Hoạt động giáo dục trong điều tra, xét xử và thi hành án phạt tù

Hoạt động giáo dục trong điều tra, xét xử và thi hành án phạt tù

      Trong các dạng hoạt động của con người, hoạt động giáo dục luôn luôn được coi là bộ phận hết sức quan trọng.  Chính vì thế trong hoạt động tư pháp thì giáo dục, cải tạo và cảm hóa người phạm tội là một trong những mục đích cơ bản của hoạt động tư pháp. Đây được coi là một chức năng tâm lý cơ bản của hoạt động tư pháp. Ta có thể hiểu đơn giản là hoạt động giáo dục tư pháp là hoạt động mà không chỉ nhằm đảm bảo sự công bằng cho xã hội, phát hiện và trừng trị người phạm tội, mà còn hướng tới một mục đích quan trọng, đó là: giáo dục, cải tạo cảm hóa người phạm tội, giáo dục ý thức pháp luật cho các công dân, qua đó thực hiện tốt công tác phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm. Để tìm hiểu kĩ hơn về hoạt động giáo dục chúng em xin chọn đề bài số 10: “Hoạt động giáo dục trong điều tra, xét xử và thi hành án phạt tù” để làm bài tập nhóm cho nhóm mình.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Giáo trình luật tư pháp quốc tế, đại học luật Hà Nội
  • Luật hôn nhân gia đình 2015
  • Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/07/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (có hiệu lực từ ngày 02/01/2003);
  • Quyết định số 15/2003/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ngày 12/2/2003 về việc ban hành biểu mẫu, Sổ hộ tịch có yếu tố nước ngoài.

Khái quát hoạt động giáo dục trong hoạt động tư pháp

Khái niệm

      “Hoạt động giáo dục là quá trình tác động có hệ thống và có mục đích đến tâm lý người bị giáo dục, để luyện tập cho họ những thói quen cũng như những phẩm chất tâm lý mà người giáo dục mong muốn”.

      Có thể thấy, giáo dục là một quá trình tác động không mang tính tự phát, mà là quá trình tác động có chủ định, có mục đích rõ ràng. Quá trình giáo dục trong hoạt động tư pháp là một quá trình tác động có hệ thống. Chức năng giáo dục được tiến hành một cách đồng bộ và có sự kế tục. Kết quả của hoạt động giáo dục ở giai đoạn trước, sẽ là tiền đề, là cơ sở để tiến hành hoạt động giáo dục ở giai đoạn tiếp theo. Ví dụ tính hệ thống của hoạt động giáo dục được thể hiện như sau: ở giai đoạn điều tra, việc giáo dục người phạm tội chỉ mang tính chất sơ bộ, nhằm bước đầu hình thành thái độ ăn năn, hối hận của họ từ đó thành khẩn khai báo.  Dưạ trên kết quả của hoạt động giáo dục ở giai đoạn điều tra, trong giai đoạn xét xử Toà án tiếp tục củng có thái độ ăn năn, hối hận của họ. Từ đó tạo ra cho họ tâm lý tích cực đối với bản án của Toà án dẫn đến sau này họ cũng dễ dàng thích nghi và chấp nhận các chế độ cải tạo.

Đặc điểm

   Hoạt động giáo dục trong hoạt động tư pháp cũng có đặc điểm nổi bật:

  • Hoạt động giáo dục trong các giai đoạn tố tụng luôn luôn được thực hiện trong khuôn khổ luật định;
  • Hoạt động giáo dục do cán bộ tư pháp thực hiện nhằm tác động đến tâm lý của những người tham gia tố tụng;
  • Hoạt động giáo dục được tiến hành thông qua các giai đoạn tố tụng;
  • Khi tiến hành hoạt động giáo dục, các cán bộ tư pháp thường sử dụng những phương pháp tâm lý tư pháp.

Mục đích

     Thứ nhất, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa đồng thời tăng cường ý thức pháp luật của mọi công dân, hình thành cho họ thái độ tôn trọng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, qua đó củng có sức mạnh của nhà nước pháp quyền

   Thứ hai, phòng ngừa hành vi phạm tội và hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy nhiều người thiếu hiểu biết, coi thường pháp luật nên cần phải giáo dục ý thức pháp luật cho mọi người vừa có tác dụng răn đe vừa có tác dụng phòng ngừa tội phạm.

