Từ xưa tới nay, gia đình luôn là tế bào của xã hội, là nơi những người có quan hệ huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng cùng chung sống. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc sẽ góp phần và sự pháp triển bền vững, phồn thịnh chung của xã hội. Khi nam nữ kết hôn, cùng nhau xây dựng một gia đình thì sự bền vững của quan hệ hôn nhân là mong muốn của những người vợ, người chồng, cũng là mục đích xây dựng gia đình mà pháp luật đặt ra. Ở nước ta, sự liên kết giữa nam và nữ trong quan hệ vợ chồng phải được Nhà nước thừa nhận bằng một sự phê chuẩn dưới hình thức pháp lý: đăng kí kết hôn. Như vậy, kết hôn là việc nam nữa xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và thủ tục đăng kí kết hôn, là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân.
Khi thực hiện kết hôn, một trong những điều kiện quan trọng cần phải tuân thủ là độ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “ Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”. Sở dĩ có quy định như vậy là hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học của điều kiện kinh tế – xã hội ở nước ta, cũng như dựa trên những nghiên cứu về tâm sinh lý của con người. Điều quan trọng hơn cả là để họ có thể đảm đương trách nhiệm làm vợ chồng, làm cha mẹ khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Từ đó là điều kiện cần thiết để cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.
Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hiện nay việc nam nữ kết hôn trước độ tuổi luật định (tảo hôn) vẫn diễn ra phổ biến ở một số vùng miền trên cả nước, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi, những nơi trình độ dân trí còn thấp, chất lượng cuộc sống không được đảm bảo. Tảo hôn không những thể hiện sự cổ hủ, lac hậu của chế độ cũ mà nó còn là nguyên nhân cản trở sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội. Chính vì điều đó, để làm rõ vấn đề trên, em xin lựa chọn đề bài: “Các trường hợp tảo hôn – Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp hạn chế”.
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Giáo trình Luật hôn nhân và gia đình – Nxb Công an nhân dân
- Luật hôn nhân và gia đình 2014
Lý luận chung
Mọi người cũng xem:
Phân tích và đánh giá độ tuổi kết hôn
Phân tích và đánh giá các điều kiện để việc nuôi con nuôi hợp pháp
Bình luận các quy định trong pháp luật Việt Nam hiện hành điều chỉnh quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài và giữa người nước ngoài với nhau trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam
Kết hôn và độ tuổi kết hôn
Theo quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về điều kiện đăng ký kết hôn thì nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện như điều kiện về độ tuổi. điều kiện về sự tự nguyện, không mất năng lực hành vi dân sự. Trong đó, điều kiện đầu tiên đó là về độ tuổi kết hôn: Độ tuổi kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình mới nhất là từ đủ 20 tuổi đối với nam và từ đủ 18 tuổi đối với nữ, quy định này được hiểu là nam, nữ đủ điều kiện kết hôn từ sau sinh nhật lần thứ 20 với nam và lần thứ 18 với nữ. Đây là một quy định có sự tiến bộ so với Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 khi quy định độ tuổi kết hôn là nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên.
Quy định độ tuổi kết hôn tối thiểu không những đảm bảo con cái sinh ra được khỏe mạnh về thể lực và trí lực, được chăm sóc, giáo dục toàn diện để trở thành công dân có ích cho xã hội mà còn bảo vệ quyền lợi cho người vợ sau kết hôn (quyền yêu cầu ly hôn, quyền tự quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân). Như vậy, quy định độ tuổi kết hôn là để bảo vệ lợi ích cho cá nhân, gia đình và xã hội. Trên quan điểm tự do hôn nhân, khi đã đến tuổi, nam nữ kết hôn khi nào là tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện và sở thích của mỗi cá nhân theo khuôn khổ pháp luật. Pháp luật không quy định độ tuổi kết hôn tối đa cũng như không quy định sự chênh lệch tuổi giữa vợ và chồng.
