Bình luận các quy định phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường

Bình luận các quy định phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường

Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng . Sự cố môi trường khi đã xảy ra, không chỉ trực tiếp gây thiệt hại lớn về người và của, mà còn gây ra các hiện tượng suy thoái, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ, nếu công tác phòng ngừa không được chú trọng thỏa đáng, sự cố môi trường có nguy cơ xảy ra như một hệ lụy tất yếu và là mặt trái của quá trình phát triển. Do đó, em xin lựa chọn đề tài số 12: “Bình luận các quy định phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường” để làm rõ hơn về vấn đề này.


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật môi trường, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2016.
  • PGS. TS Vũ Thị Duyên Thủy, TS. Nguyễn Văn Phương (Đồng chủ biên), Tìm hiểu môn học Luật Môi trường (Dưới dạng Hỏi – Đáp), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội năm 2017.
  • Nguyễn Văn Phương, Pháp luật quản lý chất thải một số quốc gia và kinh nghiệm đối với Việt Nam, Tạp chí Luật học, 9/2013
  • Luật bảo vệ môi trường năm 2014.
  • Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu.
  • Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
  • Phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường – Vấn đề quan trọng trong sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, ThS. Nguyễn Thi, Bộ Tài nguyên và Môi trường, bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2017.
  • Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn Phong Quang, Quy định pháp lý hiện hành về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và việc thực hiện một số hoạt động Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong thời gian qua. Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường liên quan đến hóa chất độc hại/PCB, bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2015.
  • Viện Khoa học pháp lý, Một số quy định pháp luật trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.
  • Nhìn lại các quy định về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường, Phạm Văn Beo – Khoa luật, ĐH Cần Thơ.

Khái quát chung

Ô nhiễm môi trường

Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật. Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.

Suy thoái môi trường: Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.

Sự cố môi trường: Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng.

Nguyên tắc phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường

Môi trường khác với các hiện tượng xã hội khác ở khả năng phục hồi hiện trạng, hoặc là không thể thực hiện được, hoặc rất khó khăn, tốn kém và mất nhiều thời gian. Chính vì vậy, ngăn ngừa những hành vi gây hại cần được chú trọng hơn so với việc áp dụng các hình phạt hoặc chế tài khác.

Phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường (sau đây gọi tắt là nguyên tắc phòng ngừa) là một trong các nguyên tắc, phương châm bảo vệ môi trường được ghi nhận tại Điều 4 khoản 6 của Luật BVMT năm 2014: “Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên và ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường”. Như vậy, nguyên tắc phòng ngừa chính là việc chủ động ngăn chặn rủi ro đối với môi trường khi chưa xảy ra.

 Cơ sở xác lập nguyên tắc

  • Một là, chi phí phòng ngừa bao giờ cũng nhỏ hơn chi phí khắc phục.
  • Hai là, có những tổn hại gây ra cho môi trường là không thể khắc phục được mà chỉ có thể phòng ngừa (tuyệt chủng).

Mục đích của nguyên tắc: ngăn ngừa những rủi ro mà con người và thiên nhiên có thể gây ra cho môi trường.

Lưu ý: Những rủi ro mà nguyên tắc này ngăn ngừa là những rủi ro đã được chứng minh về khoa học và thực tiễn. Đây chính là cơ sở để phân biệt giữa nguyên tắc phòng ngừa và nguyên tắc thận trọng.

Bình luận các quy định phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường

Phân biệt nguyên tắc phòng ngừa và nguyên tắc thận trọng

Nguyên tắc phòng ngừa Nguyên tắc thận trọng

Phòng ngừa đối với những rủi ro mà con người đã lường trước được.

Những rủi ro đã được chứng minh về mặt khoa học và thực tiễn (những rủi ro chắc chắn xảy ra).

Thận trọng đối với những rủi ro con người có thể lường trước được.

Những rủi ro chưa được chứng minh về mặt khoa học và thực tiễn (những rủi ro không thể chắc chắn hoặc không chắc chắn xảy ra).

