Sự cần thiết phải ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam

Sự cần thiết phải ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn là vấn đề quan trọng và được mọi quốc gia quan tâm. Việt Nam cũng không là ngoại lệ, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ của quản lý nhà nước và là trách nhiệm của các đơn vị sản xuất kinh doanh. Trên thực tế tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta nói riêng vẫn xảy ra khá nghiêm trọng, pháp luật vẫn chưa được thực thi một cách có hiệu quả, chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử phạt, ngăn chặn thỏa đáng cho người tiêu dùng. Đặc biệt chưa có cơ chế xử lý riêng đối với các khiếu nại của người tiêu dùng, chưa khuyến khích, tạo điều kiện để người tiêu dùng tự bảo vệ mình hoặc khiếu nại các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đặt ra là rất lớn. Sự ra đời của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã đáp ứng được yêu cầu cấp thiết đó, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam được tôn trọng và bảo vệ, đồng thời góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và sự phát triển bền vững của đất nước.

Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: Sự cần thiết phải ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam


Danh mục tài liệu tham khảo 

  • Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2012.
  • Bộ luật dân sự năm 2005.
  • Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
  • Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 1999
  • Nguyễn Thị Vân Anh, “Thực trạng pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, Tạp chí luật học, số 11/2010, tr. 3 – 11.

Nội dung bài viết

Thực trạng về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam trước khi ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010

Thực trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tại Việt nam trước khi ban hành luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010

Thực trạng công tác bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam cho thấy, các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ. Hàng loạt các vụ vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của người tiêu dùng được phát hiện như vụ xăng pha aceton, vụ nước tương nhiễm chất 3-MCPD, vụ gian lận xăng dầu hay việc phát hiện hàng loạt các cơ sở kinh doanh mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ…Riêng năm 2008, các lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý 146.958 vụ vi phạm, trong đó có 15.092 vụ buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, 18.539 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và an toàn vệ sinh thực phẩm, 4.303 vụ về đầu cơ găm hàng. Đặc biệt, một số vụ vi phạm có phạm vi ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng như các vụ việc về 315.000 điện kế điện tử giả; vụ gian lận cước taxi bằng cách gắn bộ tăng cây số do Trung Quốc sản xuất dưới gầm xe, nút bấm điều khiển dưới vô-lăng xe; vụ sữa melamine trẻ em; vụ gian lận trong đo lường và kinh doanh sản phẩm xăng dầu; vụ mũ bảo hiểm không đảm bảo an toàn chất lượng. Những vụ việc này đã gây thiệt hại không chỉ về tài sản mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng.

Theo thống kê của Bệnh viện K cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 77.457 ca mới mắc bệnh ung thư trong đó 80% là do môi trường sống và chỉ có khoảng 5% là do gen di truyền. Một thống kê khác cũng rất đáng chú ý là, từ năm 2004 đến năm 2008 cả nước có 1.634 vụ ngộ độc thực phẩm với 23.894 người bị mắc và 321 người tử vong.

Theo khảo sát của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tại một số điểm bán xăng dầu, sai số đo lường bình quân khoảng 5%. Với mức tiêu thụ xăng dầu hiện nay số tiền mà người tiêu dùng bị thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Theo kết quả tổng kiểm tra mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy khoảng 28% cơ sở kinh doanh sai phạm về đo lường (có nơi sai số gần 10%), 17% vi phạm về chất lượng.

Những con số trên chỉ là sự thống kê một phần nhỏ và mới chỉ phản ánh được phần nào thực trạng xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Do vậy, có thể nói rằng người tiêu dùng Việt Nam đang phải sống trong một môi trường không an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm nghiêm trọng. Trong khi đó, các quy định của pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho quá trình phát hiện và xử lý các vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Thực trạng này đòi hỏi phải xây dựng một cơ chế pháp lý đầy đủ và hoàn thiện nhằm Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Hệ thống quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng còn nhiều bất cập

Tại Việt Nam, ngày 27 tháng 4 năm 1999, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng. Đây có thể coi là một bước ngoặt quan trọng trong công tác bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác này. Bên cạnh Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng, vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng Việt Nam còn được quy định bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật thương mại, Luật cạnh tranh, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa…

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và khảo sát, đánh giá thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng cho thấy các quy định pháp luật hiện hành có nhiều bất cập và không phù hợp với yêu cầu của công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong tình hình mới. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, hệ thống pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mặc dù đã được Nhà nước quan tâm, ban hành, sửa đổi nhưng vẫn còn thiếu tính cụ thể, gây khó khăn cho việc triển khai trong thực tế.

