Trình bày nội dung cơ bản của hoạt động điều tiết giá của nhà nước trong giai đoạn hiện nay

Trình bày nội dung cơ bản của hoạt động điều tiết giá của nhà nước trong giai đoạn hiện nay

Hoạt động trao đổi, mua bán sản phẩm hàng hoá vật chất trong nền kinh tế tạo ra tiền đề và cơ hội cho sự hình thành và phát triển của một lĩnh vực kinh doanh: kinh doanh thương mại. Kinh doanh thương mại là sự đầu tư tiền của, công sức của một cá nhân hay một tổ chức vào việc mua bán hàng hoá để bán lại hàng hoá đó nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Một trong những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực thương mại đó là giá cả , dó đó nhà nước có những chính sách phù hợp để điều chỉnh về vấn đề này. Để hiểu rõ hơn Luật Quang Huy sẽ phân tích đề bài: Trình bày nội dung cơ bản của hoạt động điều tiết giá của nhà nước trong giai đoạn hiện nay. 


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Nguyễn Thị Dung (Chủ biên), Nguyễn Thị Yến, Trần Thị Bảo Ánh, Vũ Phương Đông, Nguyễn Như Chính, Lê Hương Giang, Nguyễn Ngọc Anh, Vũ Hòa Như, Hướng dẫn môn học Luật Thương mại Tập 2, NXB Lao động,
  • Nguyễn Thị Dung, Pháp luật về xúc tiến thương mại ở Việt Nam – Những vấn đề lí luận và thực tiễn, CTQG, Hà Nội, 2007.
  • Nguyễn Như Phát (đồng tác giả), Luật kinh tế Việt Nam, CTQG, Hà Nội, 2002.
  • Luật giá 2012.

Khái quát chung về giá cả và hoạt động điều tiết giá

Khái niệm giá

Theo Luật giá năm 2013, Giá thị trường là giá hàng hóa, dịch vụ hình thành do các nhân tố chi phối và vận động của thị trường quyết định tại một thời điểm, địa điểm nhất định.

Theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 01: Giá trị thị trường của một tài sản là mức giá ước tính sẽ được mua bán trên thị trường vào thời điểm thẩm định giá, giữa một bên là người mua sẵn sàng mua và một bên là người bán sẵn sàng bán, trong một giao dịch mua bán khách quan và độc lập, trong điều kiện thương mại bình thường.

Điều tiết giá của nhà nước

Mọi nhà nước chấp nhận cơ chế thị trường và muốn phát triển nền kinh tế nước mình vận động theo cơ chế thị trường đều phải thực hiện sự điều tiết vĩ mô đối với nền kinh tế. Điều tiết giá cả của nhà nước là một trong những khâu chính trong hoạt động điều tiết kinh tế vĩ mô tổng thể của nhà nước vì giá cả là phạm trù tổng hợp có ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng của hầu hết các tham số kinh tế vĩ mô. Ngày nay, sự điều tiết kinh tế vĩ mô của nhà nước theo cơ chế thị trường là một tất yếu khách quan nhằm hạn chế bớt những tác động tiêu cực, sự điều tiết giá cả do đó cũng không thể thiếu được. Điều tiết giá cả là một trong những đòn bẩy, công cụ có tính quyết định đảm bảo sự thành công của các hoạt động điều tiết khác và của hoạt động điều tiết kinh tế vĩ mô nói chung của nhà nước.

Điều tiết giá cả của nhà nước là hoạt động không thể thiếu được nhằm khắc phục khuyết tật của thị trường trong lĩnh vực thị trường và góp phần khai thác tốt các nguồn lực quốc gia bằng giá cả. Đây là một trong những lý do khách quan đòi hỏi nhà nước thực hiện sự điều tiết giá cả. Trong điều kiện ngày nay, chế độ định giá tự do mặc dù còn có vai trò tích cực, thậm chí là quyết định nhưng nó cũng dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực. Tình trạng dùng các thủ đoạn trong định giá, độc quyền là những hiện tượng đã gây không ít thiệt hại cho các nền kinh tế. Thực tiễn ở các nước kinh tế thị trường cho thấy, nếu để cho thị trường tự do quá nhiều quyền định đoạt giá thì có nguy cơ dẫn đến suy thoái và khủng hoảng. Những khuyết tật của thị trường tự do, các cuộc suy thoái đã làm lung lay nền tảng của nhà nước, buộc nhà nước phải tìm cách đối phó bằng con đường kinh tế. Đó là giá cả. Nhà nước không chỉ tìm cách khắc phục những khuyết tật của chế độ định giá tự do mà còn cần tác dụng vào giá cả nhằm khai thác hết những tiềm năng của nền kinh tế.

