Khi có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội thì các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm bình đẳng giới. Việt Nam là một đất nước chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Nho giáo nên có nhiều quan niệm thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá về phụ nữ mang định kiến giới. Nếu không có các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới thì bình đẳng giới sẽ khó đảm bảo được trên thực tế. Do đó, nhà nước đã quy định các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong từng lĩnh vực cụ thể để trong mọi lĩnh vực nam giới, nữ giới đều được nhìn nhận như nhau. Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Một số vấn đề về thực tiễn thi hành biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế”
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Luật Bình đẳng giới năm 2006.
- Nghị định số 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ; áp dụng đối với lao động nữ, người sử dụng lao động có sử dụng lao động nữ, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
- Tập bài giảng luật bình đẳng giới, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2013.
BIỆN PHÁP THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ
Mọi người cũng xem:
Vi phạm cơ bản nghĩa vụ của hợp đồng trong pháp luật Việt Nam
Phân tích nội dung quy định của WTO về các biện pháp hạn chế số lượng và bình luận về thực tiễn sử dụng các biện pháp này trong thương mại quốc tế hiện nay
Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) trong lĩnh vực thương mại hàng hóa theo quy định của WTO
Theo quy định tại khoản 3 điều 5 Luật bình đẳng giới :
“Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”.
Cụ thể hoá quy định này, tại khoản 3 điều 5 Luật bình đẳng giới quy định bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế là việc:
“Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động”.
Như vậy, luật đã quy định khá rõ định nghĩa bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế nói riêng. Đây là thành công bước đầu cho việc thống nhất nhận thức về bình đẳng giới, tăng cường hiệu quả cho công tác thực hiện bình đẳng giới. Nhưng để thực hiện bình đẳng giới trong thực tế và đạt được bình đẳng giới thực chất thì phải có các biện pháp khả thi và đồng bộ. Vấn đề này đã được nhà nước dự liệu và cụ thể hoá thành các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong đó quan trọng nhất là các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới – nhóm biện pháp bảo đảm bình đẳng giới mang tính khẩn cấp.
Theo khoản 6 điều 5 Luật bình đẳng giới:
“Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được”.
Những biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới thường được thể hiện thông qua các quy phạm ưu tiên. Sở dĩ pháp luật quy định những biện pháp này là do mỗi giới có những đặc điểm khác nhau về giới tính và vai trò xã hội nên phải có sự ưu tiên để mỗi giới tiếp cận, kiểm soát các nguồn lực. Nhưng cũng không thể duy trì sự ưu tiên này mãi được vì nó sẽ lại tạo ra khoảng cách giới. Chính vì thế những biện pháp này sẽ chấm dứt ngay khi mục đích bình đẳng giới đạt được, nó chỉ mang tính tạm thời. Những biện pháp này phải được bảo đảm thực hiện bằng quyền lực nhà nước để trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình phụ nữ và nam giới được nhìn nhận và đánh giá như nhau. Các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình rất đa dạng, chính vì thế các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong mỗi lĩnh vực cũng rất khác nhau.
Theo đó, những biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế được quy định trong khoản 2 điều 12 Luật bình đẳng giới bao gồm:
“a) Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật.
b) Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật.”
