Phân tích quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thể hiện sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động của trọng tài thương mại và bình luận thực tiễn áp dụng các quy định đó

Tranh chấp thương mại là sự xung đột lợi ích của các bên trong quan hệ thương mại, việc giải quyết tranh chấp có thể được tiến hành bằng nhiều biện pháp khác nhau, đó có thể là thương lượng; hòa giải; giải quyết tranh chấp thương mại tại trọng tài thương mại hoặc cũng có thể được tiến hành tại Tòa án. Mỗi phương thức giải quyết đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Giải quyết tranh chấp thương mại tại trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp có nhiều ưu điểm, tuy nhiên, trọng tài chỉ là một cơ quan tài phán tư nên trong quá trình giải quyết tranh chấp, hoạt động của trọng tài khó có thể đạt được hiệu quả cao nếu không có sự hỗ trợ của cơ quan mang quyền lực nhà nước, đó là Tòa án.Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: Phân tích 04 (bốn) quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thể hiện sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động của trọng tài thương mại và bình luận thực tiễn áp dụng các quy định đó.


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
  • Giáo trình Luật thương mại tập II, Trường Đại học Luật Hà Nội, nxb. CAND, Hà Nội – 2014.
  • Luật trọng tài thương mại năm 2010.
  • Nghị quyết số: 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/03/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao Hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại.
  • Cơ chế hỗ trợ của Toà án đối với Trọng tài Thương mại trong việc giải quyết các tranh chấp : khóa luận tốt nghiệp / Đặng Thảo Dung ; PGS.TS Trần Ngọc Dũng hướng dẫn . – Hà Nội, 2012 .

Một số vấn đề lý luận chung về trọng tài thương mại

Khái niệm trọng tài thương mại

Theo khoản 1 điều 3 Luật trọng tài thương mại năm 2010 thì “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này”.

Như vậy ta có thể hiểu Trọng tài thương mại là hình thức tài phán mà quyền lực của nó được tạo nên bởi chính các bên trong quan hệ tranh chấp thương mại. Tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự, pháp luật quy định nguyên tắc loại trừ thẩm quyền của tòa án khi các bên đã lựa chọn trọng tài.

quy định về sự hỗ trợ của tòa án với hoạt động của trọng tài thương mại

Ưu và nhược điểm của việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại

Ưu điểm của việc giải quyết tranh cấp tại trọng tài thương mại

Thứ nhất, việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài có thủ tục nhanh chóng và đơn giản. đối với các nhà kinh doanh, thời gian là cực kỳ quan trọng, bất kì một sự trì hoãn kéo dài nào trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại đều sẽ ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của họ. Do đó, việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài luôn được coi như một phương thức giải quyết tốc độ, các bên chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết chứ không phân chia làm nhiều cấp xét xử như ở tòa án.

Thứ hai, việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại có tính chuyên môn cao. Trong khi một thẩm phán thường phải giải quyết các tranh chấp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, do đó khó có thể có trình độ cao trong từng lĩnh vực thì các trọng tài viên đều là những chuyên gia có trình độ cao về từng lĩnh vực, hơn nữa với kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp thương mại sẽ giúp giải quyết tranh chấp chính xác, đảm bảo quyền và lợi ích của mỗi bên.

Phân tích quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thể hiện sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động của trọng tài thương mại và bình luận thực tiễn áp dụng các quy định đó

Thứ ba, giải quyết tranh chấp tại trọng tài đảm bảo tính bí mật. Các nhà kinh doanh luôn e ngại bí mật kinh doanh của mình bị tiết lộ bởi nguyên tắc xét xử công khai của tòa án tạo điều kiện cho công chúng theo dõi phiên xét xử. Hội đồng trọng tài được lập ra để giải quyết tranh chấp một cách bí mật, tách rời khỏi sự chú ý của công luận. Điều này giúp đảm bảo được việc giữ bí mật kinh doanh cũng như uy tín của các bên trên thị thường.

