Đánh giá chế độ tài sản theo thỏa thuận trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Tài sản vợ chồng là một trong những nội dung quan trọng của luật hôn nhân và gia đình. Sau khi kết hôn, xuất hiện sự phức tạp trong việc xác định tài sản chung, tài sản riêng vợ chồng cũng như các lợi ích và các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với khối tài sản này. Tài sản giữa vợ chồng khi đó bao gồm khối tài sản được người vợ hoặc người chồng tạo lập trước thời kỳ hôn nhân, khối tài sản được vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, khối tài sản được tặng cho riêng, được tặng cho chung và các hoa lợi lợi tức phát sinh từ các khối tài sản này. Do đó, việc lựa chọn chế độ tài sản để áp dụng điều chỉnh những vấn đề trên là rất quan trọng. Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Đánh giá chế độ tài sản theo thỏa thuận trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014”


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Bộ luật dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015.
  • Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014 : luận văn thạc sĩ luật học / Nguyễn Thị Thu Thủy ; TS. Bùi Minh Hồng hướng dẫn . – Hà Nội, 2015.
  • Giáo trình Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội – 2016.
  • Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
  • Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.

Những vấn đề lý luận chung về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận

Khái niệm chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận

Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận là chế độ tài sản của vợ chồng xác lập theo thỏa thuận của vợ chồng bằng văn bản được lập trước khi kết hôn, quy định về quan hệ sở hữu tài sản của vợ chồng, gồm: căn cứ, nguồn gốc xác lập tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng; quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với các loại tài sản đó và nguyên tắc phân chia tài sản của vợ chồng.

Đánh giá chế độ tài sản theo thỏa thuận trong Luật Hôn nhân và gia đình

Đặc điểm của chế độ tài sản của vợ chồng

Thứ nhất, về chủ thể của quan hệ sở hữu trong chế độ tài sản này, thì các bên phải có mối quan hệ hôn nhân hợp pháp với tư cách là vợ chồng của nhau. Do đó, các bên trong quan hệ này phải đáp ứng đủ điều kiện về điều kiện kết hôn được quy định trong luật hôn nhân và gia đình.

Thứ hai, chế độ tài sản theo thỏa thuận nhằm bảo đảm trên hết quyền lợi của gia đình, đặc biệt là những nhu cầu thiết yếu để duy trì cuộc sống. Đặc biệt, chế độ tài sản theo thỏa thuận giúp vợ, chồng có thể đản bảo tối ưu quyền tự định đoạt đối với tài sản cá nhân.

Thứ ba, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận do hai bên tự do thỏa thuận một cách bình đẳng, tự nguyện. Hai bên vợ và chồng tự do bàn bạc, xác lập với nhau quyền và nghĩa vụ liên quan đến quan hệ sở hữu tài sản của vợ chồng.

Thứ ba, căn cứ xác lập, chấm dứt chế độ tài sản này phụ thuộc vào sự phát sinh, chấm dứt của quan hệ hôn nhân hay nói các khác, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận chỉ tồn tại trong thời kỳ hôn nhân.

Ý nghĩa của chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận

Thứ nhất, Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận đã đảm bảo quyền tự do định đoạt của công dân về sở hữu tài sản. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và quy định của BLDS năm 2015.

Đánh giá chế độ tài sản theo thỏa thuận trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Thứ hai, chế độ tài sản của vợ chồng được quy định trong pháp luật có ý nghĩa nhằm xác định các loại tài sản trong quan hệ giữa vợ chồng và gia đình. Khi hai bên nam nữ kết hôn với nhau trở thành vợ chồng, chế độ tài sản của vợ chồng được liệu với những thành phần tài sản của vợ chồng. Dù vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản ước định hay chế độ tài sản pháp định, dù chế độ tài sản cộng đồng hay theo tiêu chuẩn phân sản thì các loại tài sản của vợ chồng luôn được pháp luật quy định rõ.

Thứ ba, việc phân định các loại tài sản trong quan hệ giữa vợ chồng của chế độ tài sản còn nhằm xác định các quyền và nghĩa vụ của các bên vợ, chồng đối với các loại tài sản của vợ chồng.

