Bình luận các quy định giải quyết xung đột pháp luật về quan hệ thừa kế trong tư pháp quốc tế Việt Nam

Bình luận các quy định giải quyết xung đột pháp luật về quan hệ thừa kế trong tư pháp quốc tế Việt Nam

      Lịch sử đã cho thấy rằng, thừa kế nói chung và quyền thừa kế theo pháp luật nói riêng của công dân Việt Nam có sự biến đổi theo hướng ngày càng mở rộng và có sự phụ thuộc vào thành quả phát triển kinh tế – xã hội qua các thời kỳ. Trong điều kiện giao lưu và hợp tác quốc tế, một số quan hệ thừa kế vượt ra khỏi phạm vi điều chỉnh của hệ thống pháp luật một quốc gia, đó là những quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài. Thừa kế di sản chính là sự chuyển dịch tài sản và quyền sở hữu tài sản của cá nhân người đã chết cho cá nhân, tổ chức có quyền hưởng thừa kế, người thừa kế trở thành chủ sở hữu của tài sản được hưởng theo di chúc hoặc theo pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của mỗi con người. Thừa kế là một chế định quan trọng được pháp luật cụ thể hóa trong bộ luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong tư pháp quốc tế nó vẫn giữ nguyên vai trò của nó nhưng được nhìn nhận với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài cùng cơ chế thị trường mở pháp luât luật nước ta cụ thể hóa vấn thừa theo pháp luật trong tư pháp quốc tế để phù hợp với thông lệ quốc tế, hội nhập kinh tế với các nước trên thế giới. Bởi vậy chính tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn của thừa kế trong tư pháp quốc tế nên nhóm em xin lựa chọn đề tài: “Bình luận các quy định giải quyết xung đột pháp luật về quan hệ thừa kế trong tư pháp quốc tế Việt Nam”.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình tư pháp quốc tế, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2017.
  • Khoa Luật – Trường Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình tư pháp quốc tế, Nxb. ĐHQG, Hà Nội, 2013.
  • Hiến pháp 2013.
  • Bộ luật Dân sự 2005, 2015.
  • Công ước La Haye năm 1961 về xung đột pháp luật liên quan đến hình thức di chúc.
  • Công ước La Haye 1973 về quản lý quốc tế bất động sản của người đã chết.
  • Công ước Washington 1973 về pháp luật thống nhất đối với hình thức di chúc quốc tế.
  • Công ước La haye 1989 về pháp luật áp dụng cho vấn đề thừa kế bất động sản của người đã chết.
  • Luật doanh nghiệp 2014.
  • Luật nhà ở 2014.
  • Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài 2009 và Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011.

Cơ sở lý luận

      Do sự di cư của người dân từ nước này sang nước khác để cư trú, làm ăn, sinh sống đặc biệt là sự di cư ra nước ngoài của một số người dân sau khi đất nước thống nhất và sự ở lại nước ngoài làm ăn sinh sống của một số người dân trong quá trình hội nhập đã làm gia tăng về số lượng vụ việc về thừa kế có yếu tố nước ngoài sau chiến tranh thế giới thứ hai. Thừa kế trong tư pháp quốc tế là quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài , được điều chỉnh theo các nguyên tắc và các quy phạm của tư pháp quốc tế. Thực tiễn giải quyết các vụ việc thừa kế có yếu tố nước ngoài thời gian qua rất phức tạp, số lượng các điều ước quốc tế song phương hay đa phương điều chỉnh vấn đề này cũng không nhiều. Về quy định của pháp luật Việt Nam trong vấn đề này, mãi đến BLDS 2005 và BLDS 2015 mới có các điều luật ghi nhận về vấn đề thừa kế trong tư pháp quốc tế và một số quy định trong các văn bản pháp luật khác có liên quan.


Bình luận giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo quy định của pháp luật Việt Nam

Tổng quan về pháp luật thừa kế có yếu tố nước ngoài của các nước và của Việt Nam

      Pháp luật thừa kế có yếu tố nước ngoài là một bộ phận của tư pháp quốc tế. bộ phận pháp luật này được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật quốc gia khác nhau, trong các điều ước quốc tế liên quan mà quốc gia là thành viên, trong các án lệ liên quan của các nước, trong các nguồn pháp luật khác. Ở Việt Nam bộ phận pháp luật này được quy định, trước tiên trong Bộ luật dân sự và trong các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan.

