Bình luận quy phạm xung đột ghi nhận tại chương XXVII BLDS năm 2015 về pháp luật áp dụng đối với quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản

Bình luận quy phạm xung đột ghi nhận tại chương XXVII BLDS năm 2015 về pháp luật áp dụng đối với quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản

      Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài mang đầy đủ các đặc điểm của quan hệ dân sự nói chung. Quan hệ dân sự ở đây được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm quan hệ phát sinh trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Trong quan hệ này thì vấn đề xung đột pháp luật diễn ra rất phổ biếnvà Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Bình luận quy phạm xung đột ghi nhận tại chương XXVII BLDS năm 2015 về pháp luật áp dụng đối với quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản”


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Bộ luật dân sự năm 2015
  • Bộ luật dân sự năm 2005
  • Giao trình tư pháp quốc tế. Đại học Luật Hà Nội
  • Bình luận khoa học bộ luật dân sự năm 2015

Lý luận chung về quy phạm xung đột ghi nhận trong chương xxvii bộ luật dân sự 2015 về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản

Quy phạm xung đột về phân loại tài sản và quyền đối với tài sản

Xung đột pháp luật

      Đo đặc điểm của quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là sự tham gia của hai hay nhiều hệ thống pháp luật. Và mỗi quốc gia trên thế giới có hệ thống pháp luật riêng của mình, điều này là do điều kiện phát triển kinh tế xã hội, từ quan điểm chính trị, phong tục tập quan… Nên pháp luật của các nước không bao giờ hoàn toàn giống nhau,thường có sự khác nhau khi giải quyết những vấn đề cụ thể, vì vậy việc áp dụng các hệ thống pháp luật khác nhau sẽ mang lại hệ quả pháp lý khác nhau. Trong khoa học tư pháp quốc tê, hiện tượng xung đột pháp luật xảy ra khi hai hay nhiều hệ thống pháp luật đồng thời có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Và cần phải lựa chọn quan hệ một trong các hệ thống pháp luật đó để giải quyết các quan hệ pháp luật trên. Nhưng việc lựa chọn luật phải dựa trên những nguyên tắc nhất định, chứ không thể tùy tiện. Việc lựa chọn luật này sẽ không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của tòa án, cũng không phụ thuộc vào ý muốn của các bên. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới TPQT sẽ có hai phương pháp điều chỉnh đó là: Phương pháp xung đột và phương pháp thực chất. Hai phương pháp này luôn phối hợp và tác động bổ sung cho nhau để giải quyết các quan hệ TPQT. Vấn đề xung đột pháp luật không bao giờ đặt ra trong quan hệ pháp luật hành chính, pháp luật hình sự. Sở dĩ như vậy là vì không chỉ xuất phát từ sự bất bình đằng giữa các chủ thể trong các mối quan hệ mà còn một lý do nữa đó là tính hiệu lực theo lãnh thổ rất nghiêm ngặt của luật hình sự, luật hành chính… không thừa nhận khả năng áp dụng pháp luật nước ngoài trong các quan hệ trên.

Quy phạm xung đột

       Khái niệm quy phạm xung đột

     Trong tư pháp quốc tế, khi xuất hiện xung đột pháp luật tức là xuất hiện hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau  cùng có thể tham gia điều chỉnh quan hệ và không phải lúc nào các quan hệ này cũng được điều chỉnh bằng các quy phạm thực chất, nên các cơ quan có thẩm quyền phải “ chọn” trong hai hay nhiều hệ thống pháp luật có liên quan ấy một hệ thống pháp luật để điều chỉnh quan hệ đang xem xét. Quy phạm xung đột chính là căn cứ pháp lý của sự lựa  chọn này.

