Thực trạng pháp luật về trách nhiệm bảo hành của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng ở Việt Nam

Tổ chức, cá nhân kinh doanh đang trở nên ngày càng phổ biến, là một bộ phận không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế. Họ là những người cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chất lượng đến tay người tiêu dùng. Pháp luật Việt Nam về bảo vệ người tiêu dùng quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm chất lượng hàng hóa, trong tiêu thụ sản phẩm. Nếu hàng hóa có khuyết tật thì tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bảo hành hàng hóa đó. Sau đây là tìm hiểu của chúng tôi về đề số 5: “Thực trạng pháp luật về trách nhiệm bảo hành của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng ở Việt Nam”


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Bộ luật dân sự 2015
  • Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010
  • Nguyễn Thị Vân Anh (chủ biên), Giáo trình Luật bảo vệ người tiêu dùng, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2014
  • Hà Thanh, bài viết: Quy mô thị trường thương mại điện tử đạt hơn 8 tỷ USD

Khái quát chung về trách nhiệm bảo hành của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng Việt Nam

Khái niệm người tiêu dùng

Người tiêu dùng được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau. Dưới góc độ kinh tế học, người tiêu dùng là khái niệm dùng để chỉ những chủ thể tiêu thụ của cải được tạo ra bởi nền kinh tế. Trải qua các thời kỳ, hầu hết các quốc gia trên thế giới nhận thấy rằng người tiêu dùng tuy là đối tượng hướng tới của hoạt động sản xuất kinh doanh, là lực lượng chiếm số đông, giữ vị trí trung tâm của nền kinh tế. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại là đối tượng yếu thế hơn so với thương nhân do trình độ chuyên môn của họ không đủ để nhận biết chất lượng sản phẩm, chỉ dựa trên thông tin một chiều mà doanh nghiệp cung cấp, và do vậy phần lớn người tiêu dùng có khả năng đàm phán đối với từng lĩnh vực, từng loại sản phẩm cụ thể là không cao. Do vậy, pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đặt ra các quy định nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ, bảo đảm một cách tối đa, có những đặc quyền, đặc lợi mà chỉ họ mới có. Do đó, khái niệm về người tiêu dùng được Việt Nam ghi nhận dưới góc độ pháp lý tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Việc xác định đối tượng được bảo vệ theo luật bảo vệ người tiêu dùng không chỉ là vấn đề lý luận mà còn có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn áp dụng pháp luật bởi người tiêu dùng được hưởng sử ưu tiên hơn so với những chủ thể luật dân sự khác trong giao dịch cũng như trong giải quyết tranh chấp.

Định nghĩa trách nhiệm bảo hành của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng Việt Nam

Người tiêu dùng khi mua, sử dụng một hàng hóa, dịch vụ đều mong muốn hàng hóa, dịch vụ đó đảm bảo chất lượng theo như yêu cầu của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào hàng hóa, dịch vụ cũng đáp ứng đủ các điều kiện, yêu cầu, tiêu chuẩn như các bên đã giao kết với nhau, một số hàng hóa, dịch vụ khi đã được chuyển qua cho người tiêu dùng sẽ phát sinh những sự cố, khiếm khuyết ảnh hưởng đến công dụng, tính năng của loại hàng hóa, dịch vụ đó, cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sử dụng của người tiêu dùng. Trách nhiệm bảo hành ra đời bảo đảm trong trường hợp có khiếm khuyết, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải có trách nhiệm sửa chữa, khắc phục những khiếm khuyết nhằm đảm bảo chất lượng của hàng hóa đúng như thỏa thuận của các bên. Do vậy, trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc sửa chữa, thay thế hoặc hoàn trả hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đối với người tiêu dùng trong trường hợp hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đó được các bên thỏa thuận bảo hành hoặc bắt buộc bảo hành theo quy định của pháp luật.