      Trong thực tiễn tư pháp quốc tế, pháp luật thừa kế có yếu tố nước ngoài thường được hiểu là pháp luật được xác định trên cơ sở các quy phạm tư pháp quốc tế và được áp dụng đối vưới toàn bộ(trong trường hợp đặc biệt, áp dụng đối với phần cơ bản) các quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài. Pháp luật đó được áp dụng để xác định quy tắc cần sử dụng để giải quyết nội dung các vấn đề chung về cơ sở pháp lý cơ bản của việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản trong lĩnh vực thừa kế; xác định cấu thành di sản thừa kế; điều kiện mở thừa kế;… có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra, pháp luật đó cũng được áp dụng để xác định quy tắc giải quyết nội dung một số vấn đề chuyên biệt, liên quan đến thừa kế theo các căn cứ nhất định, như các căn cứ để thừa kế theo pháp luật, thừa kế theo di chúc,… có yếu tố nước ngoài.

      Như vậy, pháp luật thừa kế có yếu tố nước ngoài được áp dụng để xác định các quy tắc chung mà từ đó làm cơ sở giải quyết các vấn đề nội dung cụ thể của quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài và xác định các quy tắc chuyên biệt mà từ đó làm cơ sở giải quyết vấn đề nội dung cụ thể của quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài đối với những loại đối tượng thừa kế đặc biệt có yếu tố nước ngoài. Trong đó, pháp luật các nước chú ý nhiều đến các quy tắc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế có yếu tố nước ngoài theo pháp luật, các quy tắc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế có yếu tố nước ngoài theo di chúc.

Về thừa kế theo pháp luật

      Quan hệ về thừa kế theo pháp luật trong tư pháp quốc tế (Quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài) được quy định trong phần thứ năm của Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015. Cụ thể tại điều 680 BLDS 2015 quy định: “Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”.

      Với quy định này, việc giải quyết xung đột pháp luật trong quan hệ về thừa kế được pháp luật Việt Nam theo hệ thuộc luật (Lex patriae/Lex nationalis) đó là luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch vào thời điểm chết.

Quy định giải quyết xung đột pháp luật về quan hệ thừa kế trong tư pháp quốc tế

      Quy định này của BLDS 2015 cơ bản là giữ lại nội dung trước đây của Điều 767 BLDS 2005. Tuy nhiên có một số điểm mới nổi bật và quan trọng cụ thể:

      Thứ nhất, Về việc xác định pháp luật của nước giải quyết vấn đề trong quan hệ thừa kế.

      Trên nguyên tắc cơ bản là thừa kế được pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch vào thời điểm chết. Tuy nhiên tại điều 680-BLDS 2015 đã sửa đổi cách diễn đạt nội dung điều luật bằng cách quy định …. người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết. Mặc dù chỉ thêm từ “ngay” nhưng  có vai trò quan trong việc xác định luật của nước nào điều chỉnh. Bởi người để lại di sản thừa kế có thể có nhiều quốc tịch khác nhau (Ví dụ: Ông A năm 20 tuổi mang quốc tịch Việt Nam, năm 30 tuổi ông có 2 quốc tịch là quốc tịch Mỹ và quốc tịch Việt Nam nhưng đến năm 60 tuổi ông chết thì ông chỉ mang quốc tịch Mỹ). Do đó, việc xác định quốc tịch ngay trước khi chết để từ đó lựa chọn pháp luật của quốc gia đó để giải quyết là cần thiết.

      Thứ hai, về nội dung quan hệ thừa kế

      Căn cứ điều 680-BLDS 2015 thì quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài bao gồm các các nội dung như: xác định hàng thừa kế, diện thừa kế, phân chia di sản là động sản và bất động sản đều được điều chỉnh bởi pháp luật của nước nơi người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết. Trước đó, với quy định tại khoản 2-Điều 767 BLDS 2005 quy định: “Quyền thừa kế đối với bất động sản phải tuân thủ  theo pháp luật của nước nơi có bất động sản”. Như vậy, với quy định trước đây của BLDS 2005 thì luật của nước được dùng để áp dụng điểu chỉnh về quyền thừa kế đối với bất động sản và luật của nước nơi người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết (khoản 1- Điều 767) là khác nhau mà rõ ràng quyền thừa kế đối với bất động sản cũng là một trong số các nội dung trong quan hệ về thừa kế. Khắc phục quy định bất cập trong cùng một điều luật như trước đây. Do đó, BLDS 2015 đã quy định cụ thể hơn, theo đó quyền thừa kế đối với bất đống sản được tuân theo pháp luật của nước nơi  người để lại di sản thừa kế là công dân ngay trước khi chết. Tuy nhiên việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản bao gồm chủ thể có quyền thừa kế bất đống sản có được sở hữu di sản hay thwujc hiện quyền như thế nào …thì lại do pháp luật của nước nơi có bất động sản quy định.

