Vấn đề áp dụng pháp luật đối với hợp đồng trong hoạt động thương mại

Vấn đề áp dụng pháp luật đối với hợp đồng trong hoạt động thương mại

        Khái niệm áp dụng pháp luật (ADPL) đã được sử dụng trong nhiều công trình nghiên cứu. Tuy các công trình đó định nghĩa theo nhiều cách khác nhau nhưng tựu trung lại, ADPL được hiểu là một hoạt động có tính tổ chức, quyền lực nhà nước, do các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định nhằm cá biệt hóa các quy phạm pháp luật hiện hành vào những trường hợp cụ thể, đối với các cá nhân, tổ chức cụ thể. Trong các hình thức thực hiện pháp luật, ADPL được xem là hình thức cơ bản, chủ yếu và quan trọng nhất. Phần lớn các quy định của pháp luật chỉ có thể được thực hiện trong thực tế thông qua hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền. ADPL được thực hiện ở tất cả các lĩnh vực pháp luật. Trong lĩnh vực pháp luật dân sự, nhờ có ADPL mà các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể quan hệ pháp luật dân sự được xác định một cách rõ ràng. Vì vậy, Luật Quang Huy sẽ phân tích đề bài: “Vấn đề áp dụng pháp luật đối với hợp đồng trong hoạt động thương mại”


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Bộ luật dân sự 2015;
  • Luật thương mại 2005.

Khái niệm

      Khi nhắc đến Hợp đồng tức là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự ( theo Điều 385 BLDS 2015)
Đồng thời, Hợp đồng là một hành vi pháp lý, là sự thể hiện ý chí của các bên để làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ. Hợp đồng là loại hành vi pháp lý cơ bản và thông dụng nhất. Ý chí của cá nhân đóng vai trò quan trọng trong Hợp đồng, khi sự thống nhất của các ý chí là thực chất và không trái pháp luật thì nó sẽ làm phát sinh các nghĩa vụ. Nghĩa vụ này ràng buộc các bên như luật pháp. Nói cách khác hiệu lực của Hợp đồng là tạo lập, biến đổi hay chấm dứt một nghĩa vụ.

      Trong Luật thương mại Việt Nam không có khái niệm Hợp đồng thương mại, nhưng có thể hiểu Hợp đồng thương mại là hình thức pháp lý của hành vi thương mại, là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên (ít nhất một trong các bên phải là thương nhân hoặc các chủ thể có tư cách thương nhân) nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hoạt động thương mại


Áp dụng pháp luật đối với hợp đồng trong hoạt động thương mại

Áp dụng pháp luật trong quan hệ hợp đồng thương mại có luật chuyên ngành điều chỉnh

      Quan hệ hợp đồng thương mại có luật chuyên ngành điều chỉnh bao gồm một số ngành sau:

      Hợp đồng thương mại (được Luật Thương mại 2005 điều chỉnh);

      Hợp đồng kinh doanh bất động sản (được Luật Kinh doanh bất động sản 2006 điều chỉnh);

      Hợp đồng bảo hiểm (được Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 điều chỉnh);

      Hợp đồng lao động (được Luật Lao động 2012 điều chỉnh).

      Tất cả những loại hợp đồng nêu trên đều phải dựa trên cơ sở những quy định tại   Bộ luật Dân sự 2015. Điều 3 có quy định như sau:

      “Điều 3. Áp dụng tập quán, quy định tương tự của pháp luật

      Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thoả thuận thì có thể áp dụng tập quán; nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tập quán và quy định tương tự của pháp luật không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật này.”

      Hay trong Điều 4 Luật Thương mại quy định về áp dụng  Luật Thương mại và pháp luật có liên quan như đã dẫn ở trên có thể hiểu:

      Hợp đồng thương mại phải tuân theo pháp luật thương mại và đương nhiên phải phù hợp với các quy định của  Bộ luật Dân sự.

      Hoạt động thương mại đặc thù như kinh doanh bất động sản, kinh doanh bảo hiểm…thì được áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành đó.

      Nếu các luật chuyên ngành không có quy định thì lại quay về áp dụng đạo luật cơ bản đó là Bộ luật Dân sự.

      Tóm lại, áp dụng pháp luật có luật chuyên ngành điều chỉnh thì buộc phải tuân theo các quy định của luật chuyên ngành đó. Nếu luật chuyên ngành không có quy định hoặc quy định không rõ ràng thì có thể áp dụng các đạo luật khác có giá trị pháp lý cao hơn luật chuyên ngành để áp dụng.

Áp dụng pháp luật trong quan hệ hợp đồng thương mại có một bên là thương nhân

      Để hiểu được các quy định của pháp luật trong áp dụng pháp luật nếu có một bên là thương nhân, trước hết cần hiểu rõ 2 ý như sau:

      Việc xác định một hợp đồng là hợp đồng Dân sự hay hợp đồng Thương mại là nhằm xác định Chế độ Pháp lý được áp dụng cho hợp đồng đã ký kết này (Chế độ pháp lý của hợp đồng Dân sự hay Chế độ Pháp lý của hợp đồng Thương mại). Chế độ pháp lý ở đây sẽ chính là các quy định của pháp luật được áp dụng để giải thích cho các nội dung của hợp đồng và giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng.

      Hợp đồng thương mại sẽ được điều chỉnh bởi  Luật thương mại 2005. Điều này được quy định tại Điều 2  Luật thương mại 2005 như sau:

      “Điều 2. Đối tượng áp dụng

      Thương nhân hoạt động thương mại theo quy định tại Điều 1 của Luật này.

      Tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại.

      Căn cứ vào những nguyên tắc của Luật này, Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng Luật này đối với cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.”

      Trên cơ sở hai nội dung trên, có thể nói, chủ thể của hợp đồng thương mại có thể là cá nhân, tổ chức và tất cả các chủ thể của pháp luật dân sự, bao gồm: cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, Nhà nước…Bởi vì tất cả các chủ thể của Luật Dân sự khi tham gia ký kết một hợp đồng với một bên là Thương nhân thì khi đó họ có quyền áp dụng Luật Thương mại để giải quyết (cho dù mục đích ký kết hợp đồng của họ ko nhằm mục đích sinh lợi), căn cứ vào Khoản 3 Điều 1 của Luật Thương mại 2005:

      “Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

      Hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó chọn áp dụng Luật này.”

      Như vậy, hợp đồng được kí kết giữa một bên là cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hay Nhà nước ký kết với một Thương nhân sẽ trở thành hợp đồng Thương mại – nếu các chủ thể này lựa chọn Luật Thương mại để áp dụng. Khi đó, các chủ thể này đã trở thành Chủ thể của Hợp đồng thương mại.

Áp dụng pháp luật trong quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài

      Về áp dụng pháp luật trong quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài, Điều  5 Luật Thương mại 2005 quy định:

      “Điều 5. Áp dụng điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế

    Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế hoặc có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

    Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.”

Vấn đề áp dụng pháp luật đối với hợp đồng trong hoạt động thương mại

      Đối với giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế, pháp luật quốc gia có thể được áp dụng theo những điều kiện nhất định. Thông thường pháp luật quốc gia được áp dụng trong các trường hợp sau: (i) Các bên trong hợp đồng thỏa thuận lựa chọn áp dụng; (ii) Điều ước quốc tế mà các quốc gia (có các chủ thể của hợp đồng mang quốc tịch của quốc gia đó) kí kết hoặc tham gia có quy định điều khoản về luật áp dụng cho hợp đồng mua bán quốc tế là luật của một quốc gia nhất định; (iii) Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp chọn luật áp dụng (khi các bên không đạt được thỏa thuận về luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng).

      Trong lĩnh vực thương mại nói chung và mua bán hàng hóa nói riêng, có rất nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương đã được thiết lập mà Việt Nam đã hoặc trong tương lai gần sẽ là thành viên.  Khi áp dụng điều ước quốc tế đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, cần phân biệt hai trường hợp: (i) Đối với những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã là thành viên, nếu điều ước có quy định khác với pháp luật quốc gia thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế; (ii) Đối với những điều ước quốc tế mà Việt Nam chưa là thành viên thì các bên trong hợp đồng mua bán có quyền thỏa thuận áp dụng nội dung không trái với những nguyên tắc cơ bản của luật Việt Nam.

      Một quan hệ mua bán hàng hóa đáp ứng một trong các điều kiện sau thì được coi là mua bán hàng hóa quốc tế: (i) Ít nhất một trong các bên là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, (ii) Căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ mua bán theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài (iii) Tài sản liên quan đến quan hệ mua bán ở nước ngoài. Mua bán hàng hóa quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu.

      Xuất phát từ nguyên tắc tự do thỏa thuận trong quan hệ hợp đồng, pháp luật các nước đều thừa nhận luật áp dụng cho nội dung hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trước tiên là luật do các bên tham gia quan hệ hợp đồng thỏa thuận lựa chọn và sự lựa chọn này phải đáp ứng những điều kiện do chính hệ thống pháp luật đó đặt ra.

      Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật thế giới cho phép các bên được phép thỏa thuận chọn luật điều chỉnh đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nhưng vẫn có những hạn chế nhất định. Luật các bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được áp dụng nếu thỏa mãn các điều kiện sau:

      Việc chọn luật không trái với quy định của Việt Nam;

      Luật  được chọn không trái với pháp luật Việt Nam, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà các bên là thành viên;

      Việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không được trái với pháp luật Việt Nam, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam; và

      Việc chọn luật không nhằm lẩn tránh pháp luật.

      Trên thương trường, bất kể hoạt động kinh doanh nào của bạn với đối tác bên ngoài cũng đều được thể hiện thông qua hợp đồng. Khá nhiều các tranh chấp kinh doanh ngày nay đều xuất phát từ những bất cập của hợp đồng. Hợp đồng kinh doanh, dù được soạn thảo bằng văn bản hay chỉ là những thỏa thuận bằng lời, đều đóng vai trò là “hòn đá tảng” cho các hoạt động đầu tư và phần lớn các hoạt động kinh doanh khác của công ty. Thực tế cho thấy đã có nhiều trường hợp các bên giao kết hợp đồng với nhau và tiến hành các hoạt động kinh doanh, nhưng rồi khi một tranh chấp nhỏ xảy ra, một trong hai bên đối tác lại lợi dụng sự thiếu chặt chẽ trong hợp đồng để thu lợi riêng cho mình.

     Từ đó chúng ta rút ra được tầm quan trọng của áp dụng pháp luật đối với hợp đồng trong hoạt động thương mại, chỉ có hiểu rõ, nắm rõ được quy định của pháp luật thì các doanh nghiệp mới có thể kí kết hợp đồng thuận lợi và thành công.


    Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Vấn đề áp dụng pháp luật đối với hợp đồng trong hoạt động thương mại. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

      Trân trọng./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top