       Quy phạm xung đột trước hết là một quy phạm pháp luật nhưng là một quy phạm pháp luật đặc biệt bởi quy phạm xung đột không trực tiếp quy định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ mà chỉ nhằm xác định hệ thống pháp luật áp dụng mà thôi. Có thể định nghĩa, quy phạm xung đột là quy phạm ấn định luật pháp nước nào cần phải áp dụng để điều chỉnh quan hệ pháp luật dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài trong một tình huống cụ thể

       Quy phạm xung đột được xem là quy phạm đặc thù của tư pháp quốc tế với việc sử dụng các QPXĐ để giải quyết vấn đề chọn luật áp dụng để điều chỉnh quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài. Do số lượng quy phạm xung đột nhiều và phạm vi điều chỉnh của QPXĐ tương đối rộng( trong hầu hết các lĩnh vực của TPQT) đây là điều mà QPTC không có. QPXĐ là quy phạm ấn định luật pháp nước nào cần phải áp dụng để giải quyết quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài trong một tình huống thực tế. QPXĐ không trực tiếp quy định quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên cũng như hình thức và biện pháp chế tài có thể được áp dụng đối với bên đương sự vi phạm pháp luật. Các quy phạm này chỉ quy định việc chọn pháp luật nước này hay nước khác để điều chỉnh quan hệ có yếu tố nước ngoài. Như vậy, có thể nói QPXĐ luôn mang tính chất “dẫn chiếu”. Khi QPXĐ dẫn chiếu đến một hệ thống pháp luật cụ thể và các quy phạm thực chất trong hệ thống pháp luật đó được áp dụng để giải quyết quan hệ pháp luật dân sự phát sinh, đó chính là tính chất “song hành” giữa QPXĐ và quy phạm thực chất trong điều chỉnh pháp luật. Cùng với quy phạm thực chất trong hệ thống pháp luật QPXĐ dẫn chiếu tới, rõ ràng QPXĐ đã thể hiện khả năng quy định những quy tắc xử sự cho các bên khi tham gia vào các quan hệ dân sự quốc tế cụ thể.

bình luận quy phạm xung đột ghi nhận trong chương xxvii bộ luật dân sự 2015 về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản

Cơ cấu của QPXĐ

      Theo lý luận chung về nhà nước và pháp luật thì quy phạm pháp luật thông thường nói chung được cấu thành bởi các bộ phận là: giả định, quy định và chế tài. Tuy nhiên, khác với các quy phạm pháp luật thông thường thì QPXĐ được cấu thành bởi hai bộ phận là phần Phạm vi và phần Hệ thuộc. Hai bộ phận này không thể tách rời trong bất kỳ quy phạm nào

        Phạm vi: Quy định QPXĐ này được áp dụng cho loại quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nào. Hệ thuộc: quy định chỉ ra pháp luật nước nào được áp dụng để giải quyết quan hệ pháp luật đã ghi ở phần phạm vi.

Bình luận quy phạm xung đột ghi nhận trong chương xxvii bộ luật dân sự 2015 về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản

Quy phạm xung đột về phân loại tài sản và quyền đối với tài sản

      Vấn đề xung đột về định danh tài sản Các quan niệm về“động sản” và “bất động sản” không được hiểu một cách thống nhất trong pháp luật của các quốc gia hiện nay .Do đó thường phát sinh xung đột về định danh tài sản. Xung đột ở đây là do pháp luật của một nước quy định tài sản này là động sản, cùng tài sản đó nhưng nước khác lại quy định đó là bất động sản. Điều này gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật giải quyết xung đột về sở hữu tài sản .Do đó tiền đề đầu tiên để giải quyết xung đột pháp luật về quyền sở hữu có yếu tố nước ngoài là phải xác đinh áp dụng pháp luật nước nào để định danh tài sản. Pháp luật của đa số các nước trong các đạo luật và các điều ước quốc tế thường ghi nhận là luật nơi có tài sản là hệ thuộc để giải quyết xung đột về định danh tài sản. BLDS Việt Nam cũng quy định “việc phân biệt tài sản là động sản hoặc bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản”.