- Việc kết hôn phải không thuộc một trong các trường hợp sau:
- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
Tảo hôn
Tuổi kết hôn tối thiểu đã được thi hành ở Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước. Song, trên thực tế vẫn còn không ít trường hợp tảo hôn xảy ra trên toàn quốc. Tảo hôn là vấn đề mang tính thực tiễn, một sự thật khách quan đã và đang tồn tại trong thực tế. Xét thấy tầm ảnh hưởng của nó là không nhỏ, các nhà làm luật đã nêu ra khái niệm tảo hôn trong khoản 8 điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014: “ Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 8 của luật này” (tức là nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi).
Ta thấy, trong quy định của luật đề cập đến “tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng…” mà không nói rằng “tảo hôn là việc kết hôn…”. Điều này chứng tỏ rằng, nam nữ lấy vợ lấy chồng trước tuổi thì chắc chắn không thể đăng kí kết hôn nên mặc dù có chung sống như vợ chồng trên thực tế cũng không được pháp luật công nhận. Nếu trong thời gian chung sống, các bên nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến ly hôn thì yêu cầu của họ cũng không được Tòa án chấp nhận mà Tòa án chỉ tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng. Hoặc có thể sau một thời gian chung sống, một trong hai bên đăng ký kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác mà phát sinh tranh chấp thì việc giải quyết không thể thấu tình đạt lý. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến tâm lý, tình cảm hoặc thiệt hại về tài sản cho một trong hai bên mà còn gây khó khăn cho cơ quan hộ tịch cũng như Tòa án trong việc giải quyết những tranh chấp phát sinh.
Tảo hôn là hành vi bị cấm theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 5, Luật hôn nhân và gia đình 2014. Những trường hợp tảo hôn, tổ chức tảo hôn đều bị coi là vi phạm pháp luật và tùy theo mức độ vi phạm đối với từng trường hợp cụ thể có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nạn tảo hôn ở Việt Nam
Mọi người cũng xem:
Đánh giá việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
Hệ quả pháp lý của trường hợp nuôi con nuôi giữa cha dượng, mẹ kế với con riêng của một bên vợ, chồng
Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc ghi nhận quyền có tài sản riêng của vợ chồng
Thực trạng
Thực trạng tảo hôn có ở 63 tỉnh, thành phố nhưng nhiều nhất vẫn là ở các tỉnh miền núi. Trong những năm qua, các cấp chính quyền ở các tỉnh có tình trạng này vẫn đẩy mạnh tuyên truyền, kết quả ban đầu là tình trạng tảo hôn giảm xuống rõ rệt. Tuy nhiên, tại một số vùng sâu vùng xa, tình trạng này lại có xu hướng gia tăng.
Theo báo cáo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình thì tỷ lệ tảo hôn vẫn còn cao. Chỉ 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã có 88 trường hợp tảo hôn, chiếm 7,6% tổng số cặp kết hôn ở các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra ở những bản làng xa xôi, trình độ dân trí thấp mà còn xảy ra ở các trường học, đặc biệt là các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT). Khảo sát ở một số trường dân tộc nội trú trên địa bàn toàn tỉnh năm học 2017-2018, phần lớn các trường đều có học sinh tự ý bỏ học về lấy chồng. Cụ thể, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh có 4 trường hợp (trong đó có 3 nữ và 1 nam), trường PTDTNT Bố Trạch 4 trường hợp (4 nữ), trường PTDTNT huyện Minh Hóa 1 trường hợp… Mặc dù đầu năm học, nhà trường đã tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn các vấn đề về sức khỏe sinh sản, sức khỏe vị thành niên, thanh niên, đặc biệt là hệ lụy của kết hôn sớm và hôn nhân cận huyết nhưng tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra.
Em Hồ Thị H và em Hồ Khăm Q, xã Trọng Hóa (tên các em đã được thay đổi) đều là học sinh của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Về học ở đây, các em được gia đình cũng như địa phương kỳ vọng rất lớn, mong các em học hành thành đạt để về giúp đỡ cho gia đình, quê hương. Thế nhưng, thiếu sự quản lý của gia đình và nhà trường, tiếp cận những văn hóa không lành mạnh trên mạng internet… nên đang học lớp 12, H đã mang thai ngoài ý muốn cùng với Q. Khi biết bạn gái mang thai, cả hai em đã tự ý bỏ học giữa chừng để về lập gia đình. Hiện nhà trường đã vận động được em Q tiếp tục đến trường, riêng em H phải nghỉ học để ở nhà sinh con.
