Giải quyết tình huống tội mua bán người

Quyền con người là toàn bộ các quyền, tự do và đặc quyền được công nhận dành cho con người do tính chất nhân bản của nó, sinh ra từ bản chất của con người chứ không phải được tạo ra bởi pháp luật hiện hành. Đây là những quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả xâm phạm do đấng tạo hóa ban cho con người như quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, những quyền tối thiểu của con người mà bất kì chính phủ nào cũng phải bảo vệ nó. Như vậy, con người, quyền con người là đối tượng hàng đầu được pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng bảo vệ. Trong bảo vệ con người, bảo vệ quyền con người, Bộ luật Hình sự Việt Nam bảo vệ trước hết là tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và bảo vệ quyền tự do của con người vì đó là những điều có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với mỗi con người. Vì lẽ đó, Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015 (BLHS) có chương XIV, quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Đây được coi là một trong những chế định quan trọng nhất của bộ luật này, trực tiếp bảo vệ con người với tư cách chủ thể của các mối quan hệ xã hội.

Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề trên, em chọn đề bài tình huống số 3 để phân tích trong bài tập này:

Phong (28 tuổi, là đối tượng không nghề nghiệp) thường xuyên lên mạng làm quen với các cô gái trẻ, giả vờ yêu đương để lừa bán sang Trung Quốc. Phong đã thực hiện trót lọt 3 vụ, lừa được 3 cô gái (hai cô 17 tuổi và một cô 15 tuổi) sang bán cho chủ chứa mại dâm người Trung Quốc. Sau đó, Phong bị bắt và thừa nhận hành vi phạm tội nêu trên.

Câu hỏi:

  1. Xác định tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với hành vi phạm tội của Phong. (3 điểm) 
  2. Giả sử Phong mới 17 tuổi 10 tháng thì hình phạt tổng hợp cao nhất mà Phong có thể bị Tòa án áp dụng trong tình huống nêu trên là bao nhiêu năm tù? Tại sao? (2 điểm) 
  3. Giả sử trước khi lừa bán các cô gái qua biên giới, vì giả vờ yêu đương nên Phong đều có quan hệ tình dục với các cô gái thì hành vi này của Phong có phạm tội không? Tại sao? (2 điểm)

Giải quyết tình huống tội mua bán người

Câu 1: Xác định tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với hành vi phạm tội của Phong.

Trả lời: Tội danh của Phong sau khi thực hiện tội phạm là tội mua bán người. Hình phạt áp dụng đối với hành vi phạm tội của Phong được quy định tại Điều 150 và Điều 151 của BLHS, khung hình phạt được áp dụng với Phong thuộc Khoản 2 Điều 150 và Khoản 2 Điều 151. 

Giải thích:

Tại Khoản 1 Điều 150 BLHS quy định về dấu hiệu của tội mua bán người như sau: 

“Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt từ 5 năm đến 10 năm:

a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;

b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể cả nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc b khoản này.”

– Về chủ thể, phần giả định của điều luật mô tả người nào, tức là không phân biệt giới tình của người thực hiện tội phạm, chỉ cần người đó là người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và thực hiện hành vi được nêu tại Khoản 1 Điều 150 BLHS, thì bị coi là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự.

– Về khách thể, khách thể của tội mua bán người là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhân phẩm của con người. Đối với tội mua bán người dưới 16 tuổi thì khách thể là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhân phẩm của người dưới 16 tuổi.

Giải quyết tình huống tội mua bán người theo Bộ luật hình sự
Giải quyết tình huống tội mua bán người theo Bộ luật hình sự

– Về mặt khách quan có 2 dấu hiệu sau đây:

+ Tội phạm được thể hiện ở hành vi dùng tiền hoặc các lợi ích vật chát khác mua bán, trao đổi con người như một thứ hàng hóa. Trên thực tế, hành vi này được thực hiện bởi nhiều thủ đoạn khác nhau, để có được hàng hóa đặc biệt này, chúng không từ một thủ đoạn nào như lừa gạt, thu gom, bắt cóc, chiếm đoạt, vận chuyển, cất giấu, tập kết,… để có được hàng nhằm mục đích mua bán.

+ Người bị hại là người từ đủ 16 tuổi trở lên với tội mua bán người. Người bị hại dưới 16 tuổi thì cấu thành tội mua bán người dưới 16 tuổi.

