Bình luận các quy định của pháp luật hiện hành về “Người đại điện theo pháp luật” của doanh nghiệp

Quy định của pháp luật hiện hành về “Người đại điện theo pháp luật”

Đại diện theo pháp luật là phạm trù được nhắc đến nhiều và đóng vai trò rất quan trọng trong một doanh nghiệp. Xuất phát từ vai trò quan trọng đó, vấn đề người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp luôn được pháp luật chú trọng điều chỉnh sao cho phù hợp và chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan cũng như đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước. Như vậy, nếu không tìm hiểu kĩ các quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và không tuân thủ chấp hành đúng những quy định này thì doanh nghiệp sẽ gặp rắc rối trong việc kinh doanh. Vậy, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là gì? Điều kiện để trở thành người đại diện theo pháp luật như nào? Ai là người đại diện theo pháp luật hợp pháp đối với từng loại hình doanh nghiệp? Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm như nào? Để giải quyết các câu hỏi trên, sau đây, em chọn Đề bài 06: Bình luận các quy định của pháp luật hiện hành về “Người đại điện theo pháp luật” của doanh nghiệp để làm rõ hơn các vấn đề cần biết xung quanh người đại diện theo pháp của doanh nghiệp được quy định tại Luật doanh nghiệp 2014.

Tìm hiểu chung về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp 2014.

Định nghĩa về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Theo Khoản 1 Điều 137, Bộ luật Dân sự 2015, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân như sau:

“1. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:

  1. a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;
  2. b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;
  3. c) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.”

Ngoài ra, theo Khoản 1 Điều 13, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì:

“Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”

Theo như quy định của Bộ luật Dân sự 2015, người đại diện theo pháp luật của một doanh nghiệp có thể do điều lệ công ty hoặc pháp luật quy định, cũng có thể là người được Tòa án chỉ định trong quá trình thực hiện tố tụng tại Tòa án. Người đại diện theo pháp luật là người mà công ty đăng ký với vị trí là người đại diện theo pháp luật – thể hiện trong giấy đăng ký kinh doanh được pháp luật hặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, để đại diện cho một doanh nghiệp thực hiện các giao dịch hay hành vi dân sự, hành chính… vì lợi ích hợp pháp của mình. Mọi hoạt động của doanh nghiệp được tiến hành thông qua những cá nhân này. Người đại diện theo pháp luật sẽ nhân danh và vì lợi ích của doanh nghiệp xác lập, thực hiện các giao dịch thể hiện mối quan hệ với các chủ thể trong doanh nghiệp hoặc với các chủ thể bên ngoài doanh nghiệp. Hành vi của các cá nhân này không phải tạo ra quyền và nghĩa vụ cho họ mà nhân danh pháp nhân tạo ra các quyền và nghĩa vụ cho pháp nhân đó. Ngoài ra, khi có tranh chấp phát sinh khiếu nại, kiện cáo liên quan đến doanh nghiệp trực tiếp hay không trực tiếp, người đại diện cho doanh nghiệp sẽ xuất hiện dưới tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án. Trong suốt quá trình hoạt động, từ khi thành lập đến khi giải thể hoặc tuyên bố phá sản hay sáp nhập, chia, tách, doanh nghiệp phải đảm bảo luôn có người đại diện theo pháp luật.

Điều kiện để trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Căn cứ theo Luật doanh nghiệp 2014, người đại diện theo pháp luật là cá nhân có đầy đủ những điều kiện sau:

– Là người đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và không bị cấm tại Khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014.

– Có thể đến từ bất cứ đâu, không phân biệt nơi lưu trú, quốc tịch.

– Được xác nhận thường trú tại Việt Nam. Nếu là người nước ngoài thì người đó phải ở Việt Nam trong suốt thời hạn của nhiệm kỳ và phải có Thẻ tạm trú theo quy định của pháp luật.

– Đối với con chưa thành niên (dưới 18 tuổi) – cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật.

– Đối với người được giám hộ – người giám hộ là người đại diện theo pháp luật.

– Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự – người được Tòa án chỉ định là người đại diện theo pháp luật.

– Đối với hộ gia đình – chủ hộ là người đại diện theo pháp luật. 

Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thường là người giữ những chức vụ quan trọng trong công ty như Chủ tịch Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc trong ngành nghề kinh doanh chính của công ty.

Các quy định pháp luật về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp 2014.

Xác định người đại diện theo pháp luật, số lượng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân.

Căn cứ Điều 185, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về quản lý doanh nghiệp tư nhân, tại Khoản 4 xác định rằng: 

“4. Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.”

Theo định nghĩa về doanh nghiệp tư nhân tại Khoản 1 Điều 183: “1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.” Doanh nghiệp tư nhân bắt buộc do cá nhân đứng tên và làm chủ, phải chịu trách nhiệm với mọi hoạt động của doanh nghiệp. Mỗi cá nhân chỉ được thành lập duy nhất 01 doanh nghiệp tư nhân. 

Như vậy, doanh nghiệp tư nhân chỉ có 01 người đại diện theo pháp luật đó là chủ doanh nghiệp tư nhân đó.

Công ty hợp danh.

Trên thế giới, căn cứ vào tính chất liên kết và chế độ trách nhiệm, công ty thương mại chia thành hai loại là công ty đối nhân và công ty đối vốn. Trong công ty đối nhân, công ty hợp danh và công ty hợp danh hữu hạn là hai loại công ty nổi bật. Một công ty hợp danh có thể có cả thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Như vậy, trên phương diện pháp lý, công ty hợp danh là mô hình doanh nghiệp có ít nhất hai cá nhân là chủ sở hữu chung của công ty cùng kinh doanh dưới một tên chung, ngoài thành viên hợp danh công ty có thể có thành viên góp vốn. 

Để xác định người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh thì căn cứ vào Điểm b, c Khoản 1 Điều 176 LDN 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh thì:

“1. Thành viên hợp danh có các quyền sau đây:…

  1. b) Nhân danh công ty tiến hành hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; đàm phán và ký kết hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao ước với những điều kiện mà thành viên hợp danh đó cho là có lợi nhất cho công ty;
  2. c) Sử dụng con dấu, tài sản của công ty để hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty;…”

Ngoài ra, theo Điều 179 LDN 2014 quy định về việc điều hành kinh doanh của công ty hợp danh thì:

“1. Các thành viên hợp danh có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty…”

Trong công ty hợp danh, Hội đồng thành viên là cơ quan có quyền quyết định cao nhất trong công ty. Thành phần Hội đồng thành viên là tất cả các thành viên trong công ty bao gồm cả thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Hội đồng thành viên bầu một thành viên hợp danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời người này kiêm luôn vị trí Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty nếu như Điều lệ công ty không có quy định khác (Khoản 1 Điều 177). Các thành viên hợp danh có quyền đại diện theo pháp luật cho công ty hợp danh và tổ chức hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Chủ tịch Hội đồng thành viên có nhiệm vụ tổ chức điều hành, quản lý công việc kinh doanh. Đồng thời, Chủ tịch Hội đồng thành viên cũng là người đại diện cho công ty tham gia các quan hệ với nhà nước ( Điểm đ Khoản 4 Điều 179 quy định về nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên).

Như vậy, về cơ bản, đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh là tất cả các thành viên hợp danh của công ty. Họ được pháp luật quy định quyền đối nhân trong công ty hợp danh để tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Công ty TNHH một thành viên.

Trong cơ cấu tổ chức công ty TNHH một thành viên bao gồm hai loại cơ cấu là công ty do cá nhân đứng đầu và công ty do tổ đứng đầu. Phải xác định được mô hình quản lý doanh nghiệp là do cá nhân hay do tổ chức đứng đầu thì mới xác định được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tương ứng với chức danh nào trong loại hình đó.

