Phân tích, bình luận về một vụ án tranh chấp về thừa kế mà Tòa án đã xét xử

Thời gian gần đây, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau từ sự tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, xã hội quá coi trọng đồng tiền, bất động sản có giá trị ngày các lớn, quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở tính ổn định và thống nhất không cao….dẫn tới các vụ việc tranh chấp liên quan đến tài sản ngày càng tăng. Trong đó, các tranh chấp về thừa kế ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng hơn.

Bên cạnh việc kê thừa những hạt nhân hợp lý của Bộ luật dân sự 2005, Bô luật dân sự năm 2015 đã có những quy định mới tiến bộ, phù hợp làm căn cứ pháp lý giải quyết kịp thời các vụ án tranh chấp về thừa kế. Để hiểu rõ hơn về những tranh chấp xảy ra trên thực tế cũng như cách giải quyết của tòa án về vấn đề này, tôi xin lựa chọn đề tài “Anh chị hãy phân tích, bình luận về một vụ án tranh chấp về thừa kế mà Tòa án đã xét xử” làm đề tài tiểu luận.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Bộ luật dân sự năm 2015;
  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
  • Luật hôn nhân và gia đình năm 1959
  • Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12, ngày 27/2/2009 về án phí, lệ phí tòa án);
  • Bản án số 06/2017/DS-ST ngày 11/08/2017 của TAND huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên về việc kiện chia thừa kế;

Nội dung vụ án

Bản án số 06/2017/DS-ST ngày 11/08/2017 của TAND huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Tóm tắt vụ việc

Cụ Phạm Huy E và cụ Nguyễn Thị J lấy nhau năm 1957 có 2 người con chung gồm: ông Phạm Quốc D, sinh năm 1960 và bà Phạm Thị K, sinh năm 1978

Trước khi lấy bà J, cụ E có 02 người con riêng với cụ Đỗ Thị F (cụ F mất năm 1942), gồm: ông Phạm Huy U và ông Phạm Huy Đ (sinh năm 1943)

Ngoài ra, cụ E còn có một người vợ khác là cụ Nguyễn Thị Z (cụ Z mất năm 2010), Cụ E và cụ Z không có con chung. Cụ E, F, J, Z không còn người con nuôi, con riêng nào khác. Cụ J yêu thương, quan tâm ông, chăm sóc ông U, ông Đ như con đẻ của mình.

Ông U mất năm 1992. Ông U và vợ là Phạm Thị V có 4 người con chung gồm: Phạm Minh G, Phạm Công H, Phạm Minh A, Phạm Thị P.

– Khối tài sản chung của Cụ E và cụ J gồm: 681m2 diện tích đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất M079078, cấp ngày 20/01/2000 cụ thể 300m2 đất ở; 72m2 đất nông nghiệp; 156m2 đất vườn sử dụng lâu dài; 153m2 đất ao, 01 ngôi nhà cấp 4 và một số tài sản trong nhà (như 01 tủ thờ, 01 ghế trường kỷ…) và 259m2 đất 03 ngoài đồng (xem xét thẩm định thực tế thì diện tích đất của cụ E tại thôn X, xã M là 698m2). Cụ E, cụ F, cụ Z không có tài sản chung.

Năm 1995 và 1999 cụ E, cụ J cho phép anh G (con ông U) và Ông D làm nhà trên diện tích đất này và chỉ là tuyên bố cho xây nhà chứ không cho đất.

– Ngày 09/8/2006 cụ J mất, ngày 26/11/2006 cụ E mất, cả hai cụ đều không để lại di chúc.

– Tháng 05/8/2012 anh em trong gia đình ông D họp để chia di sản. Theo đó mỗi người hưởng 175,25 m2. Tuy nhiên, các bên không thống nhất được vị trí chia và cách chia.

– Ngày 13/5/2014 ông D đã nộp đơn khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu phân chia di sản của bố mẹ ông theo quy định của pháp luật và chỉ yêu cầu chia di sản là nhà, đất tại thôn X, xã M chứ không yêu cầu chia đất 03 ngoài đồng và đồ thờ cúng.

Ông Đ không có yêu cầu phản tố.

