Phân tích cách tính Lãi trong hợp đồng vay tài sản theo BLDS 2015

Phân tích cách tính Lãi trong hợp đồng vay tài sản theo BLDS 2015

      Chính sách lãi suất là một công cụ của chính sách tiền tệ, quá trình hoàn thiện cơ chế điều hành lãi suất trong từng thời kỳ luôn phải đảm bảo mục tiêu bao trùm của chính sách tiền tệ là ổn định tiền tệ, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Song, với thực trạng nền kinh tế đang phải đối mặt cùng với những bất cập của thị trường tiền tệ thì áp dụng cơ chế kiểm soát lãi suất trực tiếp là cần thiết và từng bước tạo dựng những điều kiện cần thiết để tự do hóa lãi suất. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng và các quan hệ dân sự khác trong xã hội phát triển lành mạnh; đồng thời khắc phục những tồn tại áp dụng quy định lãi suất trong công tác xét xử của ngành tòa án hiện nay thì việc hiểu rõ một số quy định trong BLDS năm 2015 về Lãi suất là một vấn đề cấp thiết. Chính vì thế, em xin chọn chủ đề “Phân tích cách tính lãi trong hợp đồng vay tài sản theo BLDS 2015” để làm đề tài cho Bài tập lớn Học kì của mình.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam II/ NXB Công an nhân dân 2015
  • Bộ luật Dân sự 2005, Bộ luật Dân sự 2015
  • Hướng dẫn môn học Luật Dân sự Tập 2, NXB Tư Pháp, PGS.TS Phạm Văn Tuyết

Những vấn đề cơ bản trong hợp đồng vay tài sản

Khái niệm về hợp đồng vay tài sản

       “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.” – Điều 463 BLDS 2015

Đặc điểm pháp lý của hợp đồng vay tài sản

      Là hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu tài sản một cách tạm thời: Bên vay được toàn quyền quyết định tài sản vay như một chủ sở hữu đối với tài sản đó để thực hiện mục đích vay nhưng chỉ trong một thời gian nhất định. Hết thời hạn đó, bên vay phải trả lại tài sản cho bên vay.

      Có thể là hợp đồng đề bù hoặc không đền bù: Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng có đền bù nếu các bên có thỏa thuận về lãi, là hợp đồng không có đền bù nếu vay không có lãi.

      Là hợp đồng song vụ hoặc đơn vụ:

     Là hợp đồng song vụ nếu có hiệu lực kể từ thời điểm bên sau cùng kí vào văn bản của hợp đồng, vì hợp đồng bên cho vay có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vay theo đúng thỏa thuận, bên vay phải trả nợ khi đến hạn.

      Là hợp đồng đơn vụ nếu thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được các bên thỏa thuận là thời điểm bên cho vay đã chuyển giao tài sản cho bên vay, vì khi hợp đồng vay có hiệu lực thì bên cho vay không còn nghĩa vụ đối với bên vay.

Bản chất của hợp đồng vay tiền

      Bản chất của hợp đồng vay tiền là sự thỏa thuận của ít nhất hai bên tham gia giao kết hợp đồng, được thể hiện chủ yếu ở nghĩa vu ̣trả nợ của bên vay. Pháp luật của các quốc gia trên thế giới đều khẳng định sự thỏa thuận là yếu tố cốt lõi của hợp đồng. Với tính chất là hợp đồng đơn vụ và thực tế, thì trong hầu hết các trường hợp, tương ứng với thời điểm xác lập hợp đồng, bên cho vay đã đồng thời chuyển giao tài sản vay cho bên vay làm chủ sở hữu, còn bên vay chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn hợp đồng. Điều này đã dẫn đến quy định khá chặt chẽ của pháp luật về nghĩa vụ trả nợ của bên vay. Trước hết, nghĩa vụ trả nợ của bên vay được quy định gắn với đối tượng của nghĩa vụ theo sự tương đồng giữa đối tượng đã vay và đối tượng trả nợ. Quan niệm “vay gì trả nấy ” trong dân gian được thể hiện tối đa tại khoản 1 Điều 466 BLDS 2015 về nghĩa vụ trả nợ của bên vay. Để bảo đảm lợi ích của bên cho vay, bên vay phải trả nợ bằng tiền nếu tài sản đã vay là một khoản tiền, trường hợp̣ tài sản vay không phải là tiền thì bên vay phải trả nợ bằng vật cùng loại số lượng, chất lượng, và tương đồng giá trị đúng với vật đã vay. Bên vay cũng có thể vay tiền – trả bằng vật hoặc vay vật – trả bằng tiền nếu được sự đồng ý của bên cho vay hoặc tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên khi xác lập hợp đồng. Nếu bên vay đã vay vật nhưng trả bằng tiền thì khoản tiền này chính là trị giá của vật đã vay được tính tại địa điểm trả nợ và thời điểm trả nợ.