Yêu cầu của nguyên tắc:

  • Yêu cầu thứ nhất: Lường trước những rủi ro mà con người và thiên nhiên có thể gây ra cho môi trường.

+ Ví dụ 1: việc phải chọn lựa một trong hai dự án công trình thủy điện Sơn La: Sơn La cao, Sơn La thấp => Quốc hội chọn Sơn La thấp vì Sơn La cao thì có thể có nguy cơ gây vỡ đập => Thủy điện Hòa Bình vỡ theo => Hà Nội bị dìm trong bể nước (hiệu ứng domino).

+ Ví dụ 2: sông Hồng khi nước dâng lên có thể lên đến 13m, cho gia cố sông Hồng để bảo vệ Hà Nội, nếu vỡ đê thì Hà Nội có thể chìm ít nhất là 10m => áp dụng phương án “phân lũ”, xả lũ vào một số tỉnh lân cận, giảm thiểu thiệt hại.

  • Yêu cầu thứ hai: Đưa ra những phương án, giải pháp để giảm thiểu rủi ro, loại trừ rủi ro. Ví dụ: phương án sống chung với lũ ở các tỉnh Đồng bằng song Cửu Long, xây nhà nổi trên song, giao thương, buôn bán bằng các tàu, thuyền ở trên song,…
Bình luận các quy định phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường
Bình luận các quy định phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường

Bình luận các quy định về phòng ngừa ô nhiễm môi trường

Hiện nay, vấn đề phòng ngừa ô nhiễm môi trường được quy định rải rác trong từng lĩnh vực cụ thể trong Luật BVMT năm 2014. Điển hình là trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường. Theo quy định tại Điều 3 khoản 18: “Kiểm soát ô nhiễm là quá trình phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm”. Việc kiểm soát ô nhiễm không chỉ là kiểm soát ô nhiễm các yếu tố đặc biệt như đất, nước, không khí mà còn là biển, hải đảo, nước sông, hồ, ao, kênh, mương, rạch, nước dưới đất… Cụ thể là tại các quy định như:

  • Điều 50. Kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.
  • Điều 53. Nội dung kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông.
  • Điều 56. Bảo vệ môi trường nguồn nước hồ, ao, kênh, mương, rạch
  • Điều 58. Bảo vệ môi trường nước dưới đất
  • Điều 61. Kiểm soát ô nhiễm môi trường đất
  • Điều 64. Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí

Ngoài ra, trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì vấn đề phòng ngừa ô nhiễm môi trường cũng được đặc biệt quan tâm và được thể hiện cụ thể tại các điều khoản quy định tại Chương VII, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Điển hình như các quy định về bảo vệ môi trường các khu kinh tế, khu công nghiệp,…; bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,…; bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản,…; bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng, giao thông vận tải; bảo vệ môi trường đối với bệnh viện, cơ sở y tế và đặc biệt là bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu – một vấn đề nan giải hiện nay, khi mà tại bất cứ cảng biển nào của nước ta cũng có một số lượng không hề nhỏ các container hàng tồn đọng, thậm chí là đã tồn đọng hàng chục năm, gây ra ô nhiễm môi trường nhưng vẫn chưa tìm được cách giải quyết triệt để. Theo đó, quy định về ký quỹ được ra đời với mong muốn giảm được phần nào sự tồn đọng trên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu đã thực hiện ký quỹ nhưng hàng hóa vẫn chưa được thông quan do thời gian ký quỹ chưa đáp ứng được 15 ngày làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 38/2015/NĐ-CP. Do đó, trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường đã sửa đổi quy định này tại: Điều 116. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 59 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP như sau: “1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ trước khi tiến hành thủ tục thông quan phế liệu nhập khẩu ít nhất 02 ngày làm việc”. Hy vọng rằng, khi dự thảo này được thông qua thì vấn đề container tồn đọng tại các cảng biển lớn nhỏ của nước ta sẽ được giải quyết một các tích cực, tăng hiệu quả phòng ngừa ô nhiễm môi trường tại các khu vực này và hơn hết là xử lý được các container đã và đang gây ra ô nhiễm môi trường.