Những quy định cụ thể về việc ưu đãi thuế, tài chính và chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư đã được cụ thể hoá trong các văn bản luật có liên quan trong từng ngành luật khác nhau như Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, pháp luật liên quan đến chính sách xã hội…
THỰC TIỄN THI HÀNH CÁC BIỆN PHÁP THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ
Mọi người cũng xem:
Vi phạm cơ bản nghĩa vụ của hợp đồng trong pháp luật Việt Nam
Bình luận về vụ kiện DS404 mà Việt Nam đã tham gia với tư cách nguyên đơn trong cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của WTO
Phân tích vấn đề bất khả kháng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của CISG và những vấn đề cần lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam
Có thể nói, bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế nói riêng ở nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Trong lĩnh vực kinh tế đã có sự tham gia của cả nam và nữ vào cơ quan quản lý, lãnh đạo, trong hoạt động kinh tế, trong các ngành nghề kinh doanh. Việc làm cho phụ nữ đã được quan tâm và đạt được những kết quả khích lệ. Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế, là quốc gia đạt được sự thay đổi khá lớn về xóa bỏ khoảng cách giới trong 20 năm qua ở khu vực Đông Á. Tuy nhiên với nhiều nguyên nhân khác nhau, bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế vẫn còn những hạn chế. Công việc gia đình là công việc không được trả công và phần lớn đều do phụ nữ đảm nhận. Sở dĩ có tình trạng này ngoài sự tác động bởi các yếu tố xã hội như định kiến giới, tư tưởng lạc hâu…thì phần lớn là do các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới chưa được tiến hành có hiệu quả.
Thực tiễn thi hành biện pháp ưu đãi thuế và tài chính cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ
Ngày 1 tháng 10 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ; áp dụng đối với lao động nữ, người sử dụng lao động có sử dụng lao động nữ, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nghị định gồm 3 chương, 14 điều quy định về Đại diện của lao động nữ; quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ; quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai; giúp đỡ, hỗ trợ của người sử dụng lao động trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo; tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ và chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động.
Người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ là người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:
“Sử dụng từ 10 đến dưới 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 50% trở lên so với tổng số lao động;
Sử dụng từ trên 100 đến dưới 1.000 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 30% trở lên so với tổng số lao động;
Sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên.”
Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng giữa lao động nữ và lao động nam trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện các chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật.
Nghị định quy định cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ, quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai…
Người sử dụng lao động xây dựng phương án, kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo đối với lao động nữ có con trong độ tuổi gửi trẻ, mẫu giáo bằng tiền mặt hoặc hiện vật. Mức và thời gian hỗ trợ do người sử dụng lao động thỏa thuận với đại diện lao động nữ.
Người sử dụng lao động đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa và các công trình phúc lợi khác, nếu đủ điều kiện về quy mô, tiêu chuẩn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thì được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định hiện hành của Nhà nước về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường.
Người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ được Nhà nước hỗ trợ như sau:
“a) Được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
b) Các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính”
Trong đó các khoản chi phí tăng thêm do việc sử dụng lao động nữ thường được nhắc đến là:
+ Thời gian nghỉ 60 phút/ ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tính theo số ngày công của những người lao động nữ thuộc diện được nghỉ quy thành tiền.
+ Khoản trợ giúp thêm cho người lao động nữ có con trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.
+ Mua trang thiết bị đồ dùng cho nhà trẻ, mẫu giáo do doanh nghiệp tổ chức.
+ Thời gian 30 phút vệ sinh riêng cho người lao động nữ tính số ngày công của người lao động nữ được nghỉ quy thành tiền.
+ Giảm một giờ cho lao động nữ có thai đến tháng thứ 07 tính theo số ngày công của những người lao động nữ thuộc diện nghỉ quy thành tiền.
+ Bồi dưỡng thêm cho lao động nữ sau khi đẻ.
+ Thuê giáo viên để mở nhà trẻ, mẫu giáo do doanh nghiệp tổ chức.
+ Trang bị bảo hộ lao động (bổ sung thêm ngoài chế độ) cho phù hợp với người lao động nữ).
+ Xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh riêng cho người lao động nữ.
+ Tổ chức khám sức khoẻ cho người lao động nữ (theo định kỳ một năm một lần).
+ Tổ chức các ngày kỷ niệm của phụ nữ.
Mặc dù pháp luật đã quy định khá cụ thể nhưng quá trình thực hiện lại gặp phải rất nhiều khó khăn, hạn chế.
