Vận dụng nội dung và ý nghĩa phương pháp luận của quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại

Trong sự vận động luân hồi và tuần hoàn của vật chất con người dần nhận ra được tính “quy luật” của sự vật, hiện tượng. Khái niệm “quy luật” ở đây được hiểu là một khái niệm mang tính triết học, là những mối liên hệ khách quan, bản chất, các yếu tố, các thuộc tính bên trong mỗi một sự vật, hay giữa các sự vật, hiện tượng với nhau.

Các quy luật của tự nhiên, xã hội cũng như tư duy của con người đều mang tính khách quan. Con người không thể tạo ra hoặc xóa bỏ được quy luật mà chỉ có thể nhận thức và vận dụng vào thực tế.

Quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và người lại là quy luật cơ bản, phổ biến về phương thức chung của các quá trình vận động, phát triển trong tự nhiên, xã hội và tư duy.

Để làm rõ hơn về vấn đề này nhóm chúng em xin chọn đề tài: “Vận dụng nội dung và ý nghĩa phương pháp luận của quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại để giải quyết một tình huống trong lĩnh vực tự nhiên hoặc xã hội, hoặc tư duy”.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin – Bộ giáo dục và đào tạo. Nxb chính trị quốc gia, năm 2009.
  • Giáo trình triết học Mác-Lênin – Bộ giáo dục và đào tạo. Nxb chính trị quốc gia, năm 2004.
  • Những nội dung cơ bản của Triết học Mác-Lênin (Bạch Đăng Minh). Nxb chính trị quốc gia, năm 1997.
  • Những vấn đề cơ bản và cấp bách của Triết học Macxit (PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa – TS Thái Thị Thu Hương đồng chủ biên). Nxb Chính trị quốc gia. Nơi xuất bản Trung tâm lý luận chính trị Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Min, năm 2014.
  • Hỏi – đáp môn những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin (PGS.TS Trần Văn Thông – PGS.TS An Như Hải – PGS.TS Đỗ Thị Thạch). Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, năm 2011.
  • Hỏi – đáp môn Triết học Mác-Lênin (PGS.TS Trần Văn Phòng chủ biên, Nguyễn Thế Kiệt). Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, năm 2005.
  • Ngân hàng câu hỏi thi kiểm tra môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin (Dùng làm tài liệu tham khảo phục vụ thi kiểm tra cho các trường đại học, cao đẳng) – (TS. Phạm Văn Sinh chủ biên). Nxb Chính trị quốc gia, năm 2013.

Cơ sở lý luận của quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại

Khái niệm chất.

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chất là phạm trù Triết học dùng để chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật hiện tượng; là sự thống nhất hữu cơ giữa các thuộc tính các yếu tố cấu thành nên sự vật, làm cho sự vật là nó mà không phải là cái khác.

Vận dụng nội dung và ý nghĩa phương pháp luận của quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại
Vận dụng nội dung và ý nghĩa phương pháp luận của quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại

Khái niệm về lượng.

Lượng của sự vật là phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật hiện tượng; biểu thị số lượng, quy mô, trình tự, nhịp điệu của sự vận động và phát triển của sự vật hiện tượng cũng như các thuộc tính của nó.

Giữa chất và lượng luôn thống nhất hữu cơ với nhau bởi bất kì chất nào cũng có một lượng nhất định và bất kỳ lượng nào cũng là lượng của một chất nhất định. Hai mặt đó không tách rời nhau mà tác động qua lại lẫn nhau một cách biện chứng.

Mặt khác, trong sự thống nhất đó cũng luôn tồn tại những mâu thuẫn, đối lập nhau vì chất của sự vật thì tương đối ổn định còn lượng thì thường xuyên biến đổi. Sự biến đổi về lượng có thể xảy ra theo hai hướng: sự tăng lên hay giảm đi về lượng dẫn đến sự biến đổi ngay hay biến đổi dần dần về chất. Tuy nhiên không phải sự thay đổi về lượng bất kỳ nào cũng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược lại. Ở một giới hạn nhất định nào đó, sự thay đổi về lượng chưa dẫn đến sự thay đổi căn bản về chất của sự vật, giới hạn đó được gọi là độ.

