Suốt hơn một trăm năm qua, thế giới đã chứng kiến lịch sử phát triển của các mô hình tập đoàn kinh tế khác nhau, như mô hình tập đoàn liên kết khối (conglomorate) ở Đức, mô hình công ty holding ở Mỹ, mô hình Keiretsu của Nhật Bản hay các Cheabol của Hàn Quốc… Và trong quá trình hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu những năm qua, Việt Nam cũng đã học hỏi, du nhập các mô hình tập đoàn kinh tế. Có một câu hỏi khiến các doanh nghiệp băn khoăn rằng ta có đang tự xoay mình trong vòng luẩn quẩn của hình thức mang tên “nhóm công ty”? Liệu rằng chúng ta có đang bước đi đúng hướng theo mô hình mà các nước tiên tiến đã thực hiện và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá? Để làm rõ về mô hình nhóm công ty và sự liên kết của chúng trong thực tế cũng như các quy định của pháp luật về nhóm công ty, em xin chọn đề tài “Trình bày hiểu biết về sự liên kết trong mô hình nhóm công ty”.
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Giáo trình luật thương mại – tập 1 – Trường Đại học Luật Hà Nội – Nxb Công An Nhân Dân.
- Luật Doanh nghiệp 2014 – Nxb Lao động.
- Quản trị nhóm công ty: Mô hình phù hợp cho doanh nghiệp Việt Nam
- Mô hình tập đoàn kinh tế – Thực tiễn và giải pháp – Petrotimes.
- Tìm hiểu mô hình về công ty mẹ, công ty con – Luật sư Phạm Tuấn Anh.
- Mô hình công ty mẹ-công ty con – webketoan.com
Nội dung
Khái niệm, đặc điểm cơ bản và các hình thức của nhóm công ty
Khái niệm nhóm công ty
Liên kết hình thành nhóm công ty là xu hướng tất yếu khách quan trong nền kinh tế sản xuất hàng hóa, nền kinh tế thị trường. Những yếu tố cơ bản như nhu cầu phân tán rủi ro, nhu cầu tích tụ và tập trung vốn, phân công lao động xã hội và sự chi phối mạnh mẽ từ quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu của nền kinh tế đã thúc đẩy hoạt động lên kết hình thành nhóm công ty. Nhóm công ty là tập hợp các công ty có mối liên hệ gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác.
Đặc điểm pháp lý cơ bản của nhóm công ty
Nhóm công ty được hình thành trên cơ sở liên kết giữa các công ty thành viên. Đây là xu thế tất yếu của quá trình phát triển của lực lượng sản xuất. Liên kết giữa các công ty để hình thành nhóm công ty dựa trên ý chí tự nguyện của chính công ty đó.
Các công ty độc lập, nhân danh chính mình để thực hiện hành vi liên kết. Tuy nhiên trong một số trường hợp do điều kiện cạnh tranh cũng như ảnh hưởng tới tính tự nguyện liên kết, quy luật cạnh tranh trong nền kinh tế sẽ buộc các doanh nghiệp phải liên kết với nhau nhằm tạo lập, duy trì, phát triển tối đa nguồn lực của doanh nghiệp đó.
Dựa trên tính chất ngành nghề, các nhóm công ty được hình thành: nhóm công ty liên kết theo chiều ngang; nhóm công ty liên kết theo chiều dọc; nhóm công ty liên kết hỗn hợp. Dựa vào phương thức hình thành, các nhóm công ty chia thành: nhóm công ty liên kết cứng; nhóm công ty liên kết mềm; nhóm công ty liên kết trên cơ sở xác lập thống nhất tài chính và kiểm soát tài chính.
Nhóm công ty có tên riêng, có trụ sở riêng. Tên riêng của nhóm để chỉ một tập hợp các công ty độc lập, hoạt động trên cơ sở liên kết chặt chẽ vì lợi ích kinh tế. Tên riêng của nhóm để phân biệt giữa nhóm công ty với các công ty trong nhóm và phân biệt nhóm công ty này với nhóm công ty khác. Nhóm công ty có trụ sở ổn định, rõ ràng. Trụ sở của nhóm công ty là nơi để thực hiện hoạt động quản trị nhóm công ty nói chung và các công ty trong nhóm nói riêng.
