Câu 1: Phân tích các chế độ ưu đãi xã hội.
Câu 2: Chị H sinh năm 1980, có chồng là thương binh. Chị H là giáo viên trường Trung học cơ sở TC. Ngày 5/12/2017, trên đường về nhà chị bị tai nạn giao thông, phải vào bệnh viện điều trị 2 tháng. Sau khi ra viện, chị được giám định tổng hợp và xác định suy giảm 52% khả năng lao động. Do sức khỏe yếu không thể tiếp tục làm việc, chị H làm đơn xin nghỉ việc. Hỏi: Chị H và chồng chị được hưởng những chế độ nào theo quy định của pháp luật an sinh xã hội hiện hành?
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015.
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
- Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014.
- Luật Việc làm năm 2013.
- Nghị định 54/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 16/2006/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BTC.
- Thông tư liên tịch số 17/2006/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BYT.
- Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được sửa đổi, bổ sung bằng Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13.
- Nghị Quyết 27/2016/QH14 ngày 11/11/2016.
- Tạp chí Luật học số 1/2010, ThS. Đỗ Thị Dung, Các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và hướng hoàn thiện.
Phân tích các chế độ ưu đãi xã hội
Mọi người cũng xem:
Khái niệm, ý nghĩa
Ưu đãi xã hội được hiểu là sự đãi ngộ của nhà nước, cộng đồng và toàn thể xã hội về đời sống vật chất cùng như tinh thần đối với những người có công và thân nhân của họ nhằm ghi nhớ công ơn của họ đối với đất nước.
Chế độ ưu đãi xã hội là tổng hợp các quy định của nhà nước về chính sách, chế độ đối với người có công và thân nhân của họ trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội.
Các chế độ ưu đãi xã hội được ban hành nhằm bảo vệ một số đối tượng đặc biệt đã đóng góp xương máu, tuổi trẻ, công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những chế độ, ưu đãi mà Nhà nước dành cho họ không chỉ là những sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần mà nó còn tạo cho họ niềm tin vào một chế độ xã hội tốt đẹp, là động lực giúp họ tiếp tục phấn đấu; khuyến khích những thành viên khác trong xã hội cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
Chính sách ưu đãi người có công không chỉ mang ý nghĩa chính trị mà còn mang tính kinh tế. Những chế độ trợ cấp của Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng, nó đảm bảo và nâng cao đời sống cho những người có công; đối với một số đối tượng đặc biệt như không còn khả năng lao động, không còn nơi nương tựa, già yếu… thì đây còn là nguồn thu nhập của họ để ổn định đời sống.
Đối tượng được hưởng ưu đãi
Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được sửa đổi, bổ sung bằng Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13, pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công quy định đối tượng hưởng ưu đãi xã hội bao gồm người có công với Cách mạng và thân nhân của họ, cụ thể:
- Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945; Liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động thời kỳ kháng chiến; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng
Các chế độ ưu đãi
Công nhận và tôn vinh danh dự
Đây là chế độ ưu đãi đặc biệt của Nhà nước nhằm ghi nhận và tôn vinh công trạng, thành tích của người có công và cũng là cơ sở để xác nhận, phân biệt người có công với các đối tượng khác. Tùy vào công trạng, thành tích của từng đối tượng mà pháp luật quuy định sự tôn vinh và công nhận danh dự khác nhau. Cụ thể:
- Tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đối với những bà mẹ có nhiều cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; tổ chức trọng thể lễ truy điệu và tặng bằng “Tổ quốc ghi công” đối với liệt sĩ, bằng “Có công với nước” đối với người có công giúp đỡ cách mạng; tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, tuyên dương “Anh hùng lao động”; tặng kỷ niệm chương đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; tặng huân chượng kháng chiến, huy chương kháng chiến đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; tặng kỉ niệm chương “Tổ quốc ghi công” đối với người có công giúp đỡ cách mạng; cấp giấy chứng nhận: “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” đối với thân nhân liệt sĩ, cấp giấy “Giấy chúng nhận thương binh”, “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh”, huy hiệu thương binh đối với thương binh, cấp “Giấy chứng nhận bệnh binh” đối với bệnh binh,…
Chế độ trợ cấp, phụ cấp
Trợ cấp, phụ cấp là các hình thức ưu đãi bằng tiền nhằm bảo đảm đời sống, góp phần nâng cao mức sống hàng ngày cho người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Đây là chế độ cơ bản, được áp dụng với mọi đối tượng ưu đãi. Mức trợ cấp, phụ cấp được quy định căn cứ vào mức độ thương tật, công lao cống hiến, hoàn cảnh sống và điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kì. Hàng năm, nhà nước dành phần ngân sách để bảo đảm thực hiện các chế độ này.
