Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự

Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự

Tố tụng dân sự là trình tự, hoạt động do pháp luật quy định cho việc xem xét, giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự. Trong tố tụng dân sự,để giải quyết một vụ việc dân sự cần có sự tham gia của rất nhiều chủ thế với các quyền và nghĩa vụ khác nhau. Ngoài cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng thực hiện việc giải quyết vụ việc dân sự, thi hành án dân sự còn có các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác tham gia vào vụ việc dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc hỗ trợ cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết vụ việc dân sự, thi hành án dân sự. Một trong số đó là người đại diện của đương sự. Người đại diện của đương sự có vai trò rất quan trọng trong hoạt động tố tụng dân sự nên trong phạm vi bài tập nhóm của mình chúng em xin chọn Đề bài số 08: “Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự” để tìm hiểu và nghiên cứu.

Khái quát chung về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự.

Khái niệm người đại diện của đương sự.

Định nghĩa người đại diện của đương sự.

Người tham gia tố tụng dân sự là người tham gia vào việc giải quyết vụ việc dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình  hay của người khác hoặc hỗ trợ Tòa án, cơ quan thi hành án trong việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự.

Theo quy định tại Điều 134 BLDS 2015: “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác, thực hiện giao dịch dân sự. Người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện”. Theo quy định này thì người đại diện luôn nhân danh và vì lợi ích của người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện. 

Đương sự trong vụ việc dân sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước trong lĩnh vực mình phụ trách.

Như vậy, người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự là người tham gia tố tụng, thay mặt đương sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trước Tòa án.

Đặc điểm của người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự.

– Thứ nhất, về mặt chủ thể thì thông thường người đại diện của đương sự phải là cá nhân hoặc pháp nhân có năng lực hành vi tố tụng dân sự. 

– Thứ hai, người đại diện là người nhân danh, thay mặt đương sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự.

– Thứ ba, để đảm bảo quá trình giải quyết vụ việc được tiến hành một cách khách quan, một số đối tượng bị hạn chế đại diện ủy quyền , đó là những công chức cán bộ ngành tòa án, kiểm sát, công an, bởi việc họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, từ đó công tác xét xử và đưa ra phán quyết của tòa án có thể không được chính xác khách quan. 

Vai trò của người đại diện của đương sự.

Người đại diện của đương sự tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc dân sự có một ý nghĩa rất lớn:

– Thứ nhất: việc tham gia tố tụng của người đại diện của đương sự có tác dụng đối với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, nhất là trong trường hợp họ là người bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi tố tụng dân sự

– Thứ hai: việc tham gia tố tụng của người đại diện của đương sự còn có tác dụng nhất định trong việc làm rõ sự thật về vụ việc dân sự.

Các loại đại diện của đương sự.

Người đại diện theo pháp luật.

Người đại diện theo pháp luật là người đại diện tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự theo quy định của pháp luật.

Những người đại diện theo pháp luật của đương sự bao gồm: cha, mẹ của con chưa thành niên; người giám hộ của người được giám hộ; người đứng đầu cơ quan, tổ chức; chủ hộ gia đình và cá nhân, tổ chức khởi kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Người đại diện theo pháp luật của đương sự đương nhiên được tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự khi xét thấy cần thiết. Phạm vi tham gia tố tụng của họ không bị hạn chế trong các loại việc.

Người đại diện do Tòa án chỉ định.

Người đại diện do Tòa án chỉ định là người đại diện tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự theo sự chỉ định của Tòa án.

Người đại diện do Tòa án chỉ định tham gia tố tụng từ khi có quyết định của Tòa án chỉ định họ đại diện cho đương sự. Phạm vi tham gia tố tụng của người đại diện do Tòa án chỉ định không bị hạn chế trong các loại việc.

Người đại diện theo ủy quyền.

Người đại diện theo ủy quyền là người đại diện tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự theo sự ủy quyền của đương sự.