– Tại phiên tòa sơ thẩm:

+ Ông D giữ nguyên quan điểm như đã trình bày tại tòa án. Ông D đề nghị Tòa án chia thừa kế tài sản là 698m2 đất và nhà của cụ E, cụ J ở thôn X, xã M, huyện C, tỉnh Hưng Yên như số liệu đã được xác định tại biên bản thẩm định (trong đó bao gồm cả 72m2 đất 03 được chia vào vườn), đối với 259m2 đất 03của các cụ ở ngoài đồng thì ông không đồng ý chia

+ Ông Đ có yêu cầu phản tố đề nghị chia cả diện tích259m2 đất 03 đất ruộng và yêu cầu thay đổi thẩm phán – chủ tọa phiên tòa.

Phân tích, bình luận về một vụ án tranh chấp về thừa kế mà Tòa án đã xét xử
Phân tích, bình luận về một vụ án tranh chấp về thừa kế mà Tòa án đã xét xử

Quan điểm của Tòa án cấp sơ thẩm

Chấp yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Quốc D về việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.

Không chấp nhận yêu cầu phản tố và yêu cầu thay đổi Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa của ông Phạm Huy Đ.

Công nhận sự tự nguyện của bà Phạm Thị K về việc đề nghị giao phần di sản của bà K được hưởng cho ông Phạm Quốc D.

Xác định di sản thừa kế của cụ E và cụ J gồm

+ 01 diện tích đất ở 698m2 ở xóm 1, thôn X, xã M (trong đó đất ở lâu dài là 300m2 có giá trị 450.000.000đ, đất vườn thời hạn lâu dài là 156m2 có giá trị 234.000.000đ, đất ruộng 03 đưa vào đất vườn có giá trị 5.256.000đ, đất ao (đã san lấp tại vị trí anh G làm nhà) là 153m2 có giá trị là 229.500.000đ, đất dôi dư là 17m2 có giá trị 25.500.000đ.

+ 01 ngôi nhà cấp 4 xây năm 2005 (02 gian có diện tích 53,5m2 giá trị là: 20.000.000đ).

Tổng giá trị di sản thừa kế của các cụ được đem ra phân chia tại bản án là: 450.000.000đ+ 234.000.000đ+ 5.256.000đ+ 229.500.000đ+ 25.500.000đ + 20.000.000đ = 964.256.000đ.

Do anh G và chị L là người có công san lấp ao nên phải trả cho anh G và chị L 40.000.000đ tiền san lấp ao.

Do đó giá trị tài sản sẽ được phân chia của các cụ còn: 964.256.000đ – 40.000.000đ= 924.256.000đ.

 Xác định diện và hàng thừa kế

+ Hàng thừa kế thứ nhất của cụ J là: cụ E, ông D, bà K, ông Đ và ông U (Thừa kế thế vị của ông U là anh G, chị P, anh H, anh A).

+ Hàng thừa kế thứ nhất của cụ E là ông Đ, ông D, bà K và ông U (Thừa kế thế vị của ông U là anh G, chị P, anh H, anh A).

Phân chia di sản thừa kế của cụ J và cụ E theo luật:

Phần di sản được chia theo luật: Tổng trị giá tài sản chia theo luật là 924.256.000đ. Phần của mỗi cụ là 924.256.000đ : 2 = 462.128.000đ.

+ Phân chia di sản thừa kế của cụ J theo luật thì: 

Cụ E, ông Đ, ông D, bà K và ông U mỗi người được hưởng 462.128.000đ : 5= 92.425.600đ.

Anh G, chị P, anh H, anh A mỗi người được hưởng 92.425.600đ : 4= 23.106.400đ.

+ Di sản thừa kế của cụ E chia theo luật có trị giá là 462.128.000đ 92.425.600đ=554.553.600đ. Chia cho các đồng thừa kế thì:

Ông Đ, ông D, bà K và ông U mỗi người được hưởng là: 554.553.600đ: 4=138.638.400đ.

Anh G, chị P, anh H, anh A mỗi người được hưởng 138.638.400đ : 4 =34.659.600đ.

