Anh T vào làm việc tại công ty xây dựng X từ năm 2010. Ngày 25/02/2016, theo yêu cầu của giám đốc anh ở lại công ty làm thêm giờ. Trong lúc làm thêm giờ, không may giàn giáo sập khiến anh bị thương phải vào viện điều trị mất 2 tháng. Ra viện, anh được suy giảm 45% khả năng lao động. Tháng 7/2017, vết thương tai nạn tái phát, anh T phải vào viện điều trị mất 1 tháng. Sau khi ra viện, anh được xác định suy giảm 61% khả năng lao động. Mặc dù mới 53 tuổi nhưng anh làm đơn xin được nghỉ việc và đề nghị được giải quyết chế độ hưu trí.
Anh(chị) hãy giải quyết các quyền lợi về chính sách an sinh xã hội cho anh T theo quy định của pháp luật hiện hành. Được biết thời gian đóng bảo hiểm của anh T được chốt sổ là 22 năm. Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề được nêu ra trong tình huống trên:
Danh mục tài liệu tham khảo
- Bộ luật Lao động 2012
- Văn bản hợp nhất 10/VBHN-VPQH Luật Bảo hiểm Y tế
- Luật An toàn vệ sinh lao động 2015
- Luật Bảo hiểm Xã hội 2014
- Nghị định 37/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.
- Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Nghị định 66/2013/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
- Nghị định 47/2016/NĐ-CP Quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang
- Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiệm xã hội bắt buộc.
Quyền lợi về chính sách an sinh xã hội liên quan đến sự kiện tai nạn và điều trị tái phát mà anh T được hưởng
Mọi người cũng xem:
Tai nạn của anh T có phải là tai nạn lao động?
Trường hợp tai nạn của anh T là tai nạn lao động dựa vào các luận điểm sau:
Thứ nhất, Căn cứ quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật ATVSLĐ quy định về tai nạn lao động:
“Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.”
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật ATVSLĐ 2015 quy định về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động:
“1, Bị tai nạn thuộc các trường hợp sau đây:
b, Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
Thứ hai, Xét trường hợp tai nạn của anh T
Ngày 25/02/2016 anh T ở lại công ty làm thêm giờ theo yêu cầu của giám đốc, trong lúc làm thêm giờ không may giàn giáo sập khiến anh T bị thương phải vào viện điều trị. Như vậy, anh T là người lao động bị tai nạn tại nơi làm việc ngoài giờ làm việc khi đang thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động, cụ thể là giám đốc công ty.
Tai nạn của anh T là tai nạn lao động, thuộc trường hợp được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 Luật ATVSLĐ 2015.

Quyền lợi về an sinh mà anh T được hưởng khi bị tai nạn lao động
Với những thông tin được cung cấp, có thể xác định trường hợp tai nạn của anh T không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 40 Luật ATVSLĐ. Như đã phân tích ở trên, trường hợp tai nạn lao động của anh T được xác định là trường hợp được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 Luật ATVSLĐ.
Xét về mức suy giảm khả năng lao động, sau thời gian điều trị 2 tháng anh T được xác định suy giảm 45% khả năng lao động, đáp ứng mức suy giảm lao động được quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật ATVSLĐ( từ 5% trở lên)
Trường hợp tai nạn lao động của anh T đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng chế độ tai nạn lao động được quy định tại điều 45 Luật ATVSLĐ. Do đó anh T được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật này.
Cụ thể, anh T được hưởng các quyền lợi sau.
Được hưởng trợ cấp tai nạn lao động.
Sau thời gian điều trị tai nạn lao động lần đầu, mức suy giảm khả năng lao động của anh T được xác định là 45%
Căn cứ quy định tại Điều 49 Luật ATVSLĐ quy định về trợ cấp hàng tháng:
Mức hưởng trợ cấp:
Với mức suy giảm 45% khả năng lao động ( lớn hơn 31%) anh T được hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng theo quy định tại khoản 1 Điều này. Mức hưởng trợ cấp được tính theo quy định tại khoản 2 Điều này, cụ thể như sau:
Với trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động( điểm a)
Mức trợ cấp = [(45%-31%)× 2 + 30%] × Mức lương cơ sở = 58% mức lương cơ sở.