      Thứ ba, giáo dục, cải tạo và cảm hoá người phạm tội. Đây là mục tiêu chủ yếu, quan trọng nhất của hoạt động giáo dục trong hoạt động tư pháp. Giáo dục phải hướng đến loại bỏ những phẩm chất tâm lý tiêu cực ở người phạm tội làm nảy sinh và phát triển các phẩm chất tâm lý tích cực dể đưa họ trở về với xã hội.

Hoạt động giáo dục trong hoạt động điều tra, xét xử, thi hành án phạt tù.

Khái niệm

      Có thể hiểu “Điều tra là một giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự, trong đó cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp do Luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội, Viện kiểm sát kiểm sát hoạt động điều tra, quyết định truy tố bị can làm cơ sở cho việc xét xử của Tòa án”

Đặc điểm của hoạt động giáo dục trong điều tra

      Đây là hoạt động giáo dục ban đầu, ở phạm vi hẹp nhằm cho các đối tượng được giáo dục tự nhận thức về hành vi của mình và thay đổi theo hướng tích cực phù hợp với mục đích tố tụng (thái độ thành khẩn, hối hận, hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng).

      Trong giai đoạn này, chủ yếu Điều tra viên tiến hành các biện pháp giáo dục đối với bị can (cũng có thể những người tham gia tố tụng như người làm chứng, người bị hại). Tuy nhiên người bào chữa cũng có những tác dụng giáo dục nhất định trong giai đoạn này.

      Hoạt động giáo dục trong giai đoạn điều tra chủ yếu thông qua sự thuyết phục, vận động, tuyên tryền, giải thích. Các biện pháp cưỡng chế, quyền uy, mệnh lệnh đều không được áp dụng trong giai đoạn này.

      Hoạt động giáo dục trong giai đoạn điều tra chủ yếu thông qua giao tiếp trực tiếp, hai chiều, hạn chế tính công khai. Hoạt động giáo dục được truyền đạt bằng lời nói, tài liệu, hình ảnh, thông qua phương pháp truyền đạt thông tin, thuyết phục, trao đổi thẳng thắn, cởi mở của điều tra viên với các đối tượng. Bối cảnh của hoạt động giáo dục ở giai đoạn này luôn mang tính chất riêng tư không công khai, dễ dàng phát huy tính hiệu quả của thuyết phục bằng tình cảm thông qua sự tâm tình, chia sẻ những vấn đề riêng tư trong cuộc sống đời thường của cá nhân đối tượng được giáo dục.

Vai trò của hoạt động giáo dục trong điều tra

      Thứ nhất, giáo dục ý thức pháp luật cho các công dân.

      Trong khi tiến hành điều tra, mối một cử chỉ, hành vi của điều tra viên cần được cân nhắc và mang tính giáo dục nhất định. Áp dụng những hoạt động này thì cuộc hỏi cung mới đem lại được kết quả tích cực, tạo cho những người bị hỏi cung cảm giác thoái mái, gần gũi. Điều tra viên có thể cung cấp các tin tức bổ sung cho người làm chứng, người bị hại, hoặc gợi ý, động viên họ để đánh giá, giải thích đúng nội dung sự kiện, cũng như các hiện tượng xung quanh sự kiện, hoạt động này nhằm cho họ cởi mở hơn với điều tra viên và cung cấp thông tin một cách chính xác hơn. Bởi vậy trong giai đoạn điều tra cần phải xây dựng cơ sở cho hoạt động giáo dục sau này.

      Thứ hai, hướng tới loại bỏ những đau thương mất mát, những xúc cảm tiêu cực cũng như những trở ngại về tâm lý ở người làm chứng, người bị hại.