– Đối với công ty TNHH một thành viên do các nhân làm chủ sở hữu:

Căn cứ tại Điều 85, LDN 2014 về cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hàn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu quy định rằng:

“1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

  1. Chủ tịch công ty có thể kiêm nhiệm hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. 
  2. Quyền, nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được quy định tại Điều lệ công ty, hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ký với Chủ tịch công ty.”

Như vậy, đối với loại hình công ty TNHH một thành viên do cá nhân là chủ sở hữu thì Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc sẽ là người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp. 

– Đối với công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu:

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 78 LDN 2014 quy định về người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu thì:

“2. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.”

Theo quy định của pháp luật thì công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu có hai loại mô hình cơ cấu tổ chức quản lý là:

  • Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;
  • Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đóc và Kiểm soát viên.

Đối với loại hình công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý theo mô hình có Hội đồng thành viên, thì việc Chủ tịch Hội đồng thành viên trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tuân theo Khoản 2 Điều 78, sau khi người nay được bầu ra hoặc bổ nhiệm làm Chủ tịch theo nguyên tắc tại Khoản 3 Điều 79. Nhưng, nếu như Điều lệ công ty có quy định khác về người đại diện thì ngoài Chủ tịch Hội đồng thành viên ra vẫn có thể có thêm 01 hoặc nhiều người khác trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Cũng theo Khoản 2 Điều 78 đã quy định, Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với loại mô hình này của loại hình công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu. Sau khi chủ sở hữu công ty bổ nhiệm Chủ tịch công ty (Khoản 2 Điều 80) thì người được bổ nhiệm sẽ đương nhiên trở thành người đại diện theo pháp luật của công ty nếu như Điều lệ công ty không có quy định khác. 

Như vậy, trong loại hình công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu, doanh nghiệp có thể có một hoặc nhiều hơn người đại diện theo pháp luật cho mình.

Công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Trong công ty TNHH hai thành viên trở lên các chức danh có thể là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng giám đốc. 

Về việc Chủ tịch Hội đồng thành viên là đại diện theo pháp luật của loại hình doanh nghiệp này được quy định tại Điều 57, Luật doanh nghiệp 2014: 

“1. Hội đồng thành viên bầu một thành viên làm Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty…

  1. Trường hợp vắng mặt hoặc không đủ năng lực để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, thì Chủ tịch Hội đồng thành viên ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp không có thành viên được ủy quyền thì một trong số các thành viên Hội đồng thành viên triệu tập họp các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên tạm thời thực hiện quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên theo nguyên tắc đa số quá bán.”

Đối với chức danh Giám đốc, Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định tại Điều 64 Luật doanh nghiệp 2014: 

“1. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình…”

Ngoài ra, đi cùng với quy định về việc là người đại diện theo pháp luật và quyền và nghĩa vụ của Giám đốc, Tổng giám đốc trong loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên, Luật doanh nghiệp 2014 cũng xác định tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc, Tổng giám đốc tại Điều 65:

“1. Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này.

  1. Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.
  2. Đối với công ty con của công ty có phần vốn góp, cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty mẹ và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty đó.”
  3. e) Công ty cổ phần.

Trong hệ thống quy định của Luật doanh nghiệp 2014, các chức danh có thể trở thành người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần bao gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc. 

Căn cứ Điều 134 LDN 2014 về cơ cấu tổ chức quản lý của công ty cổ phần, Khoản 2 đã quy định rằng: “2. Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty; trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.”

Theo Khoản 2 Điều 13 quy định thì công ty cổ phần có thể có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật tùy thuộc vào Điều lệ của công ty. Trong trường hợp Điều lệ công ty chỉ ghi nhận 01 người là người đại diện theo pháp luật của công ty thì chỉ có một trong ba chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc sẽ là người đại diện theo pháp luật của công ty. Nếu Điều lệ công ty quy định công ty có từ 02 người đại diện trở lên thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và một trong hai chức danh Giám đốc, Tổng giám đốc sẽ đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty; những đối tượng khác được quy định là người đại diện theo pháp luật của công ty sẽ được ghi nhận trong Điều lệ. 