Bình luận các quy định về phòng ngừa sự cố môi trường

Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường (SCMT) là một chế định quan trọng được quy định ở Mục 3, Chương X của Luật BVMT năm 2014. Theo khái niệm SCMT thì bão, lũ, sự cố hóa chất, hỏa hoạn, tràn dầu đều có thể xem là SCMT và tất cả các dạng sự cố này đều có cơ chế để phòng, chống và ứng phó. Tuy nhiên, qua thực tiễn về SCMT vừa qua cho thấy, các quy định và cơ chế về phòng ngừa SCMT còn chưa phát huy hiệu quả do các quy định của Luật BVMT năm 2014 chưa cụ thể, chưa bao quát các biện pháp để phòng ngừa SCMT.

Để phòng ngừa SCMT, tại Điều 108 của Luật BVMT năm 2014 đã quy định về trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trong phòng ngừa SCMT với các biện pháp như: Lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó; lắp đặt thiết bị, dụng cụ, phương tiện ứng phó; đào tạo, huấn luyện, xây dựng lực lượng tại chỗ ứng phó SCMT; thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng biện pháp an toàn theo quy định của pháp luật; có biện pháp loại trừ nguyên nhân gây ra SCMT khi phát hiện có dấu hiệu SCMT. Ngoài ra, Luật BVMT năm 2014 còn có các quy định khác về biện pháp phòng ngừa SCMT như quy hoạch BVMT, ĐMC, ĐTM, quản lý chất thải, đánh giá sức chịu tải của môi trường; công bố các đoạn sông, dòng sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải; xác định hạn ngạch xả nước thải vào sông; phương án BVMT; bảo hiểm môi trường, ký quỹ cải tạo và phục hồi môi trường, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; quan trắc môi trường; công khai thông tin môi trường; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động BVMT. Có thể thấy, đây là những quy định quan trọng có vai trò quyết định địa điểm, công nghệ của dự án, kiểm soát việc xả thải, giám sát quá trình hoạt động của cơ sở, để hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường (ÔNMT) hoặc SCMT.

Tuy nhiên, các quy định này, đặc biệt là quy định tại Điều 108 của Luật BVMT năm 2014 còn chưa cụ thể và chưa bao quát hết các biện pháp phòng ngừa SCMT. Do vậy, các biện pháp phòng ngừa SCMT cần được nghiên cứu bổ sung các nội dung:

Xác định danh mục các ngành nghề có khả năng gây ÔNMT nghiêm trọng, hoặc tiềm ẩn nguy cơ SCMT để có các biện pháp ứng xử phù hợp với từng dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc ngành, nghề đó. Việc ứng xử này cần được quy phạm hóa nhằm can thiệp ngay từ giai đoạn lập quy hoạch phân vùng sản xuất, kinh doanh của các ngành, nghề, phân vùng xả thải đến các yêu cầu trong ĐTM, kế hoạch quản lý môi trường, phương án BVMT; có biện pháp giám sát đặc biệt trong quá trình sản xuất, kinh doanh và biện pháp ứng phó nếu xảy ra SCMT.

Áp dụng công nghệ tốt nhất có thể (BAT) để đạt được nhiều mục tiêu, trong đó có việc giảm thiểu chất thải thông qua sử dụng công nghệ tốt nhất hiện có trong mối tương quan giữa năng lực của cơ sở sản xuất, kinh doanh với yêu cầu BVMT nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Việc sử dụng BAT không bắt buộc phải áp dụng kỹ thuật và công nghệ cụ thể nào mà chỉ tính đến đặc tính công nghệ, vị trí địa lý, điều kiện môi trường, tính khả thi về kỹ thuật và chi phí khi áp dụng. Do đó, cần xác định quy trình áp dụng, thứ tự ưu tiên và cơ chế đặc thù khi cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng BAT.

