Biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án

Sau khi có bản án, quyết định của tòa án giải quyết một vụ việc thì việc đưa bản án, quyết định đó thực thi trên thực tế là rất quan trọng. Pháp luật cho phép người phải thi hành án có một khoảng thời gian để tự nguyện thi hành phần nghĩa vụ theo bản án, quyết định.

Tuy nhiên, khi hết thời hạn đó mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành trong khi có đủ khả năng thì để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, các biện pháp cưỡng chế thi hành án được áp dụng.

Một trong những biện pháp được ưu tiên sử dụng đầu tiên là biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án vì tính hiệu quả của nó. Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án”


Một số vấn đề chung về biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án

Khái quát về biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án

Theo Điều 71 Luật Thi hành án dân sự, Chấp hành viên có quyền áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế sau để buộc người phải thi hành án thi hành nghĩa vụ  trả tiền theo bản án, quyết định của tòa án: Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án; Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ…

Như vậy, biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án là một trong các biện pháp cưỡng chế thi hành nghĩa vụ trả tiền.

Trên thực tế, trong trường hợp người phải thi hành án đang giữ tiền, giấy tờ có giá hoặc có tiền, giấy tờ có giá gửi tại ngân hàng, khó bạc, các tổ chức tín dụng thì việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này sẽ rất có hiệu quả. Do vậy, nếu người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ trả tiền mà họ đang giữ tiền, giấy tờ có giá thì biện pháp cưỡng chế được áp dụng đầu tiên.

Điều kiện áp dụng biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án

Để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án cần có đủ những điều kiện sau:

Thứ nhất, theo bản án, quyết định của tòa án thì người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ trả tiền.

Thứ hai, có căn cứ để xác định người phải thi hành án có tài khoản, có tiền hoặc giấy tờ có giá để thi hành án.

Thứ ba, hết thời hạn tự nguyện thi hành án đã được chấp hành viên ấn định mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án hoặc chưa hết thời hạn những cần ngăn chặn người phải thi hành án có nghĩa vụ tẩu tán, hủy hoại hoặc trốn tránh việc thi hành án.

Quy định của pháp luật về biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án

Khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án

Trường hợp áp dụng: việc cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản để thi hành án được áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác hoặc kho bạc nhà nước. Trước khi ra quyết định cưỡng chế, chấp hành viên cần xác định số tiền của người phải thi hành án trong tài khoản ngân hàng, tổ chức tín dụng trên cơ sở thông tin, tài liệu do người được thi hành án cung cấp.

Nguyên tắc áp dụng: theo quy định tại Điều 76 Luật thi hành án dân sự, số tiền khấu trừ không được vượt quá nghĩa vụ thi hành án và chi phí cưỡng chế.

Bên cạnh đó, Điều 21 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định trường hợp người phải thi hành án có nhiều tài khoản thì chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản đối với một hoặc nhiều tài khoản để đảm bảo thu đủ tiền phải thi hành án và chi phí cưỡng chế thi hành án.

Thủ tục áp dụng: Nếu xác định người phải thi hành án có tiền gửi hoặc có tiền trong tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc thì chấp hành viên lập biên bản về tình trạng tiền trong tài khoản của người phải thi hành án tại ngân hàng, kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng khác và ra quyết định khấu trừ tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án để thi hành án.

Ngay sau khi nhận được quyết định về khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án, cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải khấu trừ tiền để chuyển vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc chuyển cho người được thi hành án theo quyết định khấu trừ.

Biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án
Biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án

Thu hồi, xử lí tiền và giấy tờ có giá của người phải thi hành án

Trường hợp người phải thi hành án đang giữ tiền, giấy tở có giá

Trường hợp áp dụng: khi phát hiện người phải thi hành án đnag giữ tiền mà có căn cứ xác định rằng khoản tiền đó là của người phải thi hành án.

Thủ tục áp dụng: Điều 80 Luật thi hành án dân sự quy định trường hợp phát hiện người phải thi hành án đang giữ tiền mà có căn cứ xác định khoản tiền đó là của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu tiền để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu tiền và cấp biên lai cho người phải thi hành án. Nếu người phải thi hành án không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng.

Nếu người phải thi hành án đang giữ giấy tờ có giá thì chấp hành viên ra quyết định thu giữ giấy tờ đó. Người phải thi hành án phải chuyển giao giấy tờ đó cho cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp người phải thi hành án không chiuuj giao giấy tờ thì chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chuyển giao giá trị của giấy tờ đó để thi hành án.

Trường hợp người phải thi hành án có tiền hoặc giấy tờ có giá nhưng do người thứ ba giữ.

Trường hợp áp dụng: phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án.

Thủ tục áp dụng: Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về thủ tục thu tiền, tài sản của người phải thi hành án do người thứ ba đang giữ tại Điều 23 như sau:

Khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên lập biên bản làm việc hoặc có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản giao nộp cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án.

Tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc giao nộp số tiền, tài sản đó thì bị áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để thi hành án. Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án chịu.

Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên mà giao tiền, tài sản đó cho người phải thi hành án hoặc người khác dẫn đến việc không thể thi hành được cho người được thi hành án thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân đang phải trả tiền, tài sản cho người phải thi hành án mà khoản tiền, tài sản đó đã được xác định bằng bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên yêu cầu tổ chức, cá nhân đó giao nộp số tiền, tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án.

