Câu 1: Phân tích đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Câu 2: Anh C là thương binh bị suy giảm 45% khả năng lao động.
Tháng 1/1995 anh C làm bảo vệ cho công ty X.
Tháng 2/2016, vết thương chiến tranh tái phát, anh phải vào viện điều trị mất 2 tháng. Sau khi ra viện xác định suy giảm 61% khả năng lao động .
Do sức khỏe yếu nên tháng 10/2017 anh C làm đơn xin nghỉ việc. Lúc này anh đã 57 tuổi, thời gian công tác trong lực lượng vũ trang có tham gia bảo hiểm xã hội được chốt sổ là 5 năm
Anh / chị hãy giải quyết quyền lợi cho anh A theo quy định của pháp luật an sinh xã hội hiện hành.
Các từ viết tắt
NLĐ | Người lao động |
NSDLĐ | Người sử dụng lao động |
BHXH | Bảo hiểm xã hội |
BHYT | Bảo hiểm y tế |
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Giáo trình Luật an sinh xã hội – Nhà xuất bản tư pháp
- Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
- Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014
- Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015
- Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật BHXH về bảo hiểm xã hội bắt buộc
- Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm xã hội bắt buộc
- Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/ 2005/ PL- UBTVQH11, đã được sửa đổi bổ sung theo pháp lệnh số 04/ 2012/UBTVQH13
- Nghị định 105/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật BHYT
- Nghị định số 31/2013/NĐ-CP
- Nghị định số 20/2015/NĐ-CP
- Thông tư 46/2016/ TT-BYT

Khái quát về Bảo hiểm xã hội bắt buộc
Mọi người cũng xem:
Khái niệm
Theo khoản 2 Điều 3 Luật BHXH 2014 quy định: Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.
Đặc điểm
Về đối tượng: BHXH bắt buộc được áp dụng với người lao động có thời hạn làm việc ở mức nhất định, thu nhập có tính ổn định, doanh nghiệp sử dụng số lượng lao động nhất định,….
Về mức phí BHXH, trong phạm vi, Đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc các chủ thể có nghĩa vụ hàng tháng phải đóng một khoản tiền nhất định do pháp luật quy định tương ứng với tỷ lệ tiền lương của người lao động cho quỹ BHXH
Đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Mọi người cũng xem:
Đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là người có trách nhiệm đóng phí bảo hiểm cho cơ quan thực hiện BHXH theo quy định của Nhà nước. Trong BHXH, đối tượng tham gia chủ yếu là NLĐ và NSDLĐ. NLĐ tham gia BHXH, đồng thời là người được hưởng bảo hiểm. Ngoài ra, thân nhân của người tham gia BHXH cũng có thể được hưởng trong một sô trường hợp, theo quy định của pháp luật.
Phân tích và bình luận đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Người lao động
Theo khoản 1, 2 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 quy định:
“ 1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ”.
Luật BHXH năm 2006 đã quy định giới hạn Đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội dẫn đến nhiều hạn chế như số người tham gia bảo hiểm y tế còn thấp, chiếm khoảng 80% số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc trên cả nước và chỉ chiếm khoảng 20 % lao động.
Mặt khác một số nhóm đối tượng như NLĐ là người ký kết hợp đồng lao động dưới 3 tháng lại chưa được quy định làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, vừa tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trốn tránh việc tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động bằng cách ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng theo chuỗi.
Hay người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn không thuộc Đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong khi đó đây là diện người có quá trình làm việc tương đối lâu dài tại cơ sở, mặc dù không chuyên trách nhưng họ làm việc làm việc cả ngày, mức phụ cấp lại tùy vào kinh tế từng địa phương.
Có thể thấy, ngoài việc luật hóa một số đối tượng đã được thực hiện ổn định theo các văn bản hướng dẫn Luật BHXH năm 2006 như: học viện quân đội, công an, cơ yếu, đang theo học được hưởng sinh hoạt phí, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương… Luật BHXH năm 2014 khắc phục những thiếu sót của Luật BHXH 2006 mở rộng thêm một số nhóm đối tượng sau:
- NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản tham gia BHXH bắt buộc
- Công dân nước ngoài làm việc tại Việt nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề: Việc bổ sung đối tượng này là phù hợp với quá trình phát triển lao động. Hiện nay một số nước trong khu vực ASEAN đã có quy định hợp tác quốc tế về BHXH, một số nước Đức, Hàn quốc đã đề nghị Việt nam ký kết Hiệp định hợp tác song phương về lĩnh vực BHXH nhằm tạo điều kiện cho NLĐ hai nước được tham gia BHXH khi sang làm việc ở nước kia.
- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Như vậy, đối tượng người lao động tham gia BHXH bắt buộc khá phong phú, chiếm đại đa số người lao động tham gia vào quan hệ xã hội lao động. Đây là đối tượng có thời hạn làm việc ổn định, từ đó có thể tạo một nguồn thu ổn định cho quỹ BHXH bắt buộc.
Người sử dụng lao động
Theo khoản 3 điều 2 Luật BHXH 2014 quy định Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
Một là: cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân;
Hai là: tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác;
Ba là: cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;
Bốn là: doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Việc quy định đối tượng tham gia đóng góp vào quỹ BHXH bắt buộc đa dạng theo quy định pháp luật hiện hành không chỉ thể hiện rõ tính chất xã hội và tương trợ cộng đồng cao cảu quỹ mà còn góp phần phát triển quỹ bảo hiểm.
Quỹ bảo hiểm tạo lập từ sự đóng góp của đông đảo người tham gia sẽ tạo nên nguồn lực tài chính lớn cho quỹ BHXH bắt buộc trong một khoảng thời gian dài, giúp cho việc chi trả được thực hiện một cách kịp thời, đảm bảo giải quyết nhanh chóng nhu cầu bảo hiểm xã hội cho người tham gia.
Hiện nay vấn đề mở rộng Đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội vô cùng cần thiết một mặt nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân, mặt khác góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Giải quyết tình huống
Mọi người cũng xem:
- Một vài lưu ý về anh C:
- Thứ nhất: Anh C là thương binh thuộc đối tượng BHXH bắt buộc
- Thứ hai: Về năm đóng BHXH
Tháng 1/1995, anh C làm bảo vệ cho công ty X, lúc này C thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc vì thế từ 1/1995 đến 10/2017, anh C tham gia BHXH được 22 năm 9 tháng. Tuy nhiên 2/2016, vết thương chiến tranh tái phát, anh phải vào viện điều trị mất 2 tháng, như vậy trong 2 tháng này anh C sẽ không đóng BHXH. Vì thế từ 1/ 1995 đến 10/ 2017, anh C tham gia BHXH được 22 năm 7 tháng
Mặt khác thời gian công tác trong lực lượng vũ trang có tham gia bảo hiểm xã hội được chốt sổ là 5 năm, như vậy tổng thời gian đóng bảo hiểm của anh C là 27 năm 7 tháng
Thứ ba: Theo Thông tư 46/2016/TT-BYT Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, thì di chứng do vết thương sau chiến tranh của C thuộc loại bệnh cần chữa trị dài ngày
Quyền lợi của anh C là thương binh , suy giảm 45% khả năng lao động
Theo điều 20 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11, đã được sửa đổi, bổ sung theo pháp lệnh số 04/2012/ UBTVQH13 thì anh C có những quyền lợi sau:
Một là: Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng căn cứ vào mức độ suy giảm khả năng lao động và loại thương binh;
Theo phụ lục II Nghị định 20/2015/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng thì anh C bị suy giảm 45% Khả năng lao động sẽ được hưởng mức trợ cấp = 1.901.000 đồng/ tháng
Hai là : Bảo hiểm y tế; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình căn cứ vào thương tật của từng người và khả năng của Nhà nước.
Ba là : Điều dưỡng phục hồi sức khỏe 2 năm một lần,
Bốn là : Được hưởng chế độ ưu tiên, hỗ trợ quy định tại khoản 5 Điều 4 của pháp lệnh 26/2015 đó là được ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm, được hỗ trợ để học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học.
Ngoài ra, còn căn cứ vào thương tật và trình độ nghề nghiệp được tạo điều kiện làm việc trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động.
Năm là : Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, vay vốn ưu đãi để sản xuất, được miễn hoặc giảm thuế, miễn nghĩa vụ lao động công ích theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào hoàn cảnh của từng người, khả năng của Nhà nước và địa phương.
Quyền lợi của C vào tháng 2/2016, vết thương chiến tranh tái phát, anh phải vào viện điều trị mất 2 tháng. Sau khi ra viện xác định suy giảm 61% khả năng lao động
- Hưởng BHYT
- Điều kiện hưởng:
Theo điểm d, khoản 3 Điều 12 Luật BHYT năm 2008 quy định đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là “người có công với cách mạng, cựu chiến binh” . Như vậy, trong trường hợp này, anh C là thương binh thuộc đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế.