      Từ lâu, vấn đề giải quyết xung đột pháp luật trong lĩnh vực tài sản đã trở thành một nội dung quan trọng của tư pháp quốc tế.Mặc dù vẫn còn tồn tại nhiều sự khác biệt, nhưng TPQT của hầu hết các nước trên thế giới đều thống nhất sử dụng hệ thuộc luật nơi có tài sản để giải quyết xung đột. Luật nơi có tài sản không những quy định nội dung của quyền sở hữu mà còn ấn định cả các điều kiện phát sinh, chấm dứt và dịch chuyển quyền sở hữu. BLDS VN cũng dựa trên nguyên tắc chung phổ biến này để giải quyết xung đột pháp luật về quyền sở hữu và được khái quát tại Điều 677, 678 BLDS 2015 Theo đó, việc xác lập,thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu , nội dung quyền sở hữu và các quyền tài sản sẽ do luật nơi có tài sản điều chỉnh, bất luận đối tượng của quyền sở hữu là động sản hay bất động sản. Tuy nhiên, vẫn tồn tại trường hợp ngoại lệ được quy định tại khoản 2 Điều 678 về quyền sở hữu đối với động sản trên đường vận chuyển. Cụ thể đối với động sản đang trên đường vận chuyển được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, nếu không có thỏa thuận khác. Như vậy, pháp luật Việt Nam áp dụng hệ thuộc luật của nước do các bên thỏa thuận được chuyển đến, quy định còn được gọi là luật của người mua.Như vậy, người mua sẽ giữ thế chủ động hơn trong quan hệ giao dịch. Đây là quy định mà không nhiều quốc gia quy định nhưng nó lại phù hợp với Việt Nam vì Việt Nam là nước nhập siêu nếu quy định lựa chọn luật nước người bản để áp dụng sẽ gây nhiều bất lợi cho cá nhân, cơ quan tổ chức trong nước…

       Những quy định về quy phạm xung đột liên quan đến phân loại tài sản và quyền đối với tài sản theo bộ luật dân sự năm 2015 cơ bản giống với quy định trong bộ luật dân sự năm 2005. Tuy nhiên bộ luật dân sự năm 2015 đã tách ra thành các điều luật khác nhau về phân loại tài sản và quyền đối với tài sản. Trong khi bộ luật dân sự năm 2005 lại khái quát thành một điều luật về sở hữu tài sản. Cùng với việc tách ra thành các điều luật khác nhau thì bộ luật dân sựu năm 2015 cũng đã bỏ khoản 4 của điều 766 bởi nó không phải là một quy phạm xung đột hay không phải là quy phạm xác định pháp luật áp dụng, trong khi phần thứ 5 BLDS năm 2015 ngay tiêu đề là phần quy định về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Vì vậy nếu để quy định này thì không phù hợp với tiêu chí của phần này. Thêm vào nữa, khoản 1 điều 663 đã quy định rõ những vấn đề luật chuyên ngành đã điều chỉnh thì áp dụng luật chuyên ngành mà BLDS không cần phải điều chỉnh nữa. Việc cắt bỏ sẽ giúp tránh được sự trùng lặp các quy định pháp luật

Quy phạm xung đột về quyền sở hữu trí tuệ

       Đây được xem là điểm mới, điểm nổi bật của bộ luật dân sự năm 2015 về quy phạm xung đột. Bộ luật dân sự năm 2005, tại phần thứ 7 về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, có ba điều khoản liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ: Điều 774 (Quyền tác giả có yếu tố nước ngoài), Điều 775 (Quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng có yếu tố nước ngoài), Điều 776 (chuyển giao công nghệ có yếu tố nước ngoài). Cả ba quy định này đều không phải quy phạm pháp luật xung đột, không giải quyết vấn đề lựa chọn pháp luật áp dụng, vì vậy đã được đưa ra khỏi phần thứ 5 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

       Bộ luật dân sự năm 2015 có hai quy định về giải quyết xung đột pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Điều 679 về quyền sở hữu trí tuệ quy định:

       “Quyền sở hữu trí tuệ được xác theo pháp luật của nước nơi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ”.

       Điểm c khoản 2 Điều 683 về áp dụng nguyên tắc suy đoán xác định pháp luật của nước có mối quan hệ gắn bó nhất đối với hợp đồng trong trường hợp các bên không có thỏa thuận quy định được coi là có mối quan hệ gắn bó nhất là:

       “Pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng chuyển giao quyên sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ”.