Khái niệm độ.

Độ là phạm trù Triết học dùng để chỉ sự thống nhất giữa chất và lượng; là giới hạn mà tại đó sự thay đổi về lượng chưa làm thay đổi căn bản về chất của sự vật hiện tượng.

Trong giới hạn của độ, sự vật hiện tượng vẫn là nó mà chưa chuyển hóa thành sự vật hiện tượng khác.

Sự vận động và biến đổi của sự vật hiện tượng thường được bắt đầu từ sự thay đổi về lượng. Khi lượng thay đổi đến một giới hạn nhất định sẽ dẫn đến sự thay đổi căn bản về chất của sự vật hiện tượng. Giới hạn đó chính là điểm nút.

Điểm nút.

Điểm nút là phạm trù Triết học dùng để chỉ thời điểm mà tại đó sự thay đổi về lượng đã đủ làm thay đổi căn bản về chất của sự vật hiện tượng.

Sự thay đổi về lượng khi đạt tới điểm nút với những điều kiện xác định tất yếu sẽ dẫn đến sự ra đời của chất mới.

Bước nhảy.

Bước nhảy là phạm trù Triết học dùng để chỉ sự thay đổi căn bản về chất của sự vật hiện tượng do sự thay đổi về lượng trước đó gây nên.

Sự thay đổi căn bản về chất diễn ra dưới nhiều hình thức, bước nhảy khác nhau và được xác định bởi mâu thuẫn, tính chất và điều kiện của sự vật hiện tượng. Đó là các bước nhảy lớn – nhỏ, cục bộ – toàn bộ, tự phát – tự giác…

Bước nhảy là sự kết thúc của một giai đoạn vận động đồng thời nó cũng là điểm khởi đầu cho một giai đoạn mới. Nó là sự gián đoạn trong quá trình vận động và phát triển liên tục của sự vật hiện tượng.

  • Tóm lại, bất kỳ sự vật hiện tượng nào cũng có sự thống nhất biện chứng giữa hai mặt chất và lượng. Sự thay đổi dần về lượng đạt tới điểm nút sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất thông qua bước nhảy. Chất mới ra đời sẽ tác động trở lại lượng dẫn đến sự thay đổi của lượng mới. Quá trình đó liên tục diễn ra tạo thành cách thức phổ biến của quá trình vận động, phát triển của sự vật hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy.

 Nội dung quy luật từ sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược lại

Bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng là một thể thống nhất giữa hai mặt chất và lượng. Hai mặt đó không tách rời nhau mà tác động lẫn nhau một cách biện chứng. Sự thay đổi về lượng tất yếu sẽ dẫn tới sự chuyển hóa về chất của sự vật, hiện tượng. Tuy nhiên, không phải sự thay đổi về lượng bất kỳ nào cũng dẫn đến sự thay đổi về chất. Ở một giới hạn nhất định, sự thay đổi về lượng chưa dẫn đến sự thay đổi về chất. Giới hạn đó được gọi là Độ.

Trong giới hạn của độ, sự vật hiện tượng vẫn còn là nó, chưa chuyển hóa thành sự vật hiện tượng khác. Sự biến đổi của sự vật, hiện tượng thường bắt đầu từ sự thay đổi về lượng. Khi lượng thay đổi đến một giới hạn nhất định sẽ tất yếu dẫn đến sự thay đổi về chất. Giới hạn đó được gọi là Điểm nút. Sự thay đổi về lượng khi đạt tới điểm nút, với những điều kiện nhất định tất yếu sẽ dẫn đến sự ra đời của chất mới. Đây chính là Bước nhảy trong qúa trình vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng.

