Giải thích về nguyên nhân của tội phạm có rất nhiều các học thuyết khác nhau, quá trình ra đời và phát triển các học thuyết đó đánh dấu quá trình hình thành và ngày càng phát triển của tội phạm học. Mỗi học thuyết lại có cách tiếp cận riêng, giải thích tội phạm học bời các khía cạnh khác nhau từ chính việc thực nghiệm của những nhà nghiên cứu tội phạm học. Các học thuyết, các trường phái tội phạm học ở các giai đoạn khác nhau là sự hoàn thiện hơn trong việc giải thích tội phạm cũng như việc xây dựng các biện pháp phòng ngừa. Trong đó dựa trên nền tảng lý thuyết sinh học, các thuyết sinh học trong đó có “thuyết phạm tội thừa kế” đã có những đóng góp nhất định vào quá trình phát triển của tội phạm học mặc dù vẫn mang nhiều hạn chế. Dựa theo đề bài: “Trên cơ sở nghiên cứu một học thuyết giải thích về nguyên nhân của tội phạm, em hãy liên hệ khả năng ứng dụng lý thuyết đó vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam” , em xin lựa chọn thuyết phạm tội thừa kế để làm rõ những vấn đề trên.
Danh mục tài liệu tham khảo
- Giáo trình tội phạm học, Trường Đại học Luật Hà Nội, PGS.TS Lê Thị Sơn chủ biên, Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2012.
- Tội phạm học nhập môn, TS. Dương Tuyết Miên, Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2010.
- Tội phạm học Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Viện nghiên cứu nhà nước và pháp luật, Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2000.
- Tội phạm học đương đại, sách chuyên khảo, PGS.TS. Dương Tuyết Miên, Nhà xuất bản chính trị – hành chính, 2013.
- Giáo trình tội phạm học, Dương Tuyết Miên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2010.
Hoàn cảnh ra đời của Thuyết phạm tội thừa kế
Mọi người cũng xem:
Ngay từ đầu thế kỉ XVIII, một số nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết về vấn đề nguyên nhân phạm tội là do gen di truyền. Tuy nhiên, phải đến khi Richard Louis Dugdale (1841-1883) nghiên cứu và cho ra đời công trình nghiên cứu khoa học của mình thì lúc đó mới hình thành thuyết phạm tội thừa kế trong tội phạm học.
Thuyết phạm tội thừa kế là một dạng cụ thể của thuyết sinh học điển hình, tồn tại từ năm 1930 đến nay. Học giả tiêu biểu ngoài Richard Louis Dugdale còn có Henry Gorddard (1866-1957).
Nội dung của Thuyết phạm tội thừa kế
Mọi người cũng xem:
Khởi đầu cho những nghiên cứu có kết quả đầu tiên của thuyết sinh học nghiên cứu về sự thừa kế gen di truyền theo các thế hệ là của Richard Louis Dugdale, là một nhà xã hội học, nhà văn. Ông sinh ra ở Paris, Pháp, là con của một gia đình gốc Anh. Ông được chỉ định 6 năm làm thành viên kiểm tra 13 nhà tù cấp quận. Đây là quãng thời gian rất quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời, sự nghiệp của ông. Tác phẩm nổi tiếng Dòng họ Juke: sự nghiên cứu về tội phạm, tình trạng bần cùng, bệnh tật và sự di truyền (1875) đã làm nên tên tuổi ông trong giới tội phạm học.
