toàn án vẫn phải được tôn trọng.

Theo Điều 19 Công ước Liên hợp quốc quy định: “Không có biện pháp cưỡng chế nào sau khi có phán quyết của Tòa án như tịch thu, bắt giữ tài sản trái pháp luật của quốc gia được áp dụng trong một vụ kiện trước một tòa án nước ngoài…”. Khi tham gia vào quan hệ dân sự quốc tế, quốc gia sẽ không bị bắt buộc phải tham gia vào bất kỳ vụ kiện nào, trừ khi chính quốc gia đồng ý. Trường hợp quốc gia từ bỏ một nội dung trong quyền miễn trừ tư pháp thì quốc gia vẫn hưởng quyền miễn trừ đối với các nội dung khác.

Công ước sẽ là một căn cứ pháp lý quan trọng mà các quốc gia thành viên có thể viện dẫn để giải quyết các tranh chấp liên quan đến miễn trừ tài phán của quốc gia và tài sản quốc gia. Không chỉ dừng lại ở đó, với tính chất là một quy định khung, Công ước cũng sẽ là một cơ sở tốt để các quốc gia trong việc tham khảo khi xây dựng hoặc sửa đổi pháp luật của mình về miễn trừ nhà.

Quyền miễn trừ quốc gia tư pháp của quốc gia theo quy định của pháp luật Việt Nam

Việt Nam chưa có quy định riêng về quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia nước ngoài, tuy nhiên, nguyên tắc chung được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam là: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi, miễn trừ lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì vụ việc dân sự có liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đó được giải quyết bằng con đường ngoại giao.” Từ quy định này, có thể thấy quyền miễn trừ tư pháp của các quốc gia luôn được pháp luật Việt Nam ghi nhận.

Một vấn đề khác luôn được các đối tác nước ngoài quan tâm là tư cách pháp lý của Nhà nước Việt Nam trong các quan hệ tư pháp quốc tế mà Nhà nước Việt Nam tham gia. Bộ luật dân sự 2015 đã quy định:

“Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương khi tham gia quan hệ dân sự thì bình đẳng với các chủ thể khác và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 99 và Điều 100 của Bộ luật này.”

Tại Điều 100, Bộ luật Dân sự 2015, quy định Trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương trong quan hệ dân sự với một bên là nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài:

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự do mình xác lập với nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài trong trường hợp sau đây:

a) Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về việc từ bỏ quyền miễn trừ;

b) Các bên trong quan hệ dân sự có thỏa thuận từ bỏ quyền miễn trừ;

c) Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương từ bỏ quyền miễn trừ.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá về kinh tế, xã hội, Nhà nước, cơ quan nhà nước Việt Nam thường xuyên hợp tác, giao lưu về mọi mặt với các chủ thể nước ngoài khác. Nhà nước Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự do mình xác lập với nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài trong trường hợp sau:

Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về việc từ bỏ quyền miễn trừ

Luật quốc tế và luật quốc gia hầu hết đều thừa nhận tư cách chủ thể đặc biệt của quốc gia vào mối quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Khi tham gia vào quan hệ tư Pháp quốc tế, quốc gia được hưởng các quyền miễn trừ, tuy nhiên, nếu điều ước quốc tế có quy định về việc từ bỏ quyền miễn trừ thì quốc gia là thành viễn phải tuân theo quy định đó.

Các bên trong quan hệ dân sự có thỏa thuận từ bỏ quyền miễn trừ

Khác với trường hợp trên, quyền miễn trừ của quốc gia quy định trong các Điều ước quốc tế, thì việc từ bỏ quyền miễn trừ quốc gia trong trường hợp này xuất phát từ sự thỏa thuận, thống nhất của các bên trong quan hệ. Đặc trưng của quan hệ dân sự là sự tự do ý chí nên nhà nước, cơ quan nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài thì các bên được quyền thỏa thuận về việc từ bỏ quyền miễn trừ. Khi nhà nước, cơ quan nhà nước Việt Nam đã từ bỏ quyền miễn trừ thì phải chịu các nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ mà mình thiết lập.

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương từ bỏ quyền miễn trừ.

Đây là trường hợp Nhà nước, cơ quan nhà nước từ bỏ quyền miễn trừ theo ý chí, theo sự quyết định của chính mình. Thông thường, việc nhà nước, cơ quan nhà nước từ bỏ quyền miễn trừ của mình là nhằm tạo ra cơ chế ngang bằng với các chủ thể nước ngoài đang có quan hệ với họ. Khi nhà nước, cơ quan nhà nước từ bỏ quyền miễn trừ thì họ phải chịu nghĩa vụ trước Nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài mà họ xác lập quan hệ.