Bước nhảy là sự kết thúc một giai đoạn vận động, phát triển; đồng thời đó cũng là điểm khởi đầu cho một giai đoạn mới, là sự gián đoạn trong qúa trình vận động, phát triển liên tục của sự vật. Trong thế giới luôn luôn diễn ra qúa trình biến đổi tuần tự về lượng dẫn đến bước nhảy về chất, tạo ra một đường nút vô tận, thể hiện cách thức vận động và phát triển của sự vật từ thấp đến cao. Ph.Ăngghen khái quát tính tất yếu này: “Những thay đổi đơn thuần về lượng, đến một mức độ nhất định sẽ chuyển hóa thành những sự khác nhau về chất”.

Sở dĩ như vậy là vì chất và lượng là hai mặt thống nhất hữu cơ nhưng cũng mang trong mình tính mâu thuẫn vốn có trong sự vật. Lượng thì thường xuyên biến đổi còn chất có xu thế ổn định. Do đó, khi lượng phát triển đến một mức độ nhất định nào đó thì mâu thuẫn với chất cũ, yêu cầu tất yếu là phải thay đổi chất cũ, mở ra một độ mới cho sự phát triển của lượng. Sự chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất, điễn ra một cách phổ biến trong tự nhiên, xã hội và tư duy.

Khi chất mới ra đời lại có sự tác động trở lại lượng của sự vật. Chất mới tác động trở lại lượng của sự vật trên nhiều phương diện: làm thay đổi kết cấu, quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vận động và phát triển của sự vật.

Tóm lại: “Mọi sự vật đều là sự thống nhất giữa lượng và chất, sự thay đổi dần dần về lượng trong khuôn khổ của độ tới điểm nút sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất của sự vật thông qua bước nhảy; chất mới ra đời tác động trở lại sự thay đổi của lượng mới. Qúa trình tác động đó diễn ra liên tục làm cho sự vật không ngừng phát triển, biến đổi.

Vận dụng nội dung và ý nghĩa phương pháp luận của quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại

Ý nghĩa của pháp luận của quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại

Việc nhận thức đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa thay đổi về lượng và thay đổi về chất ta có thể rút ra được ý nghĩa phương pháp luận quan trọng cho cả hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn.

  • Bất kỳ sự vật hiện tượng nào cũng có phương diện chất và lượng tồn tại trong tính quy định lẫn nhau, tác động và làm chuyển hóa lẫn nhau, do đó, trong nhận thức và thực tiễn cần coi trọng cả hai chỉ tiêu về phương diện chất và lượng để nhận thức một cách toàn diện về sự vật. Phương pháp này giúp ta tránh được tư tưởng chủ quan, duy ý chí, nôn nóng, “đốt cháy giai đoạn” muốn thực hiện những bước nhảy liên tục.
  • Vì những thay đổi về lượng có khả năng tất yếu dẫn đến những thay đổi về chất của sự vật và ngược lại, do đó, trong nhận thức và thực tiễn tùy theo mục đích cụ thể, cần từng bước tích lũy về lượng để có thể làm thay đổi về chất của sự vật. Đồng thời có thể phát huy tác động của chất mới theo hướng làm thay đổi về lượng của sự vật.
  • Do sự thay đổi về lượng chỉ có thể làm thay đổi về chất của sự vật với điều kiện lượng phải tích lũy tới giới hạn điểm nút; mặt khác theo tính tất yếu của quy luật thì khi lượng đã tích lũy đến điểm nút tất yếu sẽ xảy ra bước nhảy của sự vật, vì vậy trong thực tiễn cần ta cần đồng thời khắc phục tư tưởng nôn nóng tả khuynh và tư tưởng bảo thủ hữu khuynh.
  • Bước nhảy của sự vật vô cùng đa dạng, phong phú cho nên, trong nhận thức và thực tiễn cần phải có sự vận dụng linh hoạt các hình thức của bước nhảy cho phù hợp với từng điều kiện, từng lĩnh vực cụ thể.

