Cùng với sự phát triển của thế giới, Việt Nam đang ngày một hội nhập vào nên kinh tế thì trường của thế giới. Để Việt Nam tiến nhanh và mạnh trong quá trình hội nhập này thì cơ sở hạ tầng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Việc xây dựng các công trình, mua sắm hàng hóa, cung ứng dịch vụ luôn đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nhất định và đòi hỏi chi phí tiết kiệm nhất. Vì vậy, việc lựa chọn các nhà thầu thông qua hoạt động đấu thầu là vô cùng cần thiết. Thông qua hoạt động đấu thầu người mua có thể tìm kiếm và tiếp xúc với nhiều người bán qua đó tìm được người bán phù hợp nhất với yêu cầu của mình. Hoạt động đấu thầu chủ yếu chịu sự điều chỉnh của luật Đấu thầu nhưng nó cũng chịu sự điều chỉnh của các ngành luật khác như luật Thương mại. Để tìm hiểu xem sự điều chỉnh của hai ngành luật này khác nhau như thế nào em xin chọn đề tài: “Phân tích 04 điểm khác biệt cơ bản giữa quy định pháp luật về đấu thầu trong Luật Thương mại năm 2005 và Luật Đấu thầu năm 2013” làm đề tài của bài tập học kỳ.
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Giáo trình Luật thương mại ( tập 2) năm 2006. Trường đại học Luật Hà Nội.
- Luật thương mại năm 2005.
- Luật Đấu thầu năm 2013
- NĐ 63/2014/CP. Quy định chi tiết một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
- Sách hướng dẫn môn học Luật thương mại tập 2 năm 2014. Tiến sĩ Nguyễn thị Dung chủ biên. Trường đại học Luật Hà Nội.
- Hướng dẫn học môn Luật Thương mại tập 2, Bộ môn Thương mại-Trường Đại học Luật Hà Nội, nxb Lao Động
Khái quát về đấu thầu
Mọi người cũng xem:
Phân chia lợi nhuận theo tỉ lệ góp vốn trong công ty TNHH qua tình huống cụ thể
Phân tích hợp đồng thương mại và các hành vi vi phạm hợp đồng thương mại
Phân tích quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thể hiện sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động của trọng tài thương mại và bình luận thực tiễn áp dụng các quy định đó
Khái niệm
Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Đặc điểm của đấu thầu
Hoạt động đấu thầu có những đặc điểm sau:
Thứ nhất: Đấu thầu là một hoạt động thương mại. Trong đó bên dự thầu là các thương nhân có đủ điều kiện và mục tiêu mà bên dự thầu hướng tới là lợi nhuận còn bên mời thầu là xác lập được hợp đồng mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ với các điều kiện tốt nhất cho họ.
Thứ hai: Đấu thầu là một giai đoạn tiền hợp đồng. Hoạt động đấu thầu luôn gắn với quan hệ mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Trong nền kinh tế đấu thầu không diễn ra như một hoạt động độc lập, nó chỉ xuất hiện khi con người có nhu cầu mua sắm hàng hóa và sử dụng dịch vụ. Mục đích cuối cùng của đấu thầu là giúp bên mời thầu tìm ra chủ thể có khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tốt nhất với giá cả hợp lý nhất.
Thứ ba: Hình thức pháp lí của quan hệ đấu thầu hàng hóa, dịch vụ là hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu. Hồ sơ mời thầu là văn bản pháp lí do bên mời thầu lập, trong đó có đầy đủ những yêu cầu về kĩ thuật, tài chính và thương mại của hàng hóa cần mua sắm, dịch vụ cần sử dụng. Còn hồ sơ dự thầu thể hiện năng lực, mức độ đáp ứng của bên dự thầu trước các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu.