Thứ tư, trọng tài có tính chung thẩm, nghĩa là việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại chỉ có một cấp xét xử, không thông qua nhiều cấp xét xử như ở Tòa án. Điều này một mặt khiến cho việc giải quyết tranh chấp được diễn ra nhanh chóng hơn, mặt khác khiến các Trọng tài viên, Hội đồng trọng tài khi đưa ra phán quyết cũng cần phải xem xét, cân nhắc thật kỹ vì khi ra phán quyết sai lầm sẽ không có cơ hội sửa chữa.

Nhược điểm của việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại

Bên cạnh những ưu điểm, trọng tài thương mại cũng có những nhược điểm so với con đường tòa án, điều này giải thích cho hiện tượng tại sao mặc dù có sự tồn tại của trọng tài mà các bên vẫn có trường hợp đưa các tranh chấp thuộc thầm quyền của trọng tài ra tòa án giải quyết. Các nhược điểm đó là:

Thứ nhất, trọng tài không phải cơ quan quyền lực nhà nước nên khi xét xử, trong trường hợp cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đảm bảo chứng cứ, trọng tài không thể ra quyết định mang tính chất bắt buộc về điều đó mà phải yêu cầu tòa án thi hành các phán quyết trọng tài.

Thứ hai, việc thực hiện các quyết định của trọng tài hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự nguyện của các bên. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, uy tín của doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu do đó việc họ tự giác thực hiện các quyết định của trọng tài khá cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước hiện nay vẫn chưa coi trọng việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, nên vẫn chưa có ý thức tự giác.

Thứ ba, chi phí cho việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quá lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có khả năng chi trả.

Sự cần thiết phải có sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động trọng tài thương mại

Thứ nhất, xuất phát từ bản chất của trọng tài thương mại: khi giải quyết tranh chấp giữa các bên, trọng tài không nhân danh nhà nước, phán quyết của trọng tài không mang tính quyền lực nhà nước, không đại diện cho ý chí của Nhà nước, chỉ đại diện cho ý chí của các bên tranh chấp. Điều này đã đặt ra cho trọng tài thương mại những khó khăn khi không có sự đồng thuận, hợp tác, thiện chí của cả hai bên tranh chấp trong quá trình tố tụng cũng như việc thi hành phán quyết trọng tài. Vì vậy, sự hỗ trợ của Tòa án có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tránh bế tắc cho hoạt động trọng tài, để trọng tài có thể giải quyết tốt các tranh chấp mà các bên đã tin tưởng giao phó.

Thứ hai, xuất phát từ yêu cầu, thực tiễn giải quyết tranh chấp. Các tranh chấp phát sinh trong thực tiễn kinh doanh ở nước ta ngày càng nhiều hơn và đa dạng hơn về chủng loại, phức tạp về tính chất. Điều này đòi hỏi phải có nhiều phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả để đáp ứng các yêu cầu khác nhau của chủ thể kinh doanh. Sự hỗ trợ của tòa án đối với trọng tài sẽ làm cho hoạt động trọng tài được đảm bảo bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước, đồng thời không làm mất đi ưu thế của hình thức giải quyết tranh chấp tôn trọng tối đa quyền tự định đoạt của các đương sự.

Thứ ba, xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động trọng tài. Nhà nước nói chung và các cơ quan nhà nước nói riêng có thẩm quyền quản lý hoạt động của cá nhân, tổ chức trong xã hội, trong đó có trọng tài. Nhà nước thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật quy định về trọng tài đã thể hiện sự quản lý của mình đối với hoạt động của trọng tài, đồng thời tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của trọng tài.

Ý nghĩa của sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động của trọng tài thương mại

Thứ nhất, tạo điều kiện cho Trọng tài hoạt động thuận lợi, giải quyết được những vưỡng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại khi hoạt động trọng tài chưa thể tiến hành (Ví dụ, không thống nhất được lựa chọn trọng tài viên…). Khi đó, sự hỗ trợ của Tòa án sẽ giúp các bên thống nhất ý chí, giúp việc giải quyết tranh chấp diễn ra nhanh chóng hơn.

