Quyền dân sự là một quyền năng cơ bản mà pháp luật thừa nhận đối với các chủ thể trong giao lưu dân sự. Để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể, pháp luật có quy định những biện pháp bảo đảm quyền của chủ thể bằng những biện pháp hình sự, hành chính… Nhưng đặc biệt hơn cả trong các biện pháp bảo vệ đó là biện pháp khởi kiện vụ án dân sự theo trình tự tố tụng dân sự. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay cũng đã có những quy định mới về vấn đề khởi kiện VADS. Để tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề này, Luật Quang Huy chọn đề tài: “Phân tích, đánh giá những điểm mới của BLTTDS 2015 về khởi kiện vụ án dân sự”
Danh mục tài liệu tham khảo
- Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam
- Bộ luật TTDS 2015
- Bình luận những điểm mới trong BLTTDS 2015 – PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương
- So sánh BLTTDS 2015 và BLTTDS 2004
Khởi kiện VADS có thể được hiểu dưới góc độ là một quyền tố tụng hoặc 1 hành vi tố tụng. Nếu xét dưới góc độ quyền thì quyền khởi kiện của các chủ thể phải được bảo đảm và thực hiện bởi hệ thống cơ quan tư pháp, trong đó có Tòa án. Tòa án phải tạo điều kiện và bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền khởi kiện của mình. Nếu xét khởi kiện dưới góc độ đó là hành vi tố tụng của chủ thể có quyền lợi hoặc chủ thể được pháp luật trao quyền khởi kiện thì hành vi này cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện, trình tự thủ tục, thời hạn và Tòa án là cơ quan có thẩm quyền xem xét yêu cầu các chủ thể phải thực hiện theo các quy định này.
Bản chất của khởi kiện có thể hiểu là thực hiện quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi khi lợi ích này bị tranh chấp hay vi phạm. Khởi kiện là thực hiện quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn và theo nghĩa rộng thì khởi kiện là thực hiện quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn, quyền và quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do họ đã không thực hiện quyền yêu cầu của mình trước khi nguyên đơn khởi kiện vụ án. BLTTDS 2015 có 17 điều (từ Điều 186 đến Điều 202); trong đó giữ nguyên 2 điều, sửa đổi 15 điều. Nhằm thể chế hóa tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW năm 2005 của Bộ chính trị “Hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý”, BLTTDS 2015 đã sửa đổi với yêu cầu là quy định rõ ràng về quyền khởi kiện, trình tự thủ tục, phương thức nộp đơn khởi kiện; trách nhiệm và thời hạn xem xét thụ lý hoặc không thụ lý đơn khởi kiện của Tòa án. Trong đó những nội dung chủ yếu như sau:
Quyền khởi kiện
Mọi người cũng xem:
Quyền khởi khởi kiện trong TTDS là một trong những quyền tố tụng quan trọng nhắm tới mục đích bảo đảm quyền con người liên quan đến lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động. Quyền khởi kiện trong tố tụng dân sự được hiểu là quyền tự quyết định và định đoạt của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc yêu cầu Tòa án nhân danh quyền lực nhà nước để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình khi có tranh chấp thông qua việc thực hiện hành vi khởi kiện theo quy định của pháp luật TTDS.
Điểm mới mang tính đột phá trong quan điểm lập pháp được thể hiện ở BLTTDS 2015 so với BLTTDS 2004 sửa đổi, bổ sung 2011 về quyền khởi kiện đó là việc thừa nhận cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân được khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề đã được pháp luật quy định và cả những vấn đề chưa được pháp luật quy định. Cơ chế bảo đảm quyền khởi kiện trong BLTTDS 2015 gần như là tuyết đối khi khoản 2 Điều 4 BLTTDS 2015 quy định: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lí do chưa có điều luật để áp dụng.
