Những sai sót thường gặp của người tư vấn pháp luật bằng lời nói

Hoạt động tư vấn pháp luật là một hoạt động đa dạng, phức tạp đòi hỏi một quá trình lao động trí óc. Hiện nay, có nhiều hoạt động tư vấn pháp luật khác nhau. Tư vấn pháp luật bằng lời nói là một trong những hình thức tư vấn pháp luật. Tư vấn pháp luật bằng lời nói có nhiều ưu điểm như: Người tư vấn có thể quan sát trực tiếp cử chỉ, tâm lý khách hàng để hiểu rõ hơn về tâm lý khách hàng, có thể tương tác với khách hàng một cách tích cực để tìm ra giải pháp phù hợp…Đồng thời cũng có những nhược điểm, đó là hình thức này không chỉ đòi hỏi người tư vấn phải am hiểu pháp luật mà còn phải có các kỹ năng giao tiếp với khách hàng, như các kỹ năng: tạo niềm tin cho khách hàng, đồng cảm, thuyết phục, tự chủ cảm xúc,… Ngoài ra, người tư vấn cũng cần phải am hiểu xã hội, tâm lý khách hàng. Trên thực tế, người tư vấn pháp luật bằng lời nói không tránh khỏi những sai sót khi tư vấn. Qua bài viết này chúng tôi Luật Quang Huy sẽ đi sâu phân tích và tìm hiểu vấn đề: “Nêu những sai sót thường gặp của người tư vấn pháp luật bằng lời nói và đưa ra những giải pháp khắc phục. Minh họa bằng các tình huống thực tiễn”.


Danh mục tài liệu tham khảo

  • Giáo trình kỹ năng tư vấn pháp luật. Học viện tư pháp. TS Phan Chí Hiếu.Ths Nguyễn Thị Hằng Nga. NXB Công An Nhân Dân, Năm 2012.
  • Luật Luật Sư 2006;
  • Luật trợ giúp pháp lý 2016;
  • Trương nhật Quang, Kĩ năng hành nghề tư vấn pháp Luật của Luật Sư, NXB Lao Động 2012

Khái quát chung về tư vấn pháp luật bằng lời nói

Khái niệm “tư vấn pháp luật”

Có rất nhiều cách định nghĩa về tư vấn pháp luật:

Theo Từ điển Luật học, tư vấn pháp luật là việc người có chuyên môn về pháp luật được hỏi ý kiến để tham khảo khi giải quyết, quyết định công việc.

Điều 28 Luật Luật sư 2006 định nghĩa: “Tư vấn pháp luật là việc đưa ra hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ”. Như vậy, tư vấn pháp luật là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn ứng xử đúng pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm giúp khách hàng thực hiện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.

Điều 27 Luật trợ giúp pháp lí năm 2016 định nghĩa: “Người thực hiện trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, vướng mắc pháp luật của họ”

Có nhiều cách tiếp cận và định nghĩa khác nhau về tư vấn pháp luật, tuy nhiên, từ góc độ lý luận và thực tiễn, tư vấn pháp luật được hiểu là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài xử sự đúng pháp luật; cung cấp dịch vụ pháp lý giúp cho các cá nhân, tổ chức thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Nêu những sai sót thường gặp của người tư vấn pháp luật bằng lời nói

Nêu những sai sót thường gặp của người tư vấn pháp luật bằng lời nói
Nêu những sai sót thường gặp của người tư vấn pháp luật bằng lời nói

Kỹ năng tư vấn pháp luật bằng lời nói

Căn cứ thực hiện tư vấn pháp luật bằng lời nói

  • Tính chất vụ việc: đơn giản, ít phức tạp.
  • Do khách hàng yêu cầu.

