Cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền tác giả và biểu hiện trong pháp luật về quyền tác giả ở việt nam

Cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền tác giả và biểu hiện trong pháp luật về quyền tác giả ở việt nam

Đặt vấn đề

Một trong những nguyên tắc xuyên suốt trong pháp luật về sở hữu trí tuệ đó là nguyên tắc cân bằng lợi ích. Nguyên tắc cân bằng lợi ích nhắm đến sự cân bằng trong lợi ích của người sáng tạo (hay tác giả) và nhà đầu tư (chủ sở hữu) với lợi ích của xã hội trong quá trình xác lập, thực

thi quyền và bảo vệ quyền. Đây là một nguyên tắc quan trọng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nếu áp dụng đúng đắn sẽ góp phần tạo động lực cho sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của nhiều cá nhân vào hoạt động cải tiến kĩ thuật, nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội.

Tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Chưa bao giờ các vấn đề liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) lại đặt ra gay gắt, cấp bách như hiện nay. Trí tuệ vốn là tài sản của công dân, trong môi trường kỹ thuật số hiện nay việc có hay không sự xâm phạm vào quyền tác giả khi chia sẻ lan truyền những bài viết là một vấn đề cấp thiết cần được giải quyết rõ ràng, đặt ra vấn đề về sự cân bằng lợi ích của cả tác giả lẫn xã hội khi những cá nhân trong xã hội có nhu cầu tiếp cận thông tin rất lớn. Từ tình trạng này, bài nghiên cứu dưới đây sẽ đi tìm hiểu kỹ hơn về nguyên tắc cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền tác giả và sự thể hiện của nó trong pháp luật Việt Nam.

Mục tiêu nghiên cứu

Nêu được khái quát về nguyên tắc cân bằng lợi ích và quyền tác giả trong pháp luật sở hữu trí tuệ. Đánh giá sự biểu hiện và vai trò của nguyên tắc đó trong pháp luật sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp luận, phương phân tích, so sánh, thống kê, tổng hợp.

Khái quát chung về bảo hộ quyền tác giả trong pháp luật sở hữu trí tuệ

Khái niệm quyền tác giả và bảo hộ quyền tác giả

Bản quyền tác giả là một khái niệm xuất hiện từ thế kỉ 17 tại nước Anh với luật bảo vệ những tác phẩm sáng tạo của nhóm văn nghệ sỹ, các nhà làm phim, các chuyên gia viết phần mềm. Bản quyền tác giả ra đời nhằm mục đích bảo vệ và tôn vinh công sức lao động sáng tạo của các văn nghệ sỹ, nhà sáng tạo và khuyến khích sự sáng tạo, tạo ra những sản phẩm văn hóa phóng phú, đa dạng cho mọi người. Thực tế chứng minh là tại các quốc gia có nền công nghiệp bản quyền phát triển thì đều có đóng góp rất lớn vào nền kinh tế quốc dân, có khi chiếm tỷ trọng tới 10% GDP. Vì thế mà khuyến khích hoạt động sáng tạo trí tuệ, phổ biến các sáng tạo đó là điều kiện thiết yếu đối với quá trình phát triển kinh tế. Do đó pháp luật cần phải có những quy định thích hợp để bảo hộ quyền tác giả cho phù hợp với thực tế đời sống.

Pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tác giả tại chương II của Luật SHTT 2005, theo đó có thể hiểu quyền tác giả theo hai phương diện: Về phương diện khách quan thì quyền tác giả là tổng hợp các quy phạm pháp luật về quyền tác giả nhằm xác nhận và bảo vệ quyền của tác giả, của chủ sở hữu quyền tác giả. Xác định nghĩa vụ của các chủ thể trong việc sáng tạo và sử dụng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Quy định trình tự thực hiện và bảo vệ các quyền đó khi có hành vi xâm phạm. Về phương diện chủ quan thì quyền tác giả là quyền dân sự (quyền tài sản, quyền nhân thân) của chủ thể với tư cách là tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và quyền khởi kiện hay không khởi kiện khi quyền của mình bị xâm phạm1.

