Việc áp dụng biện pháp dân sự trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Luật sở hữu trí tuệ là một trong những ngành luật quan trọng được xây dựng nhằm thúc đẩy sự đầu tư trí tuệ và sự sáng tạo, góp phần tạo nên sự phát triển của khoa học- công nghệ ngày nay. Với mục tiêu là bảo vệ các sản phẩm sáng tạo từ trí óc của con người, Luật sở hữu trí tuệ chính là tiền đề cho sự phát triển kinh tế và xã hội nói riêng hay rộng lớn hơn là sự phát triển nền văn minh xã hội loài người nói chung. Bên cạnh việc thúc đẩy sự sáng tạo, luật sở hữu trí tuệ còn đặt ra các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của chủ thể tác giả của các sản phẩm sáng tạo bằng nhiều biện pháp khác nhau, đây là một hoạt động rất quan trọng để sự sáng tạo của con người được tự do phát triển mà vẫn được pháp luật bảo hộ, tránh bị xâm phạm bất hợp pháp. Nhận định được tầm quan trọng và cần thiết của vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ này, em xin lựa chọn đề tài nghiên cứu sau:

Câu 1: Phân tích quy định của pháp luật về việc áp dụng biện pháp dân sự trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nêu ưu điểm và nhược điểm của việc áp dụng biện pháp dân sự. 

Câu 2: Công ty A là chủ sở hữu nhãn hiệu “Chupa Chups và hình bông hoa” đăng ký cho sản phẩm kẹo mút theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 38029 cấp ngày 20/08/2001. Văn bằng bảo hộ đang có hiệu lực tại Việt Nam. Gần đây, Công ty A phát hiện cơ sở B tại Hoài Đức, Hà Nội nộp đơn xin đăng ký dấu hiệu “Chupa Chopps và hình bông hoa” làm nhãn hiệu cho sản phẩm kẹo mút. Dấu hiệu của cơ sở B có cách trình bày tương tự về kiểu chữ, màu sắc và bố cục với nhãn hiệu của Công ty A. 

  1. Theo anh/chị, dấu hiệu “Chupa Chopps và hình bông hoa” của cơ sở B có khả năng được bảo hộ là nhãn hiệu cho sản phẩm kẹo mút không?
  2. Giả sử cơ sở B nộp đơn đăng ký dấu hiệu “Chupa Chopps và hình bông hoa” cho sản phẩm giấy ăn, khăn giấy do cơ sở sản xuất. Theo anh/chị, Công ty A cần tiến hành thủ tục gì để phản đối việc đăng ký của cơ sở B?

Ở phần nội dung tiếp theo này, em sẽ tập trung giải quyết vấn đề của hai câu hỏi đã đặt ra tại phần đặt vấn đề.

Nội dung

Câu 1: Phân tích quy định của pháp luật về việc áp dụng biện pháp dân sự trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nêu ưu điểm và nhược điểm của việc áp dụng biện pháp dân sự.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là những cách thức, biện pháp mà Nhà nước và các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp áp dụng để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp sẽ xảy ra cũng như để xử lý những hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đã xảy ra, chống lại mọi sự xâm phạm để giữ nguyên vẹn quyền sở hữu các đối tượng này. Pháp luật nước ta quy định quyền sở hữu trí tuệ có thể được bảo vệ bằng các biên pháp như: biện pháp hành chính, biện pháp dân sự và biên pháp hình sự.

Theo đó, chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể áp dụng quyền tự bảo vệ; bằng hoạt động của các cơ quan nhà nước bằng cách khởi kiện tại Tòa án hoặc gửi đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Thanh tra Khoa học và Công nghệ (nếu là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp), Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch (nếu là hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan), Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nếu là hành vi xâm phạm đối với giống cây trồng) hoặc gửi tới các cơ quan như: Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Hải quan, Quản lý thị trường. 

Trong số các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, biện pháp chủ yếu thường xuyên được áp dụng nhất phải kể đến là biện pháp dân sự. So với các biện pháp khác như biện pháp tự bảo vệ, biện pháp hình sự hay biện pháp hành chính thì biện pháp dân sự có một số ưu điểm hơn. Để hiểu rõ về các ưu điểm, nhược điểm của biện pháp dân sự trong sở hữu trí tuệ, em sẽ tìm hiểu các vấn đề như sau

Việc áp dụng biện pháp dân sự trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Việc áp dụng biện pháp dân sự trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Khái niệm biện pháp dân sự 

Biện pháp dân sự là biện pháp xử lí hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo thủ tục tố tụng dân sự trên cơ sở yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đang bị xử lí bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự 

Các biện pháp dân sự là các biện pháp chỉ được áp dụng khi có yêu cầu của chủ thể quyền. Khi chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc cơ quan, tổ chức bị thiệt hại bởi hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra, thì có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết yêu cầu đó theo thủ tục tố tụng dân sự.