Vận dụng quy luật lượng – chất vào quá trình học tập của sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội

Trong quá trình học tập của học sinh, sinh viên, quá trình tích lũy tri thức, luôn có sự vận động, biến đổi. Sự vận động, biến đổi đó mang tính quy luật – Quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại. Quá trình tích lũy tri thức ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc theo khả năng, mục đích, điều kiện của mỗi người. Dù nhanh hay chậm thì sự tích lũy về tri thức ấy làm cho con người dẫn đến sự thay đổi nhất định, tức là có sự biến đổi về chất. Quá trình biến đổi này diễn ra ở bản thân con người vô cùng đa dạng và phong phú.

Một sinh viên khóa k40 trường Đại học Luật Hà Nội sẽ trải qua những chất là: Chất học sinh trung học phổ thông, chất sinh viên Luật, chất cử nhân Luật,… Lượng kiến thức tích lũy và từng giai đoạn của mỗi người có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau một cách biện chứng. Sự thay đổi về lượng kiến thức sẽ làm thay đổi về chất trong cuộc đời sinh viên đó. Ở một giai đoạn mà lượng kiến thức tích lũy chưa đủ để chất của sinh viên đó có sự biến đổi thì nó được gọi là độ. Tương ứng với những chất nêu ở trên thì độ đó được hiểu là khoảng thời gian từ 2012-2015, 2015-2019, 2019 trở đi…

Quá trình tích lũy kiến thức của học sinh, sinh viên là một qúa trình lâu dài, cần có sự nỗ lực không chỉ từ gia đình, nhà trường mà còn cần từ chính mỗi người học. Quy luật về mối quan hệ giữa chất và lượng thể hiện ở chỗ mỗi học sinh, sinh viên tích lũy lượng (kiến thức) qua những bài học trên lớp trong từng môn cụ thể và từ thực tế xã hội. Việc tích lũy kiến thức sẽ được đánh giá qua các bài kiểm tra năng lực. Trong giai đoạn tích lũy kiến thức là độ, các kì kiểm tra đánh giá là điểm nút, còn bước nhảy là sự chuyển đổi từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, tức chính là sự thay đổi về chất.

Cụ thể: Trong chất sinh viên Đại học Luật Hà Nội kéo dài từ năm 2015 đến năm 2019, khi đó lượng không ngừng được tăng lên, đó chính là kiến thức. Cũng như học sinh phổ thông, sinh viên Đại học muốn có được tấm bằng Đại học phải tích lũy đủ số học phần. Tuy nhiên việc tích lũy kiến thức ở Đại học có nhiều khác biệt, đó là sinh viên không thể thụ động tiếp thu kiến thức đơn thuần mà còn phải tìm tòi, nghiên cứu từ những chỉ dẫn của giảng viên. Nó không chỉ bao gồm những kiến thức cơ bản trong giáo trình, sách vở mà kiến thức đó còn là những kĩ năng mềm bên ngoài như cách sử dụng từ ngữ, ứng xử, xử lý thông tin, phân tích và giải quyết các tình huống trong xã hội. Việc tiếp thu kiến thức còn vô cùng phong phú và đa dạng đến chuyên sâu, từ cơ bản đến nâng cao, từ ít đến nhiều. Do vậy, trình độ, kết cấu cũng như quy mô nhận thức của sinh viên cũng được thay đổi, tầm tri thức của sinh viên được nâng cao và cải thiện hơn. Tuy nhiên qúa trình đó chưa đủ để làm thay đổi về chất sinh viên Luật. Chất của sinh viên Luật đó chỉ có thể được thay đổi khi lượng kiến thức của sinh viên đó đủ để vượt qua các điểm nút tức là những kì thi, đặc biệt là những kì thi kết thúc học phần. Trong đó điểm nút quan trọng nhất là sau khi viết luận văn, luận án, đến ngày nhận bằng tốt nghiệp. Đó chính là điểm nút lớn nhất đánh dấu bước nhảy từ một sinh viên Luật trở thành một cử nhân Luật. Điều đó chứng minh rằng lượng (kiến thức) được tích lũy qua 4 năm học lâu dài của sinh viên đó đã đầy đủ để làm chất sinh viên Luật thay đổi.