      Ngoài ra, trường hợp người để lại di sản thừa kế không có quốc tịch hoặc có hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài thì xác định pháp luật áp dụng theo quy định Điều 672- BLDS 2015.

Thừa kế theo di chúc

      Pháp luật Việt Nam quy định các quy tắc và cách thức giải quyết xung đột pháp luật liên quan trực tiếp đến chế định pháp luật thừa kế theo di chúc tại Điều 681 Bộ luật dân sự năm 2015.

      Theo đó, về năng lực hành vi: năng lực hành vi lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc.

      Việc quy định như trên sẽ làm phát sinh một số vấn đề trong thực tiễn áp dụng như sau:

      Người nước ngoài khi thực hiện lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc tại Việt Nam, tuy họ có đủ năng lực hành vi theo pháp luật người đó có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc nhưng theo pháp luật Việt Nam thì họ lại không đủ năng lực hành vi thì giải quyết như thế nào?

      Chẳng hạn, một cá nhân X (17 tuổi) người nước ngoài lập di chúc tại Việt Nam. Theo pháp luật một số nước thì người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã đủ năng lực chủ thể để lập di chúc. Giả sử cá nhân X có quốc tịch tại một trong các nước đó. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 681 BLDS 2015 quy định: “Năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc”, nghĩa là không có trường hợp ngoại lệ. Tức khi đó, theo pháp luật Việt Nam, cá nhân X có đủ năng lực lập di chúc.

      Tuy nhiên, năng lực chủ thể trong quan hệ thừa kế theo di chúc là một phần của năng lực chủ thể trong lĩnh vực dân sự. Như vậy, năng lực của cá nhân lập, thay đổi và hủy bỏ di chúc cũng chính là năng lực hành vi dân sự. Theo khoản 2 Điều 674 BLDS 2015 thì người nước ngoài khi xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực hành vi dân sự được xác định theo pháp luật Việt Nam. Mà theo pháp luật Việt Nam, tại Khoản 2 Điều 624 BLDS 2015 thì “người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi chỉ được lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc”. Do đó, cá nhân X chưa có đủ năng lực hành vi lập di chúc theo pháp luật Việt Nam.

      Từ hai ý phân tích ở trên, ta thấy có sự mâu thuẫn trong việc quy định năng lực hành vi của người nước ngoài khi thực hiện lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc theo pháp luật Việt Nam.


Bình luận giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo các Điều ước Quốc tế trong Tư pháp quốc tế Việt Nam

Điều ước quốc tế đa phương và khu vực

     Các điều ước quốc tế đáng chú ý giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế trong tư pháp quốc tế là hệ thống các điều ước quốc tế được soạn thảo và thông qua trong khuôn khổ của Hội nghị La Haye như:

      Công ước La Haye năm 1961 về xung đột pháp luật liên quan đến hình thức di chúc (thông qua tại La Haye ngày 05/10/1961). Điểm nổi bật ở công ước này ở chỗ cá nhân có quyền lựa chọn hệ thống pháp luật mà được suy luận là thích hợp nhất trong trường hợp cụ thể để lập di chúc. Tuy nhiên, việc người lập di chúc lựa chọn luật áp dụng cũng không thể giúp tránh được các quy định có tính chất bảo vệ quyền lợi của những người có quan hệ huyết thống với người để lại di sản, như quy định về phần tài sản thừa kế bắt buộc; do đó cần có những hạn chế về phạm vi lựa chọn luật áp dụng của người để lại di sản.

      Công ước La Haye 1973 về quản lý quốc tế bất động sản của người đã chết (thông qua ngày 2/10/1973). Công ước La Haye quy định về việc chứng thực quốc tế trong việc xác lập những người được quản lý quốc tế bất động sản của người đã chết.Giấy chứng nhận này phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước nơi người chết thường trú trước khi chết lập theo quy định của pháp luật nước này. Tuy vậy, Công ước La Haye 1973 cũng cho phép áp dụng pháp luật của nước mà người chết có quốc tịch vào thời điểm chết, điều này cũng đước áp dụng khi nguời này cư trú ở nước lập giấy chứng nhận trước 5 năm ngay trước ngày từ trần.

