Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước Công cụ thuế của Nhà nước rất hữu hiệu để điều tiết thu nhập, đáp ứng nhu cầu chi ngân sách nhà nước và quản lý vĩ mô nền kinh tế. Hệ thống thuế của Việt Nam hiện nay chủ yếu đánh trên thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp); sử dụng thu nhập (giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, xuất nhập khẩu); hoặc đánh trên tài sản (như thuế bảo vệ môi trường, sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, thuế tài nguyên, thuế môn bài), trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm phần lớn nguồn thu từ thuế và góp phần đáng kể vào tổng thu ngân sách nhà nước.
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động. Tỷ trọng thu từ thuế TNDN (không kể dầu thô) so với tổng thu NSNN trong giai đoạn 2006 – 2010 trung bình từ 15,41%, trong giai đoạn 2011 – 2015 tăng lên 16,11%. Trong 3 năm từ 2016 – 2018, tỷ trọng thu từ thuế TNDN (không kể dầu thô) so với tổng thu NSNN trung bình chiếm khoảng 14,86%.
Trên thực tế, hoạt động chuyển nhượng bất động sản của nhiều doanh nghiệp (kinh doanh bất động sản hoặc không) diễn ra sôi động trên khắp các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, số thuế thu nhập doanh nghiệp thu được từ hoạt động này rất hạn chế, chiếm khoảng 10% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp.
Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp? Giải pháp nào để tăng thu ngân sách nhà nước bằng công cụ đánh thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng bất động của các doanh nghiệp?
Để minh họa làm rõ vấn đề này em xin lựa chọn một vụ việc thực tế em sưu tầm được trên báo làm đề bài cho bài thu hoạch của em sau khi học xong môn Kỹ năng tư vấn pháp luật thuế.
Vụ doanh nghiệp bất động sản bị tố trốn thuế “khủng” tại TP HCM: Cơ quan thuế thanh tra chuyện “bán đất hai giá”
Dự án Nhà phố, chợ Bình Hưng Hòa (thuộc phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân) do Công ty TNHH Tư vấn, Thiết kế xây dựng thương mại Mai Lành (Cty Mai Lành, trụ sở tại phường 12, quận 6) làm chủ đầu tư với 105 lô nền, chợ và cửa hàng bách hóa.
Theo tố cáo được gửi đến cơ quan chức năng, Công ty Mai Lành đã có dấu hiệu trốn thuế trong quá trình làm hạ tầng và chuyển nhượng các lô đất cho khách hàng.
Cụ thể, trong bản báo cáo số liệu cụ thể về nguồn tài chính vào ngày 6/10/2017 do một kế toán của Công ty Mai Lành gửi cho cổ đông góp vốn thể hiện các số liệu chênh lệch lớn: Cụ thể, trong báo cáo thu – chi từ năm 2015 đến năm 2017, các lô đất của dự án trên được Công ty Mai Lành nhờ người khác đứng tên và kê khai trốn thuế bằng cách giảm giá trị mua bán trên hợp đồng chuyển nhượng cho những người thân trong công ty, sau đó bán ra ngoài để giảm thuế trước bạ và thuế thu nhập doanh nghiệp, tổng giá trị khai chênh lệch khoảng 70 tỷ đồng.
Nhiều nền đất chỉ khai chuyển nhượng ở mức thấp hơn rất nhiều. Chẳng hạn như lô đất D1 với diện tích 93,5m2, theo báo cáo tài chính thì giá bán là 26,4 triệu đồng/m2 và Công ty Mai Lành thu về 2,468 tỷ đồng. Nhưng khi xuất hóa đơn doanh thu bán nền đất trên chỉ ở mức 227,61 triệu đồng và giá trị hợp đồng được công chứng cũng là 227,61 triệu đồng.
Hoặc trường hợp khác, lô đất D13 với diện tích 100m2, Công ty Mai Lành nhờ người đứng tên bán cho khách hàng theo hợp đồng chuyển nhượng lập ngày 5/9/2016, được công chứng với giá trị 250 triệu đồng nhưng trên thực tế Công ty thu của khách hàng 2,4 tỷ đồng.
Theo nội dung đơn tố cáo, các hành vi này được thực hiện tinh vi và có tổ chức để hợp thức hóa hồ sơ, gian lận và báo cáo sai lệch nhiều loại số liệu hòng trốn thuế đối với Nhà nước và che giấu doanh thu với các cổ đông góp vốn thực hiện dự án.
Cơ quan thuế vào cuộc xử lý
Khi phát hiện sự việc, ông Phan Văn Hải (người có vốn đầu từ vào dự án) đã có đơn tố cáo gửi đến Cục Thuế TP HCM và Chi cục Thuế quận 6 (nơi trụ sở Công ty Mai Lành).
