Phân tích sự tác động của thông tin đại chúng và dư luận xã hội đến hoạt động thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay

Phân tích sự tác động của thông tin đại chúng và dư luận xã hội đến hoạt động thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay

         Xã hội Việt Nam luôn biến đổi không ngừng, các quan hệ xã hội ngày càng một phức tạp và đa dạng hơn. Vì vậy để quản lý xã hội, để xã hội ổn định thì chúng ta không thể thiếu các công cụ điều chỉnh xã hội. Các công cụ quản lý xã hội ở Việt Nam bao gồm: pháp luật, đạo đức, phong tục- tập quán, điều lệ, hương ước, tôn giáo mà pháp luật là công cụ quản lý xã hội quan trọng nhất và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, ngoài pháp luật ra thì ở Việt Nam cũng có các công cụ có vai trò rất quan trọng và có đóng góp rất lớn vào việc quản lý xã hội và cũng góp phần xây dựng pháp luật. Trong các công cụ quản lý xã hội ở Việt Nam thì thông tin đại chúng và dư luận xã hội có đóng góp không nhỏ vào hoạt động thực hiện pháp luật ở Việt Nam. Đề tìm hiểu sự tác động của thông tin đại chúng và dư luận xã hội đến hoạt động thực hiện pháp luật em xin chọn đề tài: “Phân tích sự tác động của thông tin đại chúng và dư luận xã hội đến hoạt động thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay” làm đề tài của bài tập học kỳ.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Xã hội học pháp luật – TS. Ngọ Văn Nhân – NXB Hồng Đức
  • Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật – Trường Đại học Luật Hà Nội,Nhà xuất bản Công An nhân dân. Hà Nội 2015.
  • Nguyễn Minh Đoan – Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, 2008.
  • Tạ Thị Thu Hường, Luận văn thạc sĩ Luật – Vai trò của dư luận xã hội với việc thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay.
  • Nguyễn Minh Đoan – Thực hiện và áp dụng pháp luật ở Việt Nam Nhà xuất bản chính trị Quốc gia 2008
  • Lê Vương Long – Những vấn đề Lý luận về quan hệ pháp luật Nhà xuất bản tư pháp

Các khái niệm

Thông tin đại chúng và đặc điểm của thông tin đại chúng

       Thông tin đại chúng là hoạt động chuyển giao các thông điệp có tính phổ biến giữa nguồn phát với công chúng rộng rãi trong xã hội.

       Phân tích khái niệm thông tin đại chúng ta hình dung về những khía cạnh sau:

  • Nguồn phát là là chủ thể của quá trình chuyển giao các thông tin là người giữ vai trò chủ động song cũng bị chi phối bởi một loạt yếu tố về hình thức, điều kiện, phương pháp, khả năng trong thu nhận, khai thác xử lý và truyền thông tin đó đi
  • Đối tượng tác động của thông tin đại chúng là số đông, đó là một bộ phận hay cả một cộng đồng xã hội rộng lớn của một quốc gia, khu vực hoặc cả thế giới
  • Nội dung của các thông tin mang tính phổ biến, có ý nghĩa xã hội, liên quan và ảnh hưởng đến nhiều người trong xã hội. Nó đáp ứng nhu cầu hiểu, biết của nhiều người.

       Trong xã hội định hướng xã hội chủ nghĩa, các phương tiện thông tin đại chúng được sử dụng nhiều mục đích thực hiện mục tiêu xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa và hoạt động thực hiện pháp luật.

Dư luận xã hội và đặc điểm của dư luận xã hội

        Dư luận xã hội là một hiện tượng quan trọng trong đời sống tinh thần của con người, nó tồn tại trong tất cả các cộng đồng lớn nhỏ khác nhau của con người như  trong làng, xã, tỉnh…trong một nước hay trên phạm vi một nhóm nước thậm chí trên toàn thế giới.