Khái niệm và đặc điểm tư vấn pháp luật bằng lời nói

Khái niệm tư vấn pháp luật bằng lời nói

Tư vấn pháp luật bằng lời nói là việc người tư vấn pháp luật sử dụng ngôn từ trong hoạt động nghề nghiệp để truyền đạt thông tin đến người được tư vấn nhằm cung cấp ý kiến pháp lý.

Đặc điểm

  • Được thực hiện trong khuôn khổ hoạt động nghề nghiệp của người tư vấn với người yêu cầu đặc thù.
  • Nói của người tư vấn pháp luật là hoạt động có đối tượng, mục đích cụ thể.
  • Nói là công cụ, phương tiện thực hiện nhiệm vụ nhà nước của người tư vấn.
  • Tư vấn pháp luật bằng lời nói có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới việc bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có yêu cầu.

Các hình thức tư vấn pháp luật bằng lời nói

  • Tư vấn trực tiếp tư vấn pháp luật bằng lời nói.
  • Tư vấn qua điện thoại, tổng đài tư vấn.
  • Tư vấn qua đài phát thanh, truyền hình.
  • Tư vấn trực tuyến…

Các yêu cầu đối với tư vấn pháp luật bằng lời nói

  • Yêu cầu về nội dung nói: Đúng pháp luật; đầy đủ nội dung; nói một cách khách quan, không tùy tiện, không suy diễn; nói có căn cứ; có lập luận chặt chẽ; nói có chất lượng.
  • Yêu cầu về cách nói: Ngôn ngữ chuẩn xác, ngắn gọn, dễ hiểu; trình bày rành mạch, rõ ràng, logic; trình bày có tóm tắt, kết luận để khách hàng nắm được những điều quan trọng nhất; Cách nói phù hợp với từng đối tượng được tư vấn; nói hay, hấp dẫn.

Quy trình tư vấn pháp luật bằng lời nói

Nghe khách hàng trình bày.

Bất luận vấn đề cần tư vấn là gì, người tư vấn vẫn phải chăm chú lắng nghe trình bày tóm tắt của khách hàng. Trong quá trình khách hàng trình bày, người tư vấn cần chú ý lắng nghe và ghi chép những nội dung chính, sau đó có thể đặt những câu hỏi để khách hàng làm rõ thêm. Người tư vấn cần gợi ý những vấn đề để khách hàng trình bày đúng bản chất của vụ việc. Lưu ý khách hàng trình bày một cách vô tư, khách quan, không thiên vị, không chủ quan. Người tư vấn cũng lưu ý khách hàng rằng chỉ có thể đưa ra một giải pháp chính xác, đầy đủ và đúng pháp luật nếu như khách hàng trình bày vấn đề một cách trung thực và khách quan. Ngược lại, giải pháp mà người tư vấn đưa ra có thể không chính xác nếu khách hàng trình bày thiên vị

Tóm tắt yêu cầu của khách hàng, các tình tiết liên quan theo cách hiểu của người tư vấn.

Sau khi nghe khách hàng trình bày xong, người tư vấn nên diễn đạt lại câu chuyện của khách hàng theo cách hiểu của mình. Việc làm này nhằm mục đích đảm bảo rằng người tư vấn đã hiểu đúng câu chuyện của khách hàng và nếu phát hiện có điểm nào nhầm lẫn hoặc chưa rõ, khách hàng kịp thời đính chính ngay

Yêu cầu khách hàng cung cấp các tài liệu liên quan đến việc cần tư vấn.

Khách hàng là người trong cuộc vì vậy trong phần lớn các việc mà họ yêu cầu tư vấn thường có các tài liệu, văn bản, thư từ giao dịch… liên quan đến vụ việc. Những giấy tờ tài liệu này phản ánh diễn biến của quá trình tranh chấp hoặc bản chất của sự việc. Sau khi khách hàng đã cung cấp đầy đủ các văn bản giấy tờ, tài liệu có liên quan, người tư vấn cần dành thời gian để đọc các giấy tờ, tài liệu đó. Khi đọc có thể đồng thời hình thành luôn giải pháp trên cơ sở sắp xếp các tài liệu theo tầm quan trọng của nó. Khi chưa chắc chắn hoặc tin tưởng về giải pháp mà mình sẽ đưa ra cho khách hàng thì người tư vấn không nên đưa ra giải pháp một cách vội vã

Tra cứu tài liệu tham khảo.

