Bài tập tình huống về quy định đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm doanh nghiệp

Ngày 12/07/2008, Công ty TNHH Thành Công (gọi tắt là công ty Thành Công) được Ủy Ban nhân dân tình H cho phép xây dựng nhà máy sản xuất giấy tại Trung Thành, huyện Trung Sơn, tỉnh H. Ngày 27/10/2012, công ty Thành Công nộp 2 đơn đăng kí nhãn hiệu “Trung Thành” và nhãn hiệu kết hợp “Trung Thành và hình” cho sản phẩm giấy của công ty.

Ngày 12/11/2013, Công ty Thành công được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (GCNDKNH) số XX76 cho nhãn hiệu Trung Thành và ngày 25/12/2013 được cấp GCNĐKNH số XX88 cho nhãn hiệu “Trung Thành và hình”.

Ngày 05/07/2014, Công ty Cổ phần thương mại đầu tư Đại An (Công ty Đại An) gửi đơn khiếu nại đến cục sở hữu trí tuệ yêu cầu hủy bỏ toàn bộ hiệu lực của GCNĐKNH số XX76 cho nhãn hiệu Trung Thành và hủy bỏ một phần hiệu lực GCNĐKNH số XX88 cho nhãn hiệu “Trung Thành và hình” (Hủy bỏ cụm từ “Trung Thành”).

Lý do mà Công ty Đại An đưa ra là nhãn hiệu mà Công ty Thành Công đăng kí không đáp ứng được điều kiện bảo hộ theo khoản 2 Điều 74 Luật SHTT do:

Cụm từ “Trung Thành” trùng với thành phần phân biệt trong tên thương mại “Dự án Nhà máy Giấy Trung Thành” của Công ty Đại An. Dự dán Nhà máy Giấy Trung Thành của Công ty Đại An là một dự án lớn đã được UBND Tỉnh H phê duyệt, cấp giấy phép từ năm 2010 (trước thời điểm Công ty Thành Công đăng kí nhãn hiệu Trung Thành).

Việc đăng kí nhãn hiệu Trung Thành của công ty Thành Công là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây ra sự nhầm lẫn giữa sản phẩm của công ty Thành Công và sản phẩm của nhà máy Giấy Trung Thành trong tương lai.

Cụm từ Trung Thành trùng với địa danh xã Trung Thành. Việc công ty Thành Công đăng kí nhãn hiệu này không được UBND cho phép.

  • Hãy phân tích những lý do mà Công ty Đại An đưa ra có phù hợp với quy định của pháp luật không?
  • GCNĐKNH của Công ty Thành công có thể bị hủy bỏ hiệu lực hay không? Vì sao?

Danh mục tài liệu tham khảo

  •  Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, NXB Công an nhân dân, 2009
  • Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009.
  • Quy chế thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu- Cục Sở hữu trí tuệ.
  • Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.

Một số vấn đề lý luận chung

Khái niệm nhãn hiệu

Theo quy định tại Khoản 16 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Có thể hiểu “Nhãn hiệu” là thuật ngữ để chỉ chung nhãn hiệu hàng hóa và nhãn hiệu dịch vụ. Bao gồm có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc từ ngữ kết hợp với hình ảnh được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Ví dụ: chữ HONDA màu xanh, nhãn hiệu kết hợp hình thuyền buồm và chữ HALONG CANFOCO, hình ảnh dấu V hoặc cụm từ “Just Do It!” của Nike.

Nhãn hiệu là một loại tài sản do vậy nó có khả năng mang lại lợi ích nếu được người nắm giữ sử dụng một cách hợp lý; tuy nhiên, khác biệt với các tài sản khác, nhãn hiệu không đi một mình mà phải luôn gắn liền với một, một số hoặc nhiều sản phẩm, dịch vụ tương ứng; chính vì vậy mà nhãn hiệu được xem là dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp này với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của các doanh nghiệp khác .

quy định về đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm doanh nghiệp

Phân loại nhãn hiệu

Theo Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, có bốn loại nhãn hiệu được bảo hộ ở Việt Nam, đó là: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết, và nhãn hiệu nổi tiếng.

Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó. Ví dụ: Bưởi Phúc Trạch, Gốm sứ Bát Tràng.

Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu. Ví dụ: Hàng Việt Nam chất lượng cao, Chè Oolong Mộc Châu, Cao su Việt Nam, Sữa bò Ba Vì.

Nhãn hiệu liên kết là nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau, dùng cho các sản phẩm, dịch vụ cùng loại, hoặc tương tự với nhau hoặc có liên quan với nhau. Ví dụ: Thế giới di động và Điện máy xanh là nhãn hiệu tương tự nhau của Công ty cổ phần Thế giới di động; Toyota Corolla, Camry, Vios là nhãn hiệu tương tự nhau của Tập đoàn sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota.

Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ví dụ: Vinamilk, Vinacafe, Phạm và Liên Danh.

Đăng ký nhãn hiệu

Ngôi nhà bạn đang ở, chiếc xe máy bạn đang đi, cây bút bạn đang viết… đều là những tài sản mà bạn có thể dễ dàng chiếm hữu. Vấn đề chiếm hữu sẽ trở nên hoàn toàn khác nếu bạn sản xuất ra một sản phẩm và gắn cho nó một thương hiệu. Khi sản phẩm đó được bán đi, bạn không thể kiểm soát hay chiếm hữu được thương hiệu gắn trên sản phẩm đó nữa.

Để người tiêu dùng không bị nhầm lẫn khi mua hàng và để đảm bảo người sản xuất chân chính bảo vệ được thành quả đầu tư và uy tín của mình, pháp luật quy định cơ chế bảo vệ bằng cách cho phép đăng ký nhãn hiệu của mình để sử dụng độc quyền.

Nhãn hiệu thực sự được xem là tài sản khi và chỉ khi được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà cụ thể là Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ với tên gọi là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Các nhóm chủ thể có quyền đăng ký nhãn hiệu theo Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ:

Thứ nhất, tổ chức hoặc cá nhân đang sản xuất kinh doanh hàng hoá hoặc dịch vụ do mình sản xuất hoặc cung cấp, ví dụ: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty liên doanh, doanh nghiệp tư nhân.

Thứ hai, tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu để các thành viên thuộc tập thể của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể. Ví dụ: Hợp tác xã, Hội nông dân, Hiệp hội, hoặc một Tập hợp từ hai doanh nghiệp trở lên.

Thứ ba, tổ chức có chức năng kiểm soát chất lượng, đặc tính, xuất xứ hàng hoá có quyền đăng ký nhãn hiệu với điều kiện tổ chức này không tiến hành sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đó. Ví dụ: Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế ISO, Trung tâm chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn QUACERT, Hiệp hội chè Việt Nam.

Cuối cùng, các cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện việc nộp đơn Đăng ký Nhãn hiệu thông qua uỷ quyền ký kết với các Đại diện Sở hữu Công nghiệp ở Việt Nam.

Đồng thời để đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, người nộp đơn còn phải nộp các khoản phí là lệ phí quy định tại Thông tư số 22/2009/TT-BTC ngày 04/02/2009 của Bộ Tài Chính.

Giải quyết tình huống

Phân tích lý do mà công ty Đại An đưa ra

Lý do thứ nhất: Cụm từ “ Trung Thành” trùng với thành phần phân biệt trong tên thương mại “Dự án Nhà máy Giấy” của Công ty Đại An. Dự án Nhà máy Giấy Trung Thành của Công ty Đại an là một Dự án lớn đã được UBND Tỉnh H phê duyệt cấp phép từ năm 2010(trước thời điểm Công ty Thành Công đăng ký nhãn hiệu “Trung Thành”).

Việc đăng ký nhãn hiệu Trung Thành của Công ty Thành Công là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm gây ra sự nhầm lẫn giữa sản phẩm của Công ty Thành Công và sản phẩm của Nhà máy Giấy Trung Thành trong tương lai.

Lý do trên của công ty Đại An đưa ra là chưa phù hợp vì:

Thứ nhất, cụm từ “Trung Thành” trùng với thành phần phân biệt trong tên thương mại “Dự án Nhà máy giấy Trung Thành” của công ty Đại An.

Trước hết, tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 bổ sung năm 2009 như sau:

“1. Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng.

  • Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
  • Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.”

Công ty Đại An cho rằng tên “Dự án nhà máy giấy Trung Thành” của mình là tên thương mại. Theo quy định tại Điều 76 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 bổ sung 2009 thì điều kiện để bảo hộ tên thương mại là “Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”.

Căn cứ theo khoản 2 điều 16 nghị định 103/2006/NĐ-CP về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp:

  • “Phạm vi quyền đối với tên thương mại được xác định theo phạm vi bảo hộ tên thương mại, gồm tên thương mại, lĩnh vực kinh doanh và lãnh thổ kinh doanh trong đó tên thương mại được chủ thể mang tên thương mại sử dụng một cách hợp pháp. Việc đăng ký tên gọi của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong thủ tục kinh doanh không được coi là sử dụng tên gọi đó mà chỉ là một điều kiện để việc sử dụng tên gọi đó được coi là hợp pháp.”

