Phân tích các quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành về nguồn chứng cứ

Phân tích các quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành về nguồn chứng cứ

Việc nghiên cứu chứng cứ nói chung, nguồn chứng cứ nói riêng trong vụ việc dân sự có một ý nghĩa lớn không chỉ về mặt pháp lý, mà còn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất quan trọng. Tuy nhiên, về phương diện lập pháp tố tụng dân sự, khái niệm chứng cứ đã được nhà làm luật nước ta ghi nhận trong Bộ Luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004 và năm 2015 nhưng khái niệm nguồn chứng cứ lại chưa được ghi nhận mà mới đề cập cụ thể đến các loại nguồn chứng cứ.

Nguồn chứng cứ được hiểu là nơi cung cấp những tài liệu quan trọng để rút ra được những chứng cứ có giá trị chứng minh sự thật khách quan của vụ án. Nếu không tìm được nguồn chứng cứ sẽ không thể có chứng cứ để chứng minh, làm sáng tỏ vụ việc, kéo theo hậu quả là các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đưa ra những kết luận không đúng, không chính xác và không đầy đủ đối với vụ việc dân sự.

Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Phân tích các quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành về nguồn chứng cứ”


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Giáo trình Luật tố tụng dân sự
  • Bình luận BLTTDS 2015
  • Bộ Luật TTDS 2004
  • Bộ Luật TTDS 2015

Một số vấn đề lí luận về nguồn chứng cứ

Khái niệm nguồn chứng cứ

Nguồn là nơi bắt đầu, nơi phát sinh ra hoặc nơi có thể cung cấp hay rút ra cái gì, điều gì. Do đó, nguồn chứng cứ được hiểu là nơi chứa đựng chứng cứ. Từ các nguồn chứng cứ, các chủ thể có thể rút ra các chứng cứ cần thiết để sử dụng vào việc tìm ra sự thật vụ án và đưa ra quyết định đúng đắn để giải quyết vụ việc dân sự.

Như vậy có thể hiểu khái niệm nguồn chứng cứ như sau: “Nguồn chứng cứ trong tố tụng dân sự được hiểu là nơi chứa đựng những thông tin tồn tại một cách khách quan, có liên quan đến vụ việc dân sự, được các chủ thể có thẩm quyền thu thập theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tính hợp pháp của chứng cứ đối với mỗi vụ việc cụ thể, nhằm giúp giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự”.

Mối quan hệ giữa chứng cứ và nguồn chứng cứ

Chứng cứ và nguồn chứng cứ là hai mặt không thể tách rời. Chứng cứ bắt buộc phải được rút ra từ một trong những nguồn và thu thập bằng biện pháp do pháp luật quy định. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các chủ thể chứng minh phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về chứng cứ.

Đối với những thông tin không được rút ra từ các nguồn do pháp luật quy định, không được thu thập, nghiên cứu, đánh giá và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật thì không được coi là chứng cứ, không được sử dụng để giải quyết vụ việc dân sự.

Nguồn chứng cứ là nguồn được thu nhập, cung cấp theo trình tự pháp luật quy định và được liệt kê tại điều 94 BLTTDS 2015. Nếu không có nguồn chứng cứ sẽ không có chứng cứ giải thích, làm sáng tỏ các tình tiết và diễn biến của vụ án, kéo theo hậu quả là các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đưa ra những kết luận không đúng, không chính xác và không đầy đủ để giải quyết vụ việc dân sự.

Bất kỳ loại chứng cứ nào cũng nằm trong nguồn chứng cứ nhất định, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là mọi nguồn chứng cứ thu thập được thì trong đó sẽ chứa đựng chứng cứ. Do vậy, không thể đồng nhất khái niệm “nguồn chứng cứ” với “chứng cứ”.

Quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành về nguồn chứng cứ

Lý luận về chứng cứ đã chỉ ra rằng, các chứng cứ của vụ việc dân sự có thể được phản ánh thông qua ý thức của con người hoặc các sự vật, tài liệu nhất định. Như vậy, phải thông qua con người, sự vật, tài liệu, Tòa án và những người tham gia tố tụng mới có thể thu thập, nghiên cứu, đánh giá, sử dụng được chứng cứ. Con người, sự vật, tài liệu chứa đựng các thông tin vê vụ việc dân sự (chứng cứ) được gọi là nguồn chứng cứ.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 94 BLTTDS 2015 thì nguồn chứng cứ bao gồm:

  • Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử; Vật chứng; Lời khai của đương sự; Lời khai của người làm chứng; Kết luận giám định; Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ; Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập; Văn bản công chứng, chứng thực; Các nguồn khác mà pháp luật có quy định. Theo quy định tại Điều 95 BLTTDS 2015 và Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP (đã hết hiệu lực, chỉ có giá trị tham khảo) thì chứng cứ được xác định trên cơ sở các nguồn chứng cứ này như sau:
  • Đối với loại nguồn chứng cứ là tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được khi có chứa đựng chứng cứ của vụ án; nếu là tài liệu đọc được nội dung thì phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền cung cấp, xác nhận; nếu là loại tài liệu nghe được, nhìn được (như băng đĩa ghi âm, ghi hình) thì phải xuất trình được văn bản xác nhạn về xuất xứ của các tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, ghi hình đó; có như vậy thì tài liệu đó mới được coi là có giá tri và được sử dụng làm chứng cứ chứng minh trong vụ án.
Phân tích các quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành về nguồn chứng cứ

Đối với loại nguồn chứng cứ là vật chứng: vật chứng được pháp luật quy định là nguồn chứng cứ vì tồn tại trong chính bản thân nó là chứng cứ của vụ án, nó chỉ chứa đựng chứng cứ chứ nó không phải là chứng cứ.

