Thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại các nước và kinh nghiệm cho Việt Nam

Thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại các nước và kinh nghiệm cho Việt Nam

     Sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới đã kéo theo sự tham gia của quá trình di chuyển vốn đầu tư từ nơi này sang nơi khác ở phạm vi quốc gia và quốc tế. Song đi cùng với sự gia tăng về đầu tư là những mâu thuẫn, bất đồng về lợi ích làm phát sinh tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài giữa nhà đầu tư nước ngoài và nước tiếp nhận đầu tư.

      Để giải quyết các tranh chấp đầu tư nước ngoài, các quốc gia đã cùng đưa ra các phương thức giải quyết tranh chấp bằng việc tham gia các hiệp định đa phương và song phương. Tuy nhiên tại mỗi quốc gia, việc giải quyết tranh chấp lại có những điểm khác biệt, có những cách thức giải quyết đã trở thành bài học kinh nghiệm cho Việt Nam tham khảo, học hỏi và áp dụng.

       Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại các nước và kinh nghiệm cho Việt Nam” làm bài tiểu luận kết thúc môn học.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • TS Nguyễn Minh Hằng, Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư – Một vài suy nghĩ với Việt Nam, Tạp chí Luật học – Đặc san 10/2012.
  • ICSID, Arbitral Award, Case No. ARB (AF)/99/2), Mondev International Ltd. v. the United States of America.
  • UCITRAL Arbitral Award, Walter Bau v. Thailand dated July1t, 2009
  • Marcos D. Garcia Dominguez, Does Japan’s Quiet Approach to International Investment Law Work in a World of Recurrent Conflict?, University of Chicago Law School

Thực tiễn áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

Phương thức bảo hộ ngoại giao

      Đây là phương thức “truyền thống” để giải quyết tranh chấp quốc tế giữa chính phủ nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, căn cứ vào yêu cầu của nhà đầu tư, chính phủ của nước của nhà đầu tư sẽ đứng ra yêu cầu chính phủ nước tiếp nhận đầu tư phải bồi thường do hành vi gây thiệt hại tới lợi ích của công dân nước mình. Ý chí của nhà nước của nhà đầu tư có vai trò quan trọng trong việc thực hiện bảo hộ ngoại giao. Pháp luật quốc tế coi bảo hộ ngoại giao là quyền của nhà nước chứ không phải là nghĩa vụ. Điều này có nghĩa là việc nhà đầu tư có được bảo hộ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của nhà nước mình.

      Xét trên thực tiễn áp dụng, phương thức bảo hộ ngoại giao ngày nay có vai trò kém rõ rệt đối với việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trước quốc gia tiếp nhận đầu tư và ít được áp dụng. Việc giới hạn sử dụng phương thức này được thể hiện trong các hiệp định đầu tư song phương và đa phương. Công ước ICSID có quy định rõ ràng trong Điều 27.1: “Không một nước ký kết nào được đưa ra biện pháp bảo hộ ngoại giao, hay khởi kiện quốc tế, liên quan đến một tranh chấp mà công dân của nước đó với nước ký kết khác đã đồng ý hoặc phải đưa ra giải quyết bằng trọng tài theo Công ước này, trừ phi quốc gia ký kết đó không tuân thủ phán quyết được đưa ra”. Ở cấp độ song phương, các BIT cũng có quy định tương tự, ví dụ như Điều 12.3 BIT giữa Việt Nam và Úc (1991), Điều IX.16 BIT Việt Nam – Chile (1999).

      Một trong những ưu điểm nổi bật của cơ chế GQTC giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư là tránh đối đầu chính trị giữa các quốc gia. Khi nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đòi Nhà nước tiếp nhận bồi thường thiệt hại theo các phán quyết của trọng tài quốc tế, họ có thể cầu viện đến hành động của Chính phủ nước mình. Ví dụ trong vụ Patuha Power Ltd vs. Cộng hòa Indonesia (phán quyết UNCITRAL 16/10/1999), Chính phủ Indonesia đã không thực hiện việc bồi thường cho nhà đầu tư theo phán quyết. Sau đó, Patuha được trả một phần tiền bồi thường từ bảo hiểm rủi ro chính trị cấp bởi một cơ quan thuộc Chính phủ Hoa Kỳ là Công ty Đầu tư tư nhân ra nước ngoài (Overseas Private Investment Corporation – OPIC). OPIC sau này đã đòi được số tiền hoàn trả từ Chính phủ Indonesia qua những động thái ngoại giao và sức ép từ Hoa Kỳ.

      Như đã đề cập ở trên, bảo hộ ngoại giao vẫn được phép và có vai trò quan trọng trong một số trường hợp Nhà nước tiếp nhận đầu tư trong tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài không thi hành phán quyết trọng tài đã được đưa ra. Ngoài ra, trong quá trình xét xử tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ bị khởi kiện dựa vào quyền lực của mình có thể có hành động gây khó khăn và đe dọa nhà đầu tư. Do đó, bảo hộ ngoại giao vẫn giữ vai trò nhất định trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư. Chính phủ các nước, nhất là với các nước đang phát triển nên tuân thủ nghiêm ngặt nghĩa vụ của mình đối với nhà đầu tư nướcngoài trong các IIA, đặc biệt là việc tuân thủ phán quyết của trọng tài quốc tế để tránh đối đầu chính trị và ảnh hưởng xấu tới quan hệ giữa các quốc gia.

Phương thức tòa án

      Tranh chấp đầu tư giữa chính phủ nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài có thể được giải quyết tại toà án quốc gia. Toà án này có thể là toà án quốc gia của nước tiếp nhận đầu tư, toà án quốc gia của nhà đầu tư hoặc toà án của nước thứ ba. Pháp luật đầu tư của các quốc gia thường quy định toà án của quốc gia tiếp nhận đầu tư là toà án có thẩm quyền.