Tính chưa cụ thể, rõ ràng thể hiện trong nhiều quy định của hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đặc biệt là trong các quy định về quyền, trách nhiệm của người tiêu dùng cũng như trong các quy định về trách nhiệm của thương nhân. Chương II Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liệt kê các quyền của người tiêu dùng, thoạt nhìn có vẻ như đầy đủ theo hướng dẫn bảo vệ người tiêu dùng của Liên hợp quốc nhưng thực tế rất khó cho người tiêu dùng Việt Nam với trình độ không đồng đều và nhìn chung nhận thức còn hạn chế để có thể hiểu và vận dụng tốt các quy định này. Có thể nói các quy định này mới chỉ dừng lại ở mức “gọi tên” các quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng mà chưa thể hiện cụ thể các quyền và trách nhiệm đó cũng như chưa đảm bảo cơ chế cho việc thực thi các quyền này của người tiêu dùng trên thực tế. Điều này không chỉ gây cho người tiêu dùng những khó khăn trong quá trình nhận thức về quyền và trách nhiệm của mình mà còn gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Chương III Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Chương XVIII Bộ luật dân sự có một số điều quy định về trách nhiệm của thương nhân đối với người tiêu dùng trong các vấn đề: đăng kí tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá; thông tin, quảng cáo chính xác và trung thực về hàng hoá, dịch vụ; giải quyết kịp thời mọi khiếu nại của người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ của mình không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả đã công bố hoặc hợp đồng đã giao kết. Các quy định này quá chung chung, chưa thể hiện rõ những hành vi thương mại không lành mạnh, không công bằng nào gây bất lợi cho người tiêu dùng sẽ bị cấm đối với thương nhân cũng như trách nhiệm của thương nhân trong việc cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng hay trách nhiệm của thương nhân khi sử dụng các điều kiện giao dịch chung hay khi giao kết hợp đồng theo mẫu. Đây là những vấn đề nảy sinh khá phổ biến trong thực tiễn nhưng với những quy định hiện hành của pháp luật thì quyền lợi của người tiêu dùng khó được đảm bảo.

Sự cần thiết phải ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam

Thứ hai, quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trong các văn bản còn trùng lặp, mâu thuẫn với nhau và tỏ ra không đồng bộ.

Như trên đã trình bày, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định trong nhiều văn bản pháp luật. Trong một số trường hợp, do các quy định về hành vi thương mại cụ thể được quy định trùng lặp trong nhiều văn bản dẫn đến khi thương nhân thực hiện những hành vi đó xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng sẽ thuộc trách nhiệm xử lí của các cơ quan khác nhau với những biện pháp xử lí khác nhau. Ví dụ, cùng là hành vi kinh doanh hàng hoá quá hạn sử dụng, theo Điều 26 Nghị định của Chính phủ số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/8/2008 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 30 triệu đồng tùy theo giá trị của hàng hoá kinh doanh. Nếu hàng hoá là thực phẩm thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 15 Nghị định của Chính phủ 45/2005/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng, bất kể giá trị hàng hoá kinh doanh. Đối với hành vi không công bố chất lượng sản phẩm, hàng hoá hoặc không bảo đảm đúng chất lượng đã công bố, theo Điều 15 Nghị định của Chính phủ số 126/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 95/2007/NĐ-CP ngày 4/6/2007) sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 20 triệu đồng, tùy theo giá trị lô hàng vi phạm. Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 15 Nghị định của Chính phủ số 45/2005/NĐ-CP ngày 6/4/2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi không công bố tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 6 triệu đồng. Các quy định trùng lặp và mâu thuẫn này sẽ gây khó khăn cho cơ quan quản lí nhà nước trong việc xác định thẩm quyền và mức xử lí các hành vi vi phạm của thương nhân trong những ngành, lĩnh vực cụ thể. Từ việc phân tích một số quy định nêu trên cho thấy giữa các văn bản khác nhau thuộc các lĩnh vực khác nhau cũng có mức độ bảo vệ người tiêu dùng khác nhau, do đó tạo nên sự không đồng bộ trong hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng làm cho người tiêu dùng thiếu niềm tin vào pháp luật.