Đặc điểm của các biện pháp dân sự

Điều 202 LSHTT quy định về đặc điểm của các biện pháp dân sự:

“Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

  1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
  2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
  3. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
  4. Buộc bồi thường thiệt hại;
  5. Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ”

Biện pháp buộc chấm dứt hành vi xâm phạm

– Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm là biện pháp do các chủ thể có quyền bị xâm hại yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để tác động vào chủ thể có hành vi vi phạm LSHTT, nhằm cưỡng chế người có hành vi vi phạm phải dừng hành vi vi phạm lại, không được tiếp tục thực hiện hành vi đó hoặc phải thực hiện hành vi nhất định nữa.

– Việc quyết định áp dụng biện pháp này phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm

– Thẩm quyền thực hiện biện pháp này do các cơ quan có thẩm quyền như Tòa án xử lý theo yêu cầu của người khởi kiện

Biện pháp buộc xin lỗi, cải chính công khai

Việc xâm phạm tới quyền SHTT của chủ sở hữu sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến danh tiếng, gây thiệt hại về mặt tinh thần cho chủ sở hữu của quyền sở hữu công nghiệp. Do đó, người có hành vi vi phạm phải buộc xin lỗi, cải chính công khai với đại chúng nhằm đền bù một phần uy tín cho người bị xâm hại.

– Cơ quan Tòa án sẽ quyết định trong bản án về việc buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải xin lỗi, cải chính công khai nhằm khôi phục danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng… cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm.

– Trong trường hợp các đương sự thoả thuận được với nhau về nội dung, cách thức xin lỗi, cải chính công khai và chi phí thực hiện việc xin lỗi, cải chính đó mà thoả thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội, thì Toà án công nhận sự thoả thuận của họ.

– Trong trường hợp các bên không thoả thuận được với nhau về nội dung, cách thức thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai và chi phí thực hiện, thì Toà án căn cứ vào tính chất hành vi xâm phạm và mức độ, hậu quả do hành vi đó gây ra quyết định về nội dung, thời lượng xin lỗi, cải chính công khai và chi phí thực hiện.

Biện pháp buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự

– Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự là tổng hợp những biện pháp, cách thức do các chủ thể có quyền thực hiện hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng nhằm tác động vào người có nghĩa vụ, cưỡng chế họ phải thực hiện đúng nghĩa vụ mà họ đã cam kết thoả thuận. Biện pháp này được áp dụng để bảo vệ quyền lợi của bên có quyền trong các quan hệ nghĩa vụ, khi người có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của họ.

– Sau khi Tòa án đã xét xử và ra bản án cuối cùng về vụ án xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Tòa án sẽ buộc bên vi phạm thực hiện các nghĩa vụ dân sự của mình nhằm đền bù các tổn thất nói chung, chấm dứt hành vi vi phạm của mình và trả lại các quyền hợp pháp cho bên bị hại.

Biện pháp buộc bồi thường thiệt hại

– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất về vật chất thực tế, được tính thành tiền do bên vi phạm nghĩa vụ gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chỉ phí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút.

– Rõ ràng, khi đã có hành vi xâm phạm đến quyền của chủ sở hữu thì hành vi đó sẽ gây ra ít nhiều các thiệt hại cho chủ sở hữu, chính vì thế mà Tòa án có thẩm quyền buộc bên có hành vi vi phạm LSHTT đền bù thiệt hại cho chủ sở hữu. Đây là một trong những biện pháp rất quan trọng nhằm trả lại những thiệt hại mà bên vi phạm đã gây ra cho chủ sở hữu.

Biện pháp buộc tiêu hủy

Trong một số trường hợp, bên cạnh việc đền bù thiệt hại cho bên bị xâm phạm, hàng hóa của bên có hành vi xâm phạm cũng phải bị tiêu hủy hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại để tránh trường hợp bên vi phạm tiếp tục sử dụng số hàng hóa đó để tiếp tục vi phạm, thu lợi bất chính về mình.