Ngược lại, trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của nhà nước, cơ quan nhà nước của nước ngoài khi tham gia quan hệ dân sự với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng tương tự khoản 1 Điều này.

Bình luận về quyền miễn trừ quốc gia trong tư pháp quốc tế

Có thể thấy, các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia là phù hợp với xu thế chung của thế giới và tinh thần của Công ước của Liên hợp quốc về quyền miễn trừ quốc gia. Điều này cho thấy một sự thay đổi trong tư duy lập pháp của chúng ta. Nếu như trước đây, chúng ta gần như chỉ thừa nhận thuyết miễn trừ tuyệt đối, phản đối thuyết miễn trừ tương đối. Theo Giáo trình TPQT của Trường Đại học Luật Hà Nội “nội dung thuyết miễn trừ theo chức năng hoàn toàn trái với các nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế cũng như của TPQT, không có lợi cho việc thúc đẩy giao lưu dân sự quốc tế”. Tương tự, theo giáo trình của Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội “nội dung thuyết miễn trừ theo chức năng hoàn toàn trái với các nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế cũng như của TPQT”. “Pháp luật Việt Nam cũng như thực tiễn tư pháp Việt Nam luôn luôn bảo đảm tôn trọng quyền miễn trừ tư pháp tuyệt đối của nhà nước nước ngoài bằng con đường ngoại giao, trừ trường hợp nhà nước đó đồng ý tham gia tố tụng tại tòa án Việt Nam”.

Thực tiễn giao lưu dân sự cho thấy, nếu chúng ta theo thuyết miễn trừ tuyệt đối, sẽ không có lợi cho nhà nước Việt Nam, đặc biệt là các cá nhân, tổ chức tham gia vào các quan hệ dân sự với một bên chủ thể là quốc gia. Bởi họ có thể dựa vào thuyết miễn trừ tuyệt đối để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ vì họ được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối ở Việt Nam, nhưng Việt Nam lại không được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối ở nước ngoài. Vì vậy, việc ghi nhận quốc gia sẽ không được hưởng quyền miễn trừ trong những trường hợp nhất định trong văn bản pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để giải quyết những tình huống cụ thể trên thực tế, đồng thời thúc đẩy giao lưu dân sự giữa các cá nhân nước ngoài với Nhà nước Việt Nam, bắt kịp xu hướng hội nhập quốc tế.

Ví dụ minh họa

Đây là vụ việc mà Toà án Pháp đã xét xử liên quan đến Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Theo tình tiết của vụ việc, Clerget là công dân của Pháp đã giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty than Hòn Gai (một công ty của Pháp). Theo thoả thuận kể từ ngày 08-4-1955, công ty than này thuộc Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hoà. Ngày 25-4-1955, ông Clerget đã được Chính phủ Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tuyển dụng vào chức vụ giám đốc của Công ty nhằm đảm bảo hoạt động của công ty thông qua một hợp đồng lao động. Sau đó, Clerget tiếp tục làm việc cho chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà trong phái đoàn đại diện thương mại của Việt Nam tại Pháp. Tuy nhiên, sau đó, chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà đã huỷ bỏ hợp đồng lao động với Clerget. Sau khi đòi tiền lương và một số khoản nợ khác không thành công, ông Clerget dã khởi kiện Đại diện thương mại của Việt Nam có trụ sở tại quận 16 của Paris ra Toà Lao động Paris (Conseil de Prud’hommes). Đại diện thương mại của Việt Nam cho rằng Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà có quyền miễn trừ tư pháp và không tham gia vào vụ kiện. Toà lao động Paris khi đó đã xét xử vắng mặt vào ngày 03 tháng 5 năm 1965 và trên cơ sở các tình tiết của vụ kiện đã ra phán quyết yêu cầu Phái đoàn thương mại của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải trả cho Clerget tổng số tiền là 74,123 france gồm có tiền lương và tiền bồi thường thiệt hại.