       Cho đến nay, đặt vấn đề xung đột pháp luật và giải quyết xung đột pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn là vấn đề khá mới, chưa đạt được sự thống nhất tương đối giữa các nước. Với những quy định mới nêu trên, Bộ luật dân sự năm 2015 đã thừa nhận quan điểm có xung đột pháp luật trong quan hệ hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng và chuyển nhượng quyền sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù không có quy định riêng biệt giải quyết xung đột pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, với quy định tại Điều 679 Bộ luật dân sự năm 2015 và các quy định pháp luật nội dung ở Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, có thể hiểu Việt Nam thiên về sử dụng hệ thuộc luật của nước nơi quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ (lex loci protectionis).Với sự ra đời của BLDS năm 2015, Việt Nam có thể được coi là một trong những nước thuộc nhóm đầu đã pháp điển hóa vấn đề này.

Quy phạm xung đột về Thừa kế

       Điều 680. Thừa kế

  • Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
  • Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó

       Tại khoản 1 Điều 680 BLDS 2015 “Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.”Pháp luật Việt Nam lựa chọn hệ thuộc luật quốc tịch của người để lại di sản để giải quyết xung đột về thừa kế theo pháp luật trong TPQT. Trong tài sản về thừa kế, pháp luật Việt Nam cũng chia ra làm 2 loại là động sản và bất động sản.Tuy nhiên bộ luật dân sự năm 2015 đã có sự đổi mới so với bộ luật dân sự năm 2005. Theo bộ luật dân sự năm 2005  Tương ứng với mỗi loại sẽ có quy định khác nhau. Cụ thể như sau: Đối với động sản: sẽ tuân theo pháp luật luật nước người để lại thừa kế mang quốc tịch trước khi chết. Trong trường hợp, người để lại di sản không có người thừa kế thì động sản đó thuộc về Nhà nước mà người để lại di sản thừa kế mang quốc tịch trước khi chết. Đối với bất động sản: xuất phát từ bản chất tài sản của quan hệ thừa kế cũng như từ tính chất đặc biệt của loại tài sản này nên BLDS đã quy định “quyền thừa kế đối với bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản”. Đến với bộ luật dân sự  năm 2015 thi dù là động sản hay bất động sản thì vẫn theo nguyên tắc quốc tịch.Khi đọc khoảnh 1và khoản 2 hầu hết mọi người nhầm tưởng rằng bất động sản vẫn theo pháp luật nước nới có bất động sản nhưng bất động sản vẫn được xác định theo quốc tịch nới người để lại di sản chết mà chỉ quyền và nghĩa vụ về bất động sản được xác định theo luật nơi có bất động sản. Như vậy hệ thuộc được pháp luật Việt Nam lựa chọn áp dụng là Luật quốc tịch để giải quyết xung đột.

       So với quy định  tại điều 676 BLDS 2005 thiếu khoản 3,4 về trường hợp di sản không có người thừa kế. Tuy nhiên vì phần thứ bảy BLDS năm 2005 được xây dựng để điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và điều chỉnh các quan hệ này có thể bao gồm cả quy phạm xung đột và quy phạm thực chất. Vì vậy, phần thứ bảy BLDS năm 2005 là sự kết hợp cả hai loại quy phạm trên của tư pháp quốc tế, và quy phjam ở khoản 3, 4 chính là quy phạm thực chất. Sang BLDS năm 2015 được thiết kế với mục đích tập trung toàn bộ các quy phạm xung đột có liên quan tiêu đề phần năm BLDS năm 2015  là pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Vì vậy nên đảm bảo cho sự thống nhất trong văn bản luật các quy phạm không phải là quy phạm xung đột đã được đưa ra khỏi bộ luật. Câu hỏi đặt ra là đó có phải là sự thiếu sót của Luật hay không. Nếu có quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài nảy sinh và rơi vào trường hợp không có người thừa kế thì căn cứ vào khoản 1 điều 680 vẫn có thể giải quyết được. Cụ thể pháp luật của nước mà người để lại thừa kế là công dân sẽ được áp dụng.