Theo Báo cáo tổng quan về lao động nữ tại Việt Nam lao động nữ tại Việt Nam chiếm 48,4% tổng lực lượng lao động – con số khá trùng khớp với số liệu do Bộ LĐ-TB&XH công bố. Với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động lên đến 72% trong tổng số phụ nữ trong độ tuổi lao động, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam hiện đang đi làm nhiều hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới. Tỷ lệ này cũng cao hơn mức trung bình thế giới (49%), cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương (59%) và nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (39%).
Lao động nữ nước ta đang làm việc trong khu vực phi chính thức với điều kiện lao động không bảo đảm. Tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức phải làm công việc dễ bị tổn thương lên tới 59,6%, cao hơn nhiều so với mức 31,8% của lao động nam trong khu vực phi chính thức.
Hơn nữa, lao động nữ đang ở vị thế thấp hơn nam trong cơ cấu việc làm. Phụ nữ chỉ chiếm 26,1% các vị trí lãnh đạo, nhưng lại đóng góp tới 52,1% nhóm lao động giản đơn và 66,6% lao động gia đình. Rõ ràng, vẫn còn rất nhiều rào cản đối với phụ nữ trong việc tiếp cận các cơ hội phát triển nghề nghiệp so với nam giới.
Bên cạnh đó, lao động nữ chiếm đa số trong nhóm lao động thất nghiệp. Cụ thể, lao động nữ chiếm tới 57,3% số người thất nghiệp ở nhóm lao động “chưa qua đào tạo’ và 50,2% trong nhóm ‘đã được đào tạo nghề/chuyên nghiệp”. Đặc biệt, tỷ trọng lao động nữ trong nhóm thất nghiệp có trình độ đại học lên tới 55,4%. Điều đó cho thấy, khả năng tiếp cận việc làm đối với lao động nữ khó khăn hơn nam ở hầu hết mọi nhóm trình độ, đặc biệt ở nhóm thấp nhất và nhóm cao nhất.
Thêm nữa, lao động nữ cũng phải làm việc trong điều kiện tồi tệ hơn lao động nam. Chỉ 49,8% lao động nữ trong nhóm lao động làm công ăn lương có ký kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, trong khi đó tỷ lệ ký hợp đồng lao động của nam là 58,8%. Ngoài ra, trong khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, lao động nam có tỷ lệ ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn lên tới 73,91% trong khi với lao động nữ chỉ là 67,67%.
Điều kiện vệ sinh không bảo đảm và áp lực công việc để lại hậu quả tới sức khỏe lao động nữ. Lao động nữ chiếm từ 70-90% lực lượng lao động các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, chế biến thủy sản. Tuy nhiên, lao động nữ đang phải làm việc trong điều kiện kém vệ sinh, nóng nực, áp lực công việc cao, và thiếu các trang thiết bị vệ sinh phù hợp cho nữ. Hậu quả là theo một khảo sát của MSI Việt Nam, có tới 68% lao động nữ trong các nhà máy xuất khẩu giày đã từng bị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa .
Mặt khác về các doanh nghiệp sử dụng lao động nữ được hưởng chính sách ưu đãi trong việc vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ kinh ph, được ưu tiên sử dụng vốn đầu tư hàng năm để cải thiện điều kiện làm việc, được giảm thuế. Tuy nhiên, những chính sách ưu tiên này rất khó được thực hiện bởi như: các công ty may mặc, chế biến hải sản… có nhiều lao động nữ, vào lúc cao điểm có hàng chục lao động nữ nghỉ sinh con, doanh nghiệp cần lao động thay thế nhưng không thể ngày một ngày hai tìm được ngay lao động thay thế. Trên thực tế, số tiền ưu tiên này không đủ để doanh nghiệp chi tiêu vào các khoản chế độ cho lao động nữ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng có rất ít doanh nghiệp làm các thủ tục xin đăng ký là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ và tiến hành các thủ tục xin miễn giảm thuế. Hơn nữa, để được xét giảm thì các doanh nghiệp phải làm các thủ tục phức tạp. Do vậy, rất ít doanh nghiệp được hưởng xét giảm thuế.
