Trong 35 năm qua, lực lượng kiểm lâm cả nước đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, vượt qua muôn vàn khó khăn và thử thách để giữ gìn màu xanh cho đất nước. Chúng ta trân trọng và tự hào về tất cả những gì đã làm được vì sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng. Trước thực tế là tài nguyên rừng ngày càng suy giảm, tệ nạn phá rừng, cháy rừng, khai thác và buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn xảy ra, có lúc, có nơi khá nghiêm trọng, chưa kiểm soát được. Đây thực sự là mối quan tâm của toàn xã hội.Vì vậy lực lượng kiểm lâm có vai trò như thế nào? Vấn đề này sẽ được làm rõ qua đề bài “Vai trò của lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng”
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Giáo trình luật bảo vệ môi trường
- Nghị định 75/2015/NĐ-CP
- Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật môi trường, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006, 2013, 2015
- Trường Đại học Luật Hà Nội, Từ điển giải thích thuật ngữ luật học (Phần luật môi trường), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1999.
- Vũ Thu Hạnh, “Một số phát hiện về ảnh hưởng (tác động) của chính sách, pháp luật đến quản lí tài nguyên rừng công bằng và bền vững”, Tạp chí pháp luật và phát triển, số 1/2007.
Khái quát chung về sự hình thành của lực lượng kiểm lâm
Mọi người cũng xem:
Theo Nghị định 101/CP, lực lượng kiểm lâm nhân dân được tổ chức thành hệ thống trong ngành lâm nghiệp từ Trung ương đến cấp huyện, đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Tổng cục Lâm nghiệp (1973-7/1976) và Bộ Lâm nghiệp (7/1976-1979). Trong 6 năm thực hiện Nghị định 101/CP, có thể khẳng định vai trò, vị trí và những đóng góp to lớn của lực lượng kiểm lâm nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng. Thời kỳ này lực lượng kiểm lâm nhân dân được tổ chức thống nhất nên việc chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến cơ sở được thông suốt, vị trí pháp lý của Kiểm lâm nhân dân tương đương với Công an vũ trang. Hiệu lực quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm minh, rừng được bảo vệ tốt.
Thực hiện Nghị định 368/CP ngày 8/10/1979 của Chính phủ; Thông tư số 32/TCCB ngày 4/9/1982 của Bộ Lâm nghiệp, một lượng lớn cán bộ kiểm lâm được điều chuyển vào các liên hiệp, lâm trường. Trong thời gian 15 năm (1980-1994), tổ chức kiểm lâm không thống nhất, không thành hệ thống từ Trung ương đến cấp huyện. Sự đổi mới của đất nước trong nửa cuối thập kỷ 80 đã phân biệt rõ giữa chức năng quản lý Nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh. Rừng được phân chia thành ba loại sản xuất, phòng hộ, đặc dụng, kết hợp với sự chuyển đổi khai thác rừng từ lạm dụng vốn rừng quảng canh sang thâm canh và sản xuất theo phương thức nông lâm kết hợp. Các công việc đó đều đòi hỏi vai trò không thể thay thế của lực lượng kiểm lâm. Kết quả của thời kỳ đổi mới và yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ rừng cho thấy Pháp lệnh về bảo vệ rừng năm 1972 không còn phù hợp. Tháng 8/1991, Luật bảo vệ và phát triển rừng được ban hành, tổ chức kiểm lâm dần dần được kiện toàn và không ngừng vượt lên hoàn thành những trọng trách nặng nề mà Đảng và Nhà nước giao cho.
Tổ chức kiểm lâm theo Nghị định 39/CP ngày 18/4/1994 đã thành hệ thống từ Trung ương tới cấp huyện; phần lớn Chi cục Kiểm lâm đều trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh. Việc đổi mới tổ chức bước đầu đã giúp củng cố, kiện toàn được lực lượng kiểm lâm để hoàn thành những nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Kiểm lâm đã thực sự là một lực lượng không thể thiếu được trong sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng, trong sự nghiệp đổi mới và hiện đại hóa đất nước. Tổ chức kiểm lâm theo Nghị định 39/CP được duy trì trong 12 năm. 58 trên 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tổ chức kiểm lâm (3 tỉnh không có lực lượng kiểm lâm là Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long), trong đó: 42 tỉnh có Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, 15 tỉnh có Chi cục Kiểm lâm và 01 Hạt phúc kiểm lâm sản trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ở cấp huyện có 490 hạt kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm. Song song với việc thiết lập hệ thống tổ chức kiểm lâm cấp huyện, mạng lưới các hạt phúc kiểm lâm sản, hạt kiểm lâm ở các khu rừng đặc dụng đã được thành lập để bảo đảm việc bảo vệ rừng đặc dụng và quản lý lâm sản trên phạm vi toàn quốc. Lực lượng kiểm lâm đã tham mưu cho Nhà nước ban hành Nghị định 01/CP, 02/CP và 163/CP về giao đất lâm nghiệp, khoán bảo vệ rừng cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Trong thời gian này, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ngành giao 8.786.572ha (rừng đặc dụng 972.357ha; rừng phòng hộ 3.196.343ha và rừng sản xuất 4.617.872ha) cho 452.168 hộ gia đình và 27.312 tổ chức. Rừng đã được phục hồi và bảo vệ tốt đưa độ che phủ của rừng từ 28% năm 1992 lên 35,7% vào năm 2002. Có thể nói đây là một động thái mang đầy tính chiến lược trong việc bảo toàn vốn tài nguyên rừng. Sự chuyển dịch từ nền kinh tế lâm nghiệp quốc doanh bao chiếm đất đai sang nền lâm nghiệp xã hội hóa có tính chất toàn dân, với hình thức tổ chức sản xuất đến hộ gia đình đã tạo nên sự ổn định về sản xuất cũng như đời sống của nhân dân.