Phân tích sự tác động của thông tin đại chúng và dư luận xã hội đến hoạt động thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay

       Có nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm dư luận xã hội tuy nhiên một cách khái quát ta có thể hiểu rằng: ”Dư luận xã hội là tập hợp các ý kiến của các cá nhân, các nhóm xã hội hay của xã hội nói chung trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng mang tính thời sự, có liên quan đến nhu cầu, lợi ích của họ, thu hút được sự quan tâm của con người và được thể hiện trong các nhận định và hành động thực tiễn của họ”.

       Dư luận xã hội có một số các tính chất cơ bản như sau:

  • Tính công chúng, công khai

     Từ thực tế cho thấy tính công khai của dư luận xã hội đòi hỏi các nhóm xã hội phải tiếp cận với thực tế, khả năng sử dụng các phương tiện phổ biến và trao đổi thông tin nhất định. Trong xã hội hiện đại, các phương tiện này chính là hệ thống thông tin đại chúng với các loại hình chủ yếu như báo chí, phát thanh, truyền hình, mạng máy tính, truyền miệng…. Dư luận xã hội xã hội có thể được hình thành một cách tự phát nhưng cũng có thể được hình thành có chủ định từ sự chuẩn bị trước để phục vụ cho một chủ trương, chính sách nào đó, vì thế nó có ảnh hưởng lớn đến con người trong xã hội.

  • Tính lợi ích

    Dư luận xã hội chỉ nảy sinh khi trong cộng đồng xuất hiện những vấn đề, sự kiện, hiện tượng mang tính thời sự, có liên quan trực tiếp đến lợi ích của các nhóm xã hội hoặc cả cộng đồng. Lợi ích được đề cập ở đây bao gồm cả lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần.

    Các lợi ích vật chất mà họ hướng tới đó là những lợi ích liên quan chặt chẽ đến hoạt động kinh tế và sự ổn định cuộc sống của đông đảo người dân: như các quyết định của nhà nước về việc tăng giá điện, giá xăng dầu, sửa đổi Luật thuế thu nhập các nhân…

    Các lợi ích tinh thần được nói đến khi các vấn đề đang diễn ra đụng chạm đến hệ thống các chuẩn mực, các phong tục tập quán, khuôn mẫu hành vi và ứng xử văn hóa của cộng đồng dân cư, dân tộc…

  • Tính lan truyền

      Dư luận xã hội có tính lan truyền rất nhanh và sâu rộng. Dư luận xã hội lan truyền càng rộng thì càng có xu hướng thống nhất về nội dung các phán xét, đánh giá, càng làm cho mọi người trong xã hội nhận thức sâu sắc hơn, đặc biệt đối với các sự kiện lớn của đất nước hay các sự kiện mang tính thời sự thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội về các vấn đề mang tính bản chất của chính trị, kinh tế, đạo đức, về việc sửa đổi và ban hành pháp luật, hiến pháp hay các phiên tòa xét xử vụ án cá độ bóng đá của các cầu thủ trong đội tuyển quốc gia Việt Nam, về các vụ án tham nhũng, giết người…

  • Tính biến đổi

      Biến đổi theo không gian và môi trường văn hóa

      Biến đổi theo thời gian


Các tính chất của dư luận xã hội có tác động lớn đến việc thực hiện pháp luật trên thế giới và việc thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay

Mối quan hệ giữa thông tin đại chúng và dư luận xã hội

       Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự ra đời của phương tiện truyền thông hiện đại là sự hình thành hệ thống các kênh thông tin đại chúng như một thiết chế xã hội quan trọng của xã hội hiện đại. Truyền thông đại chúng ngày nay được hiểu như là toàn bộ những kỹ thuật lan truyền thông tin tới những nhóm xã hội lớn, mà chủ yếu bằng báo in, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, internet hoặc các phương tiện khác như sách, áp phích…

       Vai trò và chức năng của truyền thông đại chúng trong đời sống xã hội đã được chứng minh từ lâu. Thế nhưng, dưới cái nhìn của xã hội học, cơ chế tác động qua lại giữa truyền thông đại chúng và dư luận xã hội có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong việc hình thành và thể hiện dư luận xã hội.