Ngoài ra các lời khai của đương sự, người làm chứng, kết luận giám định, biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ, kết quả định giá tài sản nếu được tiến hành đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và đảm bảo ba thuộc tính của chứng cứ thì sẽ được coi là chứng cứ và được sử dụng để giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án.

Có thể thấy rằng nguồn chứng cứ được chia ra thành người, vật, tài liệu mang các thông tin về vụ việc dân sự. Việc phân biệt các nguồn chứng cứ có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định giá trị chứng minh của mỗi loại chứng cứ. Thông thường, các chứng cứ được rút ra từ các vật, tài liệu thì việc nghiên cứu, đánh giá không mấy phức tạp vì chúng ít bị chi phối bởi ngoại cảnh.

Đối với những chứng cứ rút ra từ con người như đương sự, người làm chứng việc nghiên cứu, đánh giá và sử dụng chúng rất phức tạp. Nét chung nhất của con người với nghĩa là nguồn chứng cứ bị chi phối rất lớn bởi yếu tố lợi ích, tâm lí, khả năng nhận thức, nhớ và phản ánh lại những gì họ thấy, sự quan tâm của họ với sự kiện,… Tất cả những yếu tố này đều phải tính đến khi nghiên cứu, đánh giá và sử dụng các chứng cứ rút ra từ đương sự, người làm chứng.

So với quy định của BLTTDS năm 2004, thì BLTTDS năm 2015 đã quy định bổ sung 03 loại nguồn chứng cứ mới, đó là:

  • Dữ liệu điện tử; Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập; Văn bản công chứng, chứng thực. Cùng với việc quy định bổ sung như trên, BLTTDS năm 2015 đã không quy định tập quán là một loại nguồn chứng cứ nhằm phù hợp với thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự. Mặc dù BLTTDS năm 2004 cũng như các nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về chứng minh và chứng cứ đã có những quy định hướng dẫn về cách xác định tập quán với tư cách là nguồn chứng cứ, thì việc xác định trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn. Điều này cho thấy, những vấn đề pháp lý và thực tiễn nói chung không phải lúc nào cũng kết hợp hài hòa với nhau. Nhiều trường hợp giữa pháp luật và thực tiễn còn tồn tại những khoảng cách không nhỏ và rất khó để có thể lấp đầy. Để khắc phục điều đó, hiện nay BLTTDS năm 2015 đã không còn coi tập quán là nguồn chứng cứ nữa.

Dữ liệu điện tử: Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Bản thân dữ liệu điện tử thì trước đó cũng đã được xem xét như là các nguồn chứng cứ, đặc biệt trong các hợp đồng mua bán ngoại thương và thực chất nó cũng là tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được mà thôi. Cũng giống như các nguồn chứng cứ khác, dữ liệu điện tử cần phải đảm bảo ba thuộc tính:

Tính khách quan: Dữ liệu điện tử phải chứa đựng những thông tin có thật, tồn tại một cách khách quan. Dữ liệu điện tử phải được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thu thập, bảo quản, đánh giá, sử dụng nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử phải đặc biệt chú ý đến tính xác thực của nó.

Tính liên quan: Dữ liệu điện tử thu được phải có liên quan đến vụ án mới có khả năng làm rõ những vấn đề cần chứng minh và do đó mới được coi là chứng cứ. Tính liên quan của dữ liệu được thể hiện ở nhiều khía cạnh, quá trình hình thành, tồn tại của dữ liệu điện tử phải liên quan đến vụ việc dân sự được Tòa án giải quyết. Nhờ dữ liệu điện tử đó mà Tòa án có thể công nhận hay phủ nhận được tình tiết, sự kiện này hay tình tiết sự kiện khác của vụ việc dân sự hoặc đưa ra tin tức về nó.

Tính hợp pháp: Tính hợp pháp thể hiện ở chỗ chứng cứ phải được phát hiện, thu thập theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Tòa án bằng các biện pháp do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định khi thu thập dữ liệu phải tuân thủ quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn thu thập dữ liệu và khi sử dụng dữ liệu phải chú ý kiểm tra tính hợp pháp của biện pháp thu thập.

Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập: Về bản chất, văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có năng lực lập cũng chỉ là các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được. Điển hình cho loại nguồn chứng cứ này chính là vi bằng do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được sử dụng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Nói theo cách hiểu thực tế thì vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết).

Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước Tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng. Từ khái niệm trên cũng như các quy định hiện hành của pháp luật cho thấy, vi bằng và việc lập vi bằng của Thừa phát lại có một số đặc điểm, yêu cầu sau:

  • Hình thức của vi bằng là văn bản. Văn bản này phải do chính thừa phát lại lập, họ không được ủy quyền hay nhờ người khác lập và ký tên thay mình trên vi bằng;
  • Việc lập vi bằng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung của văn bản;
  • Vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; đó là kết quả của quá trình quan sát trực quan và được phản ánh một cách khách quan, trung thực trong một văn bản do Thừa phát lại lập;
  • Vi bằng do Thừa phát lại lập theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật được xem là chứng cứ và có giá trị chứng minh;
  • Vi bằng có thể được sao chép và được sử dụng làm chứng cứ lâu dài. Việc vào sổ theo dõi, lưu trữ vi bằng phải tuân thủ các quy định về bảo mật và lưu trữ.

Văn bản công chứng, chứng thực: Hiện nay, phần lớn thủ tục, hồ sơ thực hiện các giao dịch dân sự đều sử dụng văn bản công chứng của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Các văn bản công chứng có giá trị xác thực, giá trị pháp lý và độ tin cậy hơn các loại giấy tờ không có chứng nhận xác thực hoặc chỉ trình bày bằng miệng.

Các văn bản công chứng bảo đảm sự an toàn của các giao dịch, tạo nên sự tin tưởng của khách hàng, hạn chế mức thấp nhất các tranh chấp xảy ra. Về phương diện Nhà nước cũng đảm bảo trật tự, kỷ cương, ổn định trong việc quản lý các giao dịch; từ đó cũng góp phần làm giảm đáng kể việc giải quyết tranh chấp luôn là gánh nặng của các cơ quan chức năng và giúp các cơ quan chức năng quản lý tốt hơn các hoạt động giao dịch.

Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về nguồn chứng cứ

Mặc dù đã có bước tiến bộ hơn so với BLTTDS 2004, tuy nhiên BLTTDS vẫn còn một số điểm hạn chế sau:

Thứ nhất, tồn tại nhưng mâu thuẫn trong quy định về chứng cứ và nguồn chứng cứ tại các điều 94 và 95 BLTTDS. Cụ thể:

“Điều 94. Nguồn chứng cứ

Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

  • Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được;
  • Các vật chứng;
  • Lời khai của đương sự;
  • Lời khai của người làm chứng;

Điều 95. Xác định chứng cứ

  • Các tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp xác nhận.
  • Các tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
  • Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.
  • Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên toà.…”

Như vậy, điều 94 liệt kê ra các loại nguồn chứng cứ mà từ đó có thể rút ra chứng cứ, đồng thời phân biệt rõ ràng “chứng cứ” và “nguồn chứng cứ”. Tuy nhiên, điều 95 lại quy định các loại nguồn đó được coi là chứng cứ trong các trường hợp cụ thể, hay nói cách khác là đồng nhất khái niệm “chứng cứ” và “nguồn chứng cứ”. Sự mâu thuẫn này dẫn đến những khó khăn trong việc thực hiện pháp luật. Do vậy, nên thêm từ “nguồn” liền trước các cụm từ “chứng cứ” trong điều 95 để khắc phục hạn chế này.

Thứ hai, việc thu thập chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự hiện chưa có quy định cụ thể, rõ ràng. Vì vậy, để hoạt động này được tiến hành một cách thuận lợi và đạt hiệu quả mong muốn, ngoài việc tuân thủ triệt để các nguyên tắc trong thu thập chứng cứ nói chung, khi tiến hành thu thập chứng cứ điện tử cần quán triệt thêm một số vấn đề như:

  • (i) Không làm thay đổi thông tin được lưu trong máy tính hoặc trong các thiết bị kỹ thuật số;
  • (ii) Khi phải tiếp cận với thông tin gốc được lưu trữ trong máy tính hoặc trong các thiết bị kỹ thuật số thì người tiếp cận phải là những người thành thạo được đào tạo để thực hiện việc thu thập và phục hồi chứng cứ điện tử;
  • (iii) Việc ghi lại dữ liệu (copy) phải được thực hiện đúng quy trình; phải sử dụng các thiết bị và phần mềm được thế giới công nhận và có thể kiểm chứng được. Phải bảo vệ được tính nguyên vẹn của dữ liệu điện tử lưu trong máy;
  • (iv) Tính khách quan, tính nguyên trạng và tính kiểm chứng được của chứng cứ phải được chứng minh trước Tòa. Phải chứng minh được quá trình khôi phục dữ liệu, tìm được chứng cứ; khi cần thiết có thể lặp lại quá trình đi tới kết quả tương tự như trình bày tại Tòa.

Tóm lại, với quy định về chứng cứ, nguồn chứng cứ và xác định chứng cứ trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã được phân tích ở trên cho thấy chứng cứ có vai trò rất quan trọng trong việc tìm ra sự thật khách quan của vụ án và để xác định chứng cứ nào là có thật giúp cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự đòi hỏi người Thẩm phán phải có trình độ nghiệp vụ, kiến thức xã hội và khả năng nhạy bén trong quá trình xác định, thu thập chứng cứ.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Các quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành về nguồn chứng cứ. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top