Khác với đại diện theo pháp luật và đại diện theo chỉ định của Tòa án, đương sự được đại diện là người có năng lực hành vi tố tụng nên người đại diện theo ủy quyền chỉ được tham gia tố tụng khi được đương sự ủy quyền thay mặt họ trong tố tụng dân sự. Đương sự có thể ủy quyền cho bất kì người nào có năng lực hành vi tố tụng đại diện tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích của mình trừ những người không được làm người đại diện theo pháp luật của đương sự và những người là cán bộ, công chức trong ngành Tòa án, kiểm sát, công an.

Đương sự có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng trong các loại việc trừ việc ly hôn. Việc ủy quyền phải được tiến hành dưới hình thức văn bản.

Quyền và nghĩa vụ của người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự.

Người đại diện có nhiều loại, đại diện cho các đương sự khác nhau. Tùy vào tính chất tham gia tố tụng trong các trường hợp cụ thể mà người đại diện của đương sự có các quyền và nghĩa vụ nhất định.

Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật và người đại diện do Tòa án chỉ định.

Do bản thân đương sự không thể thực hiện được các quyền và nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích của mình cho nên người đại diện theo pháp luật thay mặt đương sự họ đại thực hiện tất cả các quyền và nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự theo Khoản 1 Điều 86 BLTTDS 2015: “Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự trong phạm vi mà mình đại diện”. Sở dĩ họ có quyền này bởi theo quy định của pháp luật dân sự họ là người đương nhiên được đại diện cho đương sự tham gia tố tụng dân sự. Pháp luật dân sự cho phép họ đại diện trong phạm vi nào thì khi tham gia tố tụng dân sự họ sẽ đương nhiên được đại diện cho đương sự trong phạm vi đó, chỉ trừ những trường hợp pháp luật hạn chế quyền đại diện của người đại diện.

Đối với trường hợp Tòa án chỉ định người đại diện cho đương sự, Điều 88 BLTTDS 2015 quy định: “1. Khi tiến hành tố tụng dân sự, nếu có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 87 của Bộ luật này thì Tòa án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng./2. Đối với vụ việc lao động mà có đương sự thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này hoặc người lao động là người chưa thành niên mà không có người đại diệnvà Tòa án cũng không chỉ định được người đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Tòa án chỉ định tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động đó”. Mặc dù BLTTDS 2015 không quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người đại diện do pháp luật chỉ định, song đối chiếu với Khoản 3, 4 Điều 136 và điểm c, Khoản 1, Điều 137 người đại diện do Tòa án chỉ định sẽ là người đại diện theo pháp luật của cá nhân, tổ chức. Do đó người đại diện do Tòa án chỉ định có quyền và nghĩa vụ tương đương với người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự quy định tại Khoản 1 Điều 86 BLTTDS 2015.

Đối chiếu với Điều 70 BLTTDS 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự, người đại diện theo pháp luật và người đại diện do Tòa án chỉ định của  đương sự có các quyền và nghĩa vụ sau:

– Tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa.

– Nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp là người đại diện do Tòa án chỉ định thì cá nhân, cơ quan đấy sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ này.

– Cung cấp đầy đủ, chính xác địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình; trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc nếu có thay đổi địa chỉ nơi cư trú, trụ sở thì phải thông báo kịp thời cho đương sự khác và Tòa án.

– Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này. Trong trường hợp là người đại diện do Tòa án chỉ định thì cá nhân, cơ quan đấy sẽ không có quyền thực hiện những yêu cầu này bởi họ tham gia tố tụng trên cơ sở quyết định của Tòa án trong các trường hợp theo quy định của pháp luật.

– Cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đương sự mà mình đại diện

–  Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình.

– Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ; đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, quyết định việc định giá tài sản.

– Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.

– Có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ mà đương sự khác đã có, tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.

Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự
Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự

Trường hợp vì lý do chính đáng không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ thì họ có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ.

– Đề nghị Tòa án quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

– Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành.

–  Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

– Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này.

–  Tham gia phiên tòa, phiên họp theo quy định của Bộ luật này.

– Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc.

– Đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.

– Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật này.

– Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng.

– Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng.

– Được cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của Tòa án.

–  Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật này.

– Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

– Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

–  Sử dụng quyền của đương sự một cách thiện chí, không được lạm dụng để gây cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, đương sự khác; trường hợp không thực hiện nghĩa vụ thì phải chịu hậu quả do Bộ luật này quy định.

–  Quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định.

Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo ủy quyền.

Người đại diện theo ủy quyền là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự theo sự ủy quyền của đương sự. Người đại diện theo ủy quyền có toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của đương sự trong phạm vi ủy quyền .Khoản 2 Điều 86 BLTTDS 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo ủy quyền: “ Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự  thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền”. 

Khác với người đại diện theo pháp luật có quyền thay mặt đương sự thực hiện toàn bộ quyền và nghĩa vụ của đương sự thì đại diện theo ủy quyền của đương sự chỉ đại diện thay mặt cho đương sự trong phạm vi ủy quyền. Đương sự có thể ủy quyền toàn bộ cho người đại diện của mình thay mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ nhưng đương sự cũng có thể chỉ ủy quyền một phần cho người đại diện. Tương ứng với phạm vi mà đương sự ủy quyền thì người đại diện theo ủy quyền sẽ thay mặt đương sự trong phạm vi ủy quyền đó. Chính vì vậy việc xác định nội dung ủy quyền, phạm vi ủy quyền trong văn bản ủy quyền được thiết lập giữa đương sự và người được ủy quyền có ý nghĩa rất quan trọng khi Tòa án xem xét giải quyết vụ việc dân sự. Nếu trong văn bản ủy quyền tham gia tố tụng dân sự mà nội dung ủy quyền và phạm vi ủy quyền tham gia tố tụng không rõ ràng thì Tòa án không chấp nhận văn bản ủy quyền đó và yêu cầu đương sự phải thực hiện lại việc ủy quyền trong đó xác định rõ nội dung, phạm vi ủy quyền tham gia tố tụng.BLTTDS cũng không có quy định việc ủy quyền tham gia tố tụng phải được lập theo hình thức hợp đồng ủy quyền và Khoản 2 Điều 86 BLTTDS sử dụng thuật ngữ “văn bản ủy quyền”. Do đó, có thể cho rằng văn bản ủy quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 86 BLTTDS có thể được lập theo hình thức là giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền trong đó phải xác định rõ nội dung, phạm vi ủy quyền.

Tuy nhiên, trong các vụ án về ly hôn, việc dân sự về thuận tình ly hôn, Khoản 4 Điều 85 BLTTDS thì “Người đại diện theo uỷ quyền được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự; đối với việc ly hôn, đương sự không được uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng” thì đương sự, (đối với vụ án dân sự) người yêu cầu, người có liên quan (đối với việc dân sự) không được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng để giải quyết quan hệ nhân thân.

So sánh người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự.

Giống nhau.

– Người đại diện của đương sự phải là người có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Những người không có năng lực hành vi tố tụng dân sự thì không thể thực hiện được các quyền, nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án được.

– Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự để thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, nhất là trong trường hợp đương sự là người bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi tố tụng dân sự.

– Người đại diện của đương sự có vai trò nhất định trong việc làm rõ sự thật về vụ việc dân sự.

– Người đại diện theo pháp luật cho một đương sự khác trong cùng một vụ án mà quyền, lợi ích của đương sự đó đối lập với quyền, lợi ích của người được đại diện thì không được đại diện cho đương sự.

Khác nhau.

 

Người đại diện theo pháp luật

Người đại diện do Tòa án chỉ định

Người đại diện theo ủy quyền

Khái niệm

Khoản 2 Điều 85 BLTTDS 2015.

Là người đại diện tham gia tố tụng  theo chỉ định của Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (người không có năng lực hành vi tố tụng dân sự mà không có người đại diện).

Khoản 4 Điều 85 BLTTDS 2015.

Đối tượng là người đại diện

Điều 136, 137 BLDS 2015. 

Theo Khoản 2 BLTTDS 2015, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật của người được bảo vệ. 

Người đại diện do Tòa án chỉ định trên thực tế là người đại diện theo pháp luật của đương sự (Khoản 3, 4 Điều 136 BLDS 215). Các trường hợp được Tòa án chỉ định người đại diện được quy định tại Điều 88 BLTTDS 2015.

Điều 138, BLDS 2015.

Căn cứ xác lập quyền đại diện

Theo quy định của pháp luật, điều lệ pháp nhân, quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Theo sự chỉ định của Tòa án khi có căn cứ thuộc Điều 88 BLTTDS 2015.