       Dư luận xã hội – theo góc độ xã hội học – là sự thể hiện tâm trạng xã hội, phản ánh sự đánh giá của các nhóm xã hội lớn, của công chúng nói chung về các hiện tượng, sự kiện xã hội, đại diện cho lợi ích của các nhóm xã hội mà những lợi ích này có tính cấp thiết trên cơ sở các quan hệ xã hội đang tồn tại.

       Dư luận xã hội là cầu nối giữa ý thức xã hội và hành động xã hội. Vì vậy, với việc hình thành và thể hiện dư luận xã hội, các phương tiện truyền thông mới có thể làm tốt chức năng “tổ chức tập thể, cổ động tập thể”, mới góp phần tạo nên động lực tinh thần, tạo nên sức mạnh cho các hành động xã hội.

       Thông tin đại chúng phản ánh dư luận xã hội nhưng sự phản ánh đấy không thụ động mà có ý thức rõ ràng, hướng tới mục tiêu cụ thể. Mục tiêu cuối cùng và cao nhất  chính là định hướng dư luận xã hội

 Thực hiện pháp luật và các hình thức thực hiện pháp luật

       Thực hiện pháp luật là hành vi thực tế, hợp pháp có mục đích của các chủ thể pháp luật nhằm thực hiện hóa các quy định của pháp luật làm cho chúng đi vào cuộc sống.

       Các hình thức thực hiện pháp luật:

  • Tuân thủ pháp luật: Là hoạt động thực hiện pháp luật trong đó các chủ thể kiềm chế mình không thực hiện những điều pháp luật cấm.
  • Chấp hành pháp luật: Là hoạt động thực hiện pháp luật trong đó các chủ thể thực hiện các nghĩa vụ mà pháp luật bắt buộc họ phải làm.
  • Sử dụng pháp luật: Là hoạt động thực hiện pháp luật trong đó các chủ thể được làm những gì mà pháp luật cho phép
  • Áp dụng pháp luật: Là hoạt động thực hiện pháp luật trong đó nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc nhà chức trách tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện những quy định của pháp luật, hoặc tự mình căn cứ vào những quy định của pháp luật để tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể.

Tác động của thông tin đại chúng và dư luận đến hoạt động thực hiện pháp luật

       Thực hiện pháp luật là một quá trình hoạt động có mục đích của các cá nhân,cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội… làm cho những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống,trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể.

       Vai trò của dư luận xã hội đối với việc thực hiện pháp luật là rất lớn, nó có tác dụng như là cố vấn về mặt tinh thần nó tác động trực tiếp hoặc gián tiếp  cho việc tiến hành các hoạt động thực hiện của các cơ quan hay nhà chức trách có thẩm quyền thể hiện ở một số điểm sau:

Tác động điều chỉnh các mối quan hệ giữa con người với con người

       Dư luận xã hội là sản phẩm đặc biệt của quá trình giao tiếp xã hội. Trên cơ sở các phán xét đánh giá các sự kiện, hiện tượng, nó nêu ra các chuẩn mực, chỉ ra những việc nên làm, việc nên tránh, điều chỉnh hành vi, cách ứng xử của mọi người. Dư luận xã hội đặt ra cho các thành viên của mình những chuẩn mực quan hệ xã hội nhất định. Vì vậy, dư luận xã hội không chỉ là nhân tố điều chỉnh mối quan hệ giữa người với người, mà còn là nhân tố điều chỉnh mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng và xã hội, giữa xã hội với từng cá nhân cụ thể.

       Vai trò giáo dục Dư luận xã hội giáo dục con người có khi còn mạnh hơn biện pháp hành chính. Khi đã hình thành, nó tác động vào ý thức con người, chi phối ý thức cá nhân. Đại đa số người trong cộng đồng đều quan tâm tới dư luận xã hội đánh giá hành vi của mình, có khuynh hướng giữ gìn, bảo vệ những đánh giá tốt, sửa chữa sai sót đáp ứng những đòi hỏi của dư luận xã hội đối với bản thân mình. Từ đó, dư luận xã hội có thể khen hoặc chê, động viên hay phê phán, khuyến khích hoặc công kích những biểu hiện đạo đức hoặc hành vi cá nhân của nhóm người trong xã hội, phòng ngừa các hành vi phạm pháp, buộc cá nhân phải thu mình vào khuôn khổ đạo đức, pháp luật.