Thực trạng pháp luật về trách nhiệm bảo hành của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng ở Việt Nam
Thực trạng pháp luật về trách nhiệm bảo hành của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng ở Việt Nam

Thực trạng pháp luật về trách nhiệm bảo hành của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng ở Việt Nam

Cơ sở phát sinh trách nhiệm bảo hành

Cơ sở phát sinh trách nhiệm bảo hành là do thỏa thuận của các bên hoặc do pháp luật có quy định bắt buộc bảo hành trong những trường hợp nhất định, và không phải trong mọi trường hợp, cá nhân, tổ chức kinh doanh phải thực hiện việc bảo hành đối với loại hàng hóa mà mình kinh doanh. Trách nhiệm bảo hành đối với hàng hóa, linh kiện, phụ kiện của cá nhân, tổ chức kinh doanh chỉ phát sinh khi giữa cá nhân, tổ chức kinh doanh và người tiêu dùng có thỏa thuận. Hai bên có thể thỏa thuận điều kiện, phương thức, cách thức bảo hành cho hàng hóa, linh kiện, phụ kiện phù hợp với khả năng, điều kiện kinh doanh của bên là cá nhân, tổ chức kinh doanh. Nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh đã xác định và thỏa thuận về chế độ bảo hành với người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phải có nghĩa vụ thực hiện chế độ bảo hành đó. Cũng có nghĩa là nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh không có thỏa thuận, cam kết bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện thì không phải bảo hành. Ngoại trừ có một số trường hợp mặc dù tổ chức, cá nhân kinh doanh không có thỏa thuận về chế độ bảo hành nhưng pháp luật quy định hàng hóa, linh kiện đó phải được bảo hành thì bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh phải có trách nhiệm bảo hành với hàng hóa, linh kiện đó. Nhìn chung, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không quy định trách nhiệm bảo hành là trách nhiệm bắt buộc của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mọi trường hợp, việc bảo hành có thể do các bên tự thỏa thuận với nhau. Trên thực tế, bảo hành là một trong những hình thức thu hút người tiêu dùng mà tổ chức, cá nhân kinh doanh áp dụng. Tùy vào chiến lược kinh doanh của mình, các tổ chức, cá nhân đưa ra thời hạn bảo hành, phương thức bảo hành cũng như nội dung bảo hành không chỉ nhằm bảo vệ thương hiệu, uy tín của mình mà còn để cạnh tranh với các đổi thủ khác trên thị trường. Người tiêu dùng cũng xem chế độ bảo hành là một trong những căn cứ để quyết định mua hàng, do vậy họ có quyền tự do trong lựa chọn sản phẩm cũng như phương thức bảo hành thuận tiện, phù hợp với mình. Do đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không quy định về trách nhiệm bảo hành là trách nhiệm bắt buộc mà mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện. Tuy nhiên, để đảm bảo việc bảo hành (trong trường hợp do các bên thỏa thuận việc bảo hành) được thực hiện một cách đầy đủ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì pháp luật cần phải có những can thiệp để điều chỉnh hoạt động bảo hành của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Ngoài ra, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn quy định bảo hành hàng hóa, linh kiện có thể là trách nhiệm bắt buộc của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Phạm vi trách nhiệm bảo hành của tổ chức, cá nhân kinh doanh

Trách nhiệm bảo hành thông thường chỉ áp dụng đối với hàng hóa, linh kiện, phụ kiện (hàng hóa hữu hình). Nguyên nhân để tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ bảo hành này là do hàng hóa có những khuyết tật, khiếm khuyết ảnh hưởng đến công dụng, mục đích sử dụng của hàng hóa. Do vậy, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm sửa chữa, phục hồi hàng hóa đó. Do vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 chỉ giới hạn trách nhiệm bảo hành cho người tiêu dùng đối với hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mà không quy định về bảo hành đối với dịch vụ.