Ngày 7/2/2020, Cục Thuế TP HCM đã có công văn gửi Chi cục Thuế quận 6 yêu cầu giải quyết và làm rõ nội dung tố cáo và thông tin đến cơ quan thanh tra – kiểm tra thuế.
Ngày 12/2/2020, Chi cục Thuế quận 6 đã vào cuộc làm rõ các nội dung liên quan đến việc tố cáo của ông Hải.
Ông Phan Văn Hải cho biết: “Ban Giám đốc Công ty Mai Lành có báo cáo đủ số tiền cho nhà đầu tư nhưng tôi nhận thấy đây là hành vi sai trái, trốn thuế nghiêm trọng, vi phạm các quy định của Nhà nước. Những hành vi sai phạm về thuế của Công ty Mai Lành không chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của những nhà đầu tư như tôi. Do đó, tôi đề nghị cơ quan chức năng sớm xử lý vụ việc để bảo đảm thượng tôn pháp luật…”.
Thuế thu nhập doanh nghiệp mà CT TNHH Tư vấn, Thiết kế xây dựng thương mại Mai Lành phải đóng theo quy định của pháp luật
Theo quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014), doanh nghiệp có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản phải xác định riêng để kê khai và nộp thuế.
Số thuế TNDN phải nộp | = | Thu nhập tính thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản | X | Thuế suất 20% |
Trong đó:
Thu nhập tính thuế | = | Thu nhập chịu thuế | – | Các khoản lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản của các năm trước (nếu có). |
Doanh nghiệp trong kỳ tính thuế có các hoạt động chuyển nhượng bất động sản nếu bị lỗ thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất – kinh doanh (bao gồm cả thu nhập khác quy định tại Điều 7 Thông tư 78 /2014/TT-BTC).
Thu nhập chịu thuế | = | Doanh thu thu được từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản |
|
Giá vốn của bất động sản và các khoản chi phí được trừ liên quan đến hoạt động chuyển nhượng bất động sản |
Doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản được xác định theo giá thực tế chuyển nhượng bất động sản theo hợp đồng chuyển nhượng, mua bán bất động sản phù hợp với quy định pháp luật (bao gồm cả các khoản phụ thu và phí thu thêm nếu có).
Thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp
Công ty TNHH Mai Lành đã trốn thuế TNDN như thế nào?
Ghi 2 giá (giá chuyển nhượng thực và giá ghi trên hóa đơn, chứng từ, sổ sách của doanh nghiệp). Thực tế cho thấy, doanh nghiệp ghi giá xuất hóa đơn thường chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 giá thực tế chuyển nhượng và được sự chấp thuận của bên nhận chuyển nhượng, số tiền còn lại, thường sẽ hạch toán là phí dịch vụ. Như vậy doanh nghiệp đã trốn được số tiền vô cùng lớn.
Khi chuyển nhượng bất động sản đầu tiên giữa cá nhân và cá nhân, các loại thuế phát sinh liên quan bao gồm thuế thu nhập cá nhân từ người bán (2%) và thuế trước bạ (0,5%). Chính vì thuế đánh lên cả cá nhân chuyển nhượng và cá nhân nhận chuyển nhượng nên trên thực tế, các cá nhân đã tận dụng khe hở của luật để giảm thiểu số thuế phải nộp cho nhà nước. Có thể điểm nhanh các hình thức như sau:
Thứ nhất: ký thêm hợp đồng với giá chuyển nhượng thấp hơn dùng cho mục đích công chứng và kê khai thuế.
Đây là hình thức phổ biến nhất khi chỉ cần hạ giá chuyển nhượng ít nhất bằng với khung giá đất ban hành và đóng thuế trên khung giá đất này. Ví dụ, một căn hộ chuyển nhượng là 2 tỷ, với mức giá này thì số tiền thuế phải đóng cho nhà nước là: (2 tỷ đồng x 2,5%) = 50 triệu đồng. Tuy nhiên nếu khai theo khung giá đất ở mức cao nhất thì số tiền chỉ là: (700 triệu x 2,5%) = 15 triệu đồng. Con số thuế phải đóng của cả cá nhân chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đều thấp đi, chỉ khoảng 30%.
Thứ hai: núp bóng chuyển nhượng cho người có quan hệ huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng trước khi chuyển nhượng cho cá nhân nhận chuyển nhượng.