      Điều tra là một hoạt động rất đặc biệt. Khi tham gia hoạt động này, người làm chứng, người bị hại có thể có những ức chế về tâm lí nhất định. Đối với người làm chứng, việc triệu tập đến cơ quan điều tra để cung cấp chứng cứ, có thể nằm ngoài ý muốn của họ.  Họ có thể cảm thấy bị phiền hà, không muốn bị liên lụy, đặc biệt là họ sợ bị trả thù. Còn đối với người bị hại thì những cảm xúc tâm lí tiêu cực luôn xen lẫn trong họ bởi họ vừa phải chịu đựng một cú sốc tâm lí quá mạnh, có thể khi tham gia hoạt động điều tra, nhìn thấy người thân của mình, nhìn thấy tận mắt kẻ hãm hại họ thì diễn biến tâm lí tiêu cực của họ có thể lên cao hơn, thậm chí là có những khả năng họ sẽ mất lòng tin vào cơ quan điều tra, vào pháp luật và không tỏ thái độ hợp tác trong quá trình điều tra. Bởi vậy điều tra viên cần phải làm cho họ tin tưởng và có thiện chí, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra.

      Thứ ba, hình thành cơ sở giáo dục cho các giai đoạn hoạt động tư pháp khác có thể biểu hiện bằng sự thu thập thông tin cần thiết để tổ chức quá trình giáo dục tiếp theo của Tòa án và các tổ chức khác được giao nhiệm vụ giáo dục người phạm tội. Hoạt động này chính là nền tảng đặt nền móng cho việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục của các cá nhân, tổ chức sau này một cách dễ dàng hơn. Đồng thời điều tra viên cũng cần thu thập thông tin cần thiết về: cá nhân bị can để cung cấp cho các cơ quan sẽ tiếp tục giáo dục họ, đó là những thông tin về phẩm chất cá nhân của bị can, về các thói quen, phẩm chất tiêu cực của nó, môi trường xung quanh tác động đến các phẩm chất tiêu cực của bị can, về điều kiện, hoàn cảnh gia đình. Nhằm tao thuận lợi, giúp các cá nhân, tổ chức sau này có nhiệm vụ giáo dục sẽ hiểu rõ về bị can hơn và tìm ra những giải pháp giáo dục hiệu quả hơn. Đồng thời hoạt động giáo dục của điều tra viên nhằm khỏa lấp những tổn thương về mặt tinh thần của người bị hại và người làm chứng, nhằm trấn an tâm lí để hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra bởi hành vi của bị can có thể gây ra cho những người này những trạng thái tâm lí tiêu cực. Bằng những hành động mang tính giáo dục và nhân văn điều tra viên có thể giúp họ trấn an tinh thần, bình tĩnh nhớ lại những tình tiết của vụ án một cách chính xác và khách quan, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực.

      Thứ tư, đấu tranh với các bị can buộc họ phải khai báo sự thật, từ bỏ con đường phạm tội, khắc phục các hậu quả đã gây ra.

      Ở đây sự đấu tranh của điều tra viên có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến bị can. Sự tác động này theo hướng làm khơi dậy trong bị can cảm xúc về tội lỗi của mình. Sự đối xử công bằng, lịch sự và nhân đạo của điều tra viên sẽ kích thích sự suy nghĩ của bị can về lỗi của mình, sẽ làm cho họ phân tích đúng đắn những sai lầm của mình, vạch ra những phẩm chất tiêu cực mà mình mắc phải, đồng thời suy nghĩ đúng về hình phạt mà Toà án sẽ áp dụng đối với họ. Tuy nhiên, trong quá trình phân tích hành vi phạm tội của bị can, điều tra viên cần chú ý thận trọng khi rút ra kết luận về tính chất nghiêm trọng của tội phậm, về nguyên nhân tội phạm, động cơ phạm tội của họ.

      Trong quá trình điều tra vụ án giết người có tính chất rất nghiêm trọng, những người có mặt tại hiện trường có thể đứng ra làm chứng nhưng họ lại có tâm lý lo sợ không dám ra làm chứng vì sợ bị trả thù. Để giải quyết vấn đề này thì các điều tra viên áp dụng các biện pháp giáo dục, thuyết phục cho họ như đảm bảo an toàn cho người làm chứng cũng như người thân của họ, hay giáo dục cho họ về trách nhiệm của người làm chứng, làm cho họ có lòng tin vào cơ quan chức năng nhà nước.