Đối với tỉnh Quảng Nam, kết quả khảo sát năm 2017, số trường hợp tảo hôn là 183 trường hợp, hôn nhân cận huyết thống là 4 trường hợp.
Tại tỉnh Lào Cai, năm 2017, tại địa bàn triển khai mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được duy trì và mở rộng và chỉ còn 82 cặp tảo hôn/584 cặp kết hôn (chiếm 14,04%; 2 cặp kết hôn cận huyết thống/584 cặp kết hôn, chiếm 0,34%).
Tại tỉnh Lai Châu, tổng số cặp kết hôn tại 27 xã là 1.189 cặp, số cặp tảo hôn là 238 cặp (chiếm 20%), kết hôn cận huyết thống là 1 cặp .
Năm 2017, tỉnh Sơn La có gần 1.500 cặp tảo hôn trên tổng số khoảng 8.000 cặp kết hôn, tập trung vào đối tượng là người dân tộc thiểu số. Theo thống kê của Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La, huyện Vân Hồ là địa phương có số cặp tảo hôn cao nhất trong tỉnh. Năm 2017, tỷ lệ này chiếm 27,3% và mới nửa đầu năm 2018 đã chiếm gần 26%. Những năm qua, tình trạng này diễn ra khá phức tạp và có chiều hướng ngày càng tăng. Nguyên nhân chính là do tư tưởng muốn con em lập gia đình sớm, sinh thêm con cháu để có nhân lực lao động, sản xuất. Cùng với đó, sự phát triển của mạng xã hội tác động vào tầng lớp thanh niên khiến nhiều người không kiểm soát được bản thân, dẫn đến nhiều trường hợp tảo hôn ngoài ý muốn.
Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015 cho thấy tỷ lệ tảo hôn chung của 53 dân tộc thiểu số là 26,6%, trong đó tỷ lệ tảo hôn cao nhất thuộc các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội rất khó khăn như: Mông 59,7%; Xing Mun 56,3%, La Ha 52,7%. Gia Rai 42%; Raglay 38,3%; Bru – Vân Kiều 38.9%,… Trong 40/53 dân tộc thiểu số, tỷ lệ này là trên 20%, trong đó có 13 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 40-50% trở lên; 6 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 50-60% trở lên.
Xét theo địa bàn cư trú thì vùng trung du, miền núi phía Bắc (đặc biệt là vùng Tây Bắc) và Tây Nguyên có tỷ lệ tảo hôn cao hơn so với các vùng khác: Miền núi phía Bắc 18,9%; Tây Nguyên 15,8%; Đồng bằng sông Hồng 7,9% và Đông Nam bộ 8,1%. Các tỉnh có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết cao nhất trong cả nước gồm: Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Kon Tum, Gia Lai,…
Xét theo giới tính và nhóm tuổi thì tỷ lệ tảo hôn, kết hôn sớm của cả nam và nữ giới ở nhóm tuổi tuổi 15 đến 19 tuổi đều có xu hướng gia tăng, từ 2,4% đến 8,4% năm 2011 đến 3,1% và 11,2% năm 2013. Phụ nữ có xu hướng kết hôn sớm hơn và ở nhóm tuổi dưới 15 và dưới 18 thì tỷ lệ tảo hôn ở nữ dân tộc thiểu số cao hơn gần 3 lần so với nam dân tộc thiểu số (tỷ lệ tương ứng là 4,7% và 15,8% so với 1,8% và 5,8%). Tỷ lệ tảo hôn ở nam giới các dân tộc thiểu số cao xấp xỉ 6 lần so với nam giới dân tộc Kinh và gấp 3 lần so với tỷ lệ chung của cả nước (tỷ lệ tương ứng lần lượt là 18,0% so với 3,3% và 5,8%). Ở nhóm tuổi dưới 18, phụ nữ dân tộc thiểu số có xu hướng kết hôn sớm hơn và có tỷ lệ tảo hôn cao hơn gấp 3 lần so với nam dân tộc thiểu số (nữ dân tộc thiểu số 15,8%, nam dân tộc thiểu số 5,8%).