Thứ tư, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng với nhau hoặc với những người khác trong thực tế, nhằm bảo về quyền và lợi ích chính đáng về tài sản cho các bên vợ chồng hoặc người thứ ba tham gia giao dịch liên quan đến tài sản của vợ chồng.

Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Nguyên tắc về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận

Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận phải tuân thủ theo nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng được quy định tại Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó, có những nguyên tắc sau:

Thứ nhất, nguyên tắc bình đẳng giữa vợ và chồng. Khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.” Nguyên tắc này được xây dựng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và sự phái triển của xã hội. Bởi quan hệ vợ chồng được xác lập trên cơ sở tình cảm giữa hai bên, cùng chung công sức, ý chí để tạo lập tài sản cho gia đình do đó rất khó để phân biệt sự đóng góp của các bên đối với tài sản, vì vậy vợ và chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau tỏng việc tạo lập, chiếm hữ và sử dụng, định đoạt tài sản chung, không phân biệt giữa lao động trong gia đình (nội trợ, chăm sóc con cái,…) và thu nhập ngoài xã hội.

Thứ hai, nguyên tắc bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình (Khoản 2 Điều 29). Theo khoản 20 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình, nhu cầu thiết yếu được hiểu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình. Đây nhà những nhu cầu tối thiểu mà bất cứ cá nhân nào cũng cần có trong cuộc sống.

Thứ ba, nguyên tắc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng, của gia đình và của người khác. Theo đó, quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác được pháp luật bảo vệ. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng dù theo loại chế độ tài sản nào nếu xâm phạm đến những đối tượng này cũng sẽ phải bồi thường thiệt hại.

Xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận

Điều kiện về nội dung

Nội dung của thỏa thuận về tài sản của vợ chồng cần đáp ứng được những điều kiện luật định:

Thứ nhất, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng cần tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. Bản chất của việc thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng là…. Nên cần tuân theo những điều kiện có hiệu lực của giao dịch quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015, theo đó, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Cả hai bên vợ, chồng đều phải có năng lực hành vi dân sự phù hợp với việc thỏa thuận về chế độ tài sản. Điều này cũng có nghĩa là vợ và chồng phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
  • Khi thỏa thuận về việc xác lập chế độ tài sản, cả hai bên đều xuất phát từ ý chí tự nguyện, không bị lừa dối, cưỡng ép, đe dọa.
  • Mục đích và nội dung của thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
  • Thỏa thuận không trái quy định của pháp luật về hình thức.

Thứ hai, không vi phạm một trong các quy định về nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng; giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng (quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).

Thứ ba, nội dung của thỏa thuận không vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình. Mặc dù vợ, chồng có quyền tự do thỏa thuận về chế độ tào sản nhưng nội dung của thỏa thuận phải đảm bảo tôn trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên khác trong gia đình và của người thứ ba.

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ quy định về trường hợp toàn bộ nội dung của thỏa thuận không tuân thủ các điều kiện nêu trên thì sẽ bị tuyên vô hiệu. Tuy nhiên nếu chỉ một trong số các thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng không đáp ứng được các điều kiện trên thì luật không đề cập đến. Trường hợp này có thể coi như thỏa thuận đó bị vô hiệu một phần và giải quyết theo khoản 2 Điều 48: “Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.”

Điều kiện về hình thức.

Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.”

Theo đó, khi hai bên lựa chọn xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận phải được lập thành văn bản và phải lập trước khi kết hôn. Nếu khi kết hôn mà vợ chồng không có thỏa thuận lập chế độ tài sản thì chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật mặc nhiên được áp dụng.

Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng liên quan đến quyền lợi của vợ, chồng, các con và quyền lợi của người thứ ba. Do đó, văn bản xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận phải được công chứng hoặc chứng thực.

Sau khi được xác lập, văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vẫn chưa có hiệu lực ngay cả khi đã được công chứng hoặc chứng thực. Văn bản này chỉ phát sinh hiệu lực khi vợ chồng đăng ký kết hôn và chế độ tài sản này chỉ tồn tại trong thời kỳ hôn nhân. Nếu việc kết hôn không xảy ra, thỏa thuận về việc xác lập chế độ tài sản trong hôn nhân mặc nhiên bị vô hiệu.