      Ở một số nước Mỹ Latin, phương thức giải quyết bằng tòa án trong nước được ưu tiên áp dụng. Quan điểm này còn được thể hiện trong một số hiệp định khu vực ngăn các nước thành viên cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đối xử ưu đãi hơn so với nhà đầu tư trong nước và ưu tiên giải quyết tranh chấp bằng tòa án quốc gia tiếp nhận đầu tư. Về sau, các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi đã chuyển sang giải quyết tranh chấp liên quan đến đầu tư bằng các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế.     Các nhà đầu tư nước ngoài rất ủng hộ bước chuyển đổi này và cho rằng tranh chấp giữa nhà đầu tư và nước tiếp nhận nên được giải quyết bằng các cơ chế giải quyết tranh chấp được điều chỉnh bởi các thủ tục và tiêu chuẩn quốc tế, điển hình là bằng phương thức trọng tài quốc tế. Cũng chính vì vậy mà các nước đang phát triển kí kết các hiệp định đầu tư với điều khoản giải quyết tranh chấp có nội dung như trên như là một công cụ nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.Tuy nhiên, theo William S. Dodge (2006 tr.30), giải quyết tranh chấp thông qua tòa án quốc gia có thể được sử dụng đối với các tranh chấp quy mô không lớn và tranh chấp đối với các cơ quan quản lí, quan chức ở cấp thấp.

      Hiện nay, việc ưu tiên giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư bằng tòa án trong nước đang có dấu hiệu quay trở lại, chủ yếu do quan ngại về việc giải quyết tranh chấp theo cơ chế quốc tế trọng tài có thể ảnh hưởng đến quyền ban hành các chính sách công cộng của quốc gia. Một ví dụ là trong FTA giữa Mỹ và Australia (2004), Australia đã thương lượng không đưa vào điều khoản về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư và quốc gia tiếp nhận và đây là FTA song phương duy nhất của Mỹ không có điều khoản này. Mặt khác Chính phủ Australia cũng khuyến cáo nhà đầu tư nước mình cân nhắc và đánh giá kỹ trước khi quyết định đầu tư vào một quốc gia mà họ không được bảo hộ bằng các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế.

Phương thức trọng tài

      Khi tranh chấp phát sinh, nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư có thể giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, trong đó có trọng tài ad hoc (trọng tài vụ việc) và trọng tài thường trực (được hỗ trợ bởi các tổ chức nhất định).

      Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước tiếp nhận đầu tư theo phương thức trọng tài được đề cập đến trong rất nhiều trong IIA. So với tòa án quốc gia, các hội đồng trọng tài quốc tế độc lập được nhà đầu tư đánh giá là khách quan, công bằng và minh bạch hơn. Các quốc gia tiếp nhận đầu tư, nhằm khẳng định cam kết về một môi trường đầu tư lành mạnh, ngày càng có xu hướng chấp nhận phương thức giải quyết tranh chấp mang tính quốc tế này. Điều này có thể được chứng minh bằng sự phổ biến của các IIA ở cả cấp độ song phương và đa phương có quy định về GQTC bằng trọng tài như BIT Việt Nam – Argentina, BIT Việ t Nam – Australia, BIT mẫu của Canada, BIT mẫu của Hoa Kỳ, Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN 2009 (Phần B), Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA 1994 (Chương 11), Hiệp định Năng lượng ECT (Phần 3 và Điều 26), FTA Hoa Kỳ – Chile 2003 (Chương 10)…

      Trên thực tế, trọng tài cũng là phương thức được sử dụng phổ biến trong các vụ tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước tiếp nhận đầu tư. Số vụ tranh chấp được đưa ra trọng tài ngày càng tăng, nếu như ở những năm 1990 -1995, phương thức này còn khá xa lạ trong lĩnh vực đầu tư (mỗi năm chỉ có khoảng 02 vụ tranh chấp được đưa ra trọng tài) thì tới giai đoạn 2000-2010, con số này đã tăng lên trung bình từ 20-30 vụ/năm. Tính tới thời điểm cuối năm 2010, tổng số vụ tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước tiếp nhận đầu tư được đưa ra giải quyết bằng trọng tài được biết là 390 vụ, trong đó riêng trong năm 2010 có 25 vụ.

      Về tình hình đưa ra phán quyết, trong tổng số 390 vụ tranh chấp ở trên, 197 vụ đã được giải quyết, trong đó 78 phán quyết ủng hộ Nhà nước tiếp nhận (khoảng40%) và 59 phán quyết bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư (30%). Như vậy, mặc dù phương thức này tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài được khởi kiện quốc gia tiếp nhận, điều này không có nghĩa là đặt quốc gia tiếp nhận đầu tư vào thế bất lợi. Các quốc gia hoàn toàn có thể đưa ra lập luận để bảo vệ lợi ích của mình và giành được thắng lợi trong các vụ tranh chấp.

    Về các bên tham gia tranh chấp, phần lớn các vụ tranh chấp được khởi kiện bởi các nhà đầu tư tới từ các quốc gia phát triển. Tính tới cuối năm 2010 đã có 83 quốc gia đối mặt với các khiếu kiện của nhà đầu tư theo phương thức trọng tài, trong đó có 51 quốc gia đang phát triển, 17 quốc gia phát triển và 15 nước có nền kinh tế chuyển đổi. Thực trạng các nước đang phát triển thường xuyên bị kiện ra trọng tài quốc tế trong các tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài bắt nguồn từ một số nguyên nhân. Thứ nhất, hệ thống pháp luật của các nước này chưa hoàn thiện, thường xuyên thay đổi chính sách, quy định pháp luật, từ đó có thể gây ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà đầu tư. Thứ hai, quy trình thủ tục tố tụng trong nước phức tạp và thiếu minh bạch gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc theo đuổi vụ kiện. Thứ ba, các cơ quan tư pháp ở các nước đang phát triển, đặc biệt là tòa án chưa đảm bảo tính độc lập, công bằng nên không được tạo niềm tin với nhà đầu tư.