Thời điểm anh T bị tai nạn lao động phải nhập viện điều trị( ngày 25/2/2016, thời điểm trước ngày 01/05/2016) mức lương cơ sở được quy định tại nghị định 66/2013/NĐ-CP
Căn cứ quy định tại quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này, mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng. Tuy nhiên đến ngày 01/05/2016 mức lương cơ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 47/2016/NĐ-CP tăng lên 1.210.000 đồng/tháng. Ngày 25/04/2016 T xuất viện và bắt đầu hưởng trợ cấp hàng tháng từ tháng 5/2016
Theo đó với mức lương cơ sở trên, anh T được hưởng mức trợ cấp tai nạn lao động tính trên mức suy giảm khả năng lao động được tính bằng: 58% × 1.210.000 =701.800 ( đồng/tháng) (1)
Với mức trợ cấp tính trên thời gian tham gia quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tháng 8 năm 2017, sau 1 tháng điều trị tái phát vết thương tai nạn( từ tháng 7/2017) anh xin về hưu ở tuổi 53 và được chốt sổ bảo hiểm là 22 năm. Như vậy xác định vào thời điểm điều chị tai nạn lần đầu (ngày 25/02/2016) anh T có thời gian thao gia bảo hiểm xã hội là 21 năm. Thời gian đó cũng bằng thời gian anh T tham gia quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Với thời gian tham gia Quỹ bảo hiểm như trên, mức trợ cấp cho anh T được tính bằng:
[0,5% + (21-1)0,3%] = 6,5% Tiền lương làm căn cứ đóng quỹ bảo hiểm tháng 1/2016( tháng liền kề trước khi bị tai nạn). giả sử anh T không tham gia quan hệ lao động nào khác trong quá trình làm việc tại công ty X, từ đây xin được gọi tắt là tiền lương tháng 1/2016 (2)
Thời điểm hưởng trợ cấp:
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật ATVSLĐ xác định thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động của anh T bắt đầu từ ngày anh T điều trị ổn định xong, ra viện tức ngày 25/04/2016.
Từ ngày 25/04/2016 anh T được hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng với mức trợ cấp được tính tại (1) và (2), tổng cộng mỗi tháng được hưởng trợ cấp bằng [6,5% tiền lương tháng 1/2016 + 701.800 đồng]
b, Quyền lợi về bảo hiểm y tế.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật ATVSLĐ quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo đó anh T là trong trường hợp này là người thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Văn bản hợp nhất 10/VBHN-VPQH (hợp nhất Luật Bảo hiểm Y tế). Vì vậy, người sử dụng lao động (Công ty X) có trách nhiệm “thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế”(điểm a khoản 2 Điều 38 Luật ATVSLĐ)
Như vậy trong thời gian 2 tháng điều trị tại bệnh viện, anh T hoàn toàn không phải chi trả chi phí điều trị. Mọi chi phí y tế đều do công ty X và Bảo hiểm xã hội thanh toán.
Đồng thời khi ra viện, anh T thuộc đối tượng được Bảo hiểm xã hội đài thọ bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Văn bản hợp nhất 10/VBHN-VPQH và được bảo hiểm xã hội đóng Bảo hiểm y tế.
c, Được hưởng dịch vụ giám định và được miễn phí giám định mức suy giảm khả năng lao động.
Căn cứ quy định tại Điều 47 Luật ATVSLĐ quy định về giám định mức suy giảm khả năng lao động. Theo đó, sau thời gian điều trị 02 tháng tại bệnh viện, anh T được giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này mà không phải thanh toán bất kỳ chi phí nào, chi phí giám định do Bảo hiểm xã hội chi trả.
d, Có thể được hưởng chế độ Dưỡng sức, phục hồi sau điều trị thương tật, bệnh tật và các quyền lợi khác.
Căn cứ theo quy định tại khoản Điều 54 Luật ATVSLĐ quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật. Theo đó, trong vòng 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa hồi phục thì anh T có thể được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Số ngày nghỉ do người sử dụng lao động( công ty X) và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp chưa thành lập công đoàn cơ sở thì số ngày nghỉ do người sử dụng lao động quyết định. Trong trường hợp của anh T, mức suy giảm khả năng lao động là 45% (nằm trong khoảng từ 31% đến 50%) nên số ngày nghỉ dưỡng sức tối đa theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này là 07 ngày.
Trong trường hợp được công ty X và công đoàn cho nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe, với mỗi ngày nghỉ, anh T được hưởng 30% mức lương cơ sở. Do dữ kiện đề bài không cung cấp gì thêm, nên mặc định trong trường hợp anh T được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe là tính từ ngày 25/04/2016 lúc này mức lương cơ sở chưa thay đổi( bắt đầu thay đổi từ 01/05/2016), do đó tiền lương cơ sở thời điểm này vẫn là 1.150.000 đồng/tháng. Do đó mức trợ cấp với mỗi ngày nghỉ tương ứng 345.000 đồng.