       Dư luận xã hội có tính lan truyền rộng rãi, từ đó, các ý kiến, phán xét hiện tượng pháp lý nào đó cũng lan nhanh trong xã hội. Ban đầu chỉ là những ý kiến nhỏ lẻ của cá nhân nhưng lan truyền càng rộng thì càng thống nhấn về nội dung, làm cho mọi người trong xã hội nhận thức sâu sắc hơn những vấn đề mang tính bản chất của pháp luật và các hiện tượng pháp luật. Do đó vai trò giáo dục của du luận xã hội còn thể hiện ở chỗ, dư luận xã hội tham gia vào việc phổ biến, tuyên truyền trong các tầng lớp xã hội những giá trị, tư tưởng, quan điểm pháp luật. Thông qua dư luận xã hội, ý thức thực hiện pháp luật của người dân dần nâng cao. Như việc trung cầu ý dân về Hiến pháp chẳng hạn. Việc công khai tạo điều kiện cho nhân dân tham gia một cách đông đảo vào việc đóng góp ý kiến về văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất đem lại hiệu quả trong việc tuyên truyền pháp luật của nhà nước, huy động được trí tuệ tập thể và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy tính tích cực nâng cao ý thức pháp luật của người dân.

Tác động giáo dục con người

       Dư luận xã hội có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, ý thức của con người, nó góp phần giáo dục mọi người nhận thức đúng đắn về điều tốt, xấu, phải trái, thiện ác… Dư luận xã hội còn có tác dụng với việc hình thành nhân cách con người, tạo ra sự ảnh hưởng của cộng đồng lên nhân cách mỗi cá nhân. Bởi sự đánh giá của dư luận đối với hành vi, ứng xử của thành viên nào đó thường được dựa trên những chuẩn mực, khuôn mẫu hành vi đã có sẵn và được thừa nhận rộng rãi trong cộng đồng xã hội. Hầu hết những thành viên trong cộng đồng thường quan tâm xem dư luận xã hội đánh giá về hành vi, cách ứng xử của mình như thế nào rồi từ đó phát huy, điều chỉnh, thay đổi việc làm, cách ứng xử của mình sao cho phù hợp với dư luận xã hội.

Tác động đấu tranh phòng chống các biểu hiện tiêu cực xã hội

       Vai trò đấu tranh phòng chống các biểu hiện tiêu cực xã hội Dư luận xã hội là một phương tiện giáo dục có hiệu quả, đồng thời là một nhân tố phòng ngừa vi phạm pháp luật. Sự pháp xét, đánh giá tập thể ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành cách xử sự hợp pháp của mọi người dân. Không có ai có thể sống ngoài dư luận, bởi vậy cũng không ai có thể thực hiện những hành vi bất hợp pháp mà không bị bàn luận. Đối với đại đa số quần chúng nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc luôn có tầm quan trọng hàng đầu.. Mỗi khi quyền lợi, các giá trị của quốc gia, dân tộc bị xâm hại thì du luận xã hội lập tức xuất hiện với thái độ lên án, phản đối gay gắt. Mỗi khi các cá nhân hoặc nhóm xã hội nào đó có hành vi xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, dư luận xã hội cũng lập tức lên án, gây sức ép nhằm ngăn chặn hành vi đó