Về quyền khởi kiện VADS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, BLTTDS 2015 có những thay đổi so với BLTTDS 2004 theo hướng mở rộng phạm vi chủ thể khởi kiện:
Một là, liên quan đến vụ án lao động, quyền khởi kiện bảo vệ lợi ích của người lao động, khoản 2 Điều 162 BLTTDS 2004 sửa đổi, bổ sung 2011 quy định: “Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động do pháp luật quy định”. Sang BLTTDS 2015, tại khoản 2 Điều 187, quy định về chủ thể trong lĩnh vực này thay đổi theo hướng:“Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật”. So với “công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở” trong quy định của luật cũ, tổ chức đại diện tập thể lao động là tổ chức gần gũi hơn với tập thể người lao động, nắm rõ quyền và lợi ích của người lao động nên có điều kiện tốt hơn trong việc khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Ngoài ra, sự thay đổi về chủ thể như trên là để phù hợp với quy định tại BLLĐ 2012, tại khoản 4 Điều 3: “Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở là Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp của cơ sở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở”.
Hai là, liên quan đến việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khoản 3 Điều 187 BLTTDS 2015( trước đây BLTTDS 2004 sửa đổi, bổ sung 2011 không đề cập đến đối tượng này) quy định: “Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dung”. Hiện nay, ngoài hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dung Việt Nam (VINASTAS) đã có 48 Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dung ở 48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Việc bổ sung quy định này là nhằm thống nhất với quy định về người khởi kiện tại Điều 41 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
Đánh giá những điểm mới của BLTTDS 2015 về khởi kiện vụ án dân sựĐánh giá những điểm mới của BLTTDS 2015 về khởi kiện vụ án dân sự
Ba là, liên quan đến hôn nhân và gia đình, khoản 5 Điều 187 BLTTDS 2015 (trước đây BLTTDS 2004 sửa đổi, bổ sung 2011 không đề cập đến đối tượng này) quy định: “Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình”. Các cá nhân có quyền khởi kiện ở đây có thể hiểu là cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết li hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ ( khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 ).
Ngoài ra, hiện nay thời hiệu không còn là một điều kiện để thụ lí vụ án.
Như vậy, việc mở rộng chủ thể thực hiện quyền khởi kiện trong tố tụng dân sự một mặt đảm bảo quyền tiếp cận công lý, tiếp cận Tòa án của mọi chủ thể, tạo cơ hội bình đẳng cho các cá nhân trong việc yêu cẩu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, mặt khác bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành giữa Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Bộ luât lao động 2012, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,… và các văn bản pháp luật khác liên quan đến quyền khởi kiện trong TTDS.
Hình thức khởi kiện và nội dung gửi đơn khởi kiện
Mọi người cũng xem:
Quy định về hình thức khởi kiện trong BLTTDS 2015 được viết lại hoàn toàn theo các mới so với Điều 164 BLTTDS 2004 sửa đổi, bổ sung 2011 trước đây theo hướng rõ ràng và dễ hiểu hơn bằng cách tách bạch cách làm đơn khởi kiện của cá nhân với cách làm đơn khởi kiện của cơ quan tổ chức ( Điều 189 BLTTDS 2015), bởi các chủ thể này có những đặc thù riêng nên cần những hướng dẫn riêng:
Thứ nhất, khoản 2 Điều 189 BLTTDS 2015 quy định cụ thể về việc làm đơn khởi kiện cho từng trường hợp cụ thể
Đối với cá nhân: Nếu cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn cá nhân đó phải kí tên hoặc điểm chỉ. Nếu cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải kí tên hoặc điểm chỉ. Nếu cá nhân thuộc 2 trường hợp trên không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình kí tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải kí xác nhận vào đơn khởi kiện. Còn ở khoản 3 Điều 164 BLTTDS 2004 quy định người làm chứng phải kí xác nhận trước mặt người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận trước mặt người khởi kiện và người làm chứng.