      Công ước Washington 1973 về pháp luật thống nhất đối với hình thức di chúc quốc tế (thông qua ngày 26/10/1973). Theo đó, quy định trong Công ước là quy phạm pháp luật thống nhất về hình thức di chúc mà tất cả các quốc gia thành viên tham gia phải nội luật hóa các quy tắc về lập di chúc quốc tế hoặc  chấp nhận áp dụng trực tiếp, không cần phải xác định luật áp dụng thông qua quy phạm xung đột. Tuy nhiên, Công ước không quy định về di chúc chung của vợ, chồng, vì các nhà soạn thảo không thể thống nhất được với nhau về tính chất pháp lý của loại di chúc này.

      Công ước La haye 1989 về pháp luật áp dụng cho vấn đề thừa kế bất động sản của người đã chết (thông qua ngày 1/8/1989). Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lập di chúc Công ước La Haye năm 1989 cho phép khả năng lựa chọn pháp luật có quan hệ gắn bó nhất để điều chỉnh vấn đề thừa kế bất động sản. Việc cho phép người để lại di sản lựa chọn một hệ thống pháp luật áp dụng thống nhất tạo điều kiện bảo đảm sự bình đẳng và khả năng dự kiến trước của giải pháp giải quyết thừa kế. Ngoài ra, ở đây còn có quy định để phòng ngừa những hậu quả có thể phát sinh từ các động cơ kinh tế, xã hội, chính trị liên quan đến việc thừa kế đó. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nổi bật như trên, giải pháp này vẫn có một số bất cập liên quan đến phạm vi lựa chọn luật áp dụng đối với quan hệ thừa kế như: Việc giải quyết tranh chấp trong trường hợp nếu chủ thể được quyền lựa chọn nhiều hệ thống pháp luật để áp dụng hay giải quyết vấn đề thừa kế trong trường hợp chủ thể lập nhiều di chúc.

Điều ước quốc tế song phương

      Có thể thấy, nguyên tắc chỉ đạo trong vấn đề thừa kế được ghi nhận tại các Hiệp định tương trợ tư pháp (HĐTTTP) là nguyên tắc bình đẳng giữa công dân các bên trong quan hệ thừa kế. Biểu hiện cụ thể của nguyên tắc này có thể hiểu là việc công dân nước ký kết này bình đẳng với công dân nước ký kết kia trong việc lập hoặc hủy bỏ di chúc đối với tài sản đang có và các quyền cần thực hiện ở nước ký kết kia, cũng như về khả năng được nhận tài sản hoặc các quyền theo cùng những điều kiện mà nước ký kết kia dành cho công dân nước mình. Tức các nước ký kết hiệp định thừa nhận nguyên tắc không phân biệt đối xử, mà trước tiên là quy chế “đãi ngộ quốc gia” trong lĩnh vực thừa kế có yếu tố nước ngoài.

      Vấn đề thừa kế tài sản theo pháp luật

      Ở đây, vấn đề này được quy định tương đối rõ trong các HĐTTTP (Điều 35 Hiệp định với Tiệp Khắc, Điều 34 Hiệp định với Cu Ba, Điều 43 Hiệp định với Hungary, Điều 33 Hiệp định với Bungary, Điều 41 Hiệp định với Ba Lan, Điều 36 Hiệp định với Lào, Điều 39 Hiệp định với Cộng hòa Liêng bang Nga, Điều 34 Hiệp định với Ucraina, Điều 42 Hiệp định với Berarut…) qua đó việc xác định pháp luật áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế được chia thành hai trường hợp đối với động sản và đối với bất động sản.

