Vai trò của gia đình trong vấn đề bình đẳng giới

Thế giới đã trải qua hơn 100 năm của chặng đường bình đẳng giới. Nhìn lại những thành tựu và những tồn tại hiện nay của chặng đường đó, cả nhân loại phải thừa nhận thành quả của bình đẳng giới đã góp phần rất quan trọng vào sự tiến bộ chung của thế giới. Bình đẳng giới là cần thiết và có thể thực hiện được. ở Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và được đánh giá là một động lực và mục tiêu phát triển quốc gia. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới đã được cụ thể hóa trong Luật Bình đẳng giới do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2007. Bên cạnh đó, ngày 24 tháng 12 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020. Chiến lược có mục tiêu tổng quát là: “Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”. Mặc dù vậy, việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam còn đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Để thực hiện được mục tiêu này, rất cần đến sự phối hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và thực hiện bình đẳng giới là yếu tố quan trọng. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và thực hiện bình đẳng giới thuộc về tất cả các thể chế trong xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò quan trọng. Gia đình là nơi định hình các quan hệ giới, truyền tải những chuẩn mực về giới và quyết định những cơ hội cho các thành viên gia đình. Gia đình là nơi đưa ra các quyết định cơ bản như: Số con, việc nuôi dạy con, phân bố thời gian và nguồn lực sản xuất, tiêu dùng và đầu tư cho tương lai… Thực tế cho thấy, gia đình có thể làm trầm trọng hơn định kiến giới hoặc có thể làm dịu đi sự phân biệt giới. Có thể nói, gia đình đóng vai trò quan trọng trong nhận thức và thực hiện bình đẳng giới.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Luật hôn nhân vào gia đình
  • Luật bình đẳng giới 2006
  • Giáo trình luật hôn nhân và gia đình
  • Luật phòng chống bạo lực gia đình
  • Nghị định của Chính phủ số 55/2009/NĐ-CP Ngày 10 tháng 06 năm 2009

Một số vấn đề lý luận chung

Bình đẳng giới trong gia đình

Theo điều 18 luật bình đẳng giới quy định về bình đẳng giới trong gia đình:

“1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.

Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việcbàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.

Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.

Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.”

Theo đó bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội (bình đẳng trong tiếng nói).

Dưới góc độ khoa học pháp lý, bình đẳng giới trong gia đình là việc vợ và chồng, con trai và con gái, các thành viên nam và nữ trong gia đình có vị trí, vai trò ngang nhau, quyền được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình như nhau, quyền được thụ hưởng về thành quả phát triển của gia đình và xã hội ngang nhau, quyền được tham gia quyết định các vấn đề của bản thân và của gia đình. Trên cơ sở các quyền đó, các thành viên trong gia đình được tự do tham gia vào các công việc gia đình và ngoài xã hội tùy theo khả năng và sở thích của mình, được tự do lựa chọn những vai trò giống nhau hoặc khác nhautrong gia đình tùy theo mục đích của mỗi người, được tự do lựa chọn cách thức thụ hưởng các thành quả tùy theo sở thích của mỗi người. Tuy nhiên, bình đẳng không có nghĩa là bằng nhau, do đặc điểm sinh học khác nhau và tính chất vai trò khác nhau mà sẽ có những sự bình đẳng thực chất phù hợp với từng cá nhân trong gia đình.

Vai trò của gia đình trong vấn đề bình đẳng giới
Vai trò của gia đình trong vấn đề bình đẳng giới

Vai trò của bình đẳng giới trong gia đình

Phụ nữ bình đẳng với nam giới không chỉ góp sức cho xã hội giàu mạnh, văn minh mà trong gia đình là ngọn nguồn của hạnh phúc, đã sản sinh và nuôi dưỡng thế hệ trẻ tốt đẹp. Bình đẳng nam nữ là nền tảng văn hoá của con người, của gia đình và hạnh phúc. Vai trò của phụ nữ được phát huy bình đẳng trong xã hội và trong gia đình, mang một ý nghĩa lớn đối với sự giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam và truyền thống văn hoá của dân tộc. Văn hoá gia đình là nền tảng của văn hoá xã hội, ở đó vai trò của người phụ nữ với chức năng sàng lọc và giữ gìn văn hoá dân tộc mang ý nghĩa đặc biệt. Để phụ nữ làm được chức năng quan trọng này với gia đình và dân tộc, trước hết họ phải được bình đẳng để tiến bộ và theo kịp thời đại. Trong cuộc sống đổi mới và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta lấy dân làm gốc, lấy việc trồng người để mưu cầu lợi ích trăm năm. Trồng người là sự nghiệp tạo dựng thế hệ công dân mới có đức, có tài, thể lực tốt mà gia đình là cái nôi ban đầu và người mẹ đồng thời cũng là người thầy dạy con ngay từ thời mới còn chập chững. Không phải ngẫu nhiên mà phương Đông ta đề cao Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Nguyễn Du có câu “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Trong dân gian truyền tụng câu “Làm mẹ phải biết để đức cho con”, đức thuộc phạm trù văn hoá.