Nghĩa vụ trả lãi và những quy định của pháp luật về lãi suất

Nghĩa vụ của bên vay trong hợp đồng vay tài sản

      Trả nợ đủ và đúng thời hạn như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu tài sản vay là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Nếu bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

      Việc trả nợ phải thực hiện tại nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp các bên có thoả thuận về địa điểm trả nợ là ở một nơi khác. Nếu trước thời hạn trả nợ mà bên cho vay đã chuyển địa điểm cư trú, trụ sở đến nơi khác và đã kịp thời thông báo trước cho bên vay, thì bên vay phải trả nợ tại địa điểm mới của bên cho vay. Mọi chi phí cần thiết trong việc trả nợ tại địa điểm mới, bên cho vay phải chịu.

      Khi hết hạn hợp đồng, bên vay phải tư giác thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình phát sinh từ hợp đồng đã kí kết. Phải trả đủ tiền hoặc tài sản đã vay và tiền lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Nếu đối tượng hợp đồng là tài sản thì phải trả bằng tài sản cùng loại. Nếu hợp đồng cho vay không kì hạn, khi bên cho vay yêu cầu trả nợ thì phải thực hiện hợp đồng trong thời gian thỏa thuận. Bên vay cũng có thể thực hiện hợp đồng bất cứ thời gian nào. Thời điểm này được coi là thời điểm chấm dứt hợp đồng được coi là thời điểm chấm dứt hợp đồng cho vay không kì hạn. Trường hợp các bên có thỏa thuận về mục đích vay, bên cho vay có quyền kiểm tra bên vay có thực hiện đúng mục đích vay không, nếu không đúng, bên cho vay có quyền hủy hợp đồng (Điều 467 BLDS). Nếu hợp đồng có kì hạn mà bên vay trả nợ trước thời hạn thì phải trả toàn bộ nợ gốc và lãi theo thời hạn vay trừ TH có thỏa thuận khác (khoản 2 điều 470).

      Trong trường hợp vay không có lãi mà bên vay không trả được nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả do quá hạn theo lãi suất quy định tại K2 Điều 468 – BLDS tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận.

      Trong trường hợp vay có lãi, mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất quy định tại K2 Điều 468-BLDS tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Lãi suất và những quy định của pháp luật về lãi suất

      Lãi suất

      Lãi suất là tỷ lệ phần trăm nhất định tính trên tổng số tài sản vay và kỳ hạn vay mà bên vay phải trả cho bên cho vay thêm vào cùng với số tiền hoặc vật đã vay. Nói cách khác, lãi suất chính là khoản tiền hoặc lợi ích vật chất khác mà bên vay phải trả thêm ngoài số tiền hoặc vật đã vay để có thể sử dụng tài sản vay của bên cho vay. Đây có thể xem là sự “tăng trưởng tự nhiên của tài sản”. Nó chính là “giá cả” trong hợp đồng vay tài sản có đền bù hay có lấy lãi. Thông thường, lãi suất được tính theo đơn vị thời gian là tháng, nhưng cũng không ít trường hợp nó có thể được tính theo ngày, tuần, năm, mùa, vụ tùy theo thỏa thuận của các bên hoặc theo luật định. Căn cứ vào lãi suất, số tiền vay và thời gian vay mà người ta tính được khoản lãi mà các bên vay phải trả cho bên cho vay. Cụ thể: Lãi = giá trị tài sản vay x lãi suất x thời gian vay.