Richard Louis Dugdale đã nghiên cứu cuộc đời của hơn 1000 thành viên của dòng họ Jukes. Khi ông đi kiểm tra các nhà tù, phát hiện có sáu người của dòng họ này đang ở trong nhà tù ở ngoại ô của New York khiến ông bắt đầu có sự quan tâm đối với gia đình này. Ông lấy Ada Juke làm gốc và bắt đầu nghiên cứu một chi của những hậu duệ của Ada Jukes. Richard Louis Dugdale đã tìm thấy trong số gần 1200 thành viên gia đình là hậu duệ của Ada Jukes có tới 280 người bần cùng, 60 người phạm tội trộm cướp tài sản, 7 người phạm tội giết người, 90 người phạm các tội khác, 40 người mắc bệnh hoa liễu, 50 người hành nghề gái điếm. Sự khám phá của ông chỉ ra rằng có một số dòng họ đã sản sinh ra những thế hệ tội phạm, họ chắc chắn đã di truyền một đặc điểm thoái hóa nào đó từ đời này sang đời khác. Đồng thời ông còn nghiên cứu và so sánh với một dòng họ có tiếng trong sạch khác – dòng họ Jonathan Edwards. Jonathan Edwards từng làm hiệu trưởng trường đại học Princeton. Hậu duệ của Edwards có người từng làm tổng thống và phó tổng thống Mỹ, nhiều người thành công trong kinh doanh. Không ai trong dòng họ Edwards được xác định là vi phạm pháp luật.
Học thuyết về nguyên nhân tội phạm
Sau đó, vào năm 1916, Arthur H. Estabrook đã xuất bản công trình nghiên cứu của mình sau công trình của Dugdale cũng khẳng định một chi khác của dòng họ Ada Jukes có 715 người thì có tới 378 người hành nghề mại dâm, 170 người ở tình trạng bần cùng, 118 người khác là tội phạm.
Thuyết phạm tội thừa kế sau đó lại được củng cố hơn nữa bởi kết quả nghiên cứu của Henry Gordard. Khi nghiên cứu về gia phả dòng họ của chiến sĩ cách mạng Martin Kallikak, trước tiên, ông nghiên cứu hậu duệ cuộc tình ngoài giá thú của Martin Kallikak với một cô gái quán bar (nhánh thứ nhất). Ông đã tìm thấy tỉ lệ tội phạm đặc biệt cao trong các hậu duệ của người con trai ngoài giá thú của Martin Kallikak. Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu hậu duệ của người con trai của Kalllikak với người vợ hợp pháp sau này – người vợ hợp pháp có nguồn gốc là một cô gái Quaker (nhánh thứ hai) thì ông thấy hậu duệ của nhánh này hầu như không có người phạm tội.
Sự ra đời và phát triển của thuyết “Thuyết phạm tội thừa kế đã dẫn đến sự hình thành và phát triển của phong trào ưu sinh những năm 1920 và đến đầu năm 1930. Sau đó phong trào này phát triển đến mức hình thành tội phạm học ưu sinh. Quan điểm của tội phạm học ưu sinh đã giải thích nguyên nhân của tội phạm là do một số người của thế hệ sau đã kế thừa (di truyền) những gen tồi tệ của thế hệ trước. Do vậy, để kiểm soát được tội phạm cần phòng ngừa bằng cách không để cho những đặc điểm của người phạm tội được di truyền sang thế hệ sau ( cần triệt sản đối với người phạm tội). Vì vậy, một số cơ quan chuyên trách nhiệm nghiên cứu gia phả những dòng họ phạm tội đã được thành lập. Đầu thê kỉ 20, ở Mỹ, ra đời văn phòng lưu trữ ưu sinh liên bang. Chính sách xã hội ưu sinh được trợ giúp không chỉ riêng cơ quan này mà vào năm 1927, Tòa tối cao của Mỹ cũng đã lên tiếng ủng hộ. Vào năm 1924, Bang Virginia (cũng như phần lớn các Bang khác của Mỹ) đã ban hành đạo luật triệt sản đối với những người phạm tội. Trong vụ án Buck v.Bell, thẩm phán tòa án tối cao, ông Oliver Wendell Holmes, Jr., đã ủng hộ Ban Virginia ủng hộ biện pháp triệt sản đối với người phạm tội. Ông đã tuyên bố: “Sẽ là tốt hơn cho toàn thế giới nếu thay vì việc chờ đợi sự thoái hóa của con cháu họ về các đặc điểm tội phạm, hoặc để họ chết đói về hành động ngu dại của mình, xã hội có thể ngăn chặn những người rõ ràng không thích hợp bằng việc triệt sản…” Sau khi Buck bị triệt sản, hơn 8000 người phạm tội khác ở Bang Virginia cũng bị triệt sản vì bị cho rằng có chứa gen tồi tệ. Phong trào ưu sinh phát triển và lan rộng khắp nước Mỹ cho đến trước chiến tranh thế giới thứ hai và sau đó lan rộng khắp nước Mỹ cho đến trước chiến tranh thế giới thứ hai và sau đó lan rộng ra châu Âu. Phong trào này sau đó đã bị phát xít Đức triệt để lợi dụng để tàn sát người Do thái.