Từ khái niệm về quyền tác giả có thể thấy hoạt động bảo hộ quyền tác giả nhìn chung là việc pháp luật đề ra các quy định để trao những quyền nhất định liên quan đến tác phẩm cho các tác giả, các chủ sở hữu quyền tác giả. Hoặc là cấm các hành vi phi pháp xâm phạm vào quyền tác giả nhằm bảo vệ các quyền lợi cá nhân và lợi ích kinh tế của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trong mối liên quan với các tác phẩm của mình. Theo đó việc bảo hộ quyền tác giả một cách hoàn chỉnh gồm ba công việc là trao quyền, xử lý hành vi vi phạm và áp dụng các biện pháp thi hành trong hoạt động tố tụng chống vi phạm đối với các hành vi xâm hại đến những quyền lợi hợp pháp của các chủ thể quyền.

Nội dung của quyền tác giả

1 Giáo trình Luật SHTT trường đại học luật Hà Nội, NXB. Công an nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.33

Từ khai niệm quyền tác giả có thể thấy nội dung quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.

Quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm là các quyền mang yếu tố tinh thần của chủ thể đối với tác phẩm, thông thường, về bản chất, các quyền nhân thân luôn gắn liền với chủ thể nhất định và không thể chuyển dịch được (trừ quyền công bố hoặc cho người khác công bố tác phẩm). Quyền nhân thân bao gồm quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản. Các quyền nhân thân không gắn với tài sản là những quyền gắn liền với các giá trị nhân thân của tác giả và không thể chuyển giao, bao gồm ba quyền: quyền được đặt tên tác phẩm, đứng tên tác phẩm và bảo vệ sự toàn vẹn của nội dung tác phẩm. Các quyền này ảnh

hưởng trực tiếp đến uy tín và danh dự của tác giả, tồn tại một cách độc lập đối với quyền tài sản, gắn liền với tác giả kể cả khi quyền sử dụng, định đoạt tác phẩm đã được chuyển giao. Do vậy pháp luật quy định về bảo hộ vô thời hạn đối với các quyền này. Mặc dù quyền nhân thân

không gắn với tài sản cũng là quyền quan trọng, nhưng quyền quan trọng nhất trong tất cả các nội dung của quyền tác giả là các quyền nhân thân gắn với tài sản. Đó là quyền cho hay không cho người khác sử dụng tác phẩm. Chính từ này làm phát sinh bản chất độc quyền của quyền tác giả. Tính độc quyền thể hiện ở chỗ tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm có quyền cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm.

Quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm là các quyền mang yếu tố kinh tế của tác giả, chủ sở hữu đối với tác phẩm, đó là các lợi ích vật chất có được từ tác phẩm mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có quyền được hưởng. Theo luật Việt Nam, quyền tài sản bao gồm quyền sử dụng và quyền được khai thác tác phẩm dưới các hình thức do pháp luật quy định và chuyển giao các quyền này cho những người khác. Một số quyền tài sản như quyền được hưởng nhuận bút, thù lao hoặc hưởng các lợi ích vật chất khác khi tác phẩm được sử dụng (làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm, sao chép tác phẩm…). Tất cả các hành vi khai thác, sử dụng tác phẩm đều phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Ngoài các quyền tài sản và quyền nhân thân này, cũng có các quyền tác giả bao gồm cả hai

loại quyền đó, như quyền về phóng tác hoặc về dịch, thuộc nhóm quyền làm tác phẩm phái sinh, phản ánh các quyền lợi nhân thân liên quan đến tới sự toàn vẹn của tác phẩm gốc và các quyền

lợi kinh tế về việc khai thác tác phẩm đó dù là dưới hình thức đã được phóng tác, cải biên, chuyển thể, chuyển ngữ2.

Cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền tác giả và biểu hiện trong pháp luật về quyền tác giả ở việt nam
Cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền tác giả và biểu hiện trong pháp luật về quyền tác giả ở việt nam

Nguyên tắc cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền tác giả và biểu hiện trong pháp luật Việt Nam

Nguyên tắc cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền tác giả

Cân bằng lợi ích là sự cân xứng giữa quyền lợi của các bên trong một mối quan hệ được pháp luật điều chỉnh. Từ khi nhân loại có nhận thức về việc bảo hộ quyền SHTT thì nguyên tắc này đã ra đời. Ngay trong trong đạo luật đầu tiên về quyền tác giả: Đạo luật Anne 1710, các nhà lập pháp đã quy định về tính độc quyền của quyền tác giả song đây không hẳn là một sự độc quyền mang tính tuyệt đối. Họ thấy rằng lợi ích cá nhân luôn phải được đặt lên bàn cân với lợi ích của tập thể, do đó các nhà làm luật phải cân đo đong đếm làm sao để vừa bảo vệ lợi ích của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm cũng vừa đảm bảo lợi ích của xã hội được tiếp cận sử dụng tác phẩm đó.

Ngày nay khi xã hội càng phát triển thì giá trị của những tác phẩm ngày càng cao hơn, pháp luật đứng trước bài toán phải làm sao vừa bảo vệ tính toàn vẹn của quyền tác giả đứng trước nguy cơ bị xâm phạm bởi tốc độ số hóa của xã hội đồng thời phải có giải pháp để giúp công chúng tiếp cận và khai thác các tác phẩm đó. Rõ ràng có thể thấy được các tác phẩm được tạo lên từ sự sáng tạo của trí óc và sự lao động miệt mài hoặc phải bỏ ra một chi phí thích đáng để nắm giữ quyền sở hữu. Do vậy việc bảo hộ quyền tác giả sẽ kích thích sự sáng tạo, đảm bảo một cộng đồng SHTT an toàn cho các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm từ đó thúc đẩy phát triển nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên nếu chỉ chăm chăm bảo vệ cho tác giả, các chủ sở hữu tác phẩm thì vô hình chung sẽ tạo ra sự lạm dụng độc quyền của tác giả. Việc độc quyền sẽ dẫn đến tăng các chi phí giao dịch trong xã hội – chi phí của những người muốn sở hữu hay sử dụng các sản phẩm trí tuệ này. Khi đó, các chủ thể độc quyền sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao, khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt hại (họ phải trả tiền cho sản phẩm với giá thành đôi khi cao hơn lợi ích mà họ có thể thu được từ sản phẩm đó). Khi mà công chúng không có khả năng tiếp cận các tác phẩm trí tuệ vô hình chung đã xâm phạm vào những nguyên tắc về quyền con người cơ bản, khi con người không chỉ có quyền sống, quyền tự do, mà họ còn có quyền tiếp cận tri thức nhận loại. Lợi ích giữa tác giả và xã hội lúc này vừa mâu thuẫn cũng vừa bổ trợ cho nhau. Tác giả

2 Công ước BERNE, Điều 1; Công ước Quyền tác giả Toàn cầu (UCC) , Điều I

muốn các tác phẩm của mình phổ biến rộng rãi ra công chúng và có được các lợi ích kinh tế từ nó. Một bên muốn tiếp cận, khai thác tác phẩm với chi phí hợp lý nhất. Rõ ràng một bên muốn thành quả sáng tạo của mình phổ biến, một bên giúp cho thành quả đó trở lên phổ biến. Sự mâu thuẫn chỉ xuất hiện khi liên quan đến vấn đề kinh tế khi một bên muốn bán với giá cao, còn một bên muốn mua với giá thấp. Lúc này để giải quyết mâu thuẫn, cân bằng lại lợi ích các bên thì pháp luật với vai trò là một công cụ điều tiết xã hội đề ra các quy định để đảm bảo hai yếu tố: thứ nhất là sự bảo hộ quyền tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Thứ hai là đảm bảo công chúng tiếp cận tri thức rộng rãi. Chỉ khi pháp luật đảm bảo được hai yếu tố này hài hòa với nhau thì xã hội mới có thể phát triển được.