Đối với cơ quan, tổ chức: cơ quan tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan tổ chức và họ tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải kí tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Thứ hai, khoản 4 Điều 189 BLTTDS 2015 quy định chi tiết hơn Điều 164 BLTTDS 2004 về nội dung trong đơn khởi kiện. Bên cạnh việc phải ghi nhận đầy đủ tên, nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người khởi kiện, người bị kiện vầ người liên quan thì bổ sung thêm thông tin về số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử,… Đồng thời cho phép các bên lựa chọn địa chỉ khác với địa chỉ nơi cư trú, làm việc có trụ sở để Tòa án liên hệ. Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người đó… Quy định mới của BLTTDS 2015 tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án trong việc thực hiện thủ tục tống đạt hợp lệ và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong quá trình tố tụng thực hiện liên hệ với Tòa án đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, tuân thủ pháp luật tố tụng dân sự trong thủ tục gửi và tiếp nhận các loại văn bản, giấy tờ tố tụng liên quan đến vụ án.
Thứ ba, về phương thức nộp đơn khởi kiện, ngoài 2 phương thức khởi kiện được quy định tại khoản 1 Điều 166 BLTTDS 2004 là nộp trực tiếp tại Tòa án và gửi đến Tòa án qua bưu điện, khoản 1 Điều 190 BLTTDS 2015 đã bổ sung thêm một phương thức mới là gửi đơn khởi kiện trực tuyến bằng hình thức điện tử thông qua cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, hầu hết các Tòa án đều có website riêng (thường các Tòa án cấp tỉnh đều có website) nên việc bổ sung phương thức trên là phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể khởi kiện. Tuy nhiên, tùy vào phương thức khởi kiện mà ngày khởi kiện cũng được xác định khác nhau. Nếu không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu chính nơi gửi thì ngày khởi kiện là ngày đương sự gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính. Đương sự phải chứng minh ngày gửi đơn của mình tại tổ chức dịch vụ bưu chính, trường hợp đương sự không chứng minh được thì ngày khởi kiện là ngày Tòa án nhận được đơn khởi kiện do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến.
Thủ tục nhận đơn và xử lí đơn khởi kiện
Mọi người cũng xem:
So với Điều 167 BLTTDS 2004 các quy định của BLTTDS 2015 về thủ tục nhận đơn và xử lí đơn khởi kiện có những điểm mới như sau:
Đầu tiên, về thủ tục nhận đơn, BLTTDS 2004 chỉ quy định Tòa án nhận đơn khởi kiện và ghi vào sổ nhận đơn nhưng không quy định thủ tục cấp giấy cho người khởi kiện để xác định việc Tòa án đã nhận đơn khởi kiện của họ. Để khắc phục hạn chế này, khoản 1 Điều 191 BLTTDS 2015 quy định đầy đủ về cách thức, thủ tục Tòa án phải thực hiện khi nhận đơn để đảm bảo quyền lợi cho người khởi kiện. Theo đó, Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn. Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.
Thứ hai, khoản 2 Điều 191 BLTTDS 2015 quy định mới về việc phân công Thẩm phán xem xét và xử lí đơn khởi kiện. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công 1 Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 5 ngày làm viêc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có 1 trong các quyết định sau đây: yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; tiến hành thủ tục thụ lí vu án theo thủ tục thong thường hoặc theo thủ tục rút gọn; chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác; trả lại đơn khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Kết quả xử lí đơn của Thẩm phán phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Tóm lại, qua những đổi mới của BLTTDS 2015 chế định khởi kiện VADS được kế thừa và đánh dấu bước phát triển lập pháp hoàn thiện hơn trong luật. Tuy nhiên, trong thực tế các chủ thể thực hiện quyền khởi kiện gặp rất nhiều khó khăn mà xuất phát từ thực trạng còn thiếu vắng các quy định của pháp luật. Ngay chính các quy định của BLTTDS về khởi kiện vụ án dân sự mặc dù đã được sửa đổi cụ thể song còn tồn tại những quy định chung chung, còn có những khoảng trống trong luật chưa được điều chỉnh cụ thể dẫn đến việc áp dụng pháp luật không được thống nhất trong thực tiễn xét xử.
Trên đây là toàn bộ vấn đề giải đáp thắc mắc của mình về vấn đề: Phân tích, đánh giá những điểm mới của BLTTDS 2015 về khởi kiện vụ án dân sự. Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588 để được hỗ trợ chi tiết.
Trân Trọng./.