Ngoài Thuyết phạm tội thừa kế còn có rất nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học về vấn đề di truyền nguy cơ tội phạm. Đó là câu chuyện về một phụ nữ Hà Lan đến tham vấn chuyên gia về di truyền học Hans Brunner ở ĐH Wisconsin (Mỹ) rằng liệu bà có nên sinh con trai, bởi lịch sử gia đình bà là một chuỗi những bản án (dường như) có tính kế thừa về các tội phạm hình sự. Hầu như không thành viên nào trong họ tộc không phạm tội, nếu không trộm cắp, cướp của, gây thương tích cho người khác thì cũng hiếp dâm và thậm chí giết người… Sau một thời gian nghiên cứu kỹ các dữ kiện về phả hệ, đặc biệt là về di truyền, bác sĩ Brunner đã phát hiện lịch sử gia đình người phụ nữ này vốn thừa kế một gene khiếm khuyết, dẫn đến tình trạng sản sinh một số lượng thái quá loại enzyme có tên monoamine oxidase-A. Kết quả của sự rối loạn này là gây ra một sự hủy diệt rất lớn các vật chuyển tải xung lực thần kinh (nerotransmitters) vốn có chức năng giúp chúng ta có được sự bình tĩnh, thư giãn và cảm giác hạnh phúc. Theo các chuyên gia tâm thần học ở Viện thần kinh hoàng gia London, khoảng 1/3 dân số có cấu trúc di truyền liên quan đến mức độ hoạt động thái quá của loại enzyme monoamine oxidase-A. Nếu chúng ta thiếu quan tâm, chăm sóc những đứa trẻ có cấu trúc gene dạng này ngay từ thủa thiếu thời, nguy cơ chúng trở thành tội phạm khi trưởng thành là rất cao.
Một nghiên cứu khác lại cho thấy sự ảnh hưởng cộng hợp của yếu tố di truyền và môi trường. Tại Đại học Wisconsin đã thông báo kết quả một nghiên cứu kéo dài 25 năm trên 400 nam học sinh, từ việc thu thập ADN của các đối tượng này và ghi nhận những hành vi lặp lại thường xuyên trong những giai đoạn nhất định của quá trình phát triển. Họ phát hiện thấy một tuổi thơ sớm bị ngược đãi cũng góp phần làm phát sinh hành vi tội phạm ở tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, những đứa trẻ bị đột biến về di truyền (chủ yếu là loại gene khiếm khuyết nói trên), cùng với một quá khứ đầy rẫy những hình ảnh bạo lực, sẽ có nguy cơ phạm tội cao hơn nhiều, tới 85%. Theo giáo sư Terrie Moffit, những yếu tố di truyền như tình trạng dễ xúc cảm hay quá mẫn cảm trước bệnh lý có vai trò không nhỏ trong việc cấu thành tội phạm. Một số đối tượng có xu hướng bị chi phối di truyền thấp sẽ rất khó phạm tội bạo lực, trong khi số khác với bản chất di truyền quá nhạy cảm có thể dễ dàng phạm tội hình sự.