Hiện nay, pháp luật có một số văn bản quy định về các loại hàng hóa bắt buộc bảo hành. Chẳng hạn, Thông tư 43/2011/TT-BGTVT ngày 09/06/2011 của Bộ Giao thông vận tải quy định về bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của thương nhân nhập khẩu xe ô tô. Theo đó, đối với xe ô tô nhập khẩu không thuộc quy định tại khoản 2 Điều 1 thông tư này là những loại ô tô mà pháp luật bắt buộc phải bảo hành. Thông tư cũng quy định thương nhân nhập khẩu phải công bố tài liệu về chế độ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô cho người mua, trong đó ghi rõ chế độ bảo hành, bảo dưỡng xe, địa chỉ các cơ sở bảo hành và đản bảo cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho từng loại xe ô tô bán ra thị trường (Điều 3 Thông tư 43/2011/TT-BGTVT). Ngoài ra, tại Quyết định số 1288/QĐ-TCHQ ngày 26/04/2019 của Tổng cục hải quan về việc ban hành quy định về quản lý kỹ thuật và quản lý, sử dụng phương tiện thủy ngành hải quan cũng quy định về chế độ bảo hành, bảo trì tàu thuyền tại khoản 2 Điều 9 như sau:

  • Đơn vị trực tiếp quản lý tàu thuyền thông báo tới đơn vị mua sắm tàu thuyền để đơn vị mua sắm yêu cầu nhà cung cấp thực hiện nghĩa vụ bảo hành, bảo trì theo đúng hợp đồng đã ký kết hoặc chủ động yêu cầu nhà cung cấp thực hiện (áp dụng khi hợp đồng mua sắm tàu thuyền còn trong thời hạn phải bảo hành);
  • Đơn vị trực tiếp quản lý tàu thuyền yêu cầu nhà cung cấp thực hiện nghĩa vụ bảo hành, bảo trì theo đúng hợp đồng đã ký kết hoặc chủ động yêu cầu nhà cung cấp thực hiện (áp dụng khi đơn vị trực tiếp quản lý mua sắm tàu thuyền);
  • Trường hợp nhà cung cấp chậm bảo hành, bảo trì hoặc không có lí do chính đáng hoặc do nguyên nhân bất khả kháng theo quy định trong hợp đồng, đơn vị mua sắm tàu thuyền/ đơn vị trực tiếp quản lý tàu thuyền (áp dụng khi đơn vị trực tiếp quản lý mua sắm tàu thuyền, phải sử dụng các quyền ghi trong hợp đồng để yêu cầu nhà cung cấp thực hiện hoặc phạt vi phạm hợp đồng.

Tại Điều 85 Luật Nhà ở 2014, bảo hành được quy định là trách nhiệm bắt buộc của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng như sau:

Tổ chức, cá nhân thi công xây dựng nhà ở phải bảo hành nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng; tổ chức, cá nhân cung ứng thiết bị nhà ở phải bảo hành thiết bị theo thời hạn do nhà sản xuất quy định.

Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có trách nhiệm bảo hành nhà ở theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thi công xây dựng, cung ứng thiết bị thực hiện trách nhiệm bảo hành theo quy định của pháp luật.

Nhà ở được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng với thời hạn như sau:

a) Đối với nhà chung cư thì tối thiểu là 60 tháng;

b) Đối với nhà ở riêng lẻ thì tối thiểu là 24 tháng.

Nội dung bảo hành nhà ở bao gồm sửa chữa, khắc phục các hư hỏng khung, cột, dầm, sàn, tường, trần, mái, sân thượng, cầu thang bộ, các phần ốp, lát, trát, hệ thống cung cấp chất đốt, hệ thống cấp điện sinh hoạt, cấp điện chiếu sáng, bể nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt, bể phốt và hệ thống thoát nước thải, chất thải sinh hoạt, khắc phục các trường hợp nghiêng, lún, nứt, sụt nhà ở và các nội dung khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở. Đối với các thiết bị khác gắn với nhà ở thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở thực hiện bảo hành sửa chữa, thay thế theo thời hạn quy định của nhà sản xuất.