Trình bày hiểu biết về sự liên kết trong mô hình nhóm công ty
Nhóm công ty không có tư cách pháp nhân, không có tài sản riêng. Mỗi công ty trong nhóm là một chủ thể với năng lực pháp lý đầy đủ, nhân danh chính mình thực hiện các quan hệ pháp luật. Sự tập hợp của các công ty tạo thành nhóm không hướng đến việc hình thành một tổ chức kinh tế mới tham gia thị trường mà thực hiện quá trình liên kết nhằm tối đa hóa lợi ích của từng công ty kinh doanh độc lập. Vì vậy, nhóm công ty không có tư cách pháp nhân, sự vận hành của nhóm công ty chính là sự vận hành của các công ty thành viên.
Nhóm công ty hình thành từ sự liên kết nhưng không xuất phát từ quá trình góp vốn chung, vì vậy nhóm công ty không nhận sự chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn từ các công ty thành viên nên không có tài sản chung. Các công ty thành viên thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính để duy trì hoạt động của bộ máy quản trị nhằm thực hiện các trách nhiệm cần thiết cho hoạt động của nhóm.

Các hình thức nhóm công ty
Các hình thức nhóm công ty bao gồm: tổ hợp công ty mẹ – công ty con, tập đoàn kinh tế và một số hình thức khác.
Điều 188 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về tập đoàn kinh tế, tổng công ty như sau:
“1. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật này.
Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Công ty mẹ, công ty con và mỗi công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định của pháp luật.”
Tổ hợp công ty mẹ – công ty con là tổ hợp các công ty theo đó một công ty sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông hoặc có quyền trực tiếp hay gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên hội đồng quản trị.
Tập đoàn kinh tế bao gồm nhóm các công ty có tư cách pháp nhân độc lập và quy mô lớn, được hình thành trên cơ sở tập hợp, liên kết thông qua đầu tư, góp vốn, sát nhập, mua lại, tổ chức lại hoặc các hình thức liên kết khác; gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ và thị trường tạo thành tổ hợp kinh doanh có từ hai cấp doanh nghiệp trở lên dưới hình thức công ty mẹ – công ty con.
Sự liên kết trong mô hình nhóm công ty ở Việt Nam Hiện nay
Thực trạng chung về sự liên kết mô hình nhóm công ty ở Việt Nam hiện nay
Các tập đoàn tư nhân xuất hiện khi mà số lượng các doanh nghiệp tăng lên và quy mô của các công ty ngày càng lớn. Các tập đoàn “tự phong” này được hình thành thông qua việc thành lập một số công ty con, chủ yếu có quan hệ về vốn sở hữu với công ty mẹ hoặc với nhóm chủ sở hữu lớn của công ty mẹ.
Tên gọi tập đoàn thì đã quá quen thuộc, thậm chí còn bị lạm dụng, nhưng một mô hình tập đoàn hoàn chỉnh, phù hợp cho một nhóm công ty có mối quan hệ liên kết, gắn bó lâu dài về lợi ích với nhau thì dường như vẫn còn khá xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam. Khi nói đến mô hình tập đoàn, nhiều người nghĩ ngay đến cấu trúc tổ chức tổng thể của tập đoàn, mà cụ thể là cách thức bố trí các công ty thành viên trên sơ đồ tổ chức của tập đoàn. Xa hơn chút nữa, trên sơ đồ tổ chức có thể kèm theo các mũi tên thể hiện chiều đầu tư vốn từ công ty này sang công ty khác. Cách hiểu đơn giản này tạo nên một thực trạng không tốt là nhiều công ty lớn muốn nhanh chóng có được danh hiệu tập đoàn bằng cách bung ra thành lập một số công ty con mà không có sự chuẩn bị kỹ càng trong việc lựa chọn mô hình phù hợp để đem lại sức mạnh cộng hưởng tốt nhất cho nhóm công ty trong tập đoàn. Như vậy, sự hình thành ồ ạt nhân rộng mô hình nhóm công ty với các hình thức công ty mẹ – công ty con, tập đoàn kinh tế đang là thực trạng đáng lo ngại ở nước ta bởi khung pháp lý điều chỉnh mô hình này chưa được hoàn thiện.