Sau khi có phán quyết của Toà lao động Paris, Clerget đã gửi lệnh của toà án yêu cầu Ngân hàng thương mại Bắc Âu (Banque Commerciale Pour L’Europe da North) thực thi phán quyết của toà án đối với số tiền được gửi tại ngân hàng dưới tên chủ tài khoản là Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, tài khoản của phái đoàn thương mại của Việt Nam dân chủ cộng hoà tại Paris và phái đoàn của nước này tại Paris và Ngân hàng thương mại của Việt Nam ở nước ngoài. Hai ngân hàng trên đã gửi đơn khiếu nại đến Toà thượng thẩm (Tribunal de grande instance) Seine và Toà thượng thẩm Seine đã huỷ bỏ lệnh trên của Toà lao động Paris.

Clerget đã kháng cáo tới Toà phúc thẩm Paris và Toà Phá án Pháp yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành đối với tài sản gửi tại Ngân hàng thương mại Bắc Âu của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà nhưng đều bị bác đơn kháng cáo. Các toà án của Pháp đã lập luận rằng: “Dù Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chưa chính thức được chính phủ Pháp công nhận, nhưng sự tồn tại của nó với tư cách là một quốc gia là không thể chối cãi và vì vậy quốc gia này được hường quyền miễn trừ quốc gia”. Trong vụ kiện này, “Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà không được hưởng quyền miễn trừ xét xử do hợp đồng đang tranh chấp là hợp đồng mang các đặc điểm của luật tư và không phải là hoạt động mang tính chất chủ quyền quốc gia”. Tuy nhiên, theo lập luận của Toà án, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế phải bị huỷ bỏ do một quốc gia được hưởng quyền miễn trừ thi hành tuyệt đối. Toà tư pháp tối cao của Pháp cũng cho rằng “các tài sản của Việt Nam dân chủ cộng hoà không xác định xuất xứ và mục đích đều không thể là đối tượng của các biện pháp tịch biên” kể cả trong trường hợp tài sản đó chỉ được sử dụng “nhằm thanh toán các khoản nợ pháp sinh từ các hoạt động mang tính chất thương mại”.

Phân tích:

Qua vụ tranh chấp này có thể nhận thấy, quan điểm của Chính phủ Pháp đối với quyền miễn trừ của quốc gia đó là việc quốc gia đã được chính thức công nhận hay chưa không ảnh hưởng đến việc hưởng quyền miễn trừ của quốc gia. Quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia trong vụ kiện này được thể hiện như sau:

Quyền miễn trừ xét xử tại bất cứ Tòa án nào.

Nội dung quyền này thể hiện nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì không có một tòa án nước ngoài nào có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ kiện mà quốc gia là bị đơn (trong lĩnh vực dân sự).

Tuy nhiên, trong trường hợp này nước Việt Nam dân chủ cộng hòa không được hưởng quyền miễn trừ tư pháp do quan hệ chỉ mang tính chất luật tư, không mang tính chất chủ quyền quốc gia. Do đó, Tòa lao động Paris vẫn có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ án dân sự, trong đó nhà nước Việt Nam có tư cách là bị đơn.

Quyền miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo thi hành quyết định của Tòa án trong trường hợp quốc gia không đồng ý cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài kiện, đồng ý cho Tòa án xét xử. Trong vụ kiện trên, khi Clerget kháng cáo tới Toà phúc thẩm Paris và Toà Phá án Pháp yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành đối với tài sản gửi tại Ngân hàng thương mại Bắc Âu của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thì đều bị bác đơn kháng cáo. Theo lập luận của Toà án, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế phải bị huỷ bỏ do một quốc gia được hưởng quyền miễn trừ thi hành tuyệt đối. Toà tư pháp tối cao của Pháp cũng cho rằng “các tài sản của Việt Nam dân chủ cộng hoà không xác định xuất xứ và mục đích đều không thể là đối tượng của các biện pháp tịch biên” kể cả trong trường hợp tài sản đó chỉ được sử dụng “nhằm thanh toán các khoản nợ phát sinh từ các hoạt động mang tính chất thương mại”. Do đó, trường hợp này nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có thể bị xét xử trong vụ kiện, tuy nhiên sẽ không bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.

Quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia mang ý nghĩa rất quan trọng, được thể hiện trong nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền và tôn trọng chủ quyền của các quốc gia. Hầu hết các quốc gia đêỳ thừa nhận quyền miễn trừ tư pháp, tuy nhiên, tùy vào điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội mà các quốc gia sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng được nhu cầu hội nhập.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Bình luận về quyền miễn trừ quốc gia trong tư pháp quốc tế. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top