Quy định về trách nhiệm bảo hành của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng ở Việt Nam

Để bảo vệ quyền của người tiêu dùng và ràng buộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 đã quy định tại Điều 21:

“Hàng hóa, linh kiện, phụ kiện được bảo hành theo thỏa thuận của các bên hoặc bắt buộc bảo hành theo quy định của pháp luật. Trường hợp hàng hóa, linh kiện, phụ kiện được bảo hành, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm:

Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện do mình cung cấp;

Cung cấp cho người tiêu dùng giấy tiếp nhận bảo hành, trong đó ghi rõ thời gian thực hiện bảo hành. Thời gian thực hiện bảo hành không tính vào thời hạn bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thay thế linh kiện, phụ kiện hoặc đổi hàng hóa mới thì thời hạn bảo hành linh kiện, phụ kiện hoặc hàng hóa đó được tính từ thời điểm thay thế linh kiện, phụ kiện hoặc đổi hàng hóa mới;

Cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa, linh kiện, phụ kiện tương tự để sử dụng tạm thời hoặc có hình thức giải quyết khác được người tiêu dùng chấp nhận trong thời gian thực hiện bảo hành;

Đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp hết thời gian thực hiện bảo hành mà không sửa chữa được hoặc không khắc phục được lỗi.

Đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp đã thực hiện bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện từ ba lần trở lên trong thời hạn bảo hành mà vẫn không khắc phục được lỗi;

Chịu chi phí sửa chữa, vận chuyển hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đến nơi bảo hành và từ nơi bảo hành đến nơi cư trú của người tiêu dùng;

Chịu trách nhiệm về việc bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện cho người tiêu dùng cả trong trường hợp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc bảo hành.”

Ngoài ra, Bộ luật dân sự Việt Nam 2015 cũng coi trách nhiệm bảo hành là một nội dung quan trọng, cần thiết để bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, cụ thể Bộ luật đã quy định về trách nhiệm bảo hành từ Điều 446 đến Điều 449. Theo đó, bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với vật mua bán trong một thời hạn, gọi là thời hạn bảo hành, nếu việc bảo hành do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Thời hạn bảo hành được tính kể từ thời điểm bên mua có nghĩa vụ phải nhận vật; Trong thời hạn bảo hành, nếu bên mua phát hiện được khuyết tật của vật mua bán thì có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa không phải trả tiền, giảm giá, đổivật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật lấy lại tiền.

Về thời gian bảo hành

Về thời gian, trách nhiệm bảo hành không tồn tại vĩnh viễn mà chỉ trong một thời hạn nhất định gọi là thởi hạn bảo hành. Thời hạn bảo hành là do các bên thỏa thuận, trong thời hạn đó, người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bảo hành hàng hóa, linh kiện nếu có khuyết tật phát sinh đối với hàng hóa đó. Hết thời hạn bảo hành, trách nhiệm bảo hành của tổ chức, cá nhân kinh doanh chấm dứt, trừ trường hợp các bên thỏa thuận kéo dài thời hạn bảo hành.

Trên thực tế, khi chào bán hàng hóa, tổ chức, các nhân kinh doanh luôn đưa ra những cam kết, hứa hẹn hấp dẫn về chế độ bảo hành. Tuy nhiên, khi đã xác lập giao dịch và phát sinh nghĩa vụ bảo hành thì không phải lúc nào tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng thực hiện một cách nghiêm túc. Trong nhiều trường hợp, tổ chức, cá nhân kinh doanh tìm mọi cách để từ chối bảo hành, thậm chí đổ lỗi cho người tiêu dùng để trốn tránh nghĩa vụ bảo hành. Một hình thức nữa cố tình trì hoãn việc bảo hành hoặc thực hiện việc bảo hành nhiều lần làm cho người tiêu dùng chán nản và từ bỏ việc bảo hành. Nhiều trường hợp, người tiêu dùng mua hàng hóa nhưng chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn còn hầu hết thời gian còn lại để bảo hành. Tổ chức, cá nhân kinh doanh còn cố tình kéo dài thời gian thực hiện việc sửa chữa, khắc phục khuyết tật để hết thời hạn bảo hành và trốn tránh trách nhiệm. Khắc phục tình trạng trên, Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 quy định trong trường hợp đã thực hiện bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện từ 03 lần trở lên trong thời hạn bảo hành mà vẫn không khắc phục được lỗi thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phải đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa và trả lại tiền cho người tiêu dùng (theo khoản 5 Điều 21 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010).