Theo quy định tại thông tư 111/2013, việc chuyển nhượng giữa người có cùng huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng và thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì không phải nộp thuế. Như vậy để giảm tối đa số thuế, người bán sẽ chuyển nhượng bắc cầu qua một cá nhân ở trong quan hệ phía trên, sau đó mới chuyển nhượng lại cho cá nhân nhận chuyển nhượng để trốn thuế.
Thứ ba: chuyển nhượng 3 bên không thông qua công chứng
Đây là hình thức cá nhân A chuyển nhượng cho cá nhân B thông qua hợp đồng đặt cọc, sau đó cá nhân B chuyển nhượng tiếp cho C với mức giá cao hơn. Tuy nhiên, khi ra công chứng thì cá nhân A và cá nhân C sẽ trực tiếp ký kết. Trong trường hợp này, thay vì cá nhân A, B cùng phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì chỉ duy nhất cá nhân A đóng thuế dựa theo hợp đồng công chứng. Đây là hình thức mua bán thường thấy nhất trong các đợt sốt đất thông qua mua bán giấy tay.
Doanh nghiệp thực hiện nhiều cách để hợp pháp hóa hồ sơ, sổ sách kế toán hạch toán để không có thu nhập hoặc có thu nhập rất ít từ hoạt động này nhằm đối phó với cơ quan thuế và trốn thuế.
Ngoài ra CT Mai Lành có thể chuyển lỗ, doanh nghiệp có lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản được quyền chuyển lỗ trong thời gian 5 năm. Do vậy, doanh nghiệp có thể xây dựng lộ trình đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản để không có thu nhập chịu thuế và trốn thuế.
Hậu quả
Gây thất thu ngân sách nhà nước. Bởi, theo quy định tại Luật Quản lý thuế thì người nộp thuế có nghĩa vụ: Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế. Đồng thời, Luật Quản lý thuế quy định các hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế gồm khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn; trốn thuế, gian lận thuế.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro:
Về phía CĐT, hành vi trốn thuế có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trước hết, về mặt hành chính, theo quy định tại Luật Quản lý thuế thì hành vi “Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán” có thể bị áp dụng chế tài “nộp đủ số tiền thuế theo quy định và bị phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn”.
Về mặt hình sự, theo quy định tại Điều 200 Bộ Luật Hình sự 2015, pháp nhân có hành vi: “Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán” trốn thuế với số tiền từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Đối với người mua nhà, theo ông Phong, bên cạnh chế tài hành chính và hình sự áp dụng đối với hành vi trốn thuế, người mua nhà có thể chịu nhiều rủi ro khác về mặt kinh tế. Ví dụ, khi xảy ra tranh chấp, hoặc hợp đồng mua bán nhà giữa CĐT và khách hàng vì một lý do nào đó bị tòa án tuyên vô hiệu, thì giá trị trên hợp đồng có thể sẽ là cơ sở để xác định giá trị tài sản khi tính toán tiền bồi thường. Tức là, người mua nhà chỉ có thể được bồi thường số tiền đã ghi trên hợp đồng, còn số tiền chênh được thỏa thuận bên ngoài hợp đồng sẽ bị mất trắng do không có căn cứ pháp lý nào chứng minh.
Giảm uy tín của chính doanh nghiệp. Uy tín, thương hiệu của mỗi DN BĐS không chỉ được tạo dựng từ những sản phẩm có chất lượng, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt, mà còn được đánh giá ở những khía cạnh khác như vấn đề đạo đức trong kinh doanh, ý thức chấp hành tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó có pháp luật về thuế… Bởi vậy, những chiêu trò lách thuế của các DN khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý sẽ làm “mất điểm” rất lớn của DN đối với người tiêu dùng, cũng như uy tín, thương hiệu của DN trên thị trường.
Một số ý kiến cá nhân
Thứ nhất, hiện nay, bảng giá đất của UBND cấp tỉnh hàng năm chưa phù hợp với thực tế, thường có sự chênh lệch lớn và thấp hơn nhiều so với giá thị trường, dẫn đến căn cứ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp không đảm bảo, dẫn đến thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, cần thiết quy định giá đất phù hợp, sát với thực tế, tăng cường hoạt động định giá đất độc lập, khách quan và có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi làm giá cao hơn hoặc thấp hơn giá chuyển nhượng.
Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung và quy định chặt chẽ hơn các quy định pháp luật đất đai, doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản, đầu tư và thuế nhằm đảm bảo kiểm soát được các giao dịch giả tạo che đậy hoạt động chuyển nhượng bất động sản để trốn thuế, tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Thuế thu nhập cá nhân phải đánh trên lợi nhuận
Vì hoạt động trốn thuế diễn ra rầm rộ thời gian qua, ngày 8-8-2019, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 3122/TCT-TTKT về tăng cường công tác quản lý thuế; kiên quyết xử lý trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế theo quy định tại Thông tư liên tịch 01/2017 của liên bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, NN-PTNT và Viện KSND tối cao.