Đảm bảo tính ổn định về chỗ ở, tránh gây lãng phí, Tòa án xác định chia di sản thừa kế của cụ E, cụ J theo hiện vật. Nếu ai được nhiều hơn kỉ phần mình được hưởng thì có trách nhiệm thanh toán trả chênh lệch cho các thừa kế khác

Nhận định sơ bộ vụ án và nhận xét đánh giá bản án

1.1 Phân loại tranh chấp: Căn cứ vào thời gian thụ lý giải quyết vụ việc cũng như nội dung yêu cầu của nguyên đơn có thể xác định đây là vụ án về yêu cầu chia di sản thừa kế (Khoản 5 Điều 26 BLTTDS 2015)

1.2 Thẩm quyền giải quyết vụ án: trong di sản yêu cầu chia thừa kế có bất động sản, trong tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, các bên không thỏa thuận về tòa án giải quyết ( Điều 35,37,39 BLTTDS 2017), vì vậy, tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là tòa án nơi có bất động sản (di sản thừa kế), là tòa án nhân dân huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên thụ lý và giải quyết vụ việc.

1.3 Áp dụng pháp luật giải quyết vụ án

Về thủ tục tố tụng

Áp dụng khoản 5 Điều 26, Điều 177, Điều 227 BLTTDS 2015, cụ thể như sau:

  • Khoản 5 Điều 26 xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án.
  • Điều 177, Tòa án căn cứ thực hiện thủ tục cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản đến các đương sự.
  • Điều 227, Tòa án căn cứ xác định các đương sự có đơn xin xét xử vắng mặt nên Tòa tiến hành xét xử vắng mặt.

Về luật nội dung

Căn cứ vào điều khoản chuyển tiếp trong BLDS 2015, có 2 lý do để áp dụng BLDS 2015:

  • (i) Cụ E, cụ J chết không để lại di chúc (không phát sinh giao dịch dân sự là hành vi pháp lý đơn phương) nên di sản được chia theo pháp luật;
  • (iii) Nội dung theo BLDS 2005 về chia di sản thừa kế theo pháp luật phù hợp với quy định tại BLDS 2015.

Vì vậy, áp dụng các Khoản 2 Điều 468, Điều 610, Điều 623, Điều 649, Điều 650, ĐIều 651, Điều 652, Điều 660 của BLDS năm 2015 để giải quyết vụ án là phù hợp, cụ thể như sau:

  • Điều 648: Để xác định lãi suất nếu anh G chậm thực hiện nghãi vụ thanh toán khi có đơn thi hành án hợp pháp
  • Điều 623: Tòa án căn cứ xác định thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu giải quyết tranh chấp về thừa kế.
  • Điều 649: Tòa xác định cụ E, cụ J chết không để lại di chúc nên xác định chia thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản cụ E, cụ J để lại.
  • Điều 650: Tòa căn cứ xác định các trường hợp áp dụng chia thừa kế theo pháp luật.
  • Điều 651: Tòa căn cứ để xác định những người thừa kế theo pháp luật của cụ J, cụ E
  • Điều 652: Tòa căn cứ để xác định thừa kế thế vị đối với ông Phạm Huy U
  • Điều 660 Tòa án tiến hành phân chia di sản theo pháp luật

Ngoài ra, vụ việc còn áp dụng Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 xác định di sản cụ E, cụ J trong khối tài sản chung của vợ chồng; Luật đất đai để xác định quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12, ngày 27/2/2009 về án phí, lệ phí tòa án.

1.4 Nội dung tranh chấp và giải quyết của tòa án: Đây là tranh chấp về di sản thừa kế cụ thể là yêu cầu chia di sản thừa kế của người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản. Những vấn đề pháp lý cần giải quyết trong tranh chấp, gồm có:

Thời hiệu chia di sản thừa kế:

Năm 2014, nguyên đơn có đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ E và cụ J, thời điểm mở thừa kế của cụ E là ngày 26/11/2006, thời điểm mở thừa kế của cụ J là ngày 09/8/2006, áp dụng Điều 623 của BLDS 2015 thì yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ E và cụ J vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện.

– Xác định di sản thừa kế: di sản mà cụ E và cụ J để lại được xác định là tài sản sản chung vợ chồng cụ E và cụ J. Di sản được xác định căn cứ vào giá trị tài sản chung được định giá là 964.256.000 đồng;

-Thừa kế theo pháp luật: Vì cụ E và cụ J chết không để lại di chúc nên di sản thừa kế được chia theo pháp luật (Điểm a khoản 1 điều 650 BLDS 2015)

– Hàng thừa kế: Căn cứ vào mối quan hệ: hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng xác định được những người được hưởng di sản thừa kế. (Điểm a Khoản 1 Điều 651 BLDS 2015)

Căn cứ vào mối quan hệ quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế để xác đinh người hưởng di sản thừa kế (Điều 654 BLDS 2015) (xác định ông U, ông Đ là hàng thừa kế thứ nhất của cụ J)

– Thừa kế thế vị: Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống(Điều 652. BLDS 2015). Xác định anh G, H, A, chị P là thừa kế thế vị của ông U.