Như vậy, thực tiễn thực hiện biện pháp thúc đẩy ưu đãi thuế và tài chính cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ cho thấy việc quy định của pháp luật với việc thực hiện những quy định đó trong thực tế là khác xa nhau. Biện pháp thúc đẩy được luật hoá, tưởng chừng như sẽ tạo điều kiện cho lao động nữ khắc phục được những hạn chế về đặc điểm giới tính để hoàn thành tốt hơn công việc của mình nâng cao vai trò, vị thế xã hội; giúp các doanh nghiệp sử dụng lao động nữ bù đắp chi phí để có trách nhiệm hơn trong công tác đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ…thì thực tế lại trở thành trở ngại lớn mà doanh nghiệp cũng như người lao động phải tự khắc phục trong khi chờ những chính sách của các cơ quan nhà nước.
Thực tiễn thi hành biện pháp hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm cho phụ nữ nông thôn
Xuất phát từ chính sách ưu tiên đối với phụ nữ ở nông thôn, những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, khó có điều kiện tiếp cận các nguồn lực kinh tế, Nhà nước đã đề ra những chính sách ưu đãi cho vay tín dụng với lãi suất thấp, hỗ trợ các khoản khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho chị em. Hiện nay, hoạt động này đang thu được nhiều kết quả khả quan mang lại sự chuyển biến tích cực trong đời sống của nhiều chị em phụ nữ ở nông thôn và đặc biệt là vùng sâu, vùng xa nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhưng bên cạnh đó kết quả của công tác này cũng để lại cho các nhà hoạch định chính sách rất nhiều băn khoăn về hiệu quả thực tế của nó.
Thời gian qua theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, cùng với việc tăng cường đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cơ hội và mức độ tiếp cận tín dụng ngân hàng của phụ nữ nông thôn cũng được tăng lên đáng kể, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, thông qua việc ký nghị quyết liên tịch với tổ chức Hội phụ nữ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng CSXH đã thành lập các tổ vay vốn tại địa phương để cung cấp vốn tín dụng cho chị em phụ nữ nông thôn phát triển kinh tế gia đình.
Thực tế cho thấy, cơ hội và mức độ tiếp cận tín dụng ngân hàng của phụ nữ nông thôn ngày càng được tăng lên, góp phần xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới ở nông thôn. Bên cạnh đó, việc ủy thác cho vay phụ nữ nông thôn thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ cơ sở là một cách làm tốt, góp phần giúp phụ nữ dễ dàng tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc tăng cường đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua cũng có nhiều trở ngại như công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng của Chính phủ, các quy định của ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa thực hiện tốt, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; dân trí của khu vực nông thôn còn thấp, sản xuất manh mún, lạc hậu, hiệu quả thấp vì thế gặp khó khăn khi tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp lại thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt vì vậy chất lượng tín dụng cho vay đối với phụ nữ sản xuất nông nghiệp chưa cao. Bên cạnh đó, do còn tồn tại nhiều tư tưởng lạc hậu, định kiến giới cho rằng người đàn ông là trụ cột trong gia đình, nắm tất cả tài sản có giá trị trong nhà đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Chẳng hạn, người vợ muốn vay vốn sản xuất, chăn nuôi thì phải có tài sản thế chấp nhưng tái sản có giá trị nhất của gia đình là quyền sử dụng đất lại đứng tên người chồng. Như vậy, việc chủ động trong việc tiếp cận nguồn tín dụng trong trường hợp này của người phụ nữ là không có. Đây cũng là khó khăn vướng mắc của rất nhiều chị em mà không dễ dàng giải quyết khi dân trí chưa cao, nhận thức về bình đẳng giới trong việc kiểm soát các nguồn lực, quyết định các vấn đề quan trọng…trong gia đình ở nông thôn là rất thấp.