Có ý kiến cho rằng pháp luật không nên quy định thời điểm xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, bởi việc thỏa thuận là quyền tự do ý chí của hai bên vợ chồng, do đó họ có thể xác lập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, việc quy định việc xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận phải được xác lập trước hôn nhân là hợp lý. Bởi nếu thỏa thuận giữa các bên không được lập trước ngày đăng ký kết hôn thì chế độ tài sản theo luật định sẽ được áp dụng, nếu các bên muốn thoả thuận thay đổi thì có thể áp dụng quy định về việc phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Nội dung của chế độ tài sản theo thỏa thuận

Xác định tài sản của vợ chồng.

Căn cứ pháp lý điểm a khoản 1 Điều 48. Điều 15 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.

Theo đó, trong trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì việc xác định tài sản của vợ, chồng có thể theo một trong các hướng sau:

Thứ nhất, tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng. Việc căn cứ xác lấp tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng hoàn toàn do các bên tự thỏa thuận, pháp luật không đưa ra quy định nào trong trường hợp này. Điều này thể hiện sự tôn trọng quyền tự thỏa thuận của các bên, nếu thỏa thuận đó không vi phạm các điều kiện luật định thì pháp luật sẽ thừa nhận.

Thứ hai, giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung.

Quy định này không mang lại sự công bằng giữa vợ chồng, không đảm bảo được quyền tự định đoạt của vợ, chồng đối với những tài sản mà theo bản chất là của riêng vợ, chồng khi tham gia vào các giao dịch dân sự. Hơn nữa, quy định này còn có khả năng làm nảy sinh quan hệ hôn nhân với mục đích của một bên là chiếm hữu tài sản của bên kia.

Thứ ba, giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó. Quy định này tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng có tài sản riêng lớn, đặc biệt là trong kinh doanh, thương mại; đồng thời cũng tạo cơ sở cho việc tránh rủi ro đối với gia đình phát sinh bởi việc kinh doanh thua lỗ.

Ngoài ra, tài sản của vợ chồng còn có thể được xác định theo các thỏa thuận khác của vợ chồng. Theo đó, vợ chồng hoàn toàn tự do thỏa thuận về tài sản của mình, đưa ra những căn cứ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu tài sản phù hợp với điều kiện và nguyện vọng của vợ chồng nhưng không được trái pháp luật và bảo đảm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình và không ảnh hưởng đến quyền, lơi ích hợp pháp của người khác.

Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản

Điểm b khoản 1 Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ quy định nguyên tắc chung trong việc xác lập quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản. Theo đó, vợ chồng có quyền tự do thỏa thuận với nhau về việc quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên vợ chồng đối với tài sản riêng của mỗi người và tài sản chung của vợ chồng, quyền và nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với giao dịch có liên quan.

Vợ chồng có thể tự do thỏa thuận theo ý chí của hai bên, theo nhu cầu hoặc theo hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Có thể thỏa thuận tương tự theo một phần hoặc toàn bộ nội dụng của chế độ tài sản theo luật định. Ví dụ, tại Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng:

“Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

  • Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
  • Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
  • Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
  • Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
  • Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
  • Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”

Tuy vợ chồng có quyền tự do thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ về tài sản nhưng cũng có những điều kiện nhất định mà vợ chồng phải tuân theo. Đó là thỏa thuận phải bảo đảm không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Để bảo vệ quyền và lợi ích của người thứ ba, Nghị định 126/2014/ quy định người có quyền và lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận vô hiệu theo quy định tại Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình nếu thỏa thuận về tài sản của vợ chồng trái. với quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và gia đình. Bên cạnh đó, trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì khi xác lập, thực hiện giao dịch vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan; nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Phân chia tài sản khi chấm dứt hôn nhân

Trước hết, sự tồn tại của chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng gắn liền với thời kỳ hôn nhân, do đó khi hôn nhân chấm dứt thì chế độ tài sản của vợ chồng cũng chấm dứt. Pháp luật cho vợ chồng quyền lựa chọn chế độ tài sản trước khi bước vào thời kỳ hôn nhân thì khi hôn nhân chấm dứt, pháp luật cũng tôn trọng quyền tự định đoạt về việc chia tài sản giữa vợ và chồng.