Áp dụng kiểm toán môi trường nhằm đánh giá sự tuân thủ pháp luật về BVMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, có được công cụ nhằm nghiên cứu, kiểm tra các tài liệu, số liệu, báo cáo môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh trong thời gian nhất định nhằm phát hiện những sai sót, vi phạm trong hoạt động BVMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thông qua kiểm toán môi trường, với việc đánh giá các yếu tố sản xuất (đầu vào, đầu ra, có tính đến sự thất thoát để giám sát hoạt động xả thải) sẽ cung cấp bằng chứng xác thực về việc gây ô nhiễm, cũng như SCMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đây là công cụ quan trọng để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, cá nhân có hành vi gây ra SCMT.

Xác định mối quan hệ giữa quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chung về chất thải với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng riêng cho từng ngành, loại hình sản xuất kinh doanh theo hướng quy chuẩn áp dụng riêng phải có yêu cầu cao hơn (khắt khe hơn) quy chuẩn chung, hoặc phân cấp cho địa phương xây dựng quy chuẩn địa phương áp dụng riêng cho từng ngành, loại hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Minh bạch thông tin về môi trường và kết quả kiểm toán môi trường là cơ sở quan trọng để hạn chế các hành vi vi phạm quy định về BVMT, kiểm soát các hoạt động xả thải trái pháp luật tiềm ẩn nguy cơ gây SCMT thông qua vai trò giám sát của cộng đồng và cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, nâng cao vai trò của cộng đồng, tổ chức xã hội, tổ chức phí chính phủ, cơ quan thông tấn báo chí trong việc giám sát hoạt động BVMT. Đây là kênh giám sát quan trọng và hiệu quả trong việc kiểm soát hoạt động BVMT.

Quy định về đào tạo, tập huấn, diễn tập về phòng ngừa và ứng phó SCMT. Do SCMT diễn ra bất ngờ, phức tạp, khó lường, dễ gây lúng túng và hoảng loạn trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, cũng như cộng đồng dân cư xung quanh, vì vậy, việc đào tạo, tập huấn, diễn tập để có phản ứng phù hợp khi sự cố xảy ra là hết sức cần thiết.

Bình luận các quy định về phòng ngừa suy thoái môi trường

Cũng giống như phòng ngừa ô nhiễm môi trường và phòng ngừa sự cố môi trường, vấn đề phòng ngừa suy thoái môi trường được quy định cụ thể trong từng hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và trong từng môi trường cụ thể.

Bên cạnh đó, do tính chất đặc biệt của suy thoái, nên Luật BVMT năm 2017 còn đặc biệt quan tâm đến việc khoanh vùng, theo dõi và giám sát các khu vực có nguy cơ suy thoái để phòng ngừa suy thoái môi trường xảy ra, điển hình nhất là trong việc phòng ngừa suy thoái đất.

Một trong những nguyên tắc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường là phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường. Từ nguyên tắc này cho thấy tầm quan trọng của việc phòng ngừa suy thoái môi trường với phòng ngừa ô nhiễm, sự cố môi trường là có sự tương quan.

Ngoài ra, Luật BVMT năm 2014 cũng dành hẳn một chương về bồi thường thiệt hại về môi trường, trong đó, vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường rất được quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, Luật này lại không có nhiều quy định cụ thể về vấn đề phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường như vấn đề phòng ngừa sự cố môi trường. Phải chăng các nhà làm luật có dụ ý khi đặt riêng vấn đề phòng ngừa sự cố môi trường vào một chương và quy định thật chi tiết, tỉ mỉ vì sự cố môi trường là nguyên do gây ô nhiễm, suy thoái và biến đổi môi trường một cách nghiêm trọng?

Bình luận các quy định phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường
Bình luận các quy định phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường

Một số kiến nghị, giải pháp nhằm tăng khả năng phòng ngừa

Có thể thấy, số lượng văn bản điều chỉnh công tác phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường dưới hình thức luật và dưới luật là rất lớn. Tuy nhiên, ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường vẫn xảy ra khá phổ biến ở Việt Nam. Điều này cho thấy, khâu ban hành pháp luật và áp dụng pháp luật điều chỉnh vấn đề này vẫn còn bất cập và hạn chế.