Thứ ba, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa có tác dụng khôi phục lợi ích cho người tiêu dùng cũng như chưa có quy định thừa nhận yêu cầu bảo vệ đặc biệt đối với người tiêu dùng.

Người tiêu dùng khi tham gia quan hệ mua bán hàng hoá, dịch vụ với thương nhân gặp nhiều điểm bất lợi và có 4 yếu thế cơ bản so với thương nhân là: yếu thế về thông tin, yếu thế về khả năng đàm phán, yếu thế về khả năng chi phối giá cả và các điều kiện giao dịch, yếu thế về khả năng chịu các rủi ro phát sinh từ quá trình tiêu dùng hàng hoá. Chính vì thế họ cần được bảo vệ ở mức độ cao hơn so với việc bảo vệ các chủ thể khác (ví dụ, bảo vệ cao hơn mức bảo vệ dành cho thương nhân khi thương nhân tham gia quan hệ mua bán hàng hoá tương tự hay sử dụng hàng hoá để sản xuất, kinh doanh). Tuy nhiên, do được áp dụng chung bởi Bộ luật dân sự năm 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan khác nên mức độ bảo vệ người tiêu dùng hiện nay không khác biệt mấy so với các chủ thể khác mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ. Pháp luật hiện hành chưa quy định những cơ chế, công cụ đặc biệt dành riêng cho người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi, khắc phục những điểm yếu của mình trong quan hệ giao dịch với thương nhân trên thị trường. Ví dụ, chưa quy định được cơ chế giải quyết các khiếu nại, tranh chấp giữa người tiêu dùng với thương nhân một cách hữu hiệu để người tiêu dùng tự bảo vệ mình, chưa có quy định về trách nhiệm của thương nhân đối với sản phẩm không an toàn cho người sử dụng cũng như chưa có những quy định tạo điều kiện cho tổ chức bảo vệ người tiêu dùng hoạt động có hiệu quả…

Thứ tư, hệ thống chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng còn bất hợp lí.

Như phần trên đã trình bày, hiện nay, chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm của thương nhân đối với người tiêu dùng gồm: chế tài hành chính, chế tài hình sự, chế tài dân sự. Các chế tài này đang tồn tại một số điểm chưa phù hợp để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Cụ thể là: Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các chủ thể có hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng mới chỉ tập trung vào một số hành vi như: “quảng cáo gian dối”, “lừa dối khách hàng” trong việc cân, đo, đong, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoá, “làm tem giả, vé giả, buôn bán tem giả, vé giả”, trong khi đó nhiều hành vi gây nguy hiểm cho xã hội như: sản xuất hàng kém chất lượng, sản xuất hàng gây nguy hiểm cho người tiêu dùng với số lượng lớn chưa được quy định để xử lí hình sự. Hệ thống chế tài hành chính còn nhiều điểm bất cập. Một số hành vi khi thương nhân thực hiện rõ ràng có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng nhưng trong các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong những lĩnh vực cụ thể lại không quy định, do vậy khả năng đảm bảo thi hành các quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng là rất thấp. Ví dụ, trong Nghị định của Chính phủ số 54/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hoá đã không được xác định cân, đo, đong sai là hành vi vi phạm do đó không quy định về chế tài xử lí. Trong một số trường hợp vi phạm, mức xử phạt còn nhẹ, không tương xứng với lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được nên trong thực tế nhiều doanh nghiệp chấp nhận bị phạt để vi phạm. Mặt khác, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa cho phép cơ quan bảo vệ người tiêu dùng áp dụng các chế tài thể hiện tính đặc thù, phù hợp để phòng ngừa, răn đe hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng như: công bố công khai về hành vi vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, buộc đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh ngành nghề có hành vi vi phạm pháp luật, truy thu lợi nhuận bất hợp pháp. Đây là những chế tài rất hữu hiệu được ghi nhận trong pháp luật của nhiều quốc gia.

Thứ năm, pháp luật hiện hành đã tạo ra khả năng chồng chéo, mâu thuẫn về thẩm quyền của các cơ quan tham gia công tác bảo vệ người tiêu dùng dẫn đến chưa tạo ra một cơ chế phối hợp và phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ người tiêu dùng.