Biểu hiện của nguyên tắc cân bằng lợi ích trong pháp luật về quyền tác giả ở Việt Nam

Nguyên tắc “Cân bằng lợi ích” của chủ SHTT và lợi ích của xã hội được thể hiện xuyên suốt từ quá trình xác lập quyền, thực thi quyền và bảo vệ quyền SHTT cụ thể tại điều 7 Luật

SHTT Việt Nam quy định: “Việc thực hiện quyền Sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan” và “trong trường hợp nhằm đảm bảo mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội quy định tại Luật này, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp”. Từ quy định trên có thể thấy nguyên tắc cân bằng lợi ích thể hiện chủ yếu ở các nội dung sau: Quy định việc thực hiện quyền trong mối tương quan với lợi ích xã hội; Quy định giới hạn của chủ sở hữu quyền SHTT về thời hạn bảo hộ; Quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, trả thù lao; Trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao.

Nguyên tắc cân bằng trong việc thực thi quyền tác giả

Công dân có thể làm những gì pháp luật không cấm, quy định này đặt ra nhằm hướng tới lợi ích chung cho toàn xã hội. Xã hội được hình thành bởi sự liên kết giữa con người với con người.

Sự liên kết này tồn tại nhờ những quy tắc chung được tất cả đồng ý tuân theo. Những quy tắc chung ấy bảo vệ những lợi ích cơ bản duy trì sự tồn tại của con người, và nó được coi là lợi ích của Nhà nước. Do vậy khi cá nhân thực hiện quyền tác giả của mình phải luôn đảm bảo việc thực hiện quyền đó không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan. Không những thế, trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền tác giả thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể đó phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp. Bên cạnh đó để đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích của chủ sở hữu cũng như của cộng đồng xã hội, pháp luật quy định công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh. Như vậy đối với một tác phẩm có nội dung vi phạm pháp luật như tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước thì sẽ không được bảo hộ quyền tác giả.

Nguyên tắc cân bằng trong thời hạn bảo hộ quyền tác giả

Tính độc quyền của quyền tác giả (trừ quyền nhân thân) chỉ diễn ra trong thời gian bảo hộ theo quy định của pháp luật mà cụ thể pháp luật Việt Nam quy định đối với tác phẩm di cảo thời hạn bảo hộ là 50 năm kể tính từ ngày đầu tiên tác phẩm được công bố. Đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm nhiếp ảnh, điện ảnh, tác phẩm khuyết danh thời hạn bảo hộ là 75 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu. Đối với trường hợp tác phẩm chưa được công bố trong thời hạn là 25 năm kể từ khi tác phẩm được hình thành thì thời hạn bảo hộ trong trường hợp này là 100 năm. Các loại hình tác phẩm còn lại ( văn học – nghệ thuật) thì thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả qua đời. Tại một số quốc gia Châu Âu thì thời hạn này là 70 năm sau khi tác giả qua đời. Năm tính trong thời hạn bảo hộ quyền tác giả được tính như sau: thời hạn bảo hộ sẽ chấm dứt vào 24h ngày 31 tháng 12 năm cuối cùng của thời hạn bảo hộ quyền tác giả theo quy định. Hết thời hạn bảo hộ này tác giả sẽ không còn quyền tài sản, chỉ còn quyền nhân thân (trừ quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm), tác phẩm sẽ thuộc quyền khai thác tự do của công chúng tức là ai cũng có thể sử dụng

tác phẩm đó vào mục đích cá nhân một cách hợp pháp mà không bị ngăn cản bởi bất kỳ một chế định pháp luật như: quyền chế tác, quyền cải biên, chuyển thể… Dĩ nhiên kể cả khi được khai thác tự do thì pháp luật vẫn phải bảo vệ những quyền nhân thân cố hữu như quyền lưu bút danh, quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm và không làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tác giả, theo đó việc sử dụng tác phẩm không được làm mất đi bản chất của tác phẩm và phải thể hiện tên của tác giả.

Việc quy định về thời hạn bảo hộ quyền tác giả có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc cân bằng lợi ích giữa tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và công chúng. Nếu thời hạn bảo hộ hợp lý sẽ giúp tác giả có thể kiếm lại lợi nhuận bù đắp chi phí, sức lao động bỏ ra cho tác phẩm. Đồng thời giúp công chúng tiếp cận, khai thác được tác phẩm trong khoảng thời gian hợp lý tránh trường hợp tác phẩm quá lạc hậu để khai thác.