      Về hình thức trọng tài, trong lĩnh vực tranh chấp đầu tư, trọng tài ad hoc được đánh giá cao và được sử dụng trong hầu hết các hiệp định đầu tư song phương (BITs), hiệp định thương mại song phương (BTAs). Tổ chức trọng tài đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các tranh chấp loại này phải kể đến Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ICSID, ngoài ra cũng có một số tổ chức khác như Trọng tài của Phòng thương mại quốc tế ICC, Tòa trọng tài thường trực Stockhol (SCC)…Với hình thức trọng tài vụ việc, phần lớn các bên sử dụng bộ Quy tắc trọng tài của UNCITRAL. Theo số liệu thống kê của UNCTAD, trong tổng số 390 vụ tranh chấp đầu tư thống kê được tới năm 2010, cơ chế ICSID chiếm tỷ lệ vượt trội với 245 vụ, sau đó là hình thức trọng tài vụ việc theo Quy tắc trọng tài của UCITRAL với 109 vụ. Các cơ chế trọng tài khác chiếm một tỷ lệ nhỏ như SCC (19 vụ), ICC (6 vụ), còn lại là các trọng tài vụ việc khác.

Các phương thức khác

      Phần lớn các điều khoản giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận trong các IIA quy định trước tiên các bên phải/nên sử dụng các biện pháp không chính thức, với mục đích giải quyết mâu thuẫn một cách thân thiện và giảm căng thẳng. Ví dụ về quy định này có thể thấy trong các BIT mẫu của các nước xuất khẩu vốn như Đức (1991, Điều 11), Pháp (1998, Điều 8), Anh (1991, Điều 8) và các BIT đã được ký kết như BIT giữa Việt Nam và Trung Quốc (1992, Điều 8.1), Argentina–Bolivia (1994, Điều 9.1), Brazil- Chile (1994, Điều VIII.1).

Thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại các nước và kinh nghiệm cho Việt Nam

      Tuy nhiên, việc sử dụng các hình thức GQTC khác (hòa giải, chính sách ngăn ngừa, phát hiện sớm tranh chấp…) vẫn còn rất hạn chế. Mặc dù các tổ chức như ICSID, ICC và SCC đều có các cơ chế giải quyết tranh chấp khác bên cạnh cơ chế trọng tài cho các bên chọn lựa, thực tế là có rất ít những ghi chép về các tranh chấp nhà đầu tư – Nhà nước tiếp nhận sử dụng các quy tắc hòa giải đó. Do các phương thức này không mang tính tài phán ít được sử dụng là bởi các phương thức này không có cơ chế bắt buộc thi hành các thỏa thuận, quyết định trong quá trình giải quyết. Ngoài ra các nhà đầu tư dè dặt trong việc tham gia các thủ tục hòa giải một phần vì cho rằng các thủ tục này làm tốn thời gian và chi phí trước khi tiến tới mục đích chính của họ là tiến hành tố tụng trọng tài quốc tế. Về phía nước tiếp nhận đầu tư, tồn tại một số khó khăn do cơ cấu tổ chức phức tạp trong bộ máy quản lí khiến khó thực hiện giải quyết thông qua hòa giải. Mặt khác do phương thức hòa giải có tính bảo mật cao hơn thủ tục trọng tài, có thể dư luận không ủng hộ việc Chính phủ dàn xếp tranh chấp với nhà đầu tư đối với một vấn đề gây nhiều tranh cãi được dư luận quan tâm ví dụ như vấn đề liên quan đến chính sách xã hội, môi trường, sức khỏe…trong khi đối với việc sử dụng phương thức giải quyết sử dụng bên thứ ba mang tính tài phán như trọng tài thì Chính phủ mới có thể viện đến nghĩa vụ đền bù và nghĩa vụ tuân thủ theo các phán quyết của mình.

      Tuy nhiên, GQTC giữa nhà đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư bằng các phương thức thay thế cũng có một số bước phát triển nhất định. Bên cạnh việc các phương thức thay thế như thương lượng, tham vấn, hòa giải được quy định cụ thể hơn trong các hiệp định đầu tư, một số nước, thông gia luật quốc gia đã đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường các phương thức GQTC thay thế trong tranh chấp đầu tư. Ngoài ra, ngày càng có nhiều các nghiên cứu xem xét về việc sử dụng các phương thức thay thế trong các loại tranh chấp này.


Kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và bài học cho Việt Nam

      Đối mặt với các tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài, mỗi quốc gia sẽ có cách thức và phương pháp ứng phó khác nhau. Trong bài viết này tác giả sẽ chọn 03 quốc gia từ quốc gia đang phát triển như Thái Lan đến quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ. Nếu như Thái Lan khi bị nhà đầu tư khởi kiện, đã bộc lộ sự lúng túng và bị động của Chính phủ, thì ngược lại, Hoa Kỳ lại cho thấy khả năng ứng phó kịp thời kinh nghiệm dày dặn trong giải quyết tranh chấp quốc tế. Còn Nhật Bản lại thể hiện sự dè chừng trong việc ký kết IIA, BIT và ưu tiên áp dụng phương thức hòa giải để giải quyết tranh chấp.

      Từ những vấn đề mà các nước này phải đối mặt trong các vụ tranh chấp, Việt Nam sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm cho những vấn đề mà Việt Nam nguy cơ phải đối mặt để từ đó đưa ra những biện pháp ngăn ngừa hoặc xử lý kịp thời.

Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế của Thái Lan

      Thái Lan và Việt Nam là hai quốc phán ký kết BIT với hơn 40 quốc gia khác. Ngoài ra, Thái Lan đã tham gia ký kết Công ước ICSID ngày 6/12/1965 tuy nhiên, Công ước này vẫn chưa được Quốc hội Thái Lan phê chuẩn. Để thu hút đầu tư, Thái Lan đã chấp nhận cho nhà đầu tư nước ngoài một số bảo đảm nhất định, trong đó có quyền khởi kiện cơ quan Nhà nước Thái Lan ra trọng tài quốc tế. Điều này được thể hiện trong nhiều BIT của Thái Lan như BIT vớiĐức (2002), Croatia (2000), Canada (1997), Phần Lan (1994), Hàn Quốc (1989)…Mặc dù đã ký kết nhiều hiệp định đầu tư từ hơn nửa thế kỉ trước, cho đến năm 2005,Thái Lan mới phải đối mặt với vụ kiện đầu tiên của nhà đầu tư nước ngoài tại trọng tài quốc tế theo hiệp định đầu tư Thái Lan và Đức. Tuy Thái Lan không phải là quốc gia vướng vào nhiều tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài, qua vụ kiện nói trên Thái Lan cũng rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm đắt giá, cả về mặt ban hành chính sách và về mặt xử lí tranh chấp mà Việt Nam có thể cần xem xét tới.