Thế nhưng, để hạn chế trốn thuế trong hoạt động chuyển nhượng BĐS, đã đến lúc Nhà nước cần thay đổi các quy định pháp luật để việc thu thuế đúng đối tượng, đúng bản chất. Thứ nhất, thuế trong hoạt động chuyển nhượng BĐS là thuế thu nhập cá nhân của bên bán, hiện nay được tính cào bằng 2% trên giá bán (đó là lý do các bên giảm giá trong hợp đồng thấp xuống để né thuế). Trong khi bản chất của thuế thu nhập cá nhân thì phải có “thu nhập” mới phải chịu thuế. Để xác định thu nhập thì hoạt động mua bán đó phải có lợi nhuận. Lấy giá bán trừ (-) giá mua. Tuy nhiên, để công bằng, giá mua sẽ được cộng cả tiền trượt giá tính theo tỷ lệ phần trăm tăng giá như khung giá đất mà tỉnh thành ban hành hàng năm, cộng các chi phí đầu tư vào BĐS, chi phí môi giới (nếu có). Sau đó, nhân theo thuế suất thuế thu nhập cá nhân ấn định theo tỷ lệ phần trăm trên lợi nhuận. Với cách tính như thế sẽ trả thuế thu nhập cá nhân trở về đúng với bản chất thật, tức có thu nhập mới nộp thuế, nếu không có lãi thì sẽ không phải nộp thuế. Hơn nữa, như vậy các bên sẽ có ý thức ghi giá trị hợp đồng đúng với giá thực tế để sau này được khấu trừ thuế.
Nhà nước cũng nên quy định hoạt động chuyển nhượng BĐS buộc phải thanh toán qua ngân hàng (vì đây là số tiền lớn, như vậy sẽ đảm bảo việc giám sát của nhà nước cũng như an toàn cho khách hàng). Các chứng từ thanh toán qua ngân hàng sẽ được làm chứng từ nộp thuế và cũng là bằng chứng hợp pháp khi tranh chấp ở tòa. Như vậy, các bên sẽ tự giám sát lẫn nhau, sẽ phải ký đúng giá thật để hạn chế rủi ro cho bản thân. Qua đó, Nhà nước cũng chống được thất thu thuế.
Thứ ba, cần có sự liên thông, phối hợp chặt chẽ giữa 3 cơ quan quản lý đất đai, đăng ký doanh nghiệp, cơ quan thuế và các cơ quan khác có liên quan nhằm việc kiểm soát các hành vi trốn thuế từ hoạt động chia, tách doanh nghiệp, góp vốn, hợp tác kinh doanh… Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ cơ chế xin – cho, chuyển dần sang hình thức dịch vụ hành chính, tăng cường thanh, kiểm tra, ngăn ngừa hành vi tham nhũng từ cán bộ, công chức có thẩm quyền có liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng đất của doanh nghiệp, đảm bảo pháp luật đủ hiệu lực và khả thi trên thực tế.
Thứ tư, cần công khai mọi quy trình, điều kiện khi thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về đất đai; hoạt động đấu thầu, đấu giá thực sự công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo minh bạch, bình đẳng và có hiệu lực trên thực tế, tránh đấu thầu, đấu giá hình thức, tình trạng che đậy thông tin, gây khó khăn, cản trở quyền lợi của người sử dụng đất. Mọi thông tin về đất đai và các vấn đề có liên quan cần tăng cường công khai, minh bạch và thực hiện có hiệu quả hệ thống thông tin điện tử quốc gia.
Thứ năm, cần thay thế quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản bằng thuế đánh trên giá trị động sản hàng năm. Từ đó, doanh nghiệp nắm giữ bất động sản sẽ phải nộp thuế bất động sản sẽ loại trừ được những hành vi trốn thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản hiện nay.
Để nguồn lực đất đai được sử dụng và quản lý hiệu quả, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thiết nghiên cứu toàn diện pháp luật đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm đưa ra những giải pháp toàn diện nhằm hoàn thiện pháp luật đất đai, pháp luật về đầu tư, về doanh nghiệp, về kinh doanh bất động sản, về thuế… giúp cải thiện môi trường kinh doanh, lành mạnh hóa quan hệ pháp luật về đất đai đối với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, yêu cầu của hội nhập kinh tế, quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, bình đẳng, minh bạch và quản lý có hiệu quả nguồn lực đất đai của nhà nước.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Nguyên nhân dẫn đến thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp? Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.
Trân trọng ./.