Cơ bản của hoạt động điều tiết giá của nhà nước trong giai đoạn hiện nay

Trình bày nội dung cơ bản của hoạt động điều tiết giá của nhà nước trong giai đoạn hiện nay
Trình bày nội dung cơ bản của hoạt động điều tiết giá của nhà nước trong giai đoạn hiện nay

Vai trò quản lý của nhà nước về giá ở Việt Nam

Sự điều tiết giá cả của nhà nước là sự cần thiết khách quan và có rất nhiều tác dụng, vai trò khác nhau. Đáng lưu ý nhất là vai trò trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô, trước hết là mục tiêu sản lượng trong việc thực hiện công bằng xã hội.

Trước hết là vai trò điều tiết giá cả của nhà nước đối với việc thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô, trong đó đặc biệt là mục tiêu sản lượng. Để tác động vào nền kinh tế có hiệu quả, chính phủ phải đề ra hệ thống các mục tiêu, mà trên cơ sở đó xây dựng các chiến lược và chính sách cụ thể. Hiện nay, chính phủ các nước theo cơ chế kinh tế thị trường thường hướng tới các mục tiêu lớn là: sản lượng, công ăn việc làm và giá cả…Các mục tiêu này không tách rời nhau mà gắn bó chặt chẽ và ảnh hưởng qua lại với nhau. Trong số này, sản lượng là mục tiêu tổng hợp, là thước đo thành tựu kinh tế vì mức đạt được các mục tiêu khác phản ánh trong mục tiêu sản lượng. Chẳng hạn, công ăn việc làm nhiều, ổn định là nhân tố tăng nhanh sản lượng. Ngược lại, lạm phát quá cao phản ánh tình trạng khủng hoảng của nền kinh tế.

Sự điều tiết giá cả của nhà nước không chỉ có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, mà nó còn có tác dụng to lớn đối với việc thực hiện các mục tiêu xã hội, cụ thể là tiến bộ và công bằng xã hội. Sở dĩ như vậy vì giá cả, ngoài các chức năng khác, còn có chức năng phân phối.

Bên cạnh đó, giá cả còn là quan hệ trao đổi của cải vật chất giữa những người sản xuất, giữa các tổ chức kinh tế xã hội, và nói rộng ra, giữa các nhóm dân cư, thậm chí giữa các tầng lớp, giai cấp…Do đó, sự thay đổi giá cả tương đối sẽ làm cho thu nhập của hai bên thay đổi. Nhà nước có thể căn cứ vào tình trạng bất công bằng xã hội để điều chỉnh giá cả, từ đó lập lại công bằng xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Thực hiện công bằng xã hội không đối lập với các mục tiêu kinh tế mà ngược lại, gắn bó chặt chẽ với nó. Thực hiện công bằng xã hội, trước hết đó là sự phát huy nhân tố con người ở tầm vĩ mô. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai, về lâu dài. Tuy vậy, chính phát triển mục tiêu kinh tế lại là cơ sở, tiền đề thực hiện các mục tiêu xã hội…Đó cũng là biện chứng giữa vai trò thực hiện mục tiêu kinh tế và mục tiêu công bằng và tiến bộ xã hội của sự điều tiết giá cả của nhà nước


Nội dung cơ bản của hoạt động điều tiết giá của nhà nước trong giai đoạn hiện nay và ví dụ

Bình ổn giá

Tại Khoản 10 Điều 4 Luật giá 2012 quy định: “Bình ổn giá là việc Nhà nước áp dụng biện pháp thích hợp về điều hòa cung cầu, … bất hợp lý”.