Việc dùng các quy định của pháp luật để làm cơ sở cho các kết luận của mình là điều bắt buộc. Đối với người tư vấn, việc tra cứu tài liệu tham khảo là điều bắt buộc bởi vì: Thứ nhất, để khẳng định với khách hàng rằng người tư vấn đang tư vấn dựa trên quy định của pháp luật chứ không phải theo cảm tính chủ quan của họ. Thứ hai, tra cứu tài liệu tham khảo giúp người tư vấn khẳng định chính những suy nghĩ của mình. Bởi vì không phải bao giờ người tư vấn cũng có thể nhớ chính xác các quy định của pháp luật về tát cả các vấn đề mà khách hàng yêu cầu

Định hướng cho khách hàng.

Về thực chất định hướng cho khách hàng là việc đưa ra giải pháp cho khách hàng để trả lời các vấn đề mà khách hàng yêu cầu. Tuy vậy việc trả lời trực tiếp bằng miệng cũng chỉ mang tính định hướng trên cơ sở đó còn tạo ra cơ hội để khách hàng lựa chọn phương thức bảo vệ quyền của mình một cách tốt nhất. Nếu qua việc tư vấn trực tiếp bằng miệng mà khách hàng yêu cầu tư vấn bằng văn bản thì người tư vấn sẽ giúp họ làm việc đó.

Nêu những sai sót thường gặp của người tư vấn pháp luật bằng lời nói

Những sai sót thường gặp của người tư vấn khi tư vấn pháp luật bằng lời nói và giải pháp khắc phục

Những sai sót thường gặp của người tư vấn khi tư vấn pháp luật bằng lời nói

Tư vấn pháp luật bằng lời nói là một hình thức tư vấn pháp luật phổ biến, nhanh gọn và giải quyết vấn đề một cách tương đối chi tiết, triệt để. Tuy nhiên, trong quá trình tư vấn vì một số lí do chủ quan và khách quan như: thói quen, khác nhau về vùng miền, bản chất, tính cách, không nắm bắt được tâm lí,…người tư vấn khi tư vấn pháp luật bằng lời nói thường gặp những sai sót sau:

Nói quá nhanh. Có những người tư vấn mắc phải bệnh nói nhanh, ngay sau khi nhận được câu hỏi của khách hàng, họ liền trả lời luôn và nói rất nhanh, đến nỗi người nghe không thể bắt kịp những gì họ nói. Khi đó, khách hàng sẽ phải hỏi đi hỏi lại để có thể nghe được nhiều hơn những gì người tư vấn pháp luật nói. Việc này sẽ làm tốn thời gian của cả hai bên mà hiệu quả tư vấn đạt được lại không cao.

Nói giọng địa phương. Tất nhiên, những người tư vấn pháp luật họ cũng đến từ tất cả các vùng miền khác nhau. Mỗi vùng miền lại có giọng điệu khác nhau, hay còn gọi là giọng địa phương. Ví dụ như những người tư vấn mà ở miền Trung, họ sẽ nói giọng điệu đặc trưng của địa phương mình mà những người ở vùng miền khác khó có thể nghe và hiểu được, điều đó dẫn đến việc khách hàng không nghe rõ những gì người tư vấn nói. Vì vậy, khi tư vấn cho khách hàng mà người tư vấn sử dụng giọng địa phương của mình thì sẽ gây khó khăn cho người nghe và có thể dẫn đến việc hiểu lầm. Đòi hỏi người tư vấn nên thay đổi và sửa những lời nói phù hợp với nghề nghiệp của mình để việc tư vấn đạt hiệu quả tốt nhất.

