Cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh theo Luật cạnh tranh 2004

Cạnh tranh là vấn đề tất yếu trong cơ chế nền kinh tế thị trường. Một nền kinh tế thị trường không thể hoạt động nếu không có cạnh tranh. Khi chủ thể nào đó có những hành vi làm ảnh hưởng tới cạnh tranh gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế và người tiêu dùng thì cơ quan nào sẽ đứng ra điều chỉnh, xử lí hành vi phản cạnh tranh đó?Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh theo Luật cạnh tranh 2004”


Danh mục tài liệu tham khảo 

  • Giáo trình Luật cạnh tranh
  • Luật Cạnh tranh 2004

Khái quát chung về tố tụng cạnh tranh

Khái niệm tố tụng cạnh tranh

      Khái niệm

      Theo khoản 9 Điều 3 Luật cạnh tranh năm 2004 thì “Tố tụng cạnh tranh là hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục giải quyết, xử lí vụ việc cạnh tranh theo quy định của Luật này”. Việc giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh thực hiện theo quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

        Như vậy, tố tụng cạnh tranh thực chất chỉ bao gồm thẩm quyền và thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh. Đây là một trong các nội dung cơ bản và quan trọng của pháp luật cạnh tranh ở các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam.

      Đặc điểm

      Tố tụng cạnh tranh được áp dụng để giải quyết vụ việc cạnh tranh.  Khác với các loại tố tụng khác, tố tụng cạnh tranh được áp dụng để giải quyết vụ việc cạnh tranh khi chúng đáp ứng hai điều kiện cần và đủ sau:

  • Một là vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật cạnh tranh.
  • Hai là bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

       Tố tụng cạnh tranh áp dụng cho cả hai hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh có bản chất không giống nhau, đó là hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Do bản chất của hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác nhau nên trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hai hành vi này không hoàn toàn giống nhau.

      Tố tụng cạnh tranh được tiến hành bởi các cơ quan hành pháp. Tố tụng cạnh tranh được tiến hành bởi các cơ quan hành pháp (không phải Tòa án), thông quan hoạt động của thành viên Hội đồng cạnh tranh, Thủ trưởng cơ quản lý cạnh tranh, điều tran viên và thư kí phiên điều trần (thậm chí còn bao gồm cả Bộ trưởng Bộ công thương). Đó là những người có trình độ chuyên môn cao về các lĩnh vực tài chính, kinh tế, pháp lý.

      Tố tụng cạnh tranh được áp dụng không nhất thiết phải dựa vào đơn khiếu nại của bên có liên quan mà có thể được thực hiện bởi quyết định có tính chất hành chính của Cơ quan quản lí cạnh tranh.

Cơ quan tiến hành tố tụng theo luật cạnh tranh 2004

Các chủ thể tham gia tố tụng cạnh tranh

      Hiện nay theo pháp luật Việt Nam, có các chủ thể tham gia tố tụng cạnh tranh sau:

      Người tham gia tố tụng cạnh tranh: Bên khiếu nại; bên bị điều tra; luật sư; người làm chứng; người giám định; người phiên dịch; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

      Cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh: Cơ quan quản lí cạnh tranh; hội đồng cạnh tranh

      Người tiến hành tố tụng cạnh tranh: Thành viên hội đồng cạnh tranh; Thủ trưởng Cơ quan quản lí cạnh tranh; điều tra viên; thư kí viên điều trần.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh theo Luật cạnh tranh 2004

Cơ quan quản lí cạnh tranh

     Gắn liền với quá trình hình thành pháp luật cạnh tranh Việt Nam, cơ quan quản lý cạnh tranh cũng được ra đời trên tinh thần xây dựng và bảo vệ các thiết chế kinh tế, thúc đẩy giám sát các hoạt động kinh tế để tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Cơ quan quản lý cạnh tranh còn có tên gọi khác là Cục quản lý cạnh tranh – là cơ quan trực thuộc Bộ công thương.

     Cục quản lý cạnh tranh có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, được sử dụng con dấu riêng theo quy định của pháp luật. Kinh phí hoạt động của Cục Quản lý cạnh tranh do ngân sách nhà nước cấp (khoản 2 Điều 1 Nghị định 06/2006/NĐ-CP).

Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý cạnh tranh

     Theo khoản 2 Điều 49 Luật cạnh tranh 2004, cơ quan quản lý cạnh tranh có  những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

     Kiểm soát quá trình tập trung kinh tế theo quy định của Luật cạnh tranh;

     Thụ lý hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ; đề xuất ý kiến để Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

     Điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh;

Cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh theo Luật cạnh tranh 2004

     Xử lý, xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh;

      Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

     Để cụ thể hóa các quy định của Luật cạnh tranh về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý cạnh tranh, Điều 2 Nghị định số 06/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Cục Quản lý cạnh tranh được ban hành quy rất rõ ràng và cụ thể về vấn đề này.

      Như vậy, thẩm quyền của cơ quan quản lý cạnh tranh được tập trung chủ yếu ở nhiệm vụ điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, cơ quan quản lý cạnh tranh cũng có thẩm quyền xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đây là điểm đặc thù thể hiện tính “lưỡng tính” giữa hành pháp và tư pháp của cơ quan của pháp luật tố tụng cạnh tranh Việt Nam so với pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới.

Cơ cấu tổ chức Cơ quan quản lí cạnh tranh

     Cơ cấu tổ chức của Cơ quan quản lí cạnh tranh được quy định tại Điều 3 Nghị định 06/2006/NĐ-CP. Theo đó Cơ quan quản lí cạnh tranh bao gồm Bộ máy giúp việc Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh; Các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Cục Quản lý cạnh tranh; Các đơn vị khác trực thuộc Cục Quản lý cạnh tranh là các văn phòng đại diện.

Hội đồng cạnh tranh

Vị trí của Hội đồng cạnh tranh

     Hội đồng cạnh tranh là một cơ quan thuộc hệ thống cơ quan hành pháp, có vị trí tương đối độc lập trong mối quan hệ với Bộ công thương. Do Chính phủ thành lập gồm từ 11 đến 15 thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ công thương.

     Hội đồng cạnh tranh có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, được sử dụng con dấu riêng theo quy định của pháp luật. Kinh phí hoạt động của Hội đồng cạnh tranh do ngân sách nhà nước cấp (khoản 2 Điều 1 Nghị định 07/2015/NĐ-CP)

Chức năng của Hội đồng cạnh tranh

     Hội đồng cạnh tranh là cơ quan có chức năng xem xét, xử lý đối với các vụ việc hạn chế cạnh tranh. Quyết định của hội đồng cạnh tranh được thể hiện ở giai đoạn cuối của vụ việc liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh. Hoạt động của hội đồng cạnh tranh được thực hiện trên cơ sở kết quả điều tra của cấc “điều tra viên” về những hành vi hạn chế cạnh tranh. Tuy được xếp vào hệ thống cơ quan hành pháp song hoạt động của hội đồng cạnh tranh lại mang tính chất của cơ quan tài phán do hội đủ những yếu tố thiết như: áp dụng pháp luật để ra pháp quyết, thủ tục xử lý mang tính chất tranh tụng, quyết định của hội đồng cạnh tranh chỉ bị xét lại bởi hệ thống tòa án.

     Là cơ quan hành pháp nhưng hoạt động của hội đồng cạnh tranh lại được sử lý theo chế độ tập thể chứ không theo chế độ thủ trưởng như các cơ quan hành pháp khác. Theo pháp luật hiện hành, Chủ tịch hội đồng cạnh tranh sẽ chọn ít nhất 5 thành viên (trong số thành viên hội đồng cạnh tranh) tham gia Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh. Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh sẽ quyết định vụ việc theo nguyên tắc đa số.

Nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng cạnh tranh

     Hội đồng cạnh tranh có nhiệm vụ tổ chức xử lý, giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của Luật cạnh tranh. Nhiệm vụ quyền hạn này được chính phủ quy định chi tiết và cụ thể tại Điều 2 Nghị định số 07/2015/NĐ-CP:

     Về tổ chức xử lý, giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh, Hội đồng Cạnh tranh tổ chức tiếp nhận Báo cáo điều tra và Hồ sơ vụ việc canh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định tại Điều 93 Luật Cạnh tranh; Xử phạt, xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh theo quy định tại Điều 119 Luật Cạnh tranh; Yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

     Về giải quyết khiếu nại, giải quyết khiếu nại đối với các quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật cạnh tranh; Giải quyết khiếu nại đối với các quyết định khác của Hội đồng Cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh, Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh, Chủ tọa Phiên điều trần theo trình tự, thủ tục của pháp luật khiếu nại.