Theo thỏa thuận ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện dưới hình thức văn bản.

Phạm vi đại diện 

Khoản 1 Điều 86 BTTDS 2015

Khoản 2 Điều 86 BLTTDS 2015.

Chấm dứt đại diện của đương sự

– Đại diện của đương sự là pháp nhân chấm dứt khi pháp nhân chấm dứt.

– Đại diện theo pháp luật của đương sự là cá nhân chấm dứt khi người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc đã được khôi phục năng lực hành vi dân sự; người đại diện hoặc người được đại diện chết, người đại diện mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Người đại diện do Tòa án chỉ định chấm dứt tư cách đại diện sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự hoặc khi vụ án dân sự chấm dứt.

– Đại diện đương sự là cá nhân chấm dứt trong các trường hợp thời hạn ủy quyền đã hết, công việc được ủy quyền đã hoàn thành, người ủy quyền hủy bỏ việc ủy quyền, người được ủy quyền từ chối thực hiện việc ủy quyền, người ủy quyền hoặc người được ủy quyền chết, mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị tòa án tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố chết.

– Đại diện theo ủy quyền của đương sự là pháp nhân chấm dứt khi thời hạn ủy quyền đã hết hoặc công việc được ủy quyền đã hoàn thành, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hủy bỏ việc ủy quyền, pháp nhân chấm dứt.

Các vấn đề khác về quyền và nghĩa vụ.

– Đại diện theo pháp luật của đương sự là cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 136 BLDS 2015 sẽ thay mặt đương sự chi trả chi phí phát sinh. 

– Đại diện theo pháp luật của đương sự là cá nhân (quy định tại khoản 2 Điều 136) và pháp nhân không phải chi trả chi phí tố tụng.

Người đại diện của đương sự do Tòa án chỉ định chỉ thực hiện nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự theo quy định của pháp luật, chi phí phát sinh trong quá trình tố tụng do đương sự chi trả.

Người đại diện theo ủy quyền của đương sự chỉ thực hiện nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong phạm vi ủy quyền, tất cả các chi phí phát sinh trong quá trình tố tụng đều do đương sự chi trả.

Điểm mới về người đại diện của đương sự trong blttds 2015 so với blttds 2011.

Người đại diện của đương sự là người thực hiện thay các hoạt động tố tụng dân sự của đương sự, họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự trước Tòa án. So với BLTTDS 2011 thì quy định về người đại diện của đương sự trong BLTTDS 2015 đã mở rộng hơn rất nhiều nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Những quy định mới về người đại diện đa khắc phục được tình trạng những người yếu thế không có ai hỗ trợ cho họ tham gia tố tụng tại Toà án dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ. Đồng thời các quy định này cũng thống nhất và tương thích với quy định của BLDS 2015, Luật Doanh nghiệp 2014, Bộ luật Lao động 2012 và Luật Công đoàn 2012.

Người đại diện theo pháp luật của đương sự trong tố tụng dân sự.

Trên cơ sở Điều 23 BLDS 2015 thì BLTTDS 2015 bổ sung quy định khi đương sự bị Tòa án tuyên bố là người có khó khăn trong trong nhận thức và làm 

chủ hành vi của mình thì cần có người đại diện theo pháp luật.

Theo quy định của BLDS 2015, LDN 2014 thì pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật. Quy định mới này nhằm đảm bảo quyền của thành viên pháp nhân trong việc họ thỏa thuâ, lựa chọn nhiều người đại diện ttheo pháp luật cho pháp nhân của mình đồng thời tạo điều kiện cho pháp nhân nhanh chóng, thuận lợi trong xác lập, thực hiện các hành vi pháp lý, các hợp đồng, giao dịch của pháp nhân, nhất là đối với pháp nhân hoạt động trên nhiều lĩnh vực hoặc ở nhiều địa bàn khác nhau. Tuy nhiên, để tránh việc giao kết, thực hiện cá giao dịch với người không có thẩm quyền thì Điều 141 BLDS 2015 và Điều 13 LDN 2014 quy định mỗi người đại diện theo pháp luật có quyền đại diện cho pháp nhân trong phạm vi đại diện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. Do đó, để phù hợp với quy định này trong BLDS 2015 và LDN 2014, Khoản 1 Điều 86 BLTTDS 2015 khi đề cập đến quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật đã bổ sung cụm từ “trong phạm vi đại diện” nhằm xác định chính xác quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. 