Về việc xuất hiện các trang thương mại điện tử

Ngày nay thương mại điện tử đang ngày càng phát triển, không thể phủ nhận vai trò của ngành này trong việc dễ tiếp cận sản phẩm, rút ngắn thời gian mua sắm, tiết kiệm chi phí đi lại cũng như các tiện ích khác, đặc biệt là từ khi xuất hiện kênh mua sắm trên các trang mạng xã hội. Theo số liệu thống kê cho thấy, với việc đạt doanh thu 8,06 tỉ USD, thương mại điện tử bán lẻ – B2C của Việt Nam đã có mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm trở lại đây, tăng tới 30%. Mức tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam trong 2 năm 2016 và 2017 lần lượt là 23% và 24%. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng các trang mạng xã hội và lợi thế của việc bán hàng trên mạng để không những bán hàng giả, hàng kém chất lượng mà còn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng. Nhiều người bất ngờ vì hình ảnh quảng cáo lung linh trên mạng xã hội khác xa so với thực tế, khách mua hàng trực tuyến nhiều khi mất tiền mua hàng nhưng không dùng được. Nếu món hàng đó không quá có giá trị thì thường người tiêu dùng sẽ bỏ qua, tuy nhiên nếu hàng hóa đó có giá trị lớn thì người tiêu dùng thường sẽ thông tin lại với người bán để bảo hành, đổi hàng, trả hàng. Nếu như việc bảo hành hàng hóa, linh kiện được thực hiện trên thực tế đã khó thì việc bảo hành hàng hóa trong thương mại điện tử càng khó hơn. Mặc dù đã có thỏa thuận về việc bảo hành từ trước, nhưng không phải lúc nào người bán cũng thực hiện bảo hành cho người mua mà phải tùy thuộc vào uy tín, lương tâm của người bán. Thay vì khiếu nại, thậm chí kiện người bán hàng để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng lại chọn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Đó là lí do Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng chỉ nhận được 150 đơn khiếu nại liên quan đến vấn đề mua sắm trực tuyến trong giai đoạn 2016 – 2018.

Vai trò và trách nhiệm giữa 3 bên gồm người bán, doanh nghiệp thương mại điện tử và cơ quan quản lý nhà nước đã được quy định rõ trong Nghị định số 52/2013 của Chính phủ ngày 16 tháng 5 năm 2013 về thương mại điện tử. Tuy nhiên, người bán vẫn sẵn sàng làm sai để kiếm lợi nhuận, trong khi đó, người mua chủ yếu quan tâm đến giá thành sản phẩm, điều này vô tình tạo ra tiền lệ xấu cho kinh doanh thương mại điện tử khiến nhiều người dùng mất niềm tin và ảnh hưởng đến tiến trình phát triển chung của thương mại điện tử Việt Nam

Thực trạng pháp luật về trách nhiệm bảo hành của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng ở Việt Nam
Thực trạng pháp luật về trách nhiệm bảo hành của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng ở Việt Nam

Xử phạt trong việc vi phạm trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng

Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh do không muốn dành ra chi phí, thời gian, công sức cho việc bảo hành sau khi đã bán cho người tiêu dùng nên đã tìm đủ mọi cách để trốn tránh, thoái thác trách nhiệm. Như vậy, người tiêu dùng với tư cách là bên yếu thế hơn so với tổ chức, cá nhân kinh doanh không thể tự bảo vệ quyền lợi của mình. Ngoài quy định về trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện tại Điều 21 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010, trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện còn được quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc ban hành nghị định này nhằm giải quyết những trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cố tình kéo dài thời gian sửa chữa, khắc phục lỗi của hàng hóa, linh kiện. Theo đó, Điều 75 Nghị định này quy định doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu nếu vi phạm một trong những hành vi như không cung cấp cho người tiêu dùng giấy bảo hành, trong đó ghi rõ thời gian và điều kiện thực hiện bảo hành. Doanh nghiệp cũng bị phạt nếu không cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa, linh kiện, phụ kiện tương tự để sử dụng tạm thời hoặc không có hình thức giải quyết khác được người tiêu dùng chấp nhận trong thời gian thực hiện bảo hành; không thay đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mà không sửa chữa được hoặc không khắc phục được lỗi. Ngoài ra người tiêu dùng còn được trả chi phí sửa chữa, vận chuyển hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đến nơi bảo hành và từ nơi bảo hành đến nơi cư trú của người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp vi phạm cũng bị xử phạt với cùng mức phạt như trên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thỏa mãn được người tiêu dùng khi thực hiện chính sách bảo hành