Người mẹ Việt Nam thời đại hôm nay đứng trước sứ mệnh sàng lọc và truyền nối để bảo vệ nền văn hoá dân tộc, trước tiên gia đình mình phải là người có đức, có trí, có lực. Họ phải được bình đẳng thì mới đạt được những chuẩn mực mang nội dung thời đại để từ đó xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dưỡng con cái trở thành con người mới, công dân mới xã hội chủ nghĩa. Trong gia đình, vợ chồng thương yêu, tôn trọng lẫn nhau thì con cái mới được chăm sóc đầy đủ và cảm nhận được sự ấm êm, hạnh phúc, luôn luôn là điểm tựa cho con người vượt qua mọi thử thách.

Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là ở cuộc sống hiện đại hóa công nghiệp hóa hiện nay. Bình đẳng giới trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng; bình đẳng giới trong gia đình là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; bình đẳng giới trong gia đình góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên gia đình, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước; và bình đẳng giới trong gia đình góp phần giải phóng phụ nữ và góp phần xây dựng thể chế gia đình bền vững.

Bình đẳng giới trong gia đình

Vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình

Theo Điều 41, Luật Bình đẳng giới, các hành vi sau đây được coi là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình:

Một là, cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.

Hai là, không cho phép hoặc cản trở thành viên trong gia đình tham gia ý kiến vào việc sử dụng tài sản chung của gia đình, thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì định kiến giới.

Ba là, đối xử bất bình đẳng với các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính.

Bốn là, hạn chế việc đi học hoặc ép buộc thành viên trong gia đình bỏ học vì lý do giới tính.

Năm là, áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, thực hiện biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên thuộc một giới nhất định.

Các hành vi nêu trên được làm rõ trong Nghị định 55/2009/NĐ-CP ngày 10-6-2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới. Theo đó những hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình bao gồm:

1)Xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính;

2) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy hiếp tinh thần nhằm không cho phép thành viên trong gia đình tham gia sử dụng tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình, thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì định kiến giới;

3) Không chăm sóc, giáo dục, tạo điều kiện như nhau giữa nam và nữ trong gia đình về học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.

4) Không cho thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.

5) Không cho nam hoặc nữ trong gia đình tham gia công tác xã hội vì định kiến giới;

6) Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính;

7) Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định.

8) Hành vi dùng vũ lực nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.

Có nhiều luật liên quan đến bình đẳng giới trong gia đình, chẳng hạn Luật Hôn nhân gia đình qua nhiều lần sửa đổi, Luât Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo hành gia đình… Nhưng luật chỉ dừng lại ở những nguyên tắc chung và có những điều luật trên thực tế khó áp dụng, chẳng hạn Luật Phòng chống bạo hành gia đình, mà nguyên nhân là do nhận thức sai lệch ở cả nam lẫn nữ. Ngoài ra cũng có những khó khăn, chẳng hạn có trường hợp sau khi bạo hành vợ, người chồng bị phạt thì vợ phải đem tiền nộp phạt thay cho chồng. Những nguyên tắc chung của luật nếu được làm tốt qua công tác truyền thông sẽ góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. 

Xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình

Xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình tại Điều 42 Luật Bình đẳng giới qui định các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới như sau:

“1. Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Bên cạnh đó việc xử lý vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong gia đình được pháp luật quy định cụ thể tại Điều 13 Nghị định của Chính phủ số 55/2009/NĐ-CP Ngày 10 tháng 06 năm 2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới như sau:

“Điều 13. Các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong gia đình

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính;

b) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy hiếp tinh thần nhằm không cho phép thành viên trong gia đình tham gia sử dụng tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình, thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì định kiến giới;

c) Không chăm sóc, giáo dục, tạo điều kiện như nhau giữa nam và nữ trong gia đình về học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không cho thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.

b) Không cho nam hoặc nữ trong gia đình tham gia công tác xã hội vì định kiến giới;

c) Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính;

d) Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 1, điểm c khoản 2 Điều này;

b) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2, khoản 3 Điều này;

c) Buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1, điểm a khoản 2, điểm b khoản 2 Điều này.”