       Chẳng hạn, những vụ phạm pháp hình sự đặc biệt nghiêm trọng, như vụ giết người ở Bình Phước, hay Trung Quốc ngang nhiên chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam với lời lẽ bao biện xảo trá mới đây khiến cho dư luận xã hội hết sức công phẫn, đòi trừng phạt nghiêm khắc kẻ phạm tội. Điều đó cho thấy, dư luận xã hội có tác đụng củng cố, bảo vệ tính dân chủ, tính khoa học và tính xã hội của hệ tư tưởng pháp luật. Từ đó ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực trong sử dụng quyền lực của nhà nước, áp dụng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân cũng như của cả dân tộc. Ngày nay, Nhân dân trực tiếp đấu tranh chống tiêu cực thông qua việc khiếu nại, tố cáo và thông qua các diễn đàn nhân dân, nhất là bằng các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài việc đóng góp ý kiến trực tiếp với cán bộ, đảng viên ở các cấp, ngành, người dân còn gửi thư, đơn đến các cơ quan chức năng, cơ quan thông tin báo chí ở Trung ương và địa phương góp ý, phát hiện những sai phạm về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực. Sự tham gia của nhân dân vào công tác đấu tranh chống tiêu cực còn thể hiện thông qua các diễn đàn nhân dân như báo nói, báo viết, báo hình. Nhờ có sự tham gia tích cực và rộng rãi của nhân dân vào công tác thanh tra, giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp mà nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực được phát hiện và đưa ra xử lý Bên cạnh đó, vì áp lực của xã hội, những vụ “bê bối” của cán bộ được phanh phui, đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, hạn chế tình trạng cậy chức, cậy quyền “đổi trắng thay đen”. Và từ đó, dư luận góp phần răn đe những nhà cầm quyền khác hạn chế những vấn nạn như tham nhũng, mua quan bán chức…

Tác động đánh giá các quy phạm pháp luật

       Các quy định của pháp luật kể từ khi ban hành đến khi thực hiện trong cuộc sống là một khoảng thời gian dài. Để những quy định đó phát huy hiệu quả thì phải thông qua dư luận xã hội. Thông qua việc thăm dò dư luận xã hội sẽ cung cấp cho chúng ta những đánh giá đúng, sai, thật, giả, mặt tích cực, hạn chế…của những quy định pháp luật, của việc thực hiện pháp luật…giúp cho các cơ quan có thẩm quyền có cách ứng xử,sử lý sao cho phù hợp nhất, phù hợp với dư luận của xã hội.

Tác động giám sát hoạt động thực hiện pháp luật

       Vai trò giám sát, tư vấn Hoạt động giám sát của dư luận xã hội đối với việc thực hiện pháp luật được thể hiện như sau:

       Đối với việc tuân thủ pháp luật: Nhờ sự giám sát của dư luận xã hội, buộc các chủ thể phải kiềm chế không tiến hành các hoạt động mà pháp luật cấm, nếu không sẽ ngay lập tức bị lên án, trở thành trung tâm cho xã hội bàn luận. Nhờ đó, pháp luật được tuân thủ tốt hơn, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mọi công dân.

       Đối với việc thi hành pháp luật: Cùng với các cơ quan nhà nước, sự giám sát của dư luận xã hội buộc các chủ thể pháp luật phải tích cực thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình với nhà nước. Nhân dân đã tham gia tích cực vào việc tiến hành thanh tra như cử đại diện tham gia đoàn thanh tra, cung cấp tài liệu, chứng cứ, tham gia góp ý kiến, thông qua kết luận thanh tra và xử lý sau thanh tra, góp phần quan trọng trong việc phát hiện ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, giải quyết ổn định tình hình cơ sở ở các địa phương.

       Đối với việc sử dụng pháp luật: nếu không có dư luận xã hội, bộ máy cưỡng chế của nhà nước sẽ không quản lí hết được mọi cấp, mọi ngành, nhờ có dư luận xã hội mà tình trang lạm chức lộng quyền giảm đáng kể. một khi có biểu hiện, dư luận sẽ lên án, từ đó các cơ quan thi hành sức mạnh cưỡng chế có cơ sở để điều tra, trả lời cho dân biết.

       Như vậy, dư luận xã hội là một sức mạnh tinh thần trong xã hội, sự ruồng bỏ của xã hội đôi khi có thể hủy diệt uy tín, danh dự, thậm chí là sức khỏe, tính mạng của con người. Mặt khác, dư luận xã hội cũng tạo điều kiện cho mọi người được thể hiện ý kiến, quan điểm của mình một cách công khai với các vấn đề ngoài xã hội. Ngày nay, khi mà vai trò của quần chúng nhân dân được mở rộng, coi trọng, nền dân chủ được mở rộng thì vai trò và hiệu lực của dư luận càng được nâng cao.