- Mức hưởng
Theo điểm a, khoản 1 Điều 22 Luật BHYT 2008 quy định mức hưởng bảo hiểm y tế như sau:
“ Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng như sau:
a, 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các khoản 2, 9 và 17 Điều 12 của Luật này”

Đồng thời, Điều 4 Nghị định số 105/ 2014/ NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định về Mức hưởng bảo hiểm y tế đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 7 Điều 22 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế, cụ thể:
“1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các Điều 26, 27 và Điều 28 của Luật Bảo hiểm y tế và Khoản 4, Khoản 5 Điều 22 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:
a) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các Điểm d, e, g, h và Điểm i Khoản 3 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế;
b) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát; trẻ em dưới 6 tuổi”
Như vậy. khi tháng 2/2016, vết thương chiến tranh tái phát, anh C phải vào viện điều trị mất 2 tháng. Sau khi ra viện xác định suy giảm 61% khả năng lao động, anh C sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật ,…
Hưởng chế độ ốm đau
- Điều kiện hưởng:
Căn cứ khoản 1 Điều 25 Luật BHXH 2014 thì anh C đủ điều kiện được hưởng chế độ ốm đau:
“ Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.”
- Về Thời gian hưởng:
Như đã phân tích đầu bài, vết thương chiến tranh tái phát thuộc danh mục bệnh chữa trị dài ngày vì thế thời gian hưởng chế độ ốm đau của anh C căn cứ theo khoản 2 Điều 26 Luật BHXH 2014 cụ thể :
“ Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.”
Như vậy, trong trường hợp trên, thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với anh C tối đa là 180 ngày.
- Về Mức hưởng:
Cụ thể tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 59/ 2015/ TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định:
“Mức hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật bảo hiểm xã hội được tính như sau:
Mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày | = | Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc | x | Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%) | x | Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau |
Trong đó:
a) Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau được tính bằng 75% đối với thời gian hưởng chế độ ốm đau của người lao động trong 180 ngày đầu. Sau khi hưởng hết thời gian 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau cho thời gian tiếp theo được tính như sau:
Bằng 65% nếu người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên;
Bằng 55% nếu người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
Bằng 50% nếu người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.
b) Tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau được tính từ ngày bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau của tháng đó đến ngày trước liền kề của tháng sau liền kề. ..”
Như vậy, trong trường hợp trên, anh C chỉ điều trị trong vòng 2 tháng < 180 ngày, vì thế mức hưởng chế độ ốm đau đối với anh C là
Mức hưởng chế độ ốm đau= tiền lương đóng BHXH của tháng 1/2016 * 75% * 2 tháng

- Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau
Theo Điều 29 về Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau quy định:
“1. Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;
b) Tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;
c) Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.
Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.”
Thời gian hưởng: anh C phải nghỉ việc để điều trị vết thương do chiến tranh tái thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày vì thế trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì anh C được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tối đa 10 ngày.
Mức hưởng= 30% * 1.300.000 * 10 ngày = 3.900.000 đồng
Quyền lợi của anh C xin nghỉ việc do sức khỏe yếu vào tháng 10/2017
- Hưởng chế độ hưu trí
- Về điều kiện hưởng:
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 55 Luật BHXH quy đinh Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động như sau:
“ 1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;…”
Trong tình huống trên, tháng 10/2017 anh C làm đơn xin nghỉ việc, khi đó Anh C đã 57 tuổi (đủ 52 tuổi), suy giảm 61 % khả năng lao động, có 27 năm 7 tháng tham gia BHXH.
Như vậy, trên cơ sở điều 55 thì anh C đã đáp ứng cả 3 điều kiện để được hưởng lương hưu đó là tuổi nghỉ hưu, thời gian đóng bảo hiểm và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.
- Về mức hưởng:
Theo khoản 1 và khoản 3 Điều 56 quy định mức lương hàng tháng như sau:
“ 1.Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.”
Theo khoản 2 Điều 17 Thông tư 59/ 2015 quy định:
“Khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu trường hợp thời gian đóng đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm; từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.”
Trong trường hợp trên, số năm đóng BHXH của anh C là 27 năm 7 tháng, số tháng lẻ là 7 tháng được tính là 1 năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của ông G là 28 năm.
15 năm đầu tham gia bảo hiểm xã hội được tính bằng 45%
Từ năm thứ 16 đến năm thứ 28 là 13 năm, tính thêm 13 * 2%= 26%
Tổng các tỷ lệ trên là 71 %
Anh C nghỉ hưu trước tuổi 60 theo quy định là 3 năm nên tỷ lệ hưởng lương hưu tính giảm 3 * 2% = 6%
Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hàng tháng của anh C là 71% – 6% = 65% bình quân tiền lương.
Ngoài ra anh C được hưởng bảo hiểm y tế do bảo hiểm xã hội đài thọ
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Phân tích và bình luận về đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.
Trân trọng./.