Pháp luật đã quy định mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với người có công với cách mạng. Với cách tính mức trợ cấp, phụ cấp dựa trên cơ sở mức chuẩn này giúp cho mức trợ cấp, phụ cấp đã tăng cao hơn so với mức sống chung của toàn xã hội và nhu cầu chi dùng của người có công, thể hiện được mục đích đãi ngộ đối với người có công trên cơ sở những thành tích và đóng góp của họ.
Ngoài ra, khắc phục được những bất hợp lí trong mối tương quan giữa các mức trợ cấp của các đối tượng: Người có đóng góp nhiều thì được hưởng mức trợ cấp, phụ cấp cao hơn và ngược lại; người không còn khả năng lao động, sống cô đơn phải đảm bảo mức hưởng trợ cấp cao hơn những người không cùng hoàn cảnh. Mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi áp dụng gồm nhiều loại khác nhau như:
- Trợ cấp hàng tháng: trợ cấp thường xuyên, trợ cấp tiền tuất, phụ cấp hàng tháng, phụ cấp thâm niên, trợ cấp nuôi dưỡng…
- Trợ cấp 1 lần: trợ cấp mai táng, trợ cấp 1 lần khi báo tử, trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, trợ cấp mua sách vở, đồ dùng học tập, hỗ trợ cải thiện nhà ở…
Chế độ ưu đãi về giáo dục đào tạo
Trong điều kiện chiến tranh, những người con của Tổ quốc phải cầm súng ra trân hoặc sớm phải tham gia các hoạt động phục vụ cuộc chiến, do vậy họ không có điều kiện học tập. Vì thế phần lớn những người có công đều có trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ thấp. Đây là một trong những nguyên nhân hạn chế họ trong quá trình hòa nhập cộng đồng, nhất là tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.
Xuất phát từ đặc điểm này mà Đảng và Nhà nước rất chú trọng trong chính sách ưu đãi về giáo dục đào tạo đối với những người có công. Điều 31 Nghị định 54/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 16/2006/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BTC đã quy định chế độ ưu đãi về giáo dục đối với người có công và con của họ.
Theo đó, những người có công là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong kháng chiến, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B được hưởng ưu đãi trong giáo dục đào tạo nếu là học viên, sinh viên đang theo học hệ chính quy tập trung có khóa học từ 1 năm trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dự bị đại học, trường phổ thông trung học nội trú, bán trú.
Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, từ ngày 1/1/195 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945; con của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong kháng chiến; con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; con bị dị dạng, dị tật của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đều được ưu đãi tại các cơ sở giáo dục đào tạo, từ mầm non đến đại học.
Các chế độ ưu đãi bao gồm:
- Trợ cấp 1 lần, trợ cấp hàng tháng và hỗ trợ học phí (nếu có). Không áp dụng với học sinh, sinh viên thuộc diện ưu đãi trong các trường hợp đang học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên hoặc đã hưởng chế độ ưu đãi giáo dục đào tạo, nay tiếp tục học thêm ở cơ sở giáo dục đào tạo khác cùng cấp và trình độ đào tạo hoặc đang học ở nước ngoài.
Chế độ chăm sóc sức khỏe
Phần lớn những người có công với cách mạng sức khỏe đều không tốt do thương tật, bệnh tật, tuổi cao sức yếu. Chính vì vậy, Nhà nước đặc biệt quan tâm sức khỏe cho họ.
Theo quy định tại Điều 30 Nghị định 54/2006/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 17/2006/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BYT, Nhà nước thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng ưu đãi xã hội bằng nhiều hình thức phong phú: Cấp thẻ BHYT; điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại các cơ sở tập trung hoặc điều dưỡng tại gia đình; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cùng các sản phẩm phụ niên theo hạn sử dụng…tùy vào mức độ suy giảm khả năng lao động và công trạng của họ.
