Phân tích đặc điểm của khu công nghiệp theo pháp luật hiện hành của Việt Nam và sưu tầm một ví dụ thực tiễn về khu công nghiệp để làm rõ các đặc điểm của khu công nghiệp

      Việt Nam tạo các chính sách, cơ hội nhằm khuyến khích các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài đầu tư, phát triển kinh tế tại Việt Nam trong khuôn khổ pháp luật. Một trong số những chính sách đó là đầu tư phát triển khu kinh tế đặc biệt – một trong những mô hình phát triển kinh tế quan trọng, cũng là nơi có nhiều ưu đãi, lợi thế hơn cho các nhà đầu tư so với việc đầu tư thông thường bên ngoài các khu kinh tế đặc biệt này. Trong phạm vi nghiên cứu, em xin tìm hiểu về khu công nghiệp với đề bài số 09: ” Phân tích đặc điểm của khu công nghiệp theo pháp luật hiện hành của Việt Nam và sưu tầm một ví dụ thực tiễn về khu công nghiệp để làm rõ các đặc điểm của khu công nghiệp”.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Luật Đầu tư 2014
  • Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế
  • Bùi Ngọc Cường (chủ biên), Giáo trình Luật Đầu tư (Trường ĐH Luật Hà Nội), NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2011
  • Nguyễn Ngọc Dũng, bài viết: Phát triển các khu công nghiệp đồng bộ trên địa bàn Hà Nội, năm 2014
  • Quang Đào, bài viết: Ô nhiễm không khí – vấn đề không của riêng ai, ngày 28/12/2019, báo Việt Nam và Thế giới

Khái quát về khu công nghiệp theo pháp luật hiện hành

      Trên thế giới loại hình Khu công nghiệp (KCN) đã có một quá trình lịch sử phát triển hơn 100 năm nay bắt đầu từ những nước công nghiệp phát triển như Anh, Mỹ cho đến những nước có nền kinh tế công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore,…và hiện nay vẫn đang được các quốc gia học tập và kế thừa kinh nghiệm để tiến hành công nghiệp hóa. Tùy điều kiện từng nước mà KCN có những nội dung hoạt động kinh tế khác nhau và có những tên gọi khác nhau nhưng chúng đều mang tính chất và đặc trưng của KCN.

      Theo cách tiếp cận của pháp luật Việt Nam, khu công nghiệp là khu vực tập trung các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ  phục vụ sản xuất, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo Điều 3 khoản 9 Luật Đầu tư 2014 Khu công nghiệp là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp cho sản xuất công nghiệp.

Phân tích đặc điểm của khu công nghiệp

      Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật đầu tư 2014, các Khu công nghiệp của Việt nam có các đặc điểm cơ bản sau đây:

Về chức năng hoạt động

      Khu công nghiệp là khu vực chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp. Ví dụ: Logistics, tài chính, hạ tầng… Từ đặc điểm này có thể rút ra được khu công nghiệp có chức năng chính là sản xuất, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp mà không phải các ngành, lĩnh vực khác như ngư nghiệp, lâm nghiệp,… Ví dụ, tại Khu công nghiệp Phố nối A (Hưng Yên) có các lĩnh vực thu hút đầu tư như sản xuất lắp ráp điện, điện tử, cơ khí, ô tô, xe máy; sản xuất thép và các sản phẩm từ thép; sản xuất chế biến vật liệu xây dựng; chế biến nông sản, thực phẩm,….

Phân tích đặc điểm của khu công nghiệp theo pháp luật hiện hành của Việt Nam và sưu tầm một ví dụ thực tiễn về khu công nghiệp để làm rõ các đặc điểm của khu công nghiệp

Về không gian

      Không gian trong khu công nghiệp là khu vực có ranh giới địa lý xác định, phân biệt với các vùng lãnh thổ khác và thường không có dân cư sinh sống.

  • Về mặt địa lý, khu công nghiệp có hệ thống hàng rào khu công nghiệp, phân biệt với các vùng còn lại thuộc lãnh thổ quốc gia. Mọi hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh bên trong hàng rào đó, không chỉ được điều chỉnh bởi quy định pháp luật hiện hành, mà còn phải tuân thủ quy chế pháp lý riêng và hoạt động theo cơ chế ưu đãi cao hơn so với các khu vực lãnh thổ khác. Chẳng hạn, nhà nước thực hiện các phương án đầu tư phát triển hạ tầng bên trong hàng rào khu công nghiệp như giải quyết vấn đề mặt bằng, cầu đường, điện nước, kho bãi, nhà xưởng, hệ thống xử lý chất thải… Các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng nêu trên được thực hiện từ khi thành lập khu công nghiệp nhằm giúp các nhà đầu tư có thể thực hiện dự án đầu tư kịp tiến độ, tránh mất thời gian, sức lực vào chuẩn bị mặt bằng, kết cấu cơ sở hạ tầng. Đây được coi là một lợi thế to lớn đối với nhà đầu tư thực hiện đầu tư vào khu công nghiệp.
  • Trong khu công nghiệp không có dân cư sinh sống. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Nhà nước nhằm hạn chế xây dựng các khu công nghiệp xen lẫn khu dân cư. Quy định này xuất phát chủ yếu từ đặc trưng của khu công nghiệp là chuyên sản xuất công nghiệp nặng, tính độc hại cao. Nếu khu công nghiệp có dân cư sinh sống thì về lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người dân.