      Theo đó vụ việc xảy ra giữa nguyên đơn là Công ty Walter Bau AG của Đức và bị đơn Vương quốc Thái Lan. Walter Bau là một công ty Đức có phần vốn góp chiếm 9,87% trong DonMuang Tollway Co. Ltd. (DMT), một công ty Thái Lan. Vào năm 1989, DMT ký một thỏa thuận với DoH xây dựng đường thu phí Don Muang gần Bangkok, đổi lại quyền thu phí trong khoảng thời gian 25 năm sau đó chuyển giao lại cho phía bị đơn, việc tăng phí phải được Bị đơn chấp nhận và tiến hành. Theo một văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính Thái Lan có hiệu lực từ 1990 thì đối với dự án đầu tư lớn có tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì một phần vốn đầu tư phải được huy động bằng ngoại tệ.

      Tuyến đường Don Muang được mở một phần vào 14/12/1994. Sau đó, 27/4/1995 Sửa đổi số 1 được lập, theo đó DMT sẽ không yêu cầu tăng phí trừ khi các Nhân tố Kinh tế Cơ bản thay đổi so với thời điểm phê duyệt dự án từ Hội đồng đầu tư.

      Trong quá trình tiếp tục triển khai dự án, một phần hạng mục không được phê duyệt tiến hành như ban đầu, DoH chậm trễ trong giải tỏa mặt bằng, Chính phủ ban hành thuế VAT lên phí đường bộ nhưng không đền bù bằng việc cho phép DMT tăng phí. Do đó, các bên tiến đến Sửa đổi 2 ngày 29/11/1996, theo đó DMT được mở rộng tuyến đường về phía Bắc, thu phí kinh phí do Bị đơn bỏ ra bằng cách góp thêm vốn, cấp thêm khoản vay ưu đãi từ Bộ Tài chính, huy độ ng vốn tư nhân đồng thời tính lại từ đầu thời gian dự án (25 năm), cho phép tăng phí (sau khi hoàn thành một số hạng mục bởi DoH và DMT), đổi lại DMT sẽ không có bất cứ khiếu nại nào đối với những vi phạm của Bị đơn trước thời điểm ký kết Sửa đổi 2 này.

      Vào thời điểm 1997, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế châu Á, Thái Lan phải chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng trong đó bao gồm việc đồng Baht mất giá nhanh chóng, đồng nghĩa với việc khoản vay bằng USD tính bằng đồng Baht của DMT đã lên gấp đôi, chưa kể đến chi phí xây dựng tuyến đường nối dài phía bắc tăng lên. Dựa trên những biến động trên, DMT đã nhiều lần yêu cầu được tăng phí,nhưng không được Bị đơn đáp ứng. Các cơ quan có thẩm quyền Thái Lan đã từ chối cho phép tăng phí đường Don Muang theo các điều kiện của hợp đồng và các sửa đổi, quyết định giảm phí vào năm 2004, việc cho phép xây dựng đường mới và sân bay Don Muang bị ngưng sử dụng một thời gian làm ảnh hưởng đến tần suất sử dụng đường Don Muang và phí đường bộ thu được. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại cho DMT mà Walter Bau có vốn góp và ảnh hưởng đến lợi nhuận kì vọng đạt được của dự án đầu tư đã được thể hiện trong hợp đồng và các điều kiện cơ sởcủa hợp đồng. Vì vậy, Walter Bau khởi kiện Thái Lan vi phạm các điều khoản của hiệp định đầu tư liên quan tới đối xử công bằng, thành quả đầu tư bị ảnh hưởng, trưng thu trưng dụng và đối xử quốc gia. Ngày 3/12/2006, Nguyên đơn bán phần vốn trong DMT cho ông Sombath và con trai với giá 10 triệu EUR. Ngày 12/9/2007, DMT và DoH ký kết Sửa đổi 3, kéo dài thời hạn dự án thêm 12 năm và đưa ra lộ trình tăng phí mới theo đó Bị đơn sẽ không thể can thiệp việc áp phí theo đúng hợp đồng của DMT.

      Cơ quan trọng tài đã đưa ra phán quyết giải quyết vụ việc như sau:

      Về vấn đề trưng thu, Trọng tài xác định việc trưng thu gián tiếp không xảy ra bởi tuyến đường thu phí vẫn đang hoạt động và điều hành bởi DMT, mặc dù lợi nhuận có thể bị giảm sút bởi hành độ ng hoặc không hành động của Bị đơn, Bị đơn đã cố gắng khắc phục bằng Sửa đổi 2 và đàm phán đi tới Sửa đổi 3 (dù quá trình rất chậm) đưa ra giải pháp bù đắp tổn thất của DMT. Về vấn đề đối xử công bằng và thỏa đáng (Fair and Equitable –FET), Hội đồng trọng tài xét thấy “kỳ vọng chính đáng” của Nguyên đơn thuộc phạm vi FET. Khi tham gia thỏa thuận, cả hai bên đều tin tưởng vào một tỉ lệ lợi nhuận hợp lí, dù con số ước tính xê dịch từ 15% đến 21% và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài chưa biết tới tại thời điểm ký kết. Bị đơn đã không đảm bảo được kỳ vọng của nguyên đơn, ngay cả khi đi đến Sửa đổi 2 là một phần kỳ vọng chính đáng của Nguyên đơn nhưng Bị đơn không thể đáp ứng kỳ vọng là vi phạm nghĩa vụ đối xử tối thiểu. Khi Hiệp định 2002 có hiệu lực, theo điều khoản về FET thì Bị đơn có nghĩa vụ đưa ra biện pháp xử lí tình trạng hiện tại do trì hoãn kéo dài trong việc tăng phí gây ra. Sau ngày 20/10/2004 đáng lẽ việc tăng phí phải được thực hiện theo Sửa đổi 2, các bằng chứng kinh tế khác cho thấy rằng việc chậm trễ tăng phí trong thời gian dài làm sụt giảm doanh thu. Việc giảm phí sau đó có thể được coi là nhân tố làm phát sinh tranh chấp. Sửa đổi 3 nhằm tháo gỡ những vấn đề trên, tuy nhiên Nguyên đơn không bị ràng buộc bởi Sửa đổi 3 do tại thời điểm xác lập Sửa đổi 3 Nguyên đơn không còn là cổ đông của DMT. Nguyên đơn có quyền bán phần vốn góp và có quyền đòi bồi thường tại thời điểm chuyển nhượng. Tương tự, trong khoảng thời gian từ 1997 đến 2006, Bị đơn đã cho xây dựng tuyến đường không thu phí và khúc ngoặt mới, cùng với việc đóng cửa sân bay Don Muang một thời gian đã làm ảnh hưởng đến doanh thu của dự án. Hội đồng xét thấy những hành động này là vi phạm nghĩa vụ FET. Kết quả vụ tranh chấp này, Bị đơn phải bồi thường cho Nguyên đơn khoản thiệt hại là 29, 21 triệu EUR.