Xét theo dân tộc thì các dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao gấp 6 lần so với dân tộc Kinh và gấp gần 3,5 lần so với tỷ lệ chung của cả nước; trong đó 25/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn trên 10%. Các dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Nguyên nhân
Ở Việt Nam đã phát triển rất nhiều chương trình phát triển kinh tế – xã hội trong đó các giải pháp xã hội được đặt ra cân bằng với sự phát triển kinh tế để giải quyết nạn tảo hôn. Tuy nhiên trước tình trạng đáng báo động về tình trạng tảo hôn trong cả nước, việc chỉ rõ nguyên nhân là vấn đề quan trọng nhằm từ đó có những giải pháp hữu hiệu, thiết thực, triệt để ngăn chặn vấn nạn này. Để hiểu một cách cụ thể và toàn diện về nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn ta phải xét trên 2 khía cạnh đó là: nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.
Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, do ý thức của người dân:
Có thể thấy rằng đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn là những phong tục tập quán cổ hủ, lạc hậu, lỗi thời đã đi sâu vào trong nếp sống của người dân, đặc biệt là bộ phận dân tộc miền núi, vùng sâu – vùng xa – những nơi còn nặng nề về tư tưởng phong kiến. Xuất phát từ tâm lý con người muốn còn đàn cháu đống, nhu cầu cần thêm lao động cho gia đình. Người dân bảo thủ trong nếp nghĩ, lối sống, đi ngược lại với tiến bộ, văn minh của xã hội.
Thứ hai, do sự hiểu biết còn hạn chế:
Là hiện tượng chủ yếu diễn ra tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi mà kiến thức cùng sự hiểu biết của người dân về hôn nhân và vấn đề giới tính còn rất hạn chế. Đây là nơi mà những kiến thức pháp luật của Đảng và Nhà nước chưa được phổ biến rộng rãi và triệt để, vì vậy người dân không có đầy đủ nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề dân số, hôn nhân – gia đình cũng như những hệ lụy mà vấn nạn này gây ra.
Vấn nạn tảo hôn không chỉ xảy ra ở miền núi, vùng sâu – vùng xa mà còn tồn tại ở các tỉnh – thành phố. Đây là nơi những công tác tuyên truyền, vận động các vấn đề hôn nhân – gia đình được triển khai rộng rãi và phổ biến, tuy nhiên người dân vẫn vi phạm, mặc dù họ biết và hiểu rõ những quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy rằng những bậc làm cha làm mẹ cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn. Ảnh hưởng bởi các tập quán – phong tục thời phong kiến, suy nghĩ lạc hậu, họ đã áp đặt buộc con phải kết hôn sớm trong khi đang còn trong độ tuổi đi học. Suy nghĩ nông cạn, cổ hủ rằng nếu không kết hôn sớm sẽ lỡ duyên. Vì vậy, chỉ cần đến độ tuổi “trăng tròn” là những ông bố bà mẹ quyết định kết duyên cho con, cho con mình yên bề gia thất, lập cơ nghiệp.
Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất, do ảnh hưởng của phong tục tập quán:
Tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại và được chấp nhận ở trong cộng đồng dân cư nước ta. Mặc dù người dân biết được mức độ ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe phụ nữ, trẻ em cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, cản trở sự phát triển của cá nhân và sự bền vững của gia đình, song trên thực tế hiện tượng các cặp vợ chồng vị thành niên vẫn tồn tại, đổi lại những phản ứng từ phía cộng đồng đối với hiện tượng này còn rất thờ ơ, họ coi dây là câu chuyện của riêng từng gia đình.
Phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số tồn tại và ăn sâu trong nhận thức của người dân từ nhiều đời nay và ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ trong đời sống, sinh hoạt của phần lớn đồng bào các dân tộc thiếu số. Quan hệ hôn nhân và gia đình cũng không nằm ngoài sự chi phối đó, một số tập tục vẫn còn duy trì đến bây giờ. Đối với họ, việc kết hôn chủ yếu được thực hiện theo phong tục, tập quán; việc lấy vợ, lấy chồng mà chỉ cần sự đồng ý của những người đứng đầu trong làng hoặc của cha mẹ hai bên nam nữ và sự chứng kiến của gia đình, họ hàng, làng xóm. Quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy; quan niệm kết hôn trong họ tộc để lưu giữ tài sản trong gia đình không mang của cải sang họ khác hay như tục lệ bắt vợ, tục “nối dây”, cưỡng ép hôn nhân. Tục bắt vợ ngày trước được coi là một nét đẹp văn hóa, nhưng hiện nay, tục bắt vợ kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường như nạn tảo hôn, nạn bắt cóc, buôn bán người trái phép… Không chỉ vậy, xuất phát từ những hạn chế trong cuộc sống với thói quen ở vùng núi xa xôi hẻo lánh, nhà nào cũng cso tâm lý muốn sớm có con đàn cháu đống, thêm lao động cho gia đình. Nhà nào có con gái thì muốn sớm gả để bớt miệng ăn, nhà nào có con trai thì muốn cưới vợ sớm để lo toan cuộc sống, có thêm lao động trong gia đình.
Thứ hai, do tác động, ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường:
Trong nền kinh tế thị trường, con người dần biến đổi để thích nghi với những điều kiện mới. Họ trở nên năng động, sáng tạo, linh hoạt và độc lập hơn trong cách nghĩ, cách làm. Quan điểm đời sống của họ cũng trở nên cởi mở hơn, đơn giản hơn, không bị gò bó bởi quan niệm thành kiến đạo đức xưa. Vì vậy, con người dễ dàng thiết lập các mối quan hệ với nhau. Một trong những hệ lụy đó là việc chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ trở nên hết sức bình thường và làm gia tăng tỉ lệ mang thai sớm dẫn đến tăng tỉ suất sinh con vị thành niên. Đây cũng là nguyên nhân khách quan làm gia tăng tình trạng tảo hôn ở cùng dân tộc thiểu số.
Thứ ba, do quy định của pháp luật còn chưa phù hợp:
Tình trạng nơi lỏng pháp luật, thực thi pháp luật chưa kiên quyết, triệt để trong lĩnh vực quản lý đăng ký kết hôn cũng như trong lĩnh vực hộ tịch. Chế tài của luật còn chưa nghiêm khắc, chưa đủ sức răn đe, mới chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính, sau đó buộc phải hủy hôn. Song trên thực tế thì họ chịu nộp phạt và vấn đề là họ vẫn được chung sống bình thường. Do xuất phát từ những phong tục tập quán lâu đời nên mức độ điều chỉnh của những quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này còn khá mờ nhạt, không rõ ràng.
Thứ tư, do công tác tuyên truyền còn hạn chế:
Công tắc tuyên truyền giáo dục tại địa phương còn mắc phải nhiều hạn chế, tình độ dân trí chưa cao, người dân tộc do bất đồng ngôn ngữ nên không thể hiểu rõ ý nghĩa của các quy định pháp luật và điều này cũng gây nhiều khó khăn trong việc trang bị, tuyên truyền kiến thức pháp luật đến người dân. Ngoài ra, phần lớn các trường hợp tảo hôn đều rơi vào các hộ nghèo nông thôn, thanh thiếu niên thường bỏ học, thiếu hiểu biết về pháp luật. Nhận thấy cái khó, cái khổ của nạn tảo hôn, cán bộ địa phương cũng chỉ biết đi tuyên truyền, vân động. Vì vậy, có thể thấy rằng công tác tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình chưa được hiểu một cách sâu rộng và hiệu quả, đồng thời vấn đề tuyên truyền, giáo dục pháp luật chống nạn tảo hôn chưa được các cơ quan, cá nhân, các đơn vị có thẩm quyền quan tâm đúng mức.
Hậu quả của việc tảo hôn
Tình trạng tảo hôn diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi và tập trung chủ yếu là ở các làng quê, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tảo hôn đã mang đến sự nghèo đói, thất học, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và các mối quan hệ xã hội như:
- Về sức khỏe: Tảo hôn sẽ làm cho sức khỏe của trẻ em bị ảnh hưởng đặc biệt là trẻ em gái dưới độ tuổi 15 mang thai sẽ có nguy cơ chết do mang thai và sinh đẻ cao so với phụ nữ trên 20 tuổi. Những đứa trẻ có mẹ dưới 18 tuổi có nhiều khả năng nhẹ cân hoặc chết non hơn những đứa trẻ khác. Đây chính là sự cảnh báo thầm lặng về sức khỏe, bởi các nguyên nhân cốt lõi của tử vong và bệnh tật của người mẹ không được quan tâm đúng mức.