      Đối với bị can thì điều tra viên cũng sử dụng các biện pháp giáo dục như giải thích cho bị can hiểu rõ về hành vi phạm tội của mình, nếu thành khẩn khai báo sẽ được giảm án phạt, hay tác động đến tâm lý của bị can (như là trình bày hoàn cảnh của người bị hại, mong muốn của người thân trong gia đình bị can, sự khoan hồng của pháp luật…) để bị can hối hận và hợp tác trong quá trình điều tra.

Hoạt động giáo dục trong hoạt động xét xử

Hoạt động xét xử là gì ?

      Hoạt động xét xử là hoạt động xem xét, đánh giá bản chất pháp lí của vụ việc nhằm đưa ra một phán xét về tính chất, mức độ pháp lí của vụ việc, từ đó nhân danh Nhà nước đưa ra một phán quyết tương ứng với bản chất, mức độ trái hay không trái pháp luật của vụ việc (xét xử vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh, thương mại, …). Hoạt động xét xử do Tòa án thực hiện.

Đặc điểm của hoạt động giáo dục trong hoạt động xét xử

      Vai trò giáo dục chủ yếu do Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên thực hiện trong quá trình thẩm vấn, tranh luận và ra bản án, quyết định.

      Đối tượng được giáo dục trước hết là bị cáo và những người tham dự phiên tòa, kể cả người bị hại và quần chúng nhân dân theo dõi vụ án.

      Giáo dục bằng giao tiếp trực tiếp, công khai với nội dung cụ thể về tội phạm, nguyên nhân phạm tội, pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ án.

      Giáo dục bằng chính thái độ, hành động, tình cảm của thẩm phán, Hội thẩm và kiểm soát viên trong quá trình xét xử.

      Giáo dục thông qua việc xét xử một cách công bằng công khai, khách quan, chính xác, cụ thể.

      Giáo dục thông qua tính trang nghiêm của phiên tòa và nội dung rõ ràng, khách quan, nghiêm khắc của bản án.

      Tác động giáo dục của Tòa án chủ yếu diễn ra tại phiên tòa và có thể còn tiếp tục ảnh hưởng sau khi tuyên án.

Vai trò của hoạt động giáo dục trong hoạt động xét xử ?

      Hoạt động giáo dục trong xét xử cũng như trong điều tra đều hướng tới giáo dục bị can và mọi công dân. Ở giai đoạn này Toà án giáo dục mọi người ý thức tôn trọng pháp luật, rèn luyện thói quen tuân thủ pháp luật, cần làm cho mọi người tin rằng bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào cũng sẽ bị Toà án và xã hội lên án, giáo dục mọi công dân có ý thức tham gia vào hoạt động đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

      Khi xét xử Toà án có nhiệm vụ  giáo dục cho mọi người có mặt tại phòng xử án ý thức tôn trọng đối với hoạt động xét xử. Tác động của Toà án đối với bị cáo không chỉ diễn ra trong thời gian xét xử tại phiên toà mà còn được tiếp tục sau khi đã tuyên án, tức là trong suốt thời gian cải tạo người phạm tội. Hiệu quả tác động giáo dục của Toà án thể hiện ở tính chất cụ thể, trực tiếp khi xét xử, nó tác động vào nhận thức của những người tham dự phiên toà về các chứng cứ cho dù mỗi chứng cứ đó có thể gây xúc đọng tích cực hoặc tiêu cực. Phiên toà không chỉ có tính chất giáo dục đối với những người tham gia tố tụng và tiến hành tố tụng nói riêng mà còn đối với mọi công dân nói chung. Hoạt động giáo dục của Toà án thực hiện trong phiên toà và ngoài phiên toà. Hoạt động giáo dục của Toà án ngoài phiên toà được thể hiện bằng cách thẩm phán trò chuyện với bị cáo, với nhân thân của họ và đồng thời được thực hiện trong lời phát biều công khai về kế hoạch sắp tới. Hoạt động giáo dục trong phiên toà được thực hiện bởi cá nhân thẩm phán, bởi hội đồng xét xử và những người tham gia xét xử như kiểm sát viên, luật sư cụ thể:

      Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử , Toà án không chỉ lập kế hoạch nhận thức trong giai đoạn xét hỏi mà còn lập kế hoạch thực hiện tác động giáo dục. Vì vậy, có thể mời thêm người làm chứng, đại diện đoàn thể xã hội, nghiên cứu điều kiện sống và điều kiện giáo dục của bị cáo để thực hiện mục đích nói trên.