Quy phạm xung đột về di chúc

      Đối với trường hợp người để lại thừa kế có để lại di chúc phân chia tài sản thừa kế, vấn đề trọng tâm chính là hiệu lực của di chúc. Để đảm bảo cho di chúc phân chia di sản có hiệu lực, có hai vấn đề cần quan tâm chính là vấn đề người lập di chúc có đầy đủ năng lực lập di chúc hay không và hình thức của di chúc có hợp pháp hay không. Về xác định năng lực lập di chúc của người lập di chúc: Khoản 1 Điều 681 có quy định phải tuân theo pháp luật nước người lập di chúc là quốc tịch. Như vậy hệ thuộc được pháp luật Việt Nam lựa chọn áp dụng là Luật quốc tịch để giải quyết xung đột. Việc lập di chúc là quyền của mọi cá nhân để được định đoạt tài sản của mình và việc lập di chúc là việc cá nhân bằng chính hành vi của mình xác lập và thực hiện quyền đó. Nói cách khác đây chính là năng lực chủ thể của một cá nhân (bao gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi) .

       Về hình thức của di chúc: pháp luật quy định hình thức của di chúc phải tuân theo pháp luật của nước nơi lập di chúc. Tức là một người lập di chúc phân chia di sản ở bất kỳ đâu thì hình thức của di chúc đó phải tuân theo pháp luật của nơi họ lập di chúc, bất kể họ mang quốc tịch của quốc gia nào. Không dừng lại ở quy định về quốc tịch mà BLDS năm 2015 đã có sự thay đổi mềm dẻo và linh hoạt hơn trong quy  phạm xung đột về di chúc.  Hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập. Hình thức của di chúc cũng được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây:

       a) Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;

b) Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;

c) Nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản.

       Bên cạnh luật về quốc tịch của người lập di chúc thì hình thức di chúc cũng có thể áp dụng pháp luật nước nơi cư trú hoặc pháp luật của nước người lập di chúc có quốc tịch vào thời điểm lập di chúc hoặc thời điểm người đó chết, hoặc pháp luật nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản. Quy định này cho thấy sự tiếp thu, hòa nhập với quy định pháp  luật quốc tế liên quan đến vấn đề di chusc cụ thể là Công ước La Haye ngày 5/10/1961 về xung đột pháp luật liên quan đến hình thức định đoạt tài sran bằng di chúc.

Quy phạm xung đột về giám hộ

       Đây là quy phạm xung đột mới được ghi nhận trong BLDS năm 2015 mà trước đây chưa từng đước ghi nhận.

       Giám hộ được xác định theo pháp luật của nước nơi người được giám hộ cứ trú. Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định hoặc được chỉ định hoặc được cử làm người giám hộ để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thwusc và làm chủ hành vi gọi chung là người được giám hộ. Điều 682 quy định như trên xác định lựa chọn hệ thuộc luật nơi người được giám hộ cư trú là phù hợp bởi mục đích của giám hộ à để người được giám hộ được chăm lo, bảo vệ cấc quyền và lợi ích thì vấn đề đó p0hafan lớn sẽ diễn ra tại nơi người được giám hộ cư trú. Áp dụng hệ thuộc luật nơi người được giám hộ sẽ vừa bảo vệ được tốt nhất quyền cho người được giám hộ vừa đảm bảo cho cơ quan có thẩm quyền thuận lợi trong việc điều chỉnh quan hệ. Thêm vào nữa là nếu không áp dụng hệ thuộc luật này thì có thể xảy ra tình trạng có những quy định pháp luật áp dụng không được chấp nhận tại nơi việc giám hộ được thực hiện.