      Quyền thừa kế động sản đã sử dụng hệ thuộc “luật quốc tịch” của người để lại di sản để giải quyết xung đột về thừa kế động sản. Tuy nhiên, hạn chế đặt ra ở đây là đối với những người không mang quốc tịch của nước nào hoặc mang nhiều quốc tịch thì áp dụng luật của quốc gia nào để giải quyết vấn đề thừa kế cho họ? Còn đối với quyền thừa kế bất động sản được xác định theo pháp luật của nước ký kết nơi có bất động sản. Theo quy phạm này, có thể thấy các Hiệp định ở trên sử dụng hệ thuộc “luật nơi có tài sản” để giải quyết xung đột về thừa kế bất động sản. Quy định trên là hoàn toàn hợp lý bởi trước tiên nó tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có bất động sản trong việc quản lý, khai thác đối với bất động sản đó một cách hiệu quả cũng như giải quyết các thủ tục, giấy tờ pháp lý liên quan đến bất động sản đó một cách đầy đủ và nhanh chóng vì không thể có việc bất động sản ở một nơi mà giấy tờ chứng nhận tại một nơi khác. Mặt khác, nó còn tạo điều kiện cho việc nhận thừa kế hay việc xử lý tài sản thừa kế là bất động sản tại quốc gia đó.

      Tuy nhiên, muốn áp dụng được một cách chính xác quy phạm này ta lại gặp phải một vài bất cập trong việc phân định di sản đó là việc xác định di sản là động sản hay bất động sản.

      Vấn đề thừa kế tài sản theo di chúc

      Vấn đề này được quy định khá rõ trong các HĐTTTP, theo đó thừa nhận xung đột pháp luật trong lĩnh vực thừa kế theo di chúc được giải quyết thống nhất theo quy tắc xung đột pháp luật nhất định được các nước ký kết đưa vào hiệp định cụ thể.

      Ở đây đã xác định hệ thuộc luật quốc tịch để giải quyết XĐPL về năng lực lập di chúc. Quy định này phù hợp với việc xác định pháp luật áp dụng đối với năng lực hành vi dân sự của cá nhân và phù hợp với các HĐTTTP mà Việt Nam đã ký kết. Tuy nhiên, hạn chế ở đây là về năng lực chủ thể bởi nhiều trường hợp đối với người nước ngoài tại Việt Nam, nếu theo pháp luật mà người nước ngoài mang quốc tịch thì họ có năng lực chủ thể để lập, thay đổi và hủy bỏ di chúc nhưng theo pháp luật Việt Nam thì họ chưa có đủ điều kiện về năng lực chủ thể thì giải quyết thế nào?

      Trường hợp thừa kế đối với di sản của công dân nước ký kết này chết tại nước ký kết kia mà không có người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc hợp pháp

      Vấn đề này cũng được các HĐTTTP quy định khá rõ. Theo đó, động sản không người thừa kế sẽ chuyển giao cho nước ký kết mà người để lại di sản đó là công dân vào thời điểm chết, bất động sản không người thừa kế sẽ thuộc nước ký kết nơi có bất động sản đó. Đây là một quy định đúng đắn bởi nó nó vẫn xác định thừa kế động sản theo hệ thuộc “luật quốc tịch” còn thừa kế bất động sản theo nguyên tắc “luật nơi có tài sản”. Tuy nhiên, hạn chế về việc quy định động sản và bất động sản của các nước khác nhau vẫn còn tồn tại.

      Ngoài ra, các HĐTTTP cũng có các quy định điều chỉnh vấn đề liên quan đến thẩm quyền giải quyết các vấn đề thừa kế và một số vấn đề khác. Thẩm quyền về vấn đề này phải được các nước thỏa thuận cũng như ghi rõ trong các HĐTTTP liên quan. Nhìn chung, các HĐTTTP cũng đã dự trù quy định cũng như thừa nhận tất cả các trường hợp có thể xảy ra để xác định thẩm quyền giải quyết vấn đề thừa kế.


Bình luận nội dung khác thuộc lĩnh vực thừa kế trong Tư pháp quốc tế Việt Nam

Di sản không người thừa kế

      Vấn đề di sản không người thừa kế luôn được quan tâm giải quyết trong thực tiễn điều ước liên quan đến vấn đề thừa kế có yếu tố nước ngoài cũng như trong pháp luật liên quan của các nước khác nhau.

      Di sản không có người thừa kế ở đây được hiểu rộng rãi là tài sản của một người đã chết để lại mà không có bất kỳ người nào thừa kế. Lý do làm phát sinh tình trạng này cũng đa dạng. Trước tiên thường là người đã chết không có bất kỳ ai đủ điều kiện để trở thành người thừa kế theo pháp luật, hoặc cũng có thể là người thừa kế từ chối nhận di sản và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận.