Sau khi có chủ trương triển khai chuyển đổi mô hình và Quyết định số 198/2005/QĐ-TTg ngày 8 tháng 8 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án thí điểm hình thành tập đoàn than Việt Nam – đây là mô hình tập đoàn kinh tế thí điểm đầu tiên về hình thức công ty mẹ trong mô hình nhóm công ty, thì một loạt các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty mẹ – công ty con hình thành. Trong đó phải kể đến tập đoàn dệt may Việt Nam chuyển từ mô hình tổng công ty dệt may Việt Nam sang, tổng công ty dầu khí Việt Nam chuyển sang tập đoàn dầu khí Việt Nam, rồi Vinalines cũng chuyển đổi mô hình sang công ty mẹ – công ty con… Bản thân các mô hình nhóm công ty này có ưu thế rất lớn nếu hoạt động tốt theo mô hình đó thì sẽ giúp cho nền kinh tế tăng trưởng đáng kể. Như sự vận dụng mô hình nhóm công ty với sự liên kết ưu thế của nó trong các tập đoàn kinh tế lớn như Apple, Samsung… đã thúc đẩy doanh thu của các hãng này lên cao.
Thực trạng vẫn còn tồn tại là, một số công ty mẹ – công ty con vẫn chưa thông thạo cách điều hành theo cơ chế mới, đôi khi vẫn lập lại cách chỉ huy hành chính mệnh lệnh (vì trong giai đoạn này đa phần các công ty theo mô hình này có điểm xuất phát là tổng công ty nhà nước). Công ty mẹ hầu hết vẫn là công ty 100% vốn nhà nước, chưa dám cổ phần hóa nên nguồn lực tài chính của công ty mẹ còn yếu nên chưa thực sự làm được vai trò của công ty mẹ. Chính vì vậy đã dẫn đến sự sụp đổ của một số mô hình công ty chuyển đổi sang hình thức công ty mẹ – công ty con như Vinalines, Vinashin.
Như vậy, sự liên kết mô hình nhóm công ty ở Việt Nam tuy đã dần được “khai hoá”, chạm tới những ngưỡng cửa mới song vẫn còn gặp nhiều khó khăn về cơ cấu tổ chức, về nguồn lực tài chính, về nhân sự,… Nhìn tổng thể ta có nhiều điều bất lợi nhưng khi đi sâu vào từng hình thức của nhóm công ty, có lẽ ta sẽ khai thác được nhiều ưu cũng như nhược điểm riêng của từng hình thức. Và có thể khi đó chúng ta nhận thấy được sự mới mẻ của từng loại hình có hay không phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Hình thức tổ hợp công ty mẹ- công ty con
Khái niệm mô hình công ty mẹ, công ty con
“Công ty mẹ – công ty con” là khái niệm dùng để chỉ một tổ hợp các công ty có mối quan hệ với nhau về sở hữu, độc lập về mặt pháp lý và chịu sự kiểm soát chung của một công ty có vai trò trung tâm quyền lực, nắm giữ quyền chi phối các công ty còn lại trong tổ hợp. Bên cạnh đó, mô hình này còn là một loại hình liên kết các công ty mà trong đó, có một công ty có vai trò trung tâm quyền lực (công ty mẹ) nắm giữ cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối trong một hoặc một số các công ty khác (công ty con), từ đó kiểm soát hoạt động của các công ty này.
Nói đến tổ hợp công ty mẹ – công ty con là nói đến cấu trúc bên trong liên kết các thành tố cấu thành thực thể ấy. Mối quan hệ giữa công ty mẹ – công ty con là mối liên kết bên trong giữa chúng trong đó nhấn mạnh đến liên kết cứng, tức liên kết trên cơ sở chủ yếu là việc nắm giữ vốn giữa các công ty. Thông qua đầu tư vốn dưới dạng quyền sở hữu cổ phần hay phần vốn góp của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền chi phối về mặt tổ chức cũng như hoạt động của các công ty khác trong tổ hợp. Tuy nhiên, vốn đầu tư chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ. Những công ty dù có vốn đầu tư của công ty mẹ song không bị công ty mẹ không nắm quyền chi phối thì không phải là công ty con.
Như vậy, để trở thành công ty mẹ của công ty khác thì phải có hai điều kiện đó là có vốn đầu tư vào công ty đó và nắm quyền chi phối công ty đó.
Đặc điểm của công ty mẹ, công ty con
Công ty mẹ – công ty con là những doanh nghiệp liên kết lại với nhau hình thành loại hình công ty mẹ – công ty con mang những đặc điểm sau:
Thứ nhất, về quy mô: Đây là điểm đặc trưng của hình thức này, với quy mô lớn về vốn, lao động, doanh thu và hoạt động.