Ngoài việc dùng ngân sách để xây dựng các khu điều dưỡng, trung tâm điều dưỡng, chỉnh hình trong phạm vi cả nước, Nhà nước còn phát động phong trào toàn dân chăm sóc sức khỏe người có công. Nhằm đảm bảo sức khỏe cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong cuộc sống hàng ngày.
Chế độ về việc làm và đảm bảo việc làm
Hiện nay, việc làm và đảm bảo việc làm là vấn đề vô cùng nan giải, nhất là với những đối tượng như thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc hóa học, người tham gia kháng chiến các thời kì… Xuất phát từ thực trạng này mà Đảng và Nhà nước đã có những chính sách ưu tiên đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ bằng khả năng của mình, tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống.
Theo quuy định hiện hành, hầu hết các đối tượng là người có công còn sống và thân nhân liệt sĩ đều được ưu đãi về việc làm và giải quyết việc làm. Như: ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển để mở mạng phát triển sản xuất; được vay vốn với lãi suất thấp từ các quỹ giải quyết việc làm của trung ương và địa phương, quỹ giải quyết việc làm cho người tàn tật để tự tạo việc làm và giải quyết thu nhập. Trong sản xuất, kinh doanh được giảm, miễn thuế theo quy định của pháp luật.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho thương binh, bệnh binh còn được Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật vất ban đầu, gồm nhà xưởng, trường lớp, trang thiết bị. Đặc biệt đối với thương binh còn đủ sức khỏe, trình độ còn được tạo điều kiện làm việc trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp.
Chế độ hỗ trợ cải thiện nhà ở
Xuất phát từ thực tế phần lớn những người có công với cách mạng đều khó khăn về nhà ở, chế độ ưu đãi về nhà ở cho người có công thể hiện qua các hình thức như:
- Tặng nhà tình nghĩa cho những người có hoàn cảnh khó khăn, không thể tạo lập được nhà ở mà chưa được thuê nhà của Nhà nước hoặc bị mất nhà do thiên tai, hỏa hoạn. Hỗ trợ kinh phí xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với những người có nhà dột nát, chật chội, không đảm bảo điều kiện sống trung bình. Hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần tiền sử dụng đất…
Chế độ chăm sóc đời sống tinh thần
Thông qua các hình thức như: cấp báo Nhân dân hàng ngày, sinh hoạt văn hóa tinh thần phù hợp với điều kiện nơi cư trú (mời tham dự các cuộc mít tinh trọng thể nhân ngày lễ lớn của dân tộc), được chính quyền địa phương chăm nom, tặng quà. Các chế độ này áp dụng đối với các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Các chế độ ưu đãi xã hội
Như vậy, có thể thấy rằng, pháp luật ưu đãi xã hội hiện hành là một bước tiến vượt bậc trên cơ sở kế thừa những ưu điểm trước đó. Ngoài việc mở rộng đối tượng người có công với cách mạng, các chế độ ưu đãi cũng được điều chỉnh ngày càng toàn diện hơn, mức trợ cấp cao hơn, tạo điều kiện cho người có công với cách mạng được hưởng ưu đãi xứng đáng với những công lao mà họ đã đổ ra vì dân vì nước.
Câu 2: Giải quyết tình huống
Mọi người cũng xem:
Quyền lợi của chị H khi bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về vào ngày 5/12/2017, sau 2 tháng điều trị, suy giảm 52% khả năng lao động: Chị H được hưởng chế độ tai nạn lao động
Căn cứ vào khoản 8 Điều 3 Luật An toàn Vệ sinh Lao động 2015 (LATVSLĐ): “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.” và điểm c khoản 1 Điều 45: “Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;”
Như vậy, việc chị H bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về đã đáp ứng đủ điều kiện để được coi là 1 tai nạn lao động của pháp luật lao động hiện hành. Ngoài yếu tố chính là tai nạn lao động được xác định ở trên, điều kiện để chị H có thể được hưởng chế độ tai nạn lao động theo Điều 45 LATVSLĐ là:
- Có tham gia bảo hiểm xã hội;
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, trường H của chị H là bị suy giảm 52% khả năng lao động;
- Và theo trường hợp của chị H không thuộc các trường hợp được liệt kê tại Điều 40 của LATVSLĐ về các trường hợp người lao động không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động khi bị tai nạn lao động như bị tai nạn do:
a) Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
b) Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
c) Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật
Từ phân tích trên, có thể thấy chị H có đầy đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật hiện hành.
