Để hiểu rõ hơn về quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình, sau đây em xin đi vào tìm hiểu “Xử lí vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình”.Trong những năm qua, vấn đề bình đẳng giới ngày càng được xã hội quan tâm nhiều hơn. Những chương trình, dự án nâng cao năng lực cho nữ giới và thực hiện bình đẳng giới được Đảng và Nhà nước quan tâm rất lớn. Nhiều lớp tập huấn về giới được mở ra ở hầu hết các địa phương đã góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, trong đó bình đẳng giới trong gia đình là nhân tố quan trọng tiến đến sự bình đẳng thực chất giữa nam và nữ. Tuy nhiên, trên thực tế mặc dù pháp luật quy định trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng với nhau về mọi mặt, cùng nhau bàn bạc, quyết định mọi vấn đề chung, cùng chia sẻ mọi công việc cũng như chăm lo con cái, cha mẹ, nhưng trên thực tế nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là thiên chức của phụ nữ. Định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Trong gia đình, thời gian làm việc của phụ nữ thường dài hơn nam giới, các kết quả thống kê cho thấy, thời gian làm việc của phụ nữ là 13 giờ, trong khi nam giới là khoảng 9 giờ. Sự chênh lệch này chủ yếu là do phụ nữ còn đảm nhiệm chính công việc nội trợ, chăm sóc con cái ngoài vai trò sản xuất và công tác như nam giới. Do đó, phụ nữ ít có cơ hội để học tập, nâng cao trình độ, nghỉ ngơi giải trí hay tham gia các hoạt động xã hội; thời gian làm việc khá dài trong ngày cũng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của phụ nữ.
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Luật hôn nhân vào gia đình
- Luật bình đẳng giới 2006
- Giáo trình luật hôn nhân và gia đình
- Luật phòng chống bạo lực gia đình
- Nghị định của Chính phủ số 55/2009/NĐ-CP Ngày 10 tháng 06 năm 2009
Khái quát về vi phạm pháp luật về bình đẳng giới
Mọi người cũng xem:
Khái niệm bình đẳng giới
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội (bình đẳng trong tiếng nói).
Dưới góc độ khoa học pháp lý, bình đẳng giới trong gia đình là việc vợ và chồng, con trai và con gái, các thành viên nam và nữ trong gia đình có vị trí, vai trò ngang nhau, quyền được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình như nhau, quyền được thụ hưởng về thành quả phát triển của gia đình và xã hội ngang nhau, quyền được tham gia quyết định các vấn đề của bản thân và của gia đình. Trên cơ sở các quyền đó, các thành viên trong gia đình được tự do tham gia vào các công việc gia đình và ngoài xã hội tùy theo khả năng và sở thích của mình, được tự do lựa chọn những vai trò giống nhau hoặc khác nhau trong gia đình tùy theo mục đích của mỗi người, được tự do lựa chọn cách thức thụ hưởng các thành quả tùy theo sở thích của mỗi người. Tuy nhiên, bình đẳng không có nghĩa là bằng nhau, do đặc điểm sinh học khác nhau và tính chất vai trò khác nhau mà sẽ có những sự bình đẳng thực chất phù hợp với từng cá nhân trong gia đình.
Bình đẳng giới trong gia đình
Điều 18 Luật bình đẳng giới năm 2006 quy định về bình đẳng giới trong gia đình :
“1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.
Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.
Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.
Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.”

Các hành vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình
Điều 41 Luật bình đẳng giới năm 2006 quy định về các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình như sau:
“1. Cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định củapháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vìlý do giới tính.
Không cho phép hoặc cản trở thành viên trong gia đình tham gia ý kiến vào việc sử dụng tài sản chung của gia đình, thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì định kiến giới.
Đối xử bất bình đẳng với các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính.
Hạn chế việc đi học hoặc ép buộc thành viên trong gia đình bỏ học vì lý do giới tính.
Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, thực hiện biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên thuộc một giới nhất định.”