+ Hậu quả của tội phạm là việc con người bị đưa ra mua bán, trao đổi như súc vật hay những thứ hàng hóa khác, danh dự, nhân phẩm của họ bị chà đap, cũng có thể bị bóc lột sức lao động, bị bóc lột tình dục, bị đầy ải, bị đánh đập và cũng có thể bị sử dụng vào những mục đích vô nhân đạo khác. Tuy hậu quả của tội của tội phạm không có ý nghĩa trong việc đánh giá về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Tội phạm coi như hoàn thành khi thực hiện được hành vi mua bán, khi đó, danh dự, nhân phẩm của con người bị xâm hại.

– Về mặt chủ quan, người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Mục đích tội phạm vì vụ lợi (thu lợi bất chính), tuy nhiên đây không phải cấu thành cơ bản của tội này, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội không phụ thuộc vào việc người bị hại có biết hay không biết mình bị mua bán, khi người phạm tội thực hiện xong hành vi mua bán của mình không kể mục đích là gì thì tội phạm được coi là hoàn thành.

=> Trong tình huống đề bài đưa ra, Phong (28 tuổi) đã có hành vi lên mạng để làm quen và giả vờ yêu với nhiều cô gái trẻ, sau đó lừa bán họ sang cho chủ chứa mại dâm ở Trung Quốc. Hay nói cách khác theo định nghĩa của luật đưa ra thì Phong đã cố tình có hành vi lừa gạt các cô gái trẻ để chuyển giao cho chủ chứa mại dâm ngoài biên giới lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm bóc lột tình dục. Như vậy, hành vi của Phong thỏa mãn tất cả các cấu thành tội phạm cần thiết của tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi đã được phân tích ở trện. 

Bên cạnh đó, Phong hiện nay 28 tuổi. Vì vậy, Phong đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 12 BLHS và sẽ phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự với tội phạm mà mình đã thực hiện.

Trong những đối tượng bị Phong hại, có hai cô gái 17 tuổi và một cô gái 15 tuổi. Thứ nhất, đối với việc mua bán hai cô gái 17 tuổi của Phong, hành vi của Phong được quy định tại Điểm d, đ Khoản 2 Điều 150 BLHS quy định về việc mua bán người: “2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sai đây thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:… d) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đ) Đối với từ 02 người đến 05 người;…”

Thứ hai, đối với cô gái 15 tuổi, hành vi của Phong được quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 151 BLHS quy định về việc mua bán người dưới 16 tuổi: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:… đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;…”

Như vậy, đối với tội danh mua bán người của mình, hình phạt dành cho Phong được quy định tại Khoản 2 Điều 150 và Khoản 2 Điều 151 BLHS.

Câu 2: Giả sử Phong mới 17 tuổi 10 tháng thì hình phạt tổng hợp cao nhất mà Phong có thể bị Tòa án áp dụng trong tình huống nêu trên là bao nhiêu năm tù? Tại sao?

Trả lời: Hình phạt tổng hợp cao nhất mà Phong có thể bị Tòa án áp dụng trong tình huống nêu trên là 18 năm theo Khoản 1 Điều 103 quy định về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội đối với người chưa thành niên phạm tội. 

Giải thích:

Như đã phân tích ở câu 1, Phong bị truy cứu trách nhiệm với hai tội danh là mua bán người và mua bán trẻ em dưới 16 tuổi ra khỏi biên giới lãnh thổ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tương ứng với 2 hành vi phạm tội được quy định tại Khoản 2 Điều 150 và Khoản 2 Điều 151 BLHS.

Theo Điểm a Khoản 1 Điều 55 BLHS quy định về việc tổng hợp hình phạt thì: “Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 3 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn.” 

Như vậy, nếu như Phong, người có hành vi phạm tội, là người trên 18 tuổi và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự thì hình phạt tổng hợp cao nhất đối với 2 tội danh mà Phong thực hiện là 30 năm (mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại Khoản 2 Điều 150 là 15 năm, mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại Khoản 2 Điều 151 là 20 năm, tổng thời gian tù của Phong là 35 năm, nhưng theo quy định của BLHS này, thời hạn tù cao nhất của Phong phải chịu là 30 năm). 

Dựa vào tình huống giả thiết đưa ra, Phong hiện đang 17 tuổi 10 tháng, tức là khi thực hiện hành vi phạm tội của mình, Phong là đối tượng chưa thành niên. Bên cạnh đó, theo Khoản 1 Điều 12 BLHS quy định: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.” Như vậy, Phong đã trên 16 tuổi nên Phong sẽ bắt buộc phải chịu trách nhiệm hình sự và bị xử phạt theo các quy định của BLHS quy định về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi đối với trường hợp người chưa thành niên phạm tội.