     Về tham gia tố tụng hành chính, Hội đồng Cạnh tranh tham gia tố tụng hành chính theo quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật tố tụng hành chính.

      Ngoài ra, Hội đồng Cạnh tranh còn thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác, như: Theo dõi việc thi hành các Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; Tham gia ý kiến đối với các vãn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch ngành, lĩnh vực, văn bản hành chính có liên quan; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cạnh tranh trong phạm vi thẩm quyền; Tổ chức nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu, tài liệu liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyên hạn của Hội đông Cạnh tranh; Hợp tác quốc tế về cạnh tranh trong phạm vi thẩm quyền…

Cơ cấu tổ chức của hội đồng cạnh tranh

     Hội đồng cạnh tranh gồm từ 11 đến 15 thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ công thương. Nhiệm kỳ các thành viên Hội đồng cạnh tranh là 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại. Hội đồng canh tranh chịu trách nhiệm xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng, trình Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt.

     Hoạt động của thành viên Hội đồng cạnh tranh mang tính tài phán, liên quan đến lĩnh vực còn mới mẻ và phức tạp; bởi vậy, pháp luật luôn đặt ra tiêu chuẩn của thành viên hội đồng cạnh tranh cao hơn tiêu chuẩn đối điều tra viên về thời gian cồn tác thực tế trong lĩnh vực luật hoặc kinh tế, tài chính. Theo Điều 55 Luật cạnh tranh, thành việc Hội đồng cạnh tranh phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau:

     Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực khách quan, có tinh thần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa;

     Có trình độ cử nhân luật hoặc cử nhân kinh tế, tài chính;

     Có thời gian công tác thực tế ít nhất là 9 năm thuộc một trong các lĩnh vực luật, kinh tế, tài chính;

     Có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

     Thành viên Hội đồng cạnh tranh là đại diện của các bộ: Bộ Công thương, Bộ Tư Pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư,… Đứng đầu Hội đồng cạnh tranh là Chủ tịch, giúp việc cho Chủ tịch có Phó Chủ tịch. Hội đồng cạnh tranh có bộ máy giúp việc là Ban thư kí, bao gồm Trưởng ban và không quá 03 Phó trưởng ban cùng một số cán bộ, chuyên viên.

Những vấn đề bất cập trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh Việt Nam

Đối với Cơ quan quản lý cạnh tranh

     Có thể thấy trong giai đoạn vừa qua, điểm bất cập rõ ràng nhất là Cơ quan quản lí cạnh tranh (thuộc Bộ Công thương) thực hiện quá nhiều chức năng, từ điều tra xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, điều tra các hành vi hạn chế cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng đến quản lý nhà nước về chống bán phá giá, chống trợ cấp và áp dụng các biện pháp tự vệ trong thương mại quốc tế. Trên thế giới, không một cơ quan quản lý cạnh tranh nào được quy định nhiều chức năng, đặc biệt là bao gồm cả các chức năng thực thi pháp luật về các biện pháp đảm bảo công bằng trong thương mại quốc tế như ở Việt Nam. Điều này đã dẫn đến tình trạng quá tải trong hoạt động của Cơ quan quản lí cạnh tranh trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Cơ quan quản lí cạnh tranh hiện nay vẫn trực thuộc Bộ Công thương nên không tránh khỏi sự lo ngại về tính khách quan, công bằng trong quá trình hoạt động. Một số ý kiến cho rằng, cơ quan thực thi Luật cạnh tranh phải là một mô hình hoạt động hoàn toàn độc lập, thoát khỏi các bộ.