- Một số vấn đề về thực tiễn thi hành biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế
Hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho chị em phụ nữ ở nông thông thời gian qua đã có những hiệu quả đáng kể. Với các lớp học giáo dục, phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật về nông nghiệp đã giúp đưa tri thức khoa học về với chị em phụ nữ ở nông thôn. Hội phụ nữ kết hợp với phòng dịch vụ khuyến nông địa phương đã xây dựng được những tủ sách khoa học, có hiệu quả cao đối với hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư (gọi chung là khuyến nông). Từ những mô hình tổ chức khuyến nông đó mà xuất hiện rất nhiều gương sáng trong việc làm giàu từ nông nghiệp.
Nhưng bên cạnh những thành công đó, vẫn còn những tồn tại và hạn chế trong hoạt động này như:
Những hoạt động khuyến nông hay phát triển kinh tế của phụ nữ nông thôn thường được thực hiện theo tập quán và kinh nghiệm truyền thống chưa chú trọng trong đào tạo kỹ năng nghề nông.
Mặc dù phụ nữ đảm nhận các công việc liên quan đến sản xuất nông nghiệp, nhưng họ lại ít có cơ hội tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật.
Chính những lý do đó đã làm giảm năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế.
NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP
Mọi người cũng xem:
Phân tích vấn đề bất khả kháng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của CISG và những vấn đề cần lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam
Thỏa thuận trọng tài thương mại
Bình luận về vụ kiện DS404 mà Việt Nam đã tham gia với tư cách nguyên đơn trong cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của WTO
Nguyên nhân
Định kiến giới còn quá nặng nề trong tư tưởng của người dân nông thôn. Định kiến về vai trò của người phụ nữ trong gia đình: chỉ làm các công việc đồng áng, chăm sóc gia đình – những công việc không thể định lượng. Chính vì thế vị thế của người phụ nữ không được đánh giá đúng, họ không có khả năng tiếp cận, kiểm soát các nguồn lực. Bên cạnh đó chính người phụ nữ cũng có tư tưởng an phận, tự ti, không dám đấu tranh, điều này cũng làm hạn chế hiệu quả của công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế nói riêng và mọi mặt của đời sống xã hội nói chung.
Chính sách pháp luật chưa thực sự khả thi, đồng bộ.
Nhận thức của người dân chưa cao do:
Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa đạt hiệu quả.
Trình độ dân trí thấp.
Ảnh hưởng bởi tư tưởng lạc hậu, phong tục tập quán tiêu cực. – Các cơ quan nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
Giải pháp tăng cường hiệu quả thực thi biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế
Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước nên có những chính sách, giải pháp cho phù hợp để các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới nói chung và trong lĩnh vực kinh tế nói riêng đạt được hiệu quả cao, chẳng hạn như:
- Tổ chức nhiều hơn các hội nghị tổng kết thi đua, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế
- Thiết lập trang web về phụ nữ làm kinh tế giỏi, tạo diễn đàn cho chị em chia sẻ kinh ngiệm.
- Hơn hết, là Nhà nước phải có giải pháp đồng bộ trong vấn đề này, phải đi từ quy định của pháp luật đến triển khai thực hiện. Cụ thể phải làm tốt những việc sau:
Tiếp tục xây dựng, ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, dự án về bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
Tuyên truyền, phổ biến giáo dục về bình đẳng giới và pháp luật bình đẳng giới.
Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước, đi đôi với nó là kiểm tra, giám sát.
Ưu tiên sử dụng hợp lý nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động thực thi biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. …
Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế sẽ tạo ra một khung pháp lý vững chắc các chính sách thích hợp để người phụ nữ có điều kiện tìm kiếm vệc làm và tạo thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tạo điều kiện về việc làm chính là tạo điêu kiện nâng cao năng lực thực hiện các quyền bình đẳng được pháp luật ghi nhận. Tuy nhiên trên thực tế việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế vẫn còn tồn tại những điểm bất cập, do đó, cần có những biện pháp cụ thể, quyết liệt để những biện pháp này được thực hiện hiệu quả, mang lại bình đẳng giới thực chất.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: thực tiễn thi hành biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.