Nguyên tắc xác định thiệt hại

Các cơ quan có thẩm quyền sẽ dựa vào mức độ thiệt hại để xác định các hình thức xử lý phù hợp. Để biết được mức độ thiệt hại mà các hành vi vi phạm pháp luật gây ra cho các tổ chức, cá nhân chủ sở hữu thì trước tiên ta phải xác định thiệt hại dựa trên các nguyên tắc của pháp luật, cụ thể theo Điều 204 Luật SHTT quy định:

“1. Thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:

  1. a) Thiệt hại về vật chất bao gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại;
  2. b) Thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; người biểu diễn; tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng.
  3. Mức độ thiệt hại được xác định trên cơ sở các tổn thất thực tế mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải chịu do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra”

* Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại 

– Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất thì có quyền yêu cầu Toà án quyết định mức bồi thường theo một trong các căn cứ:

  • Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất;
  • Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện;
  • Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo các căn cứ quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Toà án ấn định, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá năm trăm triệu đồng.

– Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về tinh thần cho mình thì có quyền yêu cầu Toà án quyết định mức bồi thường trong giới hạn từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại.

– Ngoài khoản bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Toà án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư.

Ưu điểm và nhược điểm của biện pháp dân sự

+) Ưu điểm

 – Bằng biện pháp dân sự, giải quyết hành vi xâm phạm triệt để, khắc phục được những tổn thất, thiệt hại.

– Chủ thể bị xâm phạm được bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

– Chủ thể bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ chứng cứ và ngăn ngừa thiệt hại.

– Biện pháp này được áp dụng rộng rãi hơn so với những biện pháp khác vì việc xâm phạm QSHTT mang tính chất dân sự diễn ra phổ biến, các chủ thể có thể áp dụng biện pháp này một các dễ dàng bằng việc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấm dứt hành vi vi phạm hoặc yêu cầu chủ thể vi phạm bồi thường thiệt hại.

– Đây là biện pháp mang tính thực tế rất lớn do các hành vi xâm phạm QSHTT chủ yếu thuộc sự pháp luật dân sự.

+) Nhược điểm

– Không bảo mật được thông tin về hàng hóa, sản phẩm, thương hiệu.

– Trình tự, thủ tục giải quyết phức tạp vì có sự can thiệp của Cơ quan nhà nước.

– Thời gian giải quyết lâu

– Chi phí giải quyết tốn kém

– Chủ thể bị xâm phạm có nghĩa vụ phải chứng minh theo Điều 203 Luật sở hữu trí tuệ. Trong một vài trường hợp, việc chứng minh hành vi xâm phạm không hề đơn giản.

Việc áp dụng biện pháp dân sự trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Việc áp dụng biện pháp dân sự trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Câu 2: Giải quyết tình huống đã đặt ra

Theo anh/chị, dấu hiệu “Chupa Chopps và hình bông hoa” của cơ sở B có khả năng được bảo hộ là nhãn hiệu cho sản phẩm kẹo mút không?

Về căn cứ pháp lý: 

Điều kiện để một dấu hiệu được bảo hộ theo quy định tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2019 (Sau đây viết tắt là LSHTT) được quy định như sau: “Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
  2. Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.”

Tức là khả năng phân biệt hàng hóa dịch vụ các dấu hiệu phải đáp ứng các điều kiện để phân biệt giữa các loại hàng hóa dịch vụ với nhau theo quy định tại Điều 74 Luật SHTT. Thêm vào đó, tất cả những nhãn hiệu có dấu hiệu khó phân biệt sẽ được coi là dấu hiệu gây nhầm lẫn, hoặc không có khả năng phân biệt theo Khoản 2 Điều 72 về điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ thì sẽ không được bảo hộ theo cơ chế nhãn hiệu. 

Về nhãn hiệu của Công ty A:

– Đối tượng bảo hộ: Nhãn Hiệu

– Sản phẩm được bảo hộ: Kẹo mút

– Chủ sở hữu: Công ty A

– Thời hạn bảo hộ: Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 38029 cấp ngày 20/08/2001. Văn bằng bảo hộ đang có hiệu lực tại Việt Nam với nhãn hiệu “Chupa Chups và hình bông hoa”.

Về nhãn hiệu của Công ty B:

–  Về dấu hiệu: Dấu hiệu “Chupa Chopps và hình bông hoa” được coi là dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu “Chupa Chups và hình bông hoa”.

