Câu 1: Phân tích nội dung chế độ trợ giúp xã hội hàng tháng
Câu 2: Anh B là công chức sở T tỉnh H từ năm 2000. Vợ anh là chị N làm việc tại công ty X từ 5/2005
Ngày 10/5/2017, trên đường đi thăm gia đình người bạn, anh bị tai nạn giao thông. Anh phải cấp cứu và điều trị tại bệnh viện. Sau 2 tháng điều trị, anh B được xác định suy giảm 54% khả năng lao động. Trong thời gian anh điều trị tai nạn lao động, vợ anh sinh con thứ 3.
Hãy giải quyết quyền lợi về an sinh xã hội cho anh B và chị N theo quy định của pháp luật hiện hành. Giả sử sau khi ra viện, do sức khỏe yếu, anh B xin nghỉ việc thì có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không? Tại sao?
Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề được đặt ra trong tình huống như sau:
Danh mục tài liệu tham khảo
- Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật an sinh xã hội, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2012
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
- Luật an toàn vệ sinh lao động 2015
- Luật Việc làm số 38/2013/QH 13
- Luật bảo hiểm y tế
- Luật cán bộ, công chức
- Nghị định 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành bảo hiểm bắt buộc
- Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành bảo hiểm bắt buộc
- Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội
- Nghị định 46/2010/NĐ-CP thôi việc và nghỉ hưu với công chức
Câu 1: Phân tích nội dung chế độ trợ giúp xã hội hàng tháng
Mọi người cũng xem:
Chế độ trợ giúp xã hội hàng tháng là sự giúp đỡ về vật chất và các điều kiện sống khác của xã hội một cách thường xuyên cho các thành viên của mình khi gặp phải những rủi ro, bất hạnh, rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn, cuộc sống thường nhật luôn bị đe doạ.
Đối lượng
Trong mỗi quốc gia, bao giờ cũng tồn tại một bộ phận đối tượng cần cứu trợ, bất kể quốc gia đó có điều kiện kinh tế phát triển đến đâu. Trong pháp luật hầu hết các nước, khi xác định đối tượng cứu trợ xã hội, đối tượng đầu tiên được tỉnh đến là những đối tượng như trẻ em mồ côi, người khuyết tật, giả cả, goá bua không nơi nương tựa… Tuy vậy, cũng phải nhận thức rằng, phạm vi đối tượng được hưởng cứu trợ xã hội ở các quốc gia không phải hoàn toàn giống nhau mà nhiều khi có sự khác biệt, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện riêng của quốc gia, thậm chí trong cùng một quốc gia, phạm vi đối tượng này cũng có những thay đổi nhất định tuỳ vào từng giai đoạn khác nhau. Vì vậy, ở Việt Nam, việc xác định đối tượng hưởng trợ cấp cứu trợ xã hội thường xuyên cũng được đặt trong những thời điểm nhất định.
Ở Việt Nam, do những đặc điểm riêng (điều kiện tự nhiên, lịch sử, kinh tế xã hội…) nên đối tượng cần cứu trợ nhiều, hoàn cảnh khó khăn của các đối tượng cũng khác nhau và sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng cũng chỉ trong chừng mực nhất định. Chính vì vậy, pháp luật cứu trợ cũng quy định cụ thể phạm vì đối tượng cứu trợ xã hội với những tiêu chỉ xác định đối tượng hưởng trợ cấp cụ thể. Chế độ cứu trợ xã hội thường xuyên áp dụng đối với các đối tượng vì các nguyên nhân khác nhau không thể tự đảm bảo cuộc sống của bản thân trong một thời gian dài hoặc trong suốt cuộc đời. Theo pháp luật hiện hành,… đối tượng cứu trợ xã hội thường xuyên bao gồm:
Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng
Việc xác định trẻ em hưởng trợ cấp cứu trợ xã hội được căn cứ trên cơ sở của độ tuổi, tình trạng mồ côi (cha, mẹ hay cả cha lẫn mẹ) và khả năng nương tựa vào những người thân thích. Tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội và phong tục tập quân khác nhau mà các nước quy định các tiêu chỉ xác định trẻ em hưởng trợ cấp cứu trợ xã hội. Theo pháp luật Việt Nam hiện hành quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP thì những đối tượng trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều này (như mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị bỏ rơi mất nguồn nuôi dưỡng và không còn người thân thích để nương tựa; mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật hoặc không đủ khả năng nuôi dưỡng không có nguồn nuôi dưỡng và không có người thân thích để nương tựa,…) sẽ được xem xét để hưởng trợ cấp cứu trợ xã hội thường xuyên.