Nếu không có dữ kiện khác, có thể xác định sau khi điều trị, T quay trở lại làm việc tại công ty với vị trí công việc cũ. Trong trường hợp có dữ kiện khác về việc T được người sử dụng lao động bố trí vị trí công việc mới theo quy định tại khoản 8 Điều 38, nếu phải đào tạo chuyển đổi việc làm thì anh T được hỗ trợ không quá tối đa 50% mức học phí và không quá 15 lần mức lương cơ sở và tối đã 1 lần/năm.
Bên cạnh đó, anh T còn có thể được hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại điều 56 Luật này.

Quyền lợi về an sinh mà anh T đưởng hưởng khi điều chị tái phát vết thương tai nạn.
Ngoài quyền lợi về bảo hiểm y tế vẫn được hưởng giống như điều trị lần đầu; Do anh T vẫn là người hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng nên vẫn tiếp tục được Bảo hiểm xã hội đài thọ về bảo hiểm y tế. Còn lại, các quyền lợi an sinh khác của anh T được hưởng như sau:
a, Được giám định lại mức suy giảm khả năng lao động.
Thời điểm anh T điều trị tái phát vết thương tai nạn là tháng 07/2017 tức 15 tháng kể từ ngày được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó( tức tháng 04/2016) nghĩa là chưa đến 24 tháng kể từ lần giám định liền trước đó theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật ATVSLĐ. Sau điều trị tái phát, anh được xác định suy giảm 61% khả năng lao động ( 61% > 45% nên kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động), do đó, căn cứ quy định khoản 1 Điều 42 Luật ATVSLĐ thì Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động bệnh, nghề nghiệp vẫn phải chi trả chi phí giám định này mặc dù chưa quá 24 tháng kể từ lần giám định đầu tiên và người lao động tự đi giám định.
Như vậy anh T được giám định lại miễn phí mức suy giảm khả năng lao động.
b, Được điều chỉnh tăng mức trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng.
Sau điều trị tái phát, mức suy giảm khả năng lao động của anh T được xác định là 61%. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật ATVSLĐ điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng.
+ Đối với trợ cấp hàng tháng tính trên cơ sở mức suy giảm khả năng lao động:
Mức trợ cấp = [30% + (61% – 31%)2] × Mức lương cơ sở = 90% Mức lương cơ sở
Mức lương cơ sở tại thời điểm tháng 7/2017. Mặt khác từ ngày 1/7/2017 thực hiện theo khoản 10 Điều 2 Nghị quyết 27/2016/QH14 điều chỉnh tăng mức lương cơ sở lên 1.300.000 đồng/tháng.
Như vậy mức trợ cấp được tính bằng 90% × 1.300.000= 1.170.000 (đồng/tháng)
Đối với trợ cấp tính theo số năm tham gia Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Lúc này anh T đã tham gia đóng bảo hiểm được 22 năm. Do đó mức trợ cấp tính bằng
[ 0,5% + (22-1)× 0,3%] × Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm tháng 6/2017( tháng liền kề trước khi nghỉ việc điều trị gọi tắt là lương tháng 06/2017)= 6,8% tiền lương tháng 06/2017
c, Được hưởng chế độ ốm đau.
Anh T vào làm việc cho công ty X từ năm 2010 đến tháng 8/2017. Do đó hợp đồng lao động giữa anh T và công ty X được xác định là hợp đồng không xác định thời hạn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 BLLĐ 2012. Do đó anh T thuộc đối tượng được áp dụng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 24 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Tháng 07/2017 anh T điều trị tái phát vết thương tai nạn, lúc này không xác định đây không phải là trường hợp điều trị tai nạn lao động, do đó anh T đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng chế độ ốm đau cụ thể như sau:
Thời gian hưởng chế độ ốm đau:
Trường hợp của anh T được xác đinh là điều kiện lao động bình thường( không thuộc danh mục công việc nặng nhọc độc hại được ban hành kèm theo thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH) và ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội bình thường( hệ số phụ cấp khu vực nhỏ hơn 0,7). Anh T có 22 năm đóng bảo hiểm cho tới khi điều trị tái phát vết thương tai nạn. Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 anh T được nghỉ ốm đau tối đa 40 ngày. Đối với trường hợp anh T nghỉ hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong một tháng thì anh T không phải đóng Bảo hiểm xã hội tháng đó và thời gian này không được tính là thời gian để hưởng Bảo hiểm xã hội ( theo quy định tại khoản 4 Điều 6 thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH).