Thứ nhất, Luật BVMT hiện hành chưa quy định cơ chế nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các “hành vi tiềm ẩn” gây ra ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường. Chỉ khi hành vi thực tế dẫn đến sự cố môi trường thì mới bị xử lý. Trong khi đó, một khi “sự cố” đã xảy ra thì việc xử lý chỉ mang tính “chữa cháy” vì hậu quả cũng đã xảy ra. Để công tác phòng ngừa thực sự đạt hiệu quả, luật chuyên ngành cần phải có cơ chế này.

Thứ hai, các quy định pháp luật hiện có nhiều nhưng chồng lấn nên khó triển khai trong tình trạng “lắm thầy thối ma” hoặc “cha chung không ai khóc”. Theo đó, việc Luật BVMT quy định quá nhiều Bộ, ngành có liên quan đến thẩm quyền chủ trì, lập quy, hướng dẫn và kiểm soát tuân thủ quy định của Luật trong BVMT khiến cho nhiệm vụ bị đùn đẩy cho nhau, không rõ ràng trách nhiệm. 10 Bộ hiện nay được giao nhiệm vụ bao gồm: Bộ TN&MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Mặc dù đầu mối tập trung là Bộ TN&MT nhưng trên thực tế, nếu xảy ra ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường thì không một đơn vị cá thể nào có đủ thẩm quyền cũng như chịu trách nhiệm chính xử lý. Chính vì vậy, luật cần quy định một cơ quan chủ chốt có đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm chính trong một vụ việc về môi trường cụ thể để sự việc không bị đùn đẩy cho nhau.

Thứ ba, hiện nay, trách nhiệm chứng minh thiệt hại, tạm ứng án phí trong khởi kiện về môi trường thuộc về cá nhân, hộ gia đình, làm mất đi một kênh quan trọng trong đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm về môi trường. Kiện bồi thường do ô nhiễm môi trường là loại bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bất lợi thuộc về người đi kiện vì trách nhiệm chứng minh gần như hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại trong khi nghĩa vụ này vượt quá khả năng của họ. Khi người bị thiệt hại môi trường e ngại khởi kiện, những vụ vi phạm về môi trường ít có nguy cơ bị phát hiện. Bởi vậy, các nhà làm luật nên chia sẻ trách nhiệm chứng minh thiệt hại, hành vi và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả cho các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các doanh nghiệp, ban quản lý khu công nghiệp.

Thứ tư, quy định hoạt động thực thi pháp luật hình sự trong lĩnh vực BVMT hiện được giao cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thuộc Bộ Công an. Trong khi đó, điều tra tội phạm lĩnh vực môi trường được điều chỉnh bởi pháp luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc cơ quan chuyên trách BVMT thuộc Bộ TN&MT với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật lĩnh vực BVMT không được quy định nhiệm vụ, thẩm quyền khởi tố vụ án, điều tra ban đầu đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập trong hoạt động thực thi pháp luật BVMT. Bởi vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự nên quy định cơ quan chuyên trách quản lý Nhà nước về môi trường của Bộ TN&MT có thẩm quyền khởi tố và điều tra ban đầu những vụ việc vi phạm về môi trường có dấu hiệu phạm tội.

Cuối cùng, với thực trạng quá nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh như hiện nay, cần thiết phải xem xét ban hành luật chuyên biệt về sự cố môi trường, gọi là: Luật phòng ngừa sự cố môi trường. Theo đó, Luật sẽ quy định cụ thể về xây dựng kế hoạch, quy trình ngăn ngừa, ứng phó, cơ chế tài chính, thông tin báo cáo, xử lý vi phạm v.v..; đồng thời cần xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật và phổ biến rộng rãi các quy định, quy trình, hướng dẫn và huy động sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa, cảnh báo, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường.

Như vậy, có thể thấy, trước yêu cầu BVMT trong tình hình mới thì việc sửa đổi, bổ sung Luật BVMT năm 2014 nói chung và các quy định về phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường nói riêng được kỳ vọng là sẽ tạo chuyển biến lớn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT, nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường.


Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Bình luận các quy định phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top