Đặc biệt, đối với doanh nghiệp nhà nước, việc tổ chức quản lý của doanh nghiệp nhà nước dựa theo hình thức của công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu. Vì vậy, để xác định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nhà nước cũng giống như xác định người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu.

Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Tùy từng loại hình kinh doanh khác nhau, quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cũng khác nhau, một phần cũng bởi vì đối với mỗi loại hình, tên gọi của người đại diện là khác nhau. Theo đó, không như Điều 13 quy định chung về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của những đối tượng này được ghi nhận riêng tại từng chương quy định về loại hình kinh doanh của công ty đó. 

– Quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân được quy định rải rác trong các điều luật quy định về doanh nghiệp tư nhân. Vì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân cũng chính là chủ của doanh nghiệp đó nên tất cả các vấn đề xung quanh doanh nghiệp tư nhân đều do chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Các vấn đề về quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân luôn có nghĩa vụ kèm theo đó, nên khó có thể xác định riêng rẽ quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp. Nhưng về cơ bản có thể nói, chủ doanh nghiệp có toàn quyền quyết định đối với mọi hoạt đồng kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như việc cho thuê và bán doanh nghiệp, kèm theo các hoạt động đó của chủ doanh nghiệp, người này cũng phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật (Điều 186, Điều 187). 

– Quyền và nghĩa vụ của người đại diện công ty hợp danh (các thành viên hợp danh) được quy định cụ thể tại Điều 176 LDN 2014. 

– Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH một thành viên: Chủ tịch Hội đồng thành viên (Điều 57), Chủ tịch công ty (Điều 80), Giám đốc, Tổng giám đốc (Khoản 2 Điều 81).

– Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH hai thành viên trở lên: Chủ tịch Hội đồng thành viên (Điều 57), Giám đốc, Tổng giám đốc (Điều 64).

– Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của CTCP: Chủ tịch Hội đồng quản trị (ĐIểu 152),  Giám đốc, Tổng giám đốc (Điều 157).

Ngoài những quy định cụ thể cho các đối tượng đặc biệt trong cơ cấu tổ chức của mỗi loại hình doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ cho những người khác là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định trong Điều lệ công ty.

Quy định của pháp luật hiện hành về “Người đại điện theo pháp luật”
Quy định của pháp luật hiện hành về “Người đại điện theo pháp luật”

Một số quy định khác.

– Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật được quy định rất rõ tại Điều 14 LDN 2014: 

“1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:

  1. a) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
  2. b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
  3. c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác.
  4. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này.”

– Khoản 4 Điều 13: Trường hợp hết thời hạn ủy quyền theo khoản 3 Điều này mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây:

“a) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;

  1. b) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.”

– Khoản 5 Điều 13: Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

– Khoản 6 Điều 13: Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật hình sự thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.

– Khoản 7 Điều 13: Trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

– Ngoài ra, trong nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có yêu cầu về hồ sơ của ngươi đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đó (Khoản 3 Điều 29), nên khi doanh nghiệp muốn thay đổi người đại diện theo pháp luật, tức là thay đổi nội dung của Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thì doanh nghiệp đó phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Khoản 1 Điều 31).

So sánh, đánh giá các quy định về người đại diện theo pháp luật trong luật doanh nghiệp 2005 và luật doanh nghiệp 2014.

So sánh quy định về người đại diện theo pháp luật trong Luật doanh nghiệp 2005 và Luật doanh nghiệp 2014.

Giống nhau.

Hầu hết nội dung của quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không thay đổi, chẳng hạn như việc ủy quyền cho người khác khi vắng mặt, xác định người đại diện theo pháp luật,…

Khác nhau.

Nội dung

Luật doanh nghiệp 2005

Luật doanh nghiệp 2014

Điều luật

Nằm rải rác trong các điều luật: Điều 46, Điều 67, Điều 95.

Được quy định gọn trong hai Điều 13 và Điều 14.