      Về chi phí trọng tài, mỗi bên chịu một nửa của tổng chi phí là 7.599.774 EUR.

      Kinh nghiệm của Thái Lan:

      Thứ nhất, về vấn đề quản lý và giải quyết tranh chấp. Thái Lan là ví dụ cho thấy sự thiếu quan tâm tới việc xây dựng cơ chế phòng ngừa và giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư quốc tế có thể khiến Chính phủ phải trả những “bài học đắt giá”. Bản thân các cơ quan có thẩm quyền Thái Lan không nhận thức đầy đủ về các cam kết của Nhà nước trong Hiệp định đầu tư, ví dụ như cam kết dành FET cho nhà đầu tư nước ngoài trong vụ tranh chấp trên. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền đã đưa ra các quyết định trong việc không cho phép DMT điều chỉnh phí theo hợp đồng, mở thêm tuyến đường mới gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của DMT…Mặc dù sau đó, trong bả n Sửa đổi thứ 3, Doh đã có những điều chỉnh phù hợp hơn, tuy nhiên lúc này tranh chấp đã phát sinh và gây thiệt hại không nhỏ tới lợi ích của nhà đầu tư. Tới khi bị nhà đầu tư khởi kiện ra trọng tài quốc tế, Thái Lan lại cho thấy sự lúng túng và thiếu chuẩn bị trong việc đối phó với tranh chấp. Do thiếu một cơ quan thường trực, Chính phủ Thái Lan phải thành lập nhóm công tác để thay mặt Nhà nước tham gia giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm, nhóm công tác này có những thiếu sót trong việc chỉ định trọng tài viên (chỉ định một trọng tài viên từng có lợi ích liên quan đến công ty trong tranh chấp và đã hoạt động tư vấn cho công ty này), phản ứng không kịp thời đối với các thủ tục trọng tài và làm thời gian xét xử kéo dài.

      Thứ hai, việc giải quyết các vấn đề hậu tranh chấp. Trong vụ tranh chấp nêu trên, Thái Lan không chấp nhận bản án một cách dễ dàng, Chính phủ tiếp tục phản đối kết quả này trong giai đoạn thực hiện bản án do lí do chính trị (vụ việc làm sinh quan ngại trong nước rằng Chính phủ không đủ mạnh để bảo vệ lợi ích công cộng), sức ép truyền thông (truyền thông Thái Lan gọi khoản bồi thường theo phán quyết trọng tài là chi phí thiếu hiểu biết) và do Luật trách nhiệm công chức của Thái quy trách nhiệm cho các viên chức Chính phủ. Cộng thêm vấn đề này, vụ việc tạo nên một hình ảnh xấu của Thái Lan đối với đầu tư nước ngoài, chuỗi hành động của các cơ quan Chính phủ cả trước và sau tranh chấp có thể gửi tín hiệu sai về chính sách thu hút đầu tư của quốc gia đó.

      Ba là các vấn đề liên quan đến đàm phán và ký kết các Hiệp định đầu tư

      Trong quá trình theo đuổi chính sách mở cửa đầu tư, Thái Lan đã chú trọng việc cải thiện môi trường pháp lý thông qua việc tích cực ký kết các IIA, tuy nhiên lại thiếu kinh nghiệm trong việc đàm phán, dẫn tới một số điều khoản trong IIA còn chung chung và không rõ ràng. Điều này gây khó khăn cho việc thực thi cam kết của Nhà nước và làm tăng nguy cơ phát sinh tranh chấp.

Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế của Nhật Bản

      Nhật Bản là nước có nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới và là nước được dự đoán sẽ là điểm đến thứ mười ba hấp dẫn nhất chocác công ty đa quốc gia trong hai năm tới.So với các quốc gia đang phát triển, Nhật Bản rất hạn chế tham gia ký kết các IIA và BIT. Trước năm 2000 Nhật Bản ký BIT với 6 quốc gia, ký EPA với 10 quốc gia và đến nay chỉ có 28 BIT và 13 EPA. Đây là một con số tương phản rất lớn với một số nước phát triển khác.Các trọng tài Nhật Bản cũng gần như không được biết đến trong hệ thống trọng tài giải quyết tranh chấp đầu trên thế giới mặc dù Nhật Bản là một thành viên của ICSID từ năm 1965 và đã chỉ định những người tham gia vào các ban trọng tài của ICSID và hoà giải viên.Trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài của Nhật Bản có sự hạn chế bởi Nhật Bản đã ủng hộ cho một hiệp định đa phương, với hy vọng xóa bỏ được sự cần thiết của các hiệp định song phương; đồng thời tập trung vào các cam kết tự do hoá và thể hiện sự miễn cưỡng tham gia tố tụng hoặc trọng tài khi xảy ra tranh chấp.Điều này dường như phù hợp với quan điểm của Nhật Bản là ưu tiên các thoả thuận đa phương và hạn chế các BIT.