Giải quyết tình huống tội mua bán người theo Bộ luật hình sự
Giải quyết tình huống tội mua bán người theo Bộ luật hình sự

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 103 BLHS quy định về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội đối với người chưa thành niên phạm tội: 

“Khi xét xử cùng một lần người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội thì Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.

Nếu hình phạt chung là cải tạo không giam giữ thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 03 năm. Nếu hình phạt chung là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không được vượt quá 18 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội và 12 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội.”

Như vậy, tình huống đưa ra giả định rằng Phong hiện đang 17 tuổi 10 tháng nên Phong không phải chịu mức phạt tù cao nhất là 30 năm tù giam, thay vào đó, dựa trên những quy định của BLHS quy định về tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, hình phạt cao nhất mà Phong bị tuyên với những tội phạm mà mình đã thực hiện là 18 năm tù giam. 

Câu 3: Giả sử trước khi lừa bán các cô gái qua biên giới, vì giả vờ yêu đương nên Phong đều có quan hệ tình dục với các cô gái thì hành vi này của Phong có phạm tội không? Tại sao?

Trả lời: Việc Phong quan hệ tình dục với hai cô gái 17 tuổi có thể là hành vi phạm tội. Còn đối với cô gái 15 tuổi, việc Phong có quan hệ tình dục với cô gái này là phạm tội theo quy định tại Điều 145 BLHS 2015.

Giải thích:

Đầu tiên, đối với hành vi giao cấu giữa Phong và hai cô gái 17 tuổi có thể xảy ra hai trường hợp.

– Thứ nhất, hai cô gái tự nguyện phát sinh quan hệ với Phong. Theo quy định của BLHS, khi cả hai bên cả nam và nữ đều từ đủ 16 tuổi trở lên mà có quan hệ tình dục một cách tự nguyện thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, Phong không vi phạm pháp bất cứ quy định nào của pháp luật trong trường hợp này.

– Thứ hai, hai cô gái không tự nguyện phát sinh quan hệ với Phong. 

+ Căn cứ theo Điều 141 BLHS quy định về tội hiếp dâm: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.” Ta có thể hiểu hiếp dâm là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc dùng thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ. Hành vi giao cấu trái ý muốn của nạn nhân có nghĩa là không được chấp nhận sự giao cấu của nạn nhân hoặc hành vi giao cấu xảy ra không có ý muốn của nạn nhân vì họ đang trong tình trạng không thể hiện hoặc biểu lộ được ý chí của họ.

+ Trong trường hợp này, nếu như hai cô gái không chấp nhận giao cấu với Phong nhưng Phong có các hành vi bất chấp nhằm thực hiện hành vi giao cấu với hai cô gái thì Phong vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội hiếp dâm được quy định tại Điều 141 BLHS.

Thứ hai, đối với hành vi giao cấu của Phong và cô gái 15 tuổi. Hiện nay, pháp luật nghiêm cấm hành vi giao cấu với trẻ em dưới 16 tuổi, ngay cả khi có sự đồng thuận. Như vậy, nếu quan hệ tình dục với người chưa đủ 16 tuổi (dù có sự đồng thuận) vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 145 BLHS. Như vậy, hành vi quan hệ tình dục giữa Phong và cô gái 15 tuổi dù có sự đồng thuận từ phía cô gái 15 tuổi thì Phong vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh được quy định tại điều trên. 

Giải quyết tình huống tội mua bán người theo Bộ luật hình sự
Giải quyết tình huống tội mua bán người theo Bộ luật hình sự

Kết luận

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống của con người ngày càng hiện đại và đầy đủ hơn. Nhưng bên cạnh những mặt tích cực đó cũng vẫn còn có các tệ nạn xã hội xâm phạm trực tiếp đến các quyền của con người vẫn luôn tồn tại hằng ngày bất chấp sự cố gắng loại bỏ, triệt phá của các cơ quan chức năng. Chẳng hạn trong đó có các đường dây mua bán người qua biên giới nhằm các mục đích như mại dâm, buôn nội tạng,… vẫn luôn không ngừng tăng lên mà mức độ tinh vi, xảo quyệt, hệ thống của chúng ngày càng được nâng cao nhằm qua mắt pháp luật. Qua tình huống trên, ta nhận thức rằng, mỗi con người, mỗi công dân cần được cung cấp đầy đủ thông tin, nâng cao nhận thức của bản thân về các tệ nạn của xã hội cũng như quyền lợi bất khả xâm phạm của chính mình để có thể tự bảo vệ bản thân mình. 


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Giải quyết tình huống tội mua bán người. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top