- Về môi trường giáo dục: Trẻ em buộc phải kết hôn sớm ít khi được tiếp tục việc học hành, cản trở họ có hy vọng về sự độc lập, cản trở họ được tiếp thu những nền giáo dục tiên tiến, hiện đại nhằm phát triển tối đa nhân cách, tài năng, các khả năng về trí tuệ và thể chất của trẻ em.
- Về kinh tế: Tảo hôn khiến khả năng kiếm sống hoặc đóng góp về kinh tế cho gia đình là rất thấp dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng cao.
- Về tinh thần: Khi kết hôn sớm trẻ em sẽ không được nghỉ ngơi và thư giãn, không được tham gia vui chơi những hoạt động giải trí và được tự do tham gia các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi…
- Về mặt xã hội: Tảo hôn có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển xã hội do ảnh hưởng của chất lượng dân số, một xã hội mà tỷ lệ người thiểu năng về thể chất, thiểu năng về trí tuệ, người tàn tật, khuyết tật lớn sẽ là gánh nặng cho xã hội. Mặt khác, phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn khi tuổi đời còn ít, phải nghỉ học, mất cơ hội học tập, thiếu kiến thức xã hội, thường rơi vào hoàn cảnh nghèo túng, nhiều cặp đi đến phá vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em.

Giải pháp hạn chế
Mọi người cũng xem:
Hệ quả pháp lý của trường hợp nuôi con nuôi giữa cha dượng, mẹ kế với con riêng của một bên vợ, chồng
Phân tích và đánh giá độ tuổi kết hôn
Bình luận các quy định trong pháp luật Việt Nam hiện hành điều chỉnh quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài và giữa người nước ngoài với nhau trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân.
Nguyên nhân cốt lõi khiến nạn tảo hôn bùng nổ chính là do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các kiến thức về pháp luật, về hôn nhân gia đình, về sức khỏe sinh sản còn yếu khiến người dân không biết và không có ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật. Để hạn chế được điều đó cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng và công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức về pháp luật, về hôn nhân và gia đình, về sức khỏe sinh sản cho người dân, đặc biệt là đồng bào thiểu số, người miền núi, vùng sâu vùng xa; phải nâng cao trình độ dân trí cũng như ý thức pháp luật cho người dân, đây là một giải pháp vừa quan trọng vừa khó khăn nhất
Tuyên truyền, vận động, thuyết phục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” đến từng người dân, cần chỉ rõ cho họ nhận thấy lợi ích về chế độ, chính sách, các quyền và nghĩa vụ có liên quan trong việc đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn và đăng ký kết hôn đúng độ tuổi, đúng quy định. Đây vẫn được xem là giải pháp đầu tiên được đề cập và được xác định là giải pháp tốt nhất, có khả năng đem lại hiệu quả cao nhất và bền vững nhất. Công tác vận động, thuyết phục được làm tốt sẽ góp phần tích cực giảm thiểu số vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân – gia đình và hộ tịch, hộ khẩu, giúp kiểm soát tốt sự biến động dân số và ổn định về an ninh trật tự của địa phương. Bên cạnh đó, thực tiễn cũng đã chỉ ra rằng, để có thể thực hiện tốt công việc này, ngoài những lực lượng chuyên trách thuộc về Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em cũng như lực lượng công an các cấp thì các già làng, trưởng bản ở các địa phương miền núi đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi vì, trong công tác tuyên truyền, thuyết phục đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân – gia đình, đăng ký hộ tịch, các già làng, trưởng bản chính là những người gần gũi và có uy tín nhất đối với những người dân khi mà giữa họ không gặp phải bất kỳ rào cản nào về ngôn ngữ, phong tục và tập quán.