Do di truyền có vai trò quan trọng như vậy, nên theo các nhà khoa học, nếu có thể sửa đổi gene ở những đối tượng sớm bộc lộ yếu tố bạo lực thì sẽ không còn những tên tội phạm trưởng thành. Nhưng trước hết, họ phải tìm ra đối tượng không có bản năng giết đồng loại trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sau đó giải mã gene có tác dụng ức chế bản năng giết người, từ đó sửa chữa các hệ thống gene bị khiếm khuyết theo cách tương ứng.
Ý nghĩa của Thuyết phạm tội thừa kế
Mọi người cũng xem:
Sự ra đời “Thuyết phạm tội thừa kế” đã đóng góp nhất định vào quá trình phát triển của tội phạm học. Quan điểm này đã giải thích nguyên nhân của tội phạm là do một số người của thế hệ sau đã kế thừa (di truyền những gen tồi tệ của thế hệ trước). Do vậy, để kiểm soát được tội phạm cần phòng ngừa bằng cách không để cho đặc điểm của người phạm tội được di truyền sang thế hệ sau (cần triệt sản đối với người phạm tội) .
Như vậy, theo thuyết này thì nguyên nhân chính của tội phạm chính là hệ quả di truyền của các gen xấu từ thế hệ trước truyền cho thế hệ sau. Nó đã góp phần mở rộng thêm các nguyên nhân của tội phạm vào đóng góp thêm vào ngành khoa học tội phạm. Đồng thời thuyết cũng chỉ ra một khía cạnh nguyên nhân của tội phạm là do di truyền học để lại. Điều này cũng giải thích phần nào những gì về tội phạm mà từ trước tới nay các nhà nghiên cứu tội phạm học chưa lí giải được.
Hơn nữa, việc nghiên cứu thuyết là công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu xã hội học, tội phạm học về cả một gia đình dòng họ sau đó có sự phân tích, so sánh với nhau. Việc nghiên cứu, tìm tòi như vậy đã tìm ra được sự kế thừa gen trong các dòng họ trong sạch với dòng họ xấu, có nhiều tội phạm.
Hơn nữa, việc nghiên cứu thuyết tội phạm thừa kế đã đưa công trình nghiên cứu tội phạm lên một bước phát triển mới. Đây cũng là một công trình nghiên cứu khoa học giá trị, mang tính học liệu cao. Nhất là đối với bộ môn tội phạm học của Việt Nam, một môn học còn non trẻ nhưng đã đạt được không ít thành tựu.
Tuy nhiên cách lý giải về nguyên nhân của tội phạm theo thuyết này còn có nhiều hạn chế khi nó chỉ nhấn mạnh tới đặc tính sinh học của người phạm tội – tức là vấn đề “người phạm tội thừa kế gen tồi tệ của thế hệ trước’. Thuyết này chỉ đề cập tội phạm với tư cách là hiện tượng xã hội. Thuyết phạm tội thừa kế đã phủ nhận vai trò của môi trường sốn cũng như tác động qua lại giữa cá nhân và môi trường sống khi lý giải về nguyên nhân của tội phạm. Đặc biệt, biện pháp phòng ngừa tội phạm mà trường phái “Tội phạm học ưu sinh” đưa ra do ảnh hưởng của “Thuyết phạm tội thừa kế” là rất cực đoan, vô nhân đạo, vi phạm quyền con người. Vì vậy, biện pháp phòng ngừa tội phạm của trường phái này ngày nay không còn được áp dụng trên thực tế nhưng giá trị nghiên cứu của nó sẽ tồn tại mãi.