      Ở Nhật Bản, những hiệp định BIT có sự khác biệt đáng kể về nội dung do Nhật Bản không có mô hình thống nhất về BIT và nó không phải là dễ dàng để xác định các mô hình phổ biến ở Nhật Bản IIAs. Điều này cho thấy Nhật Bản có thể phù hợp với nhu cầu cụ thể của mỗi đối tác trong suốt quá trình đàm phán

      Trong giải quyết tranh chấp đầu tư nước ngoài, Nhật Bản chưa từng là bị đơn trong các vụ kiện từ nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài đã không đệ trình khiếu nại giải quyết tranh chấp giữa nhả đầu tư nước ngoài đối với Nhật Bản với tư cách là Chính phủ nước tiếp nhận. Đây là điều đáng chú ý tầm quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản. Về cơ bản, do Nhật Bản hạn chế BIT và IIAs nên các nhà đầu tư nước ngoài có thể không được bảo vệ trực tiếp bởi IIAs. Thứ hai, các nhà đầu tư có thể đến từ các quốc gia không có cách tiếp cận gây tranh cãi giải quyết tranh chấp. Thứ ba, các ngành mà các đầu tư nước ngoài tập trung không phải là điển hình đối tượng của ISDS. Các nhà đầu tư nước ngoài chính ở Nhật Bản đến từ Hoa Kỳ, Hà Lan, Pháp, Singapore, Vương quốc Anh, Quần đảo Cayman và Thụy Sỹ. Các lĩnh vực đầu tư chính là tài chính, bảo hiểm, thông tin, viễn thông và bất động sản. Nhật Bản chưa ký kết Hiệp định thương mại với bất kỳ nước nào ngoại trừ EPA với Thụy Sỹ. Tức là, các nhà đầu tư từ các nước này sẽ không có sự lựa chọn của ISDS nếu có tranh chấp phát sinh. Trong ICSID, các lĩnh vực kinh tế đầu tư, tài chính và xây dựng chỉ chiếm 7%. Các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng chiếm gần 50% khối lượng của ICSID lại không thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, nếu khi TPP có hiệu lực, các nhà đầu tư Mỹ và Canada có thể nộp đơn kiện chống lại Nhật Bản nếu các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào ngành năng lượng, vì Nhật Bản là một thành viên của ECT…

      Kinh nghiệm của Nhật Bản:

      Về phương thức giải quyết tranh chấp, do Nhật Bản là một dân tộc thuần nhất, hoà hợp, người dân Nhật bản vốn rất né tránh việc giải quyết các bất đồng của họ một cách công khai, chính thức nên mọi hình thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba, đều là yếu tố cần cân nhắc trong xã hội Nhật bản. Chính vì vậy, khi tranh chấp đầu tư nước ngoài xảy ra, phương thức Chính phủ Nhật bản ưa chuộng lựa chọn nhất, vẫn là các biện pháp ngoài Toà án, như thương lượng, hoà giải và sau đó là trọng tài hay Toà án. Các quan chức chính phủ Nhật Bản đã bày tỏ họ luôn thích một thỏa thuận thân thiện chứ không phải là một bị đơn trong ISDS hoặc Tòa án. Nghĩa là, nếu xung đột phát sinh giữa một nhà đầu tư và Chính phủ Nhật Bản, Chính phủ sẽ cố gắng tìm ra giải pháp cho yêu cầu của nhà đầu tư. Sự sẵn lòng lắng nghe kiến ​​nghị của nhà đầu tư hoàn toàn khác với phương pháp tiếp cận của nhiều các nước tiếp nhận khác. Thông thường các quan chức chính phủ sẽ không đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư trong các cuộc họp để thảo luận về bất kỳ vấn đề nào nhà đầu tư có thể gặp phải.

      Để phục vụ việc hòa giải khi phát sinh tranh chấp, Công ty vận tải biển (JSE), và Hiệp hội trọng tài Nhật bản (JCAA) cung cấp không chỉ dịch vụ trọng tài, mà còn dịch vụ cần thiết để điều hành hoà giải, các tranh chấp trong nước và quốc tế theo quy chế về hoà giải. Theo quy chế JSSE và JCAA, các bên có thể chỉ định các hoà giải viên theo thoả thuận giữa họ, còn JSE và JCAA có thể chỉ định hoà giải viên nếu các bên đề nghị như vậy hoặc trong trường hợp các bên không tự thoả thuận được. Quá trình tiến hành hoà giải không nhất thiết phải được tiến hành sau khi trọng tài hay Toà án đã thụ lý vụ án, nhằm mục địch làm cho quá trình này tiến hành hiệu quả theo quy định tại Điều 19 của Quy chế hoà giải. Điều 22 của Quy chế thiết kế tương tự như Điều 20 của Quy chế hoà giải của Uỷ ban Thương mại quốc tế, cấm các bên dựa vào/ hoặc chia sẻ những chứng cứ có được trong giai đoạn hoà giải tại trọng tài hay Toà án, bất kể việc quá trình tố tụng này liên quan đến quá trình hoà giải.


Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế của Hoa Kỳ

      Là một cường quốc kinh tế, Hoa Kỳ không chỉ là quốc gia xuất khẩu vốn lớ n mà còn là địa điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tính tới năm 2010, tổng số FDI đầu tư vào Hoa Kỳ đã đạt con số 228.249 triệu USD, đứng đầu thế giới về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (UNCTAD 2011e, tr. 187).

      Nhận thức được vai trò và thế mạnh trong việc tiếp nhận đầu tư nước ngoài, Hoa Kỳ rất tích cực tham gia các IIA và các Hiệp định thương mại quốc tế có đề cập tới đầu tư. Tính tới cuối tháng 5/2011, Hoa Kỳ đã ký kết tổng cộng 267 IIA, 47 BIT và 155 DTT. Ở cấp độ đa phương, Hoa Kỳ đã ký kết một số IIA quan trọng như Hiệp định về các Biện pháp Đầu tư liên quan đến Thương mại của WTO (TRIMs), Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA (chương 11 về đầu tư), Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa Dominica, Trung Mỹ và Hoa Kỳ CAFTA- DR (chương 10 về bảo hộ đầu tư)…

      Theo số liệu thống kê của UNCTAD (2011d, tr.12) thì số vụ Hoa Kỳ bị kiện bởi nhà đầu tư nước ngoài là không nhiều (14 vụ). Tuy nhiên, các vấn đề phát sinh tranh chấp khá đa dạng và phức tạp, có thể do cơ quan Nhà nước Hoa Kỳ vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc vi phạm nghĩa vụ của các hiệp định đầu tư. Hoa Kỳ nhiều lần thắng kiện trong các tranh chấp đầu tư quốc tế với nhà đầu tư nước ngoài nhờ có biện pháp ứng phó kịp thời, đội ngũ chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm và vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật quốc tế về đầu tư.