– Phân chia di sản thừa kế: Căn cứ vào thực tế tài sản gắn liền với đất (nhà và các công trình kiên cố,..) khi việc chia thửa sẽ ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của tài sản gắn liền với đất, việc chia thửa cho từng người hưởng di sản là bất động sản không đủ diện tích để tách thửa. Căn cứ vào người trực tiếp chiếm dụng thửa đất, có tài sản gắn liền với đất thì người đó sẽ được sở hữu di sản là bất động sản và thanh toán phần chênh lệch cho những người thừa kế khác.

– Án phí: Mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản, phần di sản mà họ được hưởng, được chia trong trường hợp các bên đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản mà mình được hưởng trong khối di sản thừa kế và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó (khoản 7 Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12, ngày 27/2/2009 về án phí, lệ phí tòa án)

Nhận xét, đánh giá bản án

* Tôi đồng quan điểm với Tòa án trong việc:

– Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp

– Áp dụng pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung phù hợp

– Xác định di sản thừa kế chính xác

– Áp dụng mức án phí sơ thẩm cho đương sự chính xác

* Tôi chưa đồng ý với quan điểm của Tòa ở một số điểm như sau:

Thứ nhất, về việc sử dụng thuật ngữ trong bản án

Trong phần lập luận bản án có ghi: “Di sản của các cụ để lại theo các đương sự xác định bao gồm: – 01 diện tích đất ở 698m2 ở xóm 1, thôn X, xã M; – 01 ngôi nhà cấp 4 xây năm 2005; – 01 diện tích đất 03 là 259 m2…”

Theo quan điểm của tôi, việc sử dụng cụm từ “di sản của các cụ để lại” là chưa chính xác vì trong vụ án trên có 4 cụ là cụ E, cụ F, cụ J, cụ Z, việc tòa án sử dụng cụm từ “di sản của các cụ” sẽ dẫn tới nhầm lẫn di sản được xác định trong bản án là của cả 4 cụ chứ không phải là của cụ E và cụ J

Thứ hai, cách xác định hàng thừa kế của cụ J và cụ E còn mâu thuẫn, chưa chính xác

Theo bản án, hàng thừa kế thứ nhất của cụ J là: Cụ E, ông D, bà K, ông Đ và ông U (Thừa kế thế vị của ông U là anh G, chị P, anh H, anh A).

Hàng thừa kế thứ nhất của cụ E là ông Đ, ông D, bà K và ông U (Thừa kế thế vị của ông U là anh G, chị P, anh H, anh A).

Tòa án căn cứ vào đâu để xác định hàng thừa kế của cụ E và cụ J như trên? Nếu theo quy định của pháp luật, căn cứ vào thờ điểm mở thừa kế để xác định hàng thừa kế theo pháp luật của cụ J là cụ E, ông D, bà K, ông Đ và ông U (Thừa kế thế vị của ông U là anh G, chị P, anh H, anh A), thì hàng thừa kế thứ nhất của cụ E là bà Z, ông Đ, ông D, bà K và ông U (Thừa kế thế vị của ông U là anh G, chị P, anh H, anh A.

Bởi vì nếu bà Z là vợ hợp pháp của ông E, khi Tòa án xác định hàng thừa kế vào thời điểm mở thừa kế thì hàng thừa kế thứ nhất của ông E cần được xác định thêm bà Z (mất năm 2010). Việc xác định hàng thừa kế của cụ E chưa chính xác nên việc chia di sản cũng chưa chính xác.

Thứ ba, việc xác định các nghĩa vụ tài sản và các chi phí liên quan là chưa đầy đủ

Theo bản án, tổng giá trị di sản thừa kế của các cụ được đem ra phân chia tại bản án là: 450.000.000đ+ 234.000.000đ+ 5.256.000đ+ 229.500.000đ+ 25.500.000đ + 20.000.000đ = 964.256.000đ. Do anh G và chị L là người có công san lấp ao nên phải trả cho anh G và chị L 40.000.000đ tiền san lấp ao. Do đó giá trị tài sản sẽ được phân chia của các cụ còn: 964.256.000đ – 40.000.000đ= 924.256.000đ.