Thứ hai, đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động trọng tài. Việc Tòa án hỗ trợ Trọng tài trong việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, triệu tập người làm chứng,… giúp việc giải quyết tranh chấp của Trọng tài sẽ đạt hiệu quả cao hơn, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động của trọng tài thương mại theo quy định của pháp luật hiện hành

Quy định về việc Tòa án có thẩm quyền chỉ định, thay đổi Trọng tài viên

Theo quy định của Điều 39 Luật trọng tài thương mại năm 2010, việc thành lập hội đồng trọng tài hoàn toàn do sự thỏa thuận của các bên, nếu các bên không có thoả thuận về số lượng Trọng tài viên thì Hội đồng trọng tài bao gồm ba Trọng tài viên.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật trọng tài thương mại năm 2010, đối với việc thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc, nếu bị đơn hoặc các bị đơn không chọn được Trọng tài viên, hoặc các Trọng tài viên không bầu được một Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài, hoặc các bên không chọn được Trọng tài viên duy nhất (trường hợp các bên thỏa thuận vụ tranh chấp do một trọng tài viên duy nhất giải quyết) thì Tòa án nơi bị đơn cư trú hoặc nơi có trụ sở theo yêu cầu của một hoặc các bên có quyền đưa ra quyết định chỉ định Trọng tài viên, chỉ định Chủ tịch Hội đồng trọng tài trong các trường hợp trên.

Tại điều 43 Luật trọng tài thương mại 2010 cũng quy định: đối với trường hợp cần phải thay đổi Trọng tài viên theo quy định của pháp luật (trong vụ tranh chấp do Hội đồng trọng tài vụ việc giải quyết), nếu các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp, thì Tòa án có thẩm quyền (Tòa án nơi Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp) có thể hỗ trợ việc quyết định thay đổi Trọng tài viên này. Cụ thể là Chánh án Tòa án có thẩm quyền sẽ phân công một Thẩm phán quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên.

Như vậy, có thể thấy quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã tháo gỡ được những vướng mắc trên thực tế. Bởi khi các bên đã có thỏa thuận trọng tài thì Tòa án sẽ không có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ án, do đó nếu không thể thành lập hội đồng trọng tài hoặc không lựa chọn được Trọng tài viên sẽ khiến vụ án không thể giải quyết, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Vì vậy, sự can thiệp của Tòa án – cơ quan đại diện cho ý chí của nhà nước trong việc chỉ định, thay đổi trọng tài viên sẽ giúp các bên tháo gỡ được những mâu thuẫn, bất đồng, giúp cho việc giải quyết tranh chấp được diễ ra nhanh chóng hơn.

Quy định về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Trong quá trình Hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp, nếu thấy rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại hoặc có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại thì các bên có quyền làm đơn gửi đến Tòa án để yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời thích hợp để bảo vệ tài sản đang bị tranh chấp theo quy định tại Điều 48 Luật trọng tài thương mại năm 2010: “Các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án có thẩm quyền thực hiện được quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 49 và Điều 53 của Luật trọng tài thương mại, khi một trong các bên đã yêu cầu Tòa án đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng trọng tài sẽ phải từ chối đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, và ngược lại, nếu một trong các bên đã yêu cầu Hội đồng trọng tài quyết định các biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án sẽ phải từ chối. Quy định này giúp phân định phạm vi thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giữa Hội đồng trọng tài và Tòa án nhằm tránh tình trạng xung đột về thẩm quyền, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc trong mọi trường hợp các bên đều có thể làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Việc pháp luật quy định cho các bên có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay cả khi tranh chấp giữa các bên được giải quyết bằng trọng tài giúp đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong tranh chấp, khi các bên thấy cần phải bảo vệ tài sản bị tranh chấp trước nguy cơ tẩu tán tài sản hoặc các hành vi khác nhằm làm giảm giá trị của tài sản tranh chấp. Bởi dù Trọng tài được pháp luật trao cho quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng Trọng tài cũng khó có thể thực hiện được triệt để trên thực tế. Vì trọng tài khi hoạt động cũng chỉ nhân danh chính mình, do đó cũng bình đẳng về địa vị pháp lý với các bên tranh chấp, chỉ có Tòa án – cơ quan đại diện cho quyền lực nhà nước mới có thể tiến hành việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời một cách triệt để, bởi quyết định của Tòa án có giá trị pháp lý cao hơn, do đó hiệu quả thi hành cũng tốt hơn so với Trọng tài thương mại.