Luật trách nhiệm bảo hành hàng hóa 2007 quy định về nghĩa vụ bảo hành hàng hóa, linh kiện đối với 3 đối tượng là người sản xuất (quy định tại Điều 6), người nhập khẩu (quy định tại Điều 12) và ngườibán hàng (quy định tại Điều 16), theo đó những người nêu trên (người sản xuất, người nhập khẩu, người bán hàng) có nghĩa vụ “Cung cấp thông tin về việc bảo hành và thực hiện việc bảo hành sản phẩm, hàng hóa cho người mua, người tiêu dùng”. Tại khoản 2 Điều 17 Luật này cũng quy định rõ quyền của người tiêu dùng trong việc bảo hành hàng hóa, linh kiện “Được cung cấp thông tin về việc bảo hành hàng hóa, khả năng gây mất an toàn của hàng hóa và cách phòng ngừa khi nhận được thông tin cảnh báo từ người sản xuất, người nhập khẩu”. Việc quy định của thể quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc bảo hành hàng hóa, linh kiện cho thấy tầm quan trọng của người tiêu dùng – bên yếu thế hơn trong quan hệ mua bán với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, việc này đảm bảo cho người tiêu dùng được pháp luật bảo đảm, bảo vệ những lợi ích chính đáng của mình trong các giao dịch dân sự.

Ngoài ra, pháp luật dân sự còn quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu khi vi phạm nghĩa vụ bảo hành, điều này được quy định tại Điều 449 như sau:

“1. Ngoài việc yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo hành, bên mua có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do khuyết tật về kỹ thuật của vật gây ra trong thời hạn bảo hành.

Bên bán không phải bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của bên mua. Bên bán được giảm mức bồi thường thiệt hại nếu bên mua không áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.”

Điều 608 Bô luật dân sự 2015 còn quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”

Việc hàng hóa bị khuyết tật có thể không hoàn toàn do lỗi cố ý của tổ chức, cá nhân kinh doanh, tuy nhiên họ vẫn có thể đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng bằng việc khắc phục những sự cố, khuyết tật do hàng hóa mà mình cung cấp. Tổ chức, cá nhân kinh doanh trong thời hạn bảo hành có trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mà mình bán ra, tránh tối đa việc gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Một số trường hợp gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng vì lý do không thực hiện nghĩa vụ bảo hành còn có thể bị xử lý hình sự.


Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bảo hành của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng Việt Nam