      Pháp luật các nước quy định khá phức tạp và khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, di sản không người thừa kế có yếu tố nước ngoài được quy định là sẽ thuộc về nhà nước có quan hệ gắn bó nhất với tài sản đó. Nhà nước đó có thể là nước mà người để lại di sản có quốc tịch vào thời điểm chết hoặc nhà nước là nơi có di sản thừa kế.

      Ở Việt Nam,  vấn đề này được quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2005. Quan điểm này cũng được tiếp tục khẳng định trong quá trình hoàn thiện pháp luật về dân sự nước ta (Điều 622 Bộ luật dân sự 2015). Nếu xét rộng ra, quan điểm này ủng hộ trường phái “Nhà nước là người thừa kế di sản của công dân mình” được cụ thể tại Khoản 4 Điều 54 Luật doanh nghiệp 2014 và Khoản 3 Điều 77 Luật doanh nghiệp 2014. Các quy định này áp dụng cho trường hợp thừa kế có yếu tố nước ngoài.

      Thông qua các điều luật nêu trên có thể thấy rất rõ pháp luật Việt Nam có quan điểm nhà nước là người thừa kế di sản của công dân mình. Điều này tạo thuận lợi cho Việt Nam khi giải quyết tranh chấp với các nước có cùng quan điểm như Nga, Ba Lan, Tây Ban Nha…Nhưng lại đặt ra những khó khăn rất lớn khi có những tranh chấp với các nước có những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm như Pháp, Áo, Hoa Kỳ…

Bình luận các quy định giải quyết xung đột pháp luật về quan hệ thừa kế trong tư pháp quốc tế Việt Nam

      Như vậy, mỗi nước luôn có một quan điểm khác nhau nhau về vấn đề di sản không người thừa kế. Đối với Việt Nam, những quy định nêu trên chỉ đảm bảo cho việc giải các tranh chấp đối với một số quốc gia có cùng quan điểm về thừa kế. Tuy nhiên, đòi hỏi các nhà làm luật cần phải có những quy định phù hợp để giải quyết tranh chấp với những nước không cùng quan điểm thừa kế. Do đó, Việt Nam đã ký những thỏa thuận liên quan, trong đó đáng chú ý là các HĐTTTP theo nguyên tắc: Động sản thừa kế được chuyển quyền sở hữu cho nhà nước mà người để lại di sản là công dân vào thời điểm người đó qua đời, bất động sản thừa kế được chuyển quyền sở hữu cho nước nơi có bất động sản thừa kế đó, việc phân chia đâu là động sản, đâu là bất động sản thường theo pháp luật của nước kí kết nơi có khối di sản cần phải phân chia để giải quyết vấn đề.

Vấn đề thừa kế của công dân Việt Nam ở nước ngoài

      Vì những lý do khác nhau mà đến nay có hàng triệu công dân Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống, học tập, công tác ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, ta quen gọi là công dân Việt Nam ở nước ngoài. Đảng và nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến việc bảo vệ các quyền và lợi ích của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

      Thừa kế có yếu tố nước ngoài của công dân Việt Nam khá đa dạng. Tuy vậy, thừa kế có yếu tố nước ngoài của công dân Việt Nam có thể được nghiên cứu dưới hai góc độ: thứ nhất, đó là thừa kế của công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài đối với tài sản ở Việt Nam và thừa kế của công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài đối với tài sản ở nước mà công dân Việt Nam hiện diện/sở tại; và thứ hai, thừa kế của công dân Việt Nam cư trú trong nước đối với tài sản ở nước ngoài.

Về vấn đề thừa kế của công dân Việt Nam ở nước ngoài tại Việt Nam

      Vấn đề thừa kế của công dân Việt Nam ở nước ngoài tại Việt Nam được giải quyết chủ yếu trên cơ sở các quy định của pháp luật Việt Nam. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam có nhiều quy định liên quan. Các quy định có tính tổng quát, nền tảng đã được khẳng định trong các Hiến pháp nước ta tại  Khoản 1 Điều 18 Hiến pháp 2013 và Khoản 3 Điều 17 Hiến pháp 2013, quan điểm này  tiếp tục khẳng định khoản 1 và khoản 2 Điều 32 Hiến pháp 2013.

      Bên cạnh các quy định của Hiến pháp, nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam quy định cụ thể vấn đề thừa kế của công dân Việt Nam ở nước ngoài tại Việt Nam. Trước tiên, phải kể đến Điều 767,  Điều 768 Bộ luật dân sự 2005 và điều 680, Điều 681 Bộ luật dân sự 2015. Ngoài ra vấn đề này còn được quy định tại Điều 186 Luật đất dai 2013 và khoản 2 Điều 7, Khoản 2 Điều 8 Luật nhà ở 2014.