Phân tích quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thể hiện sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động của trọng tài thương mại và bình luận thực tiễn áp dụng các quy định đó
Phân tích quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thể hiện sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động của trọng tài thương mại và bình luận thực tiễn áp dụng các quy định đó

Quy định về việc triệu tập người làm chứng, thu thập chứng cứ

Luật trọng tài thương mại 2010 quy định Hội đồng trọng tài có thể yêu cầu Tòa án hỗ trợ trong việc thu thập chứng cứ, đây là quy định nhằm tăng hiệu quả của Trọng tài trong hoạt động giải quyết các tranh chấp. Trước đây, Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 không có quy định về cơ chế hỗ trợ này nên các doanh nghiệp băn khoăn khi lựa chọn Trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp. Bởi trọng tài chỉ là một hình thức tài phán tư, nó thiếu mất yếu tố quyền lực công mà chỉ Tòa án mới có trong hoạt động xét xử. Trọng tài cũng không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong trường hợp có người từ chối cung cấp chứng cứ. Lúc này, sự hỗ trợ của Tòa án với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước là rất quan trọng.

Luật trọng tài thương mại 2010 quy định cho Hội đồng trọng tài có thẩm quyền thu thập chứng cứ nhằm tăng tính độc lập của trọng tài. Theo Luật trọng tài thương mại năm 2010 thì việc cung cấp chứng cứ cho Hội đồng trọng tài là “quyền và nghĩa vụ giữa các bên” chứ không phải chỉ là “nghĩa vụ” như quy định trước đây. Trong trường hợp Hội đồng trọng tài, một hoặc các bên đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể gửi văn bản đề nghị Toà án có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến vụ tranh chấp (khoản 5 Điều 46). Bên cạnh đó, Tòa án cũng có thể ra quyết định triệu tập người làm chứng liên quan đến vụ tranh chấp theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài Khoản 2, 3 điều 47 Luật trọng tài thương mại.

Việc pháp luật quy định cho phép Hội đồng trọng tài gửi văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định triệu tập người làm chứng nhằm đảm bảo sự có mặt của người làm chứng trong những trường hợp cần thiết nhằm làm sáng tỏ vụ việc. Sự hỗ trợ của Tòa án trong việc triệu tập người làm chứng thể hiện ở chỗ, bằng quyền lực cũng như những công cụ cưỡng chế của mình, Tòa án ra quyết định triệu tập người làm chứng sẽ được người làm chứng thực hiện một cách nghiêm minh hơn, góp phần làm cho hoạt động, cũng như phán quyết của hội đồng trọng tài được chuẩn xác hơn, hoạt động của trọng tài được thực hiện thuận lợi hơn. Việc pháp luật quy định Hội đồng trọng tài không thể thu thập được chứng cứ có thể gửi văn bản đề nghị Tòa án thu thập chứng cứ nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ tranh chấp được nhanh chóng và chính xác. Tòa án, với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước, là cơ quan thực thi quyền lực nhà nước và có quyền nhân danh nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước khi cần thiết khi thực hiện các hoạt động thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng sẽ được thuận lợi hơn, các cá nhân, tổ chức liên quan chấp hành yêu cầu về thu thập chứng cứ nhanh chóng hơn trọng tài.