Xác định quyền lợi về chế độ tai nạn lao động mà chị H được hưởng:
Chị H được giám định khả năng lao động
Khoản 1 Điều 47 LATVSLĐ quy định:
“1. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;”Chị H ĐƯỢC hưởng bảo hiểm y tế
Điểm d, khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quy định:
“1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:
d) 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 2, điểm k khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 12 của Luật này;”
Trong đó có đối tượng là thân nhân của người có công với cách mạng, trừ các đối tượng là thân nhân của sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân,
Học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an.
Chị H là vợ thương binh, vì vậy chị sẽ được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả 95% các chi phí khoản tiền khám, chữa bệnh trong thời gian 2 tháng điều trị tại bệnh viện. 5% chi phí điều trị còn lại do Trường THCS TC chi trả.

Chị H được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng
Theo đề bài, sau 2 tháng điều trị, chị H được giám định suy giảm 52% khả năng lao động, do đó chị đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định tại điều 49 LATVSLĐ, khoản 1: “Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.”.
Mức trợ cấp hàng tháng mà chị H được hưởng căn cứ theo khoản 2 Điều 49 LATVSLĐ như sau:
“1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp;
Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó”.
- Cụ thể với mức suy giảm 52% KNLĐ:
- 31% đầu tiên = 30% mức lương cơ sở.
- 21% còn lại x 2% mức lương cơ sở = 42% mức lương cơ sở
Do đó với mức suy giảm 52% KNLĐ, chị H được hưởng 30% + 42% = 72% mức lương cơ sở/ tháng, mà theo Nghị Quyết 27/2016/QH14 ngày 11/11/2016, từ ngày 1/7/2017, mức lương cơ sở là 1.300.000đ một tháng. Thế nên, chị H được hưởng 936.000 đồng/tháng (72% x 1.300.000 đồng/tháng).
Bên cạnh đó, chị H còn được hưởng tiền trợ cấp hàng tháng tính theo số năm đóng bảo hiểm theo điểm b của khoản 1 Điều 49. Tuy nhiên, dữ kiện bài không cho biết thời gian đóng bảo hiểm xã hội của chị H là bao lâu. Vì vậy, căn cứ vào quy định:
“b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%,
Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.”
- Nghĩa là:
Gọi số năm chị H đóng BHXH tính đến tháng 12/2017 là N. Ta có:
- 1 năm đầu đóng bảo hiểm = 0,5% mức tiền lương đóng bảo hiểm của tháng 11/2017 (tháng liền kề trước tháng chị H bị tai nạn).
- N – 1 năm tiếp theo x 0,3 = 0,3(N -1)% mức tiền lương đóng bảo hiểm của tháng 11/2017.
- Tổng cộng = 5% + 0,3(N -1)% mức tiền lương đóng BHXH tháng 11/2017 của chị H.
Như vậy, mức trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng mà chị H được hưởng gồm: 72% mức lương cơ sở và 0,5 + 0,3(N – 1)% mức tiền đóng bảo hiểm của tháng 11/2017.
Chị H được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe khi điều trị
Mọi người cũng xem:
Khoản 1, Điều 54 LATVSLĐ quy định: “Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.”
Nghĩa là, sau khi ra viện, trong 30 ngày đầu trở lại làm việc mà chị H vẫn chưa thể hồi phục được sức khỏe thì chị sẽ được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức. Thời gian nghỉ và mức trợ cấp được tính theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 54 LATVSLĐ. Cụ thể như sau:
Về thời gian hưởng, luật quy định:
“2. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;
b) Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%;
c) Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.”
Chị H suy giảm 52% khả năng lao động thuộc trường hợp quy định tại điểm a, vì vậy chị sẽ được nghỉ dưỡng sức tối đa là 10 ngày.
Về mức trợ cấp:
Chị H được hưởng tối đa là 10 x 30% x 1.300.000 đồng = 3.900.000 đồng/10 ngày (30% mức lương cơ sở trên mỗi ngày nghỉ theo quy định tại khoản 3).