Thứ tư: Giá của gói thầu: Xét trên góc độ giá cả thì đấu thầu cần thiết phải có sự khống chế về giá, gọi là giá gói thầu hoặc dự toán-được đưa ra bởi bên mời thầu theo khẳ năng tài chính của bên mời thầu. Bên dự thầu đưa ra giá cao hơn khả năng tài chính của bên mời thầu thì dù có tốt đến mấy cũng khó có thể thắng thầu. Bên dự thầu nào đáp ứng được các yêu cầu của bên mời thầu mà có giá càng thấp thì sẽ càng có cơ hội chiến thắng
Đấu thầu trong Luật Thương mại năm 2005

Những điểm khác biệt cơ bản giữa quy định pháp luật về đấu thầu trong luật thương mại 2005 và luật đấu thầu 2013
Mọi người cũng xem:
Khác biệt về phạm vi áp dụng của các hoạt động đấu thầu
Cùng điều chỉnh hoạt động đấu thầu nhưng luật Thương mại 2005 và luật Đấu thầu 2013 lại có sự khác biệt trong phạm vi điều chỉnh. Cụ thể tại điều 214 luật Thương mại quy định:
Đấu thầu hàng hoá, dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên mua hàng hoá, dịch vụ thông qua mời thầu (gọi là bên mời thầu) nhằm lựa chọn trong số các thương nhân tham gia đấu thầu (gọi là bên dự thầu) thương nhân đáp ứng tốt nhất các yêu cầu do bên mời thầu đặt ra và được lựa chọn để ký kết và thực hiện hợp đồng (gọi là bên trúng thầu).
Theo quy định này thì luật Thương mại điều chỉnh các hoạt động đấu thầu hàng hóa, dịch vụ vụ mang bản chất pháp lý của một hoạt động thương mại vì vậy nó những dấu hiệu cơ bản của một hoạt động thương mại: bên dự thầu là các thương nhân có đủ điều kiện, mục tiêu bên dự thầu là hướng tới mục đích lợi nhuận còn bên mời thầu là xác lập được hợp đồng mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ với các điều kiện tốt nhất cho họ Hoạt động này luôn gắn liền với quan hệ mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ thương mại. Đấu thầu trong Luật thương mại là lựa chọn nhà thầu cho bên mời thầu đồng thời sử dụng nguồn vốn của tư nhân thuộc sở hữu của bên mời thầu. Có thể nói, các quy định về hoạt động đấu thầu trong Luật Thương mại mang bản chất tư khác với phạm vi điều chỉnh của luật Đấu thầu, cụ thể tại khoản 12 điều 4 luật Đấu thầu quy định: “Đấu thầu là quá trình lựạ chọn các nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung ứng dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế” . Theo quy định của Luật Đấu thầu 2013 điều chỉnh các hoạt động đấu thầu, lựa chọn các nhà thầu, cung cấp dịch vụ tư vấn, xây lắp các gói thầu thuộc các dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước. Về bản chất thì hoạt động đấu thầu được quy định trong Luật đấu thầu thực chất là hoạt động đấu thầu mang bản chất tư nhưng tính chất công.
Ngoài ra, phạm vi điều chỉnh của luật Đấu thầu 2013 cũng rộng hơn so với phạm vi điều chỉnh của luật Thương mại 2005. Theo quy định tại khoản 2 điều 2 luật Đấu thầu 2013: “Tổ chức, cá nhân có hoạt động đấu thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này được chọn áp dụng quy định của Luật này. Trường hợp chọn áp dụng thì tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các quy định có liên quan của Luật này, bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế” nhưng theo quy định của luật Thương mại 2005 thì chỉ áp dụng cho những hoạt động có liên quan đến thương mại khoản 2 điều 2.