      Về vấn đề thừa kế của công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài đối với tài sản ở nước mà công dân Việt Nam hiện diện/sở tại.

      Pháp luật Việt Nam quy định về vấn đề thừa kế của công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài đối với tài sản ở nước mà công dân Việt Nam hiện diện/sở tại tại Hiến pháp và quy định chung của các Bộ Luật dân sự 2005 và 2015 như đã nêu. Ngoài ra còn có một số quy định có liên quan như tại Khoản 9 Điều 8 Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài 2009 và Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011.

      Về vấn đề thừa kế của công dân Việt Nam ở nước ngoài đối với tài sản ở nước ngoài. Pháp luật Việt Nam quy định về vấn đề thừa kế của công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài đối với tài sản ở nước ngoài tại Hiến pháp và quy định chung của các Bộ Luật dân sự 2005 và 2015 và một số văn bản pháp luật khác như Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011.

      Các quy định của pháp luật đã khẳng định dân tộc Việt Nam không chỉ có những người Việt Nam định cư trên lãnh thổ trong nước mà còn là toàn bộ người Việt Nam sống và làm việc ở tất cả các nước trên khắp thế giới. Nhà nước ta luôn bảo hộ và đảm bảo quyền, lợi ích kinh tế nói chung và quyền thừa kế nói riêng đối với tất cả người việt Nam không phân biệt nơi  cư trú.

      Pháp luật Việt Nam không quy định bất cứ sự hạn chế vật chất nào đối với quyền thừa kế tài sản của công dân Việt Nam trong nước tại nước ngoài liên quan (nước mở thừa kế mà công dân Việt Nam có quyền thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc). Tuy nhiên có thể thấy các quy định về vấn đề thừa kế của công dân Việt Nam đối với tài sản ngoài lãnh thổ Việt Nam còn rất hạn chế và rất khó để áp dụng hiệu quả trên thực tiễn. Đặt ra rất nhiều vấn đề khi xảy ra tranh chấp đối với các nước, công dân Việt Nam gặp rất nhiều thiệt thòi do khung pháp lý của nước ta không thật sự có giá trị trên trường quốc tế.

Vấn đề thuế đối với di sản thừa kế

      Ở Việt Nam, vấn đề thuế cũng được đặt ra trong thời kì hội nhập kinh tế quốc tế và được xếp vào nhóm  vấn đề cần được tiếp thu nghiên cứu để có giải pháp hợp lí. Vấn đề thuế đối với di sản thừa kế cũng được giải quyết trên cơ sở các điều ước quốc tế có liên quan đặc biệt là các điều ước quốc tế song phương tránh đánh thuế hai lần. Xu hướng hợp tác quốc tế cho thấy trong tương lai vấn dề này có thể được giải quyết trên cơ sở các điều ước quốc tế nhiều bên liên quan. Việt Nam cũng đã kí nhiều hiệp định song phương tránh đánh thuế hai lần, trong đó có đề cập đến các vấn đề nói trên.

      Trong điều 16 thông tư 113/2013/TT-BTC có quy định về các căn cứ tính thuế đối với thừa kế và quà tặng

      Vấn đề về thừa kế trong tư pháp quốc tế được nhìn nhận theo nhiều hướng khác nhau: theo pháp luật Việt Nam, theo pháp luật các nước, theo điều ước quốc tế,… Mỗi quốc gia lại có những quan điểm khác nhau về vấn đề thừa kế, do vậy, khi có vụ việc xảy ra, không tránh khỏi những xung đột về mặt pháp luật với nhau giữa các nước. Pháp luật Việt Nam quy định về vấn đề thừa kế chủ yếu trong Bộ luật Dân sự và hiện nay là Bộ luật Dân sự 2015. Pháp luật Việt Nam so với pháp luật các nước và so với điều ước quốc tế còn có nhiều mặt mâu thuẫn với nhau và một số những điểm hạn chế, tuy nhiên, chúng cũng thể hiện nhiều mặt tích cực, hợp lý, tiến bộ đáng tư hào.


       Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Bình luận các quy định giải quyết xung đột pháp luật về quan hệ thừa kế trong tư pháp quốc tế Việt Nam Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

       Trân trọng ./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top