      Theo kinh nghiệm quốc tế, để hoàn thành tốt các chức năng và nhiệm vụ được giao, các cơ quan cạnh tranh đều cần phải được giao đủ ba quyền hạn cơ bản là: (i) Quyền yêu cầu các doanh nghiệp và các cá nhân, cơ quan hay tổ chức khác trên thị trường giải trình, cung cấp thông tin; (ii) Quyền thực hiện khám xét, điều tra tại chỗ. Gắn với quyền khám xét là các quyền sao giữ các thông tin, tài liệu, thu giữ các thông tin, tài liệu gốc, khả năng thu thập các loại thông tin, chứng cứ điện tử, quyền niêm phong văn phòng, trụ sở…; (iii) Quyền thực hiện lấy lời khai hoặc thẩm vấn tại chỗ (tại nơi khám xét) và phỏng vấn lấy lời khai (trong các trường hợp khác). Các quyền hạn này cần phải được thể hiện một cách rõ ràng và thống nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan cạnh tranh trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, các quyền hạn nêu trên chưa được quy định một cách cụ thể, đầy đủ và thống nhất đối với cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam. Chúng được quy định một cách rời rạc trong một số điều khoản trong văn bản luật và văn bản dưới luật hướng dẫn thực thi.

     Qua hơn 14 năm hoạt động, Cơ quan quản lí cạnh tranh vẫn chưa thực sự có những hoạt động thể hiện vai trò của mình trong đời sống xã hội cũng như vị trí và chức năng chuyên biệt của nó trong hệ thống cơ quan nhà nước. Vào năm 2014, theo một khảo sát do Cơ quan quản lí cạnh tranh thực hiện, chỉ có 1,6% doanh nghiệp hiểu rõ về Luật cạnh tranh; có tới 32% số doanh nghiệp không biết Cơ quan quản lí cạnh tranh là cơ quan nào. Điều này xuất phát từ nguyên do kết quả hoạt động của Cơ quan quản lí cạnh tranh chưa tạo được con số ấn tượng.

     Thực tế cũng cho thấy số lượng chuyên gia cạnh tranh còn ít nên việc đào tạo, bồi dưỡng điều tra viên, chuyên gia, chỉ mới đáp ứng được nhu cầu trước mắt và chất lượng vẫn còn hạn chế. Số lượng các điều tra viên của Cơ quan quản lí cạnh tranh chưa đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội và người tiêu dùng.

Đối với Hội đồng cạnh tranh

     Có khá nhiều điểm chưa thực sự hợp lý trong sự phân định thẩm quyền giữa Cơ quan quản lí cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh. Căn cứ vào các quy định tại Mục 4 và 5 Chương V của Luật cạnh tranh năm 2004 có thể thấy rằng, trong một vụ việc về hành vi lạm dụng, cơ quan có thẩm quyền xử lý là Hội đồng cạnh tranh, song gần như tất cả các hoạt động tố tụng đều do Cơ quan quản lí cạnh tranh tiến hành. Hội đồng cạnh tranh chỉ có thẩm quyền tổ chức phiên điều trần và ra quyết định xử lý vụ việc, giải quyết các khiếu nại các quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh về hành vi hạn chế cạnh tranh. Như vậy, cho dù là cơ quan có quyền cao nhất, nhưng việc xử lý của Hội đồng cạnh tranh gần như phải lệ thuộc vào kết quả của các hoạt động tố tụng trước đó của Cơ quan quản lí cạnh tranh. Nếu có bất cứ nghi ngờ gì về kết quả điều tra thì phải trả lại hồ sơ để cơ quan điều tra tiến hành điều tra lại. Rõ ràng, cách thiết kế cơ chế phân quyền theo các quy định hiện hành có vẻ đảm bảo sự chuyên môn hoá cao độ song lại làm mờ vai trò rất quan trọng của Hội đồng cạnh tranh là xử lý vụ việc. Bên cạnh đó, Hội đồng cạnh tranh cũng gặp những khó khăn như hầu hết các thành viên đều kiêm nhiệm, bộ máy còn chưa hoàn chỉnh về nhân sự và biên chế.

     Trên thực tế, Hội đồng cạnh tranh trong thời gian qua dường như trở thành “cái bóng” của Cơ quan quản lí cạnh tranh. Số lượng vụ việc Hội đồng cạnh tranh đã xử lý dừng ở mức khiêm tốn. Từ năm 2006 đến năm 2016, Cơ quan quản lí cạnh tranh đã tiến hành điều tra theo thủ tục tố tụng đối với 08 vụ việc liên quan tới hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền. Trong số này, có 05 hồ sơ vụ việc đã được Cơ quan quản lí cạnh tranh chuyển sang Hội đồng cạnh tranh để xử lý.

