Cùng với sự phát triển của nền sản xuất hàng hoá, đặc biệt là sự phát triển của nền kinh tế thị trường và thương mại quốc tế, các nhãn hiệu và tên thương mại (một tài sản kinh doanh có giá trị đặc biệt) ngày càng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của chủ thể kinh doanh. Nhãn hiệu luôn đi liền với sản phẩm và có vai trò, chức năng rất quan trọng không chỉ trong sản xuất kinh doanh mà cả trong đời sống xã hội. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu, vấn đề Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trở nên đặc biệt quan trọng và trở thành mối quan tâm hàng đầu trong quan hệ kinh tế. Do đó, em sẽ giải quyết tình huống sau:
Tháng 10 năm 2014, công ty A muốn nộp đơn đăng kí nhãn hiệu SANAN cho sản phẩn thức ăn cho động vật. Qua tra cứu, công ty này biết được Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu SANAN dùng cho các sản phẩm hạt giống, phân bón cho cây, thức ăn động vật cho công ti B tại tỉnh Phú Thọ ngày 15/4/2006. Công ti B đã tuyên bố phá sản và chấm dứt hoạt động từ tháng 11/2008.
Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: Công ti A có khả năng đăng kí nhãn hiệu SANAN không? Hãy đưa ra các phương án mà công ti A có thể vận dụng để có thể đăng kí nhãn hiệu SANAN ở tình huống trên?
Danh mục tài liệu tham khảo
- Luật Sở hữu trí tuệ 2005( sửa đổi bổ sung năm 2009)
- Nghị đinh số 103/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
- Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN Hướng dẫn thi hành nghị đinh số 103/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
- Giáo trình luật SHTT Việt Nam, Phùng Trung Tập (chủ biên), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009
- Giáo trình luật SHTT, Lê Đình Nghị và Vũ Thị Hải Yến (chủ biên), Nxb. Giáo dục, 2009
Nội dung
Cơ sở lý luận về đăng ký nhãn hiệu
Khái niệm nhãn hiệu
Hiểu một cách chung nhất, nhãn hiệu là dấu hiệu có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ do một doanh nghiệp sản xuất hoặc cung cấp với hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp khác. Theo khoản 16, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 sửa đổi bổ sung năm 2009 (sau đây gọi chung là Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009) thì: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dung để nhận biết hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.
Dựa vào dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu:
Nhãn hiệu chữ: bao gồm các chữ cái (có thể kèm theo cả chữ số), từ (có nghĩa hoặc không có nghĩa, có thể là tên gọi, từ tự đặt ..) ngữ (một cụm từ, có thể là một khẩu hiệu trong kinh doanh …) Ví dụ: nike, casio…
Nhãn hiệu hình: bao gồm hình vẽ, ảnh chụp, biểu tượng, hình khối (hình không gian 3 chiều)
Nhãn hiệu kết hợp: kết hợp cả từ ngữ và hình ảnh, có màu hoặc đen trắng

Dựa vào tính chất, chức năng của nhãn hiệu:
Nhãn hiệu hàng hoá: là dấu hiệu để phân biệt dịch vụ của những người sản xuất khác nhau
Nhãn hiệu dịch vụ : là dấu hiệu để phân biệt dịch vụ do các chủ thể kinh doanh khác nhau cung cấp.
Nhãn hiệu tập thể: là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó. Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu của một tập thể các nhà sản xuất (thường là một hiệp hội, hợp tác xã, tổng công ty…) trong đó , tổ chức tập thể xây dựng quy chế chung về việc sử dụng nhãn hiệu tập thể (như các chỉ tiêu chung về chất lượng, nguồn gốc, phương pháp sản xuất…) và các thành viên có quyền sử dụng nhãn hiệu nếu hàng hoá, dịch vụ của họ đáp ứng được các tiêu chuẩn đó.
Nhãn hiệu chứng nhận: là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ , nguyên liệu, vật liệu cách thức của sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ , chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Nhãn hiệu liên kết: là nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan đến nhau .
Nhãn hiệu nổi tiếng: là nhãn hiệu được đông đảo người tiêu dùng biết đến do chất lượng và uy tín của sản phẩm , từ đó nhãn hiệu trở thành biểu tượng cho danh tiếng của người sản xuất, kinh doanh. Ở nhiều quốc gia chia làm 2 cấp độ: Nhãn hiệu nổi tiếng – là nhãn hiệu được biết đến rộng rãi trong nước, nhãn hiệu rất nổi tiếng – là nhãn hiệu được biết đến rộng rãi trên thị trường quốc tế, mang tính toàn cầu.
Điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu
Là dấu hiệu nhìn thấy được: Theo quy định khoản 1 Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ , dấu hiệu được đăng ký là nhãn hiệu phải là nhãn hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình cảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yêu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc một số màu sắc nhất định.
Nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt hàng hoá dịch vụ của chủ sỡ hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác:
Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt hàng hoá nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ.Những trường hợp sau đây được coi là không có khả năng tự phân biệt:
Các dấu hiệu là các hình và hình học đơn giản không có khả năng phân biệt và gây ấn tượng cho thị giác
Các chữ số, chữ cái, chữ thuốc, các ngôn ngữ không thông dụng
Dấu hiệu biểu tượng quy ước đã sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến
Hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của chính hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu thuộc bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến
Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ
Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh
Dấu hiệu chỉ nguồn gốc đại lý của sản phẩm, dịch vụ
Nhãn hiệu phải không trùng hoặc tương tự gây nhầm lần với một trong các đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của người khác
Các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu
Hình quốc kỳ, quốc huy của các nước
Biểu tượng cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép
Tên thật, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận
Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc cố tính lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng , giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.