Dùng nhiều từ ngữ chuyên ngành. Những người tư vấn pháp luật sau khi đã tốt nghiệp các trường đại học và học xong các môn học chuyên ngành thì họ sẽ theo thói quen, sử dụng các thuật ngữ trong sách vở mà mình đã được học. Do vậy, tùy từng đối tượng khách hàng mà người tư vấn pháp luật nên sử dụng những từ ngữ cho phù hợp.

Nói quá nhiều, không đúng vào trọng tâm câu hỏi của khách hàng. Thông thường, mỗi người tư vấn sẽ giỏi ở một số lĩnh vực nhất định. Cho nên khi khách hàng đến tư vấn một số vấn đề không nằm trong lĩnh vực thuộc chuyên môn của người tư vấn thì người tư vấn thường không nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia về vấn đề này mà muốn tự mình giải quyết. Điều đó sẽ dẫn đến việc người tư vấn pháp luật đưa ra nhiều những lời tư vấn không cụ thể, không đúng vào trọng tâm câu hỏi của khách hàng. Khi đó, vấn đề sẽ khó được giải quyết. Ví dụ khách hàng muốn tư vấn luật doanh nghiệp những người tư vấn lại có sở trường về tư vấn luật đất đai thì việc tư vấn sẽ diễn ra không thuận lợi.

Không ghi chép lại những gì khách hàng nói. Nếu cứ ngồi nghe mà không ghi lại những gì khách hàng trình bày thì người tư vấn sẽ khó mà sâu chuỗi lại sự việc và đưa ra hướng giải quyết tốt được.

Lơ đãng với khách hàng và tỏ thái độ coi thường câu chuyện của họ: nghe đại khái, bỏ qua các chi tiết cụ thể. Khi người nghe đang trình bày sự việc thì người tư vấn ngồi đối diện huýt sáo hay xem điện thoại hoặc đơn giản là chân dẫm nhẹ theo nhịp. Khách hàng sẽ cảm thấy lạc lõng, không ai quan tâm đến những gì mình đang cố gắng trình bày với tâm tư nguyện vọng được tư vấn và giải quyết, lúc này thì khách hành vô cùng khó chịu.

Phán xét, đưa ra nhận xét, đặt ra những giả định, chỉnh lý, lên lớp về mặt đạo lý; áp đặt ý tưởng, kinh nghiệm của mình cho khách hàng. Điều này là không nên khi tư vấn. Hầu hết khách hàng khi tìm đến trung tâm tư vấn hay các luật sư thì hầu hết đều đang gặp khó khăn, tâm tư trĩu nặng, có khó khăn mới tìm đến tư vấn, nhưng trong trường hợp này lại phản tác dụng, lại nhận được những lới chỉ trích không đáng của ngươi tư vấn.

Đưa ra lời khuyên khi khách hàng không yêu cầu. Có một số chuyên gia tư vấn hay luật sư lại can thiệp quá sâu vào nhu cầu của khách hàng, có thể khách hàng yêu câu tư vấn để bán đất với thuế ít hơn nhưng người tư vấn lại tư vấn chuyện gia đình, tư vấn nên lập tài sản vợ chồng riêng…Để cho cảm xúc của người nói tác động quá mạnh đến tình cảm của mình. Không ít những trường hợp mà luật sư, người tư vấn đã quá ăn nhập vào hoàn cảnh của người tư vấn có thể là quá phẫn nộ trước sự bạo lực của người chồng trong vụ li hôn nên luật sư cũng tỏ thái độ bực bội khi tư vấn cho khách, thậm chí là đưa ra những câu nói mạng tính chủ quan mà không đúng pháp luật. Có những người tư vấn lại thương hại trước sự khó khăn của khách hàng nên khóc lóc và ít quan tâm đến việc tư vấn mà chủ yếu lại chia sẻ về triết lí cuộc đời.