Giải pháp đổi mới mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam thời gian tới

Mô hình tổ chức cơ quan quản lý cạnh tranh

     Mô hình cơ quan cạnh tranh được Việt Nam lựa chọn hiện nay là mô hình cơ quan thuộc bộ. Phải nhận thức đầy đủ rằng, với thực trạng hoạt động của cơ quan quản lý cạnh tranh cùng với xu hướng độc lập hóa cơ quan quản lý cạnh tranh trên thế giới, trong tương lai, Việt Nam cần xây dựng một cơ quan quản lý cạnh tranh ngang bộ (trực thuộc Chính phủ) để đáp ứng và thực hiện các mục tiêu sau đây:

      Đảm bảo tính độc lập trong hoạt động: trong điều kiện bộ máy hành chính nhà nước của Việt Nam còn nhiều bất cập và còn tư tưởng “cục bộ”. Độc lập không nhất thiết là phải riêng rẽ về mặt tổ chức, không trực thuộc cơ quan chủ quản nào mà là độc lập về hoạt động cũng như về nhiệm vụ, quyền hạn. Trong điều kiện nước ta hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước đang giữ hầu hết các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, do đó, đối tượng điều tra của cơ quan quản lý cạnh tranh có thể sẽ là các tổng công ty nhà nước, các tập đoàn kinh tế lớn và thậm chí là cả các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không có một vị thế đủ mạnh thì cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ không thể thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình.

      Vị trí độc lập của một cơ quan ngang bộ giúp đảm bảo và thúc đẩy việc tập trung chuyên môn, tính công chính, minh bạch và khả năng chịu trách nhiệm và giải trình của cơ quan này.

     Hơn nữa, theo thống kê của Bộ Công thương, hiện nay trên thế giới không còn nước nào tồn tại mô hình hai cơ quan, một chịu trách nhiệm về điều tra, một chịu trách nhiệm về xử lý như Việt Nam. Như vậy, để phù hợp với xu hướng chung của thế giới, Cơ quan quản lí cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh sẽ hợp nhất thành một cơ quan. Cơ quan quản lý cạnh tranh mới này sẽ mang tính chất cơ quan ngang bộ. Trong cơ quan này phải tách riêng bộ phận điều tra và bộ phận xử lý vụ việc độc lập với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhưng phải kết hợp trong việc xử lý vụ việc, nhân sự hoạt động theo chế độ chuyên trách, xây dựng chế độ các báo cáo viên (như cơ quan quản lý cạnh tranh của Pháp hiện nay)…

     Nhân sự của cơ quan quản lý cạnh tranh

     Để bảo đảm tính chuyên nghiệp và có hiệu quả của cơ quan quản lý cạnh tranh, nhất thiết phải thay đổi cách thức, quy trình bổ nhiệm nhân sự cơ quan quản lý cạnh tranh mới như sau:

     Các thành viên quản lý của cơ quan quản lý cạnh tranh mới (Chủ tịch và các Phó Chủ tịch) sẽ do Thủ tướng bổ nhiệm nhưng nguồn bổ nhiệm ngoài các bộ có thể mở rộng thêm ở các chuyên gia pháp luật cạnh tranh, thương mại, kinh tế. Điều kiện được bổ nhiệm đối với những thành viên này có sự tiếp thu những điều kiện của thành viên Hội đồng cạnh tranh theo pháp luật hiện nay, như: có kiến thức, am hiểu về pháp luật cạnh tranh, pháp luật thương mại và kinh tế; am hiểu về kỹ năng điều tra xử lý trong vụ việc cạnh tranh là một lợi thế; có tầm ảnh hưởng và uy tín nhất định trong lĩnh vực khoa học pháp lý hay kinh tế, tài chính; có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, khách quan, có tinh thần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; có trình độ cử nhân luật hoặc cử nhân kinh tế, tài chính trở lên; có thời gian công tác thực tế ít nhất là 9 năm thuộc một trong các lĩnh vực nói trên; có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các thành viên này là công chức/viên chức, làm việc chuyên trách. Nhiệm kỳ của họ là 5 năm hoặc 7 năm và có thể được tái bổ nhiệm.