      Trong một vụ tranh chấp giữa nhà đầu tư Canada và Chính phủ Hoa kỳ, Chính phủ Hoa Kỳ đã thể hiện kinh nghiệm của mình trong việc giải quyết tranh chấp. Công ty chuyên về bất động sản Mondev International Ltd được thành lập theo pháp luật Canada đã kiện Hoa Kỳ về những thiệt hại mà cơ quan Nhà nước Hoa Kỳ đã gây ra cho Lafayette Place Associates (LPA), một hội buôn hữu hạn ở bang Massachusettes (Hoa Kỳ) do Mondev International sở hữu và kiểm soát. Công ty này cho rằng Hoa Kỳ đã vi phạm các nghĩa vụ quy định tại chương 11 của NAFTA, cụ thể là vi phạm Điều 1102 về đối xử quốc gia, Điều 1105 về tiêu chuẩn đối xử tối thiểu. Vào những năm 1970, thành phố Boston dự định xây lại khu vực đổ nát ở trung tâm thành phố. Cơ quan tái phát triển Boston đã lựa chọn hai công ty Mondev và Sefirus để thực hiện dự án này. Năm 1978, Mondev và Sefirus thành lập LPA để phát triển, xây dựng và quản lý dự án.Tháng 12/1978, một hợp đồng ba bên được ký giữa Thành phố, BRA và LPA. Theo đó, LPA sẽ tiến hành xây dựng trên khu đất Hayway Parcel và có quyền mua lại khu đất này với mức giá xác định theo phương pháp quy định trước trong hợp đồng. Năm 1986, LPA thông báo với Thành phố về ý định mua lại khu đất trên. Tuy nhiên, Thành phố và BRA đã gây nhiều khó khăn và chậm trễ, nguyên nhân là các bên không thống nhất được giá cả (giá xác định theo hợp đồng thấp hơn nhiều so với thị trường). Tháng 3/1992, LPA nộp đơn kiện thành phố Boston và BRA vì đã vi phạm hợp đồng ra Tòa án bang Massachusetts. Năm 1994, Tòa sơ thẩm đưa ra phán quyết ủng hộ LPA, và kết luận bị đơn đã vi phạm thỏa thuận ba bên, tuy nhiên BRA được miễn trách nhiệm bồi thường vì theo luật của bang Massachusetts, Cơ quan này được miễn khỏi những yêu cầu bồi thường thiệt hại dân sự. LPA đã gửi đơn kháng cáo lên tòa án Tối cao Hoa Kỳ tuy nhiên đơn này đã bị từ chối và mọi thiệt hại của LPA cuối cùng đều không được bồi thường. Ngày 1/12/1999, Công ty Mondev International Ltd., viện dẫn điều 1116 NAFTA, khởi kiện Hoa Kỳ theo Cơ chế phụ trợ của ICSID. Ngày 12/1/2000, Hội đồng trọng tài được thành lập. Mặc dù ban đầu tổ chức trọng tài chọn giải quyết tranh chấp tại Canada nhưng sau đó lại chọn Wasington D.C là nơi có nhiều yếu tố liên quan đến tranh chấp. Nguyên đơn là Công ty Mondev. Bị đơn là chính phủ Hoa Kỳ, đại diện trong tranh chấp này gồm có các chuyên viên trong ban trọng tài NAFTA, thuộc Cơ quan chuyên trách về khiếu kiện quốc tế và tranh chấp đầu tư (Office of International Claims and Investment Disputes), Phòng tư vấn pháp lý (Office of Legal Adviser) và một số chuyên gia của Bộ Ngoại giao. Cơ quan giải quyết tranh chấp là trọng tài ICSID theo cơ chế phụ trợ

      Để phản bác quan điểm Hoa Kỳ vi phạm Điều 1105 về tiêu chuẩn đối xử tối thiểu, Bị đơn lập luận rằng Điều 1105 không loại trừ việc đưa ra những quyền miễn trừ giới hạn trong tranh chấp về dân sự. Những “tiêu chuẩn đối xử tối thiểu” đươc hiểu là những tiêu chuẩn quốc tế chung. Tuy nhiên, tập quán quốc tế không có sự thống nhất về vấn đề liệu các cơ quan hành pháp có phải chịu trách các trách nhiệm dân sự như các bên tư nhân hay không. Đồng thời đưa ra các viện dẫn về việc các quốc gia hiện nay có quy định về hạn chế trách nhiệm của Chính phủ. Vì không có tiêu chuẩn quốc tế chung nên quyền miễn trừ dành cho BRA không vi phạm điều 1105.

      Kinh nghiệm của Hoa Kỳ:

      Thứ nhất, để giải quyết tranh chấp đầu tư nước ngoài cần có cơ quan chuyên trách đại diện cho Chính phủ trong các tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài. Để có thể giải quyết hiệu quả các tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài, Hoa Kỳ đã thành lập Cơ quan chuyên trách về khiếu kiện quốc tế và tranh chấp đầu tư, trực thuộc Bộ Ngoại giao. Đặc biệt cơ quan này được chia thành các Ban chuyên môn phụ trách các tranh chấp liên quan đến các hiệp định khác nhau. Điều này đã phát huy vai trò, thế mạnh và sự chuyên sâu của cơ quan này trong việc giải quyết các tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài cùng sự phối hợp của các cơ quan là Bộ tư pháp và Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

      Thứ hai, không chỉ tranh luận về nội dung tranh chấp mà Chính phủ Hoa Kỳ còn có sự hiểu biết về quy trình thủ tục giải quyết tranh chấp để giành lợi thế ngay từ đầu. Bằng những lập luận của mình, Hoa Kỳ đã thuyết phục Hội đồng trọng tài GQTC tại chính nước mình thay vì ở Canada để tiết kiệm chi phí và gây ra những khó khăn cho nguyên đơn trong việc theo đuổi vụ kiện;

      Thứ ba, Chính phủ Hoa Kỳ đồng thời vận dụng linh hoạt các quy định của hiệp định đầu tư cũng như tập quán quốc tế, án lệ và các học thuyết nghiên cứu trong lĩnh vực liên quan.