Thực trạng và một số giải pháp nâng cao vai trò của dư luận xã hội  và thông tin đại chúng đối với thực hiện pháp luật ở Việt Nam

Những hạn chế của dư luận xã hội và thông tin đại chúng đối với việc thực hiện pháp luật

       Thứ nhất, số vụ việc tiêu cực được phát hiện tuy có giảm song lại có chiều hướng diễn biến phức tạp gây tác hại trên nhiều mặt, hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự và phát triển kinh tế, xã hội.

       Thứ hai, những thế lực thù địch có thể lợi dụng dư luận để truyền bá những tư tưởng phản động chống lại nhà nước, xúi giục phản động.

       Thứ ba, trong việc thực hiện phương châm: dân biết dân bàn, dân tham gia góp ý kiến và dân kiểm tra thì việc tổ chức để dân giám sát, kiểm tra còn yếu, cơ chế cho việc kiểm tra chưa rõ.

       Thứ tư, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể nhân dân chưa được coi trọng thường xuyên, đấu tranh phê bình và tự phê bình, thực hiện dân chủ công khai một số nơi còn hạn chế; tình trạng mất dân chủ, quan liêu trong một số cơ quan, đơn vị cơ sở xã phường chậm được khắc phục sửa chữa.

Một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của dư luận xã hội và thông tin đại chúng đối với thực hiện pháp luật ở Việt Nam

       Với tư cách là công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội, dư luận xã hội hỗ trợ cùng pháp luật trong việc điều chỉnh hành vi của con người, duy trì trật tự trong toàn xã hội cũng như trong cộng đồng. Mặc dù là công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội, nhưng do tính chất đặc thù lại tồn tại dưới dạng quan điểm, nhận xét, ít chứa đựng các yếu tố khoa học. Do vậy, tác dụng điều chỉnh của dư luận xã hội phần nhiều mang tính nhất thời, không bền vững. Thông thường dư luận nổi lên rồi sau đó một thời gian nhất định lại “lắng xuống” và tác dụng sẽ giảm dần.

       Vì lý đó, em xin đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao Vai trò của dư luận xã hội đối với thực hiện pháp luật ở Việt Nam ở nước ta hiện nay:

       Trong lĩnh vực pháp luật: Nhà nước phải có một cơ chế hợp lý để nắm bắt kịp thời những thông tin mà dư luận xã hội phản ánh về những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong xã hội:

       Tổ chức các cuộc họp định kì để nhân dân phát biểu; Công tác điều tra cũng phải được công khai;

       Nhà nước phải có biện pháp cổ vũ,động viên dư luận xã hội tích cực phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật.

       Ngược lại, có biện pháp răn đe, cảnh báo các cá nhân tổ chức phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Nhà nước phải có những biện pháp ngăn chặn kịp thời những dư luận xã hội không đúng, tránh gây sự hoang mang lo sợ hoặc đánh giá không đúng vấn đề, dẫn đến thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

       Trong các lĩnh vực xã hội: Lãnh đạo các tổ chức, đơn vị trước hết phải nắm bắt kịp thời các sự kiện, hiện tượng mang tính thời sự liên quan đến tổ chức, đơn vị mình, các sự kiện, hiện tương liên quan đến lợi ích của giai cấp, quốc gia dân tộc cũng như nắm bắt và làm chủ được dư luận xã hội về sự kiện, hiện tượng đó để làm cơ sở cho việc định hướng dư luận xã hội.

       Các cơ quan Nhà nước khi ban hành bất cứ một quy định pháp luật cụ thể nào đó, mang tính nhạy cảm thì nên tiến hành thăm dò dư luận xã hội, nắm bắt được phản ứng của xã hội ủng hộ hay phản đối, có những băn khoăn gì…để có những giải pháp phù hợp và thể hiện tính dân chủ trong nhân dân.