Thành tựu đạt được

Với sự phát triển chung của xã hội, vai trò và địa vị của gia đình của người phụ nữ ngày càn được nâng cao. Những nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới của Nhà nước phần nào đã mang lại kết quả.“Việt Nam là một nước dẫn dầu thế giới về tỉ lệ tham gia các hoạt động kinh tế, là một trong những nước được coi là tiến bộ về bình đẳng giới. Là quốc gia đạt được sự thay đôi nhanh chóng về xóa bỏ khoảng cách giới trong 20 năm qua ở khu vực Đông Nam Á”, báo cáo đánh giả tình hình ở Việt Nam (tháng 12/ 2006) của ngân hàng thế giới (WP), ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), vụ phát triển quốc tế Anh (DFDI), và cơ quan quốc tế Canada (CIDA).

Với hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hểt các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, xét về vấn đề giới trong gia đình vẫn còn những bức xúc như: phụ nữ vẫn phải làm những công việc nội trợ là chủ yếu vẫn còn tư tưởng trọng nam kinh nữ trong quá trình sinh con và nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình, tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn còn tồn tại và xảy ra ở một số nơi.

Đối với phụ nữ trong gia đình:

Với vấn đề sản xuất của phụ nữ: Trong gia đình bao gồm tất cả mọi công việc nhằm mục đích tạo ra thu nhập bao gồm các hoạt động tạo ra sản phẩm vật chất, tinh thần hoăc tạo ra những dịch vu để đáp ứng nhu cầu chung của gia đình.

  •  Người phụ nữ ở nông thôn: Trồng trọt, chăn nuôi, làm vườn, làm hàng thủ công nhằm tạo ra thu nhập.
  • Người phụ nữ ở thành thị: Làm công ăn lương trong các cơ quan, xí nghiệp, làm thuê cho chủ nhân hoặc kinh doanh buôn bán đế tạo ra thu nhập.

Vấn đề tái sản xuất và nuôi dưỡng: Là những hoạt động tạo ra nòi giống và tái tạo sức lao động, chúng bao gồm việc sinh con và nuôi dạy con, chăm sóc các thành viên khác trong gia đình và làm các công việc giặt giũ, lau chùi nhà cửa, nội trợ… các công việc này hầu hết do phụ nữ đảm nhiệm là những công việc mất thời gian nhưng không được trả thù lao.

Vấn đề cộng đồng của phụ nữ: Bao gồm hoạt động nhằm đảm bảo sự cung cấp và bảo vệ những nguồn lực khan hiếm cho nhu cầu chung của cộng đồng như vệ sinh môi trường, nước sạch, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục… Đây hầu hết là những hoạt động tình nguyện của phụ nữ như các công việc của làng bản, khối phố họp hành tham gia chính quyền, lãnh đạo xã hội… nhằm đáp ứng các nhu cầu chung của cộng đồng xã hội như: Xây dựng đường làng ngõ xóm giữ gìn trật tự, vệ sinh hoặc trao đổi thông tin, tổ chức họp hành, lễ hội tham gia các đoàn thể, các hoạt động nhỏ của cộng đồng.

Người phụ nữ thực hiện cùng lúc nhiều vai trò như sản xuất tái sản xuất và nuôi dưỡng, cộng đồng xã hội, thời gian làm việc dài hơn vào công việc vụn vặt hơn nam giới. Người phụ nữ thực hiện cùng lúc nhiều vai trò khác nhau trong gia đình và ngoài xã hội trong khi nam giới thường tập trung vào sản xuất và lành đạo cộng đồng.

Vai trò của gia đình trong vấn đề bình đẳng giới
Vai trò của gia đình trong vấn đề bình đẳng giới

Bất cập khi tiến hành chế độ bình đẳng giới trong gia đình

Thiếu quan tâm nạn nhân của bất bình đẳng

Một trong những bất cập là nguyên tắc bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật vẫn chưa được thực hiện tốt. Với mục tiêu xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, Luật Bình đẳng giới năm 2006 đặt ra nguyên tắc “bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật” là một trong những nguyên tắc tiên quyết để quy định về bình đẳng giới được thi hành một cách tốt nhất trên thực tiễn.

Tuy nhiên, trên thực tế nguyên tắc này vẫn chưa thực sự được đảm bảo. Điển hình là Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành vẫn chưa có quy định nào nhằm bảo vệ nạn nhân của bất bình đẳng, quy định về người được trợ giúp pháp lý không đề cập đến đối tượng là nạn nhân của bất bình đẳng giới mặc dù trên thực tế số lượng nạn nhân này là một con số không hề nhỏ (theo thống kê, từ năm 2011 tới 2015, cứ mỗi ngày ở Việt Nam lại có 64 phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, theo con số thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 20 phụ nữ thiệt mạng do bạo lực gia đình). Điều này cho thấy nhà làm luật vẫn chưa có sự quan tâm thỏa đáng đối với những đối tượng được Luật Bình đẳng giới bảo vệ, cũng như việc các quy định của pháp luật vẫn chưa được đảm bảo thi hành trên thực tế.