Trong bản án có tính đến công sức san lấp ao của anh G, tuy nhiên chưa tính đến công sức giữ gìn, bảo quản và đóng thuế nhà đất của ông D, anh G đối với diện tích đất trên

Thứ tư, cách phân chia di sản thừa kế chưa thuyết phục

Về việc phân chia di sản: Theo nội dung bản án, để ổn định chỗ ở, sinh hoạt cũng như không phải phá bỏ công trình gây lãng phí không cần thiết của các đương sự thì cần chia cho ông D, anh G được sử dụng phần diện tích đất có nhà của ông D và anh G. Nếu ai được nhiều hơn kỉ phần mình được hưởng thì có trách nhiệm thanh toán trả chênh lệch cho các thừa kế khác. Sau khi Tòa án xác định chia bằng hiện vật, anh G phải thanh toán chênh lệch cho những người được hưởng thừa kế khác, cụ thể:

  • Ông D: 53.471.963đ.
  • Ông Đ: 71.428.037đ.
  • Chị P, anh A, anh H mỗi người: 57.766.000đ.

Theo khoản 2 Điều 660 BLDS 2015: “Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật; nếu không thoả thuận được thì hiện vật được bán để chia”.

Bản án chưa đề cập cụ thể những người đồng thừa kế trên có thỏa thuận được với nhau về việc phân chia di sản bằng hiện vật hay không. Nếu có thì HĐXX phải lập luận dựa trên văn bản thỏa thuận của các đồng thừa kế về việc phân chia. HĐXX chỉ xét trên sự ổn định chỗ ở, tránh gây lãng phí để xác định chia di sản theo hiện vật là chưa thực sự hợp lý, HĐXX nên xác định thêm trường hợp các bên không thỏa thuận được thì phần di sản của cụ E và cụ J phải được bán để chia.

Định hướng hoàn thiện

Hoàn thiện một số vấn đề trong bản án

Thứ nhất, hoàn thiện về cách dùng thuật ngữ trong bản án

Trong phần lập luận bản án có ghi: “Di sản của các cụ để lại theo các đương sự xác định bao gồm: – 01 diện tích đất ở 698m2 ở xóm 1, thôn X, xã M; – 01 ngôi nhà cấp 4 xây năm 2005; – 01 diện tích đất 03 là 259 m2…”

Việc sử dụng cụm từ “di sản của các cụ để lại” là chưa chính xác dễ dẫn tới nhầm lẫn di sản được xác định trong bản án là của cả 4 cụ E, F, J, Z chứ không phải là của cụ E và cụ J. HĐXX nên dùng cụm từ “di sản của cụ E và cụ J để lại…” để tránh gây nhầm lẫn

Thứ hai, hoàn thiện về cách chia di sản thừa kế

Trong bản án, HĐXX tiến hành chia theo hiện vật để đảm bảo ổn định chỗ ở, tránh gây lãng phí. Bản án chưa đề cập cụ thể những người đồng thừa kế trên có thỏa thuận được với nhau về việc phân chia di sản bằng hiện vật hay không.

Như vậy, để đảm bảo quyết định có căn cứ, HĐXX phải lập luận dựa trên cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 660 BLDS 2015 (Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia)

Và cụ thể là dựa trên văn bản thỏa thuận của các đồng thừa kế về việc phân chia, trường hợp các bên không thỏa thuận được thì phần di sản của ông K phải được bán để chia (HĐXX cũng phải nêu phương thức án trong trường hợp này)

Phân tích, bình luận về một vụ án tranh chấp về thừa kế mà Tòa án đã xét xử

Thứ ba, về việc xác định hàng thừa kế của ông E

Tòa án cần xác minh rõ bà Z có là vợ hợp pháp của ông E hay không. Trên cơ sở xác minh, nếu bà Z là vợ hợp pháp của ông E, HĐXX cần đưa bà Z vào hàng thừa kế thứ nhất của ông E để tiến hành chia di sản thừa kế của ông E một cách khách quan, chính xác.

Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp về thừa kế

Thứ nhất, quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế

Điều 654 BLDS 2015 quy định:

“Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này”.