       Luôn lắng nghe dư luận xã hội vì đó là lòng dân, nhân dân quan tâm đến Đảng, đến Nhà nước, đến những công việc chung như thế nào, tiếp thu trí tuệ và sự sáng tạo của nhân dân cho sự nghiệp chung của đất nước. Cần nghiên cứu và sử dụng dư luận giúp cho việc xây dựng pháp luật, những người hoạch định chính sách khắc phục được những quyết định chủ quan hay những biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, xa rời thực tiễn của cán bộ, công chức nhà nước.

       Vì dư luận xã hội có sức lan truyền mạnh mẽ nên việc nâng cao vai trò của báo chí và thông tin đại chúng  là vô cùng quan trọng, nó sẽ cung cấp thông tin và định hướng xây dựng dư luận tốt hơn.

       Nâng cao trình độ văn hóa của chính trị cho người dân cũng là một biện pháp quan trọng nhằm phát huy vai trò của dư luận. Sống trong một xã hội mà trình độ văn hóa chính trị của người dân thì khả năng tham gia quản lý nhà nước, ý thức pháp luật của người dân cũng được nâng cao.

       Xây dựng các cơ chế, chính sách pháp lý phù hợp, thuận lợi để thăm dò dư luận xã hội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bằng cách công khai, dân chủ- kể cả dân chủ trực tiếp và gián tiếp ví dụ như việc tổ chức trưng cầu ý dân…

       Cần lựa chọn những người lãnh đạo có phẩm chất và năng lực cần thiết, uy tín để nắm vai trò là người dẫn đầu tạo điều kiện để giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân và xã hội đáp ứng yêu cầu của pháp luật hiện nay.

       Công khai hóa không chỉ những việc làm tốt mà cả những việc làm sai lầm, những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ công nhân viên chức cho dù họ giữ bất kỳ chức vụ, quyền hạn ra sao và các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của họ. Việc làm này tránh những dư luận không tốt cho rằng những người có chức vụ nếu có vi phạm thường được bao che hoặc xử lý nhẹ hơn quy định pháp luật và góp phần xây dựng dư luận tốt đẹp hơn.

       Phát huy vai trò của dư luận xã hội phải gắn chặt với công tác xây dựng hệ thống chính trị: xây dựng chỉnh đốn Đảng; cải cách thủ tục hành chính, xây dựng, củng cố cơ quan tư pháp; phát huy vai trò chủ động của các tổ chức quần chúng và Mặt trận Tổ quốc.

       Đánh giá khách quan hệ quả và sự tác động của báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng đối với các nhóm công chúng và dự báo được những phát sinh từ hệ quả tác động của báo chí. Những tình huống có thể phát sinh bao gồm cả những phản ánh tích cực hay phản ánh tiêu cực, đồng thuận hay không đồng thuận, ủng hộ hay phản đối về một nôi dung thông tin nào đó được cung cấp đến công chúng .

       Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội, trong đó việc nghiên cứu cần phải làm rõ tính quy luật và những nhân tố ảnh hưởng đến quá trình phát sinh các luồng ý kiến khác nhau cũng như cơ sở khoa học để đánh giá, phán xét một luồng ý kiến nào đó, nâng cao vai trò chức năng dự báo, chức năng phản biện xã hội trong các nghiên cứu dư luận xã hội. Định hướng dư luận xã hội cũng là việc minh bạch hoá các nguồn thông tin, hạn chế nhận thức sai lệch và loại bỏ tin đồn thất thiệt trong xã hội. Nâng cao khả năng dự báo, tham mưu trong quá trình nghiên cứu nắm bắt dư luận xã hội.

       Từ phân tích trên, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của thông tin đại chúng và dư luận xã hội đến hoạt động thực hiện pháp luật ở Việt Nam. Cùng với pháp luật, dư luận xã hội và thông tin đại chúng cũng đóng góp vai trò không nhỏ trong hoạt động quản lý xã hội góp phần làm cho xã hội ổn định hơn, pháp triển hơn góp phần xây dựng đất nước và hoàn thành mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.


       Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề:Phân tích sự tác động của thông tin đại chúng và dư luận xã hội đến hoạt động thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

       Trân trọng ./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top