Thứ nhất, về giới hạn trách nhiệm bảo hành

Sự phát triển không ngừng và sự đa dạng của thị trường hiện nay cho thấy không chỉ hàng hóa mới là đối tượng được bảo hành. Trong thời gian gần đây, việc bảo hành đối với dịch vụ không còn xa lạ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các ngành dịch vụ với mục đích tạo sự tin cậy đối với khách hàng về tính hiệu quả, chất lượng của dịch vụ mình đã đặt ra các nguyên tắc, điều kiện bảo hành. Người tiêu dùng từ đó có thể yên tâm về chất lượng phục vụ hơn, và tổ chức, cá nhân kinh doanh lúc này cũng có cơ hội để “sửa sai” nếu như dịch vụ của mình (do nhậm lẫn, sai sót) vô ý làm phật ý khách hàng của mình. Các dịch vụ được bảo hành phổ biến có thể kể đến như: dịch vụ phẫu thuật thẩm mĩ, dịch vụ làm răng, dịch vụ diệt côn trùng, dịch vụ cung cấp mạng internet, v.v.. Bảo hành dịch vụ hiện nay giúp cho tổ chức, cá nhân kinh doanh “giữ chân” khách hàng, giúp người tiêu dùng gắn bó với dịch vụ của mình. Hơn nữa, do không được pháp luật bảo vệ nên mặc dù đã đưa ra các cam kết về việc bảo hành, nhưng những tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vẫn thờ ơ, không thực hiện trách nhiệm của mình. Điều này gây ra tâm lý lo lắng, bất an của người tiêu dùng khi tham gia dịch vụ. Đơn cử như trường hợp một cô gái ở TP HCM đã bị biến dạng mặt sau khi tiêm chất làm đầy lên gương mặt của mình tại một cơ sở thẩm mỹ Bella tại TP. Hồ Chí Minh. Cô gái này dù đã liên tiếp cầu cứu ở 2 bệnh viện lớn, thế nhưng sau 2 tháng chữa trị khuôn mặt vẫn không thể trở lại bình thường như xưa. Đáng chú ý là cơ sở thẩm mĩ này cũng đưa ra các cam kết bảo hành hấp dẫn, nhưng khi được hỏi đến thì họ quanh co, trốn tránh trách nhiệm. Theo các bác sĩ, việc làm trên là rất nguy hiểm, trường hợp tiêm vào mạch máu có thể dẫn đến tử vong.

Có thể thấy, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ đã lợi dụng sự đáng tin cậy của trách nhiệm bảo hành để từ đó lừa dối khách hàng. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định cụ thể về bảo hành trong lĩnh vực dịch vụ, khiến cho người tiêu dùng bối rối, không biết dựa vào đâu để bảo vệ quyền lợi của mình. Do đó, pháp luật cần có quy định cụ thể về bảo hành đối với dịch vụ, tránh được các thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

Thứ hai, cần có cơ chế, lượng quản lý, kiểm soát thị trường thương mại điện tử

Việc bán hàng trực tuyến đang trở nên ngày càng phổ biến, số lượng người vi phạm ngày càng nhiều. Do vậy, cơ quan nhà nước về lĩnh vực thương mại cần có cơ chế, hình thức quản lý thông tin của người tham gia bán hàng trực tuyến, qua đó, quản lý hóa đơn, chứng từ bán hàng. Từ đó, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong thương mại điện tử, bảo đảm chất lượng hàng hóa cũng như đảm bảo các loại trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa được thực hiện trên thực tế.

Thứ ba, người tiêu dùng cần được phổ biến, tuyên truyền pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng

Phần lớn người tiêu dùng không biết về quyền và lợi ích của mình khi đóng vai trò là người tiêu dùng, hoặc nếu biết thì họ cũng e ngại việc khiếu nại, kiện tụng. Do vậy, các kênh thông tin truyền thông cần tuyên truyền, phổ biến những quyền lợi mà người tiêu dùng đó có quyền được hưởng, qua đó khuyến khích người tiêu dùng đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của chính mình nói riêng cũng như bảo đảm trật tự quan hệ mua bán nói chung.

Đảm bảo chất lượng hàng hóa không chỉ là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Thông qua phản ánh, ý kiến của cơ quan chức năng, người tiêu dùng, nhà nước đã có những quy định mang tính định hướng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện tốt vai trò của mình đối với người tiêu dùng, đặc biệt là tạo dựng uy tín của mình thông qua hoạt động bảo hành, hậu mãi cho người tiêu dùng đã tin dùng hàng hóa của mình. Điều đó củng cố lòng tin đối với người tiêu dùng, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, từ đó đẩy mạnh sự phát triển kinh tế.


Trên đây là toàn bộ vấn đề giải đáp thắc mắc của mình về vấn đề: Thực trạng pháp luật về trách nhiệm bảo hành của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng ở Việt Nam. Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật trực tuyến của Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588 để được hỗ trợ chi tiết.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top