 Bài học kinh nghiệm Việt Nam

      Thứ nhất, xây dựng cơ chế cảnh báo và ngăn ngừa tranh chấp. Trên cơ sở kinh nghiệm của Thái Lan đã cho thấy sự thiếu đề phòng với các nguy cơ phát sinh tranh chấp. Thái Lan thiếu một cơ chế sàng lọc tranh chấp hoặc một đơn vị liên lạc thể ngăn một vấn đề đầu tư leo thang thành tranh chấp. Ngoài ra, để ngăn ngừa tranh chấp hiệu quả, Nhà nước cần quản lý việc thực hiện chính sách đầu tư của tất cả các cơ quan. Những vụ tranh chấp đầu tư cho thấy Nhà nước cần phải chịu trách nhiệm do hành vi của một hay một số cơ quan có thẩm quyền vi phạm các cam kết theo Hiệp định đầu tư hoặc Hợp đồng.

      Để áp dụng bài học này, Việt Nam cần thiết lập một chế độ cảnh báo sớm cho các cơ quan Nhà nước về nguy cơ phát sinh tranh chấp, trong đó công tác thông tin đóng vai trò nòng cốt. Theo đó những thông tin về các Hiệp định đầu tư nước ngoài Việt Nam đã tham gia; các nghĩa vụ của Việt Nam và các nguy cơ thường xảy ra tranh chấp; thông tin các vụ kiện của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam đã và đang đối mặt…Những thông tin này cần được tập hợp thành một cấu trúc dữ liệu chung và cơ quan quản lý dữ liệu bao gồm các ban ngành, các cấp và cơ quan một đầu mối thông tin (thuộc Bộ kế hoạch và đầu tư) để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền quản lý cần quan tâm.

      Thứ hai, Việt Nam cần thành lập một cơ quan chuyên trách để đại diện Nhà nước trong các tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài. Kinh nghiệm của các nước chứng minh rằng sự ra đời một cơ quan như vậy là rất cần thiết. Như trường hợp của Thái Lan, việc thiếu một cơ quan thường trực để đối phó với tranh chấp khiến nước này hoàn toàn bị động khi bị nhà đầu tư kiện ra trọng tài quốc tế. Trong khi đó, Hoa Kỳ đã phát huy rất hiệu quả cơ quan chuyên trách trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

      Về hình thức tổ chức, cơ quan này nên có sự tham gia của đại diện của các cơ quan nhà nước liên quan tới việc ban hành và thực thi chính sách đầu tư quốc tế kết hợp với các cơ quan có kinh nghiệm và kiến thức về tranh chấp quốc tế. Thành viên thường trực của cơ quan này nên gồm đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển), Bộ Tư pháp (Cơ quan có trách nhiệm tham gia giải quyết về mặt pháp lý các tranh chấp quốc tế của Việt Nam), Bộ Ngoại giao (cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại). Ngoài ra, tùy vào mỗi vụ tranh chấp cụ thể, cơ quan này có thể huy động các thành viên không thường trực tới từ các Bộ, ngành liên quan

      Thứ ba, hoàn thiện các phương thức giải quyết tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cần chú ý xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải quyết hiệu quả ở trong nước. Hiện nay, trên thế giới, bên cạnh phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì xu hướng sử dụng các phương thức thay thế như thương lượng, hòa giải đang ngày càng được khuyến khích. Bên cạnh đó, cần thành lập một tổ chức trung tâm nghiên cứu các hoạt động đầu tư nước ngoài trên cơ sở quy định pháp luật và thực tế thực thi; thực hiện khảo sát mức độ hài lòng đối với việc thay đổi chính sách, quy định pháp luật về đầu tư; tiếp nhận thông tin và tư vấn cho nhà đầu tư nước ngoài những vướng mắc mà họ gặp phải với cơ quan Nhà nước Việt Nam trong quá trình đầu tư hoặc chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam…

      Thứ tư, Việt Nam cần xem xét tới việc tham gia cơ chế giải quyết tranh chấp của Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (ICSID). Hiện nay, khi Việt Nam chưa gia nhập Công ước ICSID thì Chính phủ Việt Nam hoặc nhà đầu tư Việt Nam vẫn có thể kiện hoặc bị kiện ra trọng tài ICSID trên cơ sở các BITs giữa Việt Nam và các nước hoặc theo quy định tại hợp đồng kí kết giữa nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Trong những trường hợp như vậy, việc áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của ICSID được thực hiện thông qua cơ chế phụ trợ. Vì vậy, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các vụ kiện. Những nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hiện nay chủ yếu là các công ti, tập đoàn lớn, mang quốc tịch của những quốc gia phát triển. Những đối tác này không chỉ có nguồn vốn rất lớn mà còn có năng lực chuyên môn, đặc biệt là trình độ hiểu biết pháp luật quốc tế nói chung và pháp luật đầu tư nói riêng. Do vậy, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực này để theo đuổi các vụ kiện đầu tư quốc tế là hết sức cấp thiết. Đồng thời, về lâu dài, việc tham gia Công ước ICSID là cần thiết đối với Việt Nam

          Thứ năm cần có sự chuẩn bị các nguồn lực để đối phó với các tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, quan hệ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam ngày càng phong phú và đa dạng. Đối với cơ quan đầu mối giải quyết tranh chấp là Bộ tư pháp đứng thì việc cần thiết để giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế là hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm sự tuân thủ về quy định, thủ tục tranh tụng tại tòa án Việt Nam hay tại các tổ chức trọng tài quốc tế cũng như việc tập hợp các luật sư, luật gia của Việt Nam. để chuẩn bị ứng phó cho một vụ kiện sẽ thuận lợi và phù hợp hơn cả về chức năng quản lý hành chính cũng như về kỹ năng và nghiệp vụ chuyên sâu.


    Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại các nước và kinh nghiệm cho Việt Nam. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

      Trân trọng./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top