Thứ hai, về huy động vốn: Có hai con đường để tạo ra vốn là hướng nội và hướng ngoại. Con đường hướng nội, là con đường chủ yếu hơn cả, tạo ra bằng cách tích lũy nội bộ nền kinh tế, sử dụng nguồn vốn nhà nước cấp ban đầu, cho vay tín dụng, sáp nhập, hay hợp nhất các công ty lớn cùng ngành nghề; Con đường hướng ngoại, là thu hút nguồn đầu tư thông qua các dự án đầu tư nước ngoài, liên doanh, liên kết, phát hành trái phiếu, cổ phiếu và vay vốn nước ngoài.
Thứ ba, về lĩnh vực hoạt động: Các công ty trong hình thức công ty mẹ – công ty con đều hoạt động kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Sở dĩ có đặc điểm này là vì công ty mẹ – công ty con hoạt động với quy mô lớn nếu có một mặt hàng rủi ro xảy ra thì các khoản thất thoát là rất nhiều do đó hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực nhằm phân tán rủi ro và bảo đảm cho các hoạt động của công ty không bị đóng băng cho dù có một lĩnh vực bị đóng băng, đồng thời tận dụng được cơ sở vật chất cũng như khả năng lao động của các công ty trong hình thức này.
Thứ tư, tư cách pháp lý: Công ty mẹ – công ty con là một tập hợp các công ty, mỗi công ty là một pháp nhân độc lập, có tài sản riêng, có bộ máy điều hành quản lý riêng và tự chịu trách nhiệm về các khoản nợ cũng như các nghĩa vụ tài sản của mình.
Thứ năm, về quyền chi phối của công ty mẹ đối với công ty con: Công ty mẹ nắm giữ quyền chi phối, kiểm soát công ty con. Quyền kiểm soát, chi phối là quyền quyết định đối với nhân sự chủ chốt, tổ chức quản lý, thị trường và các quyết định quản lý quan trọng của công ty khác hoặc sử dụng quyền biểu quyết của mình với tư cách là một cổ đông, bên góp vốn, tác động đến việc thông qua hoặc không thông qua các quyết định quan trọng của công ty mà mình có vốn cổ phần, vốn góp chi phối.
Mối quan hệ giữa các công ty trong tổ hợp công ty mẹ – con
* Mối quan hệ giữa công ty mẹ với công ty con
Quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con được thiết lập trên cơ sở sở hữu vốn. Theo đó, công ty mẹ đầu tư toàn bộ hoặc đầu tư phần vốn góp chi phối vào công ty con. Tùy theo pháp luật của mỗi nước và điều lệ của từng công ty quy định mà mức chi phối được thể hiện ở tỷ lệ vốn góp. Thông thường, công ty mẹ chiếm từ 50% trở lên vốn góp của công ty con. Tuy nhiên, có trường hợp vẫn được coi là công ty mẹ mặc dù vốn góp dưới 50% tùy thuộc vào điều lệ công ty. Công ty mẹ cũng nắm giữ quyền chi phối, kiểm soát công ty con. Việc kiểm soát, chi phối của công ty mẹ thể hiện ở việc tác động tới các quyết định quan trọng của công ty con thông qua người đại diện phần vốn góp hay người trực tiếp quản lý phần vốn của công ty mẹ tại công ty con. Mỗi công ty mẹ có thể có nhiều công ty con nhưng mỗi công ty con chỉ có một công ty mẹ; các công ty con có thể tiếp tục đầu tư vào các công ty con khác. Ngoài ra, công ty mẹ không bị ràng buộc hay phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các nghĩa vụ tài sản của công ty con.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 190, Luật Doanh nghiệp 2014 thì trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.