Đưa ra phương án tư vấn pháp luật chung chung. Đôi khi người tư vấn tư vấn cho khách hàng do không nhớ chính xác điều luật quy định, cũng không tra cứu tài liệu mà người tư vấn chỉ nói với khách hàng chung chung. Đại khái vụ việc của anh sai theo luật hiện nay. Nói chung cái này rất phức tạp…Những câu nói này khiến cho khách hàng thấy nghi ngờ về trình độ, độ tin cậy người tư vấn, rất khó chịu, càng bức xúc thêm. Do đó buổi tư vấn không đạt hiệu quả.

Giải pháp khắc phục

Để việc tư vấn pháp luật bằng lời nói được diễn ra một cách thuận lợi và đạt hiệu quả tốt thì việc cần thiết là các luật sư, các chuyên viên tư vấn cần phải sửa, khắc phục các hạn chế, sai sót còn tồn tại nói trên.

Một số giải pháp khắc phục những sai sót thường gặp của người tư vấn khi tư vấn pháp luật bằng lời nói:

Cần phải tuân thủ đầy đủ các quy trình tư vấn pháp luật bằng lời nói: nghe khách hàng trình bày; tóm tắt lại yêu cầu khách hàng, các tình tiết liên quan theo cách hiểu của người tư vấn; yêu cầu khách hàng cung cấp các tài liệu liên quan đến việc cần tư vấn; Tra cứu tài liệu tham khảo; Định hướng cho khách hàng.

Cần phải khắc phục, sửa chữa cách nói: không nói nhanh quá, chậm quá; không dùng từ ngữ địa phương; phải nói đúng giọng điệu, nhịp nhàng, thu hút người nghe;…

Cần phải nhanh ý nắm bắt được tâm lí, tâm trạng cũng như mong muốn của khách hàng. Khi người nắm bắt được tâm lý, tâm tư nguyện vọng của khách hàng sẽ giúp người tư vấn đưa ra những lời nói phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Nêu những sai sót thường gặp của người tư vấn pháp luật bằng lời nói
Nêu những sai sót thường gặp của người tư vấn pháp luật bằng lời nói

Cần tạo cho khách hàng một không gian thoải mái, tinh thần nhẹ nhõm để trình bày vụ việc một cách chính xác, trung thực nhất. Có những cử chỉ và hành động cực kì đơn giản nhưng vô cùng cần thiết cho những lần tư vấn băng lời nói khi gặp gỡ khách hàng. Khi vừa gặp khách hàng có thể là khách hàng mới gặp lần đầu: Dạ chào bác ạ. Mời bác ngồi, tôi có thể giúp gì cho bác không ạ? Hay bác đi lên Hà Nội bằng tàu hay ô tô ạ..? Đi đường xa, trời nóng bức thế này mệt lắm bác nhỉ? Những câu hỏi đầu tiên, rất đơn giản thế thôi nhưng đã tạo cho khách hàng cảm giác gần gũi với người tư vấn. Cảm giác nhận được sự cảm thông ngay từ đầu thì tất nhiên khách hàng sẽ thấy đáng tin cậy, sẽ thoải mái chia sẻ thông tin. Từ đó người tư vấn có thể hiểu sâu nhất về vụ việc và đưa ra những giải pháp tối ưu cho khách hàng.