Căn cứ vào các quy định trong các đạo luật và các văn bản có liên quan tới công tác bảo vệ người tiêu dùng, có thể thấy rõ ràng khả năng mâu thuẫn, chồng chéo trong thẩm quyền của các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng. Ví dụ, theo quy định tại Điều 19 Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999 và Điều 24 Nghị định của Chính phủ số 55/2008/NĐ-CP ngày 24/4/2008 thì “Bộ công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất quản lí nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi cả nước”. Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007 quy định (Điều 68): “Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lí nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá”. Luật an toàn thực phẩm năm 2010 (Điều 61) quy định: “Bộ y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lí nhà nước về an toàn thực phẩm”. Có thể thấy ngay những quy định này tạo ra trong thực tế, khả năng các cơ quan tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị mâu thuẫn, chồng chéo về thẩm quyền đến mức nào. Mặt khác, pháp luật hiện hành chưa tạo ra cơ chế phối hợp và phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ người tiêu dùng. Nghị định của Chính phủ số 55/2008/NĐ-CP cũng mới chỉ quy định chung chung là: Mọi tổ chức và cá nhân có trách nhiệm tiến hành, phối hợp kịp thời các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 34) nhưng chưa quy định rõ ràng trách nhiệm phối hợp của các cơ quan đó như thế nào để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách hiệu quả. Do đó, các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng không được phát hiện và xử lí một cách kịp thời, triệt để dẫn tới việc bỏ lọt nhiều hành vi vi phạm. Vì thế, Cục quản lí thị trường – Bộ công thương đã từng phản ánh rằng: “Hiện nay, trong lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát hàng hoá lưu thông trên thị trường, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng đã có hàng chục cơ quan khác nhau. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng, khi có công thì lực lượng nào cũng nhận đó là của mình nhưng khi có vấn đề thì rất khó quy trách nhiệm cụ thể cho cơ quan nào”.

Sự cần thiết phải ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam
Sự cần thiết phải ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam

Thứ sáu, còn có bất cập trong quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng.

Trong công tác bảo vệ người tiêu dùng, vai trò của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng là rất quan trọng, góp phần vào sự thành công của công tác này. Ở Việt Nam, tuy tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ra đời tương đối sớm nhưng đến nay vẫn hoạt động chưa hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ người tiêu dùng trong tình hình mới. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là pháp luật chưa quy định cơ chế hỗ trợ tài chính hữu hiệu từ ngân sách nhà nước. Do đó với điểm đặc thù là một tổ chức xã hội mà không có sự đóng góp của hội viên cũng như không có nguồn thu ổn định, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng rất khó hoạt động có hiệu quả.

Như đã trình bày ở trên, hệ thống pháp luật hiện hành về bảo vệ người tiêu dùng đặc biệt là Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999 còn nhiều bất cập, chưa phải là chỗ dựa pháp lí vững chắc để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình. Do đó, để có cơ sở pháp lí quy định đầy đủ, cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng, về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đối với người tiêu dùng, về trách nhiệm của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, ngày 17/11/2010 tại kì họp thứ 8 Quốc hội khóa XII, Quốc hội thông qua Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Quan điểm chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010

Việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được dựa trên những quan điểm chỉ đạo và định hướng như sau:

Bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch dân sự giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh

Hợp đồng là một sự tự do thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu để các bên tự do vô hạn thì hợp đồng sẽ trở thành phương tiện để bên mạnh hơn lấn át bên yếu thế hơn và gây thiệt hại to lớn tới lợi ích chung của xã hội. Người tiêu dùng luôn là bên thiếu thông tin, đặc biệt là các thông tin và kiến thức liên quan đến đặc tính kỹ thuật của sản phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng thông thường ít có cơ hội đàm phán, thương lượng trong quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Do đó, pháp luật cần có các quy định đặc thù để đảm bảo sự cân bằng trong các quan hệ này, qua đó góp phần ổn định trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích chung của xã hội.

Xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng

Theo định hướng này, nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia cùng Nhà nước trong công tác bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, pháp luật hướng tới sử dụng chính sức mạnh của thị trường để loại bỏ các doanh nghiệp có hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng từ đó ngoài việc bảo vệ được lợi ích của người tiêu dùng còn hướng tới bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh

Các quy định của Luật hướng tới việc nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng nhưng vẫn đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể này. Luật không thể hiện xu hướng quá thiên về bảo vệ người tiêu dùng mà hạn chế đi quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp, tránh tạo ra những kẽ hở để một số cá nhân lợi dụng quyền lợi của người tiêu dùng gây thiệt hại cho doanh nghiệp (Luật tránh việc tạo ra cơ chế khiếu nại tràn lan không có cơ sở, không quy định quyền được đổi trả lại hàng hóa sau một thời gian sử dụng như quy định của pháp luật một số nước).