Khác biệt về chủ thể tham gia đấu thầu
Theo quy định tại khoản 1 điều 2014 của luật Thương mại 2005: “Đấu thầu hàng hoá, dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên mua hàng hoá, dịch vụ thông qua mời thầu (gọi là bên mời thầu) nhằm lựa chọn trong số các thương nhân tham gia đấu thầu (gọi là bên dự thầu) thương nhân đáp ứng tốt nhất các yêu cầu do bên mời thầu đặt ra và được lựa chọn để ký kết và thực hiện hợp đồng (gọi là bên trúng thầu)”. Từ quy định này ta có thể thấy chủ thể khi tham gia dự thẩu thì bắt buộc phải là thương nhân mà đã là thương nhân phải đáp ứng các điều kiện sau: Phải là người thực hiện hoạt động thương mại; thực hiện hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Bên dự thầu là các thương nhân có năng lực cung cấp hàng hóa, dịch vụ muốn thông qua đấu thầu để giành quyền cung cấp hàng hóa, dịch vụ và được bên mời thầu lựa chọn. Bên dự thầu có thể là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài có đủ điều kiện. Ngoài điều kiện về tư cách chủ thể phải là thương nhân, bên dự thầu cần phải đảm bảo một số tiêu chuẩn khác như tiêu chuẩn về sự độc lập về mặt tài chính, có năng lực pháp luật dân sự. Đối với thương nhân là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự để ký kết và thực hiện hợp đồng. Khác với quy định của luật Thương mại 2005, luật Đấu thầu quy định về chủ thể khi tham gia dự thầu rộng hơn, cụ thể theo quy định tại điều 2 của luật này:
1. Tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đấu thầu quy định tại Điều 1 của Luật này.
Tổ chức, cá nhân có hoạt động đấu thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này được chọn áp dụng quy định của Luật này. Trường hợp chọn áp dụng thì tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các quy định có liên quan của Luật này, bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế
Như vậy, khác với luật Thương mại 2005, luật Đấu thầu 2013 không quy định chủ thể tham gia dự thầu bắt buộc phải là pháp nhân mà có thể là bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào miễn sao cá nhân, tổ chức đó đáp ứng được điều kiện mà bên mời thầu đặt ra.
Một điểm khác nữa luật Thương mại 2005 và luật Đấu thầu 2013 khi quy định về chủ thể đó là chủ thể trung gian khi tham gia hoạt động đấu thầu. Theo Luật Thương mại, trong hoạt động đấu thầu, có thể xuất hiện bên thứ ba như các công ty tư vấn giúp lập hồ sơ mời thầu, chuyên gia giúp đỡ đánh giá hồ sơ dự thầu chưa được pháp luật quy định rõ về tư cách pháp lý song đây là hoạt động không qua trung gian, không có thương nhân làm dịch vụ đấu thầu hàng hóa, dịch vụ cho thương nhân khác nhận thù lao. Nhưng trong Luật Đấu thầu năm 2013 quy định có các tổ chức thực hiện hoạt động trung gian trong hoạt động đấu thầu đó là sự xuất hiện của các tổ chức Đấu thầu chuyên nghiệp bao gồm đại lý đấu thầu, đơn vị sự nghiệp thành lập chức năng đấu thầu chuyên nghiệp, cụ thể tại Điều 32
1. Tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp bao gồm đại lý đấu thầu, đơn vị sự nghiệp được thành lập với chức năng thực hiện đấu thầu chuyên nghiệp.
2. Việc thành lập và hoạt động của đại lý đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Có thể nói, chủ thể tham gia quan hệ đấu thầu đa dạng nhưng ở mỗi văn bản pháp luật khác nhau thì quy định các điều kiện khác nhau, Luật Thương mại và Luật Đấu thầu thể hiện sự khác nhau thông qua tư cách chủ thể của bên dự thầu một bên phải là thương nhân và không có chủ thể trung gian còn bên kia không bắt buộc phải là thương nhân và có chủ thể trung gian tham gia vào hoạt động đấu.