Liên hệ với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam hiện nay
Mọi người cũng xem:
Ở Việt Nam, thuyết phạm tội thừa kế vẫn được đưa vào trong công tác giải thích nguyên nhân của tội phạm trong một số vụ án cụ thể. Tuy nhiên, sự liên hệ ứng dụng này ở Việt Nam là không nhiều, không phổ biến và rộng rãi và cũng không được các nhà nghiên cứu tội phạm học Việt Nam đồng tình ủng hộ do tính tiêu cực của nó. Vì cách lý giải nguyên nhân tội phạm của học thuyết này còn thiếu sót, phiến diện khi chỉ quan tâm nhấn mạnh đến đặc tính sinh học của người phạm tội – tức là vấn đề “người phạm tội thừa kế gen tồi tệ của thế hệ trước”. Các nhà tội phạm học của Việt Nam đã bác bỏ quan điểm của thuyết phạm tội thừa kế khi thuyết này chỉ đề cập tội phạm với tư cách là hiện tượng cá nhân chưa dề cập tội phạm với tư cách là một hiện tượng xã hội.
Con người không chỉ là thực thể tự nhiên mà còn là một thực thể xã hội. Ngoài tâm sinh lý của mỗi con người, môi trường bên ngoài (gia đình, nơi học tập, nơi làm việc, công tác, xã hội…) cũng là những nhân tố tác động đến tội phạm. Thế nhưng thuyết phạm tội thừa kế chỉ giải thích nguyên nhân của tội phạm thuần túy dựa vào tính duy truyền của con người mà quên rằng quá trình xã hội hóa do tính tích cực và khả năng cảm nhận môi trường của người đó trở thành thuộc tính cá nhân. Thuyết phạm tội thừa kế cũng đã phủ nhận vai trò của môi trường sống cũng như tác động qua lại giữa cá nhân và môi trường sống khi lý giải về nguyên nhân của tội phạm. Khi tìm hiểu bất kì vụ án cụ thể nào, ta sẽ thấy tội phạm phát sinh là do tác động của nhiều nhân tố khác nhau và không phải là tác động chỉ từ nhân tố nào đó. Các nhân tố được coi là “tác nhân” làm phát sinh tội phạm có sự tác động qua lại với nhay và trong tình huống cụ thể, nhất định mới có thể làm phát sinh tội phạm. Chính vì vậy, chúng ta không thể phiến diện kết luận nguyên nhân làm phát sinh tội phạm là do thể hệ sau đã kế thừa những gen tồi tệ của thế hệ trước.
Ví dụ trong các vụ án giết người của Việt Nam hiện nay nhiều kẻ sát nhân lại là những người có nhân thân tốt, cha mẹ đều là những người nông dân hay công nhân hiền hậu chất phác. Như Nguyễn Hải Dương là một người được mọi người hàng xóm đánh giá là một thanh niên hiền hậu, đẹp trai lại có thể ra tay sát hại 6 người trong đó có cả bạn gái cũ của mình. Hay Nguyễn Đức Nghĩa còn là một sinh viên đại học danh giá lại có thể ra tay giết người yêu mình sau đó xử lý xác hết sức dã man nhằm che giấu tội phạm của mình. Hơn hết, trong quá trình điều tra hay xét xử, ngay kể cả khi vụ án khép lại rồi chúng ta vẫn không thấy bất cứ thông tin nào về việc tiền sử gia đình của những kẻ đó có người phạm tội. Thậm chí ta chỉ bắt gặp những hình ảnh đau thương đó là cha mẹ của người phạm tội khóc lóc, suy sụp đau lòng.
Sự ra đời và phát triển của “thuyết phạm tội thừa kế” đã dẫn đến sự hình thành và phát triển của phong trào ưu sinh. Đặc biệt, biện pháp phòng ngừa tội phạm mà trường phái “tội phạm học ưu sinh” đưa ra do ảnh hưởng của “thuyết tội phạm thừa kế” là rất cực đoan, vô nhân đạo, chà đạp lên quyền con người. Pháp luật thế giới nói chung và pháp luật Việt Nam nói riêng rất quan tâm đến vấn đề phải xử lý người phạm tội một cách có nhân đạo, điều đó thể hiện ở sự thay đổi hệ thống hình phạt quy định tại Bộ luật Hình sự mới của nước ta, giảm số tội có hình phạt là tử hình, biện pháp tử hình không còn xử bắn dã man thay vào đó là sử dụng thuốc độc để tránh đau đớn cho người phạm tội. Chính vì vậy, Việt Nam cũng như các nướ trên thế giới đã không còn áp dụng trên thực tế biện pháp này để phòng ngừa tội phạm.
Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, bảo vệ các quyền cơ bản của công dân. Do vậy, khả năng áp dụng của thuyết tội phạm học thừa kế áp vào Việt Nam là rất hạn chế vi thuyết đã phủ nhận hết tất cả các vai trò của môi trường sống cũng như giáo dục của gia đình, xã hội,… không phù hợp với hoàn cảnh, mục tiêu của đất nước ta.
Về quan điểm của Thuyết có phần lạc hậu và phiến diện, cần nhìn nhận nguyên nhân của tội phạm cả về góc độ cá nhân và góc độ môi trường xung quanh. Hiện nay tội phạm nước ta nói riêng và thế giới nói chung gia tăng không chỉ do các cá nhân do bị di truyền hay thừa kế các gene hay yếu tố tội phạm mà do môi trường sống xung quan ngày càng phức tạp. Theo điều tra nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tâm lý học tội phạm thì gia đình thiếu cha hoặc mẹ, không hạnh phúc hay những biến cố cũng tác động đến trẻ nhỏ, làm gia tăng khả năng gây tội phạm. Những hành vi xung quanh đứa trẻ hay kể cả người đã trưởng thành trong môi trường xung quanh cũng có tác động đến tội phạm. Nhìn chung, xã hội phát triển và phức tạp, công nghệ thông tin mở rộng và kĩ thuật tiên tiến là những nhân tố khiến tội phạm dễ dàng xảy ra hơn.
Để tiến tới xây dựng một nhà nước vững mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh cần phải có các biện pháp đấu tranh và phòng ngừa tội phạm một cách hiệu quả, lý giải đúng bản chất nguyên nhân của việc thực hiện tội phạm bằng cách tiếp cận nhiều yếu tố mang tính khách quan, có căn cứ rõ ràng phục vụ cho công tác phòng ngừa tội phạm, dự báo tội phạm… Cần phải có những biện pháp giáo dục nhân cách con người, hướng con người đến những chuẩn mực, tạo môi trường phát triển nhân cách con người một cách tốt nhất, ngay từ khi còn là một đứa trẻ.
Tóm lại, nghiên cứu về Thuyết thừa kế tội phạm đã tìm ra một hướng đi mới cho nguyên nhân của tội phạm, tuy nhiên nó không còn phù hợp với tình hình tội phạm hiện nay. Cần có một sự nghiên cứu cụ thể, chuyên sâu hơn nữa và có một giải pháp tích cực hơn với việc di truyền tội phạm. Để phòng ngừa tội phạm cần tìm hiểu cả nguyên nhân chủ quan và khách quan từ đó đưa ra các giải pháp hợp lý, tiết kiệm ngân sách Nhà nước.
Tội phạm học là một ngành khoa học có ý nghĩa hết sức quan trọng, nghiên cứu về tội phạm hiện thực , nguyên nhân của tội phạm và kiểm soát tội phạm nhằm mục đích phòng ngừa. Việc nghiên cứu nguyên nhân từ các thuyết của các nhà nghiên cứu đã có những đóng góp không nhỏ cùng với đó cũng còn nhiều những hạn chế. Việc áp dụng liên hệ với thực tế cần tìm hiểu rõ ràng, chọn lọc để phòng ngừa được tội phạm.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Trên cơ sở nghiên cứu một học thuyết giải thích về nguyên nhân của tội phạm. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.
Trân trọng ./.