– Về cấu trúc tên nhãn hiệu: nhãn hiệu của Công ty B có những chữ cái và cách sắp xếp cấu trúc tên nhãn hiệu “Chupa Chopps” của công ty B gần giống tương tự như nhãn hiệu “Chupa Chups” của công ty A. Cụ thể, từ thứ nhất là “Chupa” đều giống nhau, cách sắp xếp chữ cái của từ thứ hai là “Chups” và “Chopps” giống nhau đến 4/5 kí tự, chỉ khác mỗi là thay chữ “u” bằng chữ “o” và thêm 1 chữ “p” vào trước chữ “s”. 

Bên cạnh đó, phần hình bông hoa với cách trình bày nhãn hiệu của công ty B cũng tương tự với nhãn hiệu Công ty A cả về màu sắc, kiểu chữ và bố cục.

– Về cách phát âm, “Chupa Chopps” và “Chupa Chups” có cách phát âm tương tự nhau.

– Về hàng hóa, dịch vụ: Công ty A và cơ sở B đều đăng ký và sản xuất sản phẩm kẹo mút -> Trùng về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh.

Căn cứ theo các tiêu chí đánh giá về nhãn hiệu nổi tiếp tại Điều 75 Luật SHTT sửa đổi bổ sung năm 2019, nhận thấy sản phẩm kẹo mút có nhãn hiệu “Chupa Chups” của Công ty A là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Theo quy định tại điểm i Khoản 2 Điều 74 LSHTT: “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng”. 

Xét theo các dấu hiệu thể hiện trên nhãn hiệu của Công ty B cùng với các quy định pháp luật trên cho thấy dấu hiệu “Chupa Chopps và hình bông hoa” của công ty B có những dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu “Chupa Chups và hình bông hoa” không có khả năng phân biệt giữa hai nhãn hiệu này, hơn nữa lại cùng loại hàng hóa, dịch vụ. Cho nên công ty B có khả năng không đăng ký được dấu hiệu này làm nhãn hiệu cho sản phẩm của mình. Trong thời hạn pháp luật cho phép, công ty A có quyền sử dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn vấn đề này. 

Giả sử cơ sở B nộp đơn đăng ký dấu hiệu “Chupa Chopps và hình bông hoa” cho sản phẩm giấy ăn, khăn giấy do cơ sở sản xuất thì Công ty A cần tiến hành thủ tục để phản đối Công ty B như sau:

– Đầu tiên, tiến hành xác minh dấu hiệu Công ty B đăng ký cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có các dấu hiệu tương tự, có khả năng gây nhầm lẫn sản phẩm và có khả năng dẫn đến gây thiệt hại cho công ty mình.

Sau đó, Công ty A tiến hành soạn thảo và nộp công văn giải trình về vấn đề phản đối đăng ký cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu đối với Công ty B lên Cục Sở hữu trí tuệ, kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh, Giấy ủy quyền hợp pháp nếu có người đại diện đi thực hiện các thủ tục liên quan tới vấn đề này và chi phí, lệ phí liên quan.

Cuối cùng, trong thời hạn pháp luật quy định, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành xác minh và có quyền đưa ra quyết định cấp hay không cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho Công ty B, gửi các thông báo về bên phản đối là Công ty A, tại đây Công ty A có trách nhiệm phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ để làm rõ vấn đề. Trong trường hợp thuộc thẩm quyền của Tòa án, Công ty A thực hiện các thủ tục trên Tòa theo quy định pháp luật.

Kết luận

Luật sở hữu trí tuệ đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy sự sáng tạo của con người, góp phần cho sự phát triển khoa học và công nghệ phục vụ trong đời sống. Có thể dễ dàng thấy rằng nếu như không có Luật sở hữu trí tuệ, các sản phẩm mang đặc tính sáng tạo con người sẽ dễ dàng bị xâm hại, dẫn đến sự chậm phát triển của kinh tế- xã hội. Việc thúc đẩy sự sáng tạo của con người là quan trọng nhưng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng là một vấn đề quan trọng không kém nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của tác giả- những người đã cống hiến hết mình sáng tạo và xây dựng nên những công trình có ích cho xã hội. Chính bởi lẽ đó, pháp luật đã không ngừng sửa đổi để đặt ra các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích tác giả một cách tốt nhất, góp phần xây dựng một thế giới ngày càng văn minh và phát triển hơn.

Tài liệu tham khảo:

  • Giáo trình Luật sở hữu trí tuệ – ĐH Luật Hà Nội
  • Luật sở hữu trí tuệ 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019

Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Việc áp dụng biện pháp dân sự trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top