Khác biệt về hình thức đấu thầu
Bên cạnh việc quy đinh khác nhau về phạm vi điều chỉnh và chủ thể tham gia đấu thầu thì giữ luật Thương mại 2005 và luật Đấu thầu 2013 còn quy định khác nhau về hình thức đấu thầu. Theo quy định tại điều 215 của luật Thương mại 2005 thì hoạt động đấu thầu có hai hình thức là đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế. Trong khi đó ngoài hai hình thức trên thì LĐT còn quy định thêm sáu hình thức đấu thầu khác bao gồm: chỉ định thầu; chào hàng cạnh tranh; mua sắm trực tiếp; tự thực hiện; lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; tham gia thực hiện của cộng đồng được quy định từ điều 22 đến điều 27 của luật Đấu thầu 2013. Như vậy nhìn một cách tổng quát thì luật Đấu thầu 2013 quy định nhiều hình thức đấu thầu hơn so với luật Thương mại 2005. Bởi lẽ do quy mô, tính chất phức tạp của các dự án đầu tư mà các quy định về đấu thầu trong luật Thương mại chỉ điều chỉnh các hoạt động đấu thầu với quy mô nhỏ, tính chất đơn giản, ít phức tạp. Do đó quy định về đấu thầu trong luật Thương mại 2005 không thể đáp ứng được Đồng thời do sự khác nhau về phạm vi áp dụng của các dự án đấu thầu nên luật Đấu thầu 2013 đã phải quy định thêm nhiều các hình thức đấu thầu khác nhau phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn Việt Nam đang mở cửa hội nhập với nền kinh tế thế giới.
Cùng là hình thức đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế nhưng về ý chí của bên mời thầu và phạm vi áp dụng hình thức đấu thầu trên lại khác nhau.Đối với hình thức đấu thẩu rộng rãi, trong Luật Thương mại năm 2005 tôn trọng ý chí chủ quan của bên mời thầu bằng cách cho phép các bên mời thầu tự quyết định trường hợp được áp dụng hình thức này theo quy định tại khoản 2 điều 215 “ Việc chọn hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế do bên mời thầu quyết định”. Trong khi đó, Luật Đấu thầu lại chịu sự điều chỉnh của ý chí nhà nước chỉ cho phép các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này mà không thuộc trường hợp quy định từ Điều 21 đến Điều 27 mới được áp dụng hình thức này.
Đối với hình thức đấu thầu hạn chế, luật Thương mại 2005 cho phép các bên mời thầu tự do lựa chọn hình thức đấu thầu, không giới hạn trường hợp song Luật Đấu thầu 2013 quy định các điều kiện ràng buộc để giới hạn sử dụng hình thức mời thầu này theo quy định tại điều 21 “Đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng được yêu cầu” Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu 2013 quy định thêm các hình thức đấu thầu khác:
- Chỉ định thầu là hình thức đấu thầu được áp dụng trong các trường hợp: Gói thầu cần được thực hiện để khắc phục ngay hoặc xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để đảm bảo bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn,…
- Chào hàng cạnh tranh là hình thức đấu thầu áp dụng đối với gói thầu có giá trị trong hạn mức theo quy định của Chính phủ và đối với các gói thầu dịch vụ, mua sắm hàng hóa, xây dựng công trình đơn giản, thông dụng. Hình thức này được thực hiện khi đáp ứng đủ 3 điều kiện: Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, có dự toán được phê duyệt theo quy định, đã được bố trí theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu theo quy định tại điều 23 luật Đấu thầu 2013 .
- Mua sắm trực tiếp áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm hoặc thuộc dự án, dự toán mua sắm khác. Mua sắm trực tiếp thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 điều 24 Luật Đấu thầu 2013.
- Tự thực hiện được áp dụng đối với gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm trong trường hợp tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng gói thầu có năng lực kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu.
- Lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt: Trong trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nói trên thì người có thẩm quyền trình thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
- Tham gia thực hiện cộng đồng là hình thức đấu thầu có sự tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, tổ, nhóm thợ địa phương nơi có gói thầu được giao thực hiện toàn bộ hoặc một phần gói thầu đó, áp dụng trong trường hợp quy định tại Điều 27 Luật Đấu thầu năm 2013.