Số lượng

Chỉ có một người đại diện theo pháp luật.

Đối với công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn, có thể có 01 hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Số lượng, chức danh, quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật do Điều lệ công ty quy định.

Nơi cư trú

Người đại diện theo pháp luật của công ty phải thường trú tại Việt Nam. Trường hợp vắng mặt trên 30 ngày phải ủy quyền bằng văn bản cho một người khác theo Điều lệ công ty để thực hiện quyền và nghĩa vụ.

Công ty phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt nam. Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và khi xuất cảnh thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

Các quy định mới

 

– Hướng dẫn thực hiện một số trường hợp:

+ Khi hết thời hạn ủy quyền theo Khoản 3 Điều 13.

+ Người đại diện theo pháp luật vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác.

+ Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật Hình sự.

– Trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tòa án. 

– Bỏ quy định “Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty cổ phần không được đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác”, trừ trường hợp đối với Giám đốc của Doanh nghiệp Nhà nước (Khoản 8 Điều 100).

– Dự liệu các trường hợp Điều lệ công ty không quy định chức danh người đại diện theo pháp luật thì mặc nhiên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ là (1) Chủ tịch HĐTV hoặc Chủ tịch công ty đối với Công ty TNHH1TV do tổ chức làm chủ sở hữu; (2) Chủ tịch HĐQT đối với công ty cổ phần.

Đánh giá.

– Thứ nhất, so với Luật doanh nghiệp 2005, Luật doanh nghiệp 2014 đã có điều khoản riêng quy định về trách nhiệm, vai trò của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Thay vì việc quy định trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nằm rải rác ở nhiều Điều luật như Luật doanh nghiệp năm 2005 đã quy định. Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định chung trong một Điều luật. Việc quy định như vậy sẽ giúp người đọc dễ dàng tìm hiểu, nắm bắt thông tin, dễ áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp.

– Thứ hai, pháp luật đã mở rộng số lượng người đại diện theo pháp luật trong công ty TNHH và công ty cổ phần. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005, Công ty Trách nhiệm hữu hạn và Công ty Cổ phần chỉ có một người đại diện theo pháp luật của Công ty. Đến Luật doanh nghiệp 2014 điều này đã được thay đổi. Tại khoản 2 Điều 13 Luật 2014 có quy định: “Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.” 

Về ưu điểm, quy định mới này hoàn toàn phù hợp với thời kỳ hội nhập như hiện nay, góp phần bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Nó hướng tới việc tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp toàn quyền quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật của mình trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Đứng dưới khía cạnh bảo đảm quyền tự do kinh doanh, đây là một quy định mang tính đột phá trong việc cho doanh nghiệp toàn quyền quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể hội nhập nhanh hơn, tận dụng được mọi cơ hội kinh doanh thông qua các đại diện theo pháp luật. Hơn nữa, quy định này khắc phục được khó khăn trước đây trong việc thực hiện các giao dịch cũng như việc ký kết các văn bản của doanh nghiệp khi người đại diện theo pháp luật có công việc phải đi xa. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật, các văn bản liên quan đến doanh nghiệp đều phải do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký tên. Thêm nữa, quy định này đã gỡ rối cho doanh nghiệp trong trường hợp người đại diện duy nhất của doanh nghiệp bất hợp tác, không thực hiện các yêu cầu của thành viên/cổ đông trong quá trình quản lý điều hành doanh nghiệp trong nội bộ cũng như giao dịch với bên ngoài công ty. Bằng cách có nhiều hơn 01 người đại diện, sự lạm quyền, bất hợp tác như trên sẽ bị vô hiệu.