* Mối quan hệ giữa các công ty con với nhau
Các công ty con đều là những pháp nhân độc lập, có vị trí ngang nhau, có tài sản, bộ máy quản lý riêng và đều chịu sự chi phối từ một công ty mẹ. Giữa các công ty này thường hình thành quan hệ chặt chẽ về hợp tác và sản xuất để phục vụ chiến lược, mục tiêu phát triển của cả tổ hợp. Một trong các kiểu liên kết trong tổ hợp đó là mỗi công ty sẽ là một khâu trong dây chuyền sản xuất kinh doanh của tổ hợp công ty mẹ – công ty con. Khi đó, các giao dịch kinh doanh trong nội bộ tổ hợp trên cũng phải tuân thủ quy tắc thị trường, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và cùng có lợi, song cũng có những bảo hộ, ưu đãi. Trong việc thực hiện hoạt động kinh doanh, có khi hoạt động kinh doanh mang lại bất lợi cho công ty con này nhưng lại có lợi cho công ty con khác và xét về lợi ích tổng thể thì sự hy sinh lợi ích của công ty con này sẽ giúp đạt được lợi ích tổng cao hơn. Khi đó, “các công ty con này sẽ tự thương lượng, dàn xếp với nhau để bù đắp phần thiệt hại hoặc công ty mẹ sẽ là trung gian để thoả thuận và chi trả cho công ty con bị bất lợi thông qua việc công ty con nhận lại một lợi ích như lợi nhuận hay một cơ hội kinh doanh nào đấy”, hoặc công ty con được hưởng lợi đó phải liên đới cùng công ty mẹ hoàn trả khoản lợi được hưởng đó cho công ty con bị thiệt hại.
Thành công và hạn chế của pháp luật Việt Nam đối với mô hình công ty mẹ – công ty con
Thành công
Thứ nhất, có thể xác lập một cơ chế quản lý phân cấp triệt để hơn khi nó còn là một bộ phận trực thuộc của công ty mẹ.
Thứ hai, công ty mẹ có thể thực hiện được chiến lược giá chuyển giao (Transfer pricing) nhất là trong những trường hợp các doanh nghiệp lập cơ sở kinh doanh ở nước ngoài.
Thứ ba, với mô hình này, các doanh nghiệp có thể thực hiện được sự liên kết với các doanh nghiệp khác nhằm giảm cạnh tranh, tăng độc quyền của thiểu số
Thứ tư, mô hình công ty mẹ – công ty con cho phép các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc bố trí và tái bố trí lại cơ cấu đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau theo chiến lược phát triển của doanh nghiệp bằng việc mua hoặc bán cổ phần của mình trong các công ty con.
Thứ năm, mô hình công ty mẹ – công ty con cho phép một doanh nghiệp huy động vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh bằng cách thành lập công ty con mới trong điều kiện vừa có thể kiểm soát được doanh nghiệp mới thành lập một cách hữu hiệu thông qua cổ phần khống chế, vừa không bị các nhà đầu tư chi phối với doanh nghiệp cũ.
Hạn chế
Vị trí, vai trò của tổ chức Đảng chưa rõ ràng gây khó khăn trong hoạt động quản lý, điều hành của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước tham gia, cần quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các cán bộ chủ chốt khi tham gia quản lý, điều hành công ty với tư cách vừa là cổ đông vừa là đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước.
Luật Doanh nghiệp năm 2005 mặc dù đã nêu quyền và trách nhiệm của công ty mẹ, công ty con nhưng mới chỉ ở dạng chung nhất mà chưa có những quy định cụ thể về quản lý đối với mô hình này.
Các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình chuyển đổi theo mô hình công ty mẹ – công ty con còn tồn tại nhiều bất cập như công ty mẹ là công ty nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, còn các công ty con là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Điều này đã gây ra nhiều bất cập trong công tác quản lý, điều hành giữa công ty mẹ và công ty con.

Hình thức Tập đoàn kinh tế- Tổng công ty
Nghị định 69/2014/NĐ-CP ghi nhận: “1. Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty, gồm công ty mẹ, các doanh nghiệp thành viên và công ty liên kết; đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định này.
Tổng công ty là nhóm công ty, gồm công ty mẹ, các doanh nghiệp thành viên và công ty liên kết; đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 4 Điều 9 Nghị định này”
Tập đoàn kinh tế, tổng công ty là tập hợp các công ty ở quy mô lớn hoạt động một trong nhiều lĩnh vực khác nhau, ở phạm vi một nước hay nhiều nước; trong đó có một công ty (công ty mẹ) nắm quyền lãnh đạo, chi phối hoạt động của các công ty khác (công ty con).