Ngoài ra, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 (viết tắt Luật PCBLGĐ) có đưa ra một số quy định nhằm góp phần đảm bảo cũng như hỗ trợ việc thi hành Luật bình đẳng giới, tuy nhiên trong đó còn có một số điều luật chưa thực sự khả thi. Điển hình là quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 19 Luật PCBLGĐ: “Cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân”. Thực tế, muốn biện pháp này được áp dụng thì phải đáp ứng đủ điều kiện như có đơn yêu cầu, mức độ của hành vi bạo lực và điều kiện người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc (theo quy định tại Điều 20, 21 Luật PCBLGĐ), quy định này rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, liệu Quyết định cấm tiếp xúc có được đảm bảo thực hiện hay không sau khi các bên đã được nhận trong khi vẫn chưa có cơ chế đảm bảo thực hiện?

Giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ, trẻ em

Trong lĩnh vực tư pháp, cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có sự chú trọng đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người phụ nữ và trẻ em. Có thể kể đến là trong việc giải quyết ly hôn và xử lý hành vi bạo lực đối với người phụ nữ. Trong hầu hết các mối quan hệ, phụ nữ và trẻ em luôn là bên yếu thế, cần sự quan tâm đặc biệt. Do đó, khi việc ly hôn xảy ra thì quyền lợi của hai đối tượng này phải được đưa lên hàng đầu. Với đặc thù mối quan hệ giữa con cái với mẹ thường sâu nặng hơn với cha, nên các trường hợp người mẹ không được trực tiếp nuôi con (đặc biệt là với con nhỏ) sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của người mẹ, hơn nữa còn có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về tâm thần. Ngoài ra việc này còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ sau này.

Trẻ em là đối tượng dễ tổn thương do thiếu khả năng thích ứng với thử thách, chưa nhiều trải nghiệm sống, kỹ năng sống. Khi có một sự kiện khủng khiếp tác động một cách bất ngờ thì khả năng trẻ em bị khủng hoảng nghiêm trọng về tâm lý sẽ xảy ra gần như tuyệt đối. Nhưng hiện nay, trong các trường hợp tham gia tố tụng, quyền lợi của trẻ em vẫn chưa được đảm bảo; các biện pháp để bảo vệ lợi ích cũng như phẩm chất của trẻ em còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trong các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.

Thực tế cho thấy cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng vẫn chưa có sự quan tâm thích đáng dẫn đến thực trạng tâm lý của trẻ bị tổn thương trầm trọng kéo theo lối sống lệch lạc sau này, một số trường hợp dẫn đến tự sát. Vì lẽ đó, khi tiến hành hoạt động tố tụng, cần có các biện pháp để hạn chế sự tiếp xúc của trẻ em với các yếu tố ảnh hưởng đến tiêu cực tâm lý của trẻ em. Cụ thể là phải giảm thiểu sự tiếp xúc giữa trẻ và bị can, bị cáo trong một giai đoạn của quá trình tố tụng; hạn chế số lần lấy lời khai của trẻ và số phiên xét xử bắt buộc sự có mặt của trẻ; xử kín; sử dụng các thiết bị ghi hình hoặc màn hình để tạo điều kiện lấy lời khai của trẻ, giúp trẻ không phải trực tiếp đối mặt với bị cáo…

Bất bình đẳng giới trong gia đình đang là mối nguy hại cho xã hội. Vì vậy cần có những biện pháp cơ bản để xây dựng nên một gia đình bình đẳng. Bởi bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là ở cuộc sống hiện đại hóa công nghiệp hóa hiện nay.

Bình đẳng giới trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng.

Bình đẳng giới trong gia đình là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.

Bình đẳng giới trong gia đình góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên trong gia đình, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước và bình đẳng giới trong gia đình góp phần giải phóng phụ nữ và góp phần xây dựng thể chế gia đình bền vững, đẩy lùi và xóa bỏ quan niệm trọng nam khinh nữ trong gia đình tạo ra một xã hội bình đẳng không phân biệt về giới.


Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: Vai trò của gia đình trong vấn đề bình đẳng giới. Nếu nội dung tư vấn còn chưa rõ, có nội dung gây hiểu nhầm hoặc có thắc mắc cần tư vấn cụ thể hơn, bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top