Công tác bảo vệ và phát triển rừng
Sau gần 20 năm đổi mới, đất nước có nhiều chuyển biến, để đáp ứng yêu cầu này, cơ cấu của Chính phủ có nhiều thay đổi. Thực hiện chủ trương Bộ quản lý đa ngành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006. Theo đó tổ chức kiểm lâm được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến cấp huyện và thực hiện phân công kiểm lâm phụ trách địa bàn xã. Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh thống nhất trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải thể các hạt phúc kiểm lâm sản, bỏ các barie,…. Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ, chính sách ưu đãi đối với kiểm lâm như về chế độ thương binh, liệt sỹ; phụ cấp ưu đãi nghề; phụ cấp thâm niên;… Tính đến 31/12/2007, cả nước có 60 tỉnh có tổ chức kiểm lâm (4 tỉnh không có lực lượng kiểm lâm là Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ); 6 vườn quốc gia trực thuộc Cục Kiểm lâm, 24 vườn quốc gia trực thuộc các tỉnh, thành phố, 430 hạt kiểm lâm, 36 hạt phúc kiểm lâm sản, 72 đội kiểm lâm cơ động, 103 hạt kiểm lâm rừng đặc dụng. Cả nước có 10.584 cán bộ kiểm lâm (9.318 biên chế, 1.266 lao động hợp đồng); 48 cán bộ kiểm lâm trình độ trên đại học, 3.969 cán bộ trình độ đại học, 4.770 cán bộ trung cấp, 1.797 cán bộ sơ cấp. Nếu so sánh với thời điểm 21/5/1973 quả là một sự trưởng thành lớn mạnh vượt bậc. Tuy nhiên, mọi sự so sánh đều không phản ánh hết sự trưởng thành của kiểm lâm mà chỉ có những người trong lực lượng trải nghiệm qua các giai đoạn khác nhau mới cảm nhận rõ nét.
Vai trò của lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng
Mọi người cũng xem:
Cầu nối đưa chính sách bảo vệ và phát triển rừng vào đời sống
Là cầu nối đưa những chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước đến với quần chúng nhân dân, lực lượng kiểm lâm làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng đến người dân. Ngay sau khi Nghị định 75/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 được ban hành, lực lượng Kiểm lâm dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh đã kịp thời tuyên truyền, đưa chính sách đến từng thôn bản, vận động người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Lực lượng Kiểm lâm cho biết: Việc phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm và quần chúng nhân dân rất chặt chẽ. Lực lượng kiểm lâm phát huy tối đa vai trò của mình. Cụ thể, các chiến sĩ kiểm lâm đến từng hộ dân được hưởng chính sách trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, vận động bà con tham gia bảo vệ và phát triển rừng; trực tiếp hướng dẫn bà con sản xuất lâm nghiệp. Nguồn vốn hỗ trợ được quy định tại Nghị định 75 đều được chi trả thông qua lực lượng kiểm lâm nên công tác lập hồ sơ và ký kết hợp đồng của người dân đều được thực hiện dưới sự hướng dẫn của lực lượng kiểm lâm, góp phần gắn chặt mối quan hệ quân – dân khăng khít.
Vai trò nòng cốt của lực lượng Kiểm lâm trong việc bảo vệ và phát triển rừng
Là một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giữ vai trò quan trọng gắn kết hoạt động của cơ quan Kiểm lâm với cơ sở, những năm qua, lực lượng Kiểm lâm địa bàn đã góp phần tích cực trong việc giữ rừng tại gốc, giúp người dân phát triển kinh tế rừng.
Lực lượng Kiểm lâm chủ động phối hợp với Báo, Đài Phát thanh truyền hình ở Trung ương và địa phương, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, Sở Tư pháp và một số dự án tuyên truyền và kết hợp phổ biến về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Phòng cháy, Luật Đất đai, Luật Môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Đặc biệt, đã phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên đề “Toàn dân tham gia bảo vệ rừng” phát sóng hàng tuần nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng; cảnh báo cháy rừng; biểu dương gương người tốt, việc tốt; phê phán những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, giao đất, giao rừng và phát triển trang trại lâm nghiệp… Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả công tác trên, đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm pháp luật về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, đồng thời nâng cao nhận thức cho Nhân dân trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy.
Lực lượng Kiểm lâm cũng đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền địa phương và những đơn vị chủ rừng tổ chức các đợt kiểm tra rừng, truy quét tâm tặc, tuần tra kiểm soát lâm sản tại khu vực xung yếu, tụ điểm khai thác gỗ, phá rừng làm nương rẫy, xâm chiếm đất lâm nghiệp, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản, động vật rừng trái phép trên địa bàn tỉnh. Nhờ làm tốt các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng nên số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng xảy ra có xu hướng giảm dần qua hàng năm; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng trong cộng đồng dân cư ngày càng tăng.
Phát huy những thành tích đã đạt được, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương chính sách của Nhà nước về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện tốt công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và tham mưu xây dựng đề án hỗ trợ trồng rừng thay thế nương rẫy theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9.9.2015 của Chính phủ. Nâng cao vai trò của lực lượng kiểm lâm để lực lượng kiểm lâm thực sự gần dân, xứng đáng là lực lượng chuyên trách của Nhà nước về phát triển và bảo vệ rừng
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Vai trò của lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.
Trân trọng ./.