      Trong giai đoạn xét xử, ở đây phương pháp tác động giáo dục cùng một lúc phải tác động đến cả bị cáo và tất cả những người có mặt tại phiên toà.Họ phải tác động đến cả bị cáo, thức tỉnh trong bị cáo cảm nhận được lỗi lầm và mong muốn được sửa chữa lỗi lầm đó.Họ cần phải tác động đến tất cả những người có mặt tại phiên toà hình thành cho họ ý thức tôn trọng pháp luật, chỉ ra cho họ biện pháp đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, củng cố tâm lý cần thiết cho họ.

      Tác động giáo dục của Toà án còn thể hiện cả khi tuyên án. Vì lẽ đó mà bản án của Toà án tuyên phải đúng, đáp ứng với những yêu cầu của pháp luật đó là hình phạt phải phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và nhân cách của bị cáo, bản án phải rõ ràng, dễ hiểu. Tác động giáo dục của Toà án có thể được tiếp tục sau khi Toà án đã tuyên án.

      Tác động giáo dục của Toà án có thể được tiếp tục sau khi Toà án đã tuyên án. Nếu sau khi kết án người bị kết án được hưởng án treo hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ thì Toà án cần kết hợp chặt chẽ với tập thể nơi cư chú hoặc làm việc, để giúp họ tổ chức quá trình tự giáo dục và kiểm tra quá trình cải tạo của họ. Còn trong trường hợp người bị kết án bị phạt tù, hoạt động giáo dục của Toà án phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể trong giai đoạn thi hành án vì đối tượng giáo dục đã thu hẹp. Vì vậy các phương pháp tác động giáo dục cũng thay đổi. Tác động giáo dục đối với bị cáo với sự có mặt của tất cả mọi người tại phiên toà.

      Ví dụ:

      Vụ án “Cướp vợ” được chiếu trên chương trình truyền hình Tòa tuyên án của VTV6.[3] Nhân vật chính của màn đối đáp khiến dân mạng thích thú là Sồng A Sua – sinh năm 1998, bị khép tội hiếp dâm.

      Lúc tòa xét hỏi hành vi phạm tội, A Sua đưa ra lý lẽ:

      “ Mình cũng nhắc cho tòa biết, tòa sai rồi mà còn nhắc mình à. Mình là dân tộc Mông , xưa gọi là người mèo mà tòa lại gọi mình là bị cáo là sai, tòa phải gọi là bị mèo mới đúng chứ”

      Tòa giải thích cho bị cáo biết : “ Gọi bị cáo là gọi người bị viện kiểm sát cáo buộc về hành vi phạm tội chứ không phải gọi theo dân tộc.”

       “Khi tôi lấy Thủy về làm vợ, trời vẫn còn nắng, phải gọi là hiếp nắng chứ sao gọi là hiếp dâm?” hay “Giết người mới phạm tội, tôi làm ra người thì sao phạm tội?”.

      Tòa giải thích cho bị cáo rõ : “ Hiếp dâm theo quy định của pháp luật là việc thực hiện hành vi giao cấu là việc làm chuyện vợ chồng mà người phụ nữ không đồng ý, là làm  trái ý muốn của người phụ nữ”.

      Trong quá trình xét xử thì Thẩm phán đã giải thích cho bị cáo một số khái niệm mà bị cáo và một số người chưa biết. Quá trình xét xử được phát trên mạng, trên tivi nhằm tuyên truyền giáo dục ý thức người dân.

Hoạt động giáo dục trong thi hành án phạt tù

Thi hành án phạt tù là gì ?

      Theo khoản 3 điều 3 Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định :“Thi hành án phạt tù là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc phạm nhân phải chịu sự quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo để họ trở thành người có ích cho xã hội”.