Về thành lập

      Khu công nghiệp được thành lập theo quy định của Chính phủ, trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt. Xuất phát từ yêu cầu quản lý của nhà nước về thành lập khu kinh tế đặc biệt, trong đó có khu công nghiệp, pháp luật hiện hành quy định khu công nghiệp được Chính phủ cấp phép đầu tư với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và quy chế pháp lý riêng. Cụ thể, Điều 23 Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 về quản lý khu công nghiệp, Khu kinh tế quy định về thẩm quyền thành lập, mở rộng khu kinh tế như sau:

“1. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, mở rộng khu kinh tế phù hợp với quy hoạch phát triển khu kinh tế đã được phê duyệt.

Khu kinh tế được tổ chức thành các khu chức năng. Quy mô diện tích, vị trí của từng khu chức năng được xác định trong Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.”

      Như vậy, có thể thấy, nhà nước quản lý việc thành lập, mở rộng và phát triển khu kinh tế chặt chẽ, thống nhất từ việc phê duyệt quy hoạch chung xây dưng khu kinh tế đến khi khu kinh tế đi vào hoạt động (thể hiện ở việc mở rộng khu kinh tế). Nhà nước cũng có cơ chế quản lý mềm mỏng khi cho phép các nhà đầu tư được đầu tư ngành nghề, lĩnh vực pháp luật không cấm, đáp ứng các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định pháp luật đầu tư,…

      Điều này đã tạo cơ hội thuận lợi, thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Về đầu tư cho xuất khẩu

       Trong khu công nghiệp có thể có cả khu chế xuất. Khi các doanh nghiệp đi vào sản xuất ổn định, có hiệu quả thì quy mô doanh nghiệp cũng tăng lên, sản lượng sản xuất hàng công nghiệp, các dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp cũng tăng lên. Trong điều kiện đó, doanh nghiệp không chỉ đáp ứng được nguồn cung trong nước mà còn có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Do đó, trong khu công nghiệp có thể có khu chế xuất, đảm bảo hàng hóa có thể cung ứng cho thị trường nước ngoài, tạo cơ hội cho hoạt động xuất khẩu phát triển, tạo nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước. Điều này thể hiện ở điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định 82/2018/NĐ-CP “Khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục áp dụng đối với khu công nghiệp quy định tại Nghị định này.” Từ quy định này có thể rút ra, khu chế xuất cũng là khu công nghiệp, tuy nhiên mục đích của khu chế xuất sản xuất khác với khu công nghiệp thông thường ở chỗ khu chế xuất sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất để xuất khẩu ra nước ngoài, trong khi mục đích khu công nghiệp thông thường là đẩy mạnh sản xuất hàng hóa phục vụ chủ yếu nhu cầu tiêu dùng trong nước. Ví dụ, khu chế xuất Tân Thuận (TP. Hồ Chí Minh) chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp để xuất khẩu ra nước ngoài.

Đánh giá về sự phát triển của khu công nghiệp theo pháp luật hiện hành

      Thực tế cho thấy, các khu công nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với  sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, nhất là các nước đang phát triển thì việc hình thành các khu công nghiệp đã tại ra được cơ hội phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hóa rút ngắn bởi có thể kết hợp và học tập được những thành tựu mới nhất về khoa học công nghệ, về tổ chức và quản lý doanh nghiệp, đồng thời tranh thủ được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài để phát triển, cụ thể:

      Thứ nhất, khu công nghiệp thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế

      Khu công nghiệp là nơi đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại nên thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư trên cùng một không gian lãnh thổ , do vậy đó là nơi tập trung và kết hợp sức mạnh nguồn vốn trong và ngoài nước.

      Thứ hai, khu công nghiệp tiếp nhận khoa học, kỹ thuật tiên tiến, phương pháp quản lý hiện đại, nâng cao năng suất lao động

      Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy việc áp dụng tiến bộ khoa học – công nghệ tiên tiến là bí quyết để phát triển và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Việc tiếp cận và vận dụng linh hoạt khoa học, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất giúp nâng cao năng suất lao động, rút ngắn thời gian hoàn thành công việc, bảo đảm sức lao động cho người lao động.

      Thứ ba, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực

      Việc xây dựng và phát triển khu công nghiệp thu hút một lượng lớn lao động làm việc tại các khu công nghiệp và giảm tỉ lệ thất nghiệp trong cộng đồng dân cư, nâng cao đời sống, dân trí cho người lao động. Ngoài ra, việc tiếp cận với khoa học, kỹ thuật hiện đại từ sớm giúp nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo ra lực lượng lao động có kinh nghiệm.

      Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển khu công nghiệp cần đảm bảo sự phát triển đồng đều, phát triển khu công nghiệp cần gắn với việc bảo vệ môi trường – một vấn đề nhức nhối trong thời gian qua, khi tỉ lệ khói bụi tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đạt ngưỡng cao nhất từ trước đến nay

      Như vây, khu công nghiệp đang giữ một vị thế quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc đánh giá đúng vai trò mô hình khu công nghiệp nhằm xây dựng, phát triển các khu công nghiệp đồng bộ ở nước ta có vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.


      Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: Phân tích đặc điểm của khu công nghiệp theo pháp luật hiện hành của Việt Nam. Nếu nội dung tư vấn còn chưa rõ, có nội dung gây hiểu nhầm hoặc có thắc mắc cần tư vấn cụ thể hơn, bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

      Trân trọng./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top