Tập đoàn kinh tế, tổng công ty là một cơ cấu tổ chức vừa có chức năng kinh doanh, vừa có chức năng liên kết kinh tế hình thành trên cơ sở tập hợp, thông qua đầu tư, góp vốn, sáp nhập, mua lại, tổ chức lại hoặc các hình thức liên kết khác; các công ty trong tập đoàn, tổng công ty gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ liên quan khác nhằm tăng cường tích tụ, tập trung, nâng cao khả năng cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không có tư cách pháp nhân mà chỉ là một tổ chức tập hợp của các công ty (pháp nhân độc lập) có mối liên hệ về vốn, tài chính, công nghệ, thị trường, thương hiệu, nghiên cứu, đào tạo, v.v.. Bản chất của tập đoàn kinh tế, tổng công ty là sự liên kết của các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân độc lập (liên kết nhóm), do đó mô hình tập đoàn kinh tế, tổng công ty khá đa dạng. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty gồm công ty mẹ và các công ty con và các công ty thành viên khác. Mục đích của sự liên kết trong mô hình tập đoàn kinh tế, tổng công ty là nhằm tăng cường tích tụ, tập trung, tăng khả năng cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận của các doanh nghiệp. Trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ sở hữu đa số vốn cổ phần của các công ty con, chi phối các công ty con về mặt tài chính và chiến lược phát triển. Như vậy, sở hữu vốn của tập đoàn kinh tế, tổng công ty là sở hữu hỗn hợp nhưng có một chủ sở hữu lớn có quyền chi phối đó là công ty mẹ.
Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có hai hình thức, đó là: tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước và tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân.
Tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước
Tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước là nhóm công ty có quy mô lớn liên kết dưới hình thức công ty mẹ – công ty con và các hình thức khác, tạo thành tổ hợp các doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác. Trong đó, công ty mẹ là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc giữ quyền chi phối theo quyết định của thủ tướng chính phủ; công ty con của doanh nghiệp cấp I là các doanh nghiệp do doanh nghiệp cấp I giữ quyền chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một hoặc hai thành viên trở lên, tổng công ty theo hình thức công ty mẹ -công ty con, công ty liên doanh, công ty con ở nước ngoài, công ty con của doanh nghiệp cấp II và các cấp tiếp theo; các doanh nghiệp liên kết của tập đoàn.
Tập đoàn kinh tế tư nhân
Tập đoàn kinh tế tư nhân được hình thành bằng chính sự tăng trưởng quy mô và mở rộng phạm vi hoạt động của chính các doanh nghiệp. Việc hình thành tập đoàn hoàn toàn là do nhu cầu và nội lực của doanh nghiệp và không có bất cứ một quyết định chuyển đổi hay sắp xếp hành chính nào. Tập đoàn có thể nắm giữ 100% vốn hoặc giữ cổ phần, vốn góp chi phối tại các công ty con.
Trong tập đoàn kinh tế tư nhân, công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Công ty con được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc của pháp luật liên quan.
Công ty mẹ, công ty con và các công ty khác hợp thành tập đoàn kinh tế có các quyền, nghĩa vụ, cơ cấu tổ chức quản lý và hoạt động phù hợp với hình thức tổ chức doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, pháp luật liên quan và điều lệ công ty.
Tình hình thực tế mô hình tập đoàn kinh tế ở Việt Nam
Tại Việt Nam, từ năm 2005 với việc Chính phủ quyết định thí điểm thành lập 8 Tập đoàn kinh tế Nhà nước, đến nay (2019) cả nước đã có tất cả 14 Tập đoàn kinh tế được tổ chức theo 2 mô hình. Nhóm thứ nhất là các tập đoàn được thành lập thông qua tổ chức lại các Tổng công ty Nhà nước, bao gồm các tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Bưu chính–Viễn thông, Than-Khoáng sản, Bảo Việt, Dệt may, Cao su, Công nghiệp tàu thủy. Nhóm thứ hai được thành lập dựa trên tổ hợp các doanh nghiệp độc lập có cùng lĩnh vực hoạt động gồm Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng và Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị. Ngoài ra còn nhóm các tập đoàn được thành lập nên từ các doanh nghiệp khu vực tư nhân.
Đặc trưng nổi bật trong mô hình Tập đoàn kinh tế Nhà nước tại Việt Nam là được hình thành dựa trên cơ sở quyết định của Chính phủ. Các tập đoàn kinh doanh trong các ngành kinh tế mũi nhọn với quy mô và tầm mức lớn, hoạt động theo mô hình công ty mẹ, con dựa trên luật doanh nghiệp thống nhất. Một đặc trưng khác trong mô hình tại Việt Nam là các Tập đoàn kinh tế đứng đầu các lĩnh vực ngành nghề; đóng vai trò là công cụ điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ với phương thức lãnh đạo của Đảng được nhấn mạnh.