Với các quy định trên, thời điểm tên thương mại được bảo hộ là thời điểm được chủ thể mang tên thương mại đó sử dụng hợp pháp trên thực tế.

Theo khoản 6 Điều 124 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 bổ sung năm 2009 thì việc sử dụng tên thương mại là “Sử dụng tên thương mại là việc thực hiện hành vi nhằm mục đích thương mại bằng cách dùng tên thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện tên thương mại trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, hàng hóa, bao bì hàng hóa và phương tiện cung cấp dịch vụ, quảng cáo.”

Có thể thấy, “Dự án nhà máy giấy Trung Thành” của công ty Đại An mới chỉ tồn tại là một dự án chưa có những hoạt động thương mại cụ thể do chính nhà máy này thực hiện. Mọi hoạt động của dự án này do công ty Đại An đứng ra tổ chức thực hiện với tư cách là chủ đầu tư.

Do đó chưa làm phát sinh quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại này và công ty Đại An cho đó là điều kiện để bảo hộ tên thương mại để nêu ra vấn đề nhãn hiệu công ty Thành Công trùng lặp tên thương mại dự án của mình là không phù hợp.

Thứ hai, công ty Đại An cho rằng việc đăng ký nhãn hiệu Trung Thành của công ty Thành Công là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm gây ra sự nhàm lẫn giữa sản phẩm của 2 công ty trong tương lai.

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi năm 2009 đã có quy định về Hành vi cạnh tranh không lành mạnh như sau tại điều 130 Bộ luật này:

“1. Các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

  • a) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ;
  • b) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ;
  • c) Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng;
  • d) Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.
  • Chỉ dẫn thương mại quy định tại khoản 1 Điều này là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hóa, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hóa, nhãn hàng hoá.
  • Hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm các hành vi gắn chỉ dẫn thương mại đó lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo; bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu hàng hóa có gắn chỉ dẫn thương mại đó.”

Trong trường hợp này việc sử dụng nhãn hiệu Trung Thành cho sản phẩm giấy của công ty Thành Công là hoàn toàn hợp pháp như đã phân tích trước đó, không hề trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh. Đồng thời cũng không gây ra thiệt hại hoặc sẽ gây thiệt hại đến lợi ích của công ty Đại An.

Chính vì thế, việc đăng kí nhãn hiệu Trung Thành của công ty Thành Công không phải là hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng không hề mong muốn gây ra sự nhầm lẫn giữa sản phẩm của hai công ty. Do đó, lý do mà công ty Đại An gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ là không thuyết phục.

Theo quy định pháp luật thì đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Theo quy định điểm 6.2.5.4 Quy chế thẩm định đơn đăng kí nhãn hiệu do cục Sở hữu trí tuệ ban hành thì: Tên địa lý/phần hình chỉ nguồn gốc địa lý nêu trên trùng với tên địa lý/phần hình chỉ nguồn gốc địa lý tương ứng của Việt Nam và các nước khác.

Tên địa lý hành chính được đề cập ở đây thông thường là từ cấp huyện trở lên, có thể cấp thấp hơn như làng, xã, bản,…nếu các tên địa lý cấp thấp hơn có danh tiếng cho sản phẩm dịch vụ tương ứng.

Theo đó, nếu tên địa lý trùng với tên địa giới hành chính từ cấp huyền trở lên thì để được đăng ký nhãn hiệu thì sẽ cần sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với trường hợp tên địa lý trùng với tên của làng, xã, bản… có danh tiếng cho các sản phẩm dịch vụ tương ứng thì cũng cần sự cho phép ủa cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, xét trng trường hợp trên, cụm từ “Trung Thành” trong nhãn hiệu của công ty Thành Công trùng với tên địa danh xã “Trung Thành”. Theo quy định của pháp luật, nếu như xã Trung Thành có danh tiếng cho sản phẩm giấy thì công ty Thành Công sẽ cần sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Nhưng trên thực tế, xã Trung Thành không hề có danh tiếng với sản phẩm giấy nên công ty Thành Công không cần sự cho phép.

Bài tập tình huống về quy định đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm doanh nghiệp

Mặt khác, địa danh xã Trung Thành cũng chưa hề được bảo hộ là chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm giấy, do đó sản phẩm của Công ty Thành Công không phải là sản phẩm đặc trưng hay đặc sản nổi tiếng của địa phương đó (sản phẩm giấy) bởi lẽ sản phẩm giấy của công ty Thành Công không đáp ứng được điều kiện đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo quy định tại điều 79 Luật sở hữu trí tuệ:

“Điều 79. Điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
  • Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định”.

Trong tình huống không đề cập đến tại xã Trung Thành có đặc sản nổi tiếng hay đặc trưng là sản phẩm giấy. Theo đó, tên địa danh có thể được dùng làm nhãn hiệu trong trường hợp này.