Quy định về việc hủy phán quyết trọng tài

Tố tụng trọng tài không có nhiều giai đoạn xét xử như ở Tòa án, điều này vừa là ưu điểm, nhưng đồng thời cũng là nhược điểm của Trọng tài. Bởi Trọng tài viên, Hội đồng trọng tài khi đưa ra phán quyết ngoài dựa vào những tình tiết khách quan của vụ việc còn dựa vào đánh giá chủ quan của mình. Do đó, không có gì có thể đảm bảo phán quyết của trọng tài là chính xác tuyệt đối. Để có thể hạn chế tối đa những sai sót trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, khoản 1 Điều 44 Luật trọng tài thương mại năm 2010, quy định: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Hội đồng trọng tài, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng trọng tài. Bên khiếu nại phải đồng thời thông báo việc khiếu nại cho Hội đồng trọng tài.

Tòa án với tư cách là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, có thẩm quyền xem xét lại quyết định trọng tài. Khi nhận đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài của một bên, Tòa án không xét xử lại mà chỉ đối chiếu vào các căn cứ phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật trọng tài thương mại năm 2010. Việc quy định các căn cứ mà bên yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài phải chứng minh giúp cho các bên phải tự chịu trách nhiệm với yêu cầu của chính mình, khi mà các bên có nhu cầu gửi đơn đến Tòa án để yêu cầu Tòa hủy phán quyết của trọng tài, họ sẽ phải tìm hiểu và đối chiếu các căn cứ hủy phán quyết của trọng tài, điều này sẽ tránh được tình trạng bên phải thi hành không muốn thi hành phán quyết của trọng tài đưa ra yêu cầu huỷ quyết định trọng tài để kéo dài thời gian, tẩu tán tài sản hoặc hy vọng Toà án sẽ xử lại và không bắt thi hành nghĩa vụ.

Việc pháp luật quy định Tòa án có thẩm quyền hủy phán quyết của trọng tài khi các bên yêu cầu có tác động rất lớn, qua đó khắc phục được những sai phạm nếu có của Hội đồng trọng tài khi giải quyết tranh chấp, làm cho vụ giải quyết tranh chấp thực sự khách quan, công bằng, đúng pháp luật.

Thực tiễn áp dụng các quy định về sự hỗ trợ của Tòa án đối với Trọng tài và đề xuất giải pháp

Thứ nhất, về quy định Tòa án có thẩm quyền chỉ định, thay đổi Trọng tài viên.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 42 Luật Trọng tài thương mại, “Trong trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp, thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của một hoặc các Trọng tài viên nói trên, của một hoặc các bên tranh chấp, Chánh án Toà án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên”.

Có thể thấy, pháp luật chỉ quy định thời hạn Tòa án phân công một Thẩm phán quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên mà không có quy định về thời hạn gửi đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền quyết định Thay đổi trọng tài viên.

Phân tích quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thể hiện sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động của trọng tài thương mại và bình luận thực tiễn áp dụng các quy định đó
Phân tích quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thể hiện sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động của trọng tài thương mại và bình luận thực tiễn áp dụng các quy định đó

Điều này đã dẫn đến một thực tế nhiều trường hợp khi một bên tranh chấp có ý định trốn tránh trách nhiệm nên không muốn tham gia tố tụng trọng tài. Đặc biệt là trong hình thức trọng tài vụ việc, các bên sẽ tự do tiến hành thành lập Hội đồng trọng tài theo ý chí của mình nên họ có thể gặp khó khăn lớn nếu một bên (thường là bị đơn) không muốn tham gia vào trọng tài khi tranh chấp phát sinh.

Do đó, họ không đáp lại yêu cầu thành lập Hội đồng trọng tài của bên kia, sau đó, họ lại tìm cách trì hoãn tố tụng bằng cách yêu cầu thay đổi Trọng tài viên.

Vì vậy, pháp luật cần quy định về thời hạn nhất định để các chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi Trọng tài viên, điều này vừa có tác dụng bảo đảm quá trình tố tụng vừa nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bên, buộc họ phải theo dõi quá trình thành lập Hội đồng trọng tài cũng như trong suốt quá trình giải quyết.