      Đặc điểm của lãi suất:

  • Lãi suất được phát sinh chủ yếu trong các hợp đồng vay tài sản: lãi suất có thể xuất hiện trong các hợp đồng đầu tư, cho thuê tài chính hoặc các hợp đồng khác và là cơ sở để tĩnh lãi. Tuy nhiên, lãi suất chủ yếu vẫn được tồn tại trong các hợp đồng vay bởi lẽ trong hợp đồng vay bên vay chỉ phải trả lại tài sản vay sau một thời hạn nhất định do đó phải có một tỉ lệ xác định để tính lãi tương ứng với thời hạn vay. Hơn nữa, nếu trong các hợp đồng khác như thuê tài chính, đầu tư thì cơ sở để tính lãi còn dựa trên nhiều yếu tố khác như chi phí bỏ ra, công sức đóng góp… còn trong hợp đồng vay thì cơ sở để tính lãi chủ yếu vẫn là lãi suất do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định.
  • Lãi suất không được phát sinh một cách độc lập, nó chỉ phát sinh do thoả thuận của các bên sau khi đã thoả thuận được số vay gốc: Bản chất của lãi suất là một tỉ lệ nhất định mà bên vay phải trả cho bên cho vay dựa vào số tiền vay gốc trong một thời hạn nhất định. Do đó, sẽ không thể có tỉ lệ đó nếu như không tồn tại số tiền gốc mà các bên thoả thuận được trong hợp đồng vay tài sản.
  • Lãi suất được tính dựa trên số vay gốc và thời hạn vay (thời gian vay): Như đã phân tích ở trên, lãi suất tỉ lệ thuận với vốn gốc và thời hạn vay. Do đó, tương ứng với số nợ gốc nhiều hay ít, thời hạn vay dài hay ngắn mà các bên có thể thoả thuận mức lãi suất cho phù hợp

      Quy định của pháp luật về lãi suất

      Có thể thấy Nhà nước không phải lúc nào cũng kiểm soát được hết mọi quan hệ pháp luật cho nên có tình trạng nhiều vi phạm pháp luật nằm ngoài vòng kiểm soát của pháp luật. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi các văn bản pháp luật của nước ta còn thiếu cụ thể, tính khả thi không cao, hơn nữa luật nước ta là luật khung, muốn thi hành được trên thực tế phải có Nghị định hướng dẫn thi hành. Vấn đề lãi suất trong hợp đồng vay cũng rơi vào tình trạng này. Trong BLDS 2015 chỉ quy định duy nhất một điều về lãi suất một cách trực tiếp là Điều 468 BLDS 2015:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”

Phân tích cách tính lãi trong hợp đồng vay tài sản theo BLDS 2015

      Đây cũng là điểm mới so với Bộ luật Dân sự năm 2005 (Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định các trường hợp trên các bên đều chỉ căn cứ vào lãi suất của Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm tương ứng, quy định này vô hình chung làm hạn chế quyền thỏa thuận của các bên trong hợp đồng). Như vậy ta có thể thấy Bộ luật Dân sự 2015 đã có nhiều quy định mới theo hướng linh hoạt, mở rộng quyền năng cho các chủ thể trong quan hệ dân sự, từ đó thúc đẩy các chủ thể này tham gia tích cực hơn vào các quan hệ này.

Phân tích cách tính lãi trong hợp đồng vay tài sản theo BLDS 2015

Về mức lãi suất

      Tại K1 Đ468 – BLDS 2015 có quy định về mức lãi suất, theo đó:

“Lãi suất vay do các bên thỏa thuận: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

      Quy định tại Điều 468 BLDS năm 2015 là một trong những thay đổi quan trọng và được đánh giá là có thể hạn chế được những bất cập trong việc áp dụng quy định về lãi suất theo BLDS năm 2005. Theo đó, lãi suất vay là do chính các bên thỏa thuận, nếu vay có lãi thì lãi xuất thỏa thuận không được quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, không như cách tính lãi suất thỏa thuận theo mức tham chiếu là lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước được quy định tại khoản 1 Điều 476 BLDS năm 2005 “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.”. Việc quy định tăng mức lãi suất nêu trên có nhiều thuận lợi như: đảm bảo được tính rõ ràng, minh bạch, dễ áp dụng; các bên tham gia giao dịch vay tài sản có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi ký xác lập và thực hiện hợp đồng; mức lãi suất tăng so với quy định của luật cũ không quá cao và tương đối phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay. Ngoài ra, quy định nêu trên còn hạn chế được tình trạng cho vay lãi nặng.