Như vậy, chị H sẽ được nghỉ dưỡng sức tối đa là 10 ngày cùng với mức trợ cấp là 3.900.000 đồng.
Quyền lợi của chị H khi nghỉ việc
Mọi người cũng xem:
Chị H không được hưởng chế độ hưu trí
1.1. Điều kiện hưởng lương hưu
Theo Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động nữ được hưởng chế độ hưu trí khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Đủ 55 tuổi, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
- Từ đủ 50 tuổi trở lên, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có tổng thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do BLĐTBXH, Bộ Y tế ban hành và thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu.
- Điều kiện hưởng lương hưu đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật bảo hiểm xã hội, được hướng dẫn cụ thể như sau:
- a) Việc xác định là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn được căn cứ vào thời điểm trước khi nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội;
- b) Thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm là thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 06 tháng thì được lựa chọn đóng một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất để hưởng lương hưu. Người lao động được hưởng lương hưu tại tháng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã đóng đủ bảo hiểm xã hội cho số tháng còn thiếu.
1.2. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động
Theo Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động nữ bị suy giảm khả năng lao động, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% và đảm bảo điều kiện về tuổi đời theo quy định.
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, đủ 45 tuổi.
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do BLĐTBXH, Bộ Y tế ban hành.
Chị H sinh năm 1980, năm 2017, tức là khi 37 tuổi, bị tai nạn lao động suy giảm 52% khả năng lao động. Đối chiếu với các trường hợp trên ta thấy chị H không đủ điều kiện được hưởng chế độ hưu trí.
Chị H được hưởng trợ cấp thất nghiệp
2.1. Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
“1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
– Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn); đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng;
Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định;
Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
– Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
– Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
– Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
– Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
– Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Chết.”
Chị H chấm dứt hợp đồng lao động với trường THCS TC hợp pháp, không được hưởng lương hưu, không được hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định, chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, chị H đủ điều kiện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
- Phân tích các chế độ ưu đãi xã hội
2.2. Mức, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo Điều 59 Luật Việc làm 2013:
“1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do DN quyết định.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.”
Do không biết rõ thời gian làm việc cũng như thời gian đóng BHTN của chị H, nên ta có thể hiểu 1 cách khái quát như sau:
Thời gian mà chị H được hưởng BHTN là:
- Đủ 36 tháng đóng BHTN = 3 tháng trợ cấp.
- Sau đó, chị cứ đóng đủ thêm 12 tháng = 1 tháng trợ cấp. Nhưng thời gian hưởng thêm không được quá 12 tháng.
Mức hưởng trợ cấp BHTN hàng tháng của chị H = 60% x Bình quân tiền lương đóng BHTN 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp của chị H. (không quá 5 lần so với mức lương cơ sở).
Tổng số tiền trợ cấp thất nghiệp mà chị H được hưởng = Mức hưởng trợ cấp BHTN hàng tháng x Thời gian mà chị H được hưởng BHTN.
Ngoài ra, chị H còn được hưởng các chế độ sau:
- Chế độ BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
- Được hỗ trợ chi phí học nghề.
Các chế độ dành cho chồng của chị H
Mọi người cũng xem:
Do đề bài không nêu rõ chồng chị H thuộc loại thương binh nào, vì vậy, theo Điều 20 Văn bản hợp nhất Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, chồng chị H sẽ được hưởng các chế độ sau:
Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng căn cứ vào mức độ suy giảm khả năng lao động và loại thương binh;
Bảo hiểm y tế; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình căn cứ vào thương tật của từng người và khả năng của Nhà nước;
Điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần; trường hợp suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm;
Được ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; được hỗ trợ để theo học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học; căn cứ vào thương tật và trình độ nghề nghiệp được tạo điều kiện làm việc trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động;
Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, vay vốn ưu đãi để sản xuất, được miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật; hỗ trợ về nhà ở.
Trên đây là toàn bộ vấn đề giải đáp thắc mắc của mình về vấn đề: Phân tích các chế độ ưu đãi xã hội đối với người lao động. Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật trực tuyến của Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588 để được hỗ trợ chi tiết.
Trân trọng./.