Mức hưởng trợ cấp ốm đau:
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 6 thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định về mức hưởng chế độ ốm đau được tính bằng:
Tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc | 75% | Số ngày nghỉ việc hương chế độ ốm đau |
24 ngày |
(Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.)
Trong trường hợp của anh T điều trị tái phát 1 tháng. Thì mức trợ cấp ốm đau. Do không có thông tin cụ thể là nghỉ bao nhiêu ngày và nghỉ từ ngày nào nên nhóm sẽ không tính cụ thể ra mức trợ cấp.
Đồng thời trong tình huống không nêu rõ trong năm anh T đã từng nghỉ ốm đau lần nào chưa nên nhóm coi lần điều trị tái phát này là lần nghỉ ốm đau đầu tiên của anh T trong năm, chưa hết số ngày nghỉ tối đa 40 ngày, do đó nhóm không xét chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau trong trường hợp này vì chưa đủ điều kiện hưởng. ( Trong trường hợp có với mức lương cơ sở áp dụng là 1.300.000đồng/tháng)

Quyền lợi về chính sách an sinh xã hội liên quan đến sự kiện anh T nghỉ hưu
Mọi người cũng xem:
Chế độ hưu trí
Tại thời điểm xin nghỉ việc, anh T 53 tuổi, đã đóng bảo hiểm 22 năm và đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng, bị suy giảm 61% khả năng lao động.
Năm 2017 anh T 53 tuổi, đáp ứng độ tuổi được quy định và bị suy giảm 61% khả năng lao động, đáp ứng điều kiện được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 :
“Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2019 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên”
Đồng thời anh T cũng đã có 22 năm đóng bảo hiểm( đáp ứng điều kiện đủ 20 năm đóng bảo hiểm trở lên được quy định tại khoản 1 Điều này)
Anh T đủ điều kiện để hưởng lương hưu hàng tháng khi suy giảm khả năng lao động theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội.
Anh T nghỉ hưu trước ngày 01/01/2018 và đáp ứng đủ điều kiện hưởng lương hưu theo điều 55, do đó, căn cứ tính mức lương hưu hàng tháng được xác định theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về mức lương hưu hàng tháng, Cụ thể:
[45% + (22-15) × 2%] – [(60-53) × 2%] = 45% (Tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm).
Anh T đã có 22 năm đóng bảo hiểm vào năm 2017( thời điểm nghỉ hưu là tháng 8/2017) . Không có thêm dữ kiện gì, giả sử thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của anh A là liền tục, thì trong hai tháng điều trị lần đầu tai nạn lao động vẫn là thời gian tham gia đóng bảo hiểm của anh T, chỉ có 1 tháng điều trị tái phát vết thương tai nạn không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội . Giả sử anh T tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/1995 thì tính đến ngày 01/01/2017 anh T đã có đủ 22 năm đóng bảo hiểm, do đó nếu tính đến tháng 8 sẽ xác định thời gian đóng bảo hiểm xã hội của anh T phải là 23 năm Do đó suy luận anh T tham gia Bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ sau 01/01/1995 đến 31/12/2000.
Trong trường hợp này, tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm làm căn cứ tính tiền lương được xác định theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và bằng tiền lương bình quân của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu, tức bình quân của tiền lương của 72 tháng cuối trước khi nghỉ hưu.
Như vậy xác định tiền lương hàng tháng mà anh T được hưởng bằng 45% tiền lương bình quân của 06 năm(72 tháng) trước khi nghỉ hưu. ( Trong trường hợp anh T tham gia bảo hiểm xã hội không liên tục, với thời gian đóng bảo hiểm là 22 năm vào năm 2017 thì có thể T rơi vào trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/1995, lúc này tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm được xác định là tiền lương bình quân của 05 năm cuối trước khi nghỉ việc)
Thời điểm hưởng lương hưu: thời điểm hưởng lương hưu của anh T được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 18 thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định về thời điểm hưởng lương hương của người đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động, cụ thể là từ ngày 01 tháng liền kề sau tháng có kết luận bị suy giảm khả năng lao động tức từ ngày 01/09/2017
Một số quyền lợi khác
Anh T vẫn tiếp tục được hưởng Bảo hiểm xã hội đài thọ về bảo hiểm y tế.
Trong trường hợp T chết người thân của T được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Chính sách an sinh xã hội cho người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.