Bên cạnh đó, sau khi thay đổi chất mới cũng tác động ngược lại đến lượng. Đó là khi trở thành cử nhân Luật việc tiếp thu kiến thức chuyên ngành hay kĩ năng xử lý các tình huống và khả năng giao tiếp, ứng xử cũng trở nên tốt hơn khi còn là sinh viên Luật.


Ý nghĩa của việc nhận thức quy luật lượng chất trong quá trình học tập của sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội

Việc nhận thức đúng đắn quy luật lượng – chất trong quá trình học tập của sinh viên Luật nói riêng và của học sinh, sinh viên cả nước nói chung có ý nghĩa vô cùng to lớn trong thực tiễn. Nó không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân người học mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác quản lý và đào tạo ngành giáo dục nước ta hiện nay. Thực tế trong nhiều năm qua, giáo dục nước ta đã mắc phải nhiều sai lầm trong tư duy quản lý cũng như trong hoạt động đào tạo thực tiễn. Việc chạy theo bệnh thành tích là một trong những thực tế đáng báo động của ngành giáo dục nước ta bởi vì mặc dù sự tích lũy về lượng của học sinh, sinh viên chưa đủ nhưng vẫn được tạo điều kiện để thực hiện thành công bước nhảy, tức là không học mà vẫn đỗ, không học mà vẫn có bằng. Có thể nói, một trong những mục đích quan trọng của ngành giáo dục là đào tạo ra những con người có ích cho xã hội. Tuy nhiên với thực trạng nêu trên, trong nhiều năm qua, giáo dục nước ta đã cho ra lò những lớp người không “lượng” mà cũng chẳng “chất”. Thử hỏi liệu rằng những con người ấy có thực sự đủ năng lực giúp ích cho xã hội. Vậy nên, để có kết quả học tập tốt chúng ta cần phải trải qua quy luật nêu trên đó là từ những sự thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất. Cụ thể là: khi bạn chăm chỉ học tập, tích lũy dần kiến thức từng chút một có nghĩa là bạn đang thay đổi dần về lượng kiến thức của bạn. Khi bạn học tập nhiều hơn có nghĩa là lượng thời gian bạn dành cho học tập nhiều hơn dần dần lượng kiến thức của bạn ngày càng được tích lũy nhiều lên. Cho đến lúc lượng kiến thức của bạn đạt tới điểm nút nó sẽ thực hiện bước nhảy và dẫn đến sự biến đổi về chất.

Xuất phát từ việc nhận thức một cách đúng đắn quy luật đó cho phép chúng ta thực hiện những cải cách quan trọng trong giáo dục. Tiêu biểu là việc chống lại căn bệnh thành tích trong giáo dục vẫn tồn tại trong bấy lây nay. Bên cạnh đó việc thay đổi phương pháp giáo dục ở bậc phổ thông và đào tạo đại học, việc chuyển từ đào tạo niên chế sang đòa tạo tín chỉ và cho phép người học được học vượt tiến đọ chính là việc áp dụng đúng quy luật lượng chất trong tư duy con người. Để từ đó đưa nên giáo dục nước ta phát triển và đào tạo ra những nhân tài có ích cho xã hội.

Như vậy, lượng và chất là hai mặt thống nhất biện chứng của sự vật, hiện tượng. Mối quan hệ biện chứng giữa chất và lượng mang tính phổ biến, lặp đi lặp lại trong qúa trình vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng. Việc nhận thức đúng đắn khái niệm, mối quan hệ biện chứng và ý nghĩa phương pháp luận của quy luật lượng – chất giúp chúng ta biết vận dụng để giải quyết các tình huống về tự nhiên, xã hội, hoặc tư duy. Từ đó ta cũng lý giải được sự vận động và phát triển của mọi sự vật để có những phương pháp và cách thức giải quyết một cách đúng đắn những vấn đề đó trong thực tiễn đời sống. Quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất là một quy luật cơ bản, quan trọng và có ý nghĩa phương pháp luận.


Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Vận dụng nội dung và ý nghĩa phương pháp luận của quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại để giải quyết một tình huống trong lĩnh vực tự nhiên hoặc xã hội, hoặc tư duy. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top