Khác biệt về phương thức đấu thầu
Theo quy định tại điều 216 của luật Thương mại 2005 có hai phương thức đấu thầu hàng hóa dịch vụ là đấu thầu 1 túi hồ sơ và đấu thầu 2 túi hồ sơ. Trong đó bên mời hầu có quyền lựa chọn phương thức đấu thầu và phải thông báo trước cho các bên dự thầu. Nhưng theo quy định của luật Đấu thầu 2013 tại điều 28,29,30 và 31 thì có tất cả bốn phương thức đấu thầu Đấu thầu 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ; 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ; Đấu thầu 2 giai đoạn 1 túi hồ sơ; 2 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Xuất phát từ quy mô, tính chất phức tạp, vai trò và tầm quan trọng của các gói thầu sử dụng vốn nhà nước mà luật Đấu thầu 2013 đã quy định tới 4 phương thức đấu thầu khác nhau để đáp ứng tốt nhất khả năng thực hiện và bảo đảm chất lượng của gói thầu. Tức các gói thầu có sử dụng vốn nhà nước phải tuân thủ theo các điều kiện chặt chẽ về phương thức đấu thầu theo luật Đấu thầu 2013, trong khi luật Thương mại 2005 lại do bên mời thầu tự quyết định lựa chọn phương thức đấu thầu theo ý chí cá nhân của mình. Về cơ bản thì phương thức đấu thầu một túi hồ sơ, đấu thầu hai túi hồ sơ trong luật Thương mại 2005 và phương thức đấu thầu 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ, 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ trong luật Đấu thầu 2013 là giống nhau. Tuy nhiên khác nhau nổi bật ở các phương thức trên ở phạm vi áp dụng. Trong Luật Thương mại năm 2005 theo quy định tại khoản 1 điều 216 thì bên mời thầu có quyền tự lựa chọn phương thức đấu thầu phù hợp với gói thầu của mình trong mọi trường hợp và phải thông báo cho các bên dự thầu song bên mời thầu trong Luật Đấu thầu năm 2013 tuân theo các quy định của pháp luật về việc lựa chọn phương thức đấu thầu, bên mời thầu không có quyền lựa chọn phương thức đấu thầu, phương pháp này chỉ áp dụng với các gói thầu quy mô sử dụng vốn nhà nước nhỏ, đơn giản theo quy định tại điều 28 và điều 29.

Song điểm khác nhau cơ bản của phương thức đấu thầu trong hai văn bản pháp luật này là Luật Đấu thầu năm 2013 có thêm hai phương thức đấu thầu: 2 giai đoạn 1 túi hồ sơ và 2 giai đoạn 2 túi hồ sơ.
Đối với phương thức 2 giai đoạn 1 túi hồ sơ, theo quy định tại Điều 30 luật Đấu thầu 2013 thì phương thức 2 giai đoạn 1 túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô lớn, phức tạp. Trong giai đoạn một, nhà thầu nộp đề xuất về kỹ thuật, phương án tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng chưa có giá dự thầu. Trên cơ sở trao đổi với từng nhà thầu tham gia giai đoạn này sẽ xác định hồ sơ mời thầu giai đoạn hai. Trong giai đoạn hai, nhà thầu đã tham gia giai đoạn một được mời nộp hồ sơ dự thầu. Hồ sơ dự thầu bao gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu giai đoạn hai, trong đó có giá dự thầu và bảo đảm dự thầu. Xuất phát từ thực tế có rất nhiều nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của gói thầu nhưng do giá dự thầu thấp nên đã trúng thầu. Tới khi thực hiện dự án thì không bảo đảmvề mặt chất lượng cũng như tiến độ thi công của gói thầu. Bài học thực tế từ các nhà thầu Trung Quốc thời gian qua là một ví dụ điển hình. Bằng chiêu trò đưa ra giá thấp nhất để được trúng thầu những khi đã trúng thầu thì họ lại chây lì, không chịu thực hiện dự án với lý do giá thấp, không đủ để thực hiện, buộc bên mời thầu phải tăng giá gói thầu lên thì mới chịu thực hiện. Kết quả giá của gói thầu đã bị đẩy lên cao gấp nhiều so với thực tế. Chính vì vậy quy định này một phần loại trừ những nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật trước khi xem xét tới giá của gói thầu. Bảo đảm lựa chọn được nhà thầu tốt nhất để thực hiện các công trình sử dụng vốn nhà nước một cách hiệu quả.
Phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, có tính đặc thù. Trong giai đoạn một, nhà thầu nộp đồng thời hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính riêng biệt theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Trên cơ sở đánh giá đề xuất về kỹ thuật của các nhà thầu trong giai đoạn này sẽ xác định các nội dung hiệu chỉnh về kỹ thuật so với hồ sơ mời thầu và danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu được mời tham dự thầu giai đoạn hai. Hồ sơ đề xuất về tài chính sẽ được mở ở giai đoạn hai. Trong giai đoạn hai, các nhà thầu đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn một được mời nộp hồ sơ dự thầu. Hồ sơ dự thầu bao gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu giai đoạn hai tương ứng với nội dung hiệu chỉnh về kỹ thuật. Trong giai đoạn này, hồ sơ đề xuất về tài chính đã nộp trong giai đoạn một sẽ được mở đồng thời với hồ sơ dự thầu giai đoạn hai để đánh giá. Như vậy đối với các dự án đòi hỏi công nghệ mới, phức tạp, có tính đặc thù thì sẽ áp dụng phương thức đấu thầu 2 giai đoạn, 2 túi hồ sơ. Trong phương thức đấu thầu này thì các yêu cầu về kỹ thuật là yếu tố quan trọng nhất, quyết định tới việc trúng thầu của các bên dự thầu bởi cái bên mời thầu quan tâm nhất chính là kỹ thuật công nghệ chứ không phải giá của gói thầu. Tuy nhiên trong một số trường hợp chỉ có một hoặc một số nhà thầu mới đủ điều kiện thực hiện được gói thầu đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao như vậy thì rất dễ dẫn đến nhà thầu đòi giá gói thầu cao hơn nhiều lần so với giá thực tế. Đây cũng chính là hạn chế của phương thức đấu thầu này bên cạnh những ưu điểm mà nó mang lại.
Có thể nói những quy định trên của Luật thương mại 2005 tại Điều 216 quy định một cách chung chung, chưa cụ thể sẽ dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc áp dụng thực hiện. Sở dĩ có sự khác nhau này bởi phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh của hai văn bản luật này khác nhau
Như vậy có thể thấy rằng luật đấu thầu đã quy định đa dạng, chặt chẽ và rõ ràng hơn các phương thức chọn nhà đấu thầu.
Như vậy, qua bài làm trên em đã phân tích được một số điểm khác nhau khi quy định về vấn đề đấu thầu giữa luật Thương mại 2005 và luật Đấu thầu 2013. Qua bài làm này em mong có thể giúp mọi người hiểu biết rõ hơn về hoạt động đấu thầu và giúp các nhà làm luật hoàn thiện hơn được các quy định của pháp luật về hoạt động đấu thầu giúp hoạt động đấu thầu diễn ra đạt hiệu quả cao nhất góp phần giúp đất nước tiến nhanh, tiến mạnh trong quá trình hội nhập kinh tế trên toàn thế giới.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Phân tích 04 điểm khác biệt cơ bản giữa quy định pháp luật về đấu thầu trong Luật Thương mại năm 2005 và Luật Đấu thầu năm 2013. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.
Trân trọng./.