Thứ hai, quy định về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Luật trọng tài thương mại năm 2010 quy định rất thận trọng khi cho các bên có thể lựa chọn Tòa án hoặc Hội đồng trọng tài để yêu cầu thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nhằm tránh tình trạng ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chồng chéo lẫn nhau mà vẫn đảm bảo tính kịp thời.

Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp có trường hợp Toà án đùn đẩy trách nhiệm lại cho Hội đồng trọng tài với lí do bản thân Hội đồng trọng tài cũng có quyền ra quyết định thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời, hoặc có những trường hợp Tòa án và Trọng tài đồng thời ra quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Khi mà theo quy định của pháp luật thì bên nào nhận việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước thì bên đó sẽ thực hiện, bên kia không có quyền thực hiện để tránh chồng chéo, trên thực tế trong một số trường hợp, có thể sẽ có lợi hơn cho nguyên đơn,

Nếu sau khi khởi kiện tại Trung tâm trọng tài và làm đơn gửi Tòa án yêu cầu ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Điều 53 Luật trọng tài thương mại năm 2010, như vậy, người yêu cầu sẽ không phải mất thời gian chờ thành lập Hội đồng trọng tài, quyết định của Tòa án được thi hành triệt để hơn.

Trong khi đó, lại khó tránh tình trạng mỗi bên yêu cầu một cơ quan giải quyết, gây ra tình trạng “tranh nhau” thực hiện dù có thể chưa thực sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Thứ ba, quy định về việc triệu tập người làm chứng, thu thập chứng cứ.

Pháp luật quy định trong trường hợp Hội đồng trọng tài, một hoặc các bên đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể gửi văn bản đề nghị Toà án có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến vụ tranh chấp.

Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp, cơ quan, tổ chức, cá nhân ngộ nhận việc cung cấp chứng cứ gây bất lợi cho quyền lợi của mình nên không giao nộp chứng cứ, cũng có trưởng hợp các bên tham gia tranh chấp do hiểu biết pháp luật hạn chế nên khi có tranh chấp, họ không biết cần có những chứng cứ gì để cung cấp.

Bên cạnh đó, việc không quy định thời hạn giao nộp chứng cứ cũng có thể tạo ra tâm lý ỷ lại vào các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.

Thứ tư, quy định về việc hủy phán quyết trọng tài.

Theo quy định tại Điều 68 và Điều 71 Luật trọng tài thương mại năm 2010, thì Tòa án không xem xét lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết, mà chỉ xem xét các vấn đề về tố tụng trọng tài đúng hay không đúng để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài.

Thực tế cho thấy, thời gian qua một số quyết định của Tòa án hủy quyết định của trọng tài gây thiệt hại cho quyền lợi của đương sự vì theo quy định tại khoản 10 Điều 71 Luật trọng tài tương mại năm 2010, quyết định hủy hoặc không hủy phán quyết trọng tài của Tòa án là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành.

Do đó, đương sự, Hội đồng tọng tài không có quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm hoặc khiếu nại, kiến nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tái thẩm đối với phán quyết của Tòa án. Vấn đề có xem xét lại quyết định của Tòa án hủy hoặc không hủy phán quyết trọng tài theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hay không đã được đặt ra từ thực tiễn.

Theo đó, cần phải hiểu quy định của khoản 10 Điều 71 Luật trọng tài thương mại năm 2010 theo hướng quyết định của Tòa án về việc hủy hoặc không hủy phán quyết trọng tài là quyết định có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nhưng vẫn có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nếu phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc tình tiết mới để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.

Từ những phân tích ở trên, có thể thấy sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động trọng tài thương mại là vô cùng cần thiết, giúp việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài được hiệu quả hơn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tranh chấp.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: quy định về sự hỗ trợ của tòa án với hoạt động của trọng tài thương mại. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top