Trong giai đoạn đầu thí điểm cho đến nay, các Tập đoàn kinh tế thể hiện rõ vị trí và vai trò chủ đạo của mình trong nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Các tập đoàn cũng phát huy được vị trí tiên phong, dẫn dắt và tạo môi trường thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế khác cùng tham gia đầu tư, sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh đó, các Tập đoàn kinh tế lớn cũng đảm nhận vai trò đi đầu trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của nước nhà. Đây cũng được coi là lực lượng chủ lực trong các chương trình an sinh xã hội vì cộng đồng của Chính phủ.
Mặc dù vậy, quá trình thí điểm cũng cho thấy những mặt hạn chế còn tồn tạị. Hạn chế lớn nhất là vấn đề về khung pháp lý. Chúng ta chưa có khung pháp lý đầy đủ, rõ ràng về mô hình Tập đoàn kinh tế Nhà nước. Điều đó dẫn đến các điểm chưa hoàn thiện trong cơ chế thực hiện và giám sát quyền sở hữu. Phương thức quản lý và điều hành cũ vẫn còn tồn tại. Vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, vai trò quản trị của Hội đồng quản trị và vai trò điều hành của Ban Tổng giám đốc chưa được tách bạch và chuẩn hóa về quy trình nghiệp vụ. Bên cạnh những hạn chế mang tính khách quan thì bản thân các tập đoàn cũng có những vấn đề nội tại. Một phần cán bộ quản lý, người đại diện của tập đoàn tại các đơn vị chưa quán triệt đầy đủ tinh thần về mô hình quản lý, cách thức quản lý doanh nghiệp, thiếu kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại.
Trên cơ sở nhận thức đó, để đi đến những điều chỉnh chính xác đáp ứng được yêu cầu thực tế, Đảng và Nhà nước cần có các tổng kết nghiêm túc đánh giá hiệu quả mô hình Tập đoàn kinh tế Nhà nước nhằm chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong suốt thời gian vừa qua. Qua đó, xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển tổng thể của các tập đoàn, sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, các quy định và chính sách phù hợp với đòi hỏi thực tiễn.
Mặt khác, từ phía các Tập đoàn kinh tế, tăng cường phát triển khoa học công nghệ cùng với đó là nguồn nhân lực chất lượng là yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện mô hình hoạt động của chính mình. Các giải pháp kiện toàn về công tác quản lý, nâng cao, hoàn thiện vai trò và phương lãnh đạo của tổ chức Đảng trong việc định hướng phát triển của doanh nghiệp. Cùng với đó cần thực hiện các giải pháp tái cấu trúc, sắp xếp mạng lưới hoạt động, đẩy mạnh huy động, tập trung và tích tụ vốn thông qua cổ phần hóa, thu hút doanh nghiệp thành viên và liên kết đồng thời gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Nhận định chung hiện nay cho rằng mô hình nhóm công ty có rất nhiều ưu điểm, trong đó nổi bật nhất vẫn là tính tự chủ trong hoạt động và giao dịch kinh doanh của công ty con với công ty mẹ. Tuy nhiên, việc xây dựng các hệ tiêu chuẩn về quản trị, tài chính, kinh doanh để công ty có thể kiểm soát chặt chẽ các công ty con luôn là thách thức không nhỏ. Việc định hình một mô hình nhóm công ty, tập đoàn như thế giới đang làm, thì quả thực sẽ rất khó khăn để có thể đưa vào thực hành các thông lệ tốt của thế giới về quản trị công ty trong tập đoàn, đặc biệt là sự khác biệt trong quy định của Luật Doanh nghiệp liên quan đến hội đồng quản trị và ban kiểm soát. Song, mô hình nhóm công ty ở Việt Nam đã và đang có nhiều bước vặn mình chuyển biến, đặc biệt là việc quy định rõ ràng về cách thức, hoạt động của mô hình này trong luật đã giúp cho hình thức nhóm công ty được hiểu đầy đủ hơn, giúp cho những nhà kinh doanh hiểu được sâu sắc và tránh gặp những rủi ro khi quyết định thành lập một mô hình kinh doanh trên thực tế.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Trình bày hiểu biết về sự liên kết trong mô hình nhóm công ty. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.
Trân trọng./.