Xử lí vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình
Mọi người cũng xem:
Điều 42 Luật bình đẳng giới năm 2006 quy định các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới:
“1. Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Xử lý hành chính
Điều 13 Nghị định 55/2009/NĐ-CP ngày 10/06/2009 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính;
b) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy hiếp tinh thần nhằm không cho phép thành viên trong gia đình tham gia sử dụng tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình, thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì định kiến giới;
c) Không chăm sóc, giáo dục, tạo điều kiện như nhau giữa nam và nữ trong gia đình về học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không cho thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.
b) Không cho nam hoặc nữ trong gia đình tham gia công tác xã hội vì định kiến giới;
c) Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính;
d) Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 1, điểm c khoản 2 Điều này;
b) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2, khoản 3 Điều này;
c) Buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1, điểm a khoản 2, điểm b khoản 2 Điều này.”
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình được xác định là một biện pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, ngăn chặn và phòng ngừa tình trạng vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình.
Xử lý hình sự được áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới mà hành vi vi phạm cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự. Khác với xử lý hành chính, trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với cá nhân. Do vậy, xử lý về hình sự là xử lý đối với cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật bình đẳng giới mà hành vi vi phạm cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự. Trong Bộ luật hình sự không có các quy định riêng về nhóm tội xâm phạm các quy định về bình đẳng giới. Vì vậy, những hành vi vi phạm pháp luật bình đẳng giới có thể là những hành vi vi phạm cấu thành tội phạm nằm rải rác trong các chương khác nhau của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, bảo đảm bình đẳng giới là vấn đề liên quan đến lợi ích của con người, đặc biệt là phụ nữ cho nên có thể thấy các hành vi vi phạm pháp luật bình đẳng giới cấu thành tội phạm được thể hiện rõ nét nhất trong Chương XIV “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người” và Chương XVII “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình”.
Ví dụ như, đối với hành vi bạo lực trong gia đình thì tại điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 có quy định những hành vi bạo lực gia đình như sau: “a. Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng”. Đối với hành vi này, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;
h) Có tổ chức;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;
m) Có tính chất côn đồ;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
- Xử lí vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình
Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm.
Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Như vậy, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình sẽ bị xử lý hình sự nếu hành vi vi phạm cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự. Chế tài hình sự thể hiện tính nghiêm khắc đối với việc xử lý hành vi vi phạm, do đó cũng có ý nghĩa cao trong việc ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình.
Thực trạng về việc thực hiện xử lí vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình
Mọi người cũng xem:
Phụ nữ bình đẳng với nam giới không chỉ góp sức cho xã hội giàu mạnh, văn minh mà trong gia đình là ngọn nguồn của hạnh phúc, đã sản sinh và nuôi dưỡng thế hệ trẻ tốt đẹp. Bình đẳng nam nữ là nền tảng văn hoá của con người, của gia đình và hạnh phúc. Vai trò của phụ nữ được phát huy bình đẳng trong xã hội và trong gia đình, mang một ý nghĩa lớn đối với sự giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam và truyền thống văn hoá của dân tộc. Văn hoá gia đình là nền tảng của văn hoá xã hội, ở đó vai trò của người phụ nữ với chức năng sàng lọc và giữ gìn văn hoá dân tộc mang ý nghĩa đặc biệt. Để phụ nữ làm được chức năng quan trọng này với gia đình và dân tộc, trước hết họ phải được bình đẳng để tiến bộ và theo kịp thời đại. Trong cuộc sống đổi mới và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta lấy dân làm gốc, lấy việc trồng người để mưu cầu lợi ích trăm năm. Trồng người là sự nghiệp tạo dựng thế hệ công dân mới có đức, có tài, thể lực tốt mà gia đình là cái nôi ban đầu và người mẹ đồng thời cũng là người thầy dạy con ngay từ thời mới còn chập chững. Phụ nữ Việt Nam thời đại hôm nay đứng trước sứ mệnh sàng lọc và truyền nối để bảo vệ nền văn hoá dân tộc, trước tiên gia đình mình phải là người có đức, có trí, có lực. Họ phải được bình đẳng thì mới đạt được những chuẩn mực mang nội dung thời đại để từ đó xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dưỡng con cái trở thành con người mới, công dân mới xã hội chủ nghĩa. Trong gia đình, vợ chồng thương yêu, tôn trọng lẫn nhau thì con cái mới được chăm sóc đầy đủ và cảm nhận được sự ấm êm, hạnh phúc, luôn luôn là điển tựa cho con người vượt qua mọi thử thách
Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: Xử lí vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình. Nếu nội dung tư vấn còn chưa rõ, có nội dung gây hiểu nhầm hoặc có thắc mắc cần tư vấn cụ thể hơn, bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.
Trân trọng./.