Người từ 16 – 22 tuổi thuộc trường hợp tương tự như trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng mà đang đi học. Đây là đối tượng được giúp đỡ để có thể nâng cao kiến thức của bản thân họ, từ đó là bước đệm giúp họ có thể kiếm được thu nhập tự đáp ứng được nhu cầu của bản thân, giảm gánh nặng cho ngân sách
Người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không có trợ cấp hàng tháng, người nghèo neo đơn, người đơn thân nghèo đang nuôi con cũng là đối tượng được xem xét hưởng chế độ trợ giúp xã hội hàng tháng.
Người cao tuổi không nơi nương tựa
Bảo vệ và chăm sóc người già là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn dân. Trong phạm vì bảo vệ của mình, chế độ cứu trợ xã hội cũng xác định rõ đối tượng người già không nơi nương tựa được hưởng trợ cấp từ nguồn tài chính của mình. Theo quy định tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP thì người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người cấp dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng; người đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp hàng tháng; người cao tuổi đủ điều kiện được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng thì sẽ được xem xét để hưởng trợ giúp xã hội hàng tháng. Hiện nay, sự tồn tại và ngày càng gia tăng số lượng người già không nơi nương tựa trong xã hội đang trở thành vấn để áp lực đối với sự tăng trưởng và phát triển xã hội. Với điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng được nâng cao và những khía cạnh tiêu cực của đạo đức, lối sống trong điều kiện nền kinh tế thị trường dẫn đến thực trạng số lượng người già không nơi nương tựa ngày càng tăng cao. Điều này cũng dẫn đến một thực tế là mặc dù quy định như vậy nhưng số lượng người già không nơi nương tựa được hưởng trợ cấp cứu trợ xã hội thường xuyên cũng chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định so với đối tượng có nhu cầu.
Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng
Khoản 6 Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP có quy định đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là “Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật”. Theo Điều 44 Luật Người khuyết tật thì đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội bao gồm hai đối tượng là người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng không được nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội. Xem xét đến đối tượng này, cần làm rõ hai khái niệm là người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng để xác định phạm vì đối tượng hưởng trợ cấp cứu trợ. Theo điểm a, điểm b khoản 2 Điều 3 Luật Người khuyết tật “Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày” và “Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày”.
Tất cả người khuyết tật đều được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước tuỳ theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể nhưng không có nghĩa mọi đối tượng là người khuyết tật đến được hưởng trợ cấp cứu trợ xã hội. Trợ cấp cứu trợ xã hội thường xuyên chỉ áp dụng với hai đối tượng nêu trên.
Chế độ hưởng
Với các diện đối tượng cứu trợ xã hội thường xuyên theo pháp luật hiện hành có hoàn cảnh, môi trường sống, mức sống và như cầu cứu trợ khác nhau, do vậy, đòi hỏi sự linh hoạt trong việc thực hiện nhằm đạt được mục đích chung của cứu trợ xã hội. Nguyên tắc chung cho việc thực hiện trợ cấp là ngoài phần đảm bảo của Nhà nước cần phát huy tối đa sức mạnh của bản thân đối tượng, cộng đồng và toàn xã hội. Với những người còn một phần sức lao động, còn người thân, còn gia đình… thì cố gắng phát huy sức mạnh nội lực, cộng đồng cùng với mức trợ cấp cứu trợ đảm bảo cuộc sống, hoà nhập cộng đồng. Trong trường hợp đặc biệt khó khăn, không thể lo liệu được cuộc sống thì được xem xét tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước để nuôi dưỡng, dạy văn hoá, dạy nghề… Trong thời gian ở tại trung tâm bảo trợ xã hội sẽ được hưỏng trợ cấp hàng tháng. Trung tâm bảo trợ thuộc trung ương quản lý sẽ được đảm bảo kinh phí từ ngân sách trung ương, trung tâm do địa phương quản lý sẽ do ngân sách địa phương đảm bảo.
Mức trợ cấp cụ thể cho các đối tượng cứu trợ xã hội thường xuyên được xác định và điều chỉnh trong mối quan hệ chung với mức trợ cấp của các đối tượng chính sách khác và phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước và điều kiện thực tế của địa phương. Do đặc điểm cụ thể của đối tượng và mục đích cứu trợ xã hội thường xuyên nên mức trợ cấp cứu trợ được quy định trên cơ sở của chi phí sinh hoat tối thiểu để đảm bảo cuộc sống (không phải mức tiền lương tối thiếu hay mức sống tối thiểu). Tuỳ thuộc vào hình thức nuôi dưỡng tập trung hay tại cộng đồng mà mức cứu trợ thường xuyên được xác định ở mức tối thiểu khác nhau. Pháp luật cũng có những quy định tuỳ nghi trong việc xác định mức trợ cấp cứu trợ thường xuyên bằng việc cho phép chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể điều chỉnh mức trợ cấp cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhưng không thấp hơn mức quy định của pháp luật.…
Bên cạnh trợ cấp cứu trợ thường xuyên, các đối tượng cứu trợ còn được hưởng nhiều hình thức trợ giúp khác như trợ cấp về y tế (được cấp thẻ bảo hiểm y tế, giảm viện phí, phương tiện trợ giúp sinh hoạt, người tàn tật nặng được mua dụng cụ chỉnh hình, chân tay giả… theo giá quy định của nhà nước hoặc được xét cấp, không phải trả tiền), đào tạo nghề, ưu tiên bố trí việc làm (trẻ em từ 13 tuổi trở lên trong các cơ sở bảo trợ không còn học văn hoá thì được giới thiệu đến các trung tâm dạy nghề để học nghề, địa phương bố trí việc làm theo khả năng lao động)… phù hợp với điều kiện từng đối tượng, tạo cơ hội hoà nhập cộng đồng.