Quy phạm xung đột về hợp đồng

      Trong quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài, việc cho phép các bên tự do lựa chọn pháp luật áp dụng là một quy định rất quan trọng được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, trong các điều ước quốc tế (ĐƯQT), cũng như trong các đạo luật quốc gia. Chẳng hạn, điều 3 Nghị định Rome năm 2008 của Liên minh châu Âu về luật áp dụng cho nghĩa vụ hợp đồng quy định “hợp đồng được điều chỉnh bởi luật do các bên lựa chọn” Ở Việt Nam, trước năm 2016, khả năng tự do lựa chọn pháp luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài chưa được nêu thành nguyên tắc chung. Thật vậy, điều 769 BLDS 2005 quy định: “Quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thỏa thuận khác”. Như vậy, khả năng lựa chọn pháp luật áp dụng của các bên trong quan hệ hợp đồng chỉ được suy ra từ quy định “nếu không có thỏa thuận khác”. Điều này có thể dẫn tới sự mất an toàn pháp lý, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Một số văn bản luật chuyên ngành như Bộ luật hàng hải 2005, Luật hàng không dân dụng 2006 (sửa đổi 2014) có quy định cho phép các bên lựa chọn pháp luật áp dụng, nhưng các quy định này có phạm vi hẹp, chỉ liên quan đến các quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực hàng hải và hàng không dân dụng, nên không thể áp dụng mở rộng cho các loại hợp đồng khác.

       Trong bối cảnh đó, BLDS 2015 đã có cải cách quan trọng khi ghi nhận: “Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng…” (khoản 1, điều 683). Các bên cũng có thể thoả thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng với điều kiện việc thay đổi đó “không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý” (khoản 6, điều 683).

      Như vậy, cứ hợp đồng có yếu tố nước ngoà là các bên được quyền tự do lựa chọn pháp luật mà không cần phân biệt đó là hợp đồng dân sự hay hợp đồng thương mại, hợp đồng mua bán hàng hóa hay hợp đồng cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, cần lưu ý rằng theo BLDS 2005 (đoạn 2, khoản 1, điều 769), hợp đồng được giao kết và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam thì các bên không được phép lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài, vì hợp đồng đó “phải tuân theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Quy định này đã không còn tồn tại trong BLDS 2015. Như vậy, chỉ cần hợp đồng có yếu tố nước ngoài là các bên có thể lựa chọn pháp luật áp dụng, mà không cần quan tâm đến việc hợp đồng đó có giao kết và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam hay không.

       BLDS 2015 đã có thay đổi rất quan trọng về nội dung trường hợp các bên khôngthỏa thuận được pháp luật áp dụng. BLDS 2015 đã không sử dụng tiêu chí “nơi thực hiện hợp đồng”, mà thay vào đó là tiêu chí “mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng” để xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng. Thật vậy, khoản 1 điều 683 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng”. Đây là một quy định được coi là tiến bộ hơn so với quy định của BLDS 2005, nhưng nó cũng đặt ra một số vấn đề về áp dụng trong thực tiễn. Tư pháp quốc tế của nhiều nước cũng có quy định về xác định pháp luật áp dụng dựa trên tiêu chí “mối liên hệ gắn bó nhất” nhưng không định nghĩa thế nào là “mối liên hệ gắn bó nhất” mà trao cho thẩm phán quyền xác định dựa vào các hoàn cảnh thực tế của vụ việc cần giải quyết. Trước yêu cầu về sự rõ ràng và dễ áp dụng của luật, Việt Nam đã chọn cách liệt kê mối liên hệ gắn bó nhất trong một số hợp đồng cụ thể. Cách làm này giống với phương pháp được châu Âu áp dụng khi xây dựng Nghị định Rome năm 2008 về luật áp dụng cho nghĩa vụ hợp đồng. Tuy nhiên, nếu như khoản 1, điều 4 của Nghị định này liệt kê 8 loại hợp đồng cụ thể, sau đó có một loạt các quy định chuyên biệt cho các loại hợp đồng chuyên biệt khác, thì khoản 2, điều 683 BLDS 2015 của Việt Nam lại chỉ liệt kê 5 trường hợp, theo đó, pháp luật của nước có mối quan hệ gắn bó nhất là:

       “a) Pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng mua bán hàng hóa.