     Đối với nhân viên các bộ phận của cơ quan quản lý cạnh tranh thì tổ chức thi tuyển như Cơ quan quản lí cạnh tranh hiện nay là hợp lý. Người đứng đầu các bộ phận của cơ quan quản lý cạnh tranh có thể được bổ nhiệm bởi Thủ tướng trên cơ sở đề nghị của người đứng đầu cơ quan quản lý cạnh tranh hoặc được tuyển dụng công khai.

     Đổi mới một số nội dung cơ chế hoạt động của cơ quan quản lý cạnh tranh

     Xây dựng cơ chế rà soát, giải quyết các khiếu kiện liên quan đến các quyết định của cơ quan quản lý cạnh tranh.

     Theo quy định của pháp luật hiện nay, Hội đồng cạnh tranh sẽ xem xét lại những quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc khi có yêu cầu và nếu không đồng ý với kết quả xử lý của Hội đồng cạnh tranh thì các bên có thể khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Như đã phân tích, với điều kiện còn thiếu chuyên gia về pháp luật cạnh tranh hiện nay ở nước ta, trình độ am hiểu pháp luật cạnh tranh của cán bộ, công chức còn thấp thì việc giao cho Tòa án xem xét lại quyết định của cơ quan quản lý cạnh tranh là không hợp lý. Kinh nghiệm các nước trên thế giới đã cho thấy, yêu cầu chuyên môn cao trong hoạt động đã buộc họ phải xây dựng một bộ phận thuộc Toà án tối cao chuyên giải quyết các khiếu kiện liên quan đến quyết định của cơ quan quản lý cạnh tranh và đào tạo các chuyên gia cũng như thẩm phán có trình độ cao để thực hiện những công việc này. Ở Việt Nam, trong Cơ quan quản lý cạnh tranh nên xây dựng một bộ phận riêng hay một bộ phận nằm trong bộ phận xử lý các vụ việc cạnh tranh để rà soát, giải quyết các khiếu kiện liên quan đến quyết định của cơ quan quản lý cạnh tranh. Nếu các bên không đồng ý với kết quả xử lý khiếu kiện của cơ quan quản lý cạnh tranh, thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện (vụ án hành chính) liên quan đến các quyết định của cơ quan quản lý cạnh tranh giao cho Tòa án tối cao hoặc thành lập một Tòa riêng biệt để xử lý những vụ việc này.

     Xây dựng cơ chế tham khảo ý kiến trước

     Hiện nay, Cơ quan quản lí cạnh tranh mới chỉ được quy định chức năng tham vấn đối với những văn bản đã ban hành tại Khoản 3, Điều 2 Nghị định số 06/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Phải thấy rằng cần xây dựng thêm cơ chế tham khảo ý kiến trước (đối với những văn bản pháp luật sắp ban hành) trước khi các cơ quan Chính phủ có kế hoạch ban hành hay sửa đổi các luật và quy định có ảnh hưởng đến cạnh tranh, kể cả khi các cơ quan này muốn áp dụng các biện pháp hành chính có bản chất tương tự. Trong quá trình tham khảo ý kiến, cơ quan cạnh tranh chủ yếu xem xét các khía cạnh liên quan đến các hạn chế gia nhập thị trường, duy trì giá bán, các hoạt động của cartel,… cũng như đề xuất ý kiến, giải quyết các hạn chế trong dự thảo và chính sách này. Có thể thấy, cơ chế này sẽ giúp hạn chế tình trạng các văn bản, chính sách trái/không phù hợp với pháp luật cạnh tranh cũng như tiết kiệm thời gian, tài chính để không phải khắc phục, giải quyết các hậu quả do các văn bản này gây ra sau khi được ban hành.

     Qua những phân tích trên có thể thấy Cơ quan cạnh tranh có vai trò quyết định trong việc bảo đảm thực thi Luật cạnh tranh. Có thể nói Luật cạnh tranh được thực thi nghiêm chỉnh đến đâu là phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của cơ quan này.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh theo Luật cạnh tranh 2004. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn pháp luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.


 

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top