Tuy vậy, khi quy định này ra đời đã có rất nhiều đánh giá trái chiều. Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, có những ý kiến cho rằng vẫn có những hạn chế. Thứ nhất, về đảm bảo quyền lợi cho các đối tác. Có ý kiến cho rằng không quy định công ty TNHH và CTCP có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật vì sẽ khó xác định người đại diện cho công ty khi có tranh chấp, khởi kiện,… Trường hợp cần thiết thì doanh nghiệp có quyền tự chủ quyết định việc có nhiều người đại diện theo pháp luật; phạm vi quyền và nghĩa vụ của từng người đại diện phải được ghi rõ trong điều lệ công ty. Tuy nhiên, quy định này nếu không chặt chẽ, có thể gây ra những hậu quả nhất định đối với chủ thể khác trong quan hệ với doanh nghiệp. Điều này thể hiện ở chỗ, trong trường hợp công ti có hơn một người đại diện thì Điều lệ công ty sẽ quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của từng người trong nội bộ doanh nghiệp, nhưng các chủ thể bên ngoài có thể sẽ khó mà biết được liệu người đại diện mà mình đang đàm phán liệu có đủ thẩm quyền quyết định trong giao dịch mà mình hướng tới hay không.

– Thứ ba, đối với Công ty Cổ phần, Luật Doanh nghiệp 2014 đã bỏ đi quy định: “Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác” của Luật doanh nghiệp 2005. Do đó, hiện nay một người có thể là người đại diện theo pháp luật với chức danh Giám đốc, Tổng giám đốc của nhiều doanh nghiệp và nhiều loại hình doanh nghiệp và không bị hạn chế số lượng công ty. Việc bỏ đi quy định này sẽ không làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của cá nhân trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp lớn.

– Thứ tư, Luật Doanh nghiệp 2014 đã dự liệu các trường hợp Điều lệ công ty không quy định chức danh người đại diện theo pháp luật thì mặc nhiên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ là (1) Chủ tịch HĐTV hoặc Chủ tịch công ty đối với Công ty TNHH1TV do tổ chức làm chủ sở hữu; (2) Chủ tịch HĐQT đối với công ty cổ phần. Với quy định này, một doanh nghiệp sẽ thỏa mãn điều kiện luôn có người đại diện theo pháp luật và đảm bảo sự quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp đó. 

– Thứ năm, Luật Doanh nghiệp 2014 còn đưa ra nhiều quy định tiến bộ về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp về hướng dẫn thực hiện trong một số trường hợp như hết thời hạn ủy quyền, người ủy quyền vắng mặt,… nhằm đảm bảo điều kiện luôn có người đại diện theo pháp luật và người đại diện đó phải thường trú, cư trú tại Việt Nam trong thời gian nhiệm kỳ. Bởi vì, vai trò và trách nhiệm của  người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp khá lớn, họ phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ các hoạt động, các giao dịch của doanh nghiệp.

Những quy định mới này của Luật Doanh nghiệp 2014 được đánh giá cao, mang lại nhiều điểm tiến bộ và tạo điều kiện cho quá trình hoạt động của các doanh nghiệp.

Kết luật

Trong hoạt thành lập doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp, vai trò của người đại diện theo pháp luật là vô cùng quan trọng. Xác định chính xác người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là đảm bảo sự hoạt động hiệu quả, có tổ chức của doanh nghiệp và cũng là nghĩa vụ của doanh nghiệp với nhà nước. Với những thay đổi tích cực trong các quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong Luật doanh nghiệp 2014 so với Luật doanh nghiệp 2005, nhà nước không những tạo điều kiện tối ưu cho các doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh mà còn đảm bảo sự chặt chẽ, hoạt động ổn định trong nội bộ doanh nghiệp nói riêng và trong hệ thống pháp luật nói chung. 


Danh mục tài liệu tham khảo

  1. Giáo trình Luật Thương mại 2017.
  2. Giáo trình Luật Dân sự 2017.
  3. Luật Dân sự 2015.
  4. Luật Doanh nghiệp 2014.
  5. Luật Doanh nghiệp 2005.

Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Bình luận các quy định của pháp luật hiện hành về “Người đại điện theo pháp luật” của doanh nghiệp để làm rõ hơn các vấn đề cần biết xung quanh người đại diện theo pháp của doanh nghiệp được quy định tại Luật doanh nghiệp 2014. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top