Cần phải tôn khách hàng, không phán xét họ, không nên ngắt lời, thể hiện cử chỉ không lắng nghe, nói năng thiếu lễ độ,…; nhiệt tình trong công việc và chân thành, cởi mở để tạo sự tin cậy; chấp nhận khách hàng (dù họ ăn mặc, nói năng thế nào cũng không nên phân biệt đối xử…); quan tâm đến từng cử chỉ, lời nói của khách hàng để biết được cách ứng xử và giao tiếp cho phù hợp và làm hài lòng khách hàng, tuy nhiên không tạo ra sự phân biệt đối xử khi tư vấn. Ví dụ như khi tư vấn cho một bác nông dân ở quê lên, bác còn chưa biết về pháp luật nhiều thì người tư vấn, cần sử dụng ngôn từ dân dã, ít thuật ngữ pháp lí. Để đảm bảo khách hàng tiếp nhận thông tin từ người tư vấn hiệu quả thì thỉnh thoảng đang tư vấn nên dừng lại và hỏi khách hàng: Bác hiểu ý cháu không ạ? Nếu bác hiểu mới trình bày tiếp các vấn đề khác. Tuy nhiên cách ứng xử này lại thay đổi khi đối tượng là một tiến sĩ kinh tế khi tư vấn về hôn nhân, trình độ người muốn tư vấn cao nên có thể khi tư vấn về lĩnh vực chia tài sản trong hôn nhân chúng ta không nên tỏ thái độ hay hỏi quá nhiều câu: Anh có hiểu không? vì đây là chuyên môn của họ, nên việc hỏi như thế khách hàng cảm thấy tự ái và bị khinh thường, thiếu tôn trọng. Thay vào đó là những câu nói: Vấn đề này chắc anh hiểu rồi phải không ?…Đó là sự tinh tế và nhạy cảm nghề nghiệp mà mỗi người tư vấn khách hàng cần lưu ý. Khi tiếp xúc với bất cứ loại đối tượng nào, người tư vấn đều phải khiêm tốn, thể hiện thái độ đúng mực, tôn trọng đối tượng và tạo không khí đối thoại tự do, cởi mở để xây dựng niềm tin trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau. Đối với những đối tượng là người dân tộc thiểu số không nói được hoặc không thạo tiếng phổ thông, nếu người tư vấn không biết tiếng dân tộc thì phải mời người có uy tín biết tiếng dân tộc như già làng, trưởng bản cùng tham gia để có thể hiểu được những điều đối tượng trình bày và yêu cầu của họ.

Phải có kỹ năng tra cứu văn bản, tài liệu pháp luật thật nhanh để cung cấp trực tiếp cho khách hàng ngay lúc mình đang nói, đang tư vấn. Không được vội vàng, nhanh chóng, chưa tra cứu chính xác văn bản pháp luật mà chỉ nhớ thoáng qua đã vội đưa ra phương án tư vấn. Việc tra cứu tài liệu pháp luật có liên quan đến vụ việc tư vấn sẽ giúp người tư vấn kiểm tra tính chính xác những tư duy và khẳng định chính thức những lời tư vấn của mình là đúng pháp luật vì trong thực tiễn, không phải bao giờ người tư vấn cũng có thể nhớ chính xác tất cả các quy định thuộc các lĩnh vực pháp luật khác nhau. Việc đưa ra trực tiếp các căn cứ pháp lí sẽ làm cho người được tư vấn cảm thấy tin tưởng hơn, đó cũng là yếu tố tâm lí để người đến tư vấn có thể yên tâm chia sẻ thêm nhiều tình tiết, khóa cạnh của vụ việc.

Cần phải ghi chép đầy đủ những thông tin, chi tiết cần thiết mà khách hàng cung cấp cũng như ghi chép đầy đủ nội dung tư vấn. Trong những trường hợp này, dù người tư vấn pháp luật có tư vấn pháp luật chính xác, có phân tích đầy đủ trên tất cả các phương diện và khía cạnh lợi hại đến đâu chăng nữa thì khách hàng vẫn có thể có những hành vi không phù hợp với pháp luật, hay không làm theo những gì được tư vấn. Nên người tư vấn bắt buộc phải có hồ sơ về vụ việc tư vấn, ghi chéo đầy đủ nội dung tư vấn vào hồ sơ có chứ kí hai bên gửi cho khách hàng và lưu hồ sơ vụ việc tư vấn. Để tránh các trường hợp khách hàng lật lọng quay trở lại kiện trung tâm tư vấn sai, yêu cầu đền bù.