- Nâng cao trách nhiệm của chính quyền trong quá trình quản lý
Với vai trò thực hiện pháp luật trong đời sống, các cơ quan chính quyền địa phương có nhiệm vụ rất quan trọng trong vấn đề bài trừ nạn tảo hôn tại địa phương mình. Do đó, cần có sự chỉ đạo sát sao hơn nữa, quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền trong việc phổ cập kiến thức về hôn nhân và gia đình cũng như giám sát việc thực hiện các công tác về tuyên truyền kiến thức. Trong công tác quản lý nhà nước cần đặc biệt chú trọng việc thực thi nghiêm minh theo pháp luật của các cấp chính quyền và cơ quan pháp luật, đặc biệt là cấp xã; phải khắc phục tư tưởng né tránh, bao che hoặc thiếu gương mẫu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng; khen thưởng, biểu dương kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác ngăn chặn, phòng chống tảo hôn; chấn chỉnh, xử lý nghiêm những địa phương, đơn vị chưa làm tốt trách nhiệm.
- Cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là nhân dân miền núi, vùng sâu vùng xa.
Theo quan niệm của những người dân miền núi, họ không coi trọng việc học hành, giáo dục mà chỉ quan tâm đến việc kiếm miếng cơm manh áo hằng ngày nên dẫn đến thực trạng nhiều em bỏ học giữa chừng, thậm chí là không được đi học để ở nhà làm việc. Đây vừa là nguyên nhân dẫn đến hiểu biết lạc hậu, vừa khiến cho công tác tuyên truyền, giáo dục không phát huy hiệu quả đến cùng. Vì vậy, việc kết hợp giữa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần với công tác phổ cập kiến thức là quan trọng.
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về hôn nhân và gia đình nói chung và những quy định về vấn đề tảo hôn nói riêng.
Bổ sung các quy định pháp lý về chuẩn mực gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững để làm mục tiêu phấn đấu cho các gia đình cũng như toàn xã hội; xây dựng các qui phạm pháp luật quy định danh mục các phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình không được áp dụng và danh mục các phong tục, tập quán tốt đẹp về hôn nhân và gia đình được khuyến khích và phát huy; tập hợp các quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, đăng ký hộ tịch hộ khẩu theo một hệ thống văn bản thống nhất, tránh tình trạng tản mạn, gây khó khăn cho quá trình áp dụng,…
Trong những trường hợp xét thấy các chủ thể vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, đăng ký hộ tịch hộ khẩu tuy đã bị xử phạt nhưng vấn cố tình tiếp tục vi phạm hoặc không chấm dứt hành vi vi phạm mà có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm tảo hôn và tổ chức tảo hôn thì kiên quyết xử lý về mặt hình sự nhằm răn đe, giáo dục đối với người vi phạm và những người khác.
Hiện nay, ở bất kỳ địa phương nào trên cả nước, từ nông thôn đến thành thị, từ vùng núi đến đồng bằng, hiện tượng tảo hôn vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Hiện tượng này không chỉ gây ảnh hưởng đến chính bản thân những người vi phạm mà còn ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng xã hội. Từ khi ban hành các quy định nghiêm cấm tảo hôn, xử phạt đối với các trường hợp vi phạm về độ tuổi kết hôn thì tình trạng tảo hôn ở nước ta đã giảm thiểu rõ rệt. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nạn tảo hôn vẫn là một vấn đề xã hội gây nhiều nhức nhối. Chúng ta cần phải tìm ra được những giải pháp hữu hiệu để hạn chế, đẩy lùi, tiến tới bài trừ nạn tảo hôn ở Việt Nam, từ đó tạo ra những tiền đề thuận lợi cho để phát triển đất nước nói chung và thực hiện mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng gia đình mới hiện đại. Để làm được điều đó cần phải có sự quan tâm của toàn xã hội, của Đảng và Nhà nước, của các cấp các ngành, trong đó đặc biệt quan trọng chú ý tới vấn đề giáo dục, tuyên truyền để thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân về tảo hôn và trách nhiệm của mỗi người trong cuộc đấu tranh đẩy lùi và loại bỏ triệt để nạn tảo hôn khỏi đời sống xã hội.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Các trường hợp tảo hôn – Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp hạn chế. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.