- Đăng ký nhãn hiệu và bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa cho doanh nghiệp
Công ti A có khả năng đăng kí nhãn hiệu SANAN hay không?
Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2009 quy định: “Nhãn hiện là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”
Khoản 2 Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2009 cũng quy định về điều kiện chung với nhãn hiệu được bảo hộ: “Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác”
Để được cấp Giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu thì nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt hàng hóa dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa dịch vụ của chủ thể khác, không được trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được đăng ký và sử dụng cho hàng hóa dịch vụ trùng hoặc tương tự.
Như vậy, theo nguyên tắc thì nhãn hiệu SANAN của công ty A sẽ không được bảo hộ vì nhãn hiệu này trùng với nhãn hiệu của công ty B đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, hơn nữa công ty A lại đăng kí nhãn hiệu trùng cho loại hàng hóa trùng với hàng hóa mà công ty B đăng kí (thức ăn động vật). Tuy nhiên, trong trường hợp này, công ty A hoàn toàn có thể đăng kí nhãn hiệu SANAN do:
Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 95 quy định về các trường hợp chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ: “Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp”. Như vậy, nếu giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu của công ti B chấm dứt thì nhãn hiệu của họ cũng sẽ không được bảo hộ nữa, và công ti A có thể đăng kí nhãn hiệu SANAN cho sản phẩm của họ. Trong trường hợp này công ty B đã tuyên bố phá sản và chấm dứt hoạt động từ tháng 11/2008, trước ngày hết hiệu lực của giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu. Như vậy công ti A hoàn toàn có khả năng đăng kí nhãn hiệu SANAN nếu yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu SANAN của công ti B. Tuy nhiên điểm h khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ 2009 quy định về khả năng phân biệt của nhãn hiệu: “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng kí cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng kí nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lí do nhãn hiệu không được sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 của Luật này” do đó công ti A phải đợi 05 năm kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu SANAN của công ti B thì mới có thể đăng kí nhãn hiệu SANAN cho sản phẩm thức ăn động vật của mình.
Căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 95 quy định về các trường hợp chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ: “Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lí do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực”, như vậy nếu chứng minh được nhãn hiệu SANAN không được công ti B sử dụng hoặc chủ thể khác được công ti B cho phép sử dụng trong thời hạn 05 năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ mà không có lí do chính đáng thì công ti A có thể đăng kí nhãn hiệu SANAN cho sản phẩm thức ăn động vật của mình mà không cần chờ 05 năm như điểm h khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ 2009 quy định.
Các phương án mà công ti A có thể vận dụng để có thể đăng kí nhãn hiệu SANAN
Dựa vào hai lí do trên, em xin đưa ra hai phương án để công ti A có thể vận dụng để đăng kí nhãn hiệu SANAN ở tình huống này:
Phương án thứ nhất, công ti A chứng minh cho Cục Sở hữu trí tuệ rằng công ti B đã tuyên bố phá sản và không còn hoạt động vào thời điểm công ti A nộp đơn đăng kí nhãn hiệu, yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu SANAN của công ti B dựa vào điểm c khoản 1 và khoản 4 Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ 2009. Tuy nhiên theo cách này công ti A sẽ phải nộp lệ phí do có yêu cầu chấm dứt hiệu lực (khoản 4 Điều 95) và đợi 5 năm kể từ ngày giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu SANAN của công ti B bị chấm dứt hiệu lực (điểm h khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ 2009)
Phương án thứ hai, công ti A sẽ phải chứng minh rằng nhãn hiệu SANAN của công ti B đã không được sử dụng trong năm năm liên tục trước ngày công ti A yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ chấm dứt hiệu lực mà không có lí do chính đáng theo điểm d khoản 1 Điều 95. Lúc này công ti A chỉ phải nộp lệ phí do có yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ và có thể đăng kí nhãn hiệu SANAN cho sản phẩm thức ăn động vật của mình mà không phải chờ 5 năm như phương án thứ nhất (điểm h khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ 2009).
Như vậy công ti A có thể lựa chọn phương án tối ưu nhất, tiết kiệm chi phí và thời gian trong các phương án trên để tiến hành đến Cục Sở hữu trí tuệ ở Hà Nội hoặc văn phòng đại diện ở Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh yêu cầu chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu của công ti B và đăng kí nhãn hiệu SANAN cho sản phẩm thức ăn động vật của công ti mình theo trình tự thủ tục quy định tại mục 5 thông tư số 01/2007/TT-BKHCN Hướng dẫn thi hành nghị đinh số 103/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
Bằng việc giúp các công ty phân biệt sản phẩm của họ với sản phẩm của các công ty khác, nhãn hiệu đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược nhãn hiệu và tiếp thị của các công ty, góp phần xây dựng hình ảnh và danh tiếng sản phẩm của công ty trong con mắt người tiêu dùng. Hình ảnh và danh tiếng của sản phẩm tạo niềm tin, làm cơ sở để hình thành và nâng cao danh tiếng của công ty. Ta có thể nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu, từ đó tránh xảy ra những tranh chấp không đáng có.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho doanh nghiệp. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.