Tình huống thực tiễn

Trong thực tiễn cuộc sống có không ít trường hợp người tư vấn khi tư vấn pháp luật bằng lời nói mắc những sai sót nêu trên khiến cho khách hàng không hài lòng, không đạt được két quả như mong muốn. Sau đây là các tình huống cụ thể:

Tình huống 1: Chị Nguyễn Thị An ( 37 tuổi, trú tại xã Đông Thành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) đến văn phòng Luật sư của Luật sư Lê Thị C tại tỉnh Hà Giang trình bày về vụ việc: vợ chồng chị An li hôn, chị không giữ tài sản riêng, giờ chồng chị cặp bồ, đuổi chị ra đường, chị An muốn tư vấn về việc tài sản.

Trong tình huống trên, thay vì an ủi, đưa ra những câu hỏi về tình trạng, tài sản nhà chị An thì Luật sư sau khi nghe chị kể lại lập tức phán xét: “Chị thật ngốc, chị thiếu hiểu biết, chị phải biết điều tối thiểu là không nên để chồng giữ hết tài sản, chị hư hỏng hay làm sao mà chồng ngoại tình,…Nếu là tôi tôi sẽ thế này thế kia,…”. Những câu nói đời thường theo giả định của cá nhân Luật sư không thể nói và áp đặt lên khách hàng được. Mỗi con người một hoàn cảnh, và người ta có tin tưởng nhà tư vấn người ta mới tìm đến chia sẻ, mong nhận được sự trợ giúp nay đã khó khăn, lại bị áp đặt lên khách hàng sẽ rất khó chịu thẩm chí là bỏ về.

Tình huống 2: Anh Đỗ Trạch Ân là một tiến sĩ kinh tế đến gặp Luật sư Trương Thanh A để được tư vấn về việc đăng ký doanh nghiệp. Trong quá trình tư vấn, Luật sư liên tục đưa ra các câu hỏi: Anh hiểu ý tôi không?, Anh đã hiểu chưa?,… rồi lại hỏi những câu hỏi như: Anh có bao nhiêu tài sản?, Vợ anh làm nghề gì?, Gia đình anh có bao nhiêu người?. Những câu hỏi của Luật sư khiến cho anh Ân không hài lòng, tự ái và cảm thấy như bị khinh thường.

Tình huống 3: Bà Vàng Thị Tống, 45 tuổi là người dân tộc Mông ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào cai đến trung tâm tư vấn pháp Luật của tỉnh để được tư vấn về việc tranh chấp đất đai giữa gia đình bà Vàng với gia đình ông Sùng A Sua (hàng xóm). Vì bà đã già, phải nuôi 4 đứa co đang ăn học còn nhỏ nên bà Vàng rất bức xúc, vừa đến nơi bà đã than khóc: “Chị luật sư ơi, chị giúp tôi với, nhà tôi nghèo lắm…”, “Tôi chết mất thôi…”. Luật sư đã nói thẳng với bà Vàng khiến bà bị tổn thương: “ Bác cứ từ từ, vừa đến nơi đã ầm ĩ lên như thể ở đây có đám tang không bằng”. Sau khi bình tĩnh bà Vàng trình bày về vụ việc, vì là người dân tộc nên bà Vàng nói rất khó nghe. Luật sư đã tỏ thái độ không lắng nghe và làm việc khác, một lúc sau Luật sư yêu cầu bà Vàng: “Bác dừng lại, bác nói cái gì vậy? Bác nói thế ai mà hiểu được?,…Những câu nói của Luật sư như một nhát dao đâm vào bà Vàng vậy, bà bức xúc nay đến tư vấn lại càng uất ức hơn.


Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: những sai sót thường gặp của người tư vấn pháp luật bằng lời nói. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật miễn phí qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top