      So sánh về Lãi suất được quy định trong BLDS 2015 thì đây là một điểm bổ sung hết sức cần thiết có trong BLDS 2015 khi đã quy định cụ thể cách thức giải quyết trong trường hợp các bên thỏa thuận vượt quá giới hạn lãi suất luật định: trường hợp lãi thỏa thuận vượt quá lãi giới hạn được quy định tại K1Đ468 – BLDS 2015 thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

      Tuy nhiên với quy định này, vấn đề đặt ra làm thế nào để xác định chính xác khoản tiền vay tại từng thời điểm trong trường hợp bên cho vay liên tục nhập các khoản lãi suất vào nợ gốc và yêu cầu bên vay phải trả lãi trên toàn bộ số nợ đó. Khi đó, việc áp dụng lãi suất 20%/năm cho khoản vay vào thời điểm nào mới là phù hợp và số tiền nào được gọi là khoản tiền vay? Mặt khác, theo quy định trên đối với những trường hợp vay nào thì sẽ áp dụng quy định lãi suất tại BLDS năm 2015, trường hợp vay nào thì áp dụng luật khác có liên quan thì cũng phải chờ có các văn bản hướng dẫn cụ thể.

Về trường hợp không rõ về lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất

      Trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất theo quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS 2015. Theo quy định này mức lãi suất trong trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp sẽ là 10%/ năm (tức 0,83%/tháng). Quy định này là hoàn toàn hợp lý vì đối với trường hợp vay không có lãi, người cho vay không thu được bất kì lợi ích vật chất nào từ hợp đồng mà việc cho vay này hoàn toàn dựa trên sự tương trợ, giúp đỡ của bên cho vay đối với bên vay.

      So với quy định tại K2 Điều 468 – BLDS năm 2005 thì trường hợp không rõ về lãi suất hoặc các bên đương sự có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Theo quy định này thì mức lãi suất có tranh chấp là 0,75%/01 tháng. Như vậy, mức lãi suất trong trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất theo quy định của BLDS năm 2015 không phụ thuộc vào lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước và mức lãi lớn hơn so với quy định của BLDS năm 2005; đồng thời có sự rõ ràng, tạo điều kiện cho các bên trong hợp đồng cũng như tòa án trong việc thống nhất áp dụng luật.

Về thực hiện nghĩa vụ trả nợ quá hạn

      Trường hợp vay không có lãi quá hạn:

      Theo quy định tại khoản 4 Điều 466 BLDS năm 2015 về trường hợp vay không lãi. Nếu quá hạn vay, người vay phải chịu mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của BLDS 2015 (tức là bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại K1Đ468 BLDS 2015), trừ có thỏa thuận khác. Trường hợp này mức lãi suất được áp dụng giống như trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất. Theo đó thì mức lãi suất khi vay không có lãi quá hạn là 0,75%/01 tháng.

      Trường hợp vay có lãi quá hạn: 

      Khoản 5 Điều 468 BLDS 2015 có quy định về vấn đề này như sau: “…5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này; b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”

      Bằng quy định này, BLDS 2015 đã quy định bên cạnh tiền gốc thì bên vay có trách nhiệm thanh toán cho bên cho vay các khoản lãi bao gồm: Lãi trên nợ gốc trong thời hạn hợp đồng vay, lãi đối với phần tiền lãi chậm trả trong thời hạn hợp đồng vay, lãi trên nợ gốc quá hạn.

      a) Lãi trên nợ gốc trong thời hạn hợp đồng vay:

      Đây là lãi trên nợ gốc theo thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian vay mà đến hạn chưa trả. Đối với lãi trong hạn, bên vay phải trả tiền lại trên nợ gốc theo đúng lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng (lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác) vay tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn bên vay chưa trả.

      Công thức tính: Lãi trên nợ gốc trong thời hạn hợp đồng vay = (nợ gốc x lãi suất vay theo hợp đồng) x thời hạn hợp đồng vay.

      b) Lãi đối với phần tiền lãi chậm trả trong thời hạn hợp đồng vay:

     Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này…”- K5 Điều 466- BLDS 2015.