  1. b) Pháp luật của nước nơi người cung cấp dịch vụ cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng dịch vụ.
  2. c) Pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ.
  3. d) Pháp luật của nước nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc đối với hợp đồng lao động. Nếu người lao động thường xuyên thực hiện công việc tại nhiều nước khác nhau hoặc không xác định được nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng lao động là pháp luật của nước nơi người sử dụng lao động cư trú đối với cá nhân hoặc thành lập đối với pháp nhân.

       đ) Pháp luật của nước nơi người tiêu dùng cư trú đối với hợp đồng tiêu dùng”.

      Tuy nhiên, trong trường hợp chứng minh được pháp luật của nước khác với pháp luật được nêu tại khoản 2 ở trên có mối liên hệ gắn bó hơn với hợp đồng thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước đó (khoản 3, điều 683, BLDS 2015).

       Cách quy định liệt kê như trên có ưu điểm là rõ ràng, dễ áp dụng cho các hợp đồng chuyên biệt, nhưng có nhược điểm là không đầy đủ và khó áp dụng cho các hợp đồng phức tạp có bản chất hỗn hợp. Chúng ta hãy cùng xét ví dụ sau: Hợp đồng nhượng quyền thương mại được ký giữa bên nhượng quyền là một công ty đăng ký thành lập tại Pháp và bên nhận quyền là một công ty đăng ký thành lập tại Việt Nam. Hợp đồng này vừa có nội dung về mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ vừa có quy định về chuyển giao quyền sử dụng quyền sở hữu công nghiệp[15]. Hợp đồng không có điều khoản lựa chọn pháp luật áp dụng. Tranh chấp xảy ra liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ trợ giúp kỹ thuật và được giải quyết trước tòa án Việt Nam. Do các bên không lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng nên tòa án Việt Nam sẽ áp dụng điều 683 BLDS 2015. Do hợp đồng này có đối tượng là mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ nên pháp luật áp dụng sẽ là pháp luật của nước người bán và cung ứng dịch vụ đăng ký thành lập, tức là pháp luật Pháp. Nhưng hợp đồng này cũng có đối tượng là chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, bí quyết kinh doanh từ bên nhượng quyền sang bên nhận quyền nên điểm c, khoản 2 điều 683 được áp dụng và kết quả là pháp luật Việt Nam được áp dụng. Vấn đề còn phức tạp hơn nếu bên nhượng quyền chỉ định người người cung ứng dịch vụ cho bên nhận quyền là một pháp nhân đăng ký thành lập tại Mỹ. Lúc này sẽ có ba hệ thống luật được áp dụng: pháp luật của Pháp-pháp luật của nước người bán đăng ký thành lập; pháp luật của Mỹ – pháp luật của nước người cung cấp dịch vụ đăng ký thành lập; và pháp luật Việt Nam – pháp luật của nước người nhận quyền thành lập. Phải áp dụng pháp luật của nước nào trong ba hệ thống pháp luật kể trên? Quy định giải quyết xung đột luật của Việt Nam vô tình đã tạo ra thêm xung đột. Chúng ta cần lưu ý là Nghị định Rome năm 2008 nêu rõ luật áp dụng đối với hợp đồng nhượng quyền là luật của nước bên nhận quyền thường trú (điều 4-1-e), chứ không nêu chung chung như pháp luật Việt Nam.

       Ngoài ra, điểm đ, khoản 2, điều 683 vừa nêu còn có nhược điểm là chỉ quy định duy nhất một dấu hiệu để xác định nơi có mối liên hệ gắn bó nhất, đó là nơi cư trú. Nếu không xác định được nơi người tiêu dùng cư trú thì pháp luật của nước nào sẽ được áp dụng?

       Qua phần trình bày và phân tích trên em đã nêu và phân tích được một số kiến thức liên quan đên quy phạm xung đột và có sự bình luận, phân tích đánh giá về quy phạm xung đột tại chương XXVII BLDS năm 2015. Bài làm trên còn nhiều sai sót mong thầy cô bổ sung để bài làm được hoàn thiện hơn.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề:Bình luận quy phạm xung đột ghi nhận tại chươngXXVII BLDS năm 2015 về pháp luật áp dụng đối với quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn pháp luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top