Những điểm mới cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 so với Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 1999

Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng

Đây là quy định hoàn toàn mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng so với Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước đây. Xuất phát từ yêu cầu chính đáng cần được bảo vệ thông tin trong khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đưa nguyên tắc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng thành một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật, trong đó khẳng định: Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Quy định cụ thể về nghĩa vụ của người tiêu dùng

Người tiêu dùng có nghĩa vụ đảm bảo và tạo điều kiện cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện một cách hiệu quả. Đặc biệt so với Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khẳng định nghĩa vụ của người tiêu dùng trong việc thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Đặc biệt so với Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khẳng định nghĩa vụ của người tiêu dùng trong việc thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan khi phát hiện hàng hóa dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức cá nhân kinh doanh xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đưa ra các quy định chi tiết và đầy đủ về các hành vi bị cấm như: cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện những hành vi lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc cung cấp không đầy đủ, sai lệch, không chính xác hoặc che dấu thông tin về hàng hóa, dịch vụ; cấm việc tiếp xúc liên hệ trái ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên…. Việc quy định cụ thể này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người tiêu dùng được bảo vệ đầy đủ hơn, đồng thời ràng buộc chặt chẽ hơn các trách nhiệm liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Trách nhiệm của bên thứ ba với người tiêu dùng

Bên thứ 3 ở đây có thể hiểu là những đơn vị truyền thông quảng cáo về hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh tới người tiêu dùng. Cụ thể Luật quy định chi tiết trách nhiệm của bên thứ 3 về các vấn đề như: phải bảo đảm chính xác, đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp; yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp chứng cứ chứng minh tính xác thực và đầy đủ của thông tin; chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp cung cấp thông tin không chính xác, đầy đủ… Luật có những quy định mới, tập trung vào vấn đề trách nhiệm bảo hành hàng hóa và thu hồi hàng hóa có khuyết tật, bồi thường thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra cho người tiêu dùng.

Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định khá đầy đủ việc đăng ký hợp đồng theo mẫu đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo từng thời kỳ. Quy định này không chỉ giúp bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày mà còn giúp cơ quan nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể quản lí chặt chẽ hơn.

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng.

Luật đã có những quy định mới, tập trung vào vấn đề trách nhiệm bảo hành và thu hồi hàng hóa có khuyết tật, bồi thường thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra cho người tiêu dùng. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành đối với hàng hóa do mình cung cấp, trong thời gian bảo hành phải cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa tương tự để sử dụng tạm thời hoặc có hình thức giải quyết khác được người tiêu dùng chấp nhận, phải chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển hàng hóa, linh kiện được bảo hành… Đối với hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiến hành thu hồi và báo kết quả với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Luật đã có thêm những quy định mới nâng cao vai trò của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, góp phần xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng như: quy định quyền tự khởi kiện vì lợi ích công cộng của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Nhà nước cấp kinh phí và các điều kiện khác khi tổ chức này thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao. Quy định này thể hiện rõ quan điểm định hướng trong quá trình xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là xã hội hóa hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Giải quyết tranh chấp

Sự cần thiết phải ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam
Sự cần thiết phải ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam

Trong vấn đề giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có một số điểm mới đáng chú ý sau:

Quy định bổ sung thêm phương thức thương lượng để giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ để khuyến khích người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh tự giải quyết tranh chấp. Đây là một điểm hoàn toàn mới so với Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 1999. Theo đó, người tiêu dùng có quyền gửi yêu cầu đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ để thương lượng khi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Về việc miễn nghĩa vụ chứng minh lỗi và miễn tạm ứng án phí: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đưa ra quy định miễn nghĩa vụ chứng minh lỗi và miễn tạm ứng án phí cho người tiêu dùng khi tiến hành khởi kiện các tổ chức cá nhân vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Sự ra đời của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nền kinh tế thị trường. Luật đã có nhiều điểm mới tiến bộ hơn so với Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999. Có thể nói Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là “tấm lá chắn” hữu hiệu cho người tiêu dùng khi đi vào cuộc sống. Việc ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là thực sự cần thiết, nhưng nó sẽ thực sự có ý nghĩa và hiệu quả khi được áp dụng triệt để trên thực tế.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Sự cần thiết phải ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top