Tài chính đảm bảo thực hiện cứu trợ xã hội thường xuyên
Trong chế độ cứu trợ xã hội thường xuyên, Nhà nước đảm bảo trợ cấp cho các đối tượng nuôi dưỡng ở các trung tấm bảo trợ xã hội của Nhà nước. Nguồn kinh phí nuôi dưỡng, hoạt động bộ máy và đầu tư xây dựng cơ bản của các cơ sở bảo trợ thuộc cấp nào quản lý do ngân sách cấp đó đảm bảo theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Với các đối tượng nuôi dưỡng tại gia đình, cộng đồng tài chính đảm bảo trợ cấp được cân đối trong ngân sách nhà nước phân cấp cho các địa phương quản lý ở mục đảm bảo xã hội. Hàng năm các cơ sở bảo trợ, các quận, huyện căn cứ vào nhu cầu và đề nghị của xã, phường lập kế hoạch xin kinh phí gửi sở lao động thương binh và xã hội. Sở lao động thương binh và xã hội lên kế hoạch gửi cơ quan tài chính và kế hoạch đầu tư cũng tổng hợp báo các chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định.
Đối với những đối tượng thuộc diện cứu trợ xã hội nhưng còn nơi nương tựa, có nguồn nuôi dưỡng mà gia đình tự nguyện đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội, được cấp có thẩm quyền đồng ý thì gia đình phải chịu mọi chi phí, ngân sách nhà nước không đảm bảo trợ cấp cho các đối tượng này. Bên cạnh hệ thống các cơ sở bảo trợ của Nhà nước còn có các cơ sở bảo trợ của các tổ chức xã hội, tôn giáo, các tổ chức quốc tế tài trợ… đối tượng cứu trợ và mức trợ cấp trong các cơ sở này tuỳ thuộc vào khả năng tự huy động tài chính của các tổ chức.
Câu 2: Giải quyết tình huống
Mọi người cũng xem:
Quyền lợi của B khi anh bị tai nạn giao thông
Anh B là công chức sở T tỉnh H. Ta có thể xác định anh là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo điểm c, khoản 1, Điều 2 luật BHXH 2014 và đồng thời là đối tượng đóng bảo hiểm y tế theo điểm a khoản 1 Điều 12 Luật BHYT. Như vậy, khi bị tai nạn giao thông, anh B sẽ đưởng hưởng các quyền lợi sau:
Chế độ bảo hiểm y tế
Đầu tiên, ngay sau khi bị tai nạn phải cấp cứu và điều trị tại bệnh viện anh B sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Căn cứ vào khoản 4 Điều 11 Thông tư 40/2015/TT-BYT quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thì trường hợp cấp cứu được xác định là đúng tuyến. Do đó anh B sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán 80% chi phí theo danh mục vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán của BHYT theo điểm đ, khoản 1, Điều 22 Luật BHYT.
Chế độ ốm đau
Anh B được hưởng chế độ ốm đau mà không phải chế độ tai nạn lao động. Cụ thể anh B bị tai nạn vào ngày 10/5/2017, trên đường đi thăm gia đình người bạn. Đây không phải là trường hợp tai nạn được quy định tại khoản 1 Điều 43 quy định về các trường hợp tai nạn có thể được hưởng chế độ tai nạn lao động. Do đó anh B không được hưởng chế độ tai nạn lao động mà sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật BHXH.
Thời gian hưởng chế độ ốm đau:
B là công chức sở T tỉnh H, làm việc trong điều kiện làm việc bình thường từ năm 2000, thời gian đóng bảo hiểm xã hội tính tới thời điểm anh bị tai nạn giao thông là 5/2017 là 17 năm. Do đó có thể xác định B được hưởng chế độ ốm đau tối đa 40 ngày trong 1 năm tính theo ngày làm việc, quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 26 Luật BHXH
B phải nghỉ trong thời gian 2 tháng để điều trị. Tuy nhiên số ngày nghỉ việc thực tế của anh chỉ là 48 ngày (do công chức được nghỉ cuối tuần). Như vậy anh B sẽ được hưởng chế độ ốm đau với thời gian 40 ngày, 8 ngày nghỉ việc kia không được tính.