      Ngoài việc quy định trả nợ gốc trong hạn như trên, Bộ luật Dân sự năm 2015 còn có thêm một quy định mới về việc trả nợ lãi tính trên số lãi chậm trả (còn được gọi là lãi nhập gốc để tính lãi tiếp hay lãi mẹ đẻ lãi con). Cụ thể điểm a, khoản 5, điều 466, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, lãi suất chậm trả đối với số tiền lãi được chốt cứng là 10%/năm (tức 0,83%/01 tháng) tương ứng với thời gian vay.

      Công thức tính: Lãi đối với phần tiền lãi chậm trả trong thời hạn hợp đồng vay = [(nợ gốc x lãi suất vay theo hợp đồng) x thời hạn vay] x 0.83 x thời gian chậm trả

      Trước đây, vì Bộ luật Dân sự năm 2005 không quy định rõ, nên thường không được tòa án và trọng tài chấp nhận yêu cầu tính lãi chậm trả đối với khoản tiền lãi này. Lãi suất áp dụng đối với các khoản vay quá hạn theo quy định tại khoản 5 Điều 474 BLDS 2005 thì tối đa chỉ bằng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Qua đó cho thấy, quy định về lãi suất của Bộ luật Dân sự không phù hợp với nguyên tắc trên thị trường tín dụng là các khoản vay quá hạn phải bị phạt với lãi suất cao hơn so với các khoản vay trong hạn (Do lãi suất thỏa thuận giữa các bên thường cao hơn lãi suất cơ bản của ngân hàng). Do đó, nếu các tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cơ bản thì khách hàng vay sẽ có xu hướng chậm trả nợ vay ngân hàng để hưởng mức lãi suất nợ quá hạn thấp hơn so với lãi suất vay trong hạn và điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tín dụng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015 đã tăng thêm một gánh nặng đối với người vay vốn, khi không có khả năng trả nợ đối với các khoản vay lãi suất cao, thì sẽ phải trả lãi suất quá hạn rất cao, nhất là cả khoản lãi chồng lên lãi.

      c) Lãi trên nợ gốc quá hạn:

      Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đây là trường hợp đến hạn trả nợ nhưng bên vay không trả đúng hạn cho bên vay. Trong trường hợp này, bên vay phải trả lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả.

      Công thức tính: Lãi trên nợ gốc quá hạn = nợ gốc x (150% x lãi suất vay theo hợp đồng) x thời gian quá hạn

      So sánh về vấn đề này trong bộ luật dân sự 2005, Bộ luật mới đã bổ sung thêm khoản lãi trên nợ gốc chậm trả là hoàn toàn phù hợp, thúc đẩy trách nhiệm trả nợ đúng hạn đối với bên vay.

Tình huống về hợp đồng vay tài sản

      Tình huống: Ngày 10/3/2016, ông A có đưa cho chị B vay số tiền là 40.000.000 đồng. Kỳ hạn vay 01 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay tài sản. Lãi suất vay do 02 bên tự thỏa thuận. Mục đích vay kinh doanh. Địa điểm, phương thức trả nợ do 02 bên thỏa thuận. Hợp đồng vay tài sản đã được Văn phòng Công chứng P chứng nhận ngày 10/3/2016. Sau đó, anh A và chị B đã thỏa thuận lãi suất là 01 % trên tháng, tức mỗi tháng chị B trả cho anh A tiền lãi 400.000 đ/tháng. Chị B có trả lãi cho anh A được có 06 tháng (tháng 4, 5, 6, 7, 8, 9 năm 2016) rồi ngưng trả lãi, cũng không trả vốn lại cho anh A, mặc dù kỳ hạn vay đã hết vào ngày 10/3/2017. Nay anh A yêu cầu chị B trả lại cho anh A số tiền vốn vay là 40.000.000 đồng, cộng với tiền lãi suất theo quy định của pháp luật, tạm tính là 1% trên tháng tức 400.000 đ/tháng tính từ ngày 10/10/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm và thực hiện khi án có hiệu lực pháp luật.Trong  ngày 14 tháng 6 năm 2017 lúc 9 giờ tại trụ sở Tòa án nhân dân thị xã G xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 33 /2017/TLST-DS ngày 05 tháng 4 năm 2017 về việc Tranh chấp “Hợp đồng vay tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 47/2017/QĐST-DS ngày 18 tháng 5 năm 2017, giữa các đương sự. Vậy số tiền chị B còn phải trả anh A là bao nhiêu theo BLDS 2015?