Có thể thấy, nhãn hiệu của Công ty Thành Công không phải là nhãn hiệu tập thể hay nhãn hiệu chứng nhận trong trường hợp đăng ký với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản của địa phương Việt Nam mà chỉ là nhãn hiệu thông thường. Chính vì thế, việc đăng ký hoàn toàn không cần sự cho phép của Uỷ ban nhân dân xã Trung Thành.

Tóm lại, cả hai lý do của công ty Đại An đưa ra đều không có cơ sở pháp lý.

  • Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Công ty Thành Công có thể bị hủy bỏ hiệu lực không? Tại sao?

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là chứng từ pháp lý đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhãn hiệu. Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hoá, dịch vụ khác nhau.

Theo khoản 3 Điều 92 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là một văn bằng bảo hộ và theo đó, được điều chỉnh như đối với văn bằng bảo hộ.

Trước hết, để giải quyết vấn đề bài tập đưa ra, cần phải làm rõ các trường hợp luật quy định Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị hủy bỏ hiệu lực. Cụ thể, Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về việc hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ như sau:

“1. Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

  • a) Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu;
  • b) Đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ.
  • Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ một phần hiệu lực trong trường hợp phần đó không đáp ứng điều kiện bảo hộ.
  • Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này với điều kiện phải nộp phí và lệ phí.

Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là suốt thời hạn bảo hộ; đối với nhãn hiệu thì thời hiệu này là năm năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ, trừ trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn.

  • Căn cứ kết quả xem xét đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ.
  • Quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này cũng được áp dụng đối với việc huỷ bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu.”

Căn cứ vào những quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, có hai điều kiện cơ bản để một văn bằng bảo hộ có thể bị hủy bỏ hiệu lực:

Thứ nhất, điều kiện về mặt thời hiệu yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ. Do quyết định hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải căn cứ vào kết quả xem xét đơn của bên yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, phải đảm bảo về mặt thời hiệu đối với việc thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ.

Cụ thể, đối với nhãn hiệu thì thời hiệu này là năm năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ, trừ trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp là do sự không trung thực của người nộp đơn. Hết thời hạn này, các bên liên quan sẽ không có quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nữa.

Thứ hai, điều kiện về tính hợp pháp của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đầu tiên, luật quy định văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong trường hợp người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu.

Ngoài ra, nếu đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ thì văn bằng bảo hộ cũng sẽ bị hủy bỏ toàn bộ hay một phần hiệu lực tùy thuộc phạm vi nội dung không đáp ứng điều kiện bảo hộ.

Đối với điều kiện đầu tiên về mặt thời hiệu yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, có thể thấy thời điểm Công ty Thành Công được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số XX76 cho nhãn hiệu “Trung Thành” là ngày 12/11/2013, và đối với nhãn hiệu “Trung Thành và hình” với Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số XX88 là ngày 25/12/2013.

Như vậy, có thể khẳng định việc Công ty Cổ phần thương mại đầu tư Đại An gửi đơn khiếu nại đến Cục Sở hữu trí tuệ vào ngày 02/07/2014 là trong thời hạn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ mà luật cho phép.

Đối với điều kiện thứ hai về tính hợp pháp của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, về mặt chủ thể nộp đơn đăng ký, do không có thông tin cụ thể liên quan đến vấn đề này nên không loại trừ khả năng người nộp đơn đăng ký cho Công ty Thành Công không có quyền đăng ký hai nhãn hiệu “Trung Thành” và “Trung Thành và hình” (Ví dụ, giấy ủy quyền đăng ký nhãn hiệu của người nộp đơn đăng ký bị phát hiện là giả). Trong trường hợp này, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Công ty Thành Công có thể bị hủy bỏ hiệu lực trong những trường hợp sau:.

Thứ nhất, người nộp đơn đăng ký của công ty Thành Công không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký với nhãn hiệu: Theo khoản 1 Điều 87 Luật SHTT về quyền đăng ký nhãn hiệu quy định “Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.”

Khi chủ sở hữu hoặc chủ thể khác có yêu cầu, chứng minh được chủ văn bằng bảo hộ không có quyền thì cơ quan có thẩm quyền sẽ hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ toàn bộ và khuyến cáo chủ thể có thẩm quyền của công ty Thành công thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ lại theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, Nhãn hiệu của công ty Thành công không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ: Theo Điều 72 Luật SHTT quy định về điều kiện bảo hộ và điều 74 Luật SHTT quy định điều kiện về khả năng phân biệt thì GCNĐKNH cũng sẽ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: quy định về đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm doanh nghiệp. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top