Ngoài ra, để cụ thể hóa Điều 10 Hiến pháp về việc công đoàn Việt Nam đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động cũng như phù hợp với pháp luật nội dung là BLLĐ 2012, LCĐ 2012 thì khoản 3 Điều 85 BLTTDS 2015 bổ sung quy định tổ chức đại diện tập thể lao động (Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở) là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ án lao động tham gia tố tụng tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm. Quy định này nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của người lao động phát sinh từ quan hệ lao động.

Người đại diện do Tòa án chỉ định.

Theo quy định tại Điều 76 BLTTDS 2011 thì Tòa án chỉ định người đại diện cho đương sự khi đương sự là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp không được làm người đại diện. Quy định này không đảm bảo quyền bình đẳng cho các đương sự khi tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án dân sự cũng như chưa tương thích với khoản 3 Điều 24, khoản 3 Điều 78 LHNVGĐ 2014 khi Tòa án có thể chỉ định người đại diện cho người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự. Vì vậy, BLTTDS 2015 đã bổ sung các trường hợp Tòa án chỉ định người đại diện, theo đó, khi tiến hành tố tụng dân sự, nếu có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 87 BLTTDS thì Tòa án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng (khoản 1 Điều 88). 

Bên cạnh đó, đối với vụ án lap động mà có đương sự là người mất, hạn chế năng lực hành vi hoặc người lao động là người chưa thành niên mà không có người đại diện và Tòa án cũng không chỉ định được người đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều 88 BLTTDS 2015 thì Tòa án chỉ định tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động đó. Quy định này nhằm đảm bảo các đương sự thuộc tường hợp không có hoặc khó có khả năng tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình có người đại diện đứng ra bảo vệ. 

Người đại diện cho đương sự theo ủy quyền.

Khoản 1 Điều 85 BLTTDS 2015 tiếp tục kế thừa quy định trong BLTTDS 2011 quy định về người đại diện theo ủy quyền. Theo đó, người đại diện theo ủy quyền theo quy định của BLDS là người đại diện theo ủy quyền trong TTDS. Tuy nhiên, nếu như BLDS 2005, BLTTDS 2011 chỉ quy định người đại diện theo ủy quyền là cá nhân thì điểm mới của BLDS 2015 và BLTTDS 2015 là người đại diện theo ủy quyền trong TTDS có thể là cá nhân hoặc pháp nhân (Điều 138 BLDS 2015, khoản 1 Điều 85 BLTTDS 2015). Việc đương sự được ủy quyền tham gia tố tụng dân sự cho pháp nhân nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự một cách nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả. Ngoài ra, để cụ thể hóa Điều 10 Hiến pháp về việc công đoàn Việt Nam đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động cũng như phù hợp với pháp luật nội dung là Bộ luật lao động 2012, Luật công đoàn 2012 thì khoản 3 Điều 85 BLTTDS 2015 bổ sung quy định tổ chức địa diện tập thể lao động có thể trở thành người đại diện do đương sự ủy quyền. Người đại diện theo ủy quyền thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự theo nội dung văn bản ủy quyền (khoản 2 Điều 86 BLTTDS 2015).


Kết bài

Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 đã kế thừa và hoàn thiện những quy định của pháp luật tố tụng dân sự trước đó. Khắc phục những vướng mắc thực thi trong thực tiễn từ Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã có một số điểm mới về chế định người đại diện của đương sự, mở rộng đối tượng người đại diện của đương sự, đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện quyền của mình. Đây là sự thay đổi phù hợp với nhu cầu thực tiễn, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, nhất là những chủ thể dễ bị xâm hại về lợi ích như người lao động, người vợ/chồng bị mất năng lực hành vi dân sự… Do kiến thức còn nhiều hạn chế nên bài làm của nhóm em còn nhiều thiếu sót, rất mong thầy cô góp ý để bài làm được hoàn thiện hơn!


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top