Khoản 2 Điều 15 Luật giá 2012 quy định các hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống bao gồm: Xăng, dầu thành phẩm; Điện; Khí dầu mỏ hóa lỏng; Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; Thóc, gạo tẻ thường; Thuốc phòng bệnh.

Cũng tại Điều 17 quy định các biện pháp bình ổn giá như: Điều hòa cung cầu hàng hoá sản xuất trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hoá giữa các vùng, các địa phương trong nước thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa; mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông; …

Thẩm quyền và trách nhiệm quyết định áp dụng biện pháp bình ổn giá được quy định tại Điều 18 Luật Giá 2012. Theo đó, Chính phủ quyết định bình ổn giá trên phạm vi cả nước; Bộ trưởng Bộ Tài chính, thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ quyết định các biện pháp bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quản lý; UBND cấp tỉnh quyết định các biện pháp thực hiện bình ổn giá tại địa phương. Cụ thể, vừa qua được sự phân công của UBND tỉnh, Sở Công Thương Hải Dương đã xây dựng dự thảo Kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, để trình UBND tỉnh phê duyệt, triển khai thực hiện đảm bảo kế hoạch chắc chắn trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ sắp tới, nhân dân Hải Dương sẽ tiếp tục đón tết cổ truyền của dân tộc trong không khí vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm.

Vấn đề bình ổn giá xăng dầu được xem là vấn đề có mối quan tâm hàng đầu bởi nó gắn liền với nhu cầu thiết yếu hằng ngày của mỗi người dân. Nhóm xin dẫn chứng một biện pháp cụ thể:

Điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu: Xét về mặt lý thuyết và theo báo cáo của Bộ Tài chính thì việc sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ để bình ổn giá đã có những tác dụng nhất định trong từng thời điểm. Tuy vậy, trên thực tế việc quá lạm dụng công cụ này để thực hiện chính sách an sinh xã hội đã tạo ra không ít bất cập cho việc quản lý xã hội như nạn buôn lậu xăng dầu qua biên giới, hoặc vấn nạn đầu cơ tích trữ xăng dầu tại các thời điểm tăng hoặc giảm giá,… .

Tại Biểu 2, Bộ Tài chính đã thông báo việc sử dụng mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu để điều chỉnh giá trong từng thời điểm. Căn cứ vào số liệu tại Biểu 1 cho thấy, Bộ Tài chính đã 4 lần trong năm 2010, 4 lần trong năm 2011 và có 9 lần trong năm 2012 sử dụng việc tăng giảm mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu để điều chỉnh giá bán lẻ. Nhưng điều đáng nói ở đây là việc điều chỉnh này dựa trên tiêu thức nào thì không ai có thể hiểu được, cụ thể là khi giá dầu thô là 77,07 đôla/thùng thì mức thuế suất nhập khẩu là 20% (bằng với mức barem tại Biểu 1) nhưng khi giá xăng tăng tới 89,57 đôla/thùng (tăng 12,3% ) thì mức thuế suất bằng 0% (thấp hơn so với barem 20%).

Trên cơ sở phân tích các số liệu như đã nói ở trên cho thấy việc sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ điều tiết giá bán lẻ xăng dầu không theo một chuẩn mực nào, hay nói một cách khác, việc điều chỉnh mức thuế suất trong những năm qua mang đầy tính “linh hoạt” và “ngẫu hứng” của các cơ quan chức năng, tạo ra nhiều bức xúc lớn trong xã hội như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin. Thiết nghĩ việc tăng hay giảm mức thuế suất phải được tiến hành theo một chính sách nhất quán. Biện pháp sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu và cắt giảm lợi nhuận định mức cũng được sử dụng nhằm mục đích bình ổn giá xăng dầu – một vấn đề cần thiết hiện nay.

Định giá

Tại Khoản 5 Điều 4 Luật giá 2012 quy định: “Định giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quy định giá cho hàng hóa, dịch vụ”

Nhà nước ta định dựa trên giá thành toàn bộ, chất lượng của hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm định giá; mức lợi nhuận dự kiến; quan hệ cung cầu của hàng hóa, dịch vụ và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng; giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm định giá.