Nguyên tắc cân bằng trong các trường hợp sử dụng tác phẩm  không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, trả thù lao.

Bắt nguồn từ học thuyết sử dụng hợp lý (Fair use) của Hoa kỳ và được ghi nhận trong tu chính án số 1 của hiến pháp Hoa kỳ, hiện nay học thuyết này đã trở thành một nguyên tắc cơ bản trong pháp luật về sở hữu trí tuệ. Học thuyết sử dụng hợp lý ghi nhận rằng việc áp dụng cứng nhắc luật bản quyền trong một số trường hợp nhất định là không hợp lý hoặc có thể kiềm chế sự sáng tạo hay ngăn người khác tạo tác phẩm gốc một cách không phù hợp. Điều đó sẽ gây tổn hại cho công chúng. Vì thế, học thuyết cho phép mọi người sử dụng tác phẩm có bản quyền của người khác mà không cần được phép trong một số trường hợp nhất định. Về nguyên tắc khi sử dụng tác phẩm thì người sử dụng phải xin phép và phải trả thù lao nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Tuy nhiên trong một số trường hợp để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm nhằm mục đích nghiên cứu, giảng dạy hoặc một số mục đích phi lợi nhuận khác thì luật cho phép các đối tượng này được sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Thực tế cho thấy bản chất của hành vi này không xâm phạm vào quyền tài sản và quyền nhân thân của tác giả mà còn giúp cho tác phẩm được lưu truyền và phổ biến rộng rãi hơn thực tế đây là một hình thức sử dụng tác phẩm phi kinh tế khi yếu tố mẫu thuẫn về kinh tế không tồn tại, tác giả không được hưởng tiền thù lao và công chúng cũng không được khai thác kinh tế trên tác phẩm đó. Lợi ích của hai bên trong trường hợp này thể hiện sự cân bằng rõ ràng nhất.

Các trường hợp này cũng được thể hiện rõ ràng trong các điều ước quốc tế về quyền tác giả và trong pháp luật Việt Nam. Ví dụ, Công ước Berne – điều ước quốc tế đa phương đầu tiên về quyền tác giả cũng quy định trong những trường hợp nhất định quốc gia thành viên có quyền quy định việc sao chép3, trích dẫn, in lại, phát sóng lại4….với mức độ phù hợp với thông lệ, không nhằm mục đích kinh doanh và không xâm hại tới việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây thiệt hại bất hợp lý cho những quyền lợi hợp pháp của tác giả thì việc sử dụng đó không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm trong những trường hợp này phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm được sử dụng. Tuy nhiên, Công ước Berne chỉ quy định nguyên tắc chung về các trường hợp sử dụng tác phẩm mà không cần xin phép, không cần trả tiền còn các quốc gia thành viên được quyền quy định cụ thể vấn đề này trong pháp luật quốc gia5.

Tại Việt Nam, có 10 trường hợp sử dụng tác phẩm không cần xin phép, không cần trả tiền được liệt kê trong Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ. Nhìn chung các trường hợp này đều thỏa mãn ba đặc điểm sau để việc sử dụng tác phẩm là hợp pháp: Thứ nhất, tác phẩm ở đây đã được công bố; Thứ hai, việc sử dụng phải hoàn toàn vì mục đích phi thương mại như: nghiên cứu khoa học, giảng dạy, cung cấp thông tin, giới thiệu tác phẩm…; Thứ ba, việc sử dụng không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thưởng tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác già, chủ sở hữu quyển tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm (tôn trọng các quyền của tác giả). Nhìn chung việc quy định các trường hợp không phải xin phép và không phải trả nhuận bút, thù lao có ý nghĩa nhất định trong thực tế đời sống nhất là đối với các trường hợp ở vùng có hoàn cảnh khó khăn dẫn đến việc tiếp cận tri thức mới cũng gặp nhiều khó khăn thì việc quy định việc sử dụng các tác phẩm đã được công bố mà không cần xin phép và cũng không phải trả chi phí nhuận bút, thù lao cho tác giả là hợp

3 Điều 9 công ước Berne

4 Điều 10 công ước Berne

5 Ths.Lê Thị Nam Giang, Nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích của xã hội, Tạp chí KHPL số 02/2009, tr.7

lý. Một mặt quy định này giúp cân bằng lợi ích xã hội, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho những vùng miền trình độ còn thấp kém có khả năng tiếp cận với các tri thức mới.

Cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền tác giả và biểu hiện trong pháp luật về quyền tác giả ở việt nam
Cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền tác giả và biểu hiện trong pháp luật về quyền tác giả ở việt nam

Nguyên tắc cân bằng trong trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao.

Các trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền được quy định trong các điều ước quốc tế. Ví dụ, Điều 11 bis Công ước Berne cho phép pháp luật quốc gia thành viên có quyền quy định việc sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng thì không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền. Tuỳ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở mỗi nước mà quốc gia thành viên có quy định khác nhau về vấn đề này. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm trong trường hợp này phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm, đảm bảo sự toàn vẹn của tác phẩm. 6

Ngoài ra, Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ cũng ghi nhận trường hợp tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào sử dụng tác phẩm không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng7. Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật. Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.

Kết luận

Việt Nam là một nước đang phát triển và đang trên đà hội nhập sâu rộng với quốc tế, trong những năm qua chính phủ Việt Nam liên tục ký kết các hiệp ước song phương và đa phương liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ và ngày càng có tầm vóc trong cộng đồng sở hữu trí tuệ quốc tế ( năm 2019, lần đầu tiên kể từ khi gia nhập ASEAN Việt Nam đã đảm nhận nhiệm vụ

  • Ths.Lê Thị Nam Giang, Nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích của xã hội, Tạp chí KHPL số 02/2009, tr.8
  • Khoản 1, điều 26, Luật SHTT Việt Nam 2005

Chủ tịch Nhóm công tác về sở hữu trí tuệ của ASEAN)8. Trước tình hình đó có thể thấy hoạt động sở hữu trí tuệ quốc nội diễn ra mạnh mẽ thế nào và nhu cầu của người dân trong việc tiếp cận, khai thác các đối tượng của sở hữu trí tuệ là rất cao. Tuy nhiên thực tế rằng dù có nhu cầu cao nhưng có sở vật chất và điều kiện kinh tế, pháp lý của Việt Nam chưa đủ để thúc đẩy sáng tạo và bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ. Đối với quyền tác giả có thể thấy tràn lan việc sử dụng tác phẩm bừa bãi không xin phép, không trả phí mà một phần nguyên nhân cũng từ nhận thức chưa cao của cộng đồng về vấn đề bản quyền. Nhưng đánh giá khách quan, nếu như pháp luật quá bảo vệ quyền tác giả thì sẽ gây ra tình trạng lạm dụng độc quyền và dĩ nhiên như đã phân tích ở trên thì tình trạng lạm dụng độc quyền này sẽ gây ra những hệ quả tiêu cực cho xã hội.

Do vậy pháp luật cần tạo ra sự cân bằng trong mối quan hệ giữa tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và công chúng theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi.

Danh mục tài liệu tham khảo

  1. Giáo trình luật SHTT Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB.Công an nhân dân, Hà Nội, 2008
  2. Ths.Lê Thị Nam Giang, Nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích của xã hội, Tạp chí KHPL số 02/2009
  3. Trần Thị Thùy Dương, Luận văn thạc sỹ luật học: Pháp luật quốc tế và kinh nghiệm một số nước về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc, Khoa luật- ĐHQG Hà Nội, Hà Nội, 2016
  4. Bộ luật dân sự 2015, NXB Lao động, Hà Nội
  5. Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019), NXB chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội

Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền tác giả và biểu hiện trong pháp luật về quyền tác giả ở Việt Nam. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.

phone-call

GỌI HỎI ĐÁP MIỄN PHÍ

Scroll to Top