Giải quyết tình huống

      Căn cứ: Điều 466 BLDS 2015 về Nghĩa vụ trả nợ của bên vay; Điều 468 BLDS 2015 về Lãi suất  => Áp dụng đối với tình huống trên:

      Hợp đồng vay tài sản giữa chị B và anh A là hoàn toàn tự nguyện, nội dung hợp đồng đúng theo quy định của pháp luật và được công chứng tại văn phòng P nên ta coi như hợp đồng có hiệu lực.

      Trường hợp vay tài sản của chị B và anh A là trường hợp vay có lãi (1%/tháng) và là hợp đồng có thời hạn (1 năm). Tuy nhiên, chị B không hoàn thành nghĩa vụ của hợp đồng đó là khi đến hạn vay, chị không trả vốn và lãi của các tháng 10, 11, 12, 1, 2, 3 cho anh A. Căn cứ K5 Đ466 BLDS 2015 về nghĩa vụ trả nợ của bên vay, Điều 468 BLDS 2015 về Lãi suất thì chị B phải trả cho anh A các khoản nợ bao gồm: tiền gốc, tiền lãi trong hạn, tiền lãi đối với lãi trong hạn chậm trả và tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chậm trả. Cụ thể như sau:

      Tiền gốc: 40.000.000 đồng

      Tiền lãi trong hạn với mức lãi suất 1%/ tháng và số tháng chưa trả lãi là 06. Vậy số tiền lãi trong hạn phải trả = 40.000.000 x 1% x 6 (tháng) = 2.400.000 đồng.

      Tiền lãi trong hạn khi chậm trả: Đây là số tiền lãi chị B phải thanh toán do chậm trả lãi của 06 tháng với thời gian chậm trả từ 10/03/2017 đến 14/06/2017 (tức 97 ngày). Theo đó, mức lãi này bằng 50% của mức lãi suất 20%/năm (tức 0,83%/ tháng). Vậy số tiền lãi trong hạn khi chậm trả = 2.400.000 x 97 (ngày) x (0,83% :30) = 64.666 đồng.

      Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chậm trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng (lãi theo hợp đồng là 1%/ tháng) tương ứng với thời gian chậm trả (97 ngày). Vậy tiền lãi trên nợ gốc chậm trả mà chị B phải thanh toán = 40.000.000 đồng x 150% x (1% : 30) x 97 (ngày) = 1.940.000 đồng

      Kết luận: Vậy số tiền tổng cộng chị B phải thanh toán cho anh A là:

             40.000.000 + 2.400.000 + 64.408 + 1.940.000 = 44.404.666 đồng

      Như vậy, ta có thể thấy Bộ luật dân sự năm 2015 đã có nhiều quy định mới về phần lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, những quy định mới này theo hướng tăng mức lãi suất thỏa thuận và lãi suất phạt do chậm hoặc không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, điều này sẽ góp phần tạo cơ chế về lãi suất để nhằm thúc đẩy bên vay thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ, bảo đảm sự tuân thủ và kỷ luật hợp đồng trong giao dịch dân sự; bảo đảm hài hòa với mục đích quy định lãi suất là một trong những công cụ để điều tiết nền kinh tế, đặc biệt đối với thị trường vốn, tiền tệ và các mục đích kinh tế, xã hội khác. Đồng thời, đây là quy định mới theo hướng linh hoạt, mở rộng quyền năng cho các chủ thể trong quan hệ dân sự, từ đó thúc đẩy các chủ thể này tham gia tích cực hơn vào các quan hệ này. Ngoài ra, việc xác định mức lãi suất cao nhất trong giao dịch vay tài sản mà Bộ luật dân sự năm 2015 cho phép còn có ý nghĩa trong lĩnh vực hình sự vì yếu tố cấu thành cơ bản đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015 (vừa được Quốc Hội quyết định lùi thời hạn có hiệu lực) phải dựa trên quy định về mức lãi suất của Bộ luật dân sự.


       Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Phân tích cách tính lãi trong hợp đồng vay tài sản theo BLDS 2015. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

       Trân trọng ./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top