Mức hưởng chế độ ốm đau: mức hưởng của B cụ thể theo Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH được tính như sau
Mức hưởng chế độ ốm đau của B = Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi bị tai nạn giao thông 24 x 75% x 40ngày
Để tối đa hóa quyền lợi cho B, số ngày nghỉ quá thời gian hưởng chế độ ốm đau của B (8 ngày) có thể tính vào thời gian dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau theo quy định tại Điều 29 Luật BHXH.
- Chế độ trợ giúp xã hội hàng tháng đối với lao động tham gia BHXH
Mức hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi = 30% mức lương cơ sở x số ngày nghỉ
(số ngày nghỉ do BCH công đoàn sở T quyết định, có thể tối đa 10 ngày nhưng tối thiểu là 5 ngày)
Quyền lợi của chị N khi sinh con thứ 3
Chị N làm việc tại công ty X từ 5/2005, ta có thể xác định chị là đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo điểm a, khoản 1, Điều 2 Luật BHXH 2014. Do đó khi N sinh con thứ 3 chị sẽ được hưởng chế độ thai sản, cụ thể như sau:
Về điều kiện hưởng: N là lao động nữ sinh con, do không có dữ kiện N có đóng bảo hiểm đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con không nên ta có thể coi N thỏa mãn điều kiện được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 31 Luật BHXH
Về thời gian hưởng chế độ khi sinh con
Theo quy định tại khoản 1 Điều 34, chị N sẽ được nghỉ 6 tháng trước và sau khi sinh. Trong trường hợp sinh đôi trở lên thì từ con thứ 2 trở đi, mỗi con được nghỉ thêm 1 tháng. Tuy nhiên thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 2 tháng.
Trong trường hợp không may sau khi sinh, nếu con dưới 2 tháng tuổi bị chết thì chị N được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian 6 thángquy định tại khoản 1 Điều 34; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
Về tiền trợ cấp khi sinh con
Trợ cấp một lần quy định tại Điều 38, theo đó chị N sẽ được nhận 2 lần mức lương cơ sở cho mỗi con chị sinh trong lần sinh thứ 3 này.
Trong thời gian nghỉ chế độ sinh con, chị N sẽ được hưởng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc.
Nếu chị N đủ điều kiện và đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định tại Điều 40 thì ngoài tiền lương của những ngày làm việc chị N vẫn được hưởng chế độ thai sản cho tới khi hết thời hạn.
Có thể được hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh theo quy định tại Điều 41 với mức hưởng 30% mức lương cơ sở/ngày trong thời hạn người sủ dụng lao động và công đoàn cơ sở công ty X quyết định (tối đa 10 ngày, tối thiêu 5 ngày)
Quyền lợi của anh B khi chị N sinh con thứ 3
Do anh B cũng là đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc nên anh cũng sẽ được hưởng chế độ thai sản khi vợ anh là chị N sinh con. Theo quy định tại khoản 2 Điều 34, tùy từng trường hợp cụ thể mà B sẽ được nghỉ số ngày nhất định:
“2. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
a) 05 ngày làm việc;
b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
c) Trường hợpvợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.”
Mức hưởng một ngày nghỉ của anh B được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày, cụ thể là
Mức hưởng = mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ 24 x 100% x số ngày nghỉ
Ngoài ra, trong trường hợp chị N chết sau khi sinh thì anh B sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian nghỉ còn lại của chị N.
Anh B có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?
Căn cứ vào Điều 43 Luật Việc làm 2013 thì:
“Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp:
- Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp”
Như vậy, pháp luật hiện hành quy định, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc phải là người lao động có kí kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động: hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, hợp đồng lao động không xác định thời hạn,..
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2012 quy định: “2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”
Công chức là công dân Việt Nam được làm việc theo quyết định tuyển dụng của Nhà nước mà không phải làm việc theo hợp đồng lao động. Vậy nên, công chức không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, anh B là công chức sở T, làm việc theo quyết định tuyển dụng của nhà nước mà không phải làm việc theo hợp đồng lao động. Do đó B không phải là đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nên khi anh xin nghỉ việc sẽ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trong trường hợp này anh sẽ được giải quyết theo chế độ thôi việc đối với công chức được quy định tại Nghị định 46/2010/NĐ-CP quy định về thôi việc và nghỉ hưu đối với công chức.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Chế độ trợ giúp xã hội hàng tháng đối với lao động tham gia BHXH. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.