Nếu tổ chức, cá nhân đó không thực hiện thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án cần thiết đối với tổ chức, cá nhân đó để thu tiền, tài sản thi hành án. Chi phí cưỡng chế thi hành án trong trường hợp này do tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế thi hành án chịu.

Thực tiễn thực hiện quy định về khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án

Những vướng mắc trong quá trình áp dụng

Một là, đối với biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản, thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án

Theo quy định tại Điều 11 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp, thực hiện các yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên. Tuy nhiên, việc thu thập thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn do hiện nay nước ta chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về tài khoản, tiền gửi khách hàng trong các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, khi đã xác minh được tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án thì khó khăn vẫn chưa hết. Các tổ chức tín dụng sẽ viện dẫn Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 để từ chối cung cấp thông tin về tài khoản của người phải thi hành án. Nếu cơ quan THADS, chấp hành viên kiên quyết xác minh thì các đơn vị này cung cấp một cách hạn chế.

Sau khi đã thu thập thông tin về tài khoản của người phải thi hành án thì các ngân hàng lại viện lý do số tiền lớn, phải xin ý kiến của hội sở hoặc viện lý do bảo vệ khách hàng nên trì hoãn việc thực hiện quyết định cưỡng chế của cơ quan THADS, khiến vụ việc kéo dài, dẫn đến người được thi hành án bức xúc, khiếu nại cơ quan thi hành nhiều lần.

Trường hợp số tiền phải thi hành án lớn nhưng lại bị trì hoãn nằm trong ngân hàng trong khi nhu cầu tái đầu tư của người được thi hành án cấp thiết sẽ là thiệt hại không nhỏ cho người được thi hành án. Trái lại, đối với ngân hàng khoản tiền đó lại là khoản lợi nhuận đáng kể.

Biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án

Thứ hai, về mức khấu trừ tài khoản, pháp luật chỉ quy định mức khấu trừ tối đa không vượt quá nghĩa vụ thi hành án và chi phí cưỡng chế, nhưng lại không quy định việc phải để lại một khoản tiền nhằm duy trò mức sống tối thiểu của người phải thi hành án và những người họ có nghĩa vụ nuôi dưỡng.

Quy định như vậy bởi việc khấu trừ chỉ diễn ra một lần nhưng thu nhập của họ có thể đến từ những hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra hằng ngày, hằng tháng. Tuy nhiên nếu người phải thi hành án không có khoản thu nhập nào khác thì việc quy định để lại cho họ một khoản tiền duy trì mức sống tối thiểu là cần thiết.

Thứ ba, về xác minh giấy tờ có giá. Trong việc xác minh tiền, giấy tờ có giá đang do người phải thi hành án hoặc người thứ ba giữ, Chấp hành viên gặp nhiều khó khăn khi xác minh bởi phải xác định được giấy tờ có giá là loại gì, giá trị bao nhiêu, nguồn gốc của tài sản….trong khi rất khó để biết được các thông tin về loại giấy tờ có giá, cơ quan quản lý giấy tờ có giá, công ty ban hành cổ phiếu, trái phiếu…đặc biệt là hiện nay có hàng trăm công ty phát hành và niêm yết chứng khoán trên thị trường .

Bên cạnh đó còn các khó khăn khác như việc phối hợp cung cấp thông tin của các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan quản lý tài sản là giấy tờ có giá…đối với chấp hành viên vẫn còn hạn chế, chưa kịp thời và hiệu quả.

Thứ tư, về vấn đề bán giấy tờ có giá. Theo điều 83 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định về bán giấy tờ có giá: “Việc bán giấy tờ có giá được thực hiện theo quy định của pháp luật.”

Nhưng thực tế thì hiện nay chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể việc bán giấy tờ có giá để đảm bảo thi hành án, tại Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự  cũng không có quy định về vấn đề này.

Do vậy cần quy định cụ thể việc bán giấy tờ có giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản hay văn bản pháp luật chuyên ngành nào để thực hiện cho đúng.

Kiến nghị giải pháp hoàn thiện

Thứ nhất, đối với biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản. Để áp dụng biện pháp này có hiệu quả thì cần có những biện pháp cụ thể để xử lý cơ quan, tổ chức không phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc xác minh cũng như thực hiện việc khấu trừ trong tài khoản. Bên cạnh đó, cần quy định về trường hợp khấu trừ tiền trong tài khoản phải để lại cho người phải thi hành án một khoản tiền duy trì mức sống tối thiểu.

Thứ hai, hoàn thiện quy định pháp luật về việc xác minh giấy tờ có giá và bán giấy tờ có giá. Trong đó cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc phối hợp với cơ quan thi hành án để xác minh cũng như thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

Thứ ba, xây dựng, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; ban hành các thông tư liên tịch phối hợp các ngành liên quan; các quy chế phối hợp liên ngành… Đặc thù của hoạt động THADS liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là việc cưỡng chế đòi hỏi tham gia của nhiều lực lượng phối hợp.

Nếu có hành lang pháp lý quy định rõ ràng trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan sẽ dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tất cả đổ dồn lên đầu cơ quan THADS và chấp hành viên. Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật khác liên quan cũng cần hoàn thiện thống nhất, tránh chồng chéo để cơ quan THADS thuận lợi khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế như: Luật Nhà ở, Luật Công chứng, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Đất đai…


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài tư vấn luật của chúng tôi qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top