Đặc điểm của hoạt động giáo dục trong thi hành án phạt tù

      Chủ thể quan trọng nhất là cán bộ quản giáo, hoạt động giáo dục hướng đến đối tượng đặc thù là người phạm tội.

      Nội dung giáo dục sâu rộng, toàn diện, mang tính hệ thống, bài bản, nhằm thay đổi cách nhìn nhận, quan điểm, lập trường , hình thành một số kĩ năng, kĩ xảo, nghề nghiệp mưu sinh cho người phạm tội. Hoạt động giáo dục trong quá trình này được coi là quan trọng nhất tác động đến tội phạm.

      Hoạt động giáo dục trong thi hành án phạt tù mang tính cưỡng chế. Trong hoạt động này luôn tồn tại mối quan hệ bất bình đẳng giữ chủ thể giáo dục và đối tượng giáo dục, đồng thời thể hiện sâu sắc ý chí của chủ thể giáo dục.

      Phương tiện giáo dục trong giai đoạn này mang tính phong phú ( thông qua ngôn ngữ, phi ngôn ngữ, tài liệu, phim ảnh,…).

      Thời gian tác động mang  tính ổn định, lâu dài.

Vai trò của hoạt động giáo dục trong thi hành án phạt tù?

      Giáo dục cho phạm nhân về chính sách, pháp luật của nhà nước.

      Giáo dục cho phạm nhân về nhân cách.

      Giáo dục về kỹ năng, thói quen lao động cho phạm nhân.

      Chuẩn bị tâm lý cho phạm nhân để tái hòa nhập với cộng đồng.

      Tuy nhiên trong thi hành án phạt tù phạm nhân thì hoạt động giáo dục còn nhiều hạn chế như điều kiện của hoạt động giáo dục trong giai đoạn cải tạo có nhiều hạn chế: môi trường giáo dục không trong sạch; việc kết hợp mục đích trừng trị với mục đích giáo dục sẽ gây ra ức chế tâm lí cho phạm nhân.

       Dựa vào đặc điểm tâm lý, hoàn cảnh, độ tuổi,…của mỗi đối tượng mà ta tiến hành phân loại đối tượng để áp dụng biện pháp giáo dục hiệu quả nhất.

      Như vụ án thảm sát tại tiệm vàng Bích Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang do Lê  Văn Luyện thực hiện.

      Vào hồi 17 giờ 40 phút chiều 11/1, Thẩm phán Thân Quốc Hùng, Phó chánh tòa Hình sự – TAND tỉnh Bắc Giang thay mặt Hội đồng xét xử tuyên Lê Văn Luyện 18 năm tù, trong đó bị phạt 18 năm về tội giết người, 18 năm cho tội cướp tài sản, 9 tháng tù do lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo quy định của pháp luật, bị cáo gây án khi chưa đến tuổi thành niên (17 tuổi, 10 tháng 6 ngày) nên tổng hợp các hình phạt không quá 18 năm tù. Trong quá trình phạt tù thì trại giam có thể sử dụng các biện pháp giáo dục như : phạt cải tạo lao động công ích, tiến hành giáo dục tâm lý, giáo dục cho phạm nhân về pháp luật và chính sách của nhà nước .

      Hoạt động giáo dục luôn có vài trò quan trọng trong giai đoạn điều tra, xét xử và thi hành án phạt tù, là phương pháp để cơ quan điều tra, toà án nắm được những tình tiết cần thiết trong quá trình tố tụng,  cán bộ trại giam thực hiện tốt công tác cải tạo phạm nhân. Từ đó giúp người phạm tội có nhận thức đúng đắn về pháp luật, biết được hành vi sai trái, có thái độ ăn năn, hối lỗi, tự điều chỉnh hành vi của mình.

      Trên đây là toàn bộ bài làm của nhóm , do trình độ hiểu biết còn hạn chế nên chưa thể đi sâu phân tích một cách toàn diện triệt để vấn đề và không tránh khỏi những sai sót, em rất mong nhận được những đóng góp quý báu của thầy cô


    Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Hoạt động giáo dục trong điều tra, xét xử và thi hành án phạt tù. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

      Trân trọng./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top