Việc định giá này do Bộ tài chính quy định và Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của mình.

Những hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (khoản 1 Điều 19 Luật giá 2012): “…Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; Tài nguyên quan trọng; Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.” Một số hình thức định giá của nhà nước đưa ra và cũng gắn với từng hàng hóa, dịch vụ cụ thể, như sau:

– Tại Điểm a Khoản 3 Điều 19 Luật Giá 2012 có quy định: Định mức giá cụ thể đối với hàng hóa, dịch vụ cụ thể: “Các dịch vụ hàng không, bao gồm: dịch vụ cất cánh, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; …giá truyền tải điện; giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện”.

Ví dụ: Giá truyền tải điện năm 2012 chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng là 83,3 đồng/kWh.

Định khung giá đối với: giá phát điện; giá bán buôn điện; mức giá bán lẻ điện bình quân; dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa tuyến độc quyền:

Ví dụ: Giá bán điện: Điện là loại hàng hóa có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt đối với sản xuất và tiêu dùng.

Năm 2012 giá điện có 2 lần điều chỉnh, mức tăng 10% (đó là 1/7 và 22/12). Giá điện bình quân tăng từ 1369 đồng/kWh lên 1.437 đồng/kWh – tương đương 7USCen/kWh (kể cả thuế VAT). Đến năm 2013 thì giá điện một lần nữa lại được điều chỉnh, theo Thông tư số 19/2013/TT-BCT quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành thì giá điện bình quân là 1.508,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).

– Định khung giá và mức giá cụ thể tại Điểm c Khoản 3 Điều 19 Luật Giá 2012.

Ví dụ: Quyết định số 51/2012 về việc ban hành quy định giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2012 của Ủy Ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

– Định giá tối đa hoặc giá tối thiểu đối với một số hàng hóa được quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 19 Luật Giá 2012.

Trình bày nội dung cơ bản của hoạt động điều tiết giá của nhà nước trong giai đoạn hiện nay

Hiệp thương giá

Khoản 7 Điều 4 Luật giá 2012 có quy định: “Hiệp thương giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức … thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).”

Luật Giá quy định cụ thể điều kiện đối với hàng hóa, dịch vụ thực hiện hiệp thương giá, thẩm quyền và trách nhiệm tổ chức hiệp thương giá. Đồng thời, Luật cũng quy định về kết quả hiệp thương giá không còn là một quyết định hành chính như trước mà chỉ là thông báo bằng văn bản về mức giá được thỏa thuận cho các bên sau khi hiệp thương. Đối với trường hợp cơ quan tổ chức hiệp thương phải quyết định giá tạm thời thì Luật quy định quyết định này có hiệu lực thi hành tối đa là 06 tháng. Trong thời gian thi hành quyết định giá tạm thời, các bên tiếp tục thương thảo về giá.

Kiểm tra các yếu tố hình thành giá

Yếu tố hình thành giá là giá thành toàn bộ thực tế hợp lý tương ứng với chất lượng hàng hóa, dịch vụ, lợi nhuận (nếu có), các nghiệp vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Cụ thể các trường hợp áp dụng kiểm tra yếu tố hình thành giá được quy định tại Điều 26, Khoản 2 quy định cụ thể các loại hàng hóa phải kiểm tra yếu tố hình thành giá. Thẩm quyền và trách nhiệm kiểm tra yếu tố hình thành giá Điều 27 Luật Giá 2012.

Như vậy có thể thấy rằng để đảm bảo cho chính sách và cơ chế quản lý giá mới thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tính tích cực đối với nền kinh tế quốc dân, cần phải hoàn thiện và nâng cao quyền lực của bộ máy tổ chức quản lý giá. Đồng thời, chức năng và nhiệm vụ của bộ máy đó cũng cần thiết phải thay đổi theo hướng giảm việc định giá trực tiếp, tăng cường thanh tra, kiểm tra giá, tư vấn, hướng dẫn và thông tin giá cả và thị trường.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Cơ bản của hoạt động điều tiết giá của nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top