Trong trường hợp vợ chồng thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì mới áp dụng các nguyên tắc phân chia tài sản của chế độ tài sản được quy định tại khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật Hôn nhân và gia đình để giải quyết.

Sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

Tại khoản 1 Điều 49 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản.”, hình thức sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản theo thỏa thuận được áp dụng theo quy định về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản giữa vợ và chồng.

Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật công chứng năm 2014, Việc công chứng sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận phải được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng thỏa thuận đó. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung.

Hậu quả pháp lý của việc sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng được quy định tại Điều 18 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, theo đó:

Thứ nhất, về hiệu lực của thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực từ ngày được công chứng hoặc chứng thực. Vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan.

Thứ hai, quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm việc sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Như vậy, pháp luật quy định việc lựa chọn chế độ tài sản của vợ chồng phải được thực hiện trước khi kết hôn, nhưng hoàn toàn không bắt buộc thỏa thuận này phải được thực hiện trong suốt thời kỳ hôn nhân. Ngoài sửa đổi, bổ sung một phần nội dung của thỏa thuận, vợ và chồng còn có thể sửa đổi toàn bộ nội dung hay nói cách khác là lập một thỏa thuận mới. Có thể thỏa thuận áp dụng quy định của pháp luật về chế độ tài sản pháp định mà không làm thay đổi chế độ tài sản vợ chồng đã lựa chọn là chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng

Những ưu điểm của chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng

Thứ nhất, đảm bảo quyền tự định đoạt của cá nhân đối với tài sản mình. Quyền tự định đoạt tài sản của chủ sở hữu được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 tại Điều 32 và Bộ luật dân sự năm 2015 tại Điều 160.

Thứ hai, chế độ tài sản theo thỏa thuận cho phép vợ chồng tự quyết định quyền sở hữu trong gia đình, tạo ra khả năng đôi bên có thể tự giác thực hiện các nghĩa vụ và quyền đã theo thỏa thuận, giúp họ giảm thiểu các rủi ro trong kinh doanh, do đó tránh được tình trạng gia đinh bấp bênh khi cả hai vợ chồng cùng tham gia các hoạt động kinh doanh có rủi ro cao.

Thứ ba, góp phần giảm chi phí khi ly hôn và giúp Tòa án xác định được tài sản riêng, tài sản chung nhanh chóng và dễ dàng hơn. Nếu như vợ chồng thực hiện chế độ thỏa thuận tài sản thì khi ly hôn nếu tranh chấp về tài sản của vợ chồng, thì thỏa thuận giữa vợ chồng là căn cứ giúp cơ quan tư pháp giải quyết thuận tiện và nhanh chóng.

Một số kiến nghị nhằm thực hiện hiệu quả chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng

Trước hết, cần hoàn thiện những quy định của pháp luật về chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng.

  • Quy định thêm trường hợp một phần nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vô hiệu.
  • Đưa những điều luật quy định về chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng lên trước những điều luật về chế độ tài sản theo luật định. Bởi pháp luật tôn trọng quyền tự thỏa thuận của đương sự trong việc xác lập chế độ tài sản, do đó nên quy định những điều luật về chế độ tài sản theo thỏa thuận trước, rồi mới đến những điều luật về chế độ tài sản theo luật định.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức của người dân, giúp họ nhận thức được những ưu điểm của chế độ tài sản theo thỏa thuận. Ngoài ra, cần nâng cao trình độ chuyên môn cũng như tinh thần trách nhiệm của những người thi hành pháp luật để từ đó nâng cao hiệu quả của việc thực hiện chế độ tài sản của vợ chồng.

Như vậy, chế độ tài sản theo thỏa thuận được Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rất rõ ràng, cụ thể, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc lựa chọn chế độ tài sản của vợ chồng trong suốt thời kỳ hôn nhân. Là một quy định quan trọng, mang ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng, cần có những biện pháp để chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng phát huy được hiệu quả trên thực tế.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Đánh giá chế độ tài sản theo thỏa thuận trong Luật Hôn nhân và gia đình. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top