Trong vụ án trên, việc xác định quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng giữa ông U, ông Đ và cụ J được sự thừa nhận của các bên cũng như anh,em họ hàng nên việc xác định ông U và Đ có được hưởng thừa kế của cụ J hay không cũng dễ dàng. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào, các bên cũng có quan điểm đồng nhất như vậy. Trên thực tế, trong nhiều tình huống việc xác định quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng như cha, mẹ, con giữa cha dượng, mẹ kế với con riêng là một vấn đề hết sức khó khăn.

Thực tế cho thấy khi con riêng và cha dượng, mẹ kế không ở chung và sinh hoạt chung trong một gia đình thì không thể xác định giữa họ có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng trong khi những người đó thật sự về mặt tình cảm đã coi mẹ kế như mẹ đẻ, cha dượng như cha đẻ của mình (ví dụ như gửi tiền phụng dưỡng cha mẹ). Ngược lại, có những trường hợp cùng nhà với nhau nhưng bằng mặt không bằng lòng thì việc xác định quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha, mẹ, con rất khó để xác định.

Về vấn đề này, theo quan điểm của tôi, ngoài việc đánh giá quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng thông qua yếu tố vật chất, hình thức thì cũng rất cần có sự xem xét về mặt tinh thần, bản chất. Việc xác định này có thể được thực hiện thông qua cách nhìn nhận mối quan hệ cha dượng, mẹ kế với con riêng, của họ hàng, hàng xóm hoặc những người xung quanh.

Đồng thời, cần quy định rõ hơn các điều kiện về con riêng và cha dượng, mẹ kế được hưởng thừa kế di sản của nhau như: Thời điểm phát sinh quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng; họ có cùng nơi cư trú không; việc chăm sóc, nuôi dưỡng biểu hiện ra sao;…

Thứ hai, về nhường quyền hưởng di sản

Trong vụ án trên, Tòa án căn cứ vào sự tự nguyện của các đương sự chấp nhận đề nghị của bà K là giao phần di sản bà K được hưởng cho ông D và ông D nhất trí.

Tuy nhiên, BLDS hiện hành chưa có quy định về vấn đề này mà chỉ quy định về quyền từ chối hưởng di sản do người chết để lại. Trong thực tiễn, nhiều trường hợp người thừa kế nhường phần thừa kế của mình cho người thừa kế khác. Trong trường hợp đó, Tòa án vẫn chưa chấp nhận cho họ. Để có cơ sở pháp lý, thiết nghĩ việc quy định cụ thể về nhường quyền hưởng di sản thừa kế là cần thiết.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp về thừa kế, cần hoàn thiện các quy định về thừa kế tài sản trong BLDS và đảm bảo tính thống nhất với các văn bản pháp luật chuyên ngành. Mặt khác, cũng cần có quy định và tổ chức thực hiện tốt công tác bồi dưỡng thường xuyên về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ thẩm phán và hội thẩm nhân dân.

Có sự phân công nhiệm vụ hợp lý, phù hợp với trình độ và năng lực chuyên môn, tăng cường công tác kiểm tra, tạo điều kiện cần thiết để các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Thông qua việc hoạt động thực tiễn, tìm hiểu trên thực tế cũng như qua việc tìm hiểu, đánh giá vụ án trên, có thể thấy, bên cạnh những ưu điểm, tiến bộ, trong các quy định của pháp luật về giải quyết các tranh chấp về thừa kế, cũng như trong quá trình giải quyết các cụ án về thừa kế tại Tòa vẫn còn tồn tại một số hạn chế xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như tính nhất quán giữa bộ luật dân sự với các văn bản pháp luật chuyên ngành, trình độ, năng lực, phẩm chất của thẩm phán….

Để khắc phục được những hạn chế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp về thừa kế, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó hoạt động đầu tiên và quan trọng nhất là hoàn thiện, đảm bảo tính ổn định, tính thống nhất của BLDS với các vă bản pháp luật chuyên ngành.


Trên đây là toàn bộ tư vấn về: Phân tích, bình luận về một vụ án tranh chấp về thừa kế mà Tòa án đã xét xử. Mọi thắc mắc của bạn liên quan tới vấn đề này hoặc cần tư vấn về bồi thường, hợp đồng